Thay đổi theo thời cuộc

03:55 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Sáu, 2009

Một định hướng phát triển kinh tế xã hội tối ưu bao giờ cũng là trăn trở của các nguyên thủ quốc gia cũng như các nhà cầm quyền, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiên nay. TS Nguyễn Quang A chia sẻ cùng bạn đọc TTVH-ĐÔ về vấn đề này.

Sau hai năm gia nhập VWTO, đã có ý kiến cho rằng đến lúc nên đặt ra vấn đề chúng ta được, mất gì. Ông cũng nghĩ thế chứ?

Tư duy theo kiểu ta được gì và mất gì là kiểu tư duy sai, không hợp thời. Được gì hay mất gì là hoàn toàn tùy thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta có thể tận dụng được những cơ hội song cũng có thể biến cơ hội thành thách thức. Chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội song cũng có thể để cho thách thức lôi chúng ta đi. Xuất khẩu tăng, đầu tư nước ngoài tăng đấy là tận dụng được cơ hội. Rất tiếc chúng ta đã biến nhiều cơ hội thành thách thức. Ngay cả đầu tư nước ngoài do hám số lượng, vào quá nhiều và không có chọn lọc nên cái thành tích tận dụng được cơ hội đó có lại thể biến thành nguy cơ lớn cho tương lai (ô nhiễm môi trường, chèn ép công nghiệp trong nước, phân cấp cho địa phương và sự ganh đua của các địa phương dẫn đến có quá nhiều dự án công nghiệp nặng cùng loại không theo quy hoạch phát triển chung...). Nói cách khác vấn đề phức tạp, có nhiều mặt, nhiều khía cạnh nên đặt vấn đề được gì, mất gì một cách chung chung là vô nghĩa.

Khi đã sống trong “biển lớn”, chúng ta nên chọn cho mình định hướng phát triển xã hội như thế nào cho phù hợp?

Vấn đề là ở chỗ cái “định hướng” ấy là gì? Nếu hiểu định hướng xã hội là làm sao cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh” thì rất là đúng hướng. Tôi thấy đó là định hướng chuẩn. Và như vậy bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào làm trái với định hướng đó thì phải thay đổi. Những việc làm nếu theo hướng đó là đúng hướng và ngược lại, là chệch hướng. Rất tiếc nói thì hay nhưng việc thực hiện thì không theo định hướng đó.

Chỉ nêu một thí dụ, các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều nguồn lực, hoạt động không hiệu quả cho nên cần cải tổ triệt để. Đây là vấn đề có tranh cãi, theo tôi nên công khai số liệu, tranh luận văn minh để xem ai chệch hướng.

Một trong những biện pháp mà nước ta đang áp dụng là lấy phát triển kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Vậy ta nên xử sự với các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước này như thế nào cho đúng?

Tôi không ghét bỏ các doanh nghiệp nhà nước, song vì mục đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh” thì phải rất sòng phẳng. Xem họ sử dụng bao nhiêu nguồn lực của đất nước (vốn, đất, tài nguyên, quyền kinh doanh) và làm ra những gì ( tạo ra bao việc làm, đóng góp bao nhiêu vào GDP vào xuất khẩu, tạo ra bao nhiêu sản lượng...), tức là hiệu quả thế nào. Nếu doanh nghiệp nào hiệu quả thì nên ủng hộ, doanh nghiệp nào không hiệu quả thì nên cải tổ. Đáng tiếc các số liệu sơ bộ mà tôi có được thì các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không mấy hiệu quả, họ là nguyên nhân của các bất ổn kinh tế vĩ mô, của lạm phát chứ không phải là giải pháp. Chúng tạo cơ hội cho tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo. Có người có ý kến ngược với tôi, tôi mong họ đưa số liệu ra tranh luận một cách công khai và văn minh.

Nguyên nhân chính của sự kém hiệu quả của các tập đoàn và Tổng công ty có ràng buộc ngân sách mềm và không chịu sức ép của cạnh tranh. Theo tôi, nên cứng hóa ngân sách của họ (không tạo ra môi trường để họ nghĩ là được ưu ái, dễ kiếm tín dụng, lỗ lã hay khó khăn thì được cứu) và buộc họ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, là cách để ép họ phải hoạt động hiệu quả. Cổ phần hóa triệt để (nhà nước không nắm cổ phần chi phối) là một cách.

Chuyện mô hình các tập đoàn, tổng công ty của ta có nhiều ý kiến phản biện, thậm chí, không ít người cho rằng nên học tập triệt để các mô hình của những nước tiên tiến hơn…

Đó là một chuyện không thực tế. Về mặt kinh tế hay xã hội đều không thể và không nên áp dụng nguyên mẫu nào cả. Mỗi quốc gia có đặc thù, đặc tính riêng trong cả hoàn cảnh và tư duy nên không có khuôn mẫu chuẩn nào áp được. Kinh nghiệm của Việt Nam nhiều năm qua là chúng ta học hỏi nhưng rất quan trọng là vận dụng sao cho có hiệu quả nhất cho đất nước, cho đời sống người dân mình.

