Thầy đồ Việt và giáo sư Tây

05:22 CH @ Thứ Năm - 12 Tháng Mười Hai, 2019

"Văn hóa thầy đồ" là thầy nói trò nghe. Nói sai cũng phải nghe, thầy làm ẩu cũng phải im. "Văn hóa giáo sư" thời hội nhập là thầy biết nói và cả biết nghe xem điều mình dậy có được học sinh quan tâm hay thích thú."Trò đánh giá thầy" giúp tiến tới nền giáo dục hiện đại.

Tâm lý "thầy đồ"

Người bạn giảng dạy đại học ở Việt Nam vừa email hỏi, sinh viên Mỹ có "dám" đánh giá giáo sư không. Rất bức xúc vì khoa của anh đang thí điểm "trò đánh giá thầy", một qui trình "ngược".

Theo truyền thống "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "thầy đồ" ở nước ta là nhất, đố trò nào dám cãi, dù bài giảng có vấn đề, bị điểm sai hoặc đối xử thiên vị.

Được giáo dục trong môi trường, trò chỉ biết nghe lời thầy cô, "đồng thuận" với người lớn trong gia đình hay ngoài xã hội, những đứa trẻ ấy lớn lên cũng muốn cấm người khác cãi. Anh bạn tôi thuộc lớp người "độc đoán" như trên.

Bỗng rụp một cái, người thầy kia đứng trên bục giảng, vốn đã quen "cho điểm trò", phải nghe phản hồi của đám trẻ ngồi dưới và chính chúng cho điểm lại. Chuyện này quả là khó nuốt trôi với anh và những người thích phán một chiều.

Văn hóa phương Đông nhà mình nó khác lắm, cũng như dân chủ hay tự do, phải có đặc thù rất Việt Nam. "Phổ" trên thế giới nhưng khổng thể "quát" được ở ta. Mới có chuyện "trò đánh giá thầy" gây ra tranh cãi, dù chuyện này thế giới văn minh làm từ lâu lắm rồi.

Khi "thầy đồ" sang Mỹ

Gọi điện hỏi một giáo sư gốc Việt ở New Mexico để tham khảo thì anh cười vang. Đúng là thời gian đầu sang đây hơi bị choáng. Vừa giảng bài được vài tháng bỗng nhận được báo cáo về đánh giá của sinh viên. Ông trưởng khoa gọi lên gặp riêng, vẻ mặt rất nghiêm trọng.

Mở kết quả thấy hoa mắt, toàn điểm 2 và 3 trên 5. Rằng, phát âm tiếng Anh của thầy có vấn đề, không chịu nghe phản hồi, không cười lại hay cau có, dù kiến thức giảng dạy rất sâu.

Có cả góp ý "nên ăn mặc bình dân hơn một chút". Hóa ra, anh ấy toàn diện comple đến trường, trong khi sinh viên quần bò, áo phông, thậm chí cả quần cộc, nữ sinh hở hang ngực, rốn.

Mang "văn hóa giảng đường" của xứ Đông Dương sang vùng sa mạc New Mexico không thể đồng hóa được đám sinh viên Mỹ quá tự do ở đây. Hoảng quá, "thầy đồ" xứ Việt phải tự đổi mình trước khi đám học trò kịp thay anh bằng một người khác.

Có phản hồi của sinh viên và nhà trường rất thường xuyên, biết lắng nghe, tự sửa mình, từ trợ lý giảng, sau 6-7 năm, anh đã lên Phó Giáo sư, có nhãn hiệu quốc tế, đi khắp nơi giảng dạy. Theo bạn, anh ấy có nên cảm ơn hệ thống đánh giá giảng viên hay không?

Đánh giá thầy cô - tốt hay xấu do cách nhìn

Câu chuyện này ở Việt Nam có thế nhìn từ nhiều góc độ. Đó là người được đánh giá, người đánh giá quan niệm thế nào về... đánh giá.

Nếu đánh giá nhằm trả thù giáo viên vì đã trù úm thì nó là công cụ hiệu quả để...trả thù cá nhân. Việc đó có thể xẩy ra vì không hiếm học sinh và giáo viên không biết sự công bằng là gì.

Tuy vậy, qua đánh giá, nếu giáo viên có vấn đề, phải biết tự sửa mình. Hệ thống ấy sẽ giúp anh ta quay về đúng quĩ đạo vàng của ngành giáo dục. Dạy thế hệ tương lai về công bằng xã hội mà bản thân lại thiên vị thì có nên đứng trên bục giảng.

Giả sử có vài em học sinh tìm cách trả thù cá nhân thì "dấu vết" đó cũng được hiện ra. Nếu báo cáo nào cũng có 10 trên 50 em đánh giá xấu về một hay vài giáo viên thì nhóm 10 em kia có vấn đề. Lúc này, "đánh giá giáo viên" thành con dao hai lưỡi. Nó giúp tìm ra nhóm sinh viên cần được ông hiệu trưởng gọi riêng ra để "nói chuyện nghiêm túc".

Nếu dùng cho mục đích nhằm giúp giảng viên nhận phản hồi mang tính xây dựng từ sinh viên để cải tiến phương pháp dạy, nội dung bài giảng thì đánh giá giáo viên mang yếu tố rất tích cực.

Hơn nữa, thông qua phản hồi và hệ thống đánh giá, nhà trường biết về chất lượng của đội ngũ giáo viên, và liệu đường thay đổi cho phù hợp.

Phản biện của học trò - xu hướng của thời đại

Có khi, việc phản biện lại cần bắt đầu từ các em nhỏ trước. Đó là phương pháp giáo dục gợi mở, tạo sự tranh luận thông minh từ nhỏ, sao cho các em "biết cãi", biết phản biện đúng sai và nghe phản hồi ngay từ bé. Lớn lên các em sẽ hiểu văn hóa "đa chiều".

Nhưng việc đó lại liên quan đến cuộc cách mạng "thay đổi tận gốc" nền giáo dục. Mà chuyện này thì dài lắm, không thể một sớm một chiều. Có người gọi đùa là cuộc cải cách giáo dục "diễn nghĩa", không có hồi kết.

Với thực tiễn "tâm lý thầy đồ" của ta, các trường nên chuẩn bị khâu thông suốt tư tưởng. Công đoạn này, dân ta là số 1 trên thế giới.

Một khi cả giáo viên và học sinh, giảng viên và sinh viên được hiểu kỹ về đánh giá, với mục đích xây dựng như giúp hoàn thiện người thầy và trò, hãy thử nghiệm và sau đó làm thật.

Vấn đề còn lại là tìm hiểu kỹ về đánh giá một cách khoa học, tùy từng lĩnh vực, năm học, tùy từng trường mà đặt câu hỏi, thu thập thông tin và xử lý dữ liệu để ra báo cáo. Đưa ra một số câu hỏi chung chung cho cả dân kỹ thuật Bách khoa và các nàng bên Sư phạm thì khó mà tìm được đáp số tốt cho bài toán đánh giá.

Xã hội thay đổi theo chiều hướng văn minh là do công dân bình thường được phản biện và người quản lý biết lắng nghe lời "trái chiều".

Nền giáo dục tạo ra những học sinh đủ khả năng thi đấu quốc tế, đạt giải vàng cũng tốt. Nhưng tốt hơn, nếu có thêm không gian để giáo viên lẫn học sinh, giảng viên lẫn sinh viên được phản hồi lẫn nhau. Đó chính là môi trường cho sự sáng tạo được nuôi dưỡng và phát triển.

Học sinh cần nghe lời thầy, đó là truyền thống. Nhưng trong thời đại mới, thầy cô cũng nên biết học sinh nghĩ gì về mình. Việc đó giúp cho phản biện có sức sống ngay từ khi con trẻ mới cắp sách tới trường.

Thế hệ ấy lớn lên làm lãnh đạo và xây dựng đất nước sẽ hiểu tại sao tổng thống Mỹ đi đâu cũng có biểu tình chống đối và đôi khi các ông ấy lại thích thú về điều đó.

Để có nền giáo dục chuyển đổi từ "thầy đồ" xứ Việt trở thành "giáo sư" thời hội nhập cần biết bao cải cách trong ngành giáo dục. "Trò đánh giá thầy" là một trong những việc cần làm và điều kiện đủ để giáo dục Việt Nam từng bước đi theo lịch trình của nền giáo dục văn minh.

Ý kiến người trong cuộc:

Phó Giáo sư Trần Cao Sơn, ĐH New Mexico State, Hoa Kỳ:

Thông thường, sinh viên đánh giá giảng viên sau mỗi học kì, dựa trên những tiêu chí như: Chuẩn bị bài vở, nhiệt tình với công việc giảng dạy, nghiêm túc trong chuyên môn, thái độ đối với học trò. Ngoài những câu hỏi chung chung về việc chuẩn bị bài, sách tham khảo của thầy cô, có thêm phần góp ý cho giáng viên. Trong phần này, sinh viên có thể viết đủ thứ. Họ có thể khen, chê, thậm chí bày tỏ thái độ không hài lòng về tất cả những gì có thể.

Tuy nhiên, học sinh có thể làm nhiều hơn thế. Nếu một sinh viên cảm thấy thầy dạy quá dở - ngay trong học kì - họ có thể vào khiếu nại với trưởng khoa; nếu có nhiều sinh viên làm điều này, thầy có thể bị thay thế. Nếu chuyện này xảy ra nhiều lần, thầy có thể bị cho thôi việc. Tối kị đối với giáng viên là để xảy ra điều này.

Trò có thể kêu ca những chuyện như sau: Đi muộn, không chuẩn bị bài, dạy không có trọng tâm, dạy không đúng với syllabus, cho điểm không công bằng, cho bài thi khó, bài tập nhiều, v.v.

Tuy trò có quyền như vậy, nhưng không phải tất cả những gì một học trò nói hoặc kiến nghị có thể ảnh hưởng tới thầy.

Nếu có kiến nghị, trưởng khoa sẽ nói chuyện với giảng viên. Giảng viên có thể phản biện với chứng cứ cụ thể. Ví dụ, sinh viên nói đề thi không rõ ràng, thầy có thể in đề thi và chỉ ra rằng sinh viên nói không đúng sự thật. Nếu trưởng khoa thấy sinh viên có lí, trưởng khoa sẽ yêu cầu giảng viên sửa đổi. Nếu sự việc lặp lại nhiều lần, có thể sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá giáo sư hằng năm, lên lương, mất việc.

Nếu giảng viên có lí, trưởng khoa sẽ truyền đạt lại với người sinh viên. Nếu người sinh viên cảm thấy là câu trả lời không thỏa đáng, họ có thể khiếu nại lên cấp cao hơn, thường là hiệu trưởng. Nếu sau đó, họ vẫn không hài lòng thì có thể khiếu nại lên đến thượng nghị sỹ, hội đồng giáo dục cấp bang, thậm chí ra tòa dân sự. Để tránh hiểu lầm, các trường có sẵn quyển cẩm nang "Qui trình giải quyết tranh chấp giữa sinh viên và giảng viên" qui định cụ thể các bước cho vấn đề đánh giá này.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: