Tính giai cấp và tính nhân dân của nhà nước

Phó giáo sư, tiến sĩ, Phố viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
10:35 SA @ Thứ Hai - 31 Tháng Năm, 2010

Bài viết đề cập đến mối quan hệ giữa tính giai cấp và tính nhân dân của nhà nước xét từ mối quan hệ "thuần khiết" giữa hai giai cấp: giai cấp có tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất, trong một xã hội "thuần khiết" chỉ có hai giai cấp đó. Từ quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác -Lênin, tác giả đã đưa ra những ý kiến của mình về vấn đề này để trao đổi với độc giả, với những ai quan tâm tới tính giai cấp, tính nhân dân của nhà nước và mối quan hệ của chúng.

Vấn đề nhà nước đã và đang là một trong những vấn đề phức tạp nhất của triết học xã hội. Tính phức tạp của vấn đề này thể hiện trước hết ở việc xác định tính giai cấp và tính nhân dân của nhà nước. Nhà nước nào cũng có công cụ bạo lực, công cụ này được dùng để trấn áp hoặc đe doạ trấn áp những lực lượng nào đó vì lợi ích của một giai cấp hoặc lợi ích của nhân dân. Tính giai cấp và tính nhân dân của nhà nước được quy định bởi mục đích của nhà nước khi sử dụng công cụ bạo lực: nhà nước có tính giai cấp nếu nó sử dụng công cụ bạo lực vì lợi ích của một giai cấp, còn nhà nước có tính nhân dân nếu nó sử dụng công cụ bạo lực vì lợi ích của nhân dân.

Như chúng ta đã biết, C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên khẳng định rằng, các nhà nước trong lịch sử đều có tính tính giai cấp. TrongHệ tư tưởng Đức, các ông viết: “Thật ra, mỗi giai cấp mới thay thế cho giai cấp thống trị trước mình, muốn thực hiện được mục đích của mình, đều nhất thiết phải biểu hiện lợi ích của bản thân mình thành lợi ích chung mọi thành viên trong xã hội hay nói ít cách trừu tượng: phải gắn cho những tưởng của bản thân mình một hình thức phổ biến, phải biểu hiện những tư tưởng đó thành những tư tưởng duy nhất hợp lý, duy nhất có giá trị phổ biến”. Nhà nước tư sản “chẳng phải là cái gì khác mà chỉ là hình thức tổ chức mà những người tư sản buộc phải dùng đến để bảo đảm lẫn cho nhau sở hữu và lợi ích của họ, ở ngoài nước cũng như ở trong nước”, “nhà nước là hình thức mà các cá nhân thuộc một giai cấp thống trị dùng để thực hiện lợi ích chung của họ và là hình thức dưới đó toàn bộ xã hội công dân của một thời đại được biểu hiện một cách tập trung”(l).

Theo quan điểm trên đây của C.Mác và Ph.Ăngghen thì nhà nước có tính giai cấp, vì nó là công cụ của “giai cấp thống trị dùng để thực hiện lợi ích chung của họ”. Quan điểm này còn được Ph.Ăngghen trình bày rõ ràng hơn trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Trong tác phẩm đó, Ph.Ăngghen viết: “Nhà nước quyết không phải là một quyền lực từ bên ngoài áp đặt vào xã hội. Nó cũng không phải là cái “hiện thực của ý niệm đạo đức, là “hình ảnh và hiện thực của lý tính” như Hêghen khẳng định. Đúng ra, phát triển tới một giai đoạn nhất định; nó là sự thú nhận rằng xã hội đó bị lúng túng trong một mối mâu thuẫn với bản thân mà không sao giải quyết được; rằng xã hội đó đã bị phân thành những mặt đối lập không thể điều hoà mà xã hội đó bất lực không sao loại bỏ được. Nhưng muốn cho những mặt đối lập đó, những giai cấp có quyền lợi kinh tế mâu thuẫn nhau đó, không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một cuộc đấu tranh vô ích, thì cần phải có một lực lượng cần thiết, một lực lượng rõ ràng là đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng “trật tự”. Và lực lượng đó, nảy sinh ra từ xã hội, nhưng lại đứng trên xã hội và ngày càng tách rời khỏi xã hội, chính là nhà nước”(2); “vì nhà nước nảy sinh ra từ nhu cầu phải kiềm chế những sự đối lập giai cấp; vì nhà nước đồng thời cũng nảy sinh ra giữa cuộc xung đột của các giai cấp ấy, cho nên theo lệ thường, nhà nước là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của cái giai cấp thống trị về mặt kinh tế và nhờ có nhà nước mà cũng trở thành giai cấp thống trị về mặt chính trị và do đó có thêm được những phương tiện mới để đàn áp và bóc lột giai cấp bị áp bức”(3). Cũng như C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã khẳng định nhà nước là tổ chức bạo lực của giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác. Ông viết: “Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặc biệt, nó là tổ chức bạo lực dùng để trấn áp một giai cấp nào đó”(4); “các giai cấp bóc lột cần đến quyền thống trị chính trị để duy trì sự bóc lột nghĩa là để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của một thiểu số rất nhỏ bé, chống lại tuyệt đại đa số nhân dân. Các giai cấp bị bóc lột cần đến quyền thống trị chính trị để thủ tiêu hoàn toàn mọi sự bóc lột, nghĩa là để bảo vệ lợi ích của đa số nhân dân chống lại thiểu số rất nhỏ những chủ nô hiện đại, tức bọn địa chủ và bọn tư bản”(5); “nhà nước chỉ là một tổ chức thống trị của một giai cấp”(6);“bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác”(7); “đặc trưng của nhà nước là sự tồn tại của một giai cấp đặc biệt, tập trung quyền lực trong tay. Dĩ nhiên, không ai có thể dùng hai tiếng nhà nước để gọi một cộng đồng, trong đó tất cả mọi thành viên đều thay phiên nhau quản lý “tổ chức của trật tự””(8).

