Sự thối nát của cái chân què

06:37 SA @ Thứ Bảy - 30 Tháng Mười Một, 2013
Chuyện mấy người mẫu, nghệ sĩ công khai phô trương lối sống xa hoa, trụy lạc... đã gây sự phản cảm trong dư luận. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử xã hội và con người Việt Nam,muốn tìm tới một cách lý giải khác về hiện tượng này.

Tưởng cứ che đi là cái dở biến mất

Vừa rồi có chuyện một cô người mẫu trả lời phỏng vấn, công khai nói về lối sống làm gái bao. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

Việc họ công khai như thế cũng có cái hay. Bởi vì lâu nay những chuyện đó vẫn có, nhưng chưa được nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá đúng mức. Giống như chuyện "nhà nghỉ" chẳng hạn, đến bây giờ chúng ta vẫn cứ cấm đoán. Với cái dở ta cứ che đi hoặc tự che mắt mình lại coi như không nhìn thấy, tưởng rằng làm như thế là nó không có nữa.
Đó là một thứ sĩ diện hão huyền. Nếu biết chấp nhận và nhìn thẳng vào những cái dở có thật, ta sẽ có khả năng phân tích mổ xẻ các hiện tượng xã hội để tìm cách chỉnh sửa, thay đổi.

Ông không lên án lối sống này?

Làm sao không lên án được? Tôi chỉ muốn nói đồng thời với việc lên án những biểu hiện hư hỏng ấy, chúng ta phải hiểu nguyên nhân của nó, việc lên án mới có ý nghĩa.

Những người đó có những điều đáng trách. Nhưng ở họ cũng đáng thương. Họ chỉ là nạn nhân của những sự thác loạn ở bao kẻ khác. Đó là những kẻ bằng những thủ đoạn đen tối, kiếm ra cơ man nào là tiền của và nay khao khát hưởng lạc. Đám người này đang ngày một đông lên và cũng trâng tráo hơn bao giờ hết. Chính họ đã thúc đẩy, lôi cuốn, tác động vào chị em, làm cho họ ngày càng hư hỏng thêm.
Sự xuất hiện một đội ngũ hùng hậu những chân dài, gái bao, kỹ nữ... kia chẳng qua chỉ là dấu hiệu sự khủng hoảng của xã hội, là biểu hiện của muôn vàn những hư hỏng khác đang được giấu giếm. Họ đáng trách một thì xã hội đáng trách mười.

Như vậy là đổ lỗi cho xã hội. Ở đây nhiều khi là sự lựa chọn của cá nhân?

Cho tôi lấy ví dụ: Ở khá nhiều cơ quan nhà nước bây giờ, nếu anh không tham gia vào guồng máy xoay sở kiếm chác một cách bất chính, tức là làm phiền người khác, nên thường bị họ cô lập và nếu anh không tự cuốn xéo thì họ cũng sẽ tìm cách tống anh đi để tiện hành động.

Vậy đằng sau những lựa chọn cá nhân, suy cho cùng, bao giờ cũng có lý do xã hội.

Càng cấm họ càng làm

Tôi muốn nói tới việc ta đưa hiện tượng các cô này lên khác nào cổ suý cho lối sống hưởng thụ, trụy lạc? Lớp trẻ sẽ coi đây như là tấm gương để học theo thì sao?

Bạn nghĩ như thế tức là bạn vẫn cho rằng lớp trẻ căn bản là tốt rồi, chuyện này nếu mà ta che đi được thì nó sẽ đỡ. Nhưng theo tôi cuộc sống hằng ngày thiếu gì những chuyện còn hư hỏng hơn thế. Trong đầu óc lớp trẻ con nhà đại gia, chuyện bố mẹ nó có lương thiện hay không, đồng tiền cho nó ăn tiêu kiếm ra bằng cách nào... chúng hiểu hết.
Chúng ta đang sống trong cái biển hư hỏng, trụy lạc, mà chuyện mấy cô gái bao kia chỉ là bề nổi. Cho nên đừng cường điệu hóa nó quá mức, đừng tưởng là dẹp yên chuyện này tự khắc cuộc sống trở nên lành mạnh hết.

Dù sao thì vẫn phải cấm những chuyện lên báo mà khoe khoang một cách quá đáng như vậy?

Về lý mà nói thì ai chẳng thấy, là phải cấm, phải phạt. Nhưng vì sao cái hiện tượng này đang ngày một gia tăng và trở nên muôn hình muôn vẻ. Nếu để ý quan sát thì sẽ thấy nhiều lúc con người như muốn thách thức cuộc đời. Càng cấm họ càng làm. Tại sao ư? Vì họ thấy bế tắc quá, bất lực quá mà không có cách gì giải quyết được.
"Sau cái thời không biết hy vọng sẽ đến cái thời không biết sợ hãi..." - tôi đã đọc được đâu đó cái nhận xét này và thấy đúng như thế.

Tôi nghĩ, khi đặt ra một lệnh cấm mà ai cũng thừa biết rằng không bao giờ cấm nổi, thì đó chẳng khác gì khuyến khích người ta phạm lỗi thêm?

Như việc phạt mấy cô ăn mặc hở hang đấy. Mới nghe qua thì có vẻ nghiêm. Nhưng rồi cuộc sống có cách vận hành của nó, mọi sự can thiệp nửa vời trước sau sẽ bị vô hiệu hóa. Nói trắng ra là tiền phạt đã có các khách chơi trả, chứ các cô có phải móc túi mình trả đâu. Thậm chí các cô ấy có bị cấm hành nghề nữa thì sẽ có người chạy để giảm án.

Theo ông, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là gì?

Tôi nghĩ, nếu giữa hoàn cảnh mông muội con người phải sống biệt lập trong đói nghèo thì không sao; Một khi đã có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà không biết làm ăn bằng người, thì sẽ ngày càng tuyệt vọng và người ta sẽ để cho cuộc sống buông thả lôi đi, sẽ tụt dốc rất nhanh, không có thứ phanh nào hãm nổi.

Trong số các nguyên nhân khiến cho cách sống hưởng thụ ngày một phát triển, nên chú ý thêm là - đất nước ta vừa qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Nhiều người ra khỏi nó với tâm lý của những người sống sót. Mà khi có cảm tưởng mình là người sống sót, người ta cảm thấy có quyền đòi lại những gì đã mất, quyền được truy lĩnh, quyền làm tất cả mọi thứ để bù lại nỗi gian lao đã phải chịu đựng.

Làm gì cũng được miễn là có tiền nuôi gia đình

Vì những năm chiến tranh ấy, cuộc sống người ta đã đứng bên bờ cái sống với cái chết, đã biết chết rất dễ?

Vì thế nên con người tự cho mình cái quyền làm tất cả để duy trì mạng sống. Người nông dân tự cho phép mình phun thuốc trừ sâu bừa bãi ở các loại rau quả, người buôn bán cho phép mình lưu hành mọi thứ hàng giả... là vì họ thường tự nhủ làm gì cũng được miễn là có tiền nuôi gia đình.
Lâu dần cái triết lý đó biến thành thói xấu, biến thành sự coi thường luật pháp, biến thành sự hư hỏng... Lối sống hưởng thụ chỉ là một khía cạnh của tâm lý hậu chiến

Vậy phải làm sao để thoát ra được?

Theo tôi, cái chính là nhận thức của chúng ta về tình trạng mà xã hội ta đang lâm vào chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Nếu nhận thức được đầy đủ, tôi tin là chúng ta sẽ bớt những những lời rao giảng sáo rỗng đi, để mọi người tự nhìn vào mình mà suy nghĩ về cách sống, lối sống.
Chứ như hiện nay, con người không hiểu thế nào là sướng là khổ, chỉ thấy có được cái nhà, cái xe... trông có vẻ hơn người bên cạnh... thế là sướng, là hể hả. Không có tiền thì lừa lọc làm bậy để có tiền. Có tiền rồi thì chơi bời, hư hỏng.
Một khi sự mất hết chuẩn mực trong xử sự, sự thiếu hài hoà và sáng suốt trong tư duy, sự hỗn loạn và vụ lợi trong quan hệ... đã chi phối số đông như hiện nay thì mọi tai vạ không đến hôm nay sẽ đến ngày mai.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Sau những thăng trầm lịch sử, nền đạo đức của xã hội ta hiện nay giống như cái chân gãy rồi bó tạm lại, đáng lẽ phải lo chạy chữa nghiêm chỉnh thì lại cứ cố coi là nguyên lành và lờ đi mọi lở loét có thực, thành ra gần như đang có một cuộc tự lừa dối tập thể.

Ngay trong cái chuẩn đạo đức cũ cũng có những cái duy ý chí, tức là mình mong muốn được như thế hơn là có thực. Người mình nhiều khi cứ như người đóng vai ấy, bảo nhau giấy rách cố giữ lấy lề, sự thực là cái lề cũng nát nốt rồi mà ta cứ che đậy, cứ lảng tránh. Một xã hội phi chuẩn và cực kỳ bản năng.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Lòng tham, lòng tham vô độ...

    09/10/2019Nhà văn Nguyễn Quang ThânĐặt vấn đề “hàng hóa hay nhân cách” cũng chỉ là một cách đi sâu vào một khía cạnh khác xã hội tiêu dùng quá quen thuộc của kinh tế thị trường. Cái xã hội có vô vàn thứ quyến rũ từ hàng hóa đến chốn ăn chơi và cũng vô vàn cạm bẫy.
  • Web cho giới trẻ: có một đống rác!

    09/03/2017Phạm Thành NhânSự bùng nổ của các trang thông tin điện tử đã kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra, mổ xẻ với nhiều lo ngại...
  • Vô tâm, vô giáo dục và… vô cùng lí tưởng

    30/12/2016Khải ĐơnLại những đứa trẻ cuồng và những người lớn phẫn nộ...
  • Cứ "cởi đồ” là “hi sinh vì nghệ thuật”?

    21/09/2010Ngày càng nhiều Sao Việt chấp nhận “cởi đồ” trên phim để thực hiện sứ mệnh “hi sinh vì nghệ thuật”. Nhưng liệu những vai diễn trên phim mà nghệ sĩ thực hiện có hoàn toàn vì sứ mệnh ấy???

  • Về hưu đâu phải đã an toàn

    29/07/2009Sông ThươngLuật nước, luật trời và cả lòng dân không bao giờ có thể tha thứ cho một nhà lãnh đạo biến chất, coi thường pháp luật, chà đạp lên nhân phẩm và quyền lợi của quốc gia để làm giàu cho bản thân mình.
  • Mạng Internet cộng đồng tấn công giới trẻ

    19/05/2009Anh Xuân - Lê MinhTrong 2 năm gần đây, mạng Internet cộng đồng phát triển bùng nổ cả về tốc độ, số lượng và quy mô. Bên cạnh ý nghĩa kết nối bạn bè, chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc... thì số đông mạng Internet cộng đồng hiện nay đang thương mại hoá. Để làm được điều này, mạng xã hội đã "tấn công" giới trẻ bằng nhiều chiêu thức nguy hiểm để moi tiền và hút khách, kéo theo đó là những tệ nạn rất cần phải kiểm soát.
  • “Hãy cố yêu người mà sống” !

    23/01/2009Đoàn Khắc XuyênĐôi khi, trong đời ta phải bám víu vào cái gì đó để tin, để sống. Đôi khi ta vẫn thường lặp đi lặp lại trong trí câu hát ấy của Vũ Thành An để tự nhủ mình rằng đời dù sao vẫn còn nhiều người tốt, đời vẫn còn rất nhiều điểm sáng.
  • xem toàn bộ