Tham nhũng trong giáo dục

12:44 CH @ Thứ Ba - 05 Tháng Chín, 2006
Nạn chạy trường, chạy lớp, học thêm, xin điểm, mua đề thi... lâu nay vẫn chỉ xem đó là những “tiêu cực” chung chung chứ không được gọi đúng “tội danh” là tham nhũng. Trong những tranh luận về phòng và chống tham nhũng cũng không có chỗ cho loại tham nhũng giáo dục này.

Thế giới từ lâu đã gọi đúng tên những thứ nạn ấy là tham nhũng trong giáo dục. TTCT trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trích đoạn trong báo cáo “Corruption in the education sector” (“Tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục”) của các nước thuộc nhóm Utstein (gồm Anh, Canada, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển).

Các nước này, từ năm 1999, đã xem vấn đề tham nhũng trong giáo dục (hay không) như là một trong những tiêu chí trong việc đề ra các chính sách viện trợ phát triển cho các nước nghèo.

Vấn nạn tham nhũng

Ngay trong phần dẫn nhập của báo cáo, các tác giả khẳng định: “Ở đâu tham nhũng hoành hành, ở đó niềm tin của xã hội biến mất và tiềm năng phát triển của cả nước đó bị hủy diệt từ nền móng. Ngay từ tuổi vị thành niên, các công dân tương lai đã lần hồi quen thuộc với tham nhũng trong nhà trường và đại học. Một khi xảy ra điều này rồi, giáo dục không còn hoàn thành được nữa vai trò then chốt của mình, tức vai trò giáo dục các giá trị và hành vi đạo đức. Hậu quả là tham nhũng, từ đó, trở thành chuẩn mực ở mọi cấp trong xã hội”.

Các tác giả đưa ra tiếp nhận định sau: “Thật ra tham nhũng không phải là nguyên nhân của mọi tệ lậu. Vấn đề ở chỗ: sự thiếu năng lực (bất tài) của các tác nhân chủ chốt (lãnh đạo) và/ hoặc sự không thích hợp của hệ thống giáo dục. Chính hai yếu tố này đã để cho tham nhũng diễn ra”.

Các hạng mục tham nhũng

Các tác giả khởi đầu bằng một khẳng định trớ trêu: “Lĩnh vực giáo dục chiếm vị trí thứ nhất hay thứ nhì trong ngân sách đa số quốc gia, và cơ hội tham ô cũng rất nhiều”.

Trớ trêu do lẽ nếu không tăng ngân sách giáo dục, thì sẽ cản trở đà tiến của xã hội; song nếu ngân sách giáo dục được tăng mà xã hội, mà trước hết là học sinh và giáo viên, không được hưởng trực tiếp thì sẽ là thất thoát, tham nhũng.

Theo các tác giả, sở dĩ những thất thoát trong giáo dục ít nổi cộm là do: “Tham nhũng là một sự chuyển nhượng “dấm dúi” liên quan đến các bên trong một thỏa hiệp được giữ kín. Thế cho nên, những hành vi thường bị lên án nhiều nhất (như “lại quả” hợp đồng) chính là những hành vi được giấu giếm nhất. Trong khi những hành vi hiển hiện nhất, chẳng đậy điệm gì cả, như cưỡng bách học thêm, lại dễ được bỏ qua hơn”.

Từ đó, các tác giả xác định “lộ giới” của tham nhũng trong giáo dục tại một quốc gia như sau:

* Ở cấp chính sách nhà nước:

- Các nhà quyết định thích đầu tư vào hạ tầng cơ sở “cứng” (xây dựng, thiết bị...) hơn là hạ tầng cơ sở “mềm” (tỉ như chi phí điều hành hằng ngày của các trường) do lẽ các khoản “cứng” này dễ “ăn” được hơn.

- Các nhà quyết định thường để cho sự thiên vị ảnh hưởng đến các chính sách, gây bất lợi cho nhiều học sinh khác, tỉ như việc bỏ qua các thông số đánh giá học lực tuyển sinh cho một nhóm học sinh này hay một nhóm học sinh khác.

Hậu quả của sự thiên vị này là sự tê liệt của xã hội: “Trong các xã hội ít chú trọng đến tiêu chuẩn “tài năng, thành tựu”, một ai đó có thể đỗ đạt hay được thăng cấp thuần túy nhờ thuộc về một nhóm nào đó, hay một gia đình nào đó, là chẳng hề gây ra bất cứ phản đối nào”.

- Trong giai đoạn sau chiến tranh lạnh, các trường tư mọc lên như nấm. Muốn thế, các trường này, nhất là các đại học, phải được cấp giấy phép và công nhận bởi bộ chuyên ngành. Từ đó dẫn đến nạn đút lót. Hậu quả là sinh viên tốt nghiệp với chất lượng thấp cứ thế bước vào thị trường lao động.

* Ở cấp bộ:

- Tham nhũng lớn liên quan đến việc “xà xẻo” ngân quĩ cung cấp thiết bị, xây dựng và ngân quĩ dành cho cấp dưới trong hệ thống. Các nhà quản lý tham nhũng “xà xẻo” ngân quĩ dành cho nhà trường trước khi ngân quĩ này đến nơi.

- Do lẽ các tiêu chuẩn tuyển dụng thường bị bỏ qua nên các nhân viên bất tài được bổ nhiệm. Việc phân công đi dạy tại nông thôn thường gây bất bình, chủ yếu là giáo chức chưa lập gia đình hoặc phụ nữ; để tránh bị phân công về quê, những người này thường chạy chọt các quan chức. Việc thăng cấp cũng có thể được mua bán. Mặc cho các thang bậc trong hệ thống đại học có nghiêm nhặt, các giáo chức đại học cao cấp thường bổ nhiệm những đồng nghiệp “cánh hẩu” song bất tài của mình vào những vị trí mới. Tham nhũng cũng xảy ra khi phân bổ trợ cấp hay học bổng.

* Ở cấp quản lý:

Các tác giả đã mô tả “lộ giới” tham nhũng ở cấp này như sau:

1. Tiền và thiết bị bị “xà xẻo” trước khi đến được các trường.

2. Cấp dưới có thể được cơ hội tốt hay tránh khỏi hình phạt bằng cách đưa hối lộ.

3. Tham nhũng trong tuyển dụng và nâng ngạch góp phần vào việc làm giảm chất lượng giảng dạy.

4. Lạm dụng quyền hành bỏ qua việc đánh giá học vấn tuyển sinh.

Từ “lộ giới” trên, các tác giả mô tả tham nhũng trong “thiên hình vạn trạng” của nó như sau:

- Các khoản “phí” bất hợp pháp để được nhập học trong khi điều này phải là miễn phí.

- Chỗ học được “bán đấu giá” với giá cao nhất.

- Học sinh thuộc một vài nhóm xã hội được hưởng ưu tiên trong tuyển sinh trong khi các học sinh khác phải trả “phụ phí”.

- Được điểm cao, hoặc thi đậu nhờ hối lộ thầy cô và các quan chức. “Giá cả” trong các trường hợp này đều được hay biết rõ; ứng viên có thể phải chung chi trước.

- Điều chỉnh kết quả thi để học sinh thi rớt được vào trường hoặc tiếp tục học.

- Bán đề thi.

- Dạy kèm ngoài giờ lên lớp cho những học sinh trả tiền theo học, thầy giáo làm giảm động lực giảng dạy trong lớp học “bình thường”, dành sức cùng những bài học trọng điểm cho các lớp học thêm, gây thiệt hại cho các học sinh không có điều kiện trả tiền học thêm.

- Học sinh phải làm phụ những công việc lẽ ra là của nhà trường.

- Nhà trường độc quyền cung cấp bữa ăn và đồng phục, hậu quả là chất lượng thấp song giá cả lại cao.

- Mua thiết bị dạy học chất lượng thấp, dưới tiêu chuẩn để nhận đút lót.

- Đút lót thanh tra, kiểm toán để đừng công bố những khoản “xà xẻo”.

Các tác giả cũng đã vạch ra những quan hệ qua lại giữa tham nhũng trong xã hội và tham nhũng trong nhà trường, rằng một số hành vi xã hội “duy tham nhũng” càng làm cho nhà trường tham nhũng hơn. Tỉ như thói quen quà cáp có thể biến thành cưỡng bách “tống tiền” cả trong nhà trường. Trong những trường hợp này, phụ huynh học sinh, hoặc cố ý hoặc vô tình, đã không được thông tin đầy đủ để có thể can dự vào việc đòi hỏi quyền được giáo dục một cách đàng hoàng hơn cho con em mình.

Hậu quả của tham nhũng trong giáo dục

Danh mục trên không xa lạ gì với thực trạng ở VN. Xa lạ chăng chính là ở chỗ thiên hạ gọi đích danh đó là tham nhũng! Chỉ khi nào xem đó là tham nhũng, mới có thể nhìn thẳng vào các hậu quả khôn lường sau, theo báo cáo:

1- Tỉ lệ bỏ học cao ở những tầng lớp dân chúng nghèo khó nhất.

2- Chất lượng giảng dạy thấp dẫn đến những thành tựu thấp của xã hội.

3- Một hệ thống đễ bị tác động bởi những ảnh hưởng chính trị, tôn giáo, chủng tộc trái ngược.

4- Tham nhũng trong giáo dục càng làm sâu thêm mối bất bình đẳng giàu nghèo, đồng thời ngăn cản cả những thế hệ sau có thể đạt đến một tương lai xán lạn.

5- Một xã hội không còn dựa trên cơ sở “tài năng”. Thường thì đó là những xã hội đang trong giai đoạn chuyển đổi, còn thiếu tính công khai minh bạch, thiếu các cơ chế kiểm soát và trừng phạt, còn trong những hệ thống trung ương tập quyền độc đoán vốn thường không màng đến tính chuyên môn. Chính sự yếu kém của hệ thống đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên trục lợi từ chức vụ của mình.Và ở ngay từ tầng lớp lãnh đạo, sẽ chỉ nỗ lực duy trí cả quyền lực “vô tận” đó, lẫn cái hệ thống “cồng kềnh” đó, nhằm duy trì các hành vi tham nhũng.

Có bao giờ chính trong ngành giáo dục đã có những nghĩ ngợi về những điều như trên chưa? Hi vọng những giới thiệu trên sẽ đánh động được một ý thức mới: chống tham nhũng cả trong lĩnh vực giáo dục.

Nguồn:Tuổi Trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đầu tư học tập - đầu tư quan trọng nhất cho bản thân, đất nước

    10/10/2018Khiết Hưng - Hương GiangĐiều quan trọng nhất mà tôi muốn nhắn gửi các bạn là phải đầu tư vào việc học tập của mình. Những việc làm lý thú, đem lại nhiều tiền, giúp cải thiện thế giới, cải thiện cuộc sống của các bạn... đều đòi hỏi rất nhiều từ việc học tập...
  • Nhìn lại việc giáo dục nhân cách cho sinh viên

    08/09/2016GS. Tương LaiNếu trong một thời gian dài, lòng trung thành được nói đến nhiều hơn sự trung thực thì đã đến lúc cần xếp lại vị trí ưu tiên cho cái cần được chăm lo bồi dưỡng, “cái đang thiếu”! Mà nếu thiếu cái gì đó, thì “cái còn lại còn gì là đáng giá” kể cả lòng trung thành!
  • Tại sao giáo dục Việt Nam khủng hoảng và đâu là lối thoát?

    19/02/2013Nguyễn Đình ĐăngNguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch hiện nay của giáo dục Việt Nam nằm ở đâu? Phải chăng gốc rễ của vấn đề nằm ở hai điểm chính: Thứ nhất là truyền thống học để làm quan của người Việt và thứ hai là thái độ không tôn trọng (nếu không nói là coi rẻ) cá nhân con người trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là thái độ chưa thực sự tin tưởng trí thức...
  • Bán chỗ ngồi

    30/08/2006Lê Thanh PhongNhiều người dân bức xúc khi báo chí phanh phui những tiêu cực tại Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM. Khó có thể tưởng tượng nổi, một bộ phận giáo viên ở đây đã "bán chỗ ngồi" cho học sinh với giá từ vài trăm đến vài ngàn USD/ghế...
  • Lãng phí trong giáo dục: Thiệt hại vô bờ bến

    26/08/2006GS Nguyễn Ngọc LanhLãng phí đi đôi với tham nhũng và xét cho cùng của cải tham nhũng cũng là của cải nhân dân bị lãng phí (vào túi cá nhân). Lãng phí trong giáo dục, ngoài tiền bạc là cái dễ thấy hơn cả, còn lãng phí thời gian, công sức, lòng tin, lòng trung thực...
  • Giáo dục và bệnh thành tích

    19/07/2006Huỳnh Bửu SơnThành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
  • Lỗi từ hệ thống

    05/07/2006Nguyễn Trung DânCho rằng bệnh thành tích nếu được "các em học sinh, các bậc phụ huynh chống lại... và "các bậc phụ huynh và học sinh phải kiên quyết từ chối việc thi cử, đánh giá học sinh bằng điểm thi cao hơn khả năng thuộc về các em" thì "chắc chắn là không" còn bệnh thành tích!
  • Một quốc nạn còn đáng lo ngại gấp bội tệ nạn tham nhũng

    03/06/2006Nguyễn Viết Hùng (TP.HCM)Đó chính là hiện trạng giáo dục. Có ở đâu mà người dân phải kêu lên trên báo chí: "Con tôi khổ quá, ông Bộ trưởng Giáo dục ơi!"? Có bao giờ lại đổ đốn lắm bằng cấp "tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi" đến như bây giờ? (1)
  • Mầm họa đang lớn

    10/03/2006Trước những bức xúc trong giáo dục hiện nay, Gs, Ts khoa học toán lý Nguyễn Xuân Hãn cho rằng cả ba lĩnh vực: chương trình sách giáo khoa, giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục hiện nay đều đang có vấn đề...
  • Chi tiêu cho giáo dục: Những con số "giật mình"!

    16/02/2006Vũ Quang Việt (chuyên viên Thống kê cao cấp của Liên Hợp Quốc, New York, Mỹ)Từ New York (Mỹ) chuyên viên thống kê cao cấp của Liên Hợp Quốc Vũ Quang Việt gửi tới VietNamNet những phân tích thú vị về chi tiêu cho giáo dục Việt Nam rút ra qua những số liệu tính và phương pháp tính toán của bản thân...
  • Trung thực: nền móng của cải cách giáo dục Việt Nam

    30/12/2005Phạm Xuân Anh"Trung thực nền giáo dục" chính là nền móng của CCGD nước ta hiện nay. Theo quan điểm chủ quan của tôi thì CCGD mà chúng ta đang tiến hành tựa như “xây nhà từ nóc” vậy. Chính vì vậy, những giải pháp chấn hưng giáo dục đều thất bại hoặc không mấy thành công. Tôi có cảm giác rằng nhiều ý kiến, biện pháp CCGD của nhiều tập thể, cá nhân đưa ra vừa qua khi họ đang ở trên… mây để quan sát nền giáo dục nước nhà vậy...
  • Những con số biết nói

    23/09/2005Nguyễn Xuân HãnĐầu tư tăng chất lượng GD tăng? Số lượng HS-SV năm 1998 là 21,1 triệu em, đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục là 13,7% tương ứng là 11.754 tỷ đồng (ĐVN), đến 2004 là 22,7 triệu em (tăng 1,6 triệu em), song đầu tư của riêng Nhà nước cho giáo dục đã tăng 17,1% tương ứng là 34.400 tỷ ĐVN (tăng 3 lần)...
  • xem toàn bộ