Thị hiếu của tôi là tôi

08:56 CH @ Thứ Hai - 02 Tháng Mười, 2017

Hàng năm, theo thông lệ, cứ sắp tới mồng 1 tháng 6 và Trung Thu, các tờ báo và tạp chí cùng những nhà xuất bản có uy tín đối với lứa tuổi trẻ học trò lại phải sẵn sàng tinh thần để được nghe các bậc đạo đức lên lớp. Đều là những phàn nàn và chỉ trích lặp đi lặp lại, bình cũ rượu cũ. Nào là thiếu tính dân tộc, nào là kém tính thẩm mỹ, ít tính giáo dục. Nào là chuộng ngoại, sách dịch quá nhiều, sách ta quá ít, đâu rồi Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Tuổi thơ dữ dội, thơ Trần Đăng Khoa? Truyện tranh Nhật nhảm nhí quá xá mà sao in nhiều quá, bán chạy quá vậy, v.v.
Ngoài các ấn phẩm, người ta cũng lên tiếng nhiều về đồ chơi. Rồi phim ảnh, băng hình, đĩa nhạc, các chương trình chơi game. Bạo lực quá, nhố nhăng quá. Thị hiếu văn hoá của bọn trẻ thời bây giờ, kinh tế thị trường, sao mà kém cỏi đến thế so với "thời chúng tôi" gian khổ, thiếu thốn, bi đáo khăng xèng. Đề nghị trên cấp tốc cho định hướng. Đề nghị trên kịp thời uốn nắn. Vân vân.

Đều là những ý kiến không thể đúng hơn, song vì là bình cũ rượu cũ lặp đi lặp lại nên các luận bàn luân lý kể trên càng năm càng có vẻ bị nhàm đi, càng có vẻ là những “bức xúc” hời hợt, thậm chí có vẻ giả giả thế nào. Với lại kẻ cả nữa.

Ở ta chừng như đã thành truyền thống rồi cái đức lo xa hộ cho phần hồn của người khác. Lo độc giả không biết chọn sách đúng đắn mà đọc. Lo thính giả không biết thưởng thức âm nhạc một cách nghiêm túc. Lo khán giả không biết phân biệt phim hay phim dở. Đã thành truyền thống, bởi không phải bây giờ mới thế.

Kể cũng buồn cười, những năm 60 thế kỷ trước, cả một lớp thanh niên ưu tú, được nuôi dưỡng bằng lý tưởng chính trị cao đẹp, được học hành tử tế, có trình độ văn hoá và nhận thức xã hội đủ để đảm đương trọng trách lịch sử là đập tan siêu cường xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ấy vậy mà lớp thanh niên bản lĩnh cứng cáp đó vẫn cứ phải được quản lý về phẩm hạnh, lắm khi bằng những cách thức cùng khuôn mẫu cũ kỹ và vớ vẩn nhất, và cứ phải luôn luôn chịu sự đôn đốc, xét nét về dủ thứ ngõ ngách trong đời sống cá nhân. Quần thế nào, áo thế nào, mũ nón dép guốc, tóc tai thế nào, đọc những gì, xem những gì, yêu đương ra sao, kết bạn thế nào, thanh niên nam nữ cứ bị buộc phải khuôn theo những thiên kiến đầy chủ quan và hình thức chủ nghĩa. Tất nhiên là không đời nào tuổi trẻ lại muốn như vậy, nhưng không chấp nhận thì bị “cưỡng chế". Cạo tóc, xẻ áo, rọc quần ngay trước cổng trường hoặc trên dọc phố. Rồi thì kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, đủ vành đủ vẻ.

Những năm 70, cờ đỏ thẳng tay trị quần ống bó, sang tới thập niên 80 thì ngược lại, quần loe là thứ cần phải quyết liệt xử lý. Độ rộng hẹp của ống quần gấu áo đã trở thành gần như là thước đo về tư cách và thậm chí cả về lập trường quan điểm của một con người.

Đội mũ sùm sụp, hút thuốc thả khói mù mịt phòng họp thì vô tư, nhưng đánh chút phấn, xịt tý nước hoa rất có thể trở thành duyên do để gặp đủ điều rắc rối. Còn như áo hở cổ, lộ vai, váy xẻ, quần lửng thì thật sự là chuyện tày dình, không thể nghĩ tới.

May mắn thay là những sự kỳ khôi như vậy đã qua rồi. Bây giờ nhìn lại chúng ta thấy rằng chuyện ấy âu cũng là điều ấu trĩ khó tránh của một thời gian khổ, nên thể tất và nên quên đi. Nhưng chính vì vậy mà những ai đã phải trải qua thời tuổi trẻ học trò bị gò bó ấy càng nên tránh xa cái thái độ và ý định áp đặt khuôn mẫu của mình và thời mình lên tâm hồn và tư duy của thế hệ con em mình.

Quan niệm thẩm mỹ chẳng hạn, cho dù của bạn có là đúng đắn cực kỳ, nhưng nếu bạn tự cho phép tôn nó lên làm tiêu chí và lề luật cho muôn dân thì lại thành ra là những nhiễu sự rỗi hơi, tầm phào, vừa vô ích vừa vô nghĩa.

Ngẫm lại thời tuổi trẻ của mình mấy ai không thấy đó là những tháng năm đẹp đẽ nhất, hạnh phúc và sung sướng nhất. Vì vậy con người ta thường có xu hướng cho rằng thế hệ mình hay ho hơn hẳn những lứa hậu sinh. Đặc biệt là những người ở tuổi trên dưới 50 hiện nay càng dễ có lối hoài niệm đầy tự đắc ấy. Nhưng thực ra, bên cạnh vô vàn những kỷ niệm tươi sáng lưu giữ lâu bền trong ký ức thì trong thời niên thiếu của họ cũng có vô khối những sự đáng chán mà hoặc là họ đều đã cố sức quên đi hoặc là do năm tháng nên đã tự động phai mờ.


Sự thực thì không ai có lỗi cả đối với những yếu kém, bất cập, xuống cấp trong đời sống văn hoá hiện nay. Chúng ta đã qua một thời niên thiếu, một thời tuổi trẻ như thế nào, đã học gì, đọc gì, xem gì trong những năm ấy, thì ngày nay chúng ta là như thế, chẳng hay hơn, chẳng kém hơn ai. Chúng ta chấp nhận thực trạng số phận, thực trạng tri thức, thực trạng cách nghĩ và thực trạng tâm hồn mình. Chẳng nên hoài công thay đổi nếp sống văn hoá đã đinh hình chắc như danh đóng cột đối với chúng ta. Có điều cũng đừng buộc thế hệ sau phải tuyệt đối noi gương văn hoá của chúng ta. Trái lại nên cố gắng tránh cho hình ảnh của chúng ta phản chiếu quá nhiều ở đời sống của con em mình.

Cho dù có xốn con mắt, cho dù cảm thấy bực bõ, chúng ta cũng cứ nên để cho các cháu, các em được trải qua thời niên thiếu theo ý của chúng và thời đại của chúng. Những gì thái quá, những gì quá tệ, lứa sau sẽ tự có cách từ bỏ hợp với thời của mình.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về bản lĩnh thanh niên thời nay

    13/05/2016Mong rằng cái tinh thần Văn Miếu ấy sẽ động viên thế hệ thanh niên ngày nay vững bước tiến vào thế kỷ trí tuệ để biến những khát vọng ngàn đời của dân Việt thành hiện thực.
  • Một số nét tâm lý đặc trưng về định hướng giá trị của thanh niên hiện nay

    30/09/2015Đỗ Ngọc HàGiá trị và định hướng giá trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự hình thành nhân cách, lối sống và có ảnh hưởng đến toàn bộ hành vi cá nhân. Khi tiếp cận trên bình diện giá trị và định hướng giá trị, chúng ta có thể hiểu sâu được những quá trình xã hội điều khiển sự hoạt động của các cộng đồng, các nhóm xã hội...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Thị hiếu tầm thường, Thời gian phí phạm

    06/09/2015Vương Trí NhànNgười Nam mình chưa cái gì là cái khéo. Mà càng bắt chước Tây bắt chước Tàu bao nhiêu càng xấu bấy nhiêu...
  • Lý tưởng xã hội và người viết trẻ

    25/01/2015Hồ Sĩ VịnhTrong xã hội ta hôm nay, thường có một thiên kiến dai dẳng: Tuổi trẻ đồng nghĩa với sự non dại, non dại đến độ vấp ngã. Một bộ phận cha anh thường nhìn họ với cặp mắt hoài nghi và tâm trạng bất an. Đó là một sự thật, dù nghiệt ngã. Thế mà trong văn học, tình hình lại khác. Hầu hết các tác phẩm của các nhà văn bậc thầy đều được sáng tạo ở tuổi 25-35. Ma lực sáng tạo, điện năng văn chương của họ hình như được tích tụ và phát sáng ở thập niên đầu tiên của nghề cầm bút ở nước ta cũng có tình hình tương tự...
  • Một số nét tâm lý đặc trưng của lứa tuổi thanh niên

    05/12/2014TS. Lê HươngViệc phân đoạn quá trình phát triển tâm lý người phác họa cho chúng ta thấy rõ những nét tâm lý đặc trưng cho từng lứa tuổi. Trong mỗi giai đoạn phát triển các nét tâm lý đặc trưng nảy sinh trên cơ sở kết hợp các điều kiện khách quan và chủ quan...
  • Làm thanh niên thật khó!

    03/10/2014Bạn bè hay kháo nhau, làm người là khó, thời nay nên bổ sung: làm thanh niên còn khó hơn nhiều...
  • Bàn về cái đọc của thanh niên

    01/08/2006Ths. Bùi Văn TiếngGunter Grass, nhà văn đoạt giải thưởng Nobel văn chương năm 2004 với tác phẩm nổi tiếng Cái trống thiếc rất có lý khi cho rằng không gì có thể thay thế văn hóa đọc. Ấy vậy mà ở nước ta, cái "không gì có thể thay thế" đó đang trở thành mối bận tâm của các nhà văn hóa cũng như những ai hay ngẫm nghĩ về văn hóa. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được lạm bàn về một phạm vi nhỏ của văn hóa đọc: vấn đề cái đọc của thanh niên. ..
  • Về nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức

    20/12/2005Viễn Phố dịch từ tài liệu tiếng TrungBài viết nói về nhân cách lý tưởng trong thời đại kinh tế tri thức, trong đó vạch rõ nhân cách đó do nguyên tắc sản xuất xã hội của thời đại kinh tế tri thức quyết định và thể hiện yêu cầu của nguyên tắc đó. Do vậy nhân cách lý tưởng của thời đại kinh tế tri thức phải vừa đề cao lý tính lại vừa thấm đượm tinh thần nhân văn.
  • Kết hợp giáo dục lý luận với giáo dục lý tưởng đạo đức, cho sinh viên hiện nay

    18/11/2005TS. Nguyễn Ngọc ThuXác định đạo đức là "gốc" của người cách mạng, nó không chỉ là nền tảng nhân cách trong sự thống nhất với tri thức, mà còn là điều kiện tiên quyết để trau dồi tri thức nói chung, nâng cao trình độ lý luận nói riêng...
  • xem toàn bộ