Thế giới như tôi thấy

10:06 SA @ Thứ Sáu - 09 Tháng Tám, 2013
Tiểu luận này được Einstein viết tại Berlin năm 1930 khi ông 51 tuổi. Năm 1931, nó được dịch ra tiếng Anh và in trong tập thứ 13 của bộ sách Living Philosophiers, NXB New York, Mỹ...

Lạ thường biết bao loài hữu tử chúng ta! Mỗi chúng ta đã ghé thăm nơi đây trong một kiếp ngắn ngủi; cho một mục đích ta không hay biết, dù đôi khi ta nghĩ là ta cảm nhận được nó. Nhưng khi nhìn từ cuộc sống đời thường, mà không đi sâu hơn, lẽ tồn tại của chúng ta nằm ở những người anh em – trước hết là những người mà ta đặt niềm vui của mình vào nụ cười và hạnh phúc của kẻ đó, kế đến là những người không quen nhưng vận mệnh của họ đã nối với ta bằng mối dây đồng cảm. Hàng trăm lần mỗi ngày tôi tự nhắc mình rằng cuộc sống bên trong và bên ngoài của tôi đều nhờ vào công sức lao động của những người khác, dù họ còn sống hay đã chết, và tôi phải tận hiến chính mình để trao đi đúng mức tôi đã nhận và đang nhận. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và có những lúc thấy dằn vặt bởi cảm giác mình đang chiếm giữ một lượng dư thừa công sức lao động của những người anh em. Với tôi, sự khác biệt đẳng cấp là bất công và luôn phải dựa trên cường quyền. Đồng thời tôi cũng cho rằng một lối sống giản dị là tốt cho tất cả mọi người, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tôi không tin vào tự do của con người theo nghĩa triết học. Mọi người hành xử không chỉ dưới sức ép ngoại lực mà còn phải thuận theo những nhu cầu nội tại. Câu nói của Schopenhauer, “một người có thể làm như anh ta muốn, nhưng không thể cứ muốn “muốn” là được” (a man can do as he will, but not will as he will) đã luôn là nguồn cảm hứng của tôi từ thời trẻ, nó cũng là sự an ủi vô hạn và dòng suối bất tận của lòng kiên nhẫn, để từ đó đối mặt với những thử thách của cuộc đời, của tôi, và của những người khác. Cảm xúc này đã nhân từ xoa dịu đi ý thức trách nhiệm, vốn rất dễ khiến ta tê liệt; nó giúp ta không quá khắt khe với chính mình và người khác; nó đưa ta đến một góc nhìn cuộc sống mà tại đó, trên tất cả, sự hài hước có vị trí xứng đáng của nó.

Từ góc nhìn khách quan, việc truy nguyên ý nghĩa hay mục tiêu tồn tại của ai đó cụ thể hay của sự sáng tạo nói chung khá vô nghĩa đối với tôi. Thế nhưng mỗi người đều có những lý tưởng riêng để định hướng những nỗ lực và phán xét của mình. Và như thế, tôi chưa bao giờ tìm kiếm sự thỏa mãn và êm ấm như là điểm đến cuối cùng – một nền tảng luân lý mà tôi cho rằng hợp với một đàn lợn hơn. Những lý tưởng đã thắp sáng lối đi của tôi, và ngày qua ngày trao cho tôi can đảm để đối mặt với cuộc sống một cách hân hoan, chính là Chân, Thiện, Mỹ. Nếu không có cảm thức về sự đồng điệu với những người cùng chí hướng, không có sự đau đáu về cái khách quan, cái mãi mãi cao vời trong nghệ thuật và khoa học, cuộc sống với tôi sẽ trở nên trống rỗng. Với tôi, những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi – của cải, sự thành đạt, sự xa hoa – luôn là những điều đáng khinh bỉ.

