NNC Sử học Tạ Chí Đại Trường nhận giải Phan Châu Trinh

11:52 SA @ Thứ Năm - 27 Tháng Ba, 2014

Với những đóng góp độc đáo trong nghiên cứu sử học, nhà nghiên cứu Sử học Tạ Chí Đại Trường đã vinh dự nhận giải Nghiên cứu, giải Văn hóa Phan Châu trình lần thứ 7.


Nhà nghiên cứu (NNC) Tạ Chí Đại Trường được xem là một trong những nhà sử học xuất sắc, có những đóng góp quan trọng, độc đáo và mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề không chỉ về các sự kiện, các nhân vật, các giai đoạn lịch sử riêng rẽ. Ông còn được nhận định là người có những vẫn đề về cách nhìn và suy nghĩ lịch sử một cách thực sự khoa học, khách quan, chân thật.

Tên ông gắn với nhiều tác phẩm khẳng định giá trị cả trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến tác phẩm đầu tiên "Lịch sử Nội chiến Việt Nam từ năm 1771 đến 1802" ra mắt 1960 gây tranh luận, được tái bản nhiều lần. Tác phẩm mở ra một cách viết Sử mới, trung thực, đặc biệt sinh động tạo ra những suy ngẫm sâu xa về Lịch sử Việt Nam nói chung, về dân tộc và đất nước.

Ở một tác phẩm khác của Tạ Chí Đại Trường cũng được tái bản nhiều lần như Thần, Người, và Đất Việt với cách viết mang đến cho công chúng cách nhìn lịch sử sâu sắc khoa học và độc đáo: Lịch sử quan các thần tích.

Ngoài ra, với các tác phẩm như Những bài văn Sử, Những bài dã Sử Việt, Việt Nam nhìn từ bên trong, Sử Việt đọc vài quyển, Bài sử khác cho Việt Nam, Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945) …thể hiện cách phát hiện, cách nhìn, góc nhìn cùng những đóng góp độc đáo, đặc sắc không chỉ cho việc tìm hiểu lịch sử nước nhà mà còn cho cả khoa học lịch sử….

Nhà nghiên cứu Sử học Tạ Chí Đại Trường được trao giải Nghiên cứu, giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VII vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu Sử học.

Ông quê Bình Định nhưng được sinh ra ở Nha Trang, đi học tại Bình Định, Nha Trang và học Đại học ở Sài Gòn. Ông tốt nghiệp cao học sử Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964; Tham gia nhập ngũ 1964-1974.

Năm 1974, ông giải ngũ trở về đăng kí học tiến sĩ chuyên khoa Sử tại ĐH Văn khoa Sài Gòn. Năm 1970, ông nhận được giải thưởng Văn chương toàn quốc, Bộ môn Sử. Từ tháng 8-1994, ông qua Mỹ sống tại Oklahoma City. Đến năm 2002, ông nghỉ hưu, hiện tại đang sống ở Garden Grove City, Califonia, Mỹ.

4 đầu sách lịch sử của Tạ Chí Đại Trường

Người Lính Thuộc Địa Nam Kỳ (1861-1945)

(NXB Tri thức, 2011)

Cuốn sách khảo cứu đầy công phu và lý thú này chính là luận án tiến sĩ sử học tại đại học Văn khoa Sài Gòn, 1975 của Tạ Chí Đại Trường.

Cũng như những cuốn sách khác của ông, người đọc tìm thấy trong Người lính thuộc địa Nam Kỳ một phong cách làm khoa học lịch sử độc lập, bản lĩnh và đầy hấp dẫn. Qua câu chuyện lính tráng dưới thời Pháp thuộc ở Nam Kỳ, tác giả đã soi rọi sâu xa những vấn đề quan trọng khác: quan hệ giữa lính gốc thuộc địa với sĩ quan thực dân, các quan hệ phức tạp giữa các phe phái quân sự, dân sự trong một khúc quanh lịch sử nhiều biến động…

Những Bài Dã Sử Việt

(NXB Tri thức, 2011)

“Khoa học bắt đầu bằng sự ngạc nhiên và do đó buộc người ta phải đi tìm những kiến giải khác” - nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường nói.

Cuốn sách này là một tập hợp những bài viết, chủ yếu đã được công bố ở hải ngoại đề cập tới nhiều lĩnh vực và nội dung khác nhau vốn rất phong phú của sử học, từ cái đình làng được coi là "trú sở của thần linh" đến thần tích của Phù Đổng Thiên Vương, từ những di tích, những công trình thuỷ lợi ở Quảng Trị đến hình thái lịch sử nước nhà vào thế kỷ thứ X, từ tầng lớp điền chủ và ruộng đất qua các triều đại đến chế độ nội hôn của họ Trần, từ những đồng tiền được đúc đến những đồng tiền kẽm ở Đàng Trong, từ khuôn đúc tiền bằng đá đến khảo về tiền giấy.

Những khảo luận được viết nghiêm túc với bút pháp khoa học nhưng đọc nó người ta vẫn cảm nhận được cảm hứng của tác giả, lấy việc khảo cứu công phu như một thú vui tiêu khiển thời gian hơn là sự hành nghề của một sử gia chuyên nghiệp.


Thần, Người Và Đất Việt
(NXB Tri thức, 2014)

“Người ta chỉ có thể thay đổi chứ không thể hủy thần linh…”

Không chỉ là một công trình quan trọng nghiên cứu cách thức suy nghĩ và ứng xử của người Việt trong đời sống tâm linh, "Thần, người và đất Việt" còn là một bức tranh đa sắc về các hệ thống thần linh Việt; mỗi trang trong sách như một mảng màu miêu tả những biến chuyển văn hóa ẩn sâu dưới lớp hỗn độn của thần thoại, huyền sử và tín ngưỡng. Từng gương mặt nhiên thần rũ bỏ vàng son tô vẽ, trở lại nét nguyên sơ trong sự vọng tưởng về văn hóa bản địa linh thiêng. Hiểu rằng thẳm sâu trong tâm thức người Việt luôn có một quan niệm về sự tồn tại thế giới siêu nhiên, "Thần, người và đất Việt" đã không dừng lại ở những khảo sát hệ thống thần linh thủa sơ khai, mà còn đặt những bước đi đầu tiên trong việc làm sáng tỏ chiều hướng kết tập thần linh mới.

Nhận định:

Thần, người và đất Việt” là một công trình vạch lại chi tiết lịch sử biến chuyển các quan niệm thần linh của người Việt. - Dương Trung Quốc -

Nghiên cứu của Tạ Chí Đại Trường là nghiên cứu các đổi thay: tín ngưỡng tôn giáo chuyển hóa hơn là tan biến, với những đổi thay nghi thức phụng thờ đi đôi với sự lệ thuộc thần quyền vào thế quyền, với những niềm tin mới phát xuất từ sự gặp gỡ với những văn hóa ngoại lai.” - Nguyễn Thế Anh -


Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam Từ 1771 Đến 1802
(NXB Tri thức, 2012)

Thoát khỏi sự ràng buộc bắt nguồn từ những định kiến và lập trường chính trị, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 đã dựng lại chi tiết bàn cờ quyền lực trong xã hội Đại Việt nửa cuối thế kỷ 18. Những liên minh và đối địch, tạm thời hay lâu bền dựa trên căn bản quyền lợi thiết thân được tái hiện sinh động: những giáo sĩ thừa sai và các nhà buôn Tây phương, nhóm di dân Hoa kiều và cướp biển Tề Ngôi, các thế lực ngoại bang Xiêm La và Mãn Thanh, nhà Lê-Trịnh thời mạt diệp và những vị hoàng thân chạy loạn... Vượt lên trên hết là gương mặt hai đối thủ lớn nhất của thời đại: Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh.

Trong số rất nhiều sách sử, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 chiếm một địa vị thật riêng. Ngay từ khi xuất bản lần đầu năm 1973, tác phẩm đã được học giới nhìn nhận như một công trình chung quyết về lịch sử phân ly và nhất thống đất nước. Nhà chuyên môn tìm thấy ở sách một tinh thần học thuật không vì nể, người đọc phổ thông tìm thấy trong sách những câu chuyện xảy ra nhiều thế kỷ trước mà ảnh hưởng còn mãi đến ngày nay.

Nguồn:Vietnamnet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phan Châu Trinh?

    30/05/2016Nhà văn Nguyên NgọcNói chuyện lịch sử bao giờ cũng cần rất thận trọng. Nói lịch sử với lớp trẻ càng cần thận trọng hơn. Về Phan Châu Trinh, nhân vật sáng chói đầu thế kỷ XX của chúng ta, ít ra cũng cần cố gắng nói với những người trẻ hôm nay rằng ông từng thống thiết nhận ra những câu hỏi sâu sắc nhất của phát triển dân tộc, mà lịch sử éo le đã buộc phải bỏ dở dang. Vậy thì chính lớp trẻ hôm nay phải tiếp tục...
  • “Phan Châu Trinh hiện đại một cách lạ lùng!”

    24/03/2014Anh Kiệt thực hiệnNgay trong lúc bị thực dân Pháp cai trị, một quốc tang độc nhất vô nhị được nhân dân cả nước đồng loạt tổ chức. Học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị, 100.000 người Sài Gòn xuống đường đưa tang...
  • Dịch bởi "sự bức bối ngay trên da thịt mình"

    19/05/2013Nguyễn Phương VănHội đồng khoa học Quỹ Phan Châu Trinh đã quyết định trao giải thưởng về dịch thuật năm 2012 cho ông Phạm Nguyên Trường. TTCT đã có cuộc trao đổi với dịch giả trước ngày trao giải 29-3-2013.
  • Sách "chấn hưng dân trí" bị ghẻ lạnh như thế nào?

    19/05/2013Hồ Hương GiangNhững đầu sách được đánh giá là tinh hoa và "chấn hưng dân trí" cũng chỉ bán được chừng 2000 bản.
  • “Chúng tôi đã để lại cho chính mình một gánh nặng!”

    05/03/2010Thành Trung thực hiệnTừ năm 2005, GS.TS. Chu Hảo và Nhà xuất bản (NXB) Tri Thức đã bắt tay xây dựng một kế hoạch tham vọng: xây dựng tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới với mục tiêu dịch và xuất bản 500-1.000 đầu sách trong 10 năm. Ý tưởng táo bạo này được hoan nghênh, nhưng ngay GS.TS. Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, cũng phải thừa nhận dịch và in sách “tinh hoa” ở Việt Nam là con đường gian nan…