Thực tế ở nước ta, ngày càng phân hóa sâu sắc giàu nghèo giữ các tầng lớp người, các vùng miền mặc dù Đảng và nhà nước ta đã cón hiều cố gắng để xóa đói giảm nghèo. Theo ông, lý do ở đâu?

Các chính sách dẫn đến gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và các vùng miền thì tất nhiên không phù hợp với định hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh” và thế tức là lệch hướng xã hội chủ nghĩa. Phải cải thiện các chính sách phát triển, chính sách đầu tư nhất là đầu tư cho giáo dục, y tế để làm sao cho mọi trẻ em đều có cơ hội được học hành, mọi người đều có thể tiếp cận được tới dịch vụ y tế, có cơ hội đến việc làm. Nhưng mặt khác, mọi xã hội đều luôn tồn tại các mức độ chênh lệch giàu nghèo khác nhau, không thể lấy của người giàu, của người tài, người chăm chỉ chia cho người lười biếng. Vấn đề ở chỗ phải tạo ra mọi cơ hội cho tất cả những ai có khả năng làm giàu.

Để có cái nhìn mới, quyết liệt hơn đối với các nhóm lợi ích, các chính sách chưa phù hợp với xã hội, có lẽ cần có động lực nào đó ở những nhà lập chính sách. Có lẽ cần những cơ chế mới hơn trong quản lý, lãnh đạo thay đổi những nguyên tắc cứng và ít nhạy bén với biến động của thực tế. Trong bối cảnh này, ông có cao kiến gì?

Chúng ta phải tìm ra khâu chủ yếu trong cái bẫy đó và cắt chúng đi, đưa ra các chính sách, thiết lập các cơ chế để tạo dựng cái vòng thiện về chính phủ được nêu ở trên

Thực tế, không có gì là bất di bất dịch. Chỉ có các giá trị phổ quát như “tự do, dân chủ, nhân quyền là bất di bất dịch” trong thời gian ngàn năm; chỉ có quyền lợi qua nhân dân, của dân tộc là “bất di bất dịch” ở tầm hàng trăm năm, tất cả những thứ khác luôn thay đổi. Vì thế, để đi đúng định hướng mà chúng ta đã lựa chọn cho nhân dân, cho xã hội thì không nên cứng hóa các lối làm việc cũ, vì nó đã khá xa với hiện thực hôm nay cũng như mục tiêu đặt ra, ổn định xã hội là rất quan trọng, song thể chế kinh tế đã có thay đổi nhiều thì tư duy và quan điểm lãnh đạo cũng phải thay đổi theo thời cuộc.

Thay đổi như thế nào, thưa ông?

Không nên nhìn vấn đề theo hướng cực đoan, hoặc là thế này hoặc là thế kia mà cái chính là tư duy lãnh đạo. Không ai ngăn cản tư duy của chúng ta mở hơn, khả năng thay đổi, thích ứng với từng hoàn cảnh linh hoạt hơn.

Ở Singapore, cựu Thủ tướng Lý quang Diệu đã từng rất tự hào nói bộ máy lãnh đạo của đất nước này được chọn lọc rát kỹ lưỡng, là những người ưu tú nhất trong xã hội. Ở Mỹ, tổng thống Obama vừa lựa chọn xong cho mình một nội các mà theo dư luân cho hay là rất xuất sắc. Còn ở Việt Nam, chúng ta cũng rất mong có được đội ngũ thực sự xuất sắc...

Chính phủ có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Một chính phủ gồm những người ưu tú, đưa ra được các chính sách tốt là một nhân tố quyết định đến sự phát triển của đất nước. Các quan chức được chọn lọc từ những người ưu tú theo tiêu chuẩn thành tích và công trạng. Chính phủ đó làm cho đất nước phát triển, dân được học hành, khỏe mạnh và giàu lên. Vì thế, thuế sẽ được đóng nhiều hơn, nhà nước có khả năng công khai minh bạch trả lương cho quan chức một cách hậu hĩnh, kiến họ đỡ tham nhũng và liêm khiết hơn, tận tụy hơn. Đó là chính phủ sạch mà các quốc gia đều mong muốn. Từ đó, người dân tự hào vì làm cho nhà nước, kích thích đội ngũ ưu tú phát triển với số lượng lớn hơn làm cho khả năng lựa chọn quan chức phong phú hơn và kết quả lựa chọn tốt hơn. Vòng xoáy này tạo thành một vòng thiện về chính phủ, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đất nước.

Đó là điều tất cả chúng ta đều hướng đến nhưng không dễ làm, không dễ đạt được kết quả ngay như mong muốn?

