Thomas Paine – người suy tư Khai sáng cấp tiến và 2 tác phẩm Khai sáng

04:35 CH @ Thứ Tư - 20 Tháng Tư, 2011

Thomas Paine sinh ra tại Đế quốc Anh, sống ở Mỹ, nhập cư vào Mỹ trong thời gian nổ ra Cách mạng Hoa Kỳ. Ông là một nhà triết học, nhà cách mạng, người theo trường phái chủ nghĩa tự do cổ điển, một nhân vật nổi bật trong phong trào khai sáng, tác giả của Common Sense (Lương tâm) (1776).Ông ủng hộ sự độc lập của các thuộc địa Mĩ khỏi Đế quốc Anh, hỗ trợ cho cách mạng.

Sau đó, Paine đã có ảnh hưởng lớn đến Cách mạng Pháp. Ông đã viết cuốn Rights of Man (Quyền con người) (1791) là một sự dẫn hướng về ý tưởng của khai sáng. Mặc dù không nói tiếng Pháp, ông vẫn được bầu vào Quốc Hội Pháp năm 1792.

Paine bị bắt ở Paris và bị đưa vào tù từ tháng 12 năm 1793; ông được trả tự do từ năm 1794. Ông trở nên nổi tiếng với cuốn The Age of Reason (1793-94). Khi ở Pháp, ông cũng viết cuốn có tựa đề Agrarian Justice (1795), bàn luận về nguồn gốc của của cải và đưa ra một khái niệm tương tự như Đảm bảo thu nhập tối thiểu (Guaranteed Minimum Income).

Danh ngôn của Thomas Paine

- Dễ dãi với sự dối lừa là điều nhục nhã. (It is an affront to treat falsehood with complaisance.)

- Lí lẽ tự phục tùng chính nó, còn ngu dốt thì phục tùng bất cứ thứ gì nó được ra lệnh. (Reason obeys itself; and ignorance submits to whatever is dictated to it.)

- Trong tất cả những tên bạo chúa ảnh hưởng tới nhân loại, bạo chúa về tôn giáo là tồi tệ nhất. (Of all the tyrannies that affect mankind, tyranny in religion is the worst.)

- Một giáo viên tốt hữu dụng hơn cả trăm thầy tu. (One good schoolmaster is of more use than a hundred priests.)

- Sự trung thành với chính mình cần thiết cho hạnh phúc của mỗi người. Thiếu trung thành không nằm ở việc tin hay không tin mà nằm ở việc tự cho là mình tin điều mình không tin. (It is necessary to the happiness of man that he be mentally faithful to himself. Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)

- Bản chất con người tự nó không xấu xa. (Human nature is not of itself vicious)

- Thứ tốt vừa phải chẳng tốt được như người ta nghĩ. Biết kiềm chế tâm tính luôn là đức tốt; nhưng kiềm chế nguyên tắc đạo đức luôn là xấu xa. (A thing moderately good is not so good as it ought to be. Moderation in temper is always a virtue; but moderation in principle is always a vice.)

- Bất cứ hệ thống tôn giáo nào chứa đựng những điều gây chấn động cho tâm hồn con trẻ đều không thể là sự thật. (Any system of religion that has anything in it that shocks the mind of a child, cannot be true.)

- Chúa không thể dối trá không đem lại sức nặng cho lí lẽ của anh, bởi vì chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ rằng thầy tu hay Kinh thánh không thể dối trá. (That God cannot lie, is no advantage to your argument, because it is no proof that priests can not, or that the Bible does not.)

- Khi chúng ta lên kế hoạch cho hậu thế, chúng ta phải nhớ rằng đức hạnh không có tính di truyền.(When we are planning for posterity, we ought to remember that virtue is not hereditary.)

- Phương thuốc hữu hiệu nhất cho giận dữ là trì hoãn. (The greatest remedy for anger is delay.)

- Khi con người từ bỏ quyền tư duy, cái bóng cuối cùng của tự do biến mất khỏi chân trời. (When men yield up the privilege of thinking, the last shadow of liberty quits the horizon.)

- Chúng ta chỉ có thể rút ra lý lẽ từ hiện thực; chúng ta có thể đặt lý lẽ trên thực tế chứ không thể trên khả năng. (We can only reason from what is; we can reason on actualities, but not on possibilities.)

- Tính cách gìn giữ thì dễ hơn là phục hồi. (Character is much easier kept than recovered.)

- Khoa học nào cũng đặt trên nền tảng hệ thống nguyên lý cố định và bất biến như những nguyên lý chi phối và điều hòa vạn vật. Con người không thể đặt ra nguyên lý; con người chỉ có thể phát hiện ra chúng. (Every science has for its basis a system of principles as fixed and unalterable as those by which the universe is regulated and governed. Man cannot make principles; he can only discover them.)

- Chúng ta thường không biết quý trọng những thứ đạt được quá dễ dàng. (That which we obtain too easily, we esteem too lightly.)

- Xung đột càng lớn thì thắng lợi càng vinh quang. (The harder the conflict, the more glorious the triumph.)

- Vũ khí ghê gớm nhất chống lại sai lầm là lí lẽ. (The most formidable weapon against errors of every kind is reason.)

- Sức mạnh và thế lực của sự chuyên quyền nằm cả trong nỗi sợ hãi bị chống đối. (The strength and power of despotism consists wholly in the fear of resistance.)

- Có những thời khắc thử thách linh hồn của con người. (These are the times that try men’s souls.)

- Người muốn gặt hái hạnh phúc của tự do, như những người khác, phải trải qua sự mệt mỏi để ủng hộ nó. (Those who expect to reap the blessings of freedom must, like men, undergo the fatigue of supporting it.)

- Thời gian tạo ra nhiều biến đổi hơn là lí lẽ. (Time makes more converts than reason.)

- Nói rằng có ai không đáng được tự do cũng có nghĩa là coi nghèo khó như lựa chọn của họ hay nói họ thích chịu hàng đống thuế má. (To say that any people are not fit for freedom, is to make poverty their choice, and to say they had rather be loaded with taxes than not.)

- Tư tưởng có hai tầng lớp rõ rệt: ý nghĩ ta tự xây dựng trong bản thân nhờ suy ngẫm và tư duy, và ý nghĩ tự bản thân nó xuất hiện trong tâm tưởng. (There are two distinct classes of what are called thoughts: those that we produce in ourselves by reflection and the act of thinking and those that bolt into the mind of their own accord.)

- Vũ khí làm nản lòng người và khiến kẻ cướp bóc và xâm lược kinh sợ, và gìn giữ trật tự cũng như tài sản của thế giới… Cái ác khủng khiếp sẽ nảy sinh khi nó bị tước đoạt khỏi những người tuân thủ pháp luật. (Arms discourage and keep the invader and plunderer in awe, and preserve order in the world as well as property… Horrid mischief would ensue were the law-abiding deprived of the use of them.)

- Tín ngưỡng vào Thần thánh tàn nhẫn làm nên người tàn nhẫn. (Belief in a cruel God makes a cruel man.)

- Nhà cầm quyền, dù ở tình trạng tốt nhất, cũng chỉ là cái ác cần thiết; và trong tình trạng xấu nhất, cái ác không thể chịu nổi. (Government, even in its best state, is but a necessary evil; in its worst state, an intolerable one.)

- Kẻ tạo ra chiến tranh thả rông cho địa ngục lây lan và mở tĩnh mạch có thể khiến một quốc gia đổ máu cho tới chết. (He who is the author of a war lets loose the whole contagion of hell and opens a vein that bleeds a nation to death.)

- Tôi tin vào sự bình đẳng của con người, và tôi tin rằng nghĩa vụ của tôn giáo bao hàm việc hành động vì công lý, sự khoan dung yêu thương và nỗ lực để mang hạnh phúc tới cho đồng loại. (I believe in the equality of man; and I believe that religious duties consist in doing justice, loving mercy, and endeavoring to make our fellow-creatures happy.)

- Tôi yêu người có thể cười trong nghịch cảnh, có thể tìm sức mạnh trong sự khốn cùng và trở nên can đảm nhờ suy nghĩ. Những tâm hồn nhỏ bé có thể chùn bước, nhưng người có trái tim kiên định và được sự đồng thuận của luơng tâm sẽ theo đuổi những nguyên tắc của mình cho đến chết.(I love the man that can smile in trouble, that can gather strength from distress, and grow brave by reflection. ‘Tis the business of little minds to shrink, but he whose heart is firm, and whose conscience approves his conduct, will pursue his principles unto death.)

- Đội quân nguyên tắc có thể xuyên thủng cả những nơi mà đội quân con người không thể. (An army of principles can penetrate where an army of soldiers cannot.)

- Thói quen suy nghĩ mọi thứ đều không sai lầm quá lâu khiến sự đúng đắn có vẻ thiển cận. (A long habit of not thinking a thing wrong gives it a superficial appearance of being right.)

- Chẳng phải là một vài tấc đất, chúng ta đang bảo vệ cho đại nghĩa, và dù chúng ta đánh bại kẻ thù trong một hay nhiều trận chiến thì kết quả cũng như nhau. (It is not a field of a few acres of ground, but a cause, that we are defending, and whether we defeat the enemy in one battle, or by degrees, the consequences will be the same.)

- Lãnh đạo, phục tùng, hoặc cuốn xéo. (Lead, follow, or get out of the way.)

- Tiết chế tâm tính luôn luôn là thói quen tốt; nhưng tiết chế nguyên tắc luôn luôn là thói xấu.(Moderation in temper is always a virtue; but moderation in principle is always a vice.)

- Tổ quốc tôi là thế giới, và tôn giáo tôi là làm điều tốt. (My country is the world, and my religion is to do good.)

- Ngờ vực là bạn đồng hành của những tâm hồn bần tiện, và là tai ương của tất cả xã hội tốt đẹp.(Suspicion is the companion of mean souls, and the bane of all good society.)

Tác phẩm “Lương tâm” của Thomas Paine

Không một người bình thường nào đã tiên đoán được cái tương lai rực rỡ của Thomas Paine, khi ông tới châu Mỹ vào năm ba mươi bảy tuổi. Cho tới tuổi ấy đời ông chỉ là một chuỗi những thất bại và thua thiệt. Công việc nào ông bắt tay vào làm cũng đều đi đến kết quả không ra gì.

Vì lý do nào chỉ trong vòng một ít năm, mà Thomas Paine, một người di cư vừa mới đặt chân tới Tân Thế giới lại nổi danh là một trong những tác giả Anh ngữ xuất sắc hơn hết; một trong những nhân vật được tranh luận hơn hết trong lịch sử Hoa Kỳ; một tay phiến động và là một cách mạng gia mà ai cũng biết tên tuổi; người ta sợ và ghét, hoan hô và ca ngợi tận hang cùng ngõ hẻm tất cả những thuộc địa Anh ở châu Mỹ, ở Anh và cả ở Tây Âu nữa ? Hình như cuộc hành trình qua đại dương đã ảnh hưởng tới việc biến đổi kỳ dị con người và tính tình của ông đầu hôm sớm mai từ một kẻ tầm thường biến thành một thiên tài.

Tuy nhiên nếu nhìn trở lại chuỗi ngày ấu thơ của Paine ta sẽ thấy rõ là thật ra thời kỳ ấy không phải bỏ đi mà đó là một cách chuẩn bị cho cuộc đời mới của ông. Ông sinh ở Thetford, một quận ở Norfolk thuộc miền Đông nước Anh, vào ngày 29 tháng Giêng năm 1737. Cha ông là một tín đồ giáo phái “Quaker”, còn mẹ ông theo Anh giáo. Ngay khi vào đời, ông đã nếm cảnh cùng cực thiếu thốn và làm việc nặng nhọc. Cho đến năm mười ba tuổi, Thomas Paine theo học một trường trung học.

Theo lời ông thì chính tại trường này, ông đã “hấp thụ được một nền giáo dục thật là tốt và một số kiến thức hữu ích đáng kể“. Thực hành vốn trái ngược với lý thuyết – nên tài linh mẫn về khoa học và phát minh của ông đã nổi bật lên ngay từ hồi đó và ông vẫn giữ được tài năng ấy qua suốt cả cuộc đời bận rộn.

Sau thời kỳ giáo dục ngắn ngủi ấy, Paine bắt đầu tập sự học nghề của cha làm áo nịt phụ nữ.

Ba năm học nghề; rồi phần thì vì cái quyến rũ của biển khơi, phần vì quá chán ngán công việc buồn tẻ đương làm, ông đã trốn khỏi nhà để đăng vào đoàn thủy thủ tàu cướp biển “Nỗi kinh hoàng” (Terrible) do một viên thuyền trưởng có cái tên ghê gớm là Tử Thần chỉ huy. Được cha giải thoát, ông lại trở về tiếp tục nghề cũ cho tới năm mười chín tuổi. Rồi ông lại lao mình đăng vào đoàn thủy thủ tàu “Hoàng đế nước Phổ”, cũng một tàu cướp biển, trong một thời gian ngắn.

Rồi khi đã chán cái quan niệm lãng mạn về đời thủy thủ, ông lại trở về tiếp tục nghề cha, nhưng lần này thì ở London chứ không ở Thetford như trước nữa. Cửa tiệm ông giúp việc lần này ở gần Drury Lane. Lúc nhàn rỗi, ông đi dự các lớp thuyết giảng về thiên văn học.

Tiếp đó là những năm buồn lo, bối rối, lạc lõng.

Ở Sandwich, ông lập gia đình với một cô hầu mồ côi mẹ, nhưng chưa được một năm thì người vợ này chết. Nhạc phụ ông làm nghề thu thuế công quản; và Paine cũng bị lôi cuốn vì cái nghề này dành cho ông nhiều nhàn rỗi và nhiều lợi ích khác.

Paine được thu nhận làm một viên chức sở thuế công quản.

Thật không còn gì làm mất bè bạn và cảm tình một cách chắc chắn hơn nữa vì nghề của ông là bắt bọn buôn lậu, và kẻ giàu, người nghèo cũng đều chống lại ông cả. Sau khi bị cất chức vì thiếu tinh thần không thi hành luật lệ được nghiêm chỉnh, ông đã trở lại nghề làm áo nịt trong một thời gian ngắn, rồi lại xoay qua dạy học với một số lương đói rách là 25 bảng Anh một năm ở Kensington.

Được sở thuế công quản tái tuyển dụng, ông tục huyền vào năm 1771 và theo vợ cùng bà nhạc về làm việc trong một hiệu bán tạp hóa và thuốc lá ở Lewes, để tăng thêm thu nhập.

Trong mấy năm này, Paine đã dành nhiều thì giờ để lui tới nhà White Hart Tavern, tham dự những buổi hội họp ở một câu lạc bộ xã hội với tư cách là hội viên. Với mục đích xây dựng ông đã sáng tác những vần thơ châm biếm và những bài ca ái quốc, và có khi lại viết những bài báo về những vấn đề đứng đắn hơn, ông cũng thường hay tranh luận sôi nổi về những vấn đề hàng ngày. Vì ông có tài ăn nói nên các đồng nghiệp của ông đã đề cử ông làm phát ngôn viên cho họ nhân một dịp đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Paine đã dành nhiều tuần lễ sau đó để chuẩn bị một bản điều trần nhan đề : “Tình trạng lương bổng của các nhân viên sở thuế công quản và ý kiến về sự thối nát bởi cái nghèo túng của nhân viên sở thuế công quản“. Vào mùa đông năm 1772 – 73 , Paine đã đi London để trình bản thỉnh nguyện với các nghị sĩ quốc hội và các viên chức khác.

Nhưng chẳng những bản thỉnh nguyện bị bác bỏ mà Paine còn bị sa thải luôn với lý do là đã sao lãng bổn phận; cửa hàng bán thuốc lá bị vỡ nợ, đồ đạc, và vật dụng riêng của Paine được đem bán để cứu ông thoát tù vì nợ, và ông phải rời xa vợ ông. Thế là gần trung niên, ông lại phải sống cô độc không một đồng dính túi.

May mắn là trong thời kỳ Paine lưu trú ở London, ông đã gặp Benjamin Franklin lúc ấy đang làm ủy viên đại diện các thuộc địa Anh ở Hoa Kỳ. Có thể là vì đã nhận thấy thiên tài của Paine nên Franklin đã thuyết phục Paine hãy sang châu Mỹ thử thời vận. Franklin viết cho con rể là Richard Bache ở Philadelphia giới thiệu Paine là “một thanh niên tháo vát có giá trị“, Franklin cũng đề nghị nên dùng Paine đứng bán hàng, làm phụ giáo trong một trường học, hay làm một phụ tá giám thị. Lá thư của Franklin là vốn liếng chính của Paine khi ông đặt chân đến Philadelphia vào đầu tháng Chạp năm 1774.

Tuy nhiên Paine cũng đã đem theo một thứ vốn liếng loại khác quý vô giá. Đó là kinh nghiệm bản thân. Ông đã biết ở bên Anh công lý đã được áp dụng tàn ác như thời cổ xưa như thế nào; ông cũng đã biết cái nghèo hèn ty tiện; ông cũng đã từng được nghe và đã từng đọc nhiều về quyền tự nhiên của con người, ông cũng đã thấy cái hố sâu phân cách hàng triệu dân thường với con số vài ngàn tôn thất và quý tộc ở bên Anh, và ông cũng biết kế hoạch bầu cử vào thứ dân nghị viện Anh ở địa phương thối nát ra sao; ông cũng không lạ gì sự đồi trụy và ngu ngốc của vương thất bên Anh lúc ấy. Vì đã suy nghĩ kỹ càng về những vấn đề đó nên Paine đã có một tấm lòng trắc ẩn sâu xa đối với nhân loại, một lòng yêu chế độ dân chủ và phải khuyến khích thúc đẩy để đạt tới một công cuộc cải cách chính trị và xã hội toàn diện.

Ngay sau khi tới Philadelphia, Paine đã được một tờ báo mới ra đời lúc ấy là tờ Pensylvania Magazine mời làm chủ bút và ông đã giữ chức vụ này gần suốt mười tám tháng là quãng thời gian tờ báo này sống được. Và gần như ngay lúc ấy, nhờ xuất bản một bản tiểu luận lên án tình trạng nô lệ của người da đen và mạnh mẽ ủng hộ công việc giải phóng những người nô lệ này, Paine đã đột nhiên mở đầu cho cái công nghiệp lâu dài chiến đấu để bảo vệ công lý của ông từ đấy trở đi.

Năm tuần lễ sau, một hội những người Hoa Kỳ đầu tiên chống chế độ nô lệ đã được thành lập ở Philadelphia. Tiếp theo đó ông đã tham gia vào công việc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, đề nghị những đạo luật quốc tế quy định bản quyền của các tác giả, tố cáo những tàn ác đối với loài vật, chế giễu tập tục đấu gươm hay đấu súng, và đòi bãi bỏ chiến tranh để thay vào đó bằng đàm phán mỗi khi có bất hòa giữa các quốc gia.

Tuy nhiên chính giữa lúc ông viết những điều trên thì ông cũng không thể không đóng một vai trò quan trọng, một cuộc chiến tranh quốc tế đang lan rộng nhanh chóng. Những trận đánh ở Concord, Lexington và ở đồi Bunker đã diễn ra vào mùa xuân 1775.

Sau “cuộc tàn sát ở Lexington” vào tháng Tư, Paine đã viết cho Bejamin Franklin như sau : Tôi thấy thật khổ tâm khi phải nghe đạn lửa tàn phá quốc gia réo bên tai đúng lúc tôi đặt chân tới.

Ở mười ba thuộc địa của Anh tại châu Mỹ, người ta rất chia rẽ về thái độ cần phải theo lúc ấy, đi từ thái cực này sang thái cực khác.

Người như Samuel Adams và John Hancock thì ủng hộ chiến tranh, còn nhóm bảo thủ lại vẫn trung thành với vua nước Anh.

George Washington, Benjamin FranklinThomas Jefferson thuộc nhóm các lãnh tụ vẫn xác nhận lòng trung thành với nước Anh và tỏ ra không mấy tin ở ý tưởng phân ly và độc lập. Cả hai đệ nhất và đệ nhị Đại lục Quốc hội đều chấp nhận những quyết định xác nhận lòng trung thành của họ đối với Vương quyền, và chỉ thỉnh cầu được thanh thỏa những yêu sách của họ. Ngay giữa những luồng tư tưởng bất nhất, giữa sự xung đột của các quan niệm và xúc động, giữa sự lôi kéo và giằng co ấy, có một người đã nhận thấy rõ ràng chiều hướng và kết quả có thể xảy ra của các biến cố. Ngay từ đầu, Thomas Paine đã quan niệm cuộc phân ly giữa Anh và Hoa Kỳ là không thể tránh được.

Ông đã dành cả mùa thu năm 1775 để ghi lại những ý tưởng của ông.

Trước khi xuất bản, Paine đã đưa tác phẩm của mình cho nhiều bè bạn đọc; một trong những người bạn của ông là bác sĩ Benjamin Rush đã đề nghị nên đề tựa là Lương tri - (Common Sense) (Tạm dịch theo tiếng Việt là “Giác quan chung“) (tuy nhiên để cho hay thì trong bài viết này gọi là Lương tri – và đã giúp Paine tìm một nhà xuất bản. Đó là Robert Bell gốc người Scotland vừa là một nhà bán sách, vừa là chủ nhà in, ở Philadelphia.

Cuốn Lương tri (Common Sense) ra đời ngày 10 tháng Giêng năm 1776, “do một người Anh viết ra”; đó là một cuốn sách nhỏ dày bốn mươi bảy trang giá hai shilling. Trong vòng ba tháng, 120.000 ấn bản đã được bán ra, và tổng cộng số tiền thu được ước lượng lên tới nửa triệu, một tỷ lệ bán trong dân chúng tương đương với số 30 triệu ấn bản ở Hoa Kỳ ngày nay. Rất có thể là tất cả những người trí thức đương thời ở mười ba thuộc địa đã đọc cuốn sách ấy.

Mặc dầu số sách lớn lao đã bán được, Paine quyết định không nhận một đồng tiền bản quyền nào.

Không bao giờ trong lịch sử văn học có một cuốn sách ngay sau khi xuất bản đã có ảnh hưởng sâu rộng có thể so sánh được với cuốn Lương tri (Common Sense).

Đó là một tiếng kèn kêu gọi những dân Mỹ thuộc địa chiến đấu cho nền độc lập của xứ sở họ – không hòa giải, không do dự. Paine đã chỉ cho họ thấy là chỉ có cách mạng mới là giải pháp độc nhất để giải quyết vấn đề tương tranh giữa họ với nước Anh và Hoàng đế nước Anh George III.

Paine đã tuyên bố : “vì không có gì khác nữa ngoài sự tương tranh, vậy thì, vì Thượng đế, chúng ta hãy chia taynhau hẳn. Phải chăng chúng ta đã trả quá đắt cái giá đòi thủ tiêu những sắc luật, nếu đó là tất cả những lý do chiến đấu… Trả với cái giá một trận đánh ở đồi Bunker vì luật pháp hay vì đất đai là quá điên rồ… Đó không phải là việc riêng của một thành phố, một quận, một tỉnh hay là một vương quốc, mà là của một đại lục… Đó không phải là việc làm trong một ngày, một năm hay một thời đại; cả hậu thế cũng bị liên hệ trong cuộc tranh đấu ấy… Bây giờ là lúc gieo hạt giống cho tình đoàn kết giữa lục địa, cho niềm tin và danh dự… Dây liên lạc giữa lục địa quá lỏng lẻo… Độc lập là dây liên lạc duy nhất ràng buộc chúng ta lại với nhau“.

Đây là một đoạn giới thiệu cuốn Lương tri (Common Sense) tương đối ôn hòa:

“Có thể những tình cảm nói tới trong những trang sau đây chưa được hợp thời cho lắm để được mọi người tán thưởng; nếu đã từ lâu chúng ta không cho một điều nào đó là sai thì cái thói quen đó sẽ làm cho ta thấy điều sai kia có cái vẻ bên ngoài đúng và thói quen đó sẽ khiến chúng ta lớn tiếng hò hét bênh vực cho phong tục. Nhưng rồi sự xôn xao ấy sẽ sớm lắng dần xuống. Thời gian làm cho người ta thay đổi ý kiến nhiều hơn là lẽ phải“.

Phần đầu cuốn sách nhỏ này luận về nguyên thủy và bản chất của chính quyền với sự ứng dụng đặc biệt vào hiến pháp của nước Anh. Triết lý về chính quyền của tác giả đã được diễn tả ra trong một số những câu đại loại như sau:

Chính quyền, ngay cả khi ở một tình trạng tốt đẹp hơn hết, cũng chỉ là một thứ tội ác cần thiết…; ở tình trạng tồi tệ hơn hết thì chính quyền ấy ở thế không thể dung thứ được. Chính quyền, cũng như y phục, là biểu hiện của tình trạng ngây thơ đã mất; cung điện của vua chúa đã được xây dựng trên những căn lều đổ nát nơi thiên đường… Văn minh càng hoàn hảo bao nhiêu thì nền văn minh ấy càng ít có dịp có một chính quyền hoàn hảo bấy nhiêu“.

Paine lý luận là nguồn gốc và nguyên ủy của chính quyền đã “vì thế giới không cai trị được bằng đức hạnh, mà trở nên cần thiết; đây cũng là mục đích của chính quyền, tức là tự do và an ninh”.

Giữa xã hội và chính quyền có một dị biệt sâu sắc. Con người bị lôi cuốn vào xã hội, vì qua sự hợp tác với người khác, một số nhu yếu cần thiết của con người có thể được thỏa mãn. Trong tình trạng này, con người có một số quyền tự do bình đẳng. Đúng lý tưởng thì con người phải được sống trong hòa bình và hạnh phúc mà không có chính phủ, nếu như những “xúc động của lương tâm” được “trong sáng, thuần nhất, và được tuân theo một cách không cưỡng lại được”. Vì con người vốn hèn yếu và bất toàn trên phương diện đạo đức nên mới cần đến một quyền thế để kìm hãm họ lại; và quyền thế đó là do chính quyền mà có. Tuy nhiên an ninh, tiến bộ và niềm an ủi của con người lại lệ thuộc vào xã hội nhiều hơn là vào chính quyền. Tập quán và phong tục xã hội, mối liên lạc và quyền lợi giữa người với người có ảnh hưởng mạnh hơn là những thể chế chính trị.

Sau đó Paine đã “trình bày một vài nhận xét về hiến pháp mà người Anh vốn lấy làm tự hào“. Ông phê bình như sau : “Phải nhìn nhận rằng hiến pháp ấy đã là cao thượng vì được quy định vào giữa một thời kỳ nô lệ và đen tối. Khi bạo lực chà đạp thế gian thì chỉ một sự thoát ly nhỏ nhoi khỏi bạo lực ấy cũng đã là một cứu rỗi vẻ vang rồi. Nhưng có thể chứng minh dễ dàng cái bất toàn, và cái mầm rối loạn trong hiến pháp ấy cũng như không thể thực hiện được những gì mà có vẻ đã hứa hẹn”. Để được coi là bổn phận chính yếu của chính quyền tức là trách nhiệm, thì Paine lại cho là hoàn toàn không có trong hiến pháp Anh. Hiến pháp ấy phức tạp đến nỗi thật không thể nào xác định được ai là kẻ chịu trách nhiệm về bất cứ một điều gì. Phần độc nhất đáng ca ngợi trong hiến pháp ấy là quyền của người dân Anh, ít nhất là trên lý thuyết, là được cử người vào Hạ nghị viện.

Paine đề nghị một chế độ có một quốc hội lập pháp được bầu cử theo thể thức dân chủ cho các thuộc địa [1] một Tổng thống và một nội các, với ngành hành pháp chịu trách nhiệm trước quốc hội.

Nhưng Paine đã dành cho thể chế quân chủ kế thừa những lời lẽ phũ phàng hơn hết và niềm khinh bỉ đau độc hơn hết. Ông tấn công toàn thể nguyên tắc của chế độ quân chủ, và đặc biệt là thể chế quân chủ nước Anh.

Chế độ quân chủ trước hết được những kẻ dị giáo đưa vào thế giới; rồi dân Do Thái (Israel) rập theo tập tục ấy. Đó là một phát minh thành công hơn hết của ma quỉ để dẫn dắt đến sự tôn thờ ngẫu tượng. Người dị giáo thần thánh hóa những ông vua đã qua đời của họ. Chúng ta đã đem cái tội ác thừa kế nối ngôi ghép thêm vào cái tội ác quân chủ chế độ. Và khi cái tội ác quân chủ chế độ là một bại hoại và hạ thể chúng ta thì tội ác thừa kế nối ngôi được đòi hỏi như một vấn đề chính nghĩa, lại là một xỉ nhục và bắt buộc đối với hậu thế… Một trong những chứng cớ tự nhiên chắc chắn hơn hết về cái điên rồ của quyền thừa kế ngôi vua là Tạo hóa đã bài bác quyền ấy. Tạo hóa đã chẳng thường đem quyền ấy ra mà giễu cợt khi khiến cho các vua chúa sinh ra những kẻ thừa kế bất tài, bạc nhược sao?”

Trong con mắt Paine, quyền thừa kế ngai vàng ở Anh thật đáng nghi ngờ nếu đi ngược dòng thời gian tới thời kỳ nước này bị chinh phục. Ông đã viết :”Một đứa con hoang người Pháp, đã đổ bộ lên với một bầy cướp võ trang rồi tự lập làm vua nước Anh dù không có sự đồng tình của dân bản xứ, nói đúng ra chỉ là một kẻ lừa bịp láo lếu. Chắc chắn là không làm gì có chuyện thiên mệnh ở đây”. Nếu chế độ quân chủ bảo đảm chỉ sản xuất ra có những con người tốt và khôn ngoan, thì cũng chẳng có gì là đáng trách cứ, nhưng chế độ ấy đã mở cửa cho những kẻ ngu ngốc, những kẻ tàn ác và những kẻ không xứng đáng… người nào tự coi mình như sinh ra để mà trị vì, còn những kẻ khác sinh ra để tuân lệnh, sẽ sớm trở thành ngạo mạn; được tuyển chọn ưu đãi trong đa số nhân loại, còn lại đầu óc họ sẽ sớm bị đầu độc vì địa vị… Khi lên nắm chính quyền, thường thường họ là những kẻ ngu dốt hơn ai hết, và không thích đáng với địa vị hơn ai hết trong suốt bờ cõi. Để cho những ông vua còn nhỏ tuổi hay quá lão ngự trị trên ngai vàng cũng tạo ra vô vàn điều bất hạnh; trong trường hợp trước, thực quyền cai trị đất nước ở trong tay một nhà nhiếp chính, và trong trường hợp sau, quyền ấy lại lệ thuộc vào tính tình bất nhất của một ông vua quá già, suy nhược.

Để chống lại lập luận cho rằng chế độ quân chủ thừa kế ngăn ngừa được nạn nội chiến, Paine đã nhấn mạnh là từ ngày bị thôn tính, Anh đã trải “không dưới tám lần nội chiến và mười chín cuộc nổi loạn“.

Ông kết luận:

Ở Anh – một ông vua chả có gì để làm hơn là gây chiến và làm mất đất, nói nôm na là đã làm nghèo quốc gia và gây ra những mối bất hòa ở trong nước. Thật là một chuyện tốt đẹp cho một người mỗi năm được lĩnh tám trăm ngàn bảng Anh và lại còn được tôn thờ luôn nữa! Đối với xã hội và Thượng đế, một người lương thiện còn có giá trị nhiều hơn là tất cả những tên vua chúa bất lương từ trước đến nay.

Trong nhiều đoạn Paine đã đặc biệt gắt gao chua chát đối với Hoàng đế Georges đệ tam. Sau trận tàn sát ở Lexington, ông viết :”Tôi không nhìn nhận tên Hoàng đế Pharaông này của nước Anh, một ông vua có tâm tính chai đá, cau có; tôi khinh cái kẻ vô hạnh, với cái danh hiệu giả mạo; Cha của thần dân đã có thể bình tâm nghe con dân bị tàn sát, và vẫn ngủ yên được với máu của họ trong lương tâm“.

Trong một đoạn sau ông thêm :”Có người hỏi : Còn vua Mỹ thì ở đâu ? Tôi sẽ trả lời bạn là ông ấy ngự trị ở trên và không gây tai họa gì cho nhân loại như là tên hôn quân ở nước Anh“.

Sau khi đã phát biểu mạnh mẽ những ý tưởng bình dân về một chính thể quân chủ, Paine đã đề cập đến “Một vài ý nghĩ về hiện trạng doanh thương Mỹ“. Ông đã nhấn mạnh vào những nhân chứng kinh tế để chủ trương phân ly với nước Anh. Về chủ trương của nhóm Tories[2]cho rằng châu Mỹ đã phát triển nhờ mối liên hệ với Anh, Paine đã trả lời:

Châu Mỹ cũng đã phát triển như hiện nay và chắc chắn là hơn thế nữa, nếu không còn một quốc gia châu Âu nào có bất cứ một liên quan gì với châu Mỹ. Những sản phẩm thương mại nhờ đó châu Mỹ trở nên giàu có được, là những nhu yếu của đời sống, luôn luôn sẽ có thị trường khi mà dân châu Âu vẫn còn cần ăn… Lúa mì của chúng ta sẽ bán được giá trên bất cứ một thị trường châu Âu và những thứ hàng hóa mà chúng ta phải bỏ tiền ra nhập cảng, chúng ta sẽ mua ở nơi nào chúng ta muốn“.

Paine đã bác bỏ luận điệu cho rằng Anh đã che chở cho thuộc địa của mình chống lại người Tây Ban Nha, người Pháp và người da đỏ với lời bình luận như sau:

Nước Anh có thể sẽ bảo vệ nước Thổ Nhĩ Kỳ vì những lý do tương tự là để bảo vệ an toàn cho nền thương mại và thuộc quốc của mình“, và trong bất cứ trường hợp nào, sự bảo vệ ấy cũng được thực hiện bằng “tiền của chúng ta cũng như là tiền của nước Anh“.

Paine thừa nhận là một trong những dây liên lạc bền chặt hơn hết đã ngăn cản Hoa Kỳ phân ly với nước Anh là cái quan niệm đầy tình cảm coi nước Anh như một mẫu quốc. Nếu đúng như thế, thì “hành vi kia của nước Anh lại càng thêm sỉ nhục hơn nữa. Ngay các thú dữ cũng không ăn thịt con, và ngay cả đến những dân mọi rợ cũng không khai chiến với chính gia đình họ… Từ ngữ quốc gia họ hàng hay mẫu quốc đã được Hoàng đế Anh và bọn thần tử ký sinh giả nhân giả nghĩa chấp dụng, với cái hậu ý thấp kém là để gây một ảnh hưởng bất chính đối với lòng dễ tin của chúng ta. Châu Âu là quốc gia bà con của châu Mỹ, chứ không phải nước Anh“.

Ông nhấn mạnh rằng Tân thế giới đã từng là “nơi trú ngụ cho những người ở khắp cả châu Âu bị ngược đãi vì yêu chuộng quyền tự do công dân và tự do tín ngưỡng. Ngay tại tỉnh này cũng không có tới một phần ba dân số thuộc dòng giống người Anh. Vì vậy, tôi cả quyết cho rằng từ ngữ nước mẹ hay nước anh em chỉ áp dụng cho nước Anh là sai lầm, ích kỷ, thiển cận và hẹp hòi“.

Paine cho rằng có rất nhiều điểm bất lợi trong việc tiếp tục liên hệ với nước Anh. Và ta đã thấy được trong đoạn ông viết sau đây một phần nào ý kiến mà sau này được diễn tả ra qua lời cảnh cáo của George Washington, đó là phải “sáng suốt trong đường lối liên minh thường xuyên với bất cứ miền nào trên thế giới hải ngoại” và qua chính sách của Thomas Jefferson như sau “Hòa bình, mậu dịch, và tình bạn chân thật với tất cả mọi quốc gia – không liên kết riêng với bất cứ một quốc gia nào“.

“… Vì, bất cứ sự tùng phục hay sự lệ thuộc nào vào nước Anh cũng đều lôi cuốn thẳng lục địa này vào những cuộc chiến tranh và tranh chấp ở châu Âu, và sẽ gây ra cho chúng ta những mối bất hòa với những quốc gia khác đang tìm cách kết thân với chúng ta. Đối với những quốc gia ấy, chúng ta chẳng giận hờn cũng chẳng phiền trách. Vì châu Âu là thị trường mậu dịch của châu Mỹ, vậy chúng ta phải tránh những liên hệ thiên vị với bất cứ phần đất nào ở đó. Quyền lợi chính của châu Mỹ là tránh xa khỏi những cuộc tranh chấp ở châu Âu.

Điều mà chúng ta không bao giờ có thể làm được vì sự phụ thuộc với Anh, là chúng ta phải nghiêng về phía nước Anh để làm tăng giá trị cho chính sách của quốc gia này. Châu Âu khó có hòa bình lâu dài vì chế độ vương quốc đã bắt rễ quá đậm ở đây, và khi xảy ra chiến tranh giữa nước Anh với bất cứ một quốc gia nào, nền thương mại của châu Mỹ sẽ sụp đổ, vì châu Mỹ liên hệ với Anh.

Những điều bất tiện lợi nhiều vô kể trong guồng máy chính quyền Anh, sau khi được kiểm điểm lại, Paine kết luận:

Anh không đủ sức thi hành công lý ở cái đại lục này, công việc ấy sẽ sớm trở thành nặng nề và rắc rối khó có thể điều hành cho có kết quả khả quan được, nếu quyền lực ấy xa chúng ta quá và không hiểu gì về chúng ta cả; vì nếu quốc gia ấy không thể chinh phục ta được, ắt họ không thể cai trị ta được. Gửi một bản báo cáo hay một bản thỉnh nguyện đi một nơi xa hàng ba, hay bốn ngàn hải lý, rồi đợi chờ tới bốn hay năm tháng mới nhận được trả lời, rồi cần phải tới năm hay sáu tháng nữa để giải thích; chỉ trong vài năm sự việc này thành điên rồ và ngây ngô… Cho rằng một hải đảo sẽ vĩnh viễn cai trị một đại lục thì thật là phi lý. Chưa bao giờ ta thấy có trường hợp một vệ tinh lại lớn hơn là một hành tinh chính của nó“.

Đối với những người hoài nghi và yếu bóng vía còn tin là Hoa Kỳ vẫn có thể sống hòa nhịp và hòa giải với Anh được, Paine đã viện đến những lý lẽ cảm động như sau:

Bạn có thể trả lại cho chúng tôi quãng thời gian đã qua đi không ? Bạn có thể hoàn lại cái trong trắng thuở ban đầu cho một cô gái điếm không ? Cũng như bạn sẽ chẳng thể nào hòa giải được nước Anh và châu Mỹ. Bây giờ sợi dây cuối cùng đã đứt rồi, dân ở Anh đang chống lại chúng tôi rồi. Có những sự tổn hại mà tạo hóa không thể tha thứ được; vì nếu tạo hóa có thể tha thứ được những tổn hại ấy thì tạo hóa không còn là tạo hóa nữa. Cũng giống như một người đã yêu không tha thứ cho kẻ đã cướp mất người tình của mình thì đại lục này sao lại tha thứ được cho những người Anh sát nhân!

Trong khi áp bức còn đè nặng lên thế giới bên ngoài, châu Mỹ phải mở rộng cánh cửa tự do và sửa soạn một nơi ẩn trú cho những người bị ngược đãi“.

Paine đã dành chương cuối cùng cuốn sách nhỏ của ông cho một vài nhận xét rất thực tế về “khả năng hiện thời của châu Mỹ”, nhằm phác họa công trình xây dựng lòng tự tin của người Mỹ và thuyết phục họ rằng họ có nhân lực, kinh nghiệm chế tạo và nguyên liệu thiên nhiên chẳng những đủ để đánh bại được Anh mà nếu cần còn thắng được cả thế giới thù địch chống lại họ nữa. Hoa Kỳ hồi đó còn là thuộc địa đã có một đạo quân lớn được võ trang và có kỷ luật. Chỉ trong một thời gian ngắn, người ta có thể kiến tạo một hạm đội so sánh được với Anh vì nhờ có một số lượng đáng kể như dầu chai, cây, sắt và dây nhợ , và “Đóng tàu là cái tài mà Mỹ vẫn lấy làm hãnh diện hơn hết, nên sớm muộn rồi Mỹ cũng sẽ vượt được toàn thế giới“. Một hạm đội là một điều cần thiết trong bất cứ trường hợp nào, để phòng thủ và bảo vệ, vì lẽ hạm đội Anh “ở cách xa đây ba hay bốn ngàn hải lý đã tỏ ra rất ít hứa hẹn và trong những trường hợp bất ngờ, thì lại hoàn toàn vô hiệu“.

Về sau Paine bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận về tôn giáo. Ghi lại quan điểm của Paine về vấn đề tôn giáo ở giai đoạn này trên đường sự nghiệp của ông là một điều lợi ích:

Về vấn đề tôn giáo thì tôi chủ trương rằng bổn phận thiết yếu của tất cả mọi chính phủ là phải che chở tất cả mọi tín ngưỡng, và tôi thấy không còn việc nào mà một chính phủ lại cần phải làm hơn là việc ấy nữa. Một luận chứng có vẻ như muốn chống lại một Giáo hội được thiết lập và có chủ trương phân quyền giữa Giáo hội và quốc gia… Riêng tôi thì tôi hoàn toàn tin tưởng một cách có ý thức là sở dĩ có những dị biệt về quan niệm tôn giáo ở giữa chúng ta là vì đó là phạm vi Đấng Toàn Năng : điều đó làm cho phạm vi lòng nhân ái của đạo Ki-tô chúng ta trở thành rộng lớn hơn. Nếu chúng ta chỉ biết suy tưởng có một chiều, thì khuynh hướng tôn giáo của chúng ta sẽ cần phải được thử thách, chứng minh; và trên nguyên lý tự do ấy, tôi thấy tên các loại tôn giáo khác nhau giữa chúng ta cũng giống như tên các đứa trẻ trong một gia đình, có khác là điểm tên thánh mà thôi“.

Tóm lại những lý do khiến ông tin tưởng là “không có gì giải quyết được nhanh chóng những vấn đề của chúng ta cho bằng một bản tuyên ngôn độc lập rõ ràng và dứt khoát“, Paine đã viện ra bốn yếu tố để kết luận cuốn Lương tri (Common Sense):

1. Bao lâu mà Hoa Kỳ còn bị coi là thuộc quốc của Anh thì sẽ không có một quốc gia nào khác lại có thể đứng ra hòa giải những mối bất hòa giữa Anh và Hoa Kỳ;

2. Nước Pháp hay Tây Ban Nha sẽ chẳng giúp Hoa Kỳ để nối kết lại sự đứt đoạn và siết chặt lại mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Anh, vì làm như thế sẽ thiệt hại cho quyền lợi của quốc gia họ;

3. Khi người dân Mỹ nhìn nhận mình là thần dân của Anh thì những quốc gia khác sẽ coi họ như là những kẻ phiến loạn, và do đó chỉ được ít cảm tình cho họ;

4. Kết quả sẽ cực kỳ tốt đẹp nếu dân Mỹ lập một bản tuyên ngôn nói rõ sự bất bình và ý định cắt đứt mọi liên hệ với Anh để gửi tới tất cả mọi quốc gia khác, bày tỏ ý chí hoà bình thân thiện và sự mong muốn thiết lập bang giao thương mại với các quốc gia ấy.

Để kết luận, Paine vẫn chủ trương là…

Cho đến khi độc lập được tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ vẫn cảm thấy như một người cứ lần lữa hoãn lại hết ngày này sang ngày khác một công việc khó chịu, tuy vẫn biết là việc đó phải giải quyết; vẫn ghét bắt tay vào việc; mà vẫn mong cho việc đó xong đi, và vẫn cứ luôn luôn bị ám ảnh vì những ý tưởng của công việc cần thiết đó.

Vì vậy, thay vì nhìn nhau e ngại nghi ngờ, mỗi người trong chúng ta hãy chìa bàn tay thành thật thân hữu cho người láng giềng của ta và đoàn kết lại để vạch ra một đường lối, một đường lối được coi như là một cử chỉ vị tha, sẽ chôn vùi trong lãng quên tất cả mọi bất hòa trước. Hãy để cho cái tên đảng Tự do và đảng Bảo thủ tàn lụi đi. Và chúng ta chớ nên để lọt vào tai bất cứ những gì không phải là điều : một công dân tốt, một người bạn cởi mở và kiên quyết, và chân thành ủng hộ quyền lợi của nhân loại và một châu Mỹ với những quốc gia tự do và độc lập.

Đó là nội dung bức Thông điệp cách mạng do cuốn Lương tri (Common Sense) thông báo cho dân Mỹ đi từ những lý lẽ bình phàm, thực tế, thiết thực cho tới những lời kêu gọi trĩu nặng tình cảm, mãnh liệt có khuynh hướng của một kẻ sinh ra đã có máu phiến động.

Hậu quả cấp biến và mãnh liệt của cuốn Lương tri (Common Sense) có thể dẫn chứng được bằng những đoạn trích trong những văn kiện của một số các nhà lãnh tụ đương thời lưu lại.

Những mối hồ nghi của George Washington đã tan biến khi ông viết cho Joseph Reed ở Norfolk :”Chỉ một vài bằng chứng nảy lửa nữa như những bằng chứng đã được phô diễn ở Falmouth và Norfolk thêm vào với cái lý thuyết đúng và phép lý luận vững chắc chứa đựng trong cuốn sách nhỏ Lương tri (Common Sense) sẽ không làm cho người ta phải bối rối quyết định về tính cách thích đáng của vấn đề phân ly nữa”; và một vài tuần sau cũng lại George Washington đã viết cho Reed : “Nhờ những lá thư riêng vừa ở Virginia gửi tới, tôi thấy cuốn Lương tri (Common Sense) của Paine đã làm cho tư tưởng nhiều người ở đó thay đổi một cách thật kỳ diệu“. John Adams cũng đã viết cho bà vợ ông như sau :”Tôi gửi mình một cuốn sách nhỏ nhan đề là Lương tri (Common Sense), viết để bênh vực những lý thuyết mà chúng ta có lý do để hy vọng sẽ sớm tạo thành tín ngưỡng chung của mọi người“. Sau khi đọc xong, Abigail đã trả lời lá thư đó như sau : “Lương tri (Common Sense), giống như một tia sáng, đã tới đúng lúc để làm sáng tỏ những mối nghi ngờ và ấn định sự lựa chọn của chúng ta“.

Benjamin Rush đã viết : “Những tác phẩm của Paine đã tung nổ ngay từ máy in với một hiệu quả ít thấy trong làng sách báo vào bất cứ thời nào và ở bất cứ xứ sở nào“; Tướng Charles Lee đã thêm : “Tôi nhìn nhận tác phẩm ấy đã thuyết phục được tôi”; Franklin ghi nhận là : “Tác phẩm ấy đã có một hiệu quả phi thường“; và William Henry Drayton đã thuật lại là : “Bản tuyên ngôn đó đến như một tiếng sét nổ giữa các nghị sĩ” của Quốc hội Đại lục.

Trong cuốn Lịch sử Cách mạng Hoa Kỳ, Sir George Trevelyan đã bình luận như sau :

“Thật khó mà đặt tên cho một tác phẩm đã có ngay một hiệu quả cấp kỳ, bao la và lâu dài đến như thế… Cuốn sách đó đã được ăn cắp, trích lục, nhại lại và bắt chước phiên dịch sang tiếng của mọi quốc gia đang khao khát chế độ tân Cộng hòa… Cứ theo như báo chí đương thời thì cuốn Lương tri (Common Sense) đã cho hàng ngàn người tán thành chủ trương độc lập mà trước đấy họ không thể chịu đựng được ý tưởng đó. Tác phẩm đó đã tạo được phép lạ và biến nhiều người thuộc nhóm Tories[3] thành người của phe Whigs[4] .

Trong vòng có vài tháng sau khi cuốn Lương tri (Common Sense) xuất hiện, đa số các tiểu bang đã chỉ thị các đại diện của họ bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập của Hoa Kỳ, chỉ có tiểu bang Maryland là tỏ ra do dự và New York là chống lại. Vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, chưa đầy sáu tháng sau khi cuốn sách nhỏ danh tiếng của Paine được phát hành, Quốc hội họp tại Philadelphia đã tuyên bố Hoa Kỳ là một quốc gia độc lập ở Châu Mỹ. Mặc dù Paine không viết bản tuyên ngôn độc lập đó, song ông đã cộng tác chặt chẽ với Thomas Jefferson khi bản tuyên ngôn được soạn thảo và ngoại trừ điều khoản chống nô lệ mà Paine ủng hộ, bị bỏ qua không đề cập đến, những nguyên tắc Paine đã đề ra đều được ghi vào bản tuyên ngôn nổi tiếng này.

Tuy nhiên cuốn Lương tri (Common Sense) lại chỉ có một ảnh hưởng gián tiếp tới sự nghiệp của đời Paine về sau đó. Ta có thể kể sơ qua được điểm nổi bật nhất. Ngay sau khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, ông đã gia nhập đoàn quân Cách mạng. Là một phát ngôn viên hoạt bát vì chính nghĩa Hoa Kỳ, ông đã hăng say góp phần vào công cuộc xây dựng nền thống nhất và tinh thần quốc gia bằng một loạt tác phẩm nhỏ, mỗi cuốn đều có nhan đề là Cuộc khủng hoảng. Cuốn đầu tiên được bắt đầu bằng những dòng sau : “Đây là lúc thử thách dũng khí của mọi người. Trong cuộc khủng hoảng này, người chiến sĩ và nhà ái quốc tùy thời [5] sẽ co đầu rụt cổ trước bổn phận đối với xứ sở, nhưng kẻ nào ở trong hàng ngũ chiến đấu lúc này thì kẻ ấy đáng được mọi người yêu mến và biết ơn“. Vài tháng sau nhận thấy Paine có tài tuyên truyền và xây dựng tinh thần các chiến sỹ, Quốc hội đã rút ông ra khỏi quân đội và cử ông làm Thư ký ủy ban Ngoại giao – nói đó đúng là vị Ngoại trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ. Những cuộc tranh luận xung khắc đã buộc ông phải từ chức, và sau đó ông được cử giữ chức vụ Thư ký Quốc hội Tiểu bang Pennsylvania.

Vào năm 1781, ông được cử sang Pháp cùng với John Laurens để vận động chính phủ nước này trợ giúp về tài chính cho chính phủ Hoa Kỳ lúc ấy đang lâm bước cực kỳ khó khăn; cũng ngay trong năm đó, ông đã trở về Hoa Kỳ với tiền bạc và nhiều vật dụng trợ giúp khác.

Vào năm 1783, là năm Cách mạng đã hoàn tất, Paine quay sang những phát minh về cơ khí; ông đã vẽ kiểu cây cầu treo bằng sắt đầu tiên và ông cũng đã thí nghiệm về năng lực của hơi nước. Paine quyết định tham khảo ý kiến các kỹ sư Pháp và Anh về một số vấn đề kỹ thuật, nên tới năm 1787, ông lại sang châu Âu và lưu lại đây mười lăm năm.

Cuộc Cách mạng Pháp nổ bùng ít lâu sau khi Paine tới châu Âu, ông đã nhiệt liệt ủng hộ vì ông cho biến cố này là một chứng minh cho những ý tưởng dân chủ của ông trước kia. Để bênh vực cuộc cách mạng và để đáp lại những lời công kích của Edmund Burke, ông đã viết tác phẩm nổi tiếng Những quyền lợi của con người. Vì những lý thuyết trình bày trong tác phẩm trên, ông buộc phải vội vã trốn khỏi Anh để khỏi bị bắt vì tội phản quốc.

Ông trốn sang Pháp và được bầu vào Quốc ước Hội nghị. Hội đồng cách mạng với tư cách đại diện cho thành phố Calais; vì nhằm mục đích cứu vua Louis thứ 16 thoát khỏi bị xử tử, Paine đã tuyệt giao với những nhà cách mạng quá khích như RobespierreMarat. Nên khi nhóm này lên nắm chính quyền, họ cho bắt Paine, và giam giữ ông mười tháng. Ông bị tước bỏ danh hiệu công dân danh dự Pháp; và thiếu chút nữa thì bị đưa lên đoạn đầu đài. Ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của Đại sứ Hoa Kỳ James Monroe và về nghỉ dưỡng sức ở nhà vị Đại sứ này.

Tác phẩm vĩ đại của Paine vào thời kỳ này là The Age of Reason (Tuổi trưởng thành). Đôi khi tác phẩm này được coi như là một “bản Thánh kinh của những người vô thần“.

Thật ra Paine là một người ngoan đạo, tin tưởng nơi một Thượng đế và tin về đời sau và dù đã chỉ trích bản Cựu Ước nặng nề, tác phẩm The Age of Reason đã được Paine viết để chống lại làn sóng vô thần mạnh mẽ đã tràn ngập nước Pháp trong thời Cách mạng. Tuy nhiên, các nhà thần học và các nhóm Chính thống giáo đã gay gắt lên án Paine là một kẻ vô tín ngưỡng và cấp tiến nguy hiểm.

Khi Paine trở về Mỹ năm 1802, ông không còn được tiếp đón như một vị anh hùng cách mạng nữa. Trái lại, các nhà lãnh tụ chính trị và những giáo hữu ngoan đạo coi như đã thực sự khai trừ ông, vì ông là tác giả cuốn The Age of Reason và cũng vì những thuyết chính trị cấp tiến của ông.

Khi ông đã an cư ở New Rochelle thuộc thành phố New York, ông đã bị truất mất quyền bầu cử với lý do ông không phải một công dân Mỹ. Người ta cũng đã tìm cách mưu sát ông.

Sau bảy năm trời bị hắt hủi tàn nhẫn, bị thù ghét không thể tưởng tượng được, bị bỏ rơi, nghèo nàn và đau yếu liên miên, ông đã mất vào năm 1809, thọ 72 tuổi. Người ta đã khước từ không cho chôn ông ở nghĩa địa của giáo phái “Quaker”.

Những nỗi khổ đau, những lọc lừa giả dối và những tổn hại bạo tàn trong những năm cuối cùng của Paine vẫn tồn tại cho tới mãi thời gần đây. Théodore Roosevelt vẫn coi Paine là một kẻ “vô thần nhỏ bé và ghê tởm” mặc dù Paine chẳng ghê tởm, chẳng nhỏ bé và cũng chẳng vô thần, cũng như danh hiệu “đế quốc” gán cho Tòa thánh La Mã mà Tòa thánh La Mã chẳng phải là một đế quốc, và cũng Mã. Cho tới năm 1933 một chương trình nói về Paine đã bị cấm phát thanh ở đài New York. Rồi tới năm 1945, tên ông mới được ghi vào đài kỷ niệm những danh nhân của Hoa Kỳ, tức là ông chỉ được hưởng vinh dự ấy bốn mươi lăm năm sau ngày thành lập đài kỷ niệm này. Cũng trong năm đó, thị trấn New Rochelle đã phục hồi quyền công dân bị truất từ năm 1806 cho vị anh hùng Cách mạng Paine.

Có lẽ ông là người xứng đáng với danh hiệu “Người khai sáng nước Hoa Kỳ độc lập” hơn ai hết. Ông là người đầu tiên đã dùng danh từ “Hợp Chủng Quốc ở châu Mỹ“. Chính ông đã tiên đoán là danh hiệu “Hợp Chủng Quốc ở châu Mỹ” sẽ rền vang trong lịch sử y như danh hiệu Vương quốc Anh vậy. Chính ông đã tuyên bố : “Trong một giới hạn rộng lớn, chính nghĩa của Hoa Kỳ là chính nghĩa của toàn thể nhân loại“. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ bản tính của Paine rõ hơn câu : “Nơi nào không có tự do thì nơi đó là đất nước tôi” mà ông đã dùng để đáp lại câu : “Đâu có tự do thì đó là đất nước tôi” của Franklin.

Ngay ở thời ông, cũng không phải chỉ toàn có những người hận thù và hiểu lầm ông. André Jackson đã dám nói là : “Thomas Paine không cần đến những đền đài kỷ niệm do bàn tay con người xây cất; ông đã tự xây cất cho ông một đài kỷ niệm trong thâm tâm tất cả những người yêu chuộng tự do“.

Tác phẩm “Quyền con người” của Thomas Paine

Trong cuốn sách, Paine viết, “Chúng ta có trong quyền lực của chúng ta để tái tạo lại thế giới,” một dòng chữ đã tăng năng lực cho sự phản kháng của Mỹ đối với luật lệ người Anh và đã gây cảm hứng vô số cuộc cách mạng và phong trào cải cách từ đó.

Paine bào chữa cho vô vàn ứng biến chính trị. Paine thuộc phe truyền thống cấp tiến Anh nghi ngờ mọi uy quyền và coi thường mọi hình thức tôn ti. Tôn giáo và quân chủ, đều là mục tiêu bút chiến của ông. Ông nhìn thấy ở cả hai tổ chức một mối tương quan tượng trưng đè nén tự do con người, điều này được quyết định bởi luật lệ thiên nhiên và đàng sau đó là lời lẽ của Jefferson, “Thượng đế của Thiên nhiên” (Nature’s God).

Paine chủ trương chính quyền là “từ dân” mà ra và do đó có thể được hình thành theo nhu cầu và mong muốn của dân. Ví dụ, ông là một người đề nghị ban đầu về an sinh quốc gia. Ông tin rằng chính phủ bắt buộc phải cung cấp cho người dân các quyền lợi như chăm sóc sức khỏe “từ nằm nôi đến xuống mồ” và tiền lương một-lần để giúp họ khởi đầu cuộc sống. Để gây quĩ cho số tiền đó, ông kêu gọi thuế lợi tức tiệm tiến và thuế khi chết (death tax).

Paine tiên đoán các hành văn của Thomas Jefferson trong Tuyên ngôn Độc lập, với việc theo đuổi hạnh phúc, và liệt kê ra một chuỗi dài các “lạm dụng và chiếm đoạt” gán cho Vua George III. Paine thiếu lòng tin vào tôn giáo đã thể hiện hiển nhiên trong việc ông tham gia vào Cách mạng Pháp, cuộc cách mạng mong ước lật đổ Kitô giáo để thay vào bằng nữ thần “Lý trí” (the goddess “Reason”).

Ông chỉ chấp nhận sự hữu dụng của tôn giáo, ít nữa cũng để duy trì một trật tự luân lý. Hơn nữa, ông là người đề cao ban đầu của điều gọi là “công trường lộ liễu” (naked public square). Ông kêu gọi một chính quyền rất giống với cái đề nghị của thời nay là đòi hỏi “một bức tường phân cách giữa giáo hội và quốc gia.”

Ngôn từ của Paine đã và đang là nguồn khích lệ uy quyền cho việc giải phóng và sáng tạo con người. Không nghi ngờ gì Paine đã ảnh hưởng trên Thomas Jefferson. Một vài nhà phê bình đương thời tin rằng tư tưởng của Paine trở thành hiệu quả không phải trong Cách mạng Mỹ (1776), cũng không trong lý tưởng mau chóng bị loại bỏ của Cách mạng Pháp (1789), mà 200 năm sau trong Hiến pháp Âu châu được đề nghị.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chính thể đại diện

    20/06/2011Nguyễn Văn TrọngChính thể đại diện của J.S. Mill được xem như những khảo cứu mang tính nền tảng đối với các thiết chế chính trị-xã hội ở các nước Anh và Hoa Kỳ thế kỷ XIX. J.S. Mill xem xét vấn đề với tinh thần khách quan khoa học; mọi phán xét ông đưa ra đều có căn cứ lập luận rõ ràng và dựa trên những bằng chứng thực tế đương thời hay lịch sử...
  • Đường về nô lệ

    28/04/2011Bùi Quang Minh giới thiệuỞ nhiều quốc gia, người ta đã từng nhiệt tình, hăng hái xây dựng một xã hội như một "thiên đường nơi trần gian", để rồi sau vài chục năm nhìn lại, thì tất cả đều ngỡ ngàng, khổ đau ê chề vì tất cả đang trên con đường quay trở về "địa ngục nơi hạ giới", trở về chính cái xã hội "Nô lệ" mà mình đã bị cột chặt cả về thể xác lẫn tinh thần - cái xã hội tái xuất này luôn có một phần ở tình trạng đói nghèo, nô dịch về văn hóa, tha hóa hoàn toàn về đạo đức và chúng ta đã từng vượt qua...
  • Nền Dân Trị Mỹ

    11/02/2011Nền dân trị hứa hẹn được những gì cho tương lai là tuỳ thuộc vào yếu tố quyết định: tinh thần trách nhiệm của các công dân đối với cộng đồng. Từ đó, ông đặt ra hàng loạt vấn đề còn nóng bỏng tính thời sự:
    - Nên mạnh dạn thực hiện nền dân trị đến đâu?
    - Làm thế nào để hợp nhất sự tham gia của toàn dân với thể chế chính trị đại diện?
  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • Khảo lược Adam Smith

    29/07/2010Eamonn Butler đã viết được một tác phẩm dẫn nhập đáng khâm phục và đầy sức thuyết phục về cuộc đời và tư tưởng của Adam Smith, giúp mọi người hiểu được thực chất tư tưởng của Adam Smith là gì.
  • Sự hình thành tinh thần khoa học

    08/04/2010Nguyễn Vĩnh NguyênMột cuốn sách về khoa học luận quan trọng, thuộc diện dễ đọc trong cùng chủng loại sách; có khả năng thay đổi nhãn quan chúng ta về khoa học, và giới khoa học!
  • Tư duy kinh tế thời bao cấp và phá rào, “những bài học lịch sử từ những mũi đột phá”

    31/03/2010Đặng PhongSau Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, xuất bản năm 2008, tái bản năm 2009 với nhiều bổ sung và tên mới Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 – Nhật ký thời bao cấp (Nxb Tri Thức, 476 trang), sử gia kinh tế Đặng Phong đã cho ra tiếp theo ‘Phá rào’ trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (Nxb Tri Thức 2009, 534 trang).
  • Sự Bí ẩn của Tư bản

    23/04/2009Hernando de SotoHernando de Soto là một học giả người Peru, một nhà hoạt động thực tiễn vĩ đại, ông tự hào là người từ Thế giới Thứ ba. Ông và các cộng sự của ông phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp của những người nghèo, đấu tranh và, quan trọng hơn, vạch ra cho các chính phủ nên cải cách hệ thống pháp luật ra sao để mang lại lợi ích, trước hết là những cơ hội, cho những người nghèo. Phát hiện mang tính cách mạng của ông là những lí giải về nguồn gốc của tư bản, vạch ra rằng hệ thống quyền sở hữu và các luật và thể chế liên quan chính là môi trường sống của tư bản, là các cơ chế, các quá trình biến các tài sản thành tư bản, duy trì cuộc sống của tư bản và tăng cường năng lực của nó để làm ra của cải ngày càng nhiều hơn...
  • Xã hội mở: Cải cách chủ nghĩa tư bản toàn cầu

    08/06/2007George SorosNếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường và nhấn mạnh thái quá đến các giá trị thị trường, chủ nghĩa tư bản không thể đảm bảo tự do, dân chủ, và pháp trị; có thể, và nó đã dẫn đến những thảm hoạ như hai cuộc Chiến tranh Thế giới, các cuộc khủng hoảng tài chính. Vì sao chúng xảy ra? Làm sao có thể tránh được những thảm hoạ như vậy, hay chí ít làm nhẹ bớt tác động tai hoạ của chúng? Đó là những vấn đề Soros quan tâm.
  • xem toàn bộ