Tính đồng bộ của các cuộc cải cách

10:32 SA @ Thứ Hai - 19 Tháng Chín, 2005

Từ xưa đến nay, nhân loại đã tiến hành rất nhiều các cuộc cải cách nhưng tựu trung có thể phân thành bốn cuộc cải cách cơ bản: cải cách kinh tế, cải cách chính trị, cải cách văn hóa và cải cách giáo dục. Các cuộc cải cách đi tìm lời giải cho sự phát triển của xã hội và có đối tượng chung là cuộc sống, do đó, chúng có quan hệ biện chứng với nhau. Tuy nhiên, quan sát các cuộc cải cách ở các nước thế giới thứ ba, chúng ta đều thấy chúng không đem lại những kết quả như mong muốn và thế giới thứ ba dường như vẫn bế tắc trong việc tìm ra con đường phát triển của mình. Các nước thế giới thứ ba cần nhận thức lại về các cuộc cải cách, mối quan hệ và tác động qua lại giữa chúng, tìm ra nguyên nhân thất bại, từ đó rút ra những bài học nhằm tiến hành thành công các chương trình cải cách tiếp theo.

Nhìn lại các cuộc cải cách của các nước thế giới thứ ba

Các cuộc cải cách ở thế giới thứ ba nhằm mục đích chung là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo và lạc hậu nhưng hầu hết đều thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức sai lầm của các nước thế giới thứ ba về bản chất và mục tiêu của các cuộc cải cách, do đó, không định hướng được cái đích cần đi tới. Hầu hết các nước thế giới thứ ba đều tiến hành cải cách một cách bị động, gượng ép, theo đòi hỏi của các tổ chức quốc tế chứ không phải cải cách vì chính mình, vì nhu cầu tự thân để phát triển. Theo chúng tôi, các cuộc cải cách ở các nước thế giới thứ ba đều có chung ba nhược điểm sau:

1.Tính tình thế của cải cách kinh tế và cải cách chính trị

Nhìn chung, các cuộc cải cách ở các nước thế giới thứ ba đều do sức ép từ bên ngoài, tức là sức ép của các quốc gia, các tổ chức quốc tế hay các tổ chức tài chính quốc tế. Chính vì vậy, các cuộc cải cách này đều không chứa đựng cảm hứng phát triển, các thành phần xã hội hầu như không nhận được cảm hứng từ các cuộc cải cách, do đó, các cuộc cải cách nói chung vừa đau đớn, vừa vất vả, vừa không trọn vẹn. Các cuộc cải cách ở Indonesia là một ví dụ. Từ khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ diễn ra đầu tiên ở Thái Lan năm 1997, Indonesia rơi vào khủng hoảng toàn diện, trước hết là sự sụp đổ nhanh chóng của nền kinh tế. Tiếp theo là những vụ bạo động và biểu tình chống chính phủ đã dẫn đến sự sụp đổ của cả một chế độ độc tài của Tổng thống Suharto kéo dài hơn 30 năm ở nước này. Sự sụp đổ của cả thể chế chính trị lẫn thể chế kinh tế đã đẩy Indonesia vào những bất ổn nghiêm trọng. Tình thế đó bắt buộc nước này phải tiến hành cải cách cả kinh tế và chính trị theo những "tiêu chuẩn" của IMF và của một số lực lượng khác. Tuy nhiên, "phương thuốc" của IMF cho đến nay không làm cho tình hình kinh tế và chính trị tại nước này được cải thiện. Tâm lý chống phương Tây trong xã hội ngày càng gia tăng. Cùng với tâm lý chống phương Tây, trào lưu chống lại toàn cầu hóa trên toàn thế giới hiện nay cũng chứng tỏ các nước thế giới thứ ba không ý thức được những đòi hỏi tự nhiên của các cuộc cải cách, do đó, phải chịu sức ép từ bên ngoài, từ tình thế khách quan khi tham gia hội nhập.

Như vậy, khi khủng khoảng xảy ra và lâm vào tình thế khó khăn, các nước thế giới thứ ba mới cải cách để thỏa mãn các điều kiện được cứu trợ, được vay vốn hay cải cách để được tham gia vào các câu lạc bộ tài chính quốc tế. Hậu quả là, các lực lượng xã hội bị cưỡng bức và có những phản ứng rất khác nhau đối với các cuộc cải cách. Tính thống nhất chính trị ở trong xã hội bị phá vỡ và do đó, các chính phủ gặp phải khó khăn, tình hình xã hội bất ổn. Điều này cũng đã từng xảy ra từ Argentina, MexicoBrazil. Đây là những bài học đối với các nước trong việc hoạch định các chương trình cải cách.

Như vậy, tính tình thế của các cuộc cải cách thể hiện rất rõ nhận thức không đầy đủ của các nước thế giới thứ ba về tầm quan trọng và tính tất yếu của các cuộc cải cách. Đây là một trong những sai lầm cơ bản nhất của các nước thế giới thứ ba trong khi tiến hành cải cách.

2.Tính nửa vời của cải cách kinh tế và cải cách chính trị

Do nhận thức sai lầm về bản chất và mục tiêu của các cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách kinh tế và cải cách chính trị, hầu hết các nước thế giới thứ ba đều tiến hành cải cách một cách gượng ép, không triệt để và không trọn vẹn. Đối với cải cách kinh tế, các nước này hầu như chỉ dừng lại ở cải cách thể chế kinh tế, chỉ tập trung đổi mới thể chế kinh tế cũ, thậm chí thay thế nó bằng một thể chế kinh tế mới mà không nghiên cứu và đề ra chiến lược phát triển các lực lượng kinh tế. Nhà nước chỉ cải cách từ bên trên, tức là tập trung xây dựng các thể chế kinh tế để thỏa mãn nhu cầu hội nhập, do đó, các thể chế này thường không phù hợp với nhận thức của xã hội. Điều này phản ánh rất rõ tính hình thức của cải cách kinh tế. Mặt khác, bản thân cải cách kinh tế cũng chứa đựng trong nó những mầm mống của cải cách chính trị, nhưng trên thực tế, người ta thường né tránh những yếu tố cải cách chính trị khi tiến hành cải cách kinh tế. Đây chính là bản chất nửa vời của cải cách kinh tế tại các nước thế giới thứ ba.

Cũng với những nhận thức như vậy, cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba chỉ dừng lại ở cải cách thể chế chính trị. Nó nấp dưới hình thức cải cách hành chính, cải cách tư pháp đơn giản. Cải cách thể chế chính trị là pháp chế hóa các quan hệ xã hội đãđược thỏa thuận và việc pháp chế hóa các quan hệ xã hội đã được thỏa thuận như vậy mới chỉ thừa nhận trạng thái hiện tại của các thỏa thuận, chứ chưa phản ánh chất lượng của các thỏa thuận, tức là mới cải cách ở mức thừa nhận. Cải cách thể chế chính trị chỉ là một khía cạnh và hoàn toàn chưa đảm bảo tính trọn vẹn của cải cách chính trị theo hướng tiệm cận nền dân chủ.

Hiện nay, do đòi hỏi của IMF, Liên Hiệp Quốc, các hiệp định song phương hay đa phương, các nước thế giới thứ ba buộc phải tiến hành cải cách thể chế, nhưng cũng chỉ tạo ra một thể chế hình thức chứ chưa dám thay đổi chính lực lượng điều hành thể chế đó. ở đây, người ta vẫn nhầm lẫn là thay đổi lực lượng cầm quyền đồng nghĩa với một cuộc đảo chính chính trị hay không phân biệt được sự cầm quyền bằng tính tiên tiến của lực lượng lãnh đạo với sự cầm quyền trong sự nhu nhược của xã hội. Vì vậy, vấn đề cải cách ở các nước thế giới thứ ba thường bị giới hạn ở chính nhận thức của các nhà lãnh đạo và do đó, mang tính chất nửa vời và hoàn toàn không triệt để.

3.Thiếu tầm nhìn trong cải cách văn hóa và cải cách giáo dục

Từ nhiều năm nay, các nước kém phát triển luôn đề cao việc bảo tồn và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc mà quên mất nhiệm vụ phát huy vai trò phát triển của văn hóa. Sự khép kín của văn hóa là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất kìm hãm sự phát triển của các quốc gia này. Hầu hết các nhà chính trị của các nước thế giới thứ ba đều không nhận thức được vai trò phát triển cũng như khía cạnh phản động của văn hóa, tức là không nhận thức được văn hóa tham gia vào quá trình cản trở hay phát triển xã hội. Nói cách khác, các nước thế giới thứ ba không nhận thức được tính phản động tương đối của văn hóa đối với sự phát triển của toàn xã hội, do đó, chưa có ý thức cải cách văn hóa. Chúng ta đều biết rằng, văn hóa là yếu tố hình thành trong các quá trình hoạt động của đời sống nên nó là yếu tố cũ một cách tương đối hay mang tính lạc hậu tương đối. Bất kỳ yếu tố cũ nào cũng có tính tương thích hoặc không tương thích với sự phát triển. Cải cách văn hóa chính là làm cho tính cũ tự nhiên, tính lạc hậu tương đối của văn hóa không cản trở quá trình phát triển.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nước thế giới thứ ba dường như vẫn sử dụng các yếu tố văn hóa như những công cụ nhằm củng cố và làm nền tâm lý xã hội cho cái gọi là ổn định chính trị và chính việc sử dụng tuỳ tiện các yếu tố văn hóa như vậy đã tạo ra một trạng thái lẫn lộn, trạng thái không kiểm soát được và ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phát triển của đời sống xã hội. Nhìn nhận một cách khách quan, đây không phải là hạn chế của riêng các nước thế giới thứ ba, ngay cả Singapore cũng mắc phải sai lầm này. Sau một thời gian nhận thức về phát triển một cách không toàn diện, Singapore trở thành một đô thị dịch vụ và công nghiệp nhẹ, rất hấp dẫn đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Người dân Singapore được chuẩn bị như một lực lượng làm thuê, mọi chương trình giáo dục đều hướng tới việc chuẩn bị làm thuê cho các xí nghiệp lớn, chủ yếu là các xí nghiệp nước ngoài. Sau gần ba thập kỷ phát triển theo định hướng như vậy, nền văn hóa Singapore trở thành một nền văn hóa kinh tế. Trong nền văn hóa ấy, người dân suy nghĩ một cách máy móc, đơn giản, chẳng hạn thành đạt tức là trở thành một viên chức, một quan chức cao cấp của các công ty đa quốc gia. Đất nước nhỏ bé này không có các xí nghiệp vừa và nhỏ, bản năng kinh doanh không tồn tại thay vào đó là bản năng làm thuê. Người lao động không được rèn luyện khả năng sáng tạo mà chỉ được rèn luyện kĩ năng thực thi công nghệ của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nguy hiểm hơn, người dân Singapore trở nên đơn điệu về tinh thần, tư tưởng, thẩm mỹ và lối sống. Singapore là ví dụ điển hình về tính ngắn hạn của tầm nhìn trong việc xây dựng các chương trình cải cách hay hoạch định chính sách. Singapore không có tầm nhìn về văn hóa, mọi tiếng nói về văn hóa đều nói về bản sắc chứ không nhận thức được rằng tâm lý, thói quen của con người phải phù hợp với đòi hỏi của thời đại.

Có thể nói, các nước kém phát triển đều chưa có tầm nhìn về văn hóa, do đó, không tiến hành cải cách văn hóa hoặc khất lần nhiệm vụ quan trọng này. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giao lưu văn hóa là một trong những nội dung chủ yếu của tiến trình hội nhập, do đó, cải cách văn hóa để đổi mới nhận thức là nhu cầu bức thiết không chỉ của riêng các nước thế giới thứ ba mà của tất cả các nước trên thế giới.

Bên cạnh ba cuộc cải cách kinh tế, chính trị và văn hóa, một cuộc cải cách khác vô cùng quan trọng và chứa đựng trong nó nội dung của ba cuộc cải cách trên, đó chính là cải cách giáo dục. Do nhiều sai lầm, đặc biệt là về tầm nhìn nên các nước thế giới thứ ba cho đến nay chưa thành công trong cải cách giáo dục. Nền giáo dục của các nước này không coi con người là trung tâm của quá trình giáo dục, các nhà cải cách giáo dục tách rời đời sống hiện thực, do đó, tạo ra một đội ngũ trí thức vừa không có kinh nghiệm thực tiễn vừa không có năng lực dự báo tương lai một cách có chất lượng. Việt Nam là một ví dụ. Nhiều chương trình cải cách trong lĩnh vực giáo dục đã được tiến hành nhưng chỉ cải cách trên phương diện lý thuyết. "Người đi giáo dục phải được giáo dục" là kết luận vô cùng xác đáng của K. Marx, suy rộng ra, các nhà cải cách giáo dục cũng phải được giáo dục về cải cách. Cải cách giáo dục nhằm chuẩn bị lực lượng cho tương lai, do đó, phải biết rõ tương lai cần gì và điều này đòi hỏi phải có tầm nhìn. Các nước thế giới thứ ba đã tiến hành cải cách giáo dục trên nhiều cấp độ nhưng chưa gắn cải cách giáo dục với các cuộc cải cách còn lại, do đó, không đạt được mấy thành công.

Tóm lại, các cuộc cải cách ở các nước thế giới thứ ba chỉ là những giải pháp bắt buộc nhằm đối phó với tình thế chứ không chứa đựng cảm hứng phát triển, thiếu sự liên hoàn và hỗ trợ lẫn nhau, do đó, chưa đem lại thành công như mong muốn.

Tính đồng bộ của các cuộc cải cách

Những phân tích về nhược điểm của các cuộc cải cách ở trên cho thấy các nước thế giới thứ ba chưa nhận ra yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công của một chương trình cải cách toàn diện là tính đồng bộ của các cuộc cải cáchchưa ý thức đầy đủ về sự cần thiết phải hoạch định các chương trình cải cách trong mối tương quan với nhau và trong sự gắn kết với cuộc sống. Sự đồng bộ của các cuộc cải cách, theo chúng tôi, chính là nhân tố quyết định thành công của các cuộc cải cách. Việc nghiên cứu tính đồng bộ của các cuộc cải cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng và đòi hỏi phải được nghiên cứu thấu đáo, bài viết này chỉ đưa ra một số suy nghĩ có tính chất lý luận ban đầu.

1. Sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu: Thế nào là đồng bộ?

Sự đồng bộ của các cuộc cải cách chính là sự xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm của mỗi cuộc cải cách trong sự kết hợp hữu cơ, nhịp nhàng giữa các cuộc cải cách đó.Đồng bộ không có nghĩa là đồng thời vì các cuộc cải cách này có quan hệ chặt chẽ, tác động và hỗ trợ lẫn nhau, làm tiền đề hoặc bảo trợ cho nhau. Có thể nhiều người sẽ đặt câu hỏi: sự đồng bộ của các cuộc cải cách mang tính tự nhiên hay cần có sự can thiệp của một lực lượng nào đó? Cần phải hiểu rằng cải cách hay chương trình cải cách là một quá trình chủ động, do đó, tính đồng bộ của các chương trình cải cách đòi hỏi tính tự giác và nhận thức của người dân về sự đúng đắn của các cuộc cải cách. Nếu để tính đồng bộ xuất hiện tự nhiên, tức là các cuộc cải cách xuất hiện tự nhiên thì người dân sẽ không nhận ra được giá trị và sức mạnh chủ động của hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị ở các nước thế giới thứ ba phải thể hiện được sức mạnh của mình thông qua nâng cao năng lực quan sát để nhận ra tính khách quan của các thời điểm tiến hành cải cách, chứ không phải để nó xuất hiện một cách tự nhiên.

Tại sao phải đồng bộ?

Trước hết, chúng ta phải xem các cuộc cải cách không phải là chính nó. Cải cách là hoạt động có mục tiêu, có mục đích. Các cuộc cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa hay giáo dục đều là những đòi hỏi tự nhiên, những đòi hỏi thật sự của cuộc sống. Chính trị, kinh tế và văn hóa là ba bộ phận khác nhau của hình thái kinh tế xã hội nên các cuộc cải cách có quan hệ tương tác, quan hệ biện chứng với nhau. Hơn nữa, như trên đã phân tích, những hạn chế của các cuộc cải cách cho thấy tính ngắn của tầm nhìn trong việc xây dựng các chương trình cải cách hay hoạch định chính sách phát triển. Thiếu sự đồng bộ giữa các cuộc cải cách làm cho các cuộc cải cách không có sự liên hoàn và hỗ trợ lẫn nhau, và thiếu sự đồng bộ trong mỗi cuộc cải cách dẫn đến các cuộc cải cách đều mang tính nửa vời. Cả hai trường hợp đều không mang lại kết quả như mong muốn.

2. Đảm bảo tính đồng bộ của các cuộc cải cách

Phải khẳng định sự đồng bộ của các cuộc cải cách thể hiện không chỉ trong mối quan hệ giữa các cuộc cải cách mà còn trong bản thân mỗi cuộc cải cách và việc xác định tính đồng bộ phụ thuộc vào sự nhạy cảm của các nhà lãnh đạo các cuộc cải cách. Để đảm bảo sự thành công của các cuộc cải cách, các nước thế giới thứ ba cần phải nghiên cứu mối quan hệ và tác động qua lại giữa các cuộc cải cách để xác định đúng thời điểm thích hợp tiến hành cải cách.

Cải cách kinh tế tạo tiền đề cho cải cách chính trị và cải cách văn hóa

Đối với các nước thế giới thứ ba, do đời sống của người dân còn rất thấp, dưới mức nghèo khổ cho nên cải cách kinh tế là vấn đề cấp bách và cần phải tiến hành trước tiên. Cải cách kinh tế trước hết giải thoát người dân ra khỏi tình trạng nghèo đói, đồng thời bảo đảm quyền dân chủ cho nhân dân. Cải cách kinh tế tạo quyền tự do kinh tế cho người dân và trên cơ sở nhận thức được quyền tự do kinh tế, người dân sẽ nhận ra lợi ích của tự do chính trị. Hơn nữa, cải cách kinh tế còn thức tỉnh người dân về các giá trị văn hóa và các giá trị tinh thần...

