Họa sỹ Trần Duy: “Suy nghĩ về nghệ thuật”

11:41 CH @ Thứ Hai - 17 Tháng Ba, 2014

Thưa ông, ông đã đến với hội họa như thế nào?

Tôi sinh ra trong một gia đình phong kiến, ba tôi muốn bắt học chữ nho để ra làm quan. Học xong tú tài, tôi cũng không biết làm gì cả. Thời kì đó tôi theo hướng đạo, dù ba mẹ tôi không thích, tôi vẫn cho rằng cái hướng đạo có một vai trò lớn trong cuộc đời tôi. Vì theo hướng đạo mà tôi có ý thức về xã hội và tạo cho tôi cái nhìn về thiên nhiên…Lúc đó tôi thấy không khí gia đình rất ngột ngạt, con người mình muốn thoát ra mà không thoát ra được. Năm 1940, tôi ra Hà Nội, cũng không biết học gì, may gặp bạn tôi học Mỹ Thuật, tôi đến thăm, thấy đó chính là nơi tôi muốn học. Tôi nộp đơn, học một năm dự bị và đỗ vào chính thức. Thời kì đó gia đình tôi cũng có những thay đổi, rồi Nhật, Pháp đảo chính, Việt Minh đảo chính…Đứng trước thay đổi lớn về xã hội, một con người không có một cái gì để nương tựa cả, tôi rất hoang mang và cũng không biết đi đâu. Anh Phùng Quán sau này bảo dựa vào thơ mà sống. Thì cái mà tôi vẫn bíu vào nó, là mĩ thuật. Chính mĩ thuật làm cho tôi sống lại được. Lúc đó tôi rất bế tắc, khủng hoảng.

Thời kì tham gia Cách Mạng, rồi làm báo, ông vẽ như thế nào? Ông đã nuôi nấng một ý thức nào về nghệ thuật chưa, thưa ông?

Vẽ, với tôi, đẹp nhất là thời đi học ở trường Mĩ Thuật. Mỹ ném bom Hà Nội, trường dời về Sơn Tây, ở đó có những ngôi làng cổ mang dấu ấn của dân tộc. Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nông dân, những điều đó nhập vào tôi đầy bỡ ngỡ. Tôi đặt giá vẽ giữa đồng nhiều ngày. Tôi háo hức trước cái đẹp, nhưng cái đẹp đó không phải của mình nên cả mùa tôi không vẽ được bức nào cả. Họa sỹ Tô Ngọc Vân xem tranh tôi vẽ cười và bảo: “cứ vẽ như thế theo bốn mùa sao?”. Tôi không nhập được vào đề tài nông dân, có lẽ bởi thứ nhất là tại mình không có khả năng, và thứ hai là không nắm được thực chất cuộc sống. Tuy vậy, tôi đã bắt đầu nhập cuộc sống của tôi với cuộc sống nông thôn trong hội họa từ thời kì đó. Đó cũng là một hành trình chuẩn bị để tôi có thể bước vào kháng chiến.

Vào kháng chiến, trực tiếp vào với nhân dân, nhưng tôi cũng không chưa định hình ý thức về nghệ thuật và về quan hệ của nghệ sĩ với thời đại. Tôi là một cá nhân trôi nổi trong cuộc sống. Tôi không biết vẽ gì. Giấy không có, bút chì không có. Chúng tôi làm bút bằng cây giang. Cây giang dai, mềm, đập dập để làm bút, có một bức tôi vẽ bằng bút cây giang được giải thưởng văn hóa năm 1957 – 1958. Thời kì này, chủ yếu kháng chiến có yêu cầu gì thì mình làm. Vẽ ap-phich, địch vận, làm kí họa, bìa cho báo Vui sống của Quân y cục. Là một thanh niên đi theo kháng chiến, kháng chiến bảo gì tôi làm nấy. Mà kháng chiến mình theo, cũng không phải do mình hiểu biết gì về nó.

Thưa ông, sự vụ Nhân Văn ảnh hưởng thế nào đến hội họa của ông?

Thời làm báo Nhân Văn, tôi chỉ vẽ cho báo, nhưng tôi không vắng mặt trong các đợt triển lãm như “Triển lãm đấu tranh thống nhất đất nước”, “Ủng hộ độc lập Angiery”.. Sau Nhân Văn, tôi bị hẫng một thời gian. Không có đất vẽ, không ai cho phép vẽ, cũng không biết vẽ để làm gì. Sau đó, Xunhasaba mở một con đường sống bằng cách đặt tôi vẽ bưu thiếp trên lụa. Và cũng có một chỗ bán tranh để kí gửi ở đó, chừng 2 – 3 tranh một tuần nhưng không kí tên Trần Duy. Lúc đó, tôi kí là Nhị Hà, tên con gái tôi. Thời gian này tôi vẫn vẽ các tranh châm biếm, đả kích, đăng trên báo Văn, các phòng thông tin, triển lãm nhưng không kí tên tôi. Tôi vẽ chính trị, minh họa đề tài đấu tranh chính trị, để có sự hiện diện của mình trong cuộc đấu tranh cùng đất nước, dân tộc.

Trong hội họa, ông đã đến với chất liệu lụa như thế nào?

Tôi bắt đầu đến với lụa là bởi việc vẽ bưu thiếp để bán. Nhưng trong quá trình vẽ, tôi cũng muốn tìm ra một cách vẽ của mình. Tôi không thích vẽ kiểu Tàu, tôi thấy nó cụt đường, bởi hội họa Tàu mang tính convention (quy ước) rất rõ. Tôi cũng không thích vẽ như Nguyễn Phan Chánh, vẫn phảng phất nét của Tàu. Cái gốc đào tạo của tôi là Châu Âu nhưng hướng đi vẫn nhìn vào hội họa Nhật Bản. Tôi cố gắng hết sức tìm ra cái của tôi trong lụa. Lúc đầu chỉ có màu đen trắng, sau tôi đá thêm nhiều màu sắc khác, tìm được hình thức trang trí mà từ khi học ở nhà trường, tôi đã làm rất kĩ lưỡng và có quy củ trên tư liệu hội họa Nhật Bản.

Nhưng tôi nghĩ, kĩ thuật cũng không giải quyết được gì. Sơn mài, lụa… chỉ là cơ sở, là phương tiện để vẽ thôi. Lụa cũng có nhiều hạn chế, không vĩnh viễn được. Rất lâu tôi mới tìm ra cách để lụa không mốc. Sơn mài rồi cũng hỏng. Không có gì chống lại được với thời tiết, thời gian… Ngay ở bảo tàng Louvre, hàng nghìn người vào thăm hàng ngày thì cũng không màu nào chịu nổi. Nhưng họ có một đội ngũ phục chế và bảo quản tốt.

Thưa ông, trong cuộc đời hội họa của mình, ông có theo đuổi một quan niệm nghệ thuật nào không? Người xem có thể cảm thấy một kiểu “chủ nghĩa duy mĩ” trong nghệ thuật của ông, ông nghĩ sao?

Thực ra thì tôi không theo một chủ nghĩa nào cả. Cái “duy mĩ” thực ra là vì cái đẹp. Cũng có thời kì tôi không biết vẽ gì nên tìm đến những đề tài cổ, thiên nhiên, khai thác vốn liếng dân tộc, cũng là một cách ẩn mình. Tranh của tôi mang tính chất trang trí rất rõ. Nếu nói một nét gì nổi bật, thì tính trang trí là tính chất quyết định trong một bức tranh. Nhưng tôi vẽ cây cối cũng như tôi vẽ con người. Trong cuốn sách “Suy nghĩ về nghệ thuật” tôi đã trình bày: Nghệ thuật là tiếng nói của lịch sử con người. Những gì đeo đuổi tôi, chỉ là vấn đề con người thôi. Hội họa không cần nêu nguyên tắc. Chỗ dựa lớn nhất của nghệ thuật chính là nội tâm của người nghệ sĩ và sự hỗ trợ của công chúng. Cho nên sáng tác mà tuột ra khỏi tâm hồn nghệ sĩ thì không thành tác phẩm. Nghệ thuật là nghệ thuật, nghệ thuật không sống được bằng thứ thực phẩm không thích hợp với nó.
.
Trong cuốn sách mới nhất của ông, ông hay nhắc đến Mécène, tức người bảo trợ nghệ thuật. Và một vấn đề nữa, là người xem… Ở Việt Nam đã có những người bảo trợ nghệ thuật không, và người xem thì sao ?

Ở Việt Nam chưa có người bảo trợ nghệ thuật. Những hội và giải thưởng làm hỏng nhiều người. Công chúng còn nghèo, còn những kẻ trưởng giả học làm sang thì mãi mãi chỉ là trưởng giả, họ không thưởng thức được nghệ thuật. Nghệ thuật sống và trưởng thành luôn phải có sự hỗ trợ của công chúng, của nhiều người. Sự đánh giá của quần chúng có vai trò lớn lắm. Nghệ thuật rất tự do, và cũng không có lý luận nào “dạy bảo” được người ta vẽ cả, công chúng có quyền thích hay không thích, khen hay chê tác phẩm của người nghệ sĩ.

Hiện nay, ông có quan tâm đến mĩ thuật Việt Nam đương đại không? Với những người trẻ, ông có điều gì gửi gắm không, thưa ông?

Với tôi, nghệ thuật không bao giờ là đương đại, nghệ thuật không có tuổi. Nghệ thật là tâm hồn. Tôi còn nhiều điều muốn nói, không nói được hết. Với những người trẻ cũng vậy. Tôi biết nói gì, có cần thiết không, có ích lợi gì không… Làm nghệ thuật phải học để biết mình. Không biết mình không hiểu được người. Đất nước mình đã có nhiều thay đổi và sẽ còn nhiều thay đổi.

Đến giờ nhìn lại cuộc sống cá nhân và cả cuộc đời làm nghệ thuật của mình, điều gì làm ông vui nhất, buồn nhất, xin ông chia sẻ.

Với tôi, làm việc được, vẽ được là vui rồi. Tìm vinh hoa trong đó, không nên. Thực ra, thời đại nào cũng có bóng tối của nó. Không có ánh sáng nào không có bóng tối. Các họa sĩ thời Napoléon có lên đến bá tước công hầu cũng không còn lại gì. Người ta nhìn Phục Hưng như thời kì ánh sáng. Nhưng nó cũng đầy bóng tối. Thời Phục Hưng, các họa sĩ cũng sống cơ cực, như Léonard de Vinci, Michel Ange. Chỉ có Raphael đi vào con đường quan lại thì được sung sướng. Gauguin đâu có được sung sướng ngày nào. Mattisse cũng vậy. Tôi tự bằng lòng với cuộc sống của mình, không được điều gì là do ở mình thôi. Cái được lớn nhất là tôi sống được bằng nghề của mình, không chạy vạy, quỵ lụy ai.

Bối cảnh lịch sử lúc nào cũng cần. Cái đẹp thay đổi, không thể nương dựa vào cái đẹp cũ. Bây giờ tôi ít vẽ, vì sức khỏe tôi cũng có hạn, và tôi ít đi lại được. Hội họa phải là sự sống vui sinh động, ngồi một chỗ không vẽ được. Không đi lại được thì không tìm ra cái mới mà vẽ. Tôi cũng rơi vào tình cảnh bất lực: biết vẽ gì? khi không được sống nhiều, đi nhiều… Nhưng cái tôi bằng lòng nhất, đó là đã sống được bằng nghề của mình.

***

Họa sỹ Trần Duy nhắc lại truyện “Tiếng sáo tiền kiếp”, một truyện ngắn xuất sắc đã làm ông “lôi thôi” dạo trước. Tưởng như ông vẫn day dứt một câu hỏi: ứng xử với dĩ vãng như thế nào? Trong truyện, người chết đi chỉ trối lại cho người sau một lời nguyền“ Cuộc sống mai hậu đừng nên thổi sáo này. Tiếng sáo tuy có hay, nhưng hay gì mà lại sống những nghiệp chướng đã qua.” Nhưng cái nỗi day dứt của mỗi cá nhân con người, về mỗi cá nhân con người, những người đã lặng lẽ trong bóng tối, dễ gì mà quên được. Bởi “muốn quên và quên được là hai việc không giống nhau”

Tháng 12.2008

Thông tin họa sỹ

Họa sỹ Trần Duy: sinh ra trong một gia đình Hoàng phái năm 1920 tại Huế.1940: ra Hà Nội, học Mỹ Thuật Đông Dương rồi tham gia cách mạng. Sau 1954: làm thư kí tòa soạn báo Nhân Văn. Sau đổi mới, họa sỹ đã có 2 triển lãm (1994 và 2005) cùng 4 cuốn sách được xuất bản: Trần Duy (NXB Mỹ Thuật, 1997); Cảm luận về nghệ thuật (NXB Mỹ Thuật, 2002), Trần Duy – kí họa trên đất Pháp; Suy nghĩ về nghệ thuật (NXB Hội Nhà Văn, 2008)

Họa sĩ Trần Duy qua đời ngày 14/3/2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. An táng ngày 21/3/2014 tại Công viên Vĩnh Hằng – Ba Vì – Hà Nội.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Làm cho trọn chức trách của chúng ta

    21/10/2016Lê Huy Tuấn (gt)Nghề dạy học luôn là một trong những nghề cao quý nhất. Đồng thời cũng là một nghề mang trọng trách lớn đối với xã hội. Trong lịch sử nền giáo dục nước ta, nhiều người thầy đã có những cống hiến lớn lao cho nghề dạy học. Một trong những người hầy như thế là thầy Hoàng Đạo Thuý (1900-1994). Từ những năm 30 của thế kỷ trước, thầy đã tham gia dạy học và cùng với Trần Duy Hưng, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Khắc, Ngô Thế Tân là những người đi tiên phong trong các hoạt động của hội hướng đạo sinh...
  • Báo Nhân văn (5 số)

    28/05/2009Trong thời gian 1956-1957, Phan Khôi cùng Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Phan Khôi, Thụy An, Trương Tửu... thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ. Báo Nhân Văn ra được 5 số thì bị đình bản. Phan Khôi sau đó bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội.

  • “Nghệ thuật thứ bẩy” nguồn gốc và tên gọi

    19/02/2009Vũ Quang ChínhNgười yêu thích điện ảnh ở Việt Nam lâu nay ít để ý đến nguồn gốc, tên gọi “Nghệ thuật thứ 7” dành cho điện ảnh, mặc dù thỉnh thoảng vẫn gặp trên báo chí tên gọi này. Mươi năm lại đây lác đác xuất hiện một số tài liệu giải thích rằng: “Sở dĩ gọi điện ảnh là nghệ thuật thứ bẩy vì nó ra đời sau 6 nghệ thuật có trước nó”. Nhưng 6 nghệ thuật trước nó là những nghệ thuật gì, thì mỗi người liệt kê ra những tên khác nhau.
  • Thử bàn về giá trị và chuẩn mực nghệ thuật

    14/11/2008Trần DuyLịch sử nghệ thuật là quá trình phát triển cái đẹp, quá trình phát triển tính thẩm mỹ thông qua thị hiếu của con người, qua các thời đại. Vậy tiêu chuẩn của nghệ thuật là cái mà tự bản thân nghệ thuật có hay sở dĩ có tiêu chuẩn nghệ thuật là vì thị hiếu của con người?
  • Tính thời đại trong nghệ thuật

    11/11/2008Trần DuyMột trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nền nghệ thuật ấy. Tính thời đại là tính đặc trưng của quá trình phát triển và tồn tại trong một khung thời gian nhất định của một dân tộc trong những sự kiện lịch sử riêng biệt cụ thể của dân tộc ấy. Có người cho rằng hiện đại, mô-đéc, tân kỳ diễn ra hoàn toàn độc lập với tính thời đại của xã hội.
  • Nghệ thuật – tiếng nói của lịch sử con người (*)

    08/11/2008Trần DuyKhi con người nguyên thuỷ biết vẽ là loài người đã biết khẳng định sự tư duy của mình, biết phối hợp chân tay và đôi mắt có nghĩa là đã có một ý thức rõ về vũ trụ của mình. Và cũng từ lúc loài người biết lấy hang đá làm nơi ở thì “kiến trúc thích nghi với thiên nhiên” ấy đã có tranh vẽ của người tiền sử cách đây 40 nghìn năm.
  • xem toàn bộ