Sau Cách mạng 1789 sẽ là 2009?

09:35 SA @ Thứ Tư - 15 Tháng Bảy, 2009

Sophie Wahnich, chuyên gia nghiên cứu lịch sử của CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp), tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Cách mạng Pháp, đã phân tích sự năng động Đổi mới đang bắt đầu tăng tốc trong xã hội Pháp hiện nay, và thấy ở đó nhiều điểm chung với những thời khắc lịch sử khác của đất nước hình lục lăng này.

Nhân dân Pháp không dễ bị điều khiển

Đúng 220 năm sau, cuộc cách mạng tư sản Pháp lại một lần nữa xuất hiện trong các bài phát biểu công khai. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thừa nhận rằng không dễ điều hành một “đất nước từng giết vua”. Ông Alain Minc, cố vấn chính trị và kinh tế của Tổng thống, cảnh báo “những người bạn thuộc tầng lớp lãnh đạo” của ông khi nhắc lại rằng năm 1789 đã bắt đầu từ năm 1788 và cần phải biết cách từ bỏ một số ưu đãi. Jean-François Copé, Chủ tịch đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) lấy làm tiếc về “xu hướng tái hiện thành quả của năm 1793”.

Các phát ngôn trên đã chứng tỏ một mối lo ngại: nhân dân Pháp không để bị điều khiển dễ dàng, họ đã và có thể sẽ biết trở thành nhà cách mạng một lần nữa. Nhắc tới cuộc cách mạng Pháp là nhằm gạt nó đi bằng cách khẳng định rằng người ta sẽ không để nó tái diễn, hoặc nhằm coi đó là một kinh nghiệm hữu ích để không lặp lại các sai lầm trong quá khứ. Bạo lực ngày nay có thể chỉ mang tính biểu trưng, chứ không cần đụng đến thể xác.

Hành quyết Vua Luis XVI -nước Pháp bãi bỏ vĩnh viễn chế độ phong kiến và trở thành nước Cộng hòa. Ảnh: baoanhdatmui.

Các nhà cách mạng ý thức về các mối nguy hiểm của cơn thịnh nộ cũng luôn tìm mọi cách để làm dịu nó. Khi người dân thành Paris ngày 17/7/1791 đòi xét xử đức vua, họ đã đến khiếu nại tại Quảng trường Tháng ba (Champ-de-Mars) một cách hòa bình, không đem theo vũ khí hay gậy gộc. Họ thể hiện sức mạnh bằng cách cắm trại, một biểu tượng trong nghệ thuật của nền chính trị dân chủ.

Ngày nay, các phong trào thường phi bạo lực, cũng như năm 1790 -1792, người ta nghĩ ra các dạng thức để thể hiện sự tức giận của mình mà không hề dùng tới bạo lực.

Ngày nay, không quá khó để tìm thấy các cuộc cắm trại, một dạng họp bàn tròn nhằm thể hiện sự phẫn nộ mà người ta gọi là “mùa xuân giận dữ”.

Chơi với lửa

Giới học giả cho rằng, Chính phủ đang chơi với lửa khi từ chối việc dân chúng thể hiện bằng hành động nhu cầu này. Đó là một dạng đặc thù của chủ quyền tại Pháp: chủ quyền trong hành động. Loại bỏ nó dưới danh nghĩa của dân chủ đại diện, tức là đang làm yếu đi một thỏa thuận xã hội tập thể vốn đã mờ nhạt.

Thực vậy, càng xa cuộc bầu cử tổng thống thì sự cần thiết đối với một tổng thống phải đại diện cho toàn thể đất nước vừa được thống nhất sau sự chia rẽ do bầu cử dường như càng bị chối bỏ, thậm chí coi thường.

Không tính đến những mong đợi của phe đối lập, chính phủ của Pháp hiện nay thậm chí cũng không tính đến chính phe mình, những người mà họ đã hứa đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Hôm nay, khủng hoảng xảy ra. Các tác động xã hội và chính trị của tấm “lá chắn thuế” trở nên dễ thấy hơn bao giờ hết. Người ta chứng kiến thiện chí cải cách hệ thống giáo dục Pháp nhưng cuộc cải cách này lại không được bàn tính thống nhất trước và diễn ra như thể đơn thuần để phá hủy những cái đã có. Một món nợ danh dự và cuộc sống có thể đặt hai nhóm xã hội chính đối mặt với nhau và gây chia rẽ xã hội sâu sắc.

Món nợ danh dự, bởi cử tri có cảm giác đã bị đánh lừa bằng việc áp dụng mị dân một cách không e ngại và giờ đây người ta biết rõ điều đó.

Trên thực tế, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đắc cử một cách ngoạn mục, nhưng giá trị của việc này đã quay ra chống lại chính những người đã tin vào nó, trong mọi tầng lớp xã hội cách mạng. Một khi việc làm và giáo dục quốc gia như thể những “điểm sống” dường như bị biến mất mà những người giàu không hề lo lắng, chứng tỏ một sự thiếu vắng hoàn toàn của tình đoàn kết xã hội trong khủng hoảng.

