Tản mạn về Giáo dục công dân

04:30 CH @ Thứ Ba - 01 Tháng Năm, 2018

Nhà trường và gia đình phải hướng đến một mục tiêu là không làm điều gì kìm hãm óc sáng tạo, tầm nhìn hay tính tìm tòi, khám phá của con cái.

Câu chuyện nhà trường ở nước ngoài không dạy môn giáo dục công dân

Ở nước ngoài, các gia đình người Việt mới đến định cư thường phàn nàn là nhà trường tại nước sở tại không dạy giáo dục công dân cho học sinh như ở Việt Nam. Thật vậy, nhà trường tại các nước tôi có dịp đến thăm hoặc sống trong một thời gian khá dài như Mỹ, Canada, New Zealand, Úc... không đưa vào dạy thuộc lòng môn giáo dục công dân, đại loại như “Công cha như núi Thái Sơn”, “Tiên học lễ hậu học văn”, “Con cái phải vâng lời cha mẹ...”.
Cần có cách dạy dỗ để trẻ em trở thành những công dân tốt. (Ảnh: Giang Huy)

Nhưng họ có cách dạy để học sinh trở thành những người công dân tốt. Họ dạy bằng từng việc làm cụ thể: Ai làm gì mình cũng phải biết nói tiếng cảm ơn, đi đứng ở chỗ công cộng không được chen lấn, nhỡ đi nhanh qua mặt người khác phải có lời xin lỗi, ở chỗ có hai người trở lên phải tự động xếp hàng, thấy người vứt rác không đúng chỗ quy định các em nên lặng lẽ nhặt rác bỏ vào thùng.

Môi trường học đường phải hoàn toàn thân thiện, bình yên, không sợ hãi, nghiêm túc trong thi cử, khuyến khích phát huy các sáng kiến nhưng nghiêm cấm cạnh tranh trong học đường.

Nhưng cốt lõi trong loại các bài học “công dân” này là dạy cho học sinh bài học về tinh thần dân chủ, ý niệm công bằng, đức tính chính trực, sự ngay thẳng, trật tự, đúng giờ giấc, có kế hoạch, biết giúp đỡ và chia sẻ, khuyến khích tinh thần học tập chủ động và sáng tạo. Môi trường học đường phải hoàn toàn thân thiện, bình yên, không sợ hãi, nghiêm túc trong thi cử, khuyến khích phát huy các sáng kiến nhưng nghiêm cấm cạnh tranh trong học đường.

Ứng xử của các em học sinh trong xã hội phương Tây

Tuy không bắt học thuộc lòng nhưng học sinh nhớ rất lâu, tích luỹ và ứng dụng suốt đời. Có lần gặp tôi vào trường, một em học sinh nhanh nhẹn chạy đến hỏi: Ông có cần cháu giúp gì không? Tại nhà ăn, mọi em học sinh không ai bảo ai tự động xếp hàng mua thức ăn. Thấy một người khách vô ý không vứt rác vào thùng rác, một em bé đứng nhìn và đợi lúc khách đi qua rồi lặng lẽ nhặt rác bỏ vào thùng.

Rất thấm thía về câu chuyện một bà mẹ người Việt sống tại Úc mắng con bằng từ “ngu”. Một lúc sau bà thấy mình quá lời, đến bên con nói nhiều lần lời xin lỗi. Sau một hồi đứa con mới trả lời: Con sẵn sàng bỏ lỗi cho mẹ với điều kiện là từ nay mẹ phải hứa là mẹ không bao giờ dùng từ “stupid” để mắng con. Đó là bài học công bằng, dân chủ, lễ độ mà cháu bé 6 tuổi đã học được ở nhà trường.

Một trường hợp khác đã xảy ra trên 30 năm rồi mà đến nay tôi vẫn còn nhớ. Bố mẹ một gia đình người Việt bạn tôi chuyển thức ăn từ trong một tủ lạnh mới vừa bị hỏng qua một tủ lạnh cũ và ngồi ghi tên các thức ăn ấy lên một tờ giấy. Một đứa con trong gia đình khoảng 14 tuổi đi qua hỏi bố mẹ đang làm gì. Ông bà trả lời là bố mẹ đang ghi các thức ăn trong tủ lạnh để đòi cơ quan bảo hiểm bồi thường. Đứa con quá ư ngạc nhiên nói: “Không được, không được, các thức ăn đã được chuyển vào tủ lạnh cũ, đâu có thứ gì bị hỏng đâu mà bắt công ty bảo hiểm bồi thường. Làm như vậy là không công bằng (unfair)”. Đó là bài học ngay thẳng, chính trực và công bằng mà nhà trường đã dạy cho em lúc còn ở bậc tiểu học và chính bài học ấy nay lại được con chuyển đến cho bố mẹ.

Bài học công dân được áp dụng tại Vũng Tàu

Tôi không nhớ rõ lắm, có lẽ vào giữa năm 2007, khi có cơn bão lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ thổi qua thành phố Vũng Tàu, lúc đó còn sớm, khoảng chưa đến 5 giờ, chưa có người đi tập thể dục buổi sáng. Trận bão làm nhiều ngôi nhà sập, nhiều nhà tốc mái, cây ngã, tàu thuyền bị chìm, có cả nhiều người chết.

Khi trận bão vừa đi qua, con đường từ Bãi Sau đến Bãi Trước, và rất nhiều khu trong thành phố Vũng Tàu bị cây ngã và các mái tôn thổi bật chắn đường. Trên đường đi kiểm tra tình hình thiệt hại của cơn bão, chính quyền thành phố chỉ thấy người dân và những người nước ngoài đang du lịch ở Vũng Tàu không biết mệt mỏi, cần mẫn lao vào thu dọn đường sá, cây cối. Còn khách du lịch người Việt Nam thì lên xe vội vã về lại TPHCM để tránh những cơn bão có thể sẽ xảy ra sau đó.

Những câu chuyện tản mạn này cho ta thấy giáo dục của người phương Tây khác với người phương Đông, suy nghĩ của tuổi trẻ phương Tây khác thanh niên Việt Nam. Nhà trường và gia đình của họ đều hướng đến một mục tiêu là không làm điều gì kìm hãm óc sáng tạo, tầm nhìn, hay tính tìm tòi, khám phá của con cái. Với tuổi trẻ, chân trời phải khám phá của họ là mọi miền đất trên thế giới.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nghịch lý chất lượng của môn giáo dục công dân.

    29/06/2003Đã có rất nhiều giấy mực bị tiêu tốn vào việc dự thảo giáo dục pháp luật trong trường phổ thông. Theo Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ “Bộ tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ GD và ĐT chỉ đạo công tác rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu, giảng dạy....” Như vậy, hiện có một khối lượng kiến thức cơ bản, khái quát về pháp luật được dạy và học tại các trường phổ thông trên cả nước. Nhưng qua các năm đã triển khai thực hiện, chúng ta nghĩ sao trước thực trạng học sinh, sinh viên (kể cả trẻ vị thành niên) phạm tội ngày càng tăng chứ không giảm?