Ý thức nhiệt thành của tôi dành cho lẽ công bằng và trách nhiệm xã hội luôn đối nghịch một cách cố hữu với việc tôi không có nhu cầu kết nối trực tiếp với các cá nhân hay cộng đồng người. Với trọn trái tim, tôi đích thực là một kẻ sống thu mình, kẻ chưa  bao giờ thuộc về đất nước, mái nhà, bạn bè, hay thậm chí gia đình tôi. Trong sự ràng buộc với những mối quan hệ này, tôi chưa bao giờ đánh mất cảm giác cố hữu về sự tách biệt và nhu cầu cần được cô độc – cảm giác này tăng dần theo tuổi tác. Ta có thể ý thức một cách sâu sắc, mà không hề hối tiếc, về những giới hạn trong tương giao và đồng cảm với người khác. Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên vô tư, nhưng bù lại, anh ta luôn độc lập trước các quan điểm, thói quen, và sự phán xét của người khác, và không để mình bị chao đảo trên cái nền không lấy gì làm vững chắc đó.

Lí tưởng chính trị của tôi là lý tưởng dân chủ. Hãy để mỗi người được tôn trọng như một cá nhân và không ai được thần tượng hóa. Số phận quả là trớ trêu khi chính tôi lại là đối tượng nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và trọng thị từ những người anh em, dù tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm chi nên tội. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự khát khao bất thành của nhiều người trong việc thấu hiểu vài ba ý tưởng mà tôi, những ý tưởng mà tôi đã tìm được bằng chút sức mọn của mình qua nỗ lực không ngừng nghỉ. Thực ra tôi cũng biết rằng, để đạt được một mục đích tập thể nào đó, nhất thiết phải có ai đó đứng ra nghĩ, tổ chức và chịu trách nhiệm chung. Nhưng sự lãnh đạo không thể là bắt buộc, người ta phải có quyền chọn cho mình người cầm lái. Một hệ thống chuyên quyền bằng áp bức, theo tôi, sẽ sớm thoái hóa. Vì bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp kém về đạo đức, và tôi tin vào một quy luật bất biến rằng những gã bạo chúa thiên tài rồi sẽ được nối ngôi bởi những tên vô lại. Đó là lí do vì sao tôi quyết liệt chống lại những hệ thống như ta đang thấy ở Ý hay Nga hiện nay. Cái làm cho hình thức dân chủ hiện hành của Châu Âu mất tín nhiệm không nằm ở bản thân lý tưởng dân chủ, mà ở sự thiếu ổn định của bộ phận lãnh đạo cao cấp và tính phi nhân của hệ thống bầu cử. Về mặt này tôi cho rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã tìm ra lối đi đúng đắn: họ có một tổng thống có trách nhiệm, được bầu cho một thời gian đủ dài và có đủ quyền lực đủ để thực sự đảm nhận được trọng trách. Mặt khác, điều tôi đánh giá cao trong hệ thống chính trị của chúng ta là phúc lợi rộng rãi dành cho các cá nhân trong trường hợp đau ốm hay khó khăn. Giá trị thật sự trong hoạt động sống của loài người với tôi chẳng phải ở các nhà nước hay quốc gia, mà nằm ở các cá thể sáng tạo, hữu tri, là các nhân cách; chỉ cá nhân mới có thể tạo ra những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn tự nó vẫn mãi tù đọng trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.



Nhân đây tôi muốn đề cập đến quái thai kinh tởm nhất của bản tính bầy đàn: hệ thống quân sự. Chỉ cần kẻ nào cảm thấy thích thú khi đứng vào đoàn duyệt binh theo tiếng quân nhạc là đủ để tôi coi khinh hắn rồi. Anh ta được trời phú nhầm cho bộ não lớn, bởi với anh ta, chỉ cần cột xương sống thôi là đã quá đủ. Bệnh dịch này của nền văn minh cần bị loại trừ càng sớm càng tốt. Chủ nghĩa anh hùng phục tùng mệnh lệnh, bạo lực mù quáng, và những tấn trò hề vô nghĩa lý nhân danh lòng ái quốc: tôi kinh tởm chúng làm sao! Chiến tranh với tôi là một thứ xấu xa đáng khinh bỉ: tôi thà bị băm vằm ra muôn mảnh còn hơn dự phần vào tấn trò khốn nạn đó. Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ tốt về nhân loại, và tôi tin rằng, lẽ ra bóng ma này đã có thể biến đi từ lâu nếu lý trí lành mạnh của dân chúng không bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường học và báo chí, làm cho bại hoại. Điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng tự vấn hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, chết như một cây nến tàn. Trải nghiệm cái bí ẩn – dù có pha trộn cảm giác sợ hãi – đã sinh ra tôn giáo. Biết về sự hiện hữu của cái mà ta không thể nhìn thấu, của những biểu hiện của lý trí sâu thẳm nhất và cái đẹp rực rỡ nhất, tức về những cái chỉ có thể đến với tâm trí chúng ta trong những hình thức sơ khai nhất; chính cái biếtvà cái cảm này làm nên tính tín ngưỡng đích thực; theo nghĩa đó và chỉ theo nghĩa đó, tôi thuộc về những người có tín ngưỡng sâu xa. Còn một thượng đế theo nghĩa là kẻ ban phát phần thưởng và trừng phạt những tạo vật do chính mình tạo ra, kẻ gần như có một ý chí như người trần thế chúng ta, thì tôi không thể nào hình dung ra được. Tôi không muốn và cũng không thể tưởng tượng ra những cá nhân sống lâu hơn cái chết thể xác; mặc cho những tâm hồn yếu đuối, vì sợ hãi hay vị kỉ lố bịch, tìm đến những suy nghĩ như vậy. Với tôi, sự huyền nhiệm trong tính vĩnh cửu của sự sống, cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là đủ rồi.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Einstein - chiến sĩ vì hòa bình