Tuy nhiên, các cuộc cải cách kinh tế ở các nước thế giới thứ ba mới chỉ dừng lại ở cải cách thể chế kinh tế chứ chưa nhận thức được tính toàn diện của cải cách kinh tế. Cải cách thể chế kinh tế tức là làm cho các thể chế kinh tế trở nên tốt hơn, do đó, hoàn toàn chưa đủ để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của cả nền kinh tế. Cùng với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, cạnh tranh trở thành đòi hỏi toàn cầu thì việc phát triển lực lượng sản xuất, theo nghĩa rộng hơn là lực lượng kinh tế, của xã hội theo hướng hội nhập là một đòi hỏi khách quan. Có thể nói, hoạch định chính sách để phát triển các lực lượng kinh tế là đặc điểm quan trọng nhất của kinh tế chính trị học hiện đại. Cải cách kinh tế, như vậy, bao gồm hai công việc rất rõ ràng là (i) cải cách thể chế để pháp chế hóa tất cả các trạng thái kinh tế, các trạng thái phát triển của kinh tếvà (ii) tạo không gian phát triển tự do cho tất cả các lực lượng kinh tế theo khuynh hướng cạnh tranh toàn cầu. Để đảm bảo sự đồng bộ trong cải cách kinh tế, các nước không chỉ dừng ở cải cách thể chế kinh tế mà phải cải cách toàn diện, cải cách kinh tế thực sự để không chỉ làm cho các thể chế phù hợp với những đòi hỏi của thực tế hay để thỏa mãn mục tiêu hội nhập, mà còn phải làm cho các lực lượng kinh tế phát triển rầm rộ và hùng hậu. Tính đồng bộ của cải cách kinh tế đòi hỏi phải thực thi cả hai nhiệm vụ này một cách triệt để. Nhiều nhà cầm quyền nhầm lẫn là có yếu tố chính trị trong cải cách kinh tế tức là đã có cải cách chính trị, nên thường né tránh các yếu tố chính trị trong khi tiến hành cải cách kinh tế. Do đó, cải cách kinh tế có thể rất đồng bộ nhưng do trì hoãn cải cách chính trị nên không tạo ra sự đồng bộ có chất lượng hệ thống.

Tóm lại, tính đồng bộ trong cải cách kinh tế phải được đảm bảo để tạo ra tiền đề cho các cuộc cải cách còn lại. Cải cách kinh tế phải tạo không gian phát triển cho các lực lượng kinh tế, không phải chỉ là không gian pháp luật mà còn là không gian chính trị, và chính không gian chính trị sẽ tạo cảm hứng cho các cuộc cải cách khác. Đây cũng chính là bản chất của kinh tế chính trị học hiện đại.

Cải cách chính trị bảo trợ cho cải cách kinh tế và cải cách văn hóa

Chính trị là yếu tố bảo trợ, công cụ bảo trợ cho đời sống nói chung và cho đời sống kinh tế và văn hóa nói riêng. Trong mối quan hệ giữa ba yếu tố kinh tế, chính trị và văn hóa thì chính trị là yếu tố phục vụ, kinh tế là yếu tố chủ chốt trong quá trình phát triển và văn hóa là dung môi tinh thần của toàn bộ đời sống. Yếu tố phục vụ có thể phát triển thụ động và đi sau sự phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo tính hướng dẫn sự phát triển của đời sống kinh tế và đời sống văn hóa. Không tiến hành cải cách chính trị thì mọi cuộc cải cách đều chỉ là những giải pháp tình thế và xã hội không có sự phát triển lâu dài và ổn định. Với ý nghĩa này, cải cách chính trị có vai trò như là một bộ phận trọng yếu, bộ phận bảo hộ cho quá trình cải cách kinh tế - xã hội đi đến thành công trọn vẹn.

Hiện nay, các nước thế giới thứ ba đã tiến hành cải cách chính trị, nhưng chủ yếu tập trung vào cải cách hành chính hay cải cách tư pháp, mà về thực chất chỉ là cải cách thể chế chính trị. Tuy nhiên, một cuộc cải cách chính trị triệt để không chỉ dừng ở cải cách thể chế, mà quan trọng hơn là phải tạo cảm hứng chính trị và xây dựng tâm lý chính trị tích cực trên mọi khía cạnh của đời sống xã hộiđể cả xã hội và thể chế trở thành một thể thống nhất. Cải cách chính trị góp phần nâng cao chất lượng của thể chế chính trị, làm cho nó tương thích với đời sống phát triển, tức là duy trì, kéo dài và hợp lý hóa một thể chế chính trị chứ không phải thay nó bằng một thể chế chính trị khác. Như vậy, nhiệm vụ quan trọng hơn của cải cách chính trị chính là tạo không gian chính trị tiên tiến, thừa nhận tính dân chủ của chính trị, tính đa dạng ý kiến của đời sống chính trị. Chỉ có như vậy, cải cách chính trị mới trở thành yếu tố bảo trợ cho cải cách kinh tế và cải cách văn hóa. Đây là vấn đề cốt lõi của cải cách chính trị và cải cách chính trị sẽ chỉ thành công nếu chúng ta tiến hành đồng bộ hai nội dung này. Trong thời đại của chúng ta, chất lượng của hệ thống chính trị của thế giới thứ ba chính là sự hỗ trợ hiệu quả của nó cho sự thành công của tiến trình hội nhập quốc tế.

Cải cách văn hóa tạo môi trường tinh thần cho cải cách kinh tế và cải cách chính trị

Cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với phát triển vì một nền văn hóa tiên tiến là chất xúc tác của mọi hoạt động diễn ra trong đời sống. Vai trò phát triển của văn hóa bị kìm hãm chính là do con người không có thái độ triết học đúng đắn đối với sự tham gia của các yếu tố văn hóa trong đời sống. Do đó, bản chất của cải cách văn hóa chính là làm thay đổi thái độ của con người đối với nghĩa vụ đóng góp của văn hóa vào trong đời sống phát triển. Nói cách khác, cải cách văn hóa phải tạo tính mở cho văn hóa để văn hóa trở thành một hệ thống mở, vừa có khả năng loại bỏ những giá trị đã lỗi thời, vừa có khả năng tiếp biến những tinh hoa văn hóa từ các cộng đồng khác trên thế giới.

Trong mối quan hệ giữa cải cách kinh tế, cải cách chính trị và cải cách văn hóa thì cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng nhất. Văn hóa là môi trường tinh thần, là lá phổi của đời sống. Do đó, muốn phát triển, các nước thế giới thứ ba cần phải giữ cho lá phổi đó trong sạch bằng các cuộc cải cách văn hóa thường xuyên và liên tục. Sự lạc hậu của môi trường tinh thần sẽ là vật cản đối với tiến độ cũng như sự thành công của cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Nói cách khác, nếu không được cải cách, văn hóa sẽ trở thành yếu tố níu kéo chính trị và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Do đó, các nước thế giới thứ ba phải cải cách văn hóa đồng bộ với cải cách kinh tế và cải cách chính trị, nhằm tạo sự bảo trợ tinh thần cho sự thành công của hai cuộc cải cách này.

Cải cách văn hóa phải được tiến hành cả trong đời sống kinh doanh lẫn đời sống chính trị bởi vì văn hóa kinh doanh và văn hóa chính trị là hai bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung, có giá trị phổ biến tương đối và có vùng ảnh hưởng tương đối lớn đối với đời sống. Văn hóa chính trị và văn hóa kinh doanh cũng phải được cải cách để những tiêu chuẩn văn hóa trong đời sống kinh doanh và đời sống chính trị trở thành động lực trực tiếp của sự tiến bộ.

Cải cách giáo dục - Điểm hội tụ tính đúng đắn của các cuộc cải cách

Cuộc sống nối tiếp nhau bằng các thế hệ và thế hệ đi trước chuẩn bị cho thế hệ sau bằng con đường giáo dục. Hay nói cách khác, sứ mệnh quan trọng của giáo dục là chuẩn bị lực lượng cho tương lai. Đó có thể là việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của lực lượng kinh tế mới, lực lượng chính trị mới hay con người mới nói chung. Tuy nhiên, yếu tố chuẩn bị lại nằm trong quá khứ. Trong mối quan hệ giữa các cuộc cải cách thì cải cách kinh tế, cải cách chính trị, cải cách văn hóa hướng vào ba mảng khác nhau của đời sống, còn cải cách giáo dục góp phần hình thành và phát triển đời sống, gắn kết sự phát triển của thế hệ trước với các thế hệ tiếp theo, tức là đảm bảo tính liên tục của đời sống. Chúng ta không thể ghép cải cách giáo dục vào bất kỳ cuộc cải cách nào bởi nội dung cải cách giáo dục chứa đựng nội dung của cả ba cuộc cải cách trên.

Giáo dục là hành vi mang chất lượng bản năng nhất của nhân loại. Chúng ta chuẩn bị cho cải cách giáo dục bằng cả kinh nghiệm của quá khứ lẫn khả năng dự báo tương lai. Lý do là nếu không có chất lượng quá khứ thì không có sự kế thừa lịch sử mang chất lượng tự nhiên của đời sống. Nhưng nếu đem tất cả quá khứ ra để cải cách giáo dục thì chúng ta sẽ tạo ra một lực lượng cũ hơn, còn nếu không kế thừa quá khứ thì chúng ta sẽ không đảm bảo được tính liên tục của đời sống. Chính vì vậy, cải cách giáo dục cũng phải được thực hiện đồng bộ với các cuộc cải cách còn lại. Và các cuộc cải cách chính trị, kinh tế và văn hóa chỉ có thể được coi là thành công khi tính đúng đắn của chúng hội tụ vào sự đúng đắn của cải cách giáo dục.

Như vậy, tất cả các cuộc cải cách đều có mối quan hệ biện chứng với nhau và có đối tượng chung là cuộc sống, vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Mỗi cuộc cải cách tạo cơ sở và tiền đề cho các cuộc cải cách còn lại trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, sự đồng bộ của các cuộc cải cách với nhau và đồng bộ bên trong mỗi cuộc cải cách đóng vai trò quyết định đến thành công của các chương trình cải cách.

Vấn đề xây dựng hệ tiêu chuẩn cải cách

Bất kỳ chương trình cải cách nào cũng cần có những tiêu chuẩn để làm mục tiêu hay để đánh giá mức độ thành công của nó. Vì vậy, xây dựng hệ tiêu chuẩn cải cách là vấn đề quan trọng và càng quan trọng hơn đối với các nước thế giới thứ ba.

Chúng ta đều biết, tập hợp các giá trị nhận thức xã hội của mỗi quốc gia là khác nhau, do đó, không thể có tiêu chuẩn cải cách chung, thống nhất cho các nước thế giới thứ ba. Các nước thế giới thứ ba phải tự thiết kế các chương trình cải cách, có nghĩa là họ phải chủ động thiết kế những chương trình riêng phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội của mình. Đây là điểm mấu chốt của mỗi chương trình cải cách bởi nếu áp đặt các tiêu chuẩn cải cách từ bên ngoài cho tất cả các cuộc cải cách của thế giới thứ ba, thì vô tình chúng ta đã tiêu diệt sự đa dạng về phát triển của khu vực này.

Vậy vấn đề đặt ra là, có phải tất cả các nước thế giới thứ ba đều có đủ khả năng để tự xây dựng hệ tiêu chuẩn cải cách cho riêng mình không? Câu trả lời chắc chắn là "Không" bởi trình độ lạc hậu của hầu hết các nước trong khu vực này. Chúng ta đều biết rằng, cải cách trong thời đại ngày nay là để hội nhập vào hệ tiêu chuẩn phổ biến về kinh tế, chính trị và văn hóa. Các tiêu chuẩn ấy tồn tại bên ngoài mỗi cộng đồng nhưng lại tồn tại trong giao lưu giữa các cộng đồng. Các nước chậm tiến buộc phải cải cách mình, và trên thực tế họ cũng đang cố gắng để hội nhập vào cộng đồng thế giới. Nhưng các nước thế giới thứ ba có những nét đặc thù riêng nên cần lấy các tiêu chí chung làm mục tiêu chứ không thể áp dụng máy móc các tiêu chuẩn cải cách đã có sẵn. Các nước thế giới thứ ba cần phải hiểu cải cách không phải là quá trình đánh đu đến những gì mình không có, hay đến những gì mình muốn, mà cải cách là quá trình dịch chuyển một cơ cấu xã hội từ trạng thái trì trệ đến một trạng thái khác tiến bộ hơn. Như vậy, cải cách không phải là thỏa mãn ý muốn, hay đòi hỏi phải xác lập một trạng thái mà xã hội không được chuẩn bị.

Nếu áp đặt các tiêu chuẩn từ bên ngoài để đánh giá thành công của một cuộc cải cách thì bản thân cuộc cải cách đó không phải là cuộc cải cách tự thân. Ngược lại, nếu các dân tộc tự đặt ra các tiêu chuẩn thì điều này đòi hỏi phải có thể chế và lực lượng các nhà lãnh đạo cực kỳ sáng suốt, vì những tiêu chuẩn ấy lệ thuộc một cách chủ quan vào nhận thức của các nhà lãnh đạo. Rõ ràng, để xây dựng được một hệ tiêu chuẩn cải cách đúng đắn đòi hỏi phải có công nghệ xây dựng tiêu chuẩn cải cách, tức là đòi hỏi phải xây dựng một thể chế có khả năng xác định một cách đúng đắn nhất tiêu chuẩn của các cuộc cải cách.

Tiêu chuẩn cải cách cần phải được hiểu là tập hợp các giá trị nhận thức của xã hội về tiêu chuẩn phát triển. Chúng ta cần phải xây dựng thể chế để tạo ra được những tiêu chuẩn có tính chất như thế. Phải khẳng định rằng, để xây dựng một thể chế hoàn chỉnh không phải là một việc dễ dàng vì vấn đề liên quan đến tiềm lực, đến kinh nghiệm, đến khả năng của mỗi quốc gia, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng thể chế dân chủ trong việc nhận thức những đòi hỏi của xã hội. Một tiến trình cải cách khi bắt đầu có thể không có một thể chế trọn vẹn nhưng ít nhất nó phải được bắt đầu từ nhận thức về tiêu chuẩn phát triển. Chúng ta cần phải biết học hỏi, tập hợp các tiêu chuẩn cải cách ở bên ngoài thành hệ tiêu chuẩn phát triển, hệ tiêu chuẩn cải cách cho riêng mình có tính đến những đặc điểm và hoàn cảnh cụ thể của mình. Như vậy, việc "vay mượn" các tiêu chuẩn để chủ động xây dựng chương trình cải cách và phát triển có thể là lối thoát để các nước kém phát triển có thể thiết kế các chương trình cải cách của mình. Âm nhạc có 7 nốt và 5 dòng kẻ nhưng mỗi người sử dụng một cách khác. Thiên tài của Mozart hay Beethoven tạo ra bản sắc âm nhạc của họ chứ không phải 7 nốt nhạc và 5 dòng kẻ tạo ra, nhưng nếu không có 7 nốt nhạc và 5 dòng kẻ thì người ta không có thước đo để tư duy.

Việc xác định tính đúng lúc của các chương trình cải cách cũng như tính đồng bộ của các nội dung của mỗi cuộc cải cách phụ thuộc vào sự nhạy cảm, sự sáng suốt của lực lượng lãnh đạo các cuộc cải cách. ở đây, vấn đề ai sẽ là người thẩm định sự đúng đắn của các chương trình cải cách lại được đặt ra. Theo chúng tôi, trong những nền dân chủ tương đối hoàn chỉnh, tính đúng đắn của các chương trình cải cách được thẩm định bởi xã hội, còn trong những nền dân chủ chưa hoàn chỉnh thì nó có thể được thẩm định bằng lực lượng tiên tiến của xã hội, tức là tầng lớp trí thức. Phải khẳng định là, chỉ có hệ thống cầm quyền, hay nói cách khác là chỉ có các nhà cầm quyền mới đủ điều kiện để tổ chức một cách chủ động các cuộc cải cách. Do đó, để việc hoạch định cải cách không chủ quan, các nhà cầm quyền cần thẩm định các chương trình cải cách của mình thông qua cả sự phản ứng và hưởng ứng của xã hội. Xã hội phản ứng trước hết thông qua lực lượng tiên tiến của mình, do đó, có thể khẳng định lực lượng tiên tiến của xã hội, tức đội ngũ tri thức phải có nhiệm vụ thẩm định một cách minh bạch tính đúng đắn của các chương trình cải cách.

Tóm lại, tính đúng đắn của mỗi một cuộc cải cách không những phụ thuộc vào sự thông minh, độ nhạy bén và sáng suốt của những người thiết kế các chương trình cải cách mà còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức của xã hội. Các nước thế giới thứ ba cần nhận thức về tính đồng bộ của các cuộc cải cách để chủ động hoạch định và tiến hành thành công các chương trình cải cách.

Kết luận

Cải cách kinh tế, cải cách chính trị, cải cách văn hóa và cải cách giáo dục là bốn cuộc cải cách có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại nói chung và các nước thế giới thứ ba nói riêng. Các cuộc cải cách này liên quan mật thiết với nhau, có tác động bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Tiến hành đồng bộ các cuộc cải cách nói trên là giải pháp duy nhất đúng nhằm nâng cao tính hiệu quả và tính triệt để của các cuộc cải cách. Tính đồng bộ của các cuộc cải cách được đảm bảo bởi sự sáng suốt, nhạy cảm của các nhà lãnh đạo và trình độ nhận thức của xã hội trong việc thẩm định tính đúng đắn của các cuộc cải cách, mà điều đó thì phụ thuộc vào chất lượng của nền dân chủ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: