Sến hay Kitsch trong mĩ thuật

04:46 CH @ Thứ Sáu - 19 Tháng Sáu, 2009

Cái cảm năng sến này, theo thiển ý của tôi, nếu không phải toàn bộ, thì cũng có liên quan rất lớn đến cái gọi là Kitsch (tạm dịch là cái rởm), một trong những khái niệm xưa nhất, thô sượng nhất, và nhòe mờ nhất để diễn tả về nghệ thuật đại chúng trong các xã hội hiện đại.

Thưa anh Như Huy, sến theo góc nhìn của anh là gì?

Nói không ngoa, hỏi có hiểu sến là gì không thì cũng khó trả lời y như việc, hỏi cái đẹp là gì, nghệ thuật là gì. Sở dĩ nói vậy là bởi, sến, theo tôi nghĩ, không phải là một vật thể, nó là một dạng cảm năng. Như tôi hiểu, sến là một dạng cảm năng ưa loè loẹt dễ dãi, chuộng những gì cường điệu, nhất là về mặt tình cảm, cảm xúc.

Và như vậy, cái cảm năng sến này, theo thiển ý của riêng tôi, nếu không phải toàn bộ, thì cũng có liên quan rất lớn đến cái gọi là Kitsh (tạm dịch là cái rởm), một trong những khái niệm xưa nhất, thô sượng nhất, và nhòe mờ nhất để diễn tả về nghệ thuật đại chúng trong các xã hội hiện đại. Đã có vô số học giả nghiên cứu hoặc viết về Kitsch, bao gồm Clement Greenberg, trong bài viết “Tiền Phong và Rởm”, cho rằng Kitsch có nguyên nhân từ sự xói mòn của “nền văn hóa cao cấp” có tính chất chuyên tinh (elite), sự tiêu vong của nền văn hóa dân gian mang tính địa phương, và sự “đần hóa” (dumbing down) mà các xã hội hiện đại mang tới.

Trong mỹ thuật cũng có sến?

Tác phẩm của Margaret Keane

Tôi cho rằng, cái “sến” ở Việt Nam có liên quan nhiều hơn tới cái Kitsch theo quan niệm của Herman Broch khi liên nối nó với chủ nghĩa lãng mạn. Theo ông, cả cái Kitsch lẫn chủ nghĩa lãng mạn đều hứa hẹn một chuyến bay hiện đại lạ đời từ hiện thực tới cái thế giới được bảo vệ tách biệt khỏi mọi trạng thái căng thẳng và lưỡng lự của đời sống hiện đại. Bài viết của ông: “Notes on Problem Kitsch”(Những ghi chú về vấn đề Kitsch) đã chỉ ra việc cái Kitsch đã ngỏ lời đường mật ra sao nhằm thuyết phục rằng việc trốn thoát khỏi hiện thực chính là một trải nghiệm có tính chất mộng mơ hạnh phúc nhất, yên tĩnh nhất, hài hòa ngọt ngào nhất, cũng như là một chuyến không du êm ái tới quê hương của sự nhàn nhã. Như vậy, bởi là một cảm năng như đã nói ở trên, ta thấy việc cái sến có mặt trong nền mỹ thuật Việt Nam (và theo tôi nghĩ, có nhiều là khác), chả có gì sửng sốt cả.

Nếu như sến có mặt trong nền mỹ thuật Việt Nam, và theo anh, nhiều là đằng khác, vậy biểu hiện rõ ràng của chúng là gì?

Đó là tất cả những tính chất nông, dễ, loè loẹt, chuộng những gì cường điệu về mặt tình cảm, cảm xúc, và mầu sắc. Nếu có thời gian tản bộ dọc các Gallery, xem tranh của những nghệ sỹ bán chạy nhất hiện tại, ta đều có thể nhận rõ điều đó. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề mang tính xã hội: Đó là việc, khi những bức tranh ấy bán chạy, có nghĩa là cảm năng sến ấy đã không chỉ là một dạng năng thức một chiều, mà nó đã có sự sẻ chia và tiếp nhận ở một phần lớn xã hội (ở những khu đô thị lớn). Và ngay khi đó, nó không còn là dạng cảm năng tĩnh nữa, mà thậm chí còn mang tính tạo sinh, chi phối ngược trở lại không gian văn hóa. Chúng ta hẳn thấy quá rõ những điều này, khi đọc các tác phẩm của rất nhiều nhà văn nhà thơ trẻ nổi đình nổi đám hiện nay. Tuy nhiên, điều này cũng không hẳn là một điều gì xấu xa. Bởi như Jean Baudrillard từng nhận định về cái Kitsch, Kitsch là bằng chứng cho mọi xã hội đang chuyển động. Với tôi, cái sến khi mở rộng ra khỏi phạm vi thẩm mỹ và trở thành một dạng cảm năng chi phối xã hội, nó cũng trưng ra cái bằng cớ kiểu ấy, cho những xã hội như kiểu Việt Nam. Nó là bằng chứng cho một xã hội đang chuyển động.

Có một nghệ sĩ nhận xét rằng: “Rất nhiều nghệ sĩ vì mặc cảm nên rất sợ mình bị sến” (theo nghĩa không hay, theo nghĩa của mauvais gout), vậy nên hiều điều này thế nào?

Hãy lưu ý, mauvais gout hay sến không liên quan gì tới chủ đề cũng như hình thái của tác phẩm. Tác phẩm có thể có những chủ đề rất cao xa và triết lý, hình thái có thể rất đương đại và cách tân, song nó vẫn có thể sến, và mauvais gout. Ở khía cạnh này, ta có thể nói ngắn gọn, những gì lười biếng, cường điệu, rỗng nghĩa, thiếu đi sự phản tư(self-reflexiveness) đều là những thứ mang yếu tố của kitsch, sến hay mauvais gout, bất kể chủ đề hay hình thái của nó. Và bởi vậy, người mauvais gout là người không có khiếu thẩm mỹ tốt, theo Hume, và không có năng lực phán đoán về cái đẹp, theo Kant.

Làm thế nào để phân biệt được sến, và không sến trong mỹ thuật?

Tác phẩm của Normal Rockwell

Theo tôi, sự phân biệt giữa sến và không sến nằm ở năng lực phản tư của chủ thể và hành vi. Bất cứ chủ thể và hành vi nào sở hữu năng lực phản tư, có nghĩa là năng lực tham chiếu về bản thân trong mối tương quan với chính bản thân cũng như với môi trường xung quanh, đều khó có thể trở nên sến hay Kitsch. Ở đây, có lẽ cũng cần phân biệt một chút giữa cái sến không tự biết nó là sến, cái mauvais gout không tự biết là mauvais gout, với những cái cố tình trở nên sếnmauvais gout. Một đằng là một dạng cảm năng sinh ra thụ động do những tác động về mặt xã hội (và sau đó tác động trở ngược lại xã hội), một đằng là một hành vi tuyên ngôn mang mầu sắc dấn thân của các nghệ sỹ hay nhà văn sử dụng chính các bộ chuẩn tắc của sến hay mauvais goutđể biếm phỏng hay lột mặt nạ nó. Lẽ dĩ nhiên, cho tới nay, trong thực hành và thuyết nghệ thuật, các quan điểm và thái độ hướng về kitsch, sến hay mauvais gout cũng đã thay đổi rất nhiều. Song đó lại là một câu chuyện khác.

Xã làm rõ hơn nữa về Kitsch và sến?

Có lẽ ở đây, dường như có một ranh giới, dù nhỏ thôi, giữa sến và Kitsch. Kitsch, theo Greenberg, là một dạng thể bắt chước, hút tinh chất từ các chuẩn tắc cổ điển để làm giàu cho nó, theo cách luôn dễ hóa, cường điệu và lòe loẹt hóa chúng. Lấy ví dụ, cũng là một bức tượng thần Vệ nữ, song với cảm thức Kitsch, thì đó sẽ là một bức tượng được đổ hàng loạt và được sơn thêm môi đỏ, má hồng các ngón chân được đánh bóng và lớp da sẽ được vờn tỉa bóng nhoáng. Hoặc với một hình thái nghệ thuật phức tạp nào đó, như tối giản, lập thể, trừu tượng... vào tay cái Kitsch, nó sẽ đơn giản hóa tối đa, sao cho dễ gần và dễ diễn giải nhất với đại chúng bằng cách triệt tiêu đi mọi nội dung phức tạp về ý nghĩa cũng như kỹ thuật để đạt tới hiệu quả tối đa và dễ dãi nhất. Người Việt Nam ta có một câu nói: “diễn nôm”. Câu nói này, theo tôi, kể về cái Kitsch một cách rõ nhất. Còn sến, theo tôi hiểu thì khác, nó ở tầm mức nhỏ hơn. Nó chỉ cường điệu hóa chính bản thân, mà đặc biệt là ở các khía cạnh tình cảm và xúc cảm. Nó không có mẫu để bắt chước mà chỉ là một hành vi cường điệu liên miền. Ở khía cạnh cường điệu, nó rất gần với cái kitsch theo kiểu Greenherg, sự cường điệu các hiệu quả bề mặt và triệt tiêu nội dung, còn ở khía cạnh thiên về các cảm xúc, khía cạnh chủ yếu của nó, nó lại gần với cái Kitsch theo kiểu Herman Broch, sự lãng quên hiện thực để chìm vào một thế giới của mộng mơ.

Theo anh, ảnh hưởng của sến trong các bìa báo, tạp chí, các hình ảnh, các phong cách, ăn mặc, ngôn ngữ, dáng điệu… của ta hiện nay ở mức độ nào?

Tôi nghĩ rằng, bởi là những chất liệu thuộc về đại chúng, lẽ dĩ nhiên, các bìa báo, tạp chí, hình ảnh, phong cách ăn mặc, ngôn ngữ, dáng điệu (thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng) chắc chắn phải phản ánh rất rõ nhu cầu và sự đòi hỏi của mỹ cảm đại chúng. Như vậy, sự sến, kitsch, và mauvais gout chắc chắn sẽ phải hiện diện, hoặc là cố ý, nhằm mục đích thu hút quan tâm của đại chúng, hoặc là không tự biết, vì bị chi phối bởi cảm năng chung của xã hội.

Giá trị thẩm mỹ, cũng bị thay đổi nhiều do tác động chúng ta và cái sến nó ở đâu trong sự thay đổi giá trị thẩm mỹ?

Tác phẩm của Margaret Keane

Xã hội Việt Nam, như chúng ta đều biết, trong khoảng một hai thập kỷ gần đã có sự chuyển đổi sâu sắc của các giá trị, trong đó có giá trị mỹ cảm và văn hóa. Về mặt nào đó, sự chuyển đổi này đã được thể hiện rất rõ nơi các hàn thử biểu về nội tình văn hóa của quốc gia, đó là những phương tiện truyền thông đại chúng. Thay cho các chương trình dạy nghe nhạc giao hưởng, hay đọc truyện đêm khuya mộc mạc và hướng tới sự cảm nhận tinh tế của thời trước, là các chương trình hướng tới đại chúng như Xone FM, các trò chơi truyền hình, các chương trình giới thiệu AlbumVàng hay các giải thưởng theo kiểu Làn sóng xanh. Thay cho các người hùng văn hóa với bản chất là năng khiếu, sự rèn luyện và khiếu thẩm mỹ đặc biệt, là các người hùng Pop với những cái tên sáng lóa theo kiểu phim bộ Hong Kong hay Đài Loan, với bản chất hy sinh nội dung cho các hiệu ứng bề mặt. Thay cho những tấm gương xã hội về sự đào luyện và sự thấu hiểu đời sống và ngôn ngữ như những nhà nghiên cứu hay nhà văn biệt lập và độc lập như Từ Chi, hay Nguyễn Tuân là những nhân vật sở hữu các khả năng tương tác với đám đông như các MC truyền hình cùng những kiến thức theo kiểu đóng gói như là ngày sinh tháng đẻ của các nhân vật nổi tiếng, các sự kiện quan trọng... Thay cho sự khó khăn của việc xuất hiện trên báo văn nghệ hay đài phát thành như thời xưa, là các nhà sách tư nhân và theo đó là các tác giả trẻ xuất hiện vô số kể với tốc độ sáng tác mỗi tuần một tiểu thuyết lớn...

