Tín ngưỡng dân gian và thái độ của cộng đồng

10:13 SA @ Thứ Bảy - 28 Tháng Chín, 2013
Những ngày qua, các hình ảnh trong lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh được cập nhật trên mạng khiến nhiều người tiếp tục phản đối. Thậm chí, cộng đồng mạng còn lập hẳn một địa chỉ Facebook kêu gọi nghiêm cấm lễ hội chém lợn tế thần...

Trang Facebook kêu gọi nghiêm cấm lễ hội “Chém lợn tế thần” ở Tiên Du, Bắc Ninh đến thời điểm này đã thu hút gần 500 cư dân mạng, với nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình về tính dã man của lễ hội. Các hành vi “đâm, chém, chọi” nhận được sự hò reo cổ vũ của đám đông tham dự càng tạo nên nhiều phản ứng không tán thành trong dư luận: “Dã man quá!”, “Một nghi lễ tàn ác cần loại bỏ”... Tuy nhiên nhìn nhận lễ hội này cũng như các lễ hội hiến sinh khác ở góc nhìn văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lại có cách lý giải khác.

Dấu vết của văn hóa nguyên thủy

Nhìn nhận lễ hội dưới con mắt tín ngưỡng của cộng đồng, giáo sư Nguyễn Văn Huy - nhà nghiên cứu dân tộc học - nói: “Việc tồn tại những lễ hội đã có hàng ngàn năm trước như chém lợn ở Bắc Ninh hay chọi trâu Đồ Sơn, đâm trâu của bà con Tây nguyên không chỉ là tập tục được duy trì qua nhiều đời mà còn là tín ngưỡng của một cộng đồng cụ thể. Không nên nhìn dưới góc độ đó là hành động dã man đối với vật nuôi”.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian, lại cho rằng: “Việc tế thần bằng vật nuôi diễn ra tại nhiều địa phương. Chỉ khác là có nơi mổ thịt mới tế, có nơi lại chém, đâm. Tại những địa phương tế vật nuôi bằng cách đâm, chém thì thần được tế là những vị tướng quân liên quan đến trận mạc. Hành vi chém lợn cũng chỉ là tái hiện một phần cảnh trận mạc ấy. Và tôi nghĩ các phong tục này không phương hại đến ai nếu phạm vi của nó chỉ có trong cộng đồng làng xã”.

Về nhiều nghi lễ bảo lưu tín ngưỡng dân gian mang tính chất hiến sinh như tục chém lợn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền nhận định: “Đó là dấu vết của nét văn hóa nguyên thủy và phù hợp, linh thiêng với cư dân vùng đó, phù hợp với tín ngưỡng của cộng đồng ấy. Theo tôi, cái khó là việc cấm lễ hội sẽ đi ngược với chủ trương chung của chính sách bảo tồn đa văn hóa, nên người thời nay cũng buộc phải chấp nhận cả những hành vi hiến sinh mà nhiều người cho là ghê rợn đó”. Sự ghê rợn cũng là lý do để nhiều người thấy phản cảm và đề nghị phải loại bỏ các lễ hội dạng này trong cuộc sống hiện đại.


Có nên bỏ?

Đề cập việc nên để hay hủy bỏ những tập tục, lễ hội này, phản biện ý kiến của cộng đồng cho rằng đó là những hủ tục lạc hậu, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy nhắc đến lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) vẫn tồn tại và thu hút hàng ngàn lượt người xem mỗi năm. Ông cho biết: “Người ta chăm chút, tìm kiếm những con trâu tốt nhất và khỏe nhất để chọi, các chú trâu đánh nhau máu me be bét, mà cuối cùng cả trâu thắng, trâu thua đều bị làm thịt hết. Đó là dấu vết một nền văn hóa lâu đời của chính cộng đồng ấy. Nếu anh không nằm trong cộng đồng ấy sẽ không hiểu được tâm tư hay nguyện vọng của chính bản thân họ”.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Lý (Viện Văn hóa dân gian) nhìn nhận về lễ hội như một tập tục: “Tôi chưa được trực tiếp xem tục chém lợn nhưng tôi đã đọc về tục này trong tác phẩm của Nguyễn Toan Ánh. Đó là một tập tục được giữ gìn qua nhiều đời ở Bắc Ninh. Về lý thuyết là đã tồn tại một lễ hội tế thần như vậy. Việc giữ gìn và duy trì qua nhiều đời là sự tiếp nối văn hóa của người dân địa phương, tuy nhiên mỗi thời đại có một cách ứng xử khác nhau đối với những phong tục ấy”.

Trong khi đó, bày tỏ sự đồng cảm với dư luận xã hội, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói: “Bản thân cộng đồng cư dân bảo lưu tục hiến sinh cũng cần phải cảm thông. Bởi việc sát sinh để phục vụ nhu cầu thực phẩm sẽ hoàn toàn khác với việc phơi bày sự chém giết con vật, lại được tôn vinh, cổ súy dưới sự hò la cổ vũ của đám đông. Thế hệ trẻ thơ sẽ bị tác động thế nào trước cảnh tượng đó, rồi chưa kể việc đám đông chen lấn giằng xé nhau bôi máu con lợn bị chém đứt đôi đó để cầu may... Tất cả cảnh tượng đó đương nhiên sẽ tạo những hệ lụy không mấy tốt đẹp trong thời đại văn minh hiện nay!”.

Nêu ý kiến chỉ nên giữ lễ hội hiến sinh trong phạm vi cộng đồng nhỏ chịu ảnh hưởng của phong tục, tập quán ấy, ông Hiền nhấn mạnh: “Nên tránh tuyên truyền nhiều về những tục lệ này, bởi những hình ảnh đó có ảnh hưởng không tốt đến trẻ em. Những hoạt động này ban đầu chỉ nằm trong phạm vi làng xã, nhưng sau này được mở rộng hơn khiến nhiều người tìm đến bởi tò mò chứ không do tín ngưỡng”.


Nên tạo ra vật thiêng thay thế

Trước hết nên khẳng định ở một số làng châu thổ Bắc bộ có những nghi lễ thờ tự riêng (cổ tục) hình thành trong lịch sử của làng ấy, như nghi lễ “chém lợn” ở làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ở Tây nguyên, hầu hết các tộc người cũng có tục “ăn trâu” mà bị gọi chệch thành thói quen là tục “đâm trâu”, khiến người ngày nay lên án là dã man, kém văn minh. Thật ra trâu và lợn là những loài vật nuôi trong nhà, được thuần dưỡng từ thời cổ xưa của nhân loại, nhưng trong những trường hợp nghi lễ, chúng là loài vật hiến sinh mà ngay ở các nền văn minh cổ đại trên thế giới cũng không thiếu gì.

Con vật hiến sinh dù là thân quen hằng ngày, nhưng bước vào nghi lễ là chúng đã được thiêng hóa, chỉ tiến hành trong các không gian thiêng, thời gian thiêng như các lễ hội. Theo tôi khảo sát, số lượng các nghi lễ dùng vật nuôi để hiến sinh ở Bắc bộ không nhiều, chỉ có tính chất địa phương, thí dụ như làng Ném Thượng này. Người dân khi tham gia nghi lễ đều cho rằng nếu được một phần thịt, huyết sẽ gặp sự may mắn trong năm.

Tuy nhiên, để tránh hiệu ứng truyền thông (nhất là trên mạng Internet) tạo sự phản cảm, các địa phương có cổ tục như thế nên tạo ra vật thiêng thay thế. So sánh có phần khập khiễng nhưng ở cổ tục người Việt đã có “hàng mã”. Với dạng lễ hội hiến sinh như thế này, theo tôi, nên tạo ra mô hình thay thế các con vật, thực hiện một số nghi thức “thiêng hóa” rồi tiến hành nghi lễ, tránh sự bàn luận ồn ào của xã hội trong khi người dân địa phương lại coi đó là linh thiêng.

PGS.TS NGUYỄN QUỐC TUẤN
(Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo)

Nguồn:Tuổi trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự hiểu mình hơn qua lễ hội

    03/02/2020Vương Trí NhànAi đọc cổ tích Tấm Cám hẳn nhớ chi tiết mẹ con Cám ghét Tấm, ghen tị với Tấm muốn hành hạ Tấm. Biết Tấm thích đi hội làng, mẹ Cám trộn thóc lẫn với gạo bắt Tấm chọn xong mới được đi. Chi tiết đã quá quen thuộc nhưng chỉ hôm nay tôi mới hiểu. Sức lôi cuốn của lễ hội thật dai dẳng. Có một ma lực nào đó cứ lôi cuốn tôi mặc dù lý trí đã bảo tôi rằng không nên đi tìm ảo ảnh...
  • Lễ hội du nhập cần lựa chọn

    31/10/2019Hải QuỳnhTrong những năm đổi mới, với chính sách đối ngoại rộng mở, với sự phát triển kinh tế - văn hóa trong tiến trình hội nhập, lễ hội của các nước trên thế giới càng trở nên quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam, nhất là đối với tuổi trẻ.
  • Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

    03/02/2020Vương Trí NhànKhông gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy...
  • Đi lễ hội để cầu may và cầu lợi?

    08/02/2019Vương Trí NhànLễ hội càng ngày càng bát nháo với đủ thứ biến tướng của mê tín, kinh doanh trục lợi, nguyên nhân sâu xa của nó từ đâu? Niềm tin mong manh, cuộc sống bất trắc, con người phải bám víu vào tâm lý cầu lợi để lấp đầy hố sâu ham muốn quyền lợi…
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Tình trạng dung tục ở các Lễ Hội

    02/03/2015Vương Trí NhànDưới đây là một đoạn ông nhận xét về không khí xô bồ, nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt - miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn...
  • Nỗi buồn lễ hội

    19/02/2011TS. Phạm Duy NghĩaXuân đến, phồn thịnh và náo nhiệt, ấy cũng là mùa của những lễ hội. Tựa sợi dây nối tiền nhân với hậu thế, lễ nhắc người ta về đạo làm người. Hội là cuộc vui cộng thể để dồn sức cho cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Giúp gắn kết, tăng niềm tin và sức mạnh dân tộc, lễ hội là một phần thân thuộc và tự nhiên ngày qua ngày bồi bổ nên cốt cách văn hóa của con người Việt Nam.
  • Đại bác, súng lục và lễ hội hoa Hà Nội

    10/01/2009Quốc KhánhThật dễ dàng kết tội vô văn hóa hay thiếu giáo dục cho các hành vi “cướp-phá”, hay dẫm lên hoa tại lễ hội hoa diễn ra tại Hà Nội đầu năm 2009. Căn nguyên của các hành vi này có thể là hậu quả của tiến trình đô thị hóa đang diễn ra, hoặc hậu quả của một nền giáo dục đầy rẫy bất cập.
  • Về việc bẻ hoa lễ hội Tết Dương lịch

    02/01/2009Nguyễn Tất ThịnhĐiều này đã từng diễn ra ở Lễ hội Hoa anh đào tháng 4 Hà Nội cùng năm. Những người có văn hóa như bị nghẹn lại, bàng hoàng mà chỉ có thể tức giận run lên trong ý nghĩ:
  • Lễ, Hội, và Tết

    16/02/2007Nguyễn Tiến VănLễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn...
  • Nối lễ hội vào... trụy lạc

    16/04/2006Vương Trí NhànCác cơ quan điều tra vừa phát hiện ra những đường dây đánh bạc khổng lồ, giám đốc nọ quan chức kia đánh bạc hàng triệu đô la. Nhưng có một sự thực tôi nghĩ còn tàn nhẫn hơn, đó là hành động đỏ đen muôn vàn kiểu đang trở nên phổ biến đến mức đáng sợ...
  • xem toàn bộ