Thế giới ảo GO @

03:58 CH @ Thứ Hai - 01 Tháng Sáu, 2009

Con người ta lắm khi không thể biết được mình đang sống trong mơ hay sống thực bởi những chuyện ập đến quá bất ngờ, hoặc hạnh phúc quá đỗi, hoặc đau thương tột cùng. Một phương pháp dân gian hiệu quả, đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém nhất là cấu tai, cắn tay hoặc tự véo mình để kiểm tra, nếu thấy đau tức là thật, còn nếu sực tỉnh tức là giấc mơ.

Nhưng liệu người ta còn đủ sáng suốt để biết làm những động tác kiểm tra thuần túy phản xạ có điều kiện ấy không, lại là cả một vấn đề. Thường thường sẽ chỉ có một số đối tượng suốt ngày vật vờ với câu hỏi ám ảnh: Sống để làm gì bởi thực tế bi kịch cuộc đời họ quả thật đáng thương, ngoài ra trong thời đại tin học bây giờ còn có rất nhiều hoàng tử, công chúa, gọi tên mỹ miều khác là công nương mạng, hoàng tử mail hoặc đơn gian là tầng lớp mạng viên đang mê mẩn sống cùng thế giới ảo, không cần biết cuộc đời thật của mình đáng thương và vô nghĩa đến thế nào?

Muốn khẳng định bất kỳ điều gì mới mẻ, cập nhật, hiện đại, giới trẻ thường sử dụng mật từ @ (a còng) thì mới chứng tỏ sự sành điệu, chịu chơi, có đẳng cấp và đó cũng là khóa từ để chỉ máy tính, tin học, mạng vì lĩnh vực này không thể thiếu @ được. Sự phát triển vượt bậc về tin học đã xóa nhòa mọi ranh giới thật ảo trong tư duy của một số thanh thiếu niên, dẫn đến cái lợi và cái hại cũng trở thành trung tính, không bị bào mòn, tác động của bất kỳ phương pháp khoa học xã hội nào. Những gì liên quan tới mạng tin học vô cùng đa dạng phong phú và tiện lợi, nó thực sự không những là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông, thông tin mà còn mở rộng tầm suy nghĩ của con người từ nhà ra phố lên tỉnh tới các thành phố lan khắp hang cùng ngõ hẻm đất nước và các nước khác trên thế giới, thậm chí đến hư vô. Chỉ cần ngồi trước một màn hình máy tính cho dù “màn cong, đít lồi” 14 inch hay màn LCD 17 inch hoặc laptop là ta có thể thao tác trở thành một người đánh văn bản thuần túy, lên mạng internet, gửi thông tin điện tử, chat giao lưu, lập blog của riêng mình để thổ lộ nỗi lòng với thiên hạ, xem phim, nghe nhạc, giải trí, chơi các chương trình trò chơi... và đặc biệt là gameonline (tạm viết tắt là GO). Những loại hình dịch vụ kinh doanh trò chơi GO này thu hút một số lớn thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và cả những người nhàn cư, thiếu việc làm nữa ( âu cũng là giải pháp quên đi nỗi lo thất nghiệp!). Một nét nổi bật của các cửa hàng GO là luôn chọn hoạt động gần nơi có trường học: Từ trường THCS, THPT cho đến trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, đại học... có lẽ trừ trường mầm non. Vì thế, không khó để xác định những phố GO trọng điểm ở Hà Nội như ngõ Tự Do, phố Lương Thế Vinh, Dương Quảng Hàm, Pháo Đài Láng, Lê Thanh Nghị, Khương Trung, Tạ Quang Bửu, Bạch Mai... và đóng đô ngay cả trong ký tức xá của các trường đại học, sẵn sàng hết mình phục vụ GO nhân (con nghiện GO)!

Bắt đầu từ 7h sáng cho đến lúc nào tùy thích, các GO nhân bắt đầu vào cuộc chiến đấu vì tình, tiền, lòng nghĩa hiệp, lãnh thổ danh dự và cả sinh mạng nữa thông qua nhân vật ảo trong trò chơi đã được thổi tâm hồn, cống hiến sinh lực, đầu tư vật chất, phung phí thời gian cuộc sống của chính bản thân GO nhân vào đó! Nào là những Võ lâm truyền kỳ, Cửu long tranh bá, Thuận thiên kiếm, Thế giới hoàn mỹ, Anh hùng cứu mỹ nhân, Điệp viên siêu hạng... cho đến Thám hiểm, Đua tốc độ, Đấu sinh tử… đều diễn ra trong một diện tích chật hẹp (hầu hết những quán GO rất nhỏ xinh và ấm cúng dễ bốc nóng). Âm thanh chát chúa, gay gắt xoang xoảng của đao kiếm, tiếng đạn chiu chíu, đùng đoàng, băm bổ, gầm rú, tiếng huỳnh huỵch, hừ hự của những pha đấm đá, tiếng thét rùng rợn, thê lương của những nạn nhân ảo vang lên xen lẫn tiếng xuýt xoa tiếc rẻ, chửi thề cáu gắt, chèo kéo mặc cả mua bán trang thiết bị, vũ khí dao, súng, lá chắn... tạo nên bầu không khí sôi động, hiếu chiến và gay cấn như trên chiến trường thực sự, hoặc chí ít cũng y hệt phòng tham mưu tác chiến của những chiến dịch lớn! Và thế là hết ngày dài qua đêm thâu, tâm sinh lý, tinh thần, thể chất, cuộc sống của một bộ phận lớp trẻ từ 13 đến tầm trưng niên 40 tuổi dần dần thay đổi mất dần đi cái cảm giác đang sống trong một xã hội tại thế kỷ XXI, thay vào đó hóa thân vào (giống như các nghệ sĩ nhập vai diễn) các hoàng đế, anh hùng, võ sĩ, điệp viên siêu hạng để tha hồ thi thố tài năng phím chuột, phản xạ các ngón tay, độ tinh tường của mắt, sự dẻo dai chai lỳ của sức vóc, khát khao chiến thắng để vô địch, thậm chí làm giàu nhờ kinh doanh vũ khí ảo... Nhìn những thân hình tiều tụy kiệt sức, nước da xanh xao hốc hác vì chơi căng thẳng những cặp mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, những cái đầu bù xù râu ria lởm chởm, quần áo xộc xệch, dáng đi xiêu vẹo bộ mặt thất thần, giọng điệu sặc mùi hiếu chiến, khẩu khí giang hồ ngùn ngụt... mới thấy đáng thương, pha lẫn kinh ngạc bởi sức hút của @! Nếu tất cả chỉ có vậy thì sẽ có vài điều đáng nói, nhưng xem ra do ảnh hưởng của thế giới không có thật mà không ít GO nhân đã, đang, sẽ góp phần tạo ra một dạng người trẻ bệnh hoạn của xã hội @.

Theo kết luận của y học, người nghiện mạng Web hoặc trò chơi GO sẽ mắc triệu chứng tiêu biểu hay cáu gắt, khó tập trung, buồn ngủ, thường xuyên mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần dẫn đến bệnh trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, giao tiếp ngoài xã hội ngây ngô, mơ màng, tinh thần luôn hoang mang, mất lòng tin vào con người, hành động theo bản năng thay vì lý trí. Những căn bệnh điển hình này mang tính toàn cầu nên ở các nước đi đầu trong việc hướng tới mục tiêu tin học hóa cuộc sống như Mỹ, Nhật, Canađa, Phần Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có rất nhiều giới trẻ nghiện lên mạng, đăng ký vào các trò GO miệt mài quên ngày tháng say sưa đến mức không muốn tham gia vào đời sống thực, không cần công việc, danh vọng, sự nghiệp, thậm chí gục chết ngay trên bàn phím và tồi tệ hơn nữa là do ám ảnh bạo lực của các trò chơi ảo, một số GO nhân đã đem súng máy, súng lục, dao găm vào các địa điểm công cộng như trường học, ký túc xá, bệnh viện để thản nhiên bắn giết, bắt giữ con tin sống như khi đang thao tác thoải mái trong trò chơi ảo, tạo ra càng nhiều cái chết càng vinh quang! Ngay ở Việt Nam, giới trẻ cũng không tránh khỏi hậu quả đau lòng từ chít chát hoặc GO: Lừa đảo thông qua chát, lập blog tán tỉnh, môi giới tình yêu, lừa bạn yêu bán qua biên giới, cứu net rồi tổ chức hiếp dâm tập thể trẻ vị thành niên, túng tiền thật mua vũ khí ảo nên tổ chức bắt cóc, tống tiền, thậm chí giết người... đấy là chưa kể những hệ lụy dắt dây từ GO và @ như: Nói dối gia đình, học kém, trốn học, bỏ học, ăn cắp vặt, ăn chơi tụ tập hút hít, sống thử... Nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng của mạng ảo, các quốc gia đã có kế hoạch khắc phục, hạn chế những căn bệnh sinh ra từ mạng. Nước láng giềng Trung Quốc đã lập những trung tâm điều trị bệnh cho hàng triệu thanh, thiếu niên nghiện internet, trong số đó có tới hơn 4 triệu tuổi teen đã thừa nhận lang thang trong tế giới ảo hơn 6 tiếng một ngày. Ở ta, Trung tâm Văn hóa thể thao thanh, thiếu niên thuộc Trung ương Đoàn cũng mở các lớp cai nghiện GO và nghiện internet, uốn nắn hướng dẫn cách sử dụng @ sao cho hữu ích nhất, tuy nhiên các phương pháp này chưa rộng khắp và phát huy kết quả tốt nhất vì còn chủ yếu dựa vào sự tự giác cai nghiện, mà những người nghiện bao giờ cũng ngại phải cai, bởi đó là sự thay đổi niềm đam mê trong thế giới ảo vô cùng tận... Rồi các công ty FPT, AsiaSoft, Vinagame, VTCgame đã tổ chức các buổi hội thảo về GO tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Mình nhằm mục đích hướng các GO nhân vào các chương trình GO lành mạnh hơn, nhưng xem ra như vậy chưa đủ...

Một triết lý gia thời @ đã nhận định: Đời sống ảo trên internet là kiểu sống mòn, chẳng nên việc thực mà không muốn rời ra, ngược lại các GO nhân lại khẳng định: @ mới là lối sống mới hiện đại của thời tuổi trẻ! Đáng trăn trở vô cùng không phải vì tư duy thế hệ khác biệt mà vì lối sống vô hồn - vô định - vô bổ. Số sinh viên bị đuổi học, dừng học và nghỉ nhiều quá tự bỏ học đều liên quan đến GO. Một khi đã trở thành con nghiện của GO thì khó mà cai được, bởi khi hòa mình vào trò chơi, các GO nhân hoàn toàn lột xác thành những hình nhân rôbốt trong một thế giới ảo không có xúc cảm nhân văn, không cần tri thức và cuộc sống, không cần lo toan tính toán, không cần cả quá khứ, hiện tại, tương lai, chỉ hau háu cần duy nhất là có thật nhiều thời gian để rèn luyện kỹ năng đâm, chém, bắn, giết để trở thành siêu nhân đứng trên đầu thiên hạ, được suy tôn vô địch trong giới GO nhân. Đành rằng, cuộc sống cần có ước mơ, khát khao để nuôi hy vọng vươn tới nhưng không phải bằng cách hòa tan vào mạng ảo. Trước kia, mỗi khi thả hồn vào thế giới mộng mơ đầy rẫy ác quỷ thiên thần, anh hùng hiệp sĩ, cái thiện, cái ác, nhân quả luật đời của những câu chuyện cổ Grim, Anđecxen, Nghìn lẻ một đêm, hay kho tàng cổ tích Việt Nam qua những trang sách thô sần sùi chữ nhòe khó đọc, nhưng hễ gấp sách lại chúng ta lại muốn sống tốt hơn, hy vọng lóe sáng, thêm yêu cuộc đời. Giờ đây, những GO nhân trẻ tuổi tuy có tài mọc rễ trước màn hình hơn, ý chí yêu bàn phím mãnh liệt hơn và tham vọng trở thành những “Độc cô cầu bại” cao ngút trời nhưng không biết bao giờ sẽ trở nên có ích cho gia đình và xã hội? Chẳng nhẽ cứ cậy nhờ vào một thế giới ảo nhiều màu sắc của bong bóng xà phòng @?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Game trực tuyến: Sự phát triển tự nhiên của văn hóa giải trí

    10/04/2007PVTrò chơi trực tuyến là một dạng thức mới của giải trí, một sự phát triển tự nhiên trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Do vậy, nó là sự phát triển tự nhiên của văn hóa giải trí của con người. Chúng ta cần phải nắm được cách vận hành và quản lý nó theo cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu giải trí và học tập của con người...
  • Họa “Game online”

    06/03/2007Phạm ChíBạn tôi làm ở phòng Nông nghiệp huyện, ngoài đời hiền như cây lúa, hạt ngô. Nhưng trên game "Võ lâm truyền kỳ", sau bao ngày kỳ công “lượm đồ, giết quái"' anh ta đã được phong chức "Bang chủ” lâm liệt, oai phong, vang danh bốn cõi, hét ra lửa, hô một tiếng bao đệ tử vâng dạ, cúi đầu...
  • Ngành công nghiệp nội dung VN chập chững tìm hướng đi

    18/07/2006Nguyễn HằngDù chưa được định nghĩa đầy đủ, nhiều nội dung của ngành công nghiệp này đã và đang khẳng định vị trí trong thực tế. Tuy nhiên, lựa chọn game online, chăm sóc sức khoẻ trực tuyến hay giáo dục qua mạng... làm định hướng phát triển vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.