Quay trở lại với anh, anh có phải người sến không?

Tôi đoán tôi là người sẽ sến nếu thấy cần thiết!

Còn câu slogan của anh: “Không phải nỗ lực để không sến, chúng ta đang sống trong thời đại cần nỗ lực để sến”, phải hiểu câu này như thế nào?

À, slogan này có liên quan tới câu trả lời trên của tôi. Theo kinh nghiệm riêng của bản thân tôi, nhiều khi phải nỗ lực lắm mới sến được ấy chứ!


Sến và chữa sến

Đàm Anh

Trong cuộc sống của tôi, sến nhất có lẽ là những lời nói, bức ảnh có tính hoa mỹ khi phải chiều lòng một đám đông hay một ai đó, hay sự nhai lại một bài viết, một ý kiến khi muốn tỏ ra mình hiểu biết. Thật là thiếu cái tôi trong quan điểm riêng! Tôi không thích sến. Sến làm con người ủy mị, mất tính độc lập, cá tính và đặc biệt là làm yếu tính năng động, hay ca ngợi những bản năng Con mà mất tính cao cả của Người. Tôi thích sự lãng mạn nhưng sau khi thưởng thức sự lãng mạn, nó phải làm cho tôi yêu đời hơn, hiểu cuộc sống hơn. Lãng mạn không phải là sến - sến làm tôi khuất phục cuộc sống.

Trong nhiếp ảnh, là cảnh đẹp, ảnh các cô gái với khung hình tuân thủ quá tuyệt đối tỉ lệ vàng; các bố cục chuẩn, màu sắc rực rỡ - ấm - nóng – tươi; người chụp dùng mọi thủ pháp (chụp, buồng tối, cách thể hiện trưng bày để ảnh nào cũng “Đẹp" một cách chung chung). Sến, là ý tưởng, hình tượng, cảm xúc trong các tác phẩm đơn điệu. Sến, được số đông cộng đồng không phản đối và một nhóm bình dân coi đó là sự sành điệu riêng của mình. Sến là cái đẹp chung chung từ phong cảnh, chân dung, ảnh khỏa thân... Trông thì đẹp nhưng khi nhắm mắt lại thì chẳng nhớ cái ảnh đó thế nào hoặc cảm giác nó giống (về phong cách và ý tưởng...) ai đó. Sến là một xu hướng của 80% cộng đồng hiện nay tuân theo định luật Pareto (Định luật 80/20) nói rằng với 20% nỗi lực sẽ tạo ra 80% kết quả cuối cùng, còn gọi là quy luật tối thiểu). Nhóm người chỉ đem lại 20% tổng giá trị tinh thần của xã hội. Ở các xã hội khác nhóm 80% này chỉ làm ra 20% của cải xã hội nhưng rất tiếc ở Việt Nam không đúng lắm: Nhóm này có một số rất giàu - đến nhà các đại gia xem tranh và nghe nhạc và cả... ảnh cưới.

2. Tôi có thể thông cảm, bởi thông tin sến tác động đến cộng đồng dân chúng quá nhiều. Sến xuất hiện thường xuyên ở các trang web, quán nét, các quán ăn, các tiệm cho thuê sách, các chương trình phim trên ti vi, các triển lãm nhiếp ảnh, hội họa của các tổ chức cộng đồng lớn. Hơn nữa, các phương pháp tiếp cận các nguồn thông tin, xử lý thông tin không được chuẩn bị kỹ càng không có quan điểm riêng và hệ thống ứng xử chung. Số đông cá nhân không được huấn luyện kỹ năng sống để làm một cái gì mới, khẳng định thương hiệu cá nhân. Sến làm “ô nhiễm” các tụ điểm công cộng. Sến chèn ép văn hóa dân gian: Người dân quá dễ dãi trong cảm xúc, đánh mất các vốn quý dân gian (Tuồng, chèo, ca trù... là nạn nhân trong khi đó hát văn lại được đưa lên quá kệch cỡm qua hài Xuân Hình). Sến làm cho cộng đồng kém khả năng sáng tạo và chọn lọc cái mới. Sến làm kho kiến thức của cộng đồng Việt Nam bị hạn hẹp dần. Nỗi lo nhất là nếu bạn dạy con bạn không sến, với xu hướng hiện nay con bạn sẽ có tương lai bị cô lập trong cộng đồng. Nhưng nếu dạy con bạn sến thì sẽ thấy nó chắc chắn thất bại vì không có tính cạnh tranh!

3. Dĩ nhiên là ai cũng có chút sến, đó là cá nhân. Nhưng tôi mong muốn không có sự lan truyền sến trong cộng đồng. Nó làm yếu cả về thể chất lẫn tinh thần của cộng đồng, làm giảm tính cạnh tranh. Ai cũng có quyền được khóc, được ủy mị, được mềm lòng nhưng xin đừng đem các cảm xúc đó đổ vào người khác. Xin hãy hạn chế, các kênh thông tin hạng hai (phim ảnh, sách báo sến) trên các phương tiện thông tin lớn như ti vi, báo đài... Huấn luyện kỹ năng sống cho cộng đồng thật tốt. Từ triết lý sống, tính độc lập suy nghĩ, tính sáng tạo, thực tế. Nói một cách rất sến là nâng cao tính thực tiễn cho dân trí - để họ hiểu họ đang hát gì, nghe gì, xem gì và những thứ đó có ích gì cho họ chứ không chỉ đơn giản là: “Em hát, nghe, xem... chỉ để giải trí”. Điều này cũng không phải là dạy học toán giỏi, dạy bình thơ hay, dạy nghe nhạc giao hưởng, xem tranh trừu tượng... các kiến thức này chỉ có ích với số có kiến thức cao hơn với số đông là không cần thiết. Hiện nay ngay những cái này cũng bị sến do ai cũng cố nghe nhạc giao hưởng, chơi nhiếp ảnh, mua tranh về treo, đánh tenis, chơi golf, xem bóng đá... mà không dám nói: “Không tôi không thích hợp với thứ ấy! Tôi chỉ thích hợp với thứ này!”

Cần những người có tính sáng tạo vượt trội để tổng hợp một loạt hành vi sến cho các kết quả không sến - các sinh hoạt cộng đồng vì các mục đích chung làm lợi cho xã hội. Những người đã nhiễm bệnh sến thường khó chữa. Chính những nhân vật sáng tạo này là người chữa sến và cách chữa tốt nhất là hãy thật sến hơn nữa đến mức độ không còn là sến nữa. Nói thế, là không bắt những người sến thay đổi hành vi mà hãy thúc đẩy họ đi theo hướng sến và vượt qua chính cái sến của họ!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn về cái Đẹp

    21/11/2017Nguyễn Hào HảiBàn về cái đẹp, Socrate chỉ nói một tư tưởng ngắn gọn: Cần phải xây dựng được một khái niệm (ý niệm) về cái Đẹp và một cái Đẹp được coi là lý tưởng. Ông chỉ nói có vậy. Nhưng có thể nói toàn bộ nền mỹ học phương Tây cả trong quá khứ và trong tương lai nữa đều chỉ nằm trong câu nói rất ngắn ấy.
  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • Thẩm mỹ

    15/10/2014Nguyễn Trần BạtNói đến thẩm mỹ không thể không nói đến khái niệm cái đẹp. Nhưng đó là một câu hỏi làm đau đầu biết bao nhiêu nhà triết học thuộc đủ mọi quốc gia, sống ở mọi thời đại trong lịch sử...
  • 10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20

    31/10/2013H.L. (theo The Times)Pablo Picasso, danh họa người Tây Ban Nha, đứng đầu top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times, Anh, công bố. Cuộc bình chọn thu hút sự tham gia của 1,4 triệu người.
  • 100 năm hội họa trừu tượng

    14/04/2009Văn NgọcMột trong những bước ngoặt quan trọng của hội hoạ phương Tây vào những năm đầu của thế kỷ XX, là sự xuất hiện của những tác phẩm hội hoạ trừu tượng đầu tiên của : Picabia, Caoutchouc (1909), Kandinsky, Aquarelle abstraite (1910) ; Mondrian, Malevitch, Léger, Kupka, Magnelli (1911-1920), khẳng định sự tồn tại độc lập của chức năng thẩm mỹ đối với các chức năng khác của hội hoạ, như : chức năng thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật cái đẹp của thiên nhiên và hiện thực cuộc sống của con người, dưới các góc cạnh lịch sử, xã hội, đạo đức, tôn giáo, v.v.
  • Ghi chép Mỹ học

    06/01/2009Hoàng Ngọc HiếnMỹ học là một môn học nghiên cứu sự sáng tạo và cảm thụ theo "quy luật cái đẹp" ( Kunzitxưn). "Quy luật cái đẹp" làm một khái niệm của Mác.
  • Người nông dân và sự tiêu dùng nghệ thuật

    18/11/2008Phan Cẩm ThượngCuối thế kỷ 19, những họa sỹ trường họa lưu động Nga đã cho tranh lên xe ngựa chở đến các vùng hẻo lánh cho nông dân xem. Ở ta, từ Cách mạng 1945, nghệ thuật được xác định là lấy đời sống của nhân dân lao động làm đối tượng phản ánh và phục vụ, rất nhiều họa sỹ đã xuống địa phương "ba cùng" với quần chúng.
  • Thử bàn về giá trị và chuẩn mực nghệ thuật

    14/11/2008Trần DuyLịch sử nghệ thuật là quá trình phát triển cái đẹp, quá trình phát triển tính thẩm mỹ thông qua thị hiếu của con người, qua các thời đại. Vậy tiêu chuẩn của nghệ thuật là cái mà tự bản thân nghệ thuật có hay sở dĩ có tiêu chuẩn nghệ thuật là vì thị hiếu của con người?
  • Hội họa của nỗi u hoài

    11/11/2008Diên VỹHọa sĩ Thái Tuấn, một gương mặt lớn của hội họa Sài Gòn, đã ra đi vĩnh viễn ngày 26/09 vừa qua trong căn nhà nhỏ ông đã sống và vẽ từ khi rời Hà Nội vào Nam năm 1954.
  • Nghệ thuật là gì?

    15/02/2006Nguyễn Đình ĐăngCâu hỏi Nghệ thuật là gì? kéo theo luôn hai câu hỏi khác: Cái đẹp là gì?Họa sĩ là ai?. Tổng quan 3 bài viết của Bart Rosier [1], Joseph A. Goguen [2]và Lev Tolstoy [3] chỉ nhằm làm sáng tỏ một phần những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn rất nan giải đó...
  • Cái đẹp nghệ thuật và đời sống xã hội

    05/01/2006Vũ Minh TâmTrong thực thể đẹp nghệ thuật dường như có tất cả mà cũng như không có riêng về một mặt nào của đời thực: quan hệ kinh tế - xã hội, chính trị, triết học, văn hóa, đạo đức, khoa học, nhân cách, lối sống và lời ăn tiếng nói, sự nghiệp vĩ đại và đời thường nhỏ nhặt, thế giới bên trong và mặt cắt bên ngoài, cá nhân và cộng đồng, xưa, nay và mai sau...
  • xem toàn bộ