Thanh kiếm và Cuốn sách

06:47 CH @ Thứ Hai - 20 Tháng Năm, 2013
Bồi và Giới là hai người khác nhau, chả biết gì về nhau, sống hai thôn xa nhau, nhưng giống nhau hoàn cảnh : đều được nghe nói gia tộc xưa vốn không đến nỗi! Họ tin thế vì trước đây nhìn chỗ nào trong nhà, ngoài vườn cũng có thứ ông cha đã để lại ! Nhưng giờ đều rất khổ dù đã chầy chật dùng cái này vật cái kia trong nhà để đắp điếm chuyện nọ bù trì việc khác như bao nhiêu người ở cái huyện nghèo này. Họ ngày càng quẫn quách lắm … bắt đầu không tin chuyện ngày xưa, mà hay ta thán : sao ông cha mình chả để lại nhiều thứ Quý cho mình nhỉ ???

Một ngày kia Bồi đã túng thiếu lắm rồi, lục lọi trong nhà xem còn gì gọi là ra tiền còn sót không. Thì thấy trên bàn thờ, bấy lâu chả có gì bầy biện nên không để ý, có cái hộp gỗ nhỏ Ông Nội để lại có một cuốn sách bọc gấmđã bạc bụi thời gian, đề chữ mực Tàu nắn nót bên ngoài: Của quý nhất giành cho con cháu mai sau ! Bồi lật nhanh những trang sách, không đọc, nhưng cảm thấy nguyên vẹn, chặc lưỡi : nếu quý thật thì sao đến đời Bố mình vẫn khổ? Và quý thật thì phải cứu khổ được cho cả nhà chứ? Mai đem ra chợ bán!

Giới cũng thế, không biết cơm cháo tới đây ở đâu ra, buồn nản nhìn quanh, ôi kìa trên bàn thờ bạc bụi… bao lâu nay do nghèo, cũng chả có gì bày biện trên đó nên không thực để ý, bây giờ mới nhận ra có thanh kiếm thậtxếp cùng với một số đồ bằng gỗ giả binh khí khác ….Giới bắc ghế trèo lên gỡ xuống, lau bui, nhìn lên thân vỏ kiếm có khắc: Của quý nhất giành cho con cháu mai sau!Giới rút khẽ lưỡi kiếm ra vẫn sáng loáng, bén ngọt! Chặc lưỡi : Nếu quý đến thế sao đời Bố mình cũng chưa được sướng? Và quý thật thì phải khiến cho cả nhà sướng chứ? Mai đem ra chợ bán!

Người ta nhận xét : nghèo thì mắt hay liếc ngang dọc, mũi hay ngửi trên dưới xem trong nhà mình còn cái của quý gì để đem đi bán không... Cai tật đó còn mắc mãi ở ngay cả một số kẻ sau này đã làm quan to của Nước nghèo, thường thế khi đi tuần trong khu địa phương mình quản !

Họ tìm một góc quang đãng ở đầu chợ, có vẻ như sẽ gặp được nhiều người qua lại mà quan tâm và mua cho họ! Cả hai luôn miệng nói: của quý gia tộc đây, thứ quý duy nhất sau hơn ba đời đây…, mua nhanh mua nhanh, chỉ có một, chỉ có một mà thôi đây… Mấy ngày trôi qua…cũng nhiều người nghe và để mắt đến họ…nhưng nghe cách họ nói, lại thêm nhìn bộ dạng đói nghèo của họ…chả ai ghé lại mà xem xét, chả giá gì sất…Họ cũng mệt lắm rồi, thế nào lại ngồi gần nhau dưới gốc cây nghỉ lấy sức, tuy bụng chả còn hạt cơm nào, nhưng người đơm chuyện dưa lê cả đống, kẻ đưa câu dưa chuột cả vườn… Bỗng nhiên cả hai cũng sực tỉnh! Bồi thầm nhớ lại : mình nghèo là bởi có lần lâu rồi một bọn thảo khấu xông vào nhà đánh đấm mọi người rồi lấy đi đồ đạc, giá như lúc đó có thanh kiếm này thì kẻ nào dám! Còn Giới lại nghĩ : nhà mình có lẽ nghèo như bây giờ bởi không chịu đọc sách Thánh hiền, do vì thiếu chữ mà ra cả thôi! Thế là cả hai nói đi nói lại để được đổi cho nhau…

Chuyện chỉ đến đó, thực là không rõ tiếp theo điều gì xảy ra với hai người Bồi và Giới. Sau tôi cũng cố khảo lại thì nghe một anh giáo xanh xao chuyên dạy thêm cho trẻ biện thế này : Giới do có ý thức học chữ nên đã giàu có, Bồi do có sách lại chả chịu đọc, lại thêm có kiếm nên mắc vào ngộ sát ! Tôi có nhời hỏi: thế Bồi và Giới ở đâu ? Anh nghe thấy chuyện từ ai? Anh Giáo tay cầm cuốn sách cũ, hơi vênh khuôn mặt xương xương như thanh kiếm mỏng, bảo : cái nhẽ nó thế tất phải thế ! Tôi cảm thấy cái ‘mootip đạo đức’ đó nó cu cũ thế nào í, thôi thì lòng bảo dạ : cũng là câu tốt để răn trẻ! Thông cảm cách anh Giáo marketing về công việc của anh í !

Lâu sau tôi qua nhà một ông Cự phú mua chút muối. Ngồi trò chuyện đôi hồi, ông ấy thổ lộ : nhà ông í từ trước nghèo lắm, ông cha không để lại cái của Quý gì sất, bé đã biết tần tảo bán muối sinh sống từ nhỏ đến to, từ ít đến nhiều, từ gần tới xa …. với tâm niệm đơn giản : bán cái gì cả làng cả nước lúc nào cũng cần là muối, đem vào đó cái xưa nay quý là lao động: tinh thần phải cương như Kiếm, hiểu việc đời phải thông như Sách ! Qua thời gian Kiếm không gỉ, điều Sách viết không cũ. Ý tứ cứ nung nấu như thế nên có duyên mua về được từ bôn ba hai thứ để bày trên án thờ : thanh Kiếmcuốn Sách, cả hai đều có ghi: Của quý nhất giành cho con cháu mai sau! Tôi ngạc nhiên hỏi : thế đã dùng thử hai thứ đó chưa ? Ông Cự phú vuốt chòm râu rất đẹp cả cười khoan thai: Tôi chả bao giờ dùng chúng cả, tôi mua bởi cảm nhận về thời gian rất dài đã đi qua chúng, nên thấy quý, với tôi chúng là biểu tượng, có lẽ cái câu viết và khắc trên đó cũng đã có nhẽ thế hơn là nội dung hay tính năng của chúng! Ông có định sau này để lại cho con cháu hai thứ đó không? Tôi hỏi. Ông Cự phú trả lời hóm hỉnh : thì mình chết còn mang theo cái gì làm gì nữa hở Giời?! Bản thân những dòng chữ đó đã viết thế, từ đời nào rồi thì mình hãy cứ làm thế! Chỉ mong chúng vẫn luôn ở chỗ kia, không phải tha phương cầu thực bởi lũ con cháu tôi sau này suy tàn mà đem nó ra chợ làng mà bán thôi!

Nghĩ vẩn thế sự, tôi quèo thêm một câu : nhà ông giàu thế này rồi, giao lưu với đám quan lại cũng nhiều, họ mà biết có hai thứ Qúy thế này, ngự trong nhà ông nữa khiến lại càng thêm tỏ vẻ, thì họ xin hay sinh chuyện để lấy đi thì sao ? Ông Cự phú thong thả : Nếu đám họ xin hay lấy đi thật thì tôi cũng chả có chi phải tiếc! Cái Quý thực nó không ở đồ vật ! Hai thứ đó đã qua đời tôi thì ý nghĩa biểu tượng đã thêm phần chắc chắn, sáng tỏa, nhưng vào nhà họ, chúng không được nuôi dưỡng tiếp bằng tinh thần tốt thì lại khiến họ lụn bại, Kiếm và Sách để lại họa rồi lại tha phương mà thôi. Hơn nữa đám quan nào như thế họ không đủ Dũng để thíchKiếm, không đủ Trí để thíchSáchđâu, khá lắm thì trên bàn thờ nhà họ có treo Chữ ‘Dũng’, chữ ‘Trí’ bằng tiếng Tàu, viết trên giấy bản mua của mấy ông đồ Nho trên Thủ đô là quá oách, quá đủ rồi!
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Di chúc

    02/09/2014Lăng Đỉnh QuânChỉ vài chục dòng ngắn ngủi trong gia phả 3 đời gia đình họ Phương mà như lược lại lịch sử xã hội Trung Quốc suốt một thế kỷ, quả là bút pháp tài tình. Từ chỗ coi đạo làm trọng, rồi cuốn theo một lý tưởng cách mạng, cuối cùng là giật mình khi cơn lốc thời mở cửa hội nhập...
  • Di chúc

    23/01/2014Có một ông xẩm mù cao tuổi, ngón đàn của ông thật tuyệt diệu, nổi tiếng xa gần. Ông mang theo một đứa bé mù, đi hát rong kiếm sống, lang bạt khắp nơi...