Thế giới thứ ba và tự do thương mại

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
09:02 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Tư, 2008
Tự do thương mại: Những cơ hội và lợi ích

Phải khẳng định ngay rằng, tự do thương mại mang lại những lợi ích chung, tạo ra sự tiến bộ và phát triển của toàn nhân loại. Tuy nhiên, do đặc điểm và hoàn cảnh riêng của mình, các nước thế giới thứ ba còn nhận được nhiều lợi ích cụ thể to lớn khác.

Trước hết, tự do thương mại tạo cơ hội cho các nước nghèo tiếp nhận thêm nguồn lực phát triển kinh tế. Trong quá khứ, vì nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh lịch sử, thế giới thứ ba bị tụt hậu quá nhiều so với các nước phát triển. Thế giới thứ ba nghèo khổ ngày nay không những có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ hơn mà còn nhận được thêm nhiều nguồn lực vô cùng quan trọng để tăng tốc quá trình phát triển. Tự do thương mại giúp các nước nghèo nhận được các nguồn đầu tư, công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến là những nhân tố cơ bản và thiết yếu để xây dựng, vận hành và hiện đại hóa nền kinh tế. Thành công của các nước NIC là một bằng chứng rất thuyết phục cho thấy hiệu quả của việc khai thác các nguồn lực này đã giúp một số nước thế giới thứ ba phát triển.

Tự do thương mại thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách chính trị - xã hội. Việc hàng hoá, dịch vụ, tiền vốn và thậm chí cả con người lưu chuyển dễ dàng, nhanh chóng và với quy mô lớn trên thị trường toàn cầu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn lao mà còn thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phát triển chính trị - xã hội của mọi cộng đồng, đặc biệt là các nước thế giới thứ ba. Thông qua lợi ích kinh tế, tự do thương mại ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống như truyền thống, gia đình và dân chủ xã hội. Cùng với tự do thương mại, dân chủ lan truyền tới các miền đất mới, thúc đẩy cải cách chính trị, văn hoá, làm tăng vai trò của các tổ chức phi chính phủ. Tự do thương mại tạo nguồn động lực kinh tế thúc đẩy khuynh hướng cải cách triệt để hệ thống nhà nước, hệ thống chính trị và thậm chí là cả hệ thống nhận thức. Tự do thương mại tạo ra sức ép xã hội để người dân được hưởng những quyền tự do khác, làm đổi mới bầu không khí chính trị, văn hóa - xã hội mà kết quả là các quốc gia đang phát triển ngày càng có tiếng nói quan trọng hơn trên trường quốc tế.

Cuối cùng, tự do thương mại khuyến khích phát triển một nền văn hóa mới. Tự do thương mại thúc đẩy xu thế toàn cầu hóa về văn hoá, góp phần khắc phục những yếu tố lạc hậu trong văn hóa của thế giới thứ ba. Đặc trưng lớn nhất của quá trình toàn cầu hóa về văn hóa là sự hình thành đặc tính văn hóa mới của thời đại, văn hóa công dân thế giới. Đó là nền văn hóa mở, thu nhận mọi giá trị phù hợp với tự nhiên và phát triển. Con người không chỉ ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ bó hẹp trong cộng đồng mình mà còn trước toàn thể nhân loại. Trong môi trường văn hóa mở, người dân của thế giới thứ ba dễ dàng tham gia vào các hoạt động kinh doanh, giao lưu và đối thoại quốc tế. Trong xã hội văn minh, họ trở nên bình đẳng với các đối tác khác trong việc tìm kiếm sự hợp tác, đồng thuận cho tiến trình phát triển toàn cầu.

Những rủi ro và thách thức

Tự do thương mại đem lại những cơ hội và lợi ích nhưng rủi ro không phải là không có. Rủi ro gõ cửa từng quốc gia bất kể lớn, bé, giàu, nghèo. Nghiêm trọng hơn, tự do hóa thương mại có thể làm đảo lộn nhiều lĩnh vực, thậm chí dẫn đến những nhiễu loạn xã hội tại nhiều nước nghèo. Đó là những phản ứng phụ, phản ứng không mong muốn của quá trình tự do hóa thương mại. Do hoàn cảnh kinh tế xã hội của mình, các nước đang phát triển thường có nhược điểm chung là kém phát triển về kinh tế và khoa học công nghệ, lạc hậu về thể chế chính trị và văn hoá. Chính do những nhược điểm này, các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

- Những khó khăn, thách thức về kinh tế

Ngày nay, cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt hơn trong khi sức cạnh tranh của các quốc gia nghèo vẫn còn rất yếu kém. Trong tiến trình tự do hóa thương mại, các quốc gia đang phát triển thiếu sức cạnh tranh trên cả quy mô quốc gia lẫn quy mô doanh nghiệp. Trong bối cảnh các biện pháp bảo hộ của chính phủ buộc phải dỡ bỏ theo tinh thần của tự do thương mại, các nước đang phát triển thiếu tiền vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu và chậm đổi mới, sản phẩm công nghiệp càng khó có thể cạnh tranh về chất lượng và số lượng với sản phẩm từ các nước phát triển có nhiều ưu thế hơn về mọi mặt.

Cơ chế tự do thương mại không chỉ tác động tới cộng đồng kinh doanh mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ xã hội. Quá trình phát triển tự do thương mại đã hình thành cơ chế tự do thương mại bao gồm các luật lệ quy định ràng buộc các bên phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động thương mại. Do nhiều nguyên nhân kinh tế - xã hội, các nước đang phát triển dù muốn cũng rất khó đáp ứng quy chế tự do thương mại hiện hành. Quy tắc tự do thương mại không cho phép các chính phủ hỗ trợ tài chính cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh trong nước dưới bất kỳ một hình thức trợ cấp, ưu đãi nào. Quy tắc này đặt các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh của thế giới thứ ba vào tình thế nghiêm trọng hơn, do phải đối mặt với cạnh tranh thực sự. Ngoài ra, các quy định như không được sử dụng lao động trẻ em, quy định bảo vệ môi trường... là các tiêu chuẩn mà các nước đang phát triển không dễ gì đáp ứng.

- Khó khăn về chính trị - xã hội

Tham gia vào quá trình tự do hóa thương mại với tư cách những quốc gia kém phát triển, không chỉ bộ máy nhà nước mà cả các tổ chức và dân chúng đều chưa có thói quen làm việc trong một môi trường tự do thương mại. Thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm thương mại, bộ máy công quyền thường bị chi phối bởi những lợi ích của nhà nước nên khó nhận thức đúng lợi ích của xã hội, do vậy chưa có giải pháp thiết thực để điều chỉnh lợi ích xã hội với lợi ích nhà nước phát sinh trong quá trình tự do thương mại. Tự do thương mại còn có nghĩa là giảm thuế nhập khẩu, các nước nghèo sẽ mất đi một nguồn thu thuế quan trọng, phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt ngân sách, làm trầm trọng hơn các vấn đề xã hội. Kết quả là nhiều tiến trình cải cách bị cản trở, xã hội càng khó thoát khỏi tình trạng trì trệ và kém phát triển.

Có thể nói, các chủ thể có thái độ khác nhau khi tham gia vào quá trình tự do thương mại dù rằng lợi ích của quá trình này là không thể bàn cãi. Phản ứng của chính phủ là tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào nhận thức, quan điểm chính trị của chính phủ. Đối với chủ thể nhà nước mà đại diện là chính phủ, tự do thương mại không phải bao giờ cũng mang lại lợi ích. Hoạt động tự do thương mại đe doạ phá vỡ những đặc quyền và độc quyền nhà nước nhiều khi núp dưới danh nghĩa chủ quyền quốc gia hoặc độc lập chính trị. Chính vì nguyên nhân này, các chính phủ thường có thái độ bảo thủ hơn trong quá trình tự do thương mại. Thay vì đưa ra chính sách mở cửa để hợp tác với các lực lượng bên ngoài, các chính phủ có thể đưa ra những quyết định cản trở quá trình tự do thương mại, tạo ra những rào cản khác nhau để hạn chế những thất thiệt mà chính phủ cho rằng nhà nước, các doanh nhân và dân chúng trong nước có thể gặp phải trong quá trình tự do thương mại. Cách tiếp cận này đi ngược với xu thế của tự do thương mại. Vấn đề đặt ra là chính phủ và cộng đồng doanh nhân tại các nước thế giới thứ ba phải ứng xử như thế nào để đạt được lợi ích cao nhất mà không vi phạm tinh thần tự do thương mại của thời đại?
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: