Thư tay, tờ giấy có sức nặng

01:12 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Mười Hai, 2009

Có một loại giấy, tuy không được dùng làm phương tiện thanh toán nhưng lại có khả năng tạo ra nhiều của cải tiền bạc và cả thế lực.

Những ai tôn sùng sức nặng của tờ giấy bạc có lẽ sẽ cảm thấy thất vọng mỗi khi nghĩ đến một loại giấy khác, tuy không được dùng làm phương tiện thanh toán nhưng lại có khả năng tạo ra nhiều của cải tiền bạc và cả thế lực - đó là những bức thư tay. Tuy không in ấn chi li, không dấu tròn dấu vuông, có khi trên đó chỉ vài dòng viết vội vàng, vậy mà những bức thư tay lại có sức nặng ngàn cân, nhất là khi được gửi đến đúng địa chỉ.

Ở nước ta, trong thời kỳ bao cấp, loại thư tay ấy tuy khá phổ biến, nhưng cũng chỉ nhằm giải quyết những vướng mắc trong phạm vi các mối quan hệ giữa cơ quan này với cơ quan khác. Lợi ích cá nhân có dính vào đây cũng chỉ ít thôi, nghĩa là ở mức độ có thể... thông cảm được.

Từ khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, luật pháp đã có phần chặt chẽ, quyền hạn được phân bổ khá rõ ràng, ý thức về cái chung cái riêng rạch ròi hơn trước, vậy mà những bức thư tay vẫn còn đất sống, nếu không muốn nói là sống mạnh.

Thư tay có trọng lượng nhờ văn phong thường nhẹ nhàng, không nặng phần "can thiệp thô bạo" và đặc biệt không hề mang tính chất chỉ thị thường có của cấp trên. Thế thì sức nặng những bức thư tay nằm ở đâu? Ở chính vị trí quyền hành của người viết. Nó sống được do đâu? Chính là do phép nước chưa nghiêm.

Nguyên giám đốc Sở nhà đất một thành phố lớn trước đây có lần than phiền rằng ông ta đã quá mệt mỏi vì những bức thư tay. Chính vì vậy mà hàng mấy chục lá thư do cấp trên thân ái gửi đến đều được ông lưu ý cất giữ, vì nghĩ rằng biết đâu sẽ có lúc cần dùng đến. Bởi trong chừng mực nào đó, tờ giấy với vài dòng chữ viết vội đôi khi lại có hiệu quả hơn lời bào chữa hùng hồn của luật sư trong việc làm nhẹ đi phần nào - hoặc tất cả - sai phạm của ông do phải thỏa mãn yêu cầu các nội dung của những bức thư tay.

Lại có những bức thư tay chỉ mang tính chất... tình cảm cá nhân. Tuy nhiên, một cán bộ dưới quyền làm sao có thể từ chối khi nhận bức thư tay từ người có quyền quyết định số phận của mình, được viết với lời lẽ ngọt ngào rằng "Mong anh xem con tôi cũng như con anh, để hết lòng hỗ trợ cho sự nghiệp của cháu". Sự nghiệp đó có khi là một gói thầu xây dựng, một hợp đồng khai thác tài nguyên hay một thương vụ béo bở...

Cũng có những bức thư tay làm sai phạm chính sách của nhà nước ở qui mô lớn. Một quan chức, nguyên là thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, đã có lần than vãn rằng nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thu hồi đất đai cấp sai qui định, lý do là phải chịu áp lực từ những bức thư tay can thiệp của các cơ quan cấp trên.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, đã rất tinh tế khi nhận xét rằng thư tay có ba loại khác nhau: từ dưới lên, từ trên xuống và thư tay hàng ngang. Theo ông, thư tay từ dưới lên sẽ làm mất đi cơ hội của người khác, thậm chí có thể khiến cấp trên đánh giá sai đối tượng và có những quyết định không đúng. Thư tay từ trên xuống nguy hiểm hơn bởi đây bỗng trở thành mệnh lệnh bất thành văn, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm trạng người nhận thư. Đặc biệt, nhiều trường hợp cấp dưới đã bỏ qua những quy trình, thủ tục hành chính để thực hiện thư tay của cấp trên khiến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Thư tay đi ngang thì lại hình thành câu chuyện "có vay, có trả".

Sự dính dáng tiêu cực của không ít quan chức Nhà nước trong các vụ án gần đây lại một lần nữa báo động về mức độ nguy hại của thư tay. Chẳng hạn trong vụ tham nhũng hơn 14 tỷ đồng bằng cách nâng giá thành in niên giám điện thoại và các ấn phẩm khác của một số bưu điện tỉnh thành phía Bắc, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều thư tay môi giới làm ăn của các quan chức nhà nước.

Thư tay ban đầu chỉ là kẽ hở của pháp luật nhưng rồi sau đó trở thành một vũ khí sắc bén trong các mối quan hệ làm ăn. Nói không quá đáng, trong một số trường hợp thư tay còn là lợi thế kinh doanh của không ít đại gia, qua đó họ trở thành những doanh nhân thành công mà không cần đến tài năng.

Có lẽ ai cũng dễ thấy thư tay là thứ vô trách nhiệm với luật pháp, vậy mà nó vẫn tồn tại một cách bình thường trong một xã hội pháp trị, vượt lên những qui định bảo vệ tính công bằng xã hội.

Trong nhiều trường hợp, thư tay được xem là dấu hiệu vi phạm luật pháp, thế nhưng đến nay luật pháp của chúng ta cũng chưa có điều khoản nào... cấm ai đó viết thư tay. Chính phủ đã từng ra nhiều chỉ thị loại bỏ nhiều loại giấy tờ, nhưng không thấy đề cập đến việc loại bỏ thư tay, mặc dù có những bức thư tay là thủ phạm làm mờ nhạt cố gắng của chính phủ về cải tổ hành chính.

Mong sao Chính phủ sớm có một văn bản pháp qui để vô hiệu hóa sức nặng của những bức thư tay.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tín - Phong cách doanh nghiệp

    13/10/2009Nhà sử học Dương Trung QuốcNhân nghĩa lễ-trí-tín đó làn những đức tính của con người. Vận được những đức tính đó vào nghiệp kinh doanh thì phát tài, bài học đó đến nay vẫn nguyên gia trị và được gọi dưới cái tên mới hơn là văn hóa doanh nghiệp trong đó có phong cách doanh nhân.
  • Công - tư chưa tỏ, chừng nên chuyện

    24/11/2006Kiên ĐịnhGần đây câu chuyện nhà công vụ rộ lên, đã làm cho dư luận xôn xao, báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Còn, các cơ quan chức năng cũng được dịp tự nhìn nhận lại mình. Mua - bán là hành vi bình thường của nền kinh tế. Vậy chuyện mua - bán này có phải là việc không bình thường? Ta hãy tìm lại đúng tên từng sự việc...
  • Giải mã tham nhũng

    26/12/2005Thanh Vũ"Chân dung" tham nhũng đã được nhìn thấy rõ hơn, "địa chỉ” tham nhũng phổ biến nhất cũng được xác định qua kết quả điều tra xã hội học có tên “Nghiên cứu đấu tranh chống tham nhũng” do Ban Nội chính Trung ương thực hiện lần đầu tiên được công bố. Lại thêm một thái độ cương quyết trong víệc phòng chống quốc nạn này mà các thông tin công khai vào cuối tháng11 qua là một sự kiểm chứng sòng phẳng...
  • Đặc thù tham nhũng ở Việt Nam

    24/10/2005Trần Bạch Đằng...Tuy Quốc hội đã công bố rộng rãi Dự luật với mong mỏi được nghe những đóng góp bổ sung, cải sửa, hoặc bác bỏ từng nội dung của Dự luật, nhưng vẫn chưa có phong trào nào gọi là "đúng ý dân" đối với một vấn đề hết sức quan trọng như vậy...
  • Công cụ chống tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế

    18/07/2005Danh ĐứcCảnh sát điều tra sẽ có kết luận về những vụ việc đang làm công chúng buồn lòng, thậm chí nghĩ rằng mình đang bị lừa đảo, móc túi.