Sao không ai trả lời chị Phúc?

01:51 CH @ Thứ Sáu - 08 Tháng Mười, 2010
Xã hội xưa nay không tán thành hành vi tự sát. Trong đại đa số trường hợp, tự sát đồng nghĩa với sự yếu đuối, tránh né sự thật đau lòng hoặc tàn khốc mà nạn nhân của nó không đủ dũng khí để đương đầu, chịu đựng hoặc gánh lấy trách nhiệm.

Tuy nhiên, cái chết đau đớn bằng cách tự treo cổ trong tâm thế tuyệt vọng trước nỗi oan khuất “ kêu trời không thấu” của chị Đào Thị Phúc, một người mẹ trẻ hiền dịu, một nông dân chất phác thật thà ở tận xã nghèo vùng sâu Ea H’đing huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk mà báo Tiền Phong vừa phản ánh trong bài “Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng” khởi đăng ngày 7-10-2010 đã khiến dư luận chấn động, nghẹn ngào thương xót.

Quá nhiều ý kiến chia sẻ cùng gia đình chị Phúc từ bạn đọc gửi đến báo Tiền Phong, hầu hết không tán thành với sự buông lỏng quản lý của Agribank Đắk Lắk, để cán bộ ngân hàng tiếp tay với cò lừa đảo chiếm đoạt tài sản của dân nghèo.

Độc giả thắc mắc hỏi vì sao dân không đến thẳng ngân hàng vay vốn mà lại chịu mất tới 10% số tiền vay qua tay cò? Nhiều độc giả nhức nhối kêu lên: Vì sao cơ quan chức năng không nhanh chóng vào cuộc làm rõ thủ phạm và mạnh tay trừng trị?!

Cái chết tức tưởi cùng lá thư tuyệt mệnh của chị Phúc đã gióng lên một hồi chuông báo động về những hậu quả đau thương, nghiêm trọng mà tệ nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác bằng mọi thủ đoạn mấy năm gần đây hoành hành khắp nơi như một dịch bệnh.

Người ta tự hỏi: Phải chăng luật pháp chưa đủ nghiêm minh, thậm chí tồn tại dai dẳng quá nhiều kẽ hở giúp bọn gian manh luồn lách, xem thường? Không ít vụ lừa đảo được nhà chức trách “dân sự hoá” hoặc bỏ sót người lọt tội, kẻ lừa vay dễ dàng tẩu tán tài sản, tuồn những khối của cải giá trị lớn cho thân nhân đứng tên trước sự bất lực của các chủ nợ.

Mới đây, một trung tá trong hàng ngũ lãnh đạo công an tỉnh Đắk Lắk từng mặc quân phục, đeo quân hàm cùng vợ đi lừa vay rồi xù nợ nhiều tỉ đồng đã chịu kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, ra khỏi ngành vì làm mất uy tín lực lượng (!)

Vì sao vị trung tá ấy lại chấp nhận đánh mất cả sự nghiệp lẽ ra đáng tự hào của mình, bằng cách dấn thân vào con đường phạm pháp với nguy cơ đứng trước vành móng ngựa?

Có hay không sự thật quanh dư luận những kẻ lừa đảo sẵn sàng trích bớt vài khoản tiền chiếm đoạt được để lo lót hối lộ, “cố đấm ăn xôi” nhằm làm giàu bất chính trên mồ hôi nước mắt người khác, bằng cách “hy sinh đời bố củng cố đời con?”.

Vụ lừa đảo do đôi vợ chồng Nguyễn Thị Hoa- Tôn Thất Vinh trú tại xã Hoà Thắng đã được nhiều người dân, trong đó có chị Đào Thị Phúc đánh động từ cuối năm ngoái, với rất nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo gửi đến các cơ quan công quyền.

