Thời của Kindle: đọc sách cũng là kết nối

Steven Johnson, New York Times
07:16 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Tám, 2010
Kindle của Amazon, Nook của Barnes&Noble, những chiếc máy đọc sách như vậy đang dần tạo nên bước ngoặt trong văn hóa đọc: mở ra một không gian "ảo" để độc giả kết nối, chia sẻ và khám phá.

Máy đọc sách sẽ "pha loãng" sự tập trung?

"Mục tiêu của sách báo là chống lại sự cô đơn", đó là nhận định của nhà văn Mỹ tài năng David Foster Wallace trong phần mở đầu cuốn sách mới xuất bản của tác giả David Lipsky: "Although of Course You End Up Becoming Yourself" (tạm dịch: Mặc dù cuối cùng bạn chắc chắn vẫn là chính mình).

Nếu đọc cuốn sách này trên sách điện tử Kindle của Amazon, bạn sẽ thấy nhận định đó của Wallace đã được đặc biệt nhấn mạnh bằng cách gạch chân. Đó không phải là vì Wallace hay Lipsky cảm thấy cần làm như vậy. Lý do thực sự là bởi có rất nhiều độc giả đã đánh dấu đoạn này trên sách điện tử Kindle của mình, khiến nó trở thành đoạn văn "hot" nhất trong cả cuốn sách.

Amazon đặt tên cho chức năng tự động gạch chân các đoạn văn được độc giả yêu thích là "các đoạn đánh dấu phổ biến". Thoạt nhìn chức năng này có vẻ "vô thưởng vô phạt", nhưng trên thực tế lại báo hiệu những cơ hội lớn phía trước.

Với "các đoạn đánh dấu phổ biến", ngay cả khi chúng ta tắt mạng xã hội Twitter hay TV và ngồi đọc một cuốn sách hay thì sẽ có rất nhiều độc giả khác cũng đang giở từng trang sách để cùng chúng ta tìm ra những lời hay ý đẹp. Không lâu nữa, chúng ta sẽ có thể gặp những người bạn độc giả này để cùng chia sẻ câu chuyện. Đọc sách chỉ để chống lại sự cô đơn ư? David Foster Wallace mới nhìn thấy một mặt của vấn đề.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận những chức năng mới như vậy là sự tiến bộ. Nicholas Carr, trong cuốn sách "The Shallows" (tạm dịch: Những người nông cạn) của mình cho rằng các hành động đọc lướt, đoán ý và làm nhiều việc cùng một lúc khi đọc trên màn hình điện tử đang đi ngược lại với mục tiêu đọc sâu và kĩ đã tồn tại trong nhiều thế kỉ của văn hóa đọc.


Máy đọc sách giúp chúng ta đa năng ngay cả khi đọc sách, nhưng liệu có làm pha loãng
sự tập trung? Ảnh minh họa

Carr cho rằng đọc sách trong khi đang tiến hành các hoạt động khác sẽ gây ra sự lãng phí lớn, ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung. Quan điểm này của ông đã nhận được sự đồng tình từ nhiều nghiên cứu khoa học.

Một nghiên cứu mới công bố đã cho thấy hiệu quả làm việc của những người làm rất nhiều việc cùng một lúc sẽ giảm từ 10 - 20% so với những người làm ít việc hơn.

Các nghiên cứu này chắc chắn đã chứng minh được một điều rằng không ai thật sự tin là mình có thể tập trung được khi phải chuyển qua chuyển lại giữa các hoạt động khác nhau. Tuy nhiên do bỏ qua những lợi ích thu được khi làm nhiều thứ cùng một lúc, những nghiên cứu này lại trở thành một tiêu chí văn hóa vô nghĩa.

Kết nối trong không gian ảo

Hãy xem, nhờ có email, Twitter và blog, chúng ta có thể thường xuyên trao đổi thông tin với hàng trăm người mỗi ngày: sắp xếp lịch họp, tán gẫu, biên tập cuốn sách mới, hay đọc các bình luận về thế giới công nghệ... Nếu chúng ta bị giới hạn bởi các dịch vụ điện thoại, bưu chính và các cuộc gặp gỡ trực tiếp thì chúng ta có thể trao đổi được bao nhiêu thông tin? Có lẽ chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng thông tin đang được trao đổi hiện tại của chúng ta.

Chúng ta không nghi ngờ gì về việc mình có hơi mất tập trung khi thực hiện các giao tiếp này, tuy nhiên thành thật mà nói, phần lớn những việc chúng ta làm trong ngày đều không đòi hỏi sự tập trung cao độ.

Trong cuốn sách của mình, Carr không chỉ tỏ ra lo lắng cho mức độ tập trung của độc giả. Ông còn cảnh báo: "tư duy văn học, tuyến tính" vốn là trái tim của nghệ thuật, khoa học và xã hội thì nay có nguy cơ trở thành "tư duy lạc hậu" với những hậu quả khôn lường đối với nền văn hóa. Dù có nhiều lý do khác nhau, nhưng ở điểm này, có lẽ Carr đã lo lắng hơi thái quá.

Hệ quả đầu tiên của việc suy nghĩ "nông cạn" đáng lẽ đã phải xuất hiện ngay từ khi thế giới công nghệ ra đời bởi khi đó, con người dành phần lớn thời gian của mình trong không gian siêu kết nối. Tuy nhiên, trên thực tế, trong 15 năm qua, các bình luận truyền thông đã phát triển theo hướng ngày càng trở nên thật sự tinh tế và sắc sảo. Chẳng hạn, ngay từ khi mới xuất hiện, bài viết của Carr trên báo The Atlantic và nhận định lạc quan hơn của Clay Shirky trong cuốn "Cognitive Surplus" (tạm dịch: Dư thừa nhận thức) đã trở thành hai chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên các trang web.

Một khi sự quan tâm từ giới hàn lâm và phê bình chuyên nghiệp xuất hiện thì các công cụ tri thức vốn dùng để đánh giá ngành truyền thông sẽ càng dễ tiếp cận hơn với số đông dân chúng. Hiện nay số người đăng lên mạng những phản hồi sâu sắc cho bài tiểu luận của Carr chắc chắn đủ để "đánh bẹp" số người viết bình luận về cuốn sách "Understanding Media" (tạm dịch: Hiểu về truyền thông) của Marshall McLuhan xuất bản năm 1964.

Vấn đề không ổn trong mô hình của Carr là sự tôn sùng vô điều kiện dành cho việc đọc kĩ, suy nghĩ sâu. Thực tế là rất nhiều ý tưởng lớn giúp xã hội phát triển trong các thế kỉ vừa qua lại xuất phát từ không gian kết nối rộng mở, trong sự giao thoa của các quan điểm và xúc cảm, sự hội tụ của các phép so sánh cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.


Đọc sách đang dần trở thành một hoạt động kết nối, chia sẻ, khám phá ý tưởng. Ảnh minh họa

Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các phát minh khoa học công nghệ quan trọng trong thiên niên kỷ vừa qua đều bắt nguồn từ những trung tâm đô thị náo nhiệt. Bản thân các trang giấy đã khuyến khích sự đa dạng trong kết nối bằng cách lưu giữ, chia sẻ và truyền bá hiệu quả các ý tưởng. Ví dụ như ở thời kỳ Khai sáng con người đã bắt đầu tập trung nhiều hơn vào việc trao đổi ý tưởng thay vì đọc một mình.

Suy nghĩ trong yên tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho sự chia sẻ các ý tưởng quan trọng. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng các ý tưởng thú vị cũng xuất hiện trên mạng trực tuyến.

Đúng là màn hình điện tử đang khiến chúng ta trở nên kém tập trung hơn. Đúng là sự hỗ trợ đáng kể từ sách điện tử Kindle và iPad cũng không thể thay đổi xu hướng lười đọc các tác phẩm và bài báo dài so với 50 năm về trước. Đây chắc chắn là những bất lợi. Nhưng lợi ích là gì? Chúng ta sẽ đọc nhiều văn bản hơn, viết nhiều hơn so với những gì chúng ta đã làm trong thời hoàng kim của vô tuyến truyền hình.

Không những thế, tốc độ đón nhận ý tưởng và khám phá các khía cạnh mới trong một vấn đề của chúng ta cũng sẽ tăng lên đáng kể. Chúng ta kém tập trung hơn, nhưng lại kết nối nhiều hơn. Và tất cả chúng ta đều vui vẻ chấp nhận sự đánh đổi đó.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người dùng Internet đọc gì trên mạng?

    08/09/2020Thiên Ý (Theo Washington Post)Trong khi tăng trưởng của tất cả các website hàng đầu đều đang chững lại thì blog, mạng xã hội ảo và site thông tin địa phương lại phát triển với tốc độ tên lửa...
  • Internet sẽ tiêu diệt văn hóa đọc?

    02/07/2016Minh TuấnInternet là phát minh vĩ đại của nhân loại. Song, nó cũng tác động không nhỏ đến văn hóa đọc truyền thống. Liệu sách, báo in sẽ tồn tại?
  • Đọc "báo mạng” Việt Nam

    24/06/2007GS. Trần Hữu DũngNhân ngày 21-6, Giáo sư Trần Hữu Dũng có gửi riêng cho TBKTSG bài viết với những nhận xét rất thẳng thắn về các tờ báo điện tử của Việt Nam...
  • Google đăng trực tuyến những cuốn sách đầu tiên

    05/11/2005Những nội dung được quét và đăng tải online, trong dự án quy mô Google Print gây nhiều tranh cãi, là các tác phẩm văn học, lịch sử Mỹ thế kỷ thứ 19.
  • Công nghệ thay đổi cách xem tin của độc giả Internet

    27/07/2005P.K. (theo AP)J.D. Lasica trước đây hay truy cập từ 20 đến 30 website để đọc tin. Hiện nay, số địa chỉ mà anh tìm đến chỉ còn 3 nhưng lượng tin tức mà biên tập viên của tờ The Sacramento Bee này “tiêu thụ” lại tăng lên nhiều lần.
  • Đọc thông tin miễn phí trên trang thu phí

    17/06/2005Yahoo Search Subscriptions - cho phép tìm tin trên những site bắt buộc phải trả tiền mới đọc được - là động thái mới của nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến hàng đầu của Mỹ nhằm củng cố niềm tin và sự trung thành của khách hàng.
  • Đưa sách giấy vào thiết bị điện tử

    25/08/2003Các kỹ sư của HP vừa phát triển loại sách điện tử: có khả năng lưu được lượng thông tin của cả thư viện vào một thiết bị có kích thước bằng quyển sách bình thường, dày khoảng 1 cm. Liệu điều này có thể đặt dấu chấm hết cho những cuốn sách giấy mà chúng ta vẫn dùng hiện nay?
  • xem toàn bộ