    26/04/2019GS-TS Lê Minh TriếtNgày nay, không ít người cho rằng Einstein tích cực đấu tranh chống sử dụng vũ khí hạt nhân là do sự ân hận đã ký tên vào lá thư ngày 2/8/1939 khuyến cáo Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ Roosevelt cho xúc tiến nghiên cứu phản ứng phân hạch dây chuyền urani dẫn đến đề án Manhattan chế tạo bom nguyên tử.
  • Albert Einstein: Đỉnh cao của khoa học và nhân văn

    15/03/2016Chu HảoEinstein đã vĩnh biệt chúng ta gần nửa thế kỷ rồi, nhưng tên tuổi và hình ảnh của ông sẽ mãi mãi sống cùng thời gian. Người đời sau sẽ vẫn cứ luôn luôn kinh ngạc trước trí tuệ siêu phàm của Einstein...
  • Einstein - cuộc đời và sự nghiệp

    30/10/2014Sau khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt, có một nhà đại bác học được toàn thế giới ca ngợi về một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học, đó là phương trình cho biết năng lượng của vật chất: E=mc2. Trong hàng chục năm trời, E = mc2 vẫn chỉ là đề tài của các cuộc tranh luận về mặt lý thuyết, nhưng sự san bằng thành phố Hiroshima vào năm 1945 do quả bom nguyên tử đã chứng minh sự thật của phương trình đó...
  • Albert Einstein - nhà khoa học, nhà triết học

    28/10/2014Nguyễn Tấn HùngEinstein nổi tiếng không chỉ vì những cống hiến của ông cho khoa học, mà còn ở những quan điểm của ông về nhiều vấn đề chính trị - xã hội, tôn giáo, đạo đức. Ông nói về chiến tranh và hoà bình, về tôn giáo, về nhân quyền, về chủ nghĩa dân tộc...Quan điểm của ông được bày tỏ một cách thẳng thắn, không khoan nhượng, nhiều khi có vẻ khi có vẻ ngây thơ, những người ta chú ý đến ông, lắng nghe ông nói....
  • Einstein là nhà văn ?

    19/10/2014Ai cũng biết Albert Einstein là nhà bác học vĩ đại, cha đẻ của thuyết tương đối, nhưng nhiều người không biết rằng ông còn là một nhà văn đa tài.
  • Einstein và "đứa con của nông dân" nói về giáo dục

    13/02/2014Dù lĩnh vực khác nhau, ở hai tầm thời đại lịch sử hoàn toàn khác nhau, và dù mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cả hai bài viết đều bàn về dạy người. Đủ biết giáo dục vẫn luôn là mối bận tâm, là niềm day dứt mà thiết tha của con người, dẫu là nhà bác học hay đứa con của nông dân, khi trái đất vẫn tiếp tục sinh ra trẻ em.
  • Quan điểm của Albert Einstein về Chúa

    13/11/2013Albert Einstein có những quan điểm về Chúa cùng các quan điểm duy vật khác hết sức đúng đắn, sắc sảo, tính nhân bản sâu sắc. A. Einstein phủ định khả năng tồn tại của Chúa từ góc nhìn của bản thể luận và nhận thức luận...
  • Nhà vật lý Albert Einstein và những lá thư chứa đầy bí mật bất ngờ

    31/08/2009Quách HòaLá thư trên của Einstein là một trong những tài liệu lần đầu tiên được công bố trong tập 12 của bộ toàn tập các tài liệu liên quan tới nhà bác học vĩ đại này. Lá thư được các nhân viên của Viện Kỹ nghệ California biên soạn và vừa được công bố trong mùa hè năm 2009. Trong bộ toàn tập có hơn 100 lá thư cũng như một số bài trả lời phỏng vấn và bài giảng của Albert Einstein.
  • Thời gian và “Những giấc mơ của Einstein”

    05/02/2007Y TrangCó một nhà triết học đã định nghĩa rằng: “Con người là con vật biết mình phải chết”. Đó là phẩm chất đặc biệt và cũng là nỗi suy tư lớn nhất của con người khi bắt đầu phải đặt các câu hỏi - phần lớn là vô vọng - về thời gian...
  • Bao giờ sẽ xuất hiện 'Einstein mới' ?

    03/01/2006Thuận An (theo AP)Liệu sẽ có một Einstein khác trên bầu trời khoa học? Đây là chủ đề tranh luận ngầm đang diễn ra tại các cuộc hội thảo tưởng nhớ nhà bác học lừng danh suốt năm nay. Nhưng có thể từ nay đến đó sẽ dài hơn. Ít nhất, cũng đã có hơn 200 năm cách biệt giữa Einstein và "đối thủ" gần ông nhất - Isaac Newton.
  • Từ Newton đến Einstein

    19/11/2005Nguyễn Văn TrọngẢnh hưởng của hai thiên tài Newton và Einstein được thừa nhận là những thiên tài khoa học lớn lao nhất mà nhân loại từng biết đến. Đóng góp của các ông tạo nền móng cho tòa lâu đài vật lý học hiện đại và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều ngành khoa học khác. Các thành tựu khoa học đã dẫn đến cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật...
  • Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein

    07/11/2005Nguyễn Huệ ChiĐột phá khoa học của thế kỷ XX được đánh dấu bằng việc khám phá ra thuyết tương đối của nhà vật lý học Albert Einstein ngay vào những năm đầu thế kỷ đã làm chấn động dư luận thế giới, nhưng ý nghĩa lớn lao của nó, theo tôi nghĩ, lại chính là sự tác động dây chuyền và có tính chất lâu dài trong suốt cả một thế kỷ, làm lung lay một phương pháp tư tưởng đã hằn sâu thành nếp, chiếm địa vị độc tôn trong nghiên cứu, có lúc gây bế tắc trì trệ cho nhiều ngành khoa học, không chỉ khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội và nhân văn - phương pháp duy lý cổ điển [1] của phương Tây...
  • Cái lý và nghịch lý qua Einstein - dấu ấn trăm năm

    07/11/2005GS. TS. Phạm Duy HiểnBạn hãy tìm lấy những giây phút tĩnh lặng một mình dưới bầu trời đêm, ngắm nhìn những ngôi sao leo lét phía chân trời. Biết đâu cái thế giới xa xăm ấy đã lụi tàn hàng trăm triệu năm trước mà ánh sáng vẫn cứ lầm lũi hành trình qua vũ trụ mênh mông để mang đến cho bạn những dấu ấn của một thời...
  • Einstein và các cuộc cách mạng tư duy khoa học trong thế kỷ 20

    15/08/2005Phan Đình DiệuNhững biến đổi cách mạng về tư duy trong vật lý học hiện đại, đánh dấu bởi việc ra đời thuyết tương đối, vật lý lượng tử, và gần đây hơn là hiện tượng “hỗn độn tất định” cùng với sự xuất hiện của khoa học của thế kỷ 20 nói chung một khung mẫu tư duy hoàn toàn mới, hứa hẹn đưa đến những bước tiến mới cho nhận thức của con người về vũ trụ, tự nhiên, xã hội, và cả về chính mình...
  • Sống với tinh thần Einstein

    07/11/2005Dấu ấn của Einstein có trong mọi lĩnh vực tuy đậm nhạt khác nhau. Điều mà tất cả diễn giả đều tâm đắc là sự đột phá mang tính cách mạng trong tư duy khoa học của Einstein.
  • xem toàn bộ