Nhưng tiếc thay, chị Phúc đã mất lòng tin, đã tuyệt vọng vì không hề nhận được hồi âm, trong khi ngân hàng từng ngày hối thúc xiết nhà, tịch biên gia sản. Và mãi tới bây giờ, khi trên mồ chị Phúc cỏ bắt đầu lên xanh, vụ án vẫn chưa được khởi tố! Hoa-Vinh vẫn thách thức những người bị lừa và vẫn bình yên trước pháp luật.

Xót thương nào có ích gì, nếu vẫn không ai trả lời chị Phúc ?


Dân nghèo sập bẫy 'cò' ngân hàng
(Hoàng Thiên Nga, Tiền Phong)

Kỳ 1: Từ lá thư tuyệt mệnh của người vợ trẻ

Hàng chục người ở phố núi Buôn Ma Thuột u uất vì sập bẫy "cò" vay vốn ngân hàng. Một người vợ trẻ bị đẩy tới tận cùng của sự túng quẫn, do bị lừa, khiến chị phải gánh khoản nợ hàng trăm triệu đồng. Uất ức, bế tắc, chị tìm cái chết, để lại thư tuyệt mệnh và hai con thơ...


Chị Phúc ra đi, để lại người chồng và hai con thơ cùng gánh nợ hàng trăm triệu đồng


Tự tử vì kêu trời không thấu

Đầu năm 2008, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Hậu và Đào Thị Phúc, trú tại buôn Sang B, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk cần tiền mua rẫy trồng cà phê nhưng không biết làm cách nào để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Nghe nhiều người mách, vợ chồng Nguyễn Thị Hoa-Tôn Thất Vinh (trú tại 97 Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) chuyên làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, anh Hậu cùng vợ đã tìm đến nhà bà Hoa nhờ vay giúp 110 triệu đồng.

Theo lời kể của anh Hậu, khi đó, bà Hoa đưa ra điều kiện muốn vay vốn phải chi 10% hoa hồng (trên tổng số tiền vay) cho Hoa, đồng thời cho Hoa vay ké vào hồ sơ thêm 90 triệu đồng, khi đến hạn Hoa sẽ tự trả đủ cả gốc lẫn lãi phần vay ké. Vợ chồng Hậu- Phúc chấp nhận, giao sổ đỏ đất thổ cư của gia đình cho Hoa làm thủ tục vay giùm tại Phòng Giao dịch (PGD) Tân Lợi, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Đăk Lăk.

Khi làm xong thủ tục vay, Hoa nhận đủ 200 triệu nhưng chỉ đưa cho vợ chồng Hậu 80 triệu đồng. Hoa giải thích, giữ lại 30 triệu đồng để chi hoa hồng cho cán bộ ngân hàng và trả lãi trước 3 tháng. Một năm sau, PGĐ Phòng Giao dịch Tân Lợi gửi giấy báo nợ đến hạn, yêu cầu Hậu phải thanh toán 200 triệu đồng nợ cả gốc và lãi, nếu để quá hạn sẽ phải chịu lãi suất phạt bằng 150% lãi suất cho vay và xử lý theo pháp luật.

Mới sinh con được vài tháng, chị Phúc liên tục mượn xe máy chạy cả trăm cây số tới nhà Hoa đòi tiền. Hoa viết 1 giấy mượn tiền giao cho chị Phúc làm tin, xác nhận có mượn vợ chồng chị 90 triệu đồng nhưng không ghi bao giờ trả. Bên cạnh chữ ký ngày 25-3-2009, Hoa tự chú thích đã trả 2 lần được 4 triệu. Sau đó, Hoa hứa hẹn lần lữa nhưng không trả.

Chị Oanh kêu lên: Sao Ngân hàng lại cho người không hề được ủy quyền nhận tiền của tôi?
Cùng lúc, vợ chồng Hậu-Phúc biết tin rất nhiều người khác cũng bị Hoa đưa vào tròng như mình. Họ cùng làm đơn tố cáo vợ chồng Hoa-Vinh lừa đảo gửi đến các cơ quan chức năng nhưng chờ mãi không thấy hồi âm, trong khi đó cán bộ ngân hàng thì thúc hối trả nợ, bằng không anh Hậu sẽ bị tịch biên gia sản.

Trầm uất, tuyệt vọng, ngày 29-8-2010, chị Phúc bỏ nhà đi. Hai hôm sau, gia đình phát hiện xác chị treo lơ lửng bằng đoạn dây điện chập ba trong chòi rẫy của một hộ láng giềng trong buôn, để lại lá thư tuyệt mệnh. Chị Phúc mất đi để lại gánh nợ và 2 đứa con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ mới 14 tháng cho người chồng bất hạnh, cùng món nợ ngân hàng không biết khi nào trả nổi.

Khốn khổ vì cả tin

Từ cái chết của chị Phúc, chúng tôi, tìm hiểu, phát hiện nhiều người khác cũng sập bẫy cò Hoa. Chị Lê Thị Oanh ở buôn Sang B, gần nhà vợ chồng Hậu-Phúc, cũng là nạn nhân, bị cò Hoa đưa vào tròng.

Chị Oanh kể, vợ chồng chị mang bìa đỏ 4 lô đất đến nhờ Hoa vay giùm 700 triệu đồng tại PGD Tân Lợi. Làm xong thủ tục vay, ngày 16-1-2009, chị đến PGD Tân Lợi nhận tiền vay. Nữ thủ quỹ PGD tên An sau khi giao cho chị 230 triệu đồng rồi thông báo quỹ cạn tiền, hẹn chị Oanh sáng hôm sau tới lấy nốt. Bảng kê các loại tiền ngân hàng chi ra, chị Oanh mới ký mà chưa điền tên mình vào.

Sáng 17-1-2009, Oanh tới, thủ quỹ An bảo: Cô Hoa đã lấy tiền giúp chị rồi! Chị Oanh kêu lên: Sao Ngân hàng lại cho người không hề được ủy quyền nhận tiền của tôi? An lắc đầu: Chị gặp bà Hoa mà giải quyết. Oanh điện thoại, Hoa ngọt ngào xác nhận: Vâng em nhận tiền giùm chị rồi, chị sang nhà em đi. Oanh đến, Hoa tính toán: 700 triệu đồng trừ 10% hoa hồng, công làm thủ tục vay giúp là 70 triệu, trừ 230 triệu Oanh đã nhận, còn lại 400 triệu Hoa giữ lại mượn, hẹn 10 ngày sau sẽ trả.

Ráo riết tới lui đòi mãi, Oanh mới lấy được 100 triệu đồng, Hoa ghi giấy nợ 300 triệu đồng. Tới hạn, Hoa không trả, chồng chị Oanh biết chuyện vác cây cào cà phê phang vợ nứt xương tay. Uất quá, Oanh cùng nhiều chủ nợ khác làm đơn tố cáo Hoa gửi đến Công an thành phố Buôn Ma Thuột.

Tại trụ sở Công an thành phố ngày 15-12-2009, trước sức ép của đông đảo chủ nợ, Hoa viết giấy cam kết: Không kiện ngược lại tất cả các hộ đã kiện Hoa, trong đó có Oanh; Thừa nhận có các khoản “vay ké” của các hộ kiện mình tại PGD Tân Lợi, hứa sẽ cùng các hộ này trả đủ lãi và gốc số tiền vay ké khi đến hạn trả ngân hàng. Nếu sai xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật...

Trước đây, vợ chồng chị Oanh ngoài rẫy cà phê còn kinh doanh phân bón và buôn bán hàng tạp hoá lo cho hai con ăn học. Sau cú lừa của cò Hoa, chị Oanh cụt vốn, nghe con trai đang học Đại học TDTT Đà Nẵng xin tiền ăn học mà bất lực, chỉ biết khóc…



Lá thư tuyệt mệnh của chị Đào Thị Phúc

Ngày 18-7-2010 (âm lịch)

Thư con để lại mẹ và anh cùng 2 con yêu quý !

Hôm nay con cầm bút viết những dòng chữ này nhắn lại mẹ và anh cùng hai con. Mẹ tha lỗi cho tội bất hiếu của con. Anh tha lỗi cho em không làm tròn trách nhiệm một người vợ và một người mẹ. Nay em quyết định ra đi để tìm riêng cho mình một lối thoát. Trên cõi vĩnh hằng con sẽ phù hộ cho mẹ và anh cùng hai con, 2 con nhỏ dại chứ em còn sống làm cả đời cũng không trả nổi món nợ vay của ngân hàng về món tiền mà bà Hoa đã lừa lấy mất. Còn kiện thì luật pháp mấy ai tin.

Đã gởi đơn đi đủ cả các nơi, đến trung ương cũng chẳng làm gì. Từ tháng 12 năm 2000 (chị Phúc viết nhầm, thực tế là 2009 - NV) đến bây giờ họ có xử đâu. Con nghĩ tiền mình bà lấy chi cho công an. Chứ tiền ai mà bà tiếc. Có tiền là họ sẽ bao che và chạy tội. Còn mình thì mất nhà không chỗ che mưa.

Lá thư tuyệt mệnh của chị Phúc


Trước khi con mất đi, con còn nợ lại ông ngoại 15.000.000 đ và Dì Quý 300 kg cà (phê) nhân. Anh Hiên 97.000 đ. Còn họ nợ em, con anh Mậu nợ 400.000 đồng, chú Long 300.000 đồng, My Huôn 290.000 đồng, mợ Hoa 240.000 đồng. Số tiền họ nợ đó, anh lấy trả bớt cho ngoại anh nhé. Còn lại anh làm tiết kiệm bớt để trả cho ngoại nghe anh. Chứ ngoại già rồi không làm gì ra tiền khi đau ốm còn thuốc thang. Có vậy em mới siêu thoát được. Còn bà Hoa em sẽ ám bả ấy suốt đời đến khi chết em cũng không tha. Còn phần anh có thương em thì nuôi con nên người là em mãn nguyện lắm rồi. Em chỉ cầu xin anh vậy thôi. Phần mẹ, mẹ đừng quá đau buồn vì người con bất hiếu như con.

Mẹ có thương con thì thường xuyên xuống thăm 2 cháu, khi cháu đau ốm mẹ lo giùm con với mẹ nghe. Cuối thư con xin vĩnh biệt mẹ anh cùng hai con.

Phúc con yêu của mẹ

Pháp danh của con là Vạn Đức

Đào Thị Phúc sinh ngày 12-7-1980

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cán cân công lý đã lệch?

    10/12/2009Bùi Quang MinhMột vụ án mà rất nhiều đồng chí lãnh đạo Nhà nước, đại biểu Quốc hội quan tâm, dư luận bức xúc, báo đài phản ánh… mà tòa án – cơ quan đại diện của công lý vẫn có những phán quyết gây sốc cho từng người dân...
  • Sự "vô nghĩa" của pháp luật!

    23/04/2008Lê Thanh PhongTheo báo cáo của Bộ Tư pháp tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 19.4, năm 2007 có 311.443 án dân sự tồn đọng, không thi hành được, chiếm 48% số vụ việc...
  • Vì sao người dân thờ ơ với pháp luật

    09/07/2006Nguyễn Đức LamỞ Việt Nam hiện nay cùng với việc có những đạo luật làm ra hầu như "nằm phủ bụi" trên giá, nhưng nhiều đạo luật xã hội rất cần thì lại chưa có. Có một thực trạng cần sớm được khắc phục, đó là một bộ phận lớn dân cư hoặc chua biết đến luật, hoặc ác cảm, thờ ơ với luật, với toà án. Tại sao lại có tình trạng như vậy?