Tâm thức nông dân và công bằng xã hội nông thôn

Chuyên gia xã hội học văn hóa, nông thôn, phụ trách dự án CIRAD, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
03:02 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Ba, 2009

Nhà nước hỗ trợ người nghèo hơn 3.800 tỉ đồng ăn Tết Kỷ sửu, nhưng một phần không nhỏ trong số tiền này vẫn không đến đúng những người nghèo nhất. Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyến đã lý giải hiện tượng này.

Sự tồn tại dai dẳng của nguyên lý công bằng bình quân chủ nghĩa hay cào bằng này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống xã hội nông thôn thời kỳ hợp tác hoá mà còn gây cản trở cho việc thực hiện công bằng xã hội hiện nay.

"Thằng Mới" vẫn sống

Hẳn nhiều người còn nhớ Thằng Mới trong truyện Việc làng của Ngô Tất Tố, một điển hình văn học, cũng là một điển hình của chủ nghĩa bình quân theo giai tầng của xã hội nông thôn VN xưa. Mới có khả năng chia một phao câu của con gà thành vô số miếng nhỏ để cụ nào cũng có phần. Mới cũng cách chia ấy với đầu, cánh, chân... con gà. Theo tôi việc các quan chức xã, xóm ở Nghệ An có sáng kiến chi đều tiền Chính phủ hỗ trợ người nghèo ăn Tết cho tất cả mọi người (19.000đ/ nhân khẩu) có nguồn gốc của "tư duy thằng Mới".

Bởi, mặc dù xã hội nông thôn miền Bắc nước ta hiện nay đã trải qua nhiều biến đổi quan trọng trên mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, song về cơ bản đời sống kinh tế vẫn dựa vào nông nghiệp mà hình thức xã hội của nó là kinh tế hộ và tổ chức xã hội vẫn dựa trên mô hình cư trú tự nhiên theo các đơn vị làng, thôn hay xóm. Tổ chức kinh tế và mô hình cư trú nông thôn hiện nay dường như vẫn giả định rằng các quan hệ cộng đồng truyền thống của nó vẫn có một vai trò quan trọng.

Trong đời sống cộng đồng truyền thống này, nguyên lý công bằng hay tính hợp thức của các quan niệm và hành vi xã hội đề cao trước tiên là trật tự rồi sự cố kết cộng đồng và sau đó là tinh thần bình đẳng giữa các cá nhân hành viên. Tính liên kết cộng đồng này vẫn còn khá bền vững cho dù tính trật tự của nó đã bị thay đổi về căn bản. Trong điều kiện xã hội nông thôn miền Bắc hiện nay, ý thức cộng đồng vẫn phát huy những tác dụng trong xử lý quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng làng xã, cho dù nó chỉ là những nguyên tắc không thành văn.

Không được bỏ sót

Ý thức làng xã về quyền bình đẳng giữa các cá nhân trong đời sống cộng đồng không chỉ thể hiện trong các quan lệ về lợi ích mà còn về tư cách thành viên của họ. Sự đề cao tính liên kết trong cộng đồng làng xã, do đó đòi hỏi thực tiễn nguyên tắc công bằng gắn với chủ nghĩa bình quân hay cào bằng trong phân phối các quyền (vị thế) và lợi ích giữa các thành viên trong cộng đồng. Để duy trì tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng và giữa cộng đồng với chính quyền, khi người cán bộ đại diện cho chính quyền đi thăm hỏi các gia đình trung thôn xóm, họ luôn tâm niệm nguyên tắc ứng xử trong cộng đồng là không được bỏ sót bất kỳ ai. Vì sự thăm hỏi của chính quyền không chỉ thể hiện sự quan tâm của chính quyền với người dân mà còn khẳng định tinh thần bình đẳng giữa các thành viên trong cộng đồng.

Tại một xã ngoại thành Hà Nội hiện nay, việc nhập tịch cho những người đã thoát ly, nay trở về làng được xem như sự phục hồi tư cách thành viên trong cộng đồng làng xã cho họ. Người ta không chỉ coi đó như một nhu cầu chính đáng (có thể vẫn được chia ruộng) mà còn như một thứ quyền bình đẳng hay quyền lợi hợp thức, dựa trên tinh thần cộng đồng truyền thống, đành rằng có những trường hợp không đủ điều kiện (vì từ lâu không còn làm nông nghiệp) nếu dựa trên các quy định pháp lý của Nhà nước.

Trong đời sống cộng đồng, những người có cùng vị trí xã hội như nhau đều phải được xem là bình đẳng với nhau cả về vị thế hay quyền lợi. Khi sự khác biệt xảy ra, nguyên lý công bằng được coi là bị vi phạm, người ta coi đó là không công bằng nên thương có phản ứng ghen ghét, đố kỵ nhau. Câu tục ngữ: "Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly", là để nói về tâm thức cào bằng về vị thế và quyền lợi trong cộng đồng làng xã trước đây. Như thế có thể nói rằng, ảnh hưởng của đời sống cộng đồng và của ý thức bình quân chủ nghĩa vẫn tồn tại ngay trong các cộng đồng dân cư nông thôn trong thời kỳ hội nhập và kinh tế thị trường.

Phép vua vẫn thua lệ làng

Ngày nay, khi các quan hệ sản xuất và xã hội chủ yếu không còn mang tính cộng đồng như thời kỳ hợp tác hóa, và trước đó, người ta dường như vẫn còn giữ cái tâm thức cộng đồng truyền thống này khi coi mọi tài sản hay quan hệ cộng đồng vẫn là các sản phẩm của cộng đồng và do đó muốn thực hiện nguyên lý công bằng xã hội theo kiểu cộng đồng trước đây. Thực vậy, đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất chủ yếu đã thuộc về Nhà nước, quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với kinh tế hộ nông dân là quan hệ hợp đồng trực tiếp, nên cộng đồng chỉ còn đóng vai trò trung gian trong quan hệ giữa người nông dân và Nhà nước. Tuy nhiên việc các chính quyền địa phương nông thôn tự ý xử lý các quan hệ giữa nông dân và Nhà nước theo nguyên lý cộng đồng là điều trái với nguyên lý công bằng trong xã hội. Khi quyết định phân phối cào bằng tiền trợ cấp cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp của Nhà nước họ đã cho rằng quyết định của họ là có tính hợp thức hay công bằng vì nó đã dựa trên nguyên lý công bằng trong cộng đồng. Ngay cả khi họ cắt xén tiền trợ cấp của các hộ nghèo, họ cũng luôn có lý do hợp thức hoá là để dành cho phát triển cộng đồng như làm đường hay giáo dục ý thức lao động cho người dân. Nhiều địa phương đã coi việc Nhà nước trợ cấp người nghèo như là sự trợ giúp cộng đồng nên tự ý đề ra các quy định trợ cấp và tiêu chuẩn xác định đối tượng trợ cấp.

Nhận thức về quyền sống

Mặt khác, cán bộ chính quyền nông thôn nhiều khi cũng không hiểu vì sao có những cá nhân lại được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước cho dù họ là những người nghèo thực sự. Bởi sự khác biệt giữa nghèo và cận nghèo nước ta chỉ có tính tương đối, nên họ đã tìm cách điều chỉnh danh sách để đem lại quyền lợi cho người thân của họ dưới danh nghĩa là mở rộng đối tượng trợ cấp theo tinh thần bình quân chủ nghĩa. Phải nói rằng trong nông thôn hiện nay, vấn đề các quyên cơ bản của con người vẫn chưa thực sự được nhiều cán bộ và người dân chú ý, cho dù đó là cái quyền cơ bản nhất là quyền sống. Sự trợ cấp hay xóa đói giảm nghèo vẫn chỉ được coi là tinh thần của đạo lý “tương thân tương ái” hay “lá lành đùm lá rách” nên không có tính cấp thiết hay rằng buộc. Sự bình đẳng về các quyền cơ bản dường như đã chấp nhận dự không bình đẳng trong phân phối các điều kiện sống cơ bản nhất của con người, như thực phẩm hay khám chữa bệnh cho những người bất hạnh nhất trong xã hội, bởi quyền sống của con người đã trở thành mệnh lệnh hơn là một lời kêu gọi tình thương.

Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là chính. Nước ta được xếp thứ 13 trên thế giới theo tiêu chí đông dân, nhưng là một trong những nước nông nghiệp có mật độ dân cư bình quân cao nhất thế giới: 257 người/km2 (số liệu năm 2007), gấp khoảng 5 lần so với mật độ dân số trung bình trên trái đất (49 người/km2). Do quy mô dân số nông thôn lớn, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của đất nước (21 ,99% GDP năm 2008), nên mọi tác động đối với nông thôn và nông dân đều ảnh hưởng đến đại đa số nhân dân ta và nền kinh tế của đất nước.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay, mâu thuẫn và phương pháp giải quyết

    09/08/2019Nguyễn Tấn HùngThực hiện công bằng xã hội đòi hỏi phải nhận thức và giải quyết đúng đắn, hài hoà các mối quan hệ lợi ích. Song, ở đây lại thường nảy sinh những mâu thuẫn đòi hỏi phải được nghiên cứa và giải quyết. Đó là các vấn đề: 1) Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, 2) Mâu thuẫn giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội của Nhà nước, 3) Mâu thuẫn giữa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích người lao động, 4) Mâu thuẫn trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
  • Toàn cầu hóa chênh lệch giàu nghèo

    15/04/2014Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đối với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng...
  • Tâm lý tiểu nông và toàn cầu hóa kinh tế ở VN

    14/01/2009Phương Loan (thực hiện)Kinh tế Việt Nam gốc rễ là kinh tế tiểu nông. Tâm lý của người tiểu nông là muốn giữ lâu những thứ đồ cũ, những thứ đồ không dùng được nữa. Muốn thành công trong hội nhập kinh tế phải thay đổi tư duy và hành động của nền kinh tế tiểu nông, thay bằng tư duy và hành động của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh.
  • Bàn về xã hội dân sự

    15/08/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsultKhái niệm xã hội dân sự từ lâu đã trở thành một khái niệm quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng khi quá trình toàn cầu hoá đang làm thế giới xích lại gần nhau hơn. Và khi các giá trị cá nhân ngày càng được khẳng định thì một xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của con người ngày càng trở nên cần thiết...
  • Con người và tư tưởng thời bao cấp

    14/09/2006Vương Trí NhànMặt nghệt ra như mất sổ gạo.Một yêu anh có may ô -- Hai yêu anh có cá khô để dành -- Ba yêu rửa mặt bằng khăn--- Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa.Những câu ca dao tục ngữấy được dịch hẳn ra tiếng Anh rồiđược kẻ nắn nót cẩn thận trên những bức tường lớn, dưới đó là mấy gian trưng bày các hiện vật theo một cách thức mà trong điều kiện ở Hà Nội này phải gọi là “hoành tráng”...
  • Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự

    11/11/2005GS. Tương LaiKhát vọng về dân chủ và công bằng vốn nung nấu từ lâu trong lịch sử loài người. Có dân chủ mới thực hiện được công bằng, đồng thời công bằng là thước đo của dân chủ và tiến bộ xã hội. Điểm quy chiếu để kiểm nhận về công bằng và dân chủ mà một xã hội đạt được thường tìm thấy dễ dàng trong pháp luật...
  • xem toàn bộ