Có quyết tâm chính trị, thực sự vì dân, vì nước, thì làm cũng không khó. Chúng ta phải nhìn thấy những gì cản trở hướng đi để tự giải thoát khỏi khó khăn. Con đường luôn có những cái bẫy. Đó là những cái vòng luẩn quẩn trong tư duy, điều hành mà các nhà kinh tế học thế giới gọi là cái bẫy chính phủ. Quan trọng vẫn là lựa chọn đội ngũ lãnh đạo làm sao để có được lòng tin của dân. Cách lựa chọn, đánh giá, cất nhắc không dựa vào thành tích thực tiến sẽ tạo ra những khuyến khích sai về nhân sự mà điển hình là nạn mua quan bán chức. Các quan chức mới như thế khó có thể trong sạch và không có năng lực, nên chính sách họ đưa ra sẽ có nhiều điểm tồi, cản trở sự phát triển chung.

Cảm ơn ông!

Đáng tiếc các số liệu sơ bộ mà tôi có được thì khá nhiều các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không mấy hiệu quả.

– Nguyễn Quang A

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Suy nghĩ về giàu nghèo và hãy thay đổi mình

    14/01/2016Nguyễn Tất ThịnhUh... Biển lớn WTO đây rồi !!! Ah... Nguy cơ và thách thức !!! Oh...Khủng hoảng kinh tế toàn cầu !!! Ih... Đổ vỡ hệ thống Tài chính Toàn câu !!! Eh... Phá sản và thất nghiệp tràn lan!!! Hm... Khẩn cấp cứu trợ cả gói!!! Rm... Các Chính phủ hãy đoàn kết lại!!!
  • Những thay đổi cơ bản của đời sống kinh tế - chính trị thế giới

    28/11/2015Nguyễn Trần Bạt... nhìn vào chiếc T.V của bạn, rất có thể đó là một chiếc Sony của “Nhật” hay một chiếc Daewoo của “Hàn Quốc”. Nhưng hãy để ý đến dòng chữ bên dưới, gần như chắc chắn là bạn sẽ lại thấy một dòng chữ khác: “Made in Singapore” hoặc “Made in Vietnam”. Điều này chắc chắn sẽ chẳng hề khiến bạn ngạc nhiên. Nhưng vậy thì đó là T.V Nhật, hoặc Hàn Quốc hay T. V Singapore hoặc Việt Nam?
  • Đổi mới, cải cách và cách mạng

    14/04/2008Nguyễn Trần BạtThời đại trước, phương pháp lãnh đạo bằng cách mạng đã từng đóng một vai trò rất quan trọng, thậm chí một số nước còn tuyệt đối hóa vai trò của nó trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội. Thế giới ngày nay đã có những thay đổi cơ bản và việc lãnh đạo bằng phương pháp cách mạng không còn phù hợp nữa, cần phải phát triển bằng một phương pháp lãnh đạo mới, phương pháp lãnh đạo phi cách mạng...
  • Toàn cầu hóa và những thay đổi của thế giới hiện đại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtNói về thế giới hiện đại với những đòi hỏi có tính toàn cầu đối với mọi quốc gia không thể không đặt một câu hỏi có tính chất cốt lõi, đó là thời đại mà chúng ta đang sống có những đặc điểm chủ yếu nào?
  • Thay đổi từ đâu?

    01/01/1900Kết thúc một năm cũ, suy nghĩ rất tự nhiên của mỗi người là mong những cái mới. Nam giới ưa mạo hiểm, lại chỉ thích làm chuyện "to tát" nên năm mới cũng là thời điểm để bắt đầu một dự án mới, một công việc mới hoặc một cuộc chinh phục mới. Tất cả đều mong muốn có sự thay đổi!
  • Bức tranh toàn cầu hóa

    04/12/2006Đặng Phương KiệtNhững con số được trích dẫn sau đây rút ra từ tác phẩm "Cuộccách mạnggiáo dục" . Một sốliệu có thể không chính xác 100%vì lý do thế giới thay đổi nhanh chóng. Song dẫu sao chúng vẫn được xem là những xu thế phát triển đang làm lay động các nền kinh tếvà các quốcgia trên khắp thế giới...
  • Vận động, phát triển, tiến bộ với tư cách là những phạm trù triết học

    28/09/2006Phạm Văn ĐứcCác phạm trù "vận động", "phát triển”, ‘tiến bộ" là những phạm trù cơ bản, phạm trù "tế bào" của phép biện chứng duy vật. Chính vì vậy trên sách báo triết học mấy chục năm gần đây, đặc biệt từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ này ở Liên Xô đã diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về các vấn đề xung quanh các phạm trù vận động, phát triển, tiến bộ...
  • Phát triển bằng sự thay đổi

    09/12/2005Nguyễn Thúy HằngMột số người gọi sự thay đổi là “tiến bộ” và ca ngợi những nét đổi mới mà nó mang lại. Còn những người khác lại bác bỏ những thay đổi đó và mong muốn trở lại những ngày xưa cũ. Có cùng những sự thay đổi thì lại có những phản hồi khác nhau. Sự lựa chọn của chúng ta là: một là chúng ta có thể trở thành nhà lãnh đạo, hai là có thể thành những người nối gót. ...
  • xem toàn bộ