Rõ ràng là, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn khẳng định các nhà nước trong lịch sử (cụ thể là trong các xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa) đều là công cụ của giai cấp này dùng để thống trị giai cấp khác và do đó đều có tính giai cấp. Đây là một quan điểm khoa học và có vị trí quan trọng trong hệ thống các quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng, xã hội nào cũng tồn tại các mâu thuẫn giữa người và người. Riêng trong các xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa luôn có mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất với một bên là giai cấp không có tư liệu sản xuất (**)

Hai giai cấp này không thể tồn tại tách rời nhau. Bởi lẽ, bên có tư liệu sản xuất nhưng lại có sức lao động, còn bên có sức lao động thì không có tư liệu sản xuất. Sự kết hợp giữa sức lao động với tư liệu sản xuất đã tạo ra của cải cho xã hội, của cải này được phân phối cho cả hai bên một cách không công bằng (có lợi cho giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất, bất lợi cho giai cấp không có tư liệu sản xuất).

Do bị bất lợi trong sự phân chia lợi ích, nên giai cấp không có tư liệu sản xuất luôn có xu hướng đấu tranh chống lại giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất. Để bảo vệ lợi ích của mình, giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất đã sử dụng công cụ bạo lực để trấn áp hoặc đe doạ trấn áp giai cấp không có tư liệu sản xuất. Trước tình trạng bị trấn áp hoặc bị đe doạ trấn áp đó, giai cấp không có tư liệu sản xuất buộc phải tuân theo pháp luật có lợi cho giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất. Trên danh nghĩa thì pháp luật là cái đứng trên cả hai giai cấp và cả hai giai cấp đều đồng ý tuân theo pháp luật. Nhưng về thực chất thì pháp luật là cái do giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất đặt ra nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Do vậy, thái độ thực sự của hai giai cấp đối với pháp luật là khác nhau. Giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất thì tự nguyện tuân theo pháp luật, vì điều đó có lợi cho mình; còn giai cấp không có tư liệu sản xuất thì buộc phải tuân theo pháp luật (chứ không tự nguyện tuân theo pháp luật). Chính công cụ bạo lực nằm trong tay giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất đã buộc giai cấp không có tư liệu sản xuất, dù muốn hay không muốn, cũng buộc phải tuân theo pháp luật.

Pháp luật bao giờ cũng có lợi cho giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và bất lợi cho giai cấp không có tư liệu sản xuất. Mức độ lợi và bất lợi này phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa hai bên. Song, vì tương quan lực lượng này không cố định, nên pháp luật cũng không cố định. Khi giai cấp nào mạnh thêm thì luật pháp sẽ được thay thế theo hướng có lợi thêm cho nó.

Nói đến pháp luật là nói đến nhà nước, vì nhà nước là tổ chức đặt ra pháp luật và sử dụng công cụ bạo lực để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện. Về danh nghĩa, nhà nước là một lực lượng đứng trên xã hội điện cả giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất), có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột ấy nằm trong vòng pháp luật. Song, vì pháp luật có lợi cho giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và bất lợi cho giai cấp không có tư liệu sản xuất, nên trong các xã hội có sự bất công trong việc phân phối lợi ích giữa hai giai cấp này thì công cụ bạo lực của nhà nước chủ yếu dùng để trấn áp hoặc đe dọa trấn áp sự phản kháng của giai cấp không có tư liệu sản xuất. Điều đó chứng tỏ rằng, nhà nước trong các xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản chủ nghĩa có tính giai cấp. Việc chỉ ra tính giai cấp của nhà nước trong các xã hội đó là một trong những đóng góp quan trọng của C.Mác và Ph.Ăng ghen trong lĩnh vực triết học xã hội.

Nhà nước nào cũng có bộ máy công cụ bạo lực. Bộ máy công cụ bạo lực của nhà nước lớn hay nhỏ, điều đó phụ thuộc vào mức độ phản kháng của đối tượng bị nhà nước trấn áp. Trong thực tế, có thể có tình trạng là mâu thuẫn về lợi ích giữa giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất không phải là mâu thuẫn đối kháng, sự bất công bằng trong việc phân chia lợi ích giữa hai giai cấp này tuy vẫn còn nhưng không lớn và do đó, sự phản kháng của giai cấp không có tư liệu sản xuất cũng không gay gắt. Trong tình trạng như vậy thì công cụ bạo lực của nhà nước chỉ cần duy trì ở mức độ nhỏ. Ở các nước cộng hoà dân chủ hiện nay, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước (quốc hội) do toàn dân bầu ra, pháp luật do quốc hội đặt ra. Do vậy, xét về danh nghĩa, các nhà nước cộng hoà dân chủ hiện nay đều là “nhà nước của dân” (của toàn dân). Khái niệm “nhà nước của dân” được sử dụng rất rộng rãi trong sách báo triết học và chính trị, nhưng nhiều người sử dụng khái niệm đó lại không xác định một cách chặt chẽ nội hàm của nó. Những người lãnh đạo các nhà nước hiện nay đều tự coi nhà nước của mình là “nhà nước của dân”, “nhà nước dân chủ (nhà nước do nhân dân làm chủ). Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý rằng, lời nói và việc làm, hiện tượng và bản chất, danh nghĩa và thực tế không phải bao giờ cũng phù hợp với nhau; cái ẩn giấu đằng sau những lời tuyên bố tốt đẹp về chính trị và đạo đức là lợi ích của các giai cấp và tầng lớp nào đó. Về điều này, V I Lênin đã chỉ rõ:“Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”(9). Vì vậy, để xác định tính chất của một nhà nước, chúng ta cần phải phân tích lợi ích của các giai cấp và tầng lớp, chứ không chỉ căn cứ vào những lời người ta tự tuyên bố về nhà nước của mình. Để biết nhà nước ở một nước nào đó có hoàn toàn là “nhà nước của dân” hay hoàn toàn là nhà nước của một giai cấp, chúng ta phải xem lợi ích của các giai cấp và tầng lớp ở nước đó có được bảo đảm hay không, tình trạng bất công trong phân phối lợi ích có còn hay không, các giai cấp và tầng lớp có thực sự hài lòng với pháp luật hay không. Nếu trưng cầu dân ý một cách khoa học và công minh thì nhiều nhà nước hiện nay sẽ bị đa số dân chúng không thừa nhận là nhà nước của họ.

Một xã hội mà còn tình trạng bất công trong sự phân chia lợi ích giữa giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất thì cuộc đấu tranh đòi sự công bằng vẫn còn, công cụ bạo lực của nhà nước ở xã hội đó vẫn được dùng để trấn áp hoặc đe doạ trấn áp giai cấp không có tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, trong hệ thống pháp luật của các nhà nước từ trước đến nay, không chỉ có những luật có lợi cho giai cấp này và có hại cho giai cấp kia, mà còn có những luật có lợi cho cả hai giai cấp, như luật về bảo vệ môi trường, luật phòng chống thiên tai, luật phòng chống dịch bệnh, luật phòng chống tham nhũng... Những luật có lợi cho cả hai giai cấp sẽ được cả hai giai cấp ấy tự nguyện thực hiện. Công cụ bạo lực của nhà nước không cần phải áp dụng để bắt buộc giai cấp không có tư liệu sản xuất thực hiện những luật có lợi cho họ. Song, để thực hiện những luật có lợi cho cả hai giai cấp (có nhiều tư liệu sản xuất và không có tư liệu sản xuất) thì vẫn cần có công cụ bạo lực của nhà nước, bởi vẫn còn một số cá nhân thuộc cả hai giai cấp đó không muốn thực hiện những luật ấy. Ở nhà nước nào thì công cụ bạo lực cũng được áp dụng để trấn áp hoặc đe doạ trấn áp một số cá nhân (thuộc cả giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất lẫn giai cấp không có tư liệu sản xuất) có hành vi chà đạp lên lợi ích của toàn dân. Vì thế, nhà nước nào cũng ít nhiều có tính nhân dân.

Nhà nước là tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật với sự trợ giúp của công cụ bạo lực. Phương thức quản lý xã hội đó của nhà nước khác với phương thức quản lý xã hội của các đoàn thể, các hiệp hội và tổ chức tự quản trong các xã hội cộng sản (xã hội cộng sản nguyên thuỷ và xã hội cộng sản văn minh tương lai). Bằng phương thức đề ra pháp luật và sử dụng công cụ bạo lực để thực thi pháp luật, nhà nước đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong quản lý xã hội đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước đã và đang can thiệp sâu vào nhiều lĩnh vực kinh tế. Sự can thiệp đó, có lúc và có việc, vì lợi ích của một giai cấp nào đó; nhưng cũng có lúc và có việc vì lợi ích của toàn dân.

Trong hệ thống pháp luật của các nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản đều có những luật có lợi cho toàn dân và công cụ bạo lực của nhà nước cũng được dùng để báo vệ lợi ích của toàn dân. Nhưng công cụ bạo lực của các nhà nước đó chủ yếu được dùng để bảo vệ lợi ích của giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất. Theo chúng tôi, đây là một lý do để các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin nhấn mạnh “nhà nước của một giai cấp” và không nói đến “nhà nước của toàn dân”.

Các nhà nước từ trước đến nay đều có cả tính giai cấp và tính nhân dân ở mức độ nhiều ít khác nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa hai tính chất này không giống nhau và không cố định. Nếu ở một xã hội nào đó mà pháp luật đem lại lợi ích cho cả giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất, làm cho hai giai cấp này đều thực sự hài lòng với pháp luật hiện có, thì nhà nước ở xã hội đó sẽ không còn tính giai cấp nữa mà chỉ còn tính nhân dân, vì công cụ bạo lực của nhà nước ở xã hội đó sẽ không cần được sử dụng để trấn áp hoặc đe doạ trấn áp đối với giai cấp không có tư liệu sản xuất, mà chỉ cần được áp dụng để trấn áp hoặc đe doạ trấn áp đối với một số cá nhân không chấp hành pháp luật mà thôi. Vì đối tượng trấn áp là lực lượng nhỏ (đó là một số cá nhân chứ không phải là một giai cấp) nên nhà nước cũng chỉ cần một lượng nhỏ công cụ bạo lực.

Điều kiện để tính giai cấp của nhà nước mất đi là có sự công bằng trong phân phối lợi ích giữa giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất. Khi mà trong xã hội vẫn còn mâu thuẫn về lợi ích và còn có sự bất công bằng trong phân phối lợi ích giữa hai giai cấp này, thì công cụ bạo lực của nhà nước vẫn còn được dùng để trấn áp hoặc đe doạ trấn áp giai cấp không có tư liệu sản xuất, nghĩa là tính giai cấp của nhà nước vẫn còn ở những mức độ nhất định. Nếu lợi ích đối lập giữa hai giai cấp này là cơ bản và mức độ bất công là lớn thì công cụ bạo lực của nhà nước là đáng kể. Còn nếu lợi ích đối lập giữa hai giai cấp này là không cơ bản và mức độ bất công là nhỏ thì công cụ bạo lực của nhà nước là không đáng kể.

Từ trước đến nay, trong các xã hội có sự phân biệt giữa giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất, nhà nước nào cũng ít nhiều có cả tính giai cấp lẫn tính nhân dân. Chỉ khi sự phân chia lợi ích giữa giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất là công bằng thì nhà nước mới hoàn toàn không còn tính giai cấp nữa và mới hoàn toàn là nhà nước của toàn dân. Khi đó, pháp luật mới hoàn toàn là của toàn dân và toàn dân hoàn toàn tự nguyện tuân theo pháp luật.

………………….

(1) C Mác và Ph.ăng ghen. Toàn tập, t.3. Nxb Chính tri Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.68, 90.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.252-253.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.255.
(4) V.I.Lênin. Toàn tập, t.33. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.36
(5), (6), (7), (8) V.I.Lê nin. Sđd., t. 3, tr. 31; t.32, tr. 303; t.37, tr. 122; t.l, tr. 550.

(9)V.I.Lê nin. Sđd. , t. 23, tr. 57.

(**) Giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất trong lịch sử bao gồm giai cấp chủ nô (trong xã hội chiếm hữu nô lệ), giai cấp địa chủ phong kiến (trong xã hội phong kiến) và giai cấp tư sản (trong xã hội tư bản chủ nghĩa). Giai cấp không có tư liệu sản xuất bao gồm giai cấp nô lệ (trong xã hội chiếm hữu nô lệ), giai cấp nông nô (trong xã hội phong kiến) và giai cấp vô sản (trong xã hội tư bản chủ nghĩa). Ngoài giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất và giai cấp không có tư liệu sản xuất, còn có một số giai cấp và tầng lớp trung gian, các giai cấp và tầng lớp trung gian này có ít tư liệu sản xuất (trong quá trình vận động của các giai cấp và tầng lớp trung gian có ít tư liệu sản xuất, một bộ phận có xu hướng chuyển thành giai cấp có nhiều tư liệu sản xuất, một bộ phận khác có xu hướng chuyển thành giai cấp không có tư liệu sản xuất).

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một số quan niệm cổ điển về xã hội dân sự

    09/11/2009Trần Hữu Quang*Trong lịch sử sinh thành của khái niệm "xã hội dân sự" nơi các nhà tư tưởng cổ điển Tây phương, người ta có thể nhận thấy rằng diễn trình biến chuyển của khái niệm này thực ra biểu hiện những sự thay đổi trong các quan điểm lý thuyết về các mối quan hệ giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội. Quá trình biến chuyển này xét về đại thể đã trải qua bốn quan niệm khác nhau...
  • Để hệ giá trị của giai cấp công nhân Việt Nam trở thành một hệ thống giá trị xã hội

    25/01/2008TS. Nguyễn An NinhTác giả đã phân tích một cách khái quát hệ giá trị của giai cấp công nhân biểu hiện trên một số khía cạnh cơ bản: lao động, công bằng, bình đẳng, sự phát triển tự do và toàn diện, phân tích những tiền đề, điều kiện cần thiết cho sự hình thành và phát triển hệ giá trị của giai cấp công nhân. Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề đang đặt ra trong quá trình xác lập và phát triển hệ giá trị giai cấp công nhân ở Việt Nam, tác giả đã luận chứng những yêu cầu về mặt nhận thức và mặt hành động nhằm khẳng đinh và phát huy hệ giá trị của giai cấp công nhân Việt Nam đưa hệ giá trị đó trở thành một hệ giá trị xã hội.
  • Nghiên cứu con người Việt Nam: Mấy vấn đề nhận thức và phương pháp

    18/12/2006Hồ Bá Thâm...từ lâu các học giả nước ta đã chú ý nghiên cứu con người và nhất là con người Việt Nam từ nhiều góc độ, lối nhìn mà càng về sau càng toàn diện và sâu sắc hơn. Kết quả đó cũng khá khả quan như một bước tiến dài trên con đường nghiên cứu nhiều mặt giúp cho độc giả có hiểu biết khá hệ thống ở tầm khoa học và triết học về con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng...
  • Con người và tư tưởng thời bao cấp

    14/09/2006Vương Trí NhànMặt nghệt ra như mất sổ gạo.Một yêu anh có may ô -- Hai yêu anh có cá khô để dành -- Ba yêu rửa mặt bằng khăn--- Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa.Những câu ca dao tục ngữấy được dịch hẳn ra tiếng Anh rồiđược kẻ nắn nót cẩn thận trên những bức tường lớn, dưới đó là mấy gian trưng bày các hiện vật theo một cách thức mà trong điều kiện ở Hà Nội này phải gọi là “hoành tráng”...
  • Việt Nam đổi mới và phát triển

    11/10/2005Nguyễn Hồng PhongNhận thức tương lai qua những mầm mống dạng nảy sinh trong xã hội hiện tại. Các công trình dự báo tương lai đều là những công trình xã hội học và sử học về xã hội đương đại, phân tích các "sự kiện còn đang nhảy múa", tóm bắt nó, gọi nó đúng với cái tên của nó, từ đó nhận thức sự biến chuyển. Học tập phương pháp của các nhà tương lai học, trong công trình này chúng tôi trình bày viễn cảnh của văn minh Việt Nam bằng sự phân tích công cuộc đổi mới có tính lịch sử ở nước Việt Nam hôm nay...