Khẩu hiệu được lan truyền rộng rãi ngày nay “chúng ta sẽ không trả giá cho cuộc khủng hoảng của họ” đã cho thấy rõ sự chia rẽ xã hội, giữa một “chúng ta” là những người bị tước đoạt, với “họ” là những người áp bức. Nhưng sự chia rẽ này cũng xuất hiện cả ở trong trường Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po Paris), lò đào tạo các chính trị gia hàng đầu của Pháp. Sinh viên trường đại học này đã đến tìm người ủng hộ trong ngôi nhà này. Nhưng họ đã bị đuổi khéo và đôi khi còn bị lăng nhục, bị gọi là những kẻ thất nghiệp tương lai mà các sinh viên Sciences Po sẽ phải trả trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, bạo lực mang tính biểu trưng này đã len lỏi vào nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội Pháp và chỉ có thể tạo thành cuộc nổi dậy của những người cảm thấy bị nhạo báng bởi một thái độ kiêu căng trưởng giả mới. Sinh viên đến tìm đồng minh nhưng họ đã không tìm thấy.

Công bằng xã hội

Những người thất nghiệp, những người sẽ mất việc làm trong tương lai, các tầng lớp trung lưu hiện đang sống bấp bênh, các tầng lớp trí thức đang phẫn nộ, họ muốn có công bằng hơn và để đạt được điều này họ khẳng định rằng bất chấp kết quả bầu cử, họ vẫn là đại diện cho chủ quyền hợp pháp.

Theo Tổng thống Sarkozy, xu hướng trên là “chủ nghĩa bình quân” - khái niệm phá bỏ nền tảng của dân chủ là bình đẳng. Chủ nghĩa bình quân giả định này nhằm ngăn cản những người làm giàu giỏi nhất được tận hưởng toàn bộ sự giàu có do mình làm ra. Lá chắn thuế sẽ là một đạo luật bảo vệ chống lại chủ nghĩa bình quân.

Tuy nhiên, nếu phủ nhận cuộc tranh luận giả tạo trên thì sẽ làm tái hiện năm 1793. Trong cuộc cách mạng Pháp, cái mà giới nhà giàu đem ra để hù dọa là “luật đất đai”, với mong muốn giả định là tái phân bổ đất đai.

Tấn công ngục Bastile

Robespierre ngày 24/4/1793 đã bác bỏ ý tưởng này: “Các bạn phải biết rằng đạo luật đất đai mà các bạn nói đến chỉ là một bóng ma tạo ra bởi những kẻ láu lỉnh nhằm hăm dọa những người ngu đần; không cần một cuộc cách mạng để cho thế giới biết rằng sự bất cân đối cực độ về tài sản là nguồn cơn dẫn tới rất nhiều tệ nạn và tội phạm. Tuy nhiên, bình đẳng về tài sản cũng là một ảo tưởng. Vấn đề ở đây là tôn trọng sự nghèo khó, hơn là bài trừ sự giàu sang”.

Ngày 17/6/1793, ông đã phản đối ý tưởng cho rằng nhân dân được miễn đóng góp vào chi tiêu công, việc mà chỉ người giàu phải chịu. Ông nói: “Tôi hiểu rõ mong muốn của dân khi cảm thấy rằng ân huệ mà người ta muốn đem lại cho họ chỉ là một sự bất công. Họ sẽ tạo thành một tầng lớp vô sản, cùng cực; và bình đẳng cũng như tự do sẽ tiêu tan mãi mãi”.

Ngày nay, một đạo luật đã được thông qua nhằm tăng thêm số người thuộc tầng lớp cùng cực này, nhưng Chính phủ phủ nhận rằng thuế đánh vào các tài sản lớn có thể giúp đỡ những “người bất hạnh”. Thỏa thuận phân chia lại tài sản quốc gia dường như đã “bốc hơi” trong nháy mắt khi trị giá các tờ séc dành cho đối tượng được thụ hưởng mới của “món quà thuế” được công bố: 834 người đóng thuế giàu nhất (tức là có tài sản lớn hơn 15,5 triệu euro) được hưởng mỗi người một tấm séc trị giá 386,261 euro, tương đương 30 năm lương tối thiểu. Một món nợ cuộc sống!

Ông Jérôme Cahuzac, nghị sỹ vùng Lot-et-Garonne, khẳng định rằng “thật tiếc vì chính phủ và đa số của họ trong nghị viện đã quan tâm hơn đến số phận của vài trăm người thay vì hàng triệu người Pháp đang biểu tình để có công bằng xã hội”. Phát biểu của ông Cahuzac đã mang hơi thở cách mạng. Đúng như cuốn sổ ca thán của Mesnil-Saint-Germain (ngày nay là Essonne) khẳng định: “Cuộc sống của người nghèo phải được coi trọng hơn một phần tài sản của người giàu”.

Một số người, ở cả cánh hữu, dường như ý thức rõ điều này khi họ đề nghị làm luật về phần thưởng, chứng khoán và những khoản tiền thưởng được gọi là “dù vàng”. Họ giống như một Roederer, người vào ngày 20/6/1792 đã nhắc nhở rằng người đại diện tốt phải biết ngăn chặn bạo lực hơn là kích động nó.

Nếu chính phủ là một “Ngài veto”, luôn phủ quyết các đạo luật được mong đợi này, và nếu họ theo đuổi các chính sách công gây bất ổn, thì điều mà họ nhận được sẽ là phong trào đòi hỏi công bằng trong một xã hội bị chia rẽ, công lý khi đó sẽ mang tên “sự trả thù của nhân dân” nhằm đòi lại món nợ danh dự và cuộc sống này. Khi một dân tộc vốn tốt và hào phóng buộc phải lao vào những cơn phẫn nộ như vậy sẽ rất khủng khiếp.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: