Thư trả lời anh Đông

09:58 SA @ Thứ Năm - 19 Tháng Mười Hai, 2013
Paris, le 24 janvier 1925

Anh Đông1),

Tôi có nhận được cả hai cái thơ của anh. Nhưng tôi chậm trả lời, là vì tôi muốn nói cho anh hiểu thì phải nói dài, mà muốn nói dài thì tôi ít thời gian lắm. Nay đã rành bớt việc nên biên cái thơ này2), để cắt nghĩa hết cho anh nghe.

Về cái thơ thứ nhất, anh muốn nói những chuyện văn minh của nước Pháp, để cho anh em thiếu niên nghe, sự đó là hay thật nhưng đợi khi nào tôi về bên ta, mới có thì giờ thong thả nói cho rõ ràng được, nghĩa là làm sách ra để so sánh hai cái văn minh Âu Á hơn kém thế nào, và ta nên thay đổi thế nào cho ta có thể theo được văn minh đời nay mà lại không mất cái sự tốt của ông cha để lại từ xưa nay. Sự đó nói dễ mà khó làm, vì phải hiểu cái gì là cái tốt của ta thực mới được, còn như các nhật báo bên ta thường thường gọi là quốc úy, đồ ấy là nói nhảm cả. Thương thay, những lũ ruồi mòng, thừa cơ múa trí giết lòng người ta. Cực lòng nên phải nói ra, nào ai có muốn ngầy ngà làm chi!

Đây tôi chỉ nói tóm lại cho anh em hiểu rằng: trong mười bốn năm, tôi hết lòng cam khổ, xem xet so sánh từng phân từng ly, nay trong lòng chẳng còn một tí gì hồ nghi nữa.

Phong tục ta còn giữ lại được là chỉ còn có gia đình luân lý mà thôi, còn ra từ triều đình cho chí hương thôn, là bởi mình đi lầm đi lạc hết cả. Những thói tục đó là bởi cái chính trị chuyên chế kết quả mà ra hết cả, ấy là cái chứng bệnh cội gốc mất nước của ta đấy. Nếu không thay đổi, thì chẳng những là mất nước mà nòi giống có lẽ cũng không ngày nào ngóc đầu lên được.

Cái hại đó to quá, sâu quá, nặng quá, những thiếu niên như các anh vừa nói và những người vừa mới đi trước anh một tí, mà nay các anh đang tâm phục vụ và khen ngợi đó, là nay hiện còn mắc phải bệnh đó cả, càng thông minh bao nhiêu bệnh ấy lại càng nặng bấy nhiêu, và lại khó chữa bấy nhiêu. (ấy là tôi nói người có lòng với nước thực, còn quân giả dối tôi không kể đâu). Mà bệnh đó là do những học khoa cử năm sáu trăm năm nay di độc lại, nên học nghề gì làm việc gì cũng không chịu tìm cho đến cội rễ, cho đến thấy sự thực chỉ biết qua một tí, mới nhắm qua một miếng tưởng đã đủ rồi, cứ nói phăng đi, làm phăng đi, còn sau ra kết quả thế nào, thì chẳng hề để tâm đến. Vậy nên từ lúc nước Pháp bảo hộ nước ta đến nay, chỗ thì 70 năm, chỗ thì 50 năm, mà chưa thấy một người nào học hiểu cho đến chỗ cội rễ văn minh của người Âu cả. Bây giờ đến phiên các anh, vậy tôi xin các anh đừng vội vàng, đừng ham nhiều, đừng khoe rộng, chỉ cứ tùy theo sức mình, bước một bước cho chắc một bước, nghĩa là học nghề nào thì học cho đến nơi đến chốn, lúc về bên ta làm thực sự ra cho người thấy, để làm gương cho người sau, để giục lòng người ta vào đàng thực học, ấy là thương nước đấy, ấy là thương nòi giống đấy, chớ bắt chước những người thiếu niên bên ta bây giờ, việc gì cũng biết cả, việc gì cũng nói cả, một bài diễn thuyết có bốn, năm giờ, một bài luận có mấy chục trang giấy mà kỳ thực biết hão huyền, nói xằng nói chạ, trăm voi không được bát xáo, lại làm cho lộn hết cả cái đầu trong trẻo của kẻ thiếu niên.

Đấy, trả lời câu hỏi của anh, về cái thơ trước tôi chỉ có nói đến thế còn nói lẻ loi từng chuyện thì không thể nào nói hết.


Còn cái thơ sau của anh tôi xem đi xem lại, thì tôi biết rằng lúc anh ở bên ta họ đã làm lầm lạc cái trí khôn của anh đi xa quá rồi, anh đã bị cái bệnh chung của những người thiếu niên tôi vừa nói trên, và lại bị cảm nhiễm những bệnh mới người ta truyền bá trong Nam phong bảy, tám năm nay, may thay tôi đã gặp anh trước và có nói chuyện với anh, tôi biết anh có lòng yêu nước thực, ham học thực, chỉ vì ít tuổi nên hiểu lầm thôi. Nên đây tối mới gắng cắt nghĩa cho anh hiểu. Anh xem lời tôi, anh nghĩ thế nào, viết thơ cho tôi biết. Lúc viết thơ phải nghĩ đi nghĩ lại cho kỹ, chớ nói bẩng chẩng như cái thơ này, ấy là hỏng cả.

Đây tôi cắt ra từng đoạn mà trả lời cho anh hiểu:

1. Về sự trong Hạ nghị viện nước Pháp giúp đỡ tôi về xứ, sự đó anh chúc mừng tôi là phải. Anh cũng biết tôi ở bên này lâu, tôi quen biết nhiều ông nghị viên và Hội nhân quyền cũng có giúp tôi, vậy xinh anh nghĩ thử tại cơ sao 14 năm nay tôi không về? Và các ông ấy cũng không nói? Nay sự đó đem ra Hạ nghị viện là lẽ tại gì, sự đó tôi có vận động gì không? Và sự đó sau này hóa ra như thế nào? Còn tôi muốn gì? Còn các cơ quan thuộc địa ở bên ta đối với sự tôi về ý kiến thế nào? Bằng lòng hay không? Nay tôi về bên ta tình cảnh khó dễ thế nào? Anh đã nghĩ đến chưa? Hay là anh thấy có người bênh vực tôi, thì anh mừng tôi đấy thôi. Nếu như vậy tôi cũng như một cái đồng hồ, khi người a văn máy thì lại càng chạy xịch xịch thôi, anh nghĩ một cái máy đó thì có thể làm ích gì cho nước ta được không?

2. Anh nói về sự vua Khải Định, một là anh nói vua Khải Định không giư quyền chính, hai là việc vua Khải Định làm đáng chê nhưng không lấy gì làm quan ngại lắm, ba là anh khuyên tôi về để lo mở trí dân đừng chăm chỉ trích nhà vua lắm. Đây tôi không muốn nói nhiều, tôi chỉ hỏi anh rằng: cái thơ trước anh nói tôi học thức rộng, lịch duyệt nhiều, câu đó anh khen nịnh tôi hay là anh nói thực? Nếu anh đã biết tôi, mà thực lòng khen tôi, vậy tôi hỏi lại anh rằng: một người có học thức, có lịch duyệt, có lẽ nào lại không biết vua Khải Định là không giữ quyền chính, lẽ nào lại không biết sự vua Khải Định làm đáng chê mà không quan ngại lắm? Vậy anh nghĩ tại sao mà tôi biên thư chống vua Khải Định? Tôi điên khùng sao? Tôi ghen ghét sao? Hay là tôi buồn rầu cảu rảu đụng đâu nói đó sao? Trong nước còn nhiều việc cần kíp hơn, tôi không biết, tôi dốt nát, nên tôi lấy chuyện nhỏ làm chuyện lớn, lấy chuyện hoãn làm chuyện cấp ư? Xin anh nghĩ lại thử xem, tại cớ gì mà tôi chống vua Khải Định? Không giữ chính quyền, không quan ngại gì lắm, trẻ tuổi như anh còn biết, huống chi người mà anh đã cho có học thức rộng, có lịch duyệt, sao lại ngơ ngác làm những chuyện vô ích như thế? Những câu tôi hỏi đó anh nghĩ đến chưa? Nếu nói đến, xin cắt nghĩa cho tôi nghe; nếu chưa thì sao anh đã vội nói thế?

Sao anh lại bảo tôi cố yêu cầu hai chính phủ gia tâm dìu dắt nước Nam, vậy tôi hỏi anh rằng ở đâu mà có hai chính phủ? Trên anh đã nói vua Khải Định không giữ quyền chính, vậy thì ai giữ, nếu như lời anh nói, thì chắc chính phủ bảo hộ giữ cả, vậy anh bảo tôi yêu cầu chính phủ vô quyền đó làm gì? Vả lại anh có hiểu rằng sao mà gọi là chính phủ không? Còn cái nghĩa vụ chính phủ là phải làm những việc gì không? Nếu anh hiểu thấu đến đó thì chẳng cần phải nói nhiều; còn như anh nghĩ chính phủ như trò hát tuồng có ngôi trên ngôi dưới, có quan văn quan võ, có áo mũ, có kẻ hầu người chực, có tháng lương, có bổng quy, có người chui cửa trước, luồn cửa sau, ngày nay có một bài dụ, ngày mai có một bài chiếu, có lễ tế Giao, có lễ tứ tuần, còn việc nước việc dân chẳng cần nghĩ tới, anh bảo tôi đi yêu cầu cái chính phủ phường chèo làm cái gì?

Thiên hạ cười những người ngu đi lạy đất tượng gỗ để cầu phước, tượng đất tượng gỗ nó không làm phước được, nhưng nó không làm hại ai bao giờ; na anh bảo tôi đi cầu phước với cái chính phủ, trong ý anh, anh tưởng một người có học thức, có lịch duyệt lại làm những sự ngu hơn lũ đàn bà trẻ con quê kệch hay sao? Anh nghĩ hai mươi triệu con người tự xưng là có văn minh nho học không thể đứng ra mà dựng lại cái bờ cái cõi của ông cha đã gây dựng hơn mấy ngàn năm sao? Anh nghĩ một cái triều đình hèn hạ không tâm can, không liêm sỉ, cả năm chí tối chỉ lo cái xác thịt và vợ con của chúng nó, vậy mà anh bảo nhờ nó mới đem nòi giống Việt Nam lên đàng tấn bộ được. Nếu những người có lòng với nước mà nghĩ như anh cả thì tôi lấy làm lo lắm, buồn lắm, nếu thực ai cũng nghĩ như thế, thực là một loài dân trụy lạc không thể cứu chữa được nữa.

3. Anh lại sợ tôi tranh danh tiếng, tranh công cán với cái đảng thiếu niên như Phạm Quỳnh vân vân, nên anh khuyên tôi đừng lo mất danh tiếng công cán mà đề huề với các anh ấy để lo việc công ích. Câu này thì tôi phải lấy làm lạ mà tôi phải nói ngay cho anh biết: câu đó chẳng những là kiến thức anh còn kém lắm, mà tâm thuật anh, tôi cũng phải hồ nghi. Tôi không biết anh nghĩ tôi là người thế nào mà anh dám hạ bút mà biên những câu như thế? May tôi đã gặp anh, tôi biết anh còn trẻ trung nên tôi trả lời; nếu tôi không biết anh mà được cái thơ như thế là tôi chẳng dám cãi cọ một câu. Đây tôi gởi cái thơ để anh xem đi xem lại cho kỹ rồi anh sẽ hiểu vì lẽ gì mà anh nói thế? Hay là văn chương anh còn kém, anh nói ý thực mà lúc biên không nghĩ, nên hóa ra một câu rất sơ suất và ngạo mạn vô cùng!
Anh có hiểu chắc làm sao mà gọi rằng người có lòng với nước không? Nếu chưa hiểu thì xin anh đem những người nào mà anh gọi là có lòng với nước, anh so đi sánh lại cho kỹ, để cho thấy thực sẽ nói, chớ đừng có nghe người ta nói mà nói theo là hỏng cả, rồi có lẽ anh sẽ lầm lấy anh nữa. Người có lòng với nước chẳng khi nào bắt cá hai tay, được cả công cả lợi, và cả danh tiếng nữa. Nếu thế thì quân giả dối cả. Vì người có lòng với nước chỉ biết có nước mà thôi, sự lợi cho nước thì làm, sự hại cho nước thì tránh, sự sống chết lợi hại thì bỏ ra ngoài vòng cả; nhưng cũng phải tùy tài tùy sức, sức biết đến đâu thì làm đến đấy, biết đến đâu nói đến đấy, chuyện mình không biết, thế không làm được, để mặc cho người khác làm, mặc cho người khác nói, còn ai có thưởng gì cho gì, dọa nạt gì cũng cứ giữ khư khư một lòng mà thôi, ấy là người thực có lòng với nước đấy. Anh nghĩ thử như tôi về nước nhà bây giờ, gặp những người như thế, cần gì đến nỗi đợi anh khuyên bảo, rồi tôi mới biết đem lòng đề huề với họ sao?

Còn nếu nói ngược lại, gặp những người lờ đờ, đen không ra đen, trắng không ra trắng, bên nào cũng chẳng mất lòng ai cả, nói trăm điều trượt đến chín mươi chín, anh lại bảo tôi đề huề với những người đó để nhận chìm hai mươi triệu đồng bào xuống địa ngục sao? Ấy là tôi cắt nghĩa cho anh hiểu đấy thôi, còn như các anh như Phạm Quỳnh thì tôi thấy trong một hai bài trong nhật trình không những là giả dối vẽ vời mà lại nói lắm điều hại cho thanh niên nhiều lắm. Nếu sau khi tôi về, tôi sẽ lấy cách biện lý mà bàn, nếu các anh ấy không đủ lẽ để trả lời, mà lại không muốn theo tôi, vậy thì các anh có thể đề huề được không?


4. Là anh sợ tôi chống báng sinh ra nhiều đảng, làm hại cho nước, sau không đến kết quả tốt được. Xem câu anh nói rằng: “Một mình cụ có lòng nhiệt thành và nhà nước Pháp gia tâm trợ lực cũng không có kết quả hay được”. Ý anh nói đó tôi hiểu ngay: anh nói nếu tôi đem cả dân Việt Nam trực tiếp với quyền nước Pháp để lo sửa việc nhà, đừng cho lũ hủ bại can dự vào, thì anh chắc nước Pháp sẽ gia tâm trợ lực cho tôi, nhưng các đảng khác chống lại thì tôi cũng không làm gì được.

Tuổi anh còn trẻ, kiến thức anh còn hẹp, sức anh còn kém, anh nói thế cũng phải, tôi chẳng lấy gì làm lạ, nhưng anh đã hiểu cách tôi nghĩ thế nào, tôi làm thế nào chưa, và nhà nước bảo hộ đã chắc vui lòng mà giúp đỡ cho tôi chưa? Nếu chưa hiểu thì chẳng nên nói phỏng ước lù mù như thế. Anh phải hiểu nước lấy dân làm gốc, ấy là câu chữ nho nói rành rành mà nhất là các anh thủ cựu lại càng nhớ lâu câu đó lắm. Tôi chưa dám nói chắc rằng: sự gì mà lòng dân vui theo thì sự đó sẽ làm nên được, nếu dân đã bằng lòng mà lại lợi cho nước, thì sao mà không làm được?

Còn anh lo trước nước sinh ra nhiều đảng mà hại, ấy là hiểu lầm; trong nước nhiều đảng thì cãi cọ nhau nhiều, cãi cọ nhiều thì sự lợi hại mới biết, dân mới có thể lựa đảng nào phải mà theo; anh xem các nước văn minh, nước nào mà không có bè đảng, chỉ có nước dã man, thì chỉ có một lệnh vua mà thôi. Như nước ta anh bảo làm sao có đảng? Tôi tưởng anh nói chữ “đảng” mà trong trí anh chưa chắc hiểu nghĩa chữ là thế nào? Đảng là những người có ý kiến chung, có lợi hại chung, hợp nhau lại để lo liệu làm cho đến một mục đích chung, trong để giữ cái lợi quyền đảng mình, ngoài để đối địch với đáng khác ý kiến mình. Đây tôi cắt nghĩa lược qua, nhưng đại khái nghĩa chữ đảng là thế, anh có chịu không? Nếu anh chịu nghĩa đó thì anh xem lại nước nhà có đảng không? Tôi chắc anh sẽ trả lời rằng: không, vì là thực không. Vậy thì anh nên đốt hương cầu chúc cho nước nhà sẽ có đảng đã, ít nhiều cũng được, sao anh đã vội vàng lo nước ta nhiều đảng là lẽ gì? Hay là anh nói như Hội Khai trí tiến đức và Hội quan trường v.v… anh cho là đảng sao? Nếu không phải vậy, thì là đảng nào?

Nước ta không có đảng nào cả. Chỉ có một lũ dựa theo nhà nước bảo hộ để kiếm ăn, ghen ghét dua nịnh chẳng còn có giá trị, tư cách gì nữa; gớm thay một lũ hồ tinh, nương hơi dựa bóng tập tành đã quen! Nói rộng ra còn có các ông cách mạng ở Tàu, ở Nhật, các ông ấy cũng tự xưng là đảng nhưng chỉ có chủ nghĩa báo thù mà thôi, có mấy anh thông minh can đảm đâm đầu vào lửa chết vô ích như lũ phù du, còn dân thì có lợi ích gì? Vả lại mỗi một lúc dậy giặc thì dân lại khốn nạn thêm, làm cho sung sướng mấy thằng tham tàn, phao cho kẻ này, trét cho người kia, làm cho thiên hạ tan cửa nát nhà, chết oan tù ức, các ông ấy có biết cho không? Nhưng các ông ấy phần nhiều là anh em bạn tôi. Năm 1906 tôi đi Tàu đi Nhật, để bàn bạc với các ông ấy, các ông ấy không nghe đến bây giờ kết quả đã rành rành mà người ta không còn biết thì sao? Nên đảng đó tôi không cho là đảng. Vậy tôi hỏi anh còn đảng nào anh sẽ chỉ cho tôi xem.


Than ôi! Các anh thiếu niên ta ôi! Xin các anh sẽ giữ cái trí thông minh, lòng ái quốc, chậm chậm mà đi, thủng thẳng mà xét, biết một việc cho chắc một việc, nói một câu cho trúng một câu: số phận nước nhà là ở trong tay các anh. Các anh chịu khó một tý, gia tâm một tý, tìm cho đến cội rễ, học cho hết ngọn nguồn, trước phải hiểu lịch sử nước nhà, sau phải coi phong trào thế giới: làm sao là khôn, làm sao là dại, sao là quốc túy nên giữ gìn, sao là tệ hại phải chấm dứt, các anh bước tới một bước là dân nhờ một bước, các anh lạc một khoảng đường, thì nước nhà lại bị nhận chìm mấy lần địa ngục.

Sao các anh không mở mắt mà xem gương Á đông ta, Nhật-Bổn nó khôn ngoan, nó gặp văn minh Âu Châu, nó chặt một dao với phong tục cũ, nó đi theo ngay lối mới, nó kiêu người Cao Ly, nó kiêu người Tàu, hai nước ấy cứ xăn văn mãi, tiếc cái phong tục cũ, không chịu theo mới đến khi nó đến nơi rồi nó trở lại nó đè đầu, mới chịu thức dậy, nay hãy còn bối rối, Còn mình bị cỡi đầu cỡi cổ, cứ nhắm mắt giữ khư khư lấy phong tục mất nước, đến bây giờ mới mở mắt ra, lại không chịu đứng ngay dậy tìm cho rõ sự đời rồi sẽ nói, cứ nói mơ màng tưởng tượng như người chiêm bao, thì nước nhà trông vào đâu, nòi giống trông vào đâu, chẳng lẽ còn đợi đến lớp cháu lớp chắt nữa sao?

Các anh ơi! Cuộc đời rộng như trời như biển, thiên hạ đi đến mấy ngàn dặm trước mình rồi. Tôi xin nói thật với các anh, tôi đã bỏ hai phần đời người tôi để tìm lấy thuốc mà chữa nước nhà, thông minh tôi tuy kém, tài trí tôi tuy hèn, nhưng trong lúc giao thừa này, tôi có thể dám nói rằng: cái trách nhậm nòi giống của dân tộc Việt Nam, tôi không nhường cho ai được cả. Tôi xin các anh thanh niên sẽ lo ăn học cho đến nơi đến chốn, rồi lần lượt của các anh sẽ đến nơi ngay. Tôi e các anh không có lòng, không có sức mà gánh lấy việc đời thôi.
Còn ngày nay các anh chưa đủ tuổi, chưa đủ sức học, nếu các anh đem những cái tư tưởng cũ của các cụ chẳng Nho chẳng Phật mai chiều nhu nhiễm cho các anh lúc còn bé, lại thêm vào một ít học thức nửa Âu nửa Á của các anh lúc vào trường bên ta, muốn dựa vào đó mà xét đoán việc đời, thì sai một ly đi một dặm,buồn bã biết là chừng nào! Đây tôi nói thực với các anh, ấy là bệnh của các anh thiếu niên bên ta nhiễm cho các anh đấy; bệnh ấy khó chữa nhứt, xin các anh có lòng với nước, thì phải cẩn thận cho lắm, phải dùng một cách rất dõng mạnh, rất nghiêm nghị mà trừ bệnh ấy đi, nếu lôi thôi thì hỏng ngay.

Tôi xem anh là người thông minh, và các anh em ở Montpellier 3), nhiều anh em ham học lắm, nhưng khốn nạn thay, nòi giống ta bây giờ như giống tằm bị bệnh lâu năm, con hư thì hư rồi, còn con có thể làm kén được, cũng bị độc đó, mà tơ thì chẳng ra gì, hại thay! Tôi xem anh Quốc, anh Truyền và ông Trường, rất là người thông minh bực nhứt xứ ta, nhưng xem ra ông nào cũng bị một chứng bệnh nặng cả, chẳng biết ngày sau có làm ra công hiệu gì cho nòi giống ta được nhờ chăng? Hay là trước học Tàu là ông đồ hủ nho, nay học Tây là anh đồ hủ Âu mà thôi!
Đây tôi đã nói quá nhiều, còn sự anh hỏi về tìm việc ở Pari, thơ sau sẽ trả lời.

Sau chúc anh được mạnh giỏi và nhờ anh gởi lời thăm anh em du học ở dưới đó đều được bình yên.

Phan Châu Trinh

1)Về anh Đông, trong một tập hồ sơ Di cảo Phan Châu Trinh có một thư dài 8 trang vở học trò của anh ta viết cho Phan Châu Trinh từ Boóc-đô ngày 17-3-1925. Cuối thư ghi họ tên và địa chỉ là: N. T. Dong. Classe de Philosophie A. Lycée national. Bordeaux (Lớp triết học A. Trung học quốc lập. Boóc-đô)
2)Di cảo thư ngày 24-01-1925 này không còn, chúng tôi căn cứ vào văn bản trong báo Tân Dân, số đặc biệt. Hà Nội, 24-3-1949, tr. 66-77
3)Montpellier: Đọc là Mông-pe-li-ê. Thị trấn ở miền Nam nước Pháp, cách Pari 767 km. Anh học trò tên Đông đã viết thư cho Phan Châu Trinh từ Mông-pe-li-ê.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài “Chi bằng học“ – tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước

    03/09/2015GS. Vũ Ngọc KhánhĐi sâu vào tư tưởng và học thuật, ông còn được đánh giá, được phát hiện ở nhiều lĩnh vực. Sau khi ông mất, hàng năm trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã đều đặn làm lễ tưởng niệm ngày 24-3, đăng ảnh ông rất trang trọng, gọi đó là kỷ niệm ngày mất cụ Tây Hồ. Số báo nào, ông Huỳnh cũng trích một câu nói của Phan Châu Trinh - Tri Bằng Học - xem như một lời danh ngôn...
  • Bức thư Phan Châu Trinh gửi Phan Văn Trường

    17/09/2013Phan Châu Trinh (1923)Xưa kia nước Nam là một nước lớn, và chính vì nó đã theo và bắt chước các sai lầm của nước Tàu mà nó mất độc lập, điều đó là có thật và không thể che dấu. Nước Tàu, Triều tiên và nước chúng ta đã suy sụp từ đời Tống và Minh bởi vì chúng ta đã phạm sai lầm lớn là theo văn hoá đạo Khổng. Nước Tàu và Triều tiên từ 30 năm nay đã thấu hiểu cái sai của họ, đã cố gắng để tự giải thoát. Tuy bệnh của họ chưa khỏi hẳn nhưng sức khỏe các nước này đã được cải thiện rõ. Chỉ có riêng nước ta là còn ở trong trạng thái mê ngủ và ngu dốt đến mức...
  • Chi Bằng Học - tư tưởng Phan Châu Trinh

    31/01/2012Phan Châu TrinhVậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”...