Sách sci-fi ở Việt Nam: Đường xa, ta cứ đi!

06:15 CH @ Chủ Nhật - 12 Tháng Bảy, 2009

>> Xem thêm:Xứ Cát - tiểu thuyết khoa học giả tưởng lớn của thời đại

Gần đây, các phương tiện truyền thông đã hào hứng loan báo "Sự trở lại của sách khoa học viễn tưởng (sci-fi) ở Việt Nam" nhân việc ra mắt hai cuốn sách Xứ CátKiến . Nhưng sự trở lại này hứa hẹn những gì, liệu có dễ dàng, thuận lợi? Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Tiễn Cao Đăng – dịch giả cuốn Xứ Cát , cũng là một người ấp ủ rất nhiều kế hoạch với thể loại sci-fi vốn rất kén người đọc.

- Trước hết, chúc mừng dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã hoàn thành việc chuyển ngữ một tác phẩm "đồ sộ" là Xứ Cát. Theo nhận định của nhiều người, đây là một cuốn khó dịch, đặc biệt nhiều thuật ngữ lạ lẫm. Vậy anh có hoàn toàn hài lòng với bản dịch của mình không? Động lực nào giúp anh vượt qua đến 707 trang sách này?

- "Hoàn toàn" thì chắc chắn là không. Có lẽ chẳng có ai, hay rất ít dịch giả, nhà văn nào có thể nói thế về một cuốn sách của mình. Tuy nhiên, động lực thì rất giản dị: Xứ Cát là một cuốn sách hay mà tôi muốn chia sẻ với mọi người.

- Trong buổi giới thiệu cuốn sách, anh có nói rất nhiều về hứng thú đặc biệt với thể loại sci-fi, về những bộ phim, sách truyện sci-fi mà anh đã xem từ khi còn nhỏ. Những "kiến thức" đã tích luỹ được trợ giúp cho anh ra sao trong quá trình chuyển ngữ Xứ Cát ?

Khoa học viễn tưởng (Science Fiction) thường được viết tắt là SF hoặc sci-fi, là một phạm trù rất rộng của của khái niệm viễn tưởng bao gồm những suy đoán về khoa học hoặc công nghệ của hiện tại hoặc tương lai.

- Chúng đóng vai trò như một thứ "nền tảng" (background) về tri thức, trí tưởng tượng, cảm hứng, v.v. liên quan đến sci-fi thì đúng hơn là trợ giúp một cách cụ thể. Chẳng hạn, nếu nói riêng về thuật ngữ thì thuật ngữ trong Xứ Cát là độc nhất vô nhị. Chúng làm gì có ở các nhà văn sci-fi khác! Mỗi nhà văn sci-fi lớn và mỗi cuốn sci-fi hàng đầu là cả một thế giới riêng biệt.

- Nên anh có nhấn mạnh rằng muốn hiểu tường tận Xứ Cát thì phải gom góp đủ back-stories (các câu chuyện phụ trợ). Anh có nghĩ đến việc "khởi tạo" hẳn một "cộng đồng độc giả Xứ Cát " đông đúc như cách fan trên toàn thế giới của cuốn này đã làm ra dune.wikia.org hay không? Vì thực ra độc giả Việt Nam không phải ai cũng giỏi ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ trong lĩnh vực sci-fi này?

- Cái đó thực tình tôi chưa nghĩ tới. Có lẽ một phần vì còn phải đợi xem cùng với thời gian, liệu chúng tôi có thể tạo ra được một "fanbase" kha khá hay không. Ý tôi nói là, cần xem xét khả năng thực tế để làm chuyện đó, dựa trên những chỉ số rất thực tế như là doanh số bán sách. Ở Mỹ chẳng hạn, người ta làm như thế là chuyện bình thường vì sci-fi đã có một lượng độc giả rất lớn rồi. Ở ta, sci-fi rõ ràng chưa thể sánh với thể loại "văn học kỳ ảo" (fantasy) chẳng hạn về chuyện thị phần.

Ai sẽ "giành đất" cho sci-fi?

- Vậy theo ý anh, có phải là sách văn học kỳ ảo (fantasy) như là Eragon, Harry Porter hay bộ Twilight(Chạng vạng) được độc giả Việt Nam đón nhận rất nồng nhiệt (thậm chí có thể coi là cơn sốt) cũng là một trở ngại cho việc dòng sách sci-fi phổ biến hơn?

Khoa học viễn tưởng (sci-fi) khác với huyễn tưởng-kỳ ảo (fantasy) ở chỗ, xét trong bối cảnh câu chuyện, các yếu tố tưởng tượng của sci-fi có khả năng rất cao sẽ trở thành sự thật nếu hội đủ những điều kiện khoa học hoặc những tiền đề khoa học tự nhiên cần thiết (mặc dù có nhiều yếu tố tưởng tượng trong một câu chuyện vẫn chỉ thuần tuý mang tính chất không tưởng).

- Ồ, tôi không nghĩ vậy. Theo tôi, sách cũng như bất cứ mặt hàng nào khác, càng có nhiều sản phẩm đa dạng thì càng có lợi cho công chúng, người ta càng có nhiều thứ ngon/hay/tốt để chọn thì càng tốt chứ sao.

Chỉ là, bên cạnh những sách fantasy, chick-lit hay các thể loại văn học khác, chúng tôi muốn đưa thêm vào một "món" hay và mới, hy vọng một số bạn đọc sẽ quan tâm tới nó. Vấn đề dĩ nhiên là không chỉ tìm và dịch những sách sci-fi hay mà còn phải chú trọng quảng bá nó.

- Trong một bài trả lời phỏng vấn, anh có nói: Việc độc giả còn chưa biết nhiều đến dòng sách sci-fi, đến các tác giả và tác phẩm sci-fi "không hẳn là lỗi của chính độc giả". Vậy theo anh, trách nhiệm ấy sẽ thuộc về ai?

- Tôi nghĩ, đặt vấn đề "trách nhiệm" của ai trong việc "tại sao" như thế là không đúng. Công chúng ở ta chưa quan tâm đến sci-fi, theo tôi, là điều bình thường. Có lẽ rằng, hơi khác với fantasy, sci-fi đòi hỏi ở người đọc nhiều hơn cho nên, có lẽ cũng dễ nhận thấy rằng: sci-fi thịnh vượng hơn hết ở chính các nước phát triển nhất, có trình độ khoa học-công nghệ-văn hoá cao nhất như Mỹ, Nhật Bản, Liên Xô (cũ). Vấn đề là nâng tầm công chúng đọc của chúng ta lên. Nâng dần từng tí một, và không nóng vội.

- Các đơn vị phát hành sách thì mang tới nhiều "sản phẩm" sci-fi hơn và giới truyền thông dành "đất" cho sci-fi nhiều hơn. Hẳn đó là những cách để công chúng chú ý nhiều hơn đến dòng sách này?

- Dĩ nhiên rồi. Nếu không có phần đóng góp rất lớn của giới truyền thông thì Harry Potter, Twilight hay tiểu thuyết của Marc Lévy dễ gì thành công đến thế ở Việt Nam, đúng không?

- Phải thừa nhận như thế. Chúng ta có thể quan sát được là những bộ phim sci-fi đình đám như là Star Wars, hay gần đây nhất là Star Trek hay các phim siêu anh hùng (Watchmen, Wolverine.v.v...) cũng gây sốt với khán giả trẻ. Liệu từ chỗ xem một bộ phim sci-fi đến việc say mê nghiền ngẫm bộ ba Kiến hay 707 trang sách Xứ Cát có xa lắm không, thưa anh?

- Có lẽ là hơi xa. Nhưng bao giờ chẳng vậy, các sản phẩm nghe-nhìn (phim, nhạc...) bao giờ lại chẳng dễ đến với công chúng hơn. Tuy nhiên, dần dần, một bộ phận công chúng rồi sẽ quan tâm đến các tác phẩm văn học vốn là nền tảng, nguồn cảm hứng... của các bộ phim đó. Chắc bạn cũng thấy là số người mê đọc sách luôn luôn ít hơn số người mê phim.

Star Trek, Star Wars - những bộ phim sci-fi "bom tấn" trên thế giới nhận được sự đón chào nồng nhiệt của khán giả trẻ Việt Nam. Nguồn: imdb.com

- Thực tế là, các độc giả Việt Nam đã từng có những cuốn sách "gối đầu giường" và kinh điển trong dòng sci-fi, gắn liền với cả một thế hệ như là Solaris, Hai vạn dặm dưới biển. Vậy tại sao "ngày xưa", khi trình độ KHKT chưa được phát triển như hiện nay thì sách sci-fi lại được ưa chuộng. Còn giờ đây thì vai trò của nó lại "mờ nhạt" hơn?

- Đây có lẽ là vấn đề lịch sử. Bản thân tôi, cách đây trên 20 năm, từng là "fan ruột" của một số sách sci-fi được dịch và in vào thời đó. Nhưng, những ai từng sống vào thời bao cấp đều biết rõ: những món ăn tinh thần hồi đó nghèo nàn như thế nào! Bố mẹ, anh chị của bạn chắc hẳn đều có thể nhớ rõ điều ấy. Người ta làm gì có lắm phim, nhạc, sách... như bây giờ, Internet lại càng không!

Bản thân tôi từng dự một cuộc toạ đàm tại Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM vào khoảng năm 1985 hay 86. Ở đó cử toạ rất đông, hầu hết là thanh niên, họ tranh luận rất sôi nổi và rất sâu sắc về Trăm năm cô đơn của Garcia Marquez. Liệu bạn có thể hình dung cảnh đó diễn ra bây giờ không? Chắc chắn là có thể, chỉ có điều không phải bàn về Marquez.

Nói thế không phải hàm ý rằng thanh niên-sinh viên thời đó mê sách hoặc có ý thức đọc sách hơn bây giờ, mà đơn giản là hồi đó họ có rất ít thứ để đọc-xem-nghe-quan tâm, nên thay vì đọc Harry Potter như thanh niên bây giờ thì họ đọc Marquez.

- Có lẽ vì vậy nên báo chí đã đồng loạt hân hoan giật tít nhân ra mắt Xứ Cát và Kiến là "Sự trở lại của văn học viễn tưởng ở Việt Nam"?

- Đúng là như thế.

Cùng với Solaris hay Hai vạn dặm dưới biển, độc giả Việt Nam cần có thêm nhiều lựa chọn sách sci-fi phong phú nữa.

"Để (độc giả) nước ta bằng vai phải lứa với năm châu"

- Nhưng, liệu có lo ngại rằng một khi đã quen với thứ cảm giác "trở lại thời ấu thơ" êm đềm mà những cuốn sách fantasy mang lại thì "nhấc người" ra khỏi xứ sở thần tiên ấy để quay lại với lối tư duy logic và "vượt không gian, thời gian" của sci-fi là một việc "thiên nan vạn nan" không, thưa anh?

- Ồ, khó thì khó đấy, nhưng việc cần làm thì phải làm. Nói thì nghe hơi to tát nhưng quả thật là khi thấy công chúng đọc nước ta, nhất là giới trẻ có "gu" đọc quá hẹp thì tôi và một số người khác cảm thấy bất an. Việc chúng tôi làm chỉ là để góp phần hoàn thiện cộng đồng mà thôi.

Tôi nghĩ, khi chúng tôi góp phần làm cho một bộ phận công chúng quan tâm và dần yêu thích sci-fi cũng như văn chương "cao cấp", ấy là chúng tôi đang góp phần rất thiết thực để hiện thực hoá cái gọi là "làm cho (độc giả) nước ta bằng vai phải lứa với năm châu".

- Vậy thì, ở vị trí một độc giả bình thường và biết rằng anh Trần Tiễn Cao Đăng vốn yêu mến, hiểu biết rất nhiều về sci-fi, có thể hi vọng là anh sẽ gợi ý cho những cách tiếp cận với thể loại văn học này?

- Cái này thì e khó bạn ạ. Nói gì thì nói, sci-fi là một trong nhiều thể loại văn học-điện ảnh, nó chẳng có gì để bảo là "hơn" fantasy, trinh thám, kinh dị, v.v... Người này thích sci-fi, người nọ không "tiêu hoá" nổi sci-fi mà chỉ mê thể loại "kinh dị", chẳng hạn thế. Làm sao có thể phán xét và hướng dẫn được!

Vấn đề là, như tôi nói: cần "khơi dậy", hay "khơi lại" mối quan tâm của một bộ phận công chúng đối với sci-fi. Điều đó không hề hàm ý loại trừ bớt một số fan của fantasy hay chick-lit. Người ta có thể vừa mê fantasy vừa là fan của sci-fi, tại sao không?

- Ý của tôi ở đây là, ví dụ khi bắt đầu nghe nhạc Jazz, nhạc cổ điển, người có kinh nghiệm hơn sẽ hướng dẫn là nên nghe bài này trước, bản này sau, đó như là tiếp cận dần dần: cái gì dễ nghe trước, cái gì khó nghe sau để "ngấm" từ từ. Vậy như anh thấy, ở thị trường sách Việt Nam, nếu muốn "ngấm" từ từ như thế với sci-fi thì một độc giả bình thường nên tìm đến những cuốn nào đầu tiên?

- Tôi nghĩ, để đọc sci-fi thì trước hết phải có quan tâm tới khoa học đã, chứ nếu bạn chưa hề thích khoa học, không quan tâm tới thuyết tương đối hay biến đổi gen, ví dụ vậy thì e cũng khó. Trước hết, đây là vấn đề thiên hướng của tư duy, nếu như bạn có xu hướng bẩm sinh thích tưởng tượng một cách có logic thì có lẽ bạn sẽ đến với sci-fi một cách tự nhiên.

Mặt khác, dĩ nhiên sci-fi cũng rất phong phú. Có những cuốn rất khó, theo nghĩa là độ phức tạp ở các lập luận khoa học của nó, cái mà trong giới người ta gọi là "hard sci-fi". Loại này thì dân "ngoại đạo" có lẽ khó tiếp cận hơn thật.

Tuy nhiên, lại có những tác giả chỉ dùng một số yếu tố mang tính khoa học như một thứ “phông nền”, hoặc chỉ "bịa ra" những lý thuyết khoa học chưa hề có ở vài nét khái quát nhất, còn thì sự hấp dẫn chủ yếu vẫn là ở cốt truyện, tình tiết, tâm lý nhân vật... Trong giới người ta gọi là "soft sci-fi", loại này thì chắc dễ "tiêu hoá" hơn. Kiến chắc là thuộc loại thứ hai này. Còn Xứ Cátthì thuộc loại trước bởi vì, tuy rất hấp dẫn nhưng cũng khá là "nặng đô" theo nghĩa khoa học.

- Vậy thì cụ thể, cuốn sách dòng sci-fi mà Nhã Nam sẽ giới thiệu tiếp đến độc giả là gì, thưa anh?

- Ồ, cái này thì cho phép chúng tôi giữ bí mật tới thời điểm thích hợp. Tủ sách càng phát triển thì các tiểu loại sẽ dần dần góp mặt đủ. Sẽ có time travel (du hành xuyên thời gian) này, sci-fi về sinh học này, sci-fi về robot này, sci-fi về chinh phục vũ trụ này.

Cụ thể, chúng tôi đang cân nhắc một số đầu sách thuộc hàng "kinh điển" của dòng sci-fi, trong đó có một số tác phẩm khác của hai tác giả Frank Herbert và Bernard Werber. Rất mong sẽ ngày càng "giành" được nhiều người đọc hơn.

Xin cảm ơn dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và chúc anh sẽ "giành" được nhiều độc giả hơn về cho sci-fi!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự thật về thiên thần, ác quỷ và phản vật chất

    29/04/2014Hạ Đan (Theo LiveScience)Trong bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Thiên thần và Ác quỷ", một vụ nổ phản vật chất đe dọa sẽ san bằng tòa thánh Vaticăng, nhưng trong thế giới thật, các nhà vật lí không hề bận tâm bởi cốt truyện này...
  • Xứ Cát - tiểu thuyết khoa học giả tưởng lớn của thời đại

    15/06/2009Trần Tiễn Cao ĐăngThể loại khoa học giả tưởng vẫn thường bị một số người trong giới học thuật - phê bình hàn lâm coi là “genre literature”, hiểu theo nghĩa nào đó là văn chương hạng hai, không đủ tư cách ngồi chung chiếu với “great literature”, văn chương “lớn” hay “nghiêm túc”. Tuy nhiên, Xứ Cát của Franklin Patrick Herbert đích thực là một tác phẩm kinh điển của văn chương khoa học giả tưởng, và, về thực chất, là một cuốn sách kinh điển của văn chương.
  • Dòng sách best seller của Dan Brown

    27/07/2008Minh BùiThiên thần và ác quỷ (Angels and Demons) và Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) là 2 tiểu thuyết bán chạy nhất thế giới thể loại khoa học giả tưởng kết hợp trinh thám, giật gân và âm mưu đen tối của tác giả người Mỹ Dan Brown...
  • 2003 - Năm của Ma Trận

    03/08/2005Một năm, hai tập phim – đây chắc chắn sẽ là một cuộc cách mạng trong công nghệ làm phim. Ma Trận Tái Tải và Cuộc Cách Mạng Ma Trận đang xếp hạng đầu trong những phim được mong chờ nhất năm 2003...