Sẵn sàng để thành công

08:08 SA @ Thứ Bảy - 12 Tháng Mười Một, 2005

Ngày nay, có hàng trăm doanh nghiệp thành lập mỗi ngày, bắt đầu lao vào cuộc cạnh tranh tìm kiếm lợi nhuận. Vậy thì, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đó, các doanh nghiệp mới thành lập cần chuẩn bị những gì để có thể tồn tại và phát triển?

Sau đây là 6 kinh nghiệm được đúc kết từ rất nhiều doanh nhân thành đạt trên thế giới:

1. Nhạy bén với nhu cầu của khách hàng:

Có nhiều chủ doanh nghiệp rất khôn ngoan khi nói với nhân viên của mình rằng: “Khách hàng là người trả lương cho anh chứ không phải tôi”. Quả đúng như vây, nắm bắt và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng là con đường đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp mới thành lập càng phải luôn luôn đề cao nguyên tắc “khách hàng là thượng đế”. Vậy, phải làm thế nào để “thượng đế” của chúng ta hài lòng? “Bán hàng là quá trình giải quyết vấn đề”, một quyển sách đã nói như vậy. Người bán hàng phải nắm bắt được vấn để thực sự mà khách hàng đang gặp phải.Và chỉ với thái độ chân thành quan tâm đến nhu cầu của khách hàng thì người bán hàng mới có thể đưa ra giải pháp cho vấn đề của họ. Quá trình bán hàng sẽ diễn ra thành công, đem lại lợi nhuận và uy tín cho công ty.

2. Biết cách khai thác năng lực của nhân viên:

Nhận diện được người tài đã khó, giữ được họ còn khó hơn. Nhân viên được ví như người đầu bếp trong nhà hàng, không có đầu bếp thì không có những món ăn ngon phục vụ khách cũng như doanh nghiệp không có sản phẩm để bán. Nói như vậy để thấy được tầm quan trọng của nhân viên trong công ty. Nếu bạn muốn thực hiện ước mơ thành lập doanh nghiệp của riêng mình, bạn phải biết cách thắp sáng ngọn lửa nhiệt tình cống hiến cho công việc của nhân viên. Muốn truyền lửa cho họ thì trước tiên chính bạn phải có lửa. Không ai muốn làm việc cho một người luôn luôn là “hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm” - chỉ biết nói suông mà thôi. Một điều quan trọng khác mà chủ doanh nghiệp cần nhớ đó là phải luôn biết cách khuyến khích nhân viên. Bạn phải khen ngợi họ khi họ hoàn thành công việc, phải thưởng cho họ khi họ làm việc một cách xuất sắc,… Nhân viên của bạn sẽ cảm thấy thế nào khi được xếp khen ngợi? Họ sẽ rất tự hào và hãnh diện đồng thời họ tự động cảm thấy hưng phấn làm việc hơn để xứng đáng với những lợi khen ngợi đó. Cũng như nụ cười vậy, lời khen đem đến những hiệu quả không ngờ.

3. Tìm mọi cách thu hút các nhà đầu tư:

Một vấn đề quan trọng gắn liền với sự sống còn của doanh nghiệp là vốn. Không doanh nghiệp nào sống được chỉ nhờ nguồn vốn ban đầu mà phải luôn thu hút vốn từ các nhà đầu tư để mở rộng sản xuất. Nhưng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, các doanh nghiệp nhỏ và non trẻ gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn cho mình. Lời khuyên dành cho họ là hãy tìm cách tăng doanh số và sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ của công ty. Sự tín nhiệm của khách hàng đồng thời với việc doanh số liên tục tăng sẽ là bằng chứng minh họa cho các nhà đầu tư về một lợi nhuận tiềm năng mà họ sẽ có được nếu họ đầu tư vào đó.

4. Học cách thích nghi với sự thay đổi liên tục:

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Vạn vật luôn biến động và không ai có thể nói trước được điều gì mà chỉ có thể dự đoán được mà thôi. Những điều này lại càng nghiệm đúng trong lĩnh vực kinh doanh. Có thể ví người lãnh đạo như người lái tàu và doanh nghiệp như một con tàu vậy. Bình thường nước yên biển lặng, tàu trôi êm ả nhưng khi gặp sóng to gió lớn, người lái tàu phải thể hiện được khả năng của mình. Trước đó, anh ta phải dự đoán được cơn bão thông qua những dấu hiệu dựa trên kinh nghiệm của mình. Khi cơn bão đến, anh ta không những phải có một kỹ năng thuần thục mà còn phải có một bản lĩnh phi thường để đưa con tàu vượt qua bão tố. Là người quản lý, bạn phải biết cách lợi dụng những biến động bất thường để tạo nên lực đẩy cho con tàu của mình. Nếu biết cách chèo lái, con tàu của bạn có thể nương theo hướng gió để đến đích nhanh hơn nhiều so với khi trời yên bể lặng.

5. Đầu tư vào công nghệ:

Công nghệ giúp tiết kiệm nhiều chi phí: chi phí quản lý, chi phí sản xuất,… Ai cũng biết được lợi ích của công nghệ và bạn hãy biết cách tận dụng nó. Đầu tư vào công nghệ là đầu tư vào lợi nhuận trong dài hạn, hãy mạnh dạn!

6. Tận dụng tối đa Internet:

Thời đại này là thời đại công nghệ thông tin, với sự bùng nổ của Internet thì thật đáng tiếc nếu doanh nghiệp nào không biết cách khai thác nó. Lập một website để quảng bá sản phẩm của mình trên mạng là một việc mọi doanh nghiệp nên làm bởi vì đó là cách thức hiệu qủa nhất để doanh nghiệp mở rộng công việc kinh doanh không chỉ trong nước mà ra toàn cầu.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: