Tại sao người Mỹ thích dạy con học tại nhà?

03:51 CH @ Thứ Năm - 04 Tháng Mười Hai, 2003

Trong căn phòng khách khiêm tốn của Penny Kjellberg tại thành phố New York (Mỹ), một trong hai đứa con gái song sinh 11 tuổi của cô đang học chia động từ tiếng Pháp trong lúc vuốt ve con mèo con của mình. Đứa con gái còn lại đang đọc sách và thỉnh thoảng lại vui đùa nếu cảm thấy buồn chán.

Cách đây 2 năm, cặp song sinh nhà Kjellberg, Caroline và Jessica, vẫn còn  học tại một trường công có tiếng. Sau đó, theo Kjellberg, hai chị em đã bị bắt nạt ở trường học và buộc phải được tư vấn tâm lý khi cư xử xấu trong lớp. Vì thế, Kjellberg quyết định dạy con mình ở nhà dù cô không phải là một người lập dị.

Ngày càng có nhiều bậc phụ huynh Mỹ có cùng lựa chọn như Kjellberg. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, ít nhất 850.000 trẻ em đang được giáo dục tại nhà, so với con số 360.000 vào 10 năm trước. Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia cho biết phần lớn phụ huynh dạy con mình ở nhà là những cặp vợ chồng da trắng có từ 3 con trở lên, với thu nhập đến từ một trong hai người. Những bậc phụ huynh này trở nên ngán ngẩm với những thiếu sót của nền giáo dục công và chi phí đắt đỏ của các trường tư cũng như tin rằng con mình sẽ học tốt hơn ở nhà.

Một nguyên nhân quan trọng khiến hình thức giáo dục tại nhà gia tăng là việc áp dụng các tiêu chuẩn giáo dục quốc gia mới, như chương trình giảng dạy thống nhất và nhiều kỳ thi hơn, mà một số nhà sư phạm cho rằng sẽ khiến một số học sinh gặp bất lợi cho dù các em là người có năng khiếu, học kém hay hơi lập dị.

Mitchell L. Stevens, một nhà tâm lý giáo dục tại Đại học New York, nhận định: “Điều mỉa mai là khi các tiêu chuẩn giáo dục được nâng cao,  ngày càng có nhiều phụ huynh xa lánh chúng và lựa chọn hình thức giáo dục tại nhà”. Ngoài sự bất mãn của phụ huynh với trường học,  nhiều phụ nữ  quyết định từ bỏ sự nghiệp để ở nhà với con cái. Nhiều gia đình muốn có một thời gian biểu ít căng thẳng hơn để dành nhiều thời gian cho nhau.

Sự thành công của hình thức giáo dục tại nhà rất khó xác định. Một số quan chức tuyển sinh đại học cho rằng một số trẻ em học ở nhà thi đạt điểm cao và đáp ứng những đòi hỏi của trường. Dù vậy, cuộc tranh luận hiện nay về hình thức giáo dục tại nhà tập trung vào các vấn đề xã hội hơn là thành tích học tập.

Mặc dù chưa có cuộc nghiên cứu nào trong lĩnh vực này nhưng tiến sĩ Clive R. Belfield, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia nghiên cứu sự tư hóa trong giáo dục thuộc Đại học Giáo viên Columbia, cho biết có nhiều chứng cứ cho thấy trẻ em học tại nhà  đối xử với nhau tốt hơn vì không bị ảnh hưởng của sự ghanh đua trong trường học.

Theo Người lao động

LinkedInPinterestCập nhật lúc: