Thanh niên với quốc văn

06:07 CH @ Thứ Sáu - 11 Tháng Ba, 2016
Đây là bài nói chuyện của Xuân Diệu với các sinh viên, học sinh Việt Nam tại trường Đại học ngày 4-2-1945. Trong phạm vi diễn thuyết Xuân Diệu đã nói sơ qua những quan niệm cần có để gột rửa cái óc nô lệ của người mình trước văn hóa dân tộc...
.
Xem thêm cùng tác giả:
.

Xuân Diệu (1916-1985)
.
Thưa các bạn.
Chưa khi nào tôi nói trước đông người. Lần này nói với các bạn, đó là lần thứ nhất của tôi. Tôi không muốn mang cái vẻ dễ thành ra khôi hài của một nhà diễn thuyết. Đây chỉ là một cuộc trò chuyện, nó có về một câu chuyện tâm tình. Tâm tình với quốc văn, tâm tình của chúng ta đối với quốc văn.

Sinh viên với quốc văn! Sinh viên Việt Nam với quốc văn Việt Nam! Biết bao nhiêu điều các bạn có thể tự tình kể lể với cái hồn của nước ta đọng trong quốc ngữ!
Chúng ta tâm sự với tiếng nói của mẹ Việt Nam, chúng ta nghe rõ trong lòng ta lời nói của mẹ Việt Nam. Vậy tôi chắc các bạn cũng cảm thông với tôi trong cái nỗi niềm dạt dào khi nghĩ đến Mẹ.

I.
Lần này cất tiếng, tôi dám trách các bạn phần nhiều, trong bao nhiêu năm đi học, các bạn đã không được đằm thắm mấy với tiếng của ta. Tôi xin nhắc lại đây cái tình trạng của học sinh Việt Nam đối với quốc văn mười năm về trước. Tôi còn nhớ cái thời 1930 đến 1934, thời tôi học bạn thành chung. Phần nhiều các bạn tôi đều làm lơ, và hầu như không biết đến quốc văn. Các bạn đến trường mà học, thì trường dạy cái gì các bạn học cái ấy, trường chuyên cái gì, các bạn chuyến cái ấy. Vậy nên, cái tình của các bạn đối với quốc văn cũng khinh hay trọng tùy theo cái điểm thì hạch được nhân ít hay nhân lên nhiều.

Các bạn của tôi, thời ấy, đều viết thư cho “mon cher frère” cả; họ coi bức thư như một bài tập để anh họ chấm pháp văn cho. Có cái gì như là khinh khinh đối với quốc ngữ. Vậy nên có bốn giờ cũng liệt vào một hạng, bốn giờ người ta cho là để ngồi nhởn nhơ. Các bạn có nhớ không?

Đó là giờ tập viết, giờ tập vẽ, giờ học chữ Tàu, và, cuối cũng, là giờ học tiếng Việt. Những ông giáo dạy tiếng Nam cũng bị các bạn nhờn như ông giáo dạy chữ Tàu.

Ông giáo giảng văn, các bạn nghe bằng lỗ tai chểnh mảng. Là vì trong khi ấy, nhiều bạn đem ra làm tính, làm vật lý học hay hóa học, cho lợi chút thì giờ. Hay hơn nữa, các bạn vội làm cho xong bài luận pháp văn sắp phải đem nộp! Có gì đâu! Các bạn cho rằng tiếng Nam là một tiếng thường quá; nó không có cái về hệ trọng, cái vẻ “đi học” của những tiếng khác. Các bạn có biết học trò Việt Nam thường làm luận quốc ngữ như thế nào không? Tôi còn nhớ các bạn tôi, nếu phải làm một bài luận quốc văn, thì họ giở ngay quyển vở ra, họ chép đầubài, viết một chủ “Bài làm”; rồi thì, không nháp, khôngngẫm nghĩ, các bạn tôi viết một mạch, cho đến khi hết chuyện nói, thì các bạn tôi cho một dấu chấm hết.

Cái thứ tiếng “nôm na mách quẻ” ấy, vẫn thường nói với đứa ở, với phu xe, với người nhà, thì nay làm luận, các bạn tôi cũng cứ việc thao thao viết ra, cần gì nháp, cần gì sửa chữa! Rồi thì đến giờ chấm bài. Người làm đã khinh xuất, thì người chấm cũng chẳng cho là hệ trọng gì hơn. Ông giáo gọi anh Bình hay anh Bá đứng dậy đọc bài luận; ông chỉ nghe bằng lỗ tai; rồi thì cho điểm. Nào đâu, hỡi các ban! Là cái về hệ trọng, cái về nghiên cứu, cái về chăm chút, khi làm một bài luận phải cân nhắc chữ à, chữ de; chữ par, chữ pour, chữ qui!

Những người học trò càng nhất lớp bao nhiêu, thì khi giảng Hoa Tiên hay Truyện Kiều, họ càng ngơ ngác bấy nhiêu. Họ như anh Mán lạc vào rừng rậm. Một câu Kiều như câu: “Của này bắt được hư không” chẳng hạn, nghĩa là: của này bỗng nhiên vô cớ mà bắt được, thì họ giảng rằng: của này của người ta mà bắt được, thì có hư hay là không! Và cái câu Phan Trần:

Đàn thông phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe kinh.

mà chữ “đàn thông” họ không ngần ngại, cắt nghĩa rằng: đàn thông là những cây thông mọc trên núi, gồm lại thành một đàn, như đàn chim chẳng hạn!

Không biết bây giờ các học trò giỏi tiếng Việt Nam có được quý trọng hay không? Chứ thuở tôi đi học, những người ra ver chăm quốc ngữ, thì chúng bạn đều cho là ông đồ, hay nhà nho, với tất cả cái nghĩa chế miệt của những chữ ấy. Còn người nào làm thơ Việt Nam thì ôi thôi! Họ cho là thi sĩ, là “bồ ệt”, nghĩa là cũng đồng một tên đọc nhại với cái xe một bánh chở đất, với cái xe bồ ệt, cái xe brouette.

Ấy đó, phác sơ qua cái tình trang trước kia ở trong các nhà trường. Tình trạng ấy bây giờ có lẽ đã khá hơn, nhưng chắc đầu sự hững hờ lại chẳng vẫn còn một phần lớn?… Có lẽ các bạn tôi cho quốc ngữ là một thứ chữ “hoang”. Mà chữ hoang thật mà! Nào có ai bắt phải học;nó cũng như cỏ hoang mọc bừa bãi ngoài đồng, nào có ai chăm chút trông nom. Nó là thứ cây không có trái, hay là có trái mà trái ấy không nuôi các bạn tôi được, nên thật chẳng cần phải vun trồng.

Phong bì, tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu
*
* *
Nay những học trò đã thành những sinh viên. Các bạn sinh viên của tôi! Các bạn cũng hẳn thấy trước tôi rằng: sinh viên với quốc văn có nhiều bổn phận. Các bạn hẳn cũng nhớ trước tôi, cái truyện rất hay của Alphonse Daudet tả cái buổi học cuối cùng (La dernière classe). Và Alphonse Daudet kết luận: “Một dân tộc nào mà còn giữ được tiếng của dân tộc ấy, thì dân tộc ấy cũng như giữ cái chìa khóa để tự giải thoát cho mình”. Tiếng quốc ngữ là cái chìa khóa mở của cho cái thế giới của linh hồn, cho cái thế giới sống còn, xin anh em đừng có đánh rơi mất chìa khóa!
Sinh viên Việt Nam ta thật mang không biết bao nhiêu là bổn phận, không biết bao nhiêu là nợ phải trả, bao nhiêu là việc phải làm. Vậy thì sinh viên chia việc ra mà làm. Mà trong những việc hệ trọng, tất phải có cái việc ra sức vì quốc văn. Sinh viên là những học sinh bậc nhất, những thanh niên may nhất, học cao nhất.

Nếu sinh viên, bên cái học nhà trường không nghĩ đến cái học quốc ngữ, thì chẳng lẽ những người nhiệt tâm với quốc ngữ đầu là những người khác hay sao?

Các bạn được thông thái hơn cả trong thanh niên, hấp thụ văn minh hơn cả những người khác không may mắn; cái thanh niên tri thức ấy mà không làm việc cho quốc ngữ, thì tất là bỏ công việc cho những người kém học hơn mình.

Điều thứ nhất là trong lòng sinh viên nào cũng phải có một lòng yêu thương quốc văn; học trò Việt Nam mà không yêu văn Việt Nam, thì sao cho được!

Bạn tôi là một người có hai mẹ. Người mẹ lớn, vợ cả của thầy anh, đối với anh có biết bao là oai quyền. Nhưng người mẹ nhỏ, là mẹ sinh ra anh, tuy cam phận tiểu linh, mà lòng anh hằng khóc thầm với mẹ. Anh có thể xu phụ theo mẹ lớn để được tiền của, cửa nhà, được ăn sang mặc đẹp; nhưng riêng lòng anh vẫn có một phần thiêng liêng nhất, âu yếm nhất, dành cho mẹ đẻ của anh. Cái phần ấy, lắm khi anh phải che dấu đi, không dám cho mẹ lớn anh trông thấy; nhưng càng che đấu lại càng thắm thiết, càng lấp vùi lại càng nóng hổi, càng chặt đẽo lại càng nở lộc, đâm chồi.

Văn quốc ngữ là một thứ văn hoang, nên anh em mới càng phải vun xới. Phải chăm nom cho nó, kẻo nó héo hắt rụng tàn. Anh em đi chơi, anh em đi học, anh em không nghe tiếng quốc ngữ nó kêu gọi anh em hay sao? Anh em không nghe tiếng mẹ gọi hay sao? Anh em nỡ nào mà hững hờ cho được!

II
Vậy thì, trong phần thứ hai của câu chuyện, tôi xin nói những công việc, mà tùy tài năng, tùy khuynh hướng, anh em sinh viên phải làm.

Nước ta thiếu văn dịch. Thì một số sinh viên, lúc học bài trong lớp học, đã có khiếu về môn tiếng ngoại quốc, những sinh viên ấy chăm học thêm, ngoài tiếng Pháp đã đành, còn tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng các nước. Để anh em sau này sẽ dịch những văn hay các nước, dịch thẳng từ nguyên văn sang tiếng mẹ đẻ, mà khỏi đi qua cái cầu tiếng Pháp. Là vì hiện giờ, người Việt ta đang chịu chung một cái thẹn văn học. Các nước người ta đầu dịch văn ra một lần, chứ chẳng ai dịch văn ra đến hai lần cả. Nếu dịch là phản, mà phản đến hai lần thì còn gì! Họa chăng chỉ có chúng ta mới chịu nhai lại một lần thứ hai, một áng văn mà người ta đã nhai lại một lần thứ nhất.

Ta tưởng tượng, nếu cứ cẩu thả như vậy thì một người Cao Miên biết tiếng Việt, thấy một bản dịch Anna Karenine đã dịch từ tiếng Pháp sang, bèn đem dịch ra tiếng Miên cho tiện việc. Rồi một người Lào biết tiếng Miên sẽ đem dịch ra tiếng Lào. Rồi những người ở trên rừng xứ Lào lại dịch tiếng Lào ra tiếng họ. Cuối cùng, bản Anna Karenine sẽ thành ra bản Werther!

Theo ý tôi, nếu chúng ta muốn dịch văn mà lại qua đến hai lần, thì thà chúng ta nhịn hẳn cái món ăn phương xa ấy vậy. Khi mà người Việt đã có một trường Đại học, thì người Việt sao lại chịu đi vay hai lần như thế. Những con ong đi hút nhị phương ngoài về cho người Việt, chẳng phải đã có sẵn ở đó sao? Đã rõ ràng ở đó sao? Đó là những sinh viên Việt Nam! Sinh viên không thể từ chối được cái phận sự ấy. Vả chóng chầy thì chúng ta cũng có được những áng văn dịch ra tự nguồn.
.

.
Vậy anh em ta phải làm sao để có thể tự hào rằng: người Việt Nam cũng có một bản dịch Faust, hay một bản dịch Hamlet, một bản dịch Anna Karéine chẳng hạn, mà sát nguyên văn và thoát nghĩa hay là hay hơn những bản dịch của Pháp, của Espagne, hay của nước Nhật, nước Tàu.

Một số sinh viên khác sẽ khảo cứu những tinh túy của văn cổ ta, được chút nhị nào là hút ra chút ấy, để góp tất cả cái đặc sắc của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, của Thị Điểm, Xuân Hương, hay của Phạm Thái, Nguyễn Văn Thành v.v…, góp những cái tinh hoa ấy mà làm nên một phần của cả linh hồn quốc gia dân tộc. Cái gia tài văn học của cha ông ta để lại, hiện nay ta chưa khai thác gì cả. Tìm ra một ít tài liệu, chưa hẳn là khai thác ra đâu; tất phải rút trong những áng văn xưa cái mặt nhụy tinh thần của chúng. Ta cứ xem người Âu họ học các tác giả của họ kỹ lưỡng đến chừng nào! Anh em sẽ nhận cái tinh thần có phương pháp của họ mà xem lại những văn xưa, chẳng a dua, chẳng lặp lại những điều thiên hạ vẫn nói mãi. Mà trái lại, lấy con mắt không thành kiến của một thanh niên mới, để khám phá ra những châu báo mà chưa ai biết nhìn. Ở bên Tàu gần đây, ông Hồ Thịch đỗ bác sĩ ở nước ngoài, mà về nhà, bác sĩ đem phẩm hình trở lại những áng văn xưa, và bác sĩ đã thấy thấu đáo hơn những người từ trước đến nỗi như bác sĩ đã phun một cải linh hồn mới, cho những áng văn cổ sinh ra một lần thứ hai.

Ví dụ, nói đến Truyện Kiều của ta, từ trước đến nay, động mở miệng là người ta hùa nhau bảo rằng: Truyện Kiều là cái “tâm sự di thần” của Nguyễn Du; Nguyễn Du làm tác phẩm ấy là để ngụ cái cảnh mình, tôi cũ nhà Lê, mà về với nhà Nguyễn. Thưa anh em hiểu như vậy thì cũng bằng chẳng hiểu gì!

Theo ý tôi, chủ trương như thế thì thật là trẻ con, thật là chẳng hiểu gì về sự sáng tạo nghệ thuật cả. Tôi thiết tưởng Nguyễn Du trước khi là một ông quan thì là một con người cái đã. Nguyễn Du viết ra Truyện Kiều là vì thích viết, cần viết; là vì từng ngắm bóng trăng, là vì đã nghe gió thổi, là vì có cái hay, cái đẹp ở trong lòng nó réo rắt, nó đòi bộc lộ ra ngoài. Một bậc thiên tài như Nguyễn Du há lại chẳng biết rằng những sự đổi triều cũng chỉ là những việc vặt, không đáng phải làm cả ba nghìn hai trăm năm mươi bốn câu thơ để thở than. Cái kiếp người ở trong tác giả Nguyễn Du còn hệ trọng nhiều hơn nữa.

Ấy đó, ví dụ một điều nông nổi, chật hẹp của cái nghị luận thông thường. Anh em phải là những người thấy những chỗ cạn hẹp của những thứ nghị luận, nghiên cứu ấy.

Ngoài hai bổn phận: phiên dịch và nghiên cứu, anh em còn có một bổn phận tối cao, là sáng tác. Đã đành rằng: muốn sáng tạo, muốn viết ra những văn phẩm, thì phải có khiếu riêng, có tài trời cho sẵn. Nhưng nếu ta cứ chăm chú, cứ luyện tập, thì tự nhiên cái mầm tài cũng phải lộ ra. Còn như không để ý gắng công trước, mà tự cho rằng mình không có khiếu, là một sự vội tin theo số mệnh. Tôi chắc chắn rằng: nếu bao nhiêu học trò thời nay đều học quốc ngữ mãi từ lúc lên mười đến hai mươi tuổi. thì cái số nhà văn Việt Nam sẽ nhiều lên gấp một trăm lần. Vả số nhà văn đã nhiều thêm, thì tất có nhiều may mắn hơn để có những nhà văn siêu việt. Trường văn trận bút sẽ đông đúc tấp nập, rủ nhau đi như một bọn người tìm đất mới, chứ không lơ thơ lẻ tẻ như cái cảnh chợ chiều hiện nay.

Hễ cứ học mãi thì cái khiếu trong người mới được kích thích, được nổi dậy. Mà nếu cứ làm lơ thì dù có tài sẵn, cái tài cũng chết đi, uống phí mà thôi.

Và tất cả các anh em, người có khiếu để phiên dịch, nghiên cứu, hay sáng tác, cũng như những người không có khiếu gì riêng biệt, tất cả đều có một việc làm chung, là ủng hộ cho văn Việt Nam. Tất cả phải tỏ rằng anh em xem đó là một chuyện nhà, chứ chẳng phải là một chuyện ngoại quốc, tất cả phải tỏ rằng vui, rằng thích cái trường văn Việt Nam. Đừng có cái thái độ hững hờ, không xem, không đọc. Trong thâm tâm của chúng ta đây, chúng ta có thế không giật mình nghiệm thấy nỗi hờ hững của chúng ta hay không?

Những tác phẩm của văn chương Việt Nam mà không dội đến trường Đại học hay sao? Tôi tưởng tượng ở nước người, một tác phẩm xuất hiện ra mà hay, thì các sinh viên nước họ phải hoa tay múa chân, luận luận, bàn bàn, làm như ở trong trời đất mới sinh ra một của lạ. Họ không bao giờ chịu theo sau dư luận, và tình nguyện đi trước phong trào. Tôi
tưởng tượng ở bên Pháp những người trẻ tuổi khi họ đi ủng hộ cho bản kịch Hernani, ủng hộ kỳ cho bản kịch ấy thắng trận, phần đông chắc hẳn là những sinh viên, những thanh niên học hội họa. Sinh viên họ ở mọi nơi, ở trong cuộc dẫn đầu tư tưởng hay hưởng ứng văn học.

Còn như ở nước ta bây giờ, thảng hoặc có những tác phẩm hay bằng quốc văn xuất hiện, thì chưa chắc anh em đã biết đến, để đến nỗi thành ra những kẻ ở ngoài phong trào. Cuộc cách mệnh thi ca của ta gay go trong mười năm trời nay, là công trình của ai ai. Đến khi thắng trận, cũng chẳng phải sinh viên ca khúc khải hoàn. Mà còn gì khuyến khích các văn gia Việt Nam bằng cách yêu mến, cổ võ của anh em sinh viên!

Làm sao cho cái lâu đài văn học Việt Nam có xây lên, thì anh em cũng là những kẻ đã góp phần. Chứ một ngày kia lâu đài ấy có rạng rỡ, chẳng lẽ anh em tưởng rằng nó tự trên trời rơi xuống hay sao? Anh em sẽ giận mình biết bao, nếu trong khi người ta lo khuân gạch, vác cây, mà anh em cũng chẳng có lấy một tiếng “hò khoan”, gọi là góp câu thúc giục.

Cái công việc dễ nhất và cũng có hiệu quả, là góp tiếng reo hò đó, các bạn ạ. Reo hò làm sao cho xứng đáng là tiếng reo hò của sinh viên, phê hình làm sao cho cái dư luận của sinh viên là cái dư luận đúng nhất, và làm thế nào cho ai nấy cũng thỉnh cầu, e sợ cái thanh nghị chắc chắn của sinh viên!
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tại sao văn học Việt Nam tụt hậu?

    30/12/2016Triệu Từ TruyềnVai trò nhà cầm quyền rất lớn để tạo ra môi trường cho văn thi sĩ sáng tạo. Ngay dưới chế độ phong kiến hà khắc, cũng có nhiều vị hoàng đế ý thức được chính sách này. Dưới thời Napoléon đệ tam, Victor Hugo quyết liệt chống hoàng đế với những lời lẽ miệt thị cùng cực, nhưng ông vẫn được Napoléon III ân xá, dù dứt khoát không thoả hiệp, khi mất Victor Hugo vẫn được tổ chức quốc tang trong điện Panthéon. Rõ ràng chưa có chế độ nào vì chủ trương tự do sáng tác mà bị suy yếu, hay sụp đổ…
  • Dấu ấn phương tây trong văn học Việt Nam hiện đại - vài nhận xét tổng quan*

    05/05/2016Nguyễn Văn DânKhảo sát những dấu ấn của văn học nước ngoài trong một nền văn học dân tộc là một trong những đề tài của văn học so sánh ứng dụng. Trong bài này, chúng tôi chỉ khảo sát những dấu ấn của văn học phương Tây trong văn học Việt Nam hiện đại và đánh giá ý nghĩa của chúng dưới góc độ văn học so sánh, chứ chúng tôi hoàn toàn không có ý nói rằng văn học Việt Nam chỉ là những dấu ấn của phương Tây.
  • Lý tưởng của thanh niên An Nam (phần 1)

    16/09/2015Nguyễn An NinhVăn hoá là tâm hồn của một dân tộc. Giống như một con người có tâm hồn cao thượng thì mới biết những thú vui thanh cao trong cuộc sống, một dân tộc có nền văn hoá cao thượng thì mới hưởng được những đặc ân mà một dân tộc thấp kém hơn không thể biết được. Như vậy một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hoá riêng của mình...
  • Tại sao văn học Việt Nam không có tác phẩm đỉnh cao?

    25/04/2014Hiền Hương thực hiệnNhân dịp đầu năm mới Giáp Ngọ- 2014, phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (chị cũng tuổi Bính Ngọ) về đời sống văn học Việt Nam đương đại, về cả nỗi cô độc của người nghệ sỹ, của chính nhà văn- Nguyễn Thị Thu Huệ.
  • "Văn học Việt Nam đang phải trả giá"

    23/09/2013Nguyễn Trâm Anh (Thực hiện)Ngô Bảo Châu được giải Fields thì bạn có nghĩ rằng toán học Việt Nam có thành tựu hay không? Giả sử như văn học Việt Nam, anh Nguyễn Huy Thiệp được giải Nobel thì bạn cảm thấy như thế nào? Theo tôi, giải thưởng không có nhiều ý nghĩa. Giải Nobel văn học chỉ trao cho tác phẩm, tác giả chứ không phải là thước đo để đánh giá một nền văn học. Vì thế tôi nghĩ có đoạt giải Nobel hay không cũng không phản ánh đúng thực chất của nền văn học Việt Nam.
  • Trang bị từ chiến lược dịch thuật

    01/06/2010Nguyễn Vĩnh Nguyên“Thiếu tầm nhìn chiến lược” – đó là cụm từ thường được các chuyên gia nhắc đến khi nhìn sâu về thực tế cũng như tiềm lực, dự phóng phát triển của nghệ thuật, học thuật Việt Nam trong thời gian gần đây. Trong buổi nói chuyện gần đây về dịch triết học Đức tại viện Goethe, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đặt ra vấn đề lịch sử tư tưởng triết học của một quốc gia, dân tộc chính là lịch sử dịch thuật.
  • Cần có một nền dịch thuật đàng hoàng, lành mạnh

    29/12/2009Nguyên NgọcCách đây gần một thế kỷ, nền văn học hiện đại Việt Nam đã hình thành, phần rất lớn do ảnh hưởng của văn học và văn hóa phương Tây, chủ yếu là Pháp. Ảnh hưởng đó rất cơ bản, sâu sắc và toàn diện. Cơ bản: nó đưa nền văn học ấy chuyển hẳn sang một thời đại mới, chính thức bước vào thời hiện đại.
  • Nhập môn nghiên cứu dịch thuật – Lý thuyết và ứng dụng

    14/08/2009Sách này có mục đích cung cấp kiến thức nhập môn thực tế vào lĩnh vực nghiên cứu dịch thuật. Nhiệm vụ của nó là điểm lại đầy đủ nhưng có phê phán những khuynh hướng và đóng góp quan trọng nhất trong lĩnh vực này một cách dễ hiểu với đông đảo bạn đọc. Các mô hình lý thuyết đương đại được minh họa sinh động qua những ví dụ thực tế cụ thể. Những nghiên cứu mới được đề cập trong các ví dụ đó, và các ‘câu hỏi thảo luận và nghiên cứu’ là để khuyến khích và hướng dẫn bạn đọc tự tìm hiểu thêm các vấn đề đã được đề cập đến.
  • Thế nào là xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại?

    04/03/2009Lê Ngọc TràChúng ta đang nói nhiều về việc xây dựng “một nền lý luận văn học Việt Nam hiện đại”, về những phương châm, phương hướng, con đường và giải pháp cho một nền lý luận văn học của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Điều này thể hiện sự bức xúc của giới sáng tác và lý luận - phê bình về tình trạng lạc hậu và trì trệ của việc nghiên cứu văn học nói chung và của lý luận văn học nói riêng. Tuy nhiên có một câu hỏi đầu tiên cần phải trả lời đó là nên hiểu thế nào về khái niệm “Lý luận văn học Việt Nam” và thế nào là “Xây dựng một nền Lý luận văn học Việt Nam hiện đại”.
  • Ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh

    09/01/2007H.T.Một năm sau khi NXB Tri thức thành lập, quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh được ra mắt và khởi động những dự án lớn với tham vọng hỗ trợ và quảng bá việc dịch thuật các tác phẩm có giá trị thuộc Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Bắt đầu từ 2007, giải thưởng dịch thuật mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh sẽ được tổ chức thường niên...
  • Đặc điểm phê bình văn học Việt Nam - nhìn từ gốc độ tiếp nhận

    18/11/2006Đỗ Lai ThúyXã hội Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, nên văn học Việt Nam không thể dẫm chân mãi trong vũng cổ truyền mà không hiện đại hóa. Và, thực tế, hơn một thế kỷ qua, nó cũng đã và đang hiện đại hóa...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục

    23/08/2005Ngô Tự LậpMột trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.
  • xem toàn bộ