Tính nhân bản và cái gốc văn hóa

02:48 CH @ Thứ Sáu - 15 Tháng Chín, 2017

Chỉ là chuyện một đề thi môn văn tuyển sinh đại học có tín hiệu khởi sắc mà dư luận xã hội đã rộn ràng cả lên: Vậy mà, xem ra chuyện "rộn ràng" này còn đáng mừng hơn cả chuyện đề thi kia, cho dù nó được khởi động từ đó

Tuy có trục trặc về tên tác giả mà báo chí đang đặt ra, nhưng nội dung của tính nhân bản về ý tưởng “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi " vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần ấy cũng lại được thể hiện trong một đề thi khác: "Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất nhiều thứ quý giá khác".Dám tự khẳng định mình, biết trung thực với chính mình, bản lĩnh ấy, phẩm chất ấy phải được xây dựng trên nền tảng của tính nhân bản, từ cái nền đó mới hình thành được những nhân cách cao đẹp.

Đáng mừng hơn, vì đây là một chỉ báo - nói theo ngôn từ xã hội học - về sự nhạy cảm và khát khao trong tâm trạng xã hội đối với một vấn đề lớn hơn đề thi nhiều: Một tầm nhìn mới về giáo dục tính nhân bản1 (theo nghĩa coi trọng con người, đề cao tính người trong mọi thang bậc của hệ thống giá trị, lấy con người làm trung tâm của mọi hoạt động, con người là mục tiêu, đồng thời lả động lực của mọi hoạt động kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội...), nền tảng của sự hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Đây là vấn đề đã có phần phôi pha trong đời sống tư tưởng của một thời. Vì vậy, nó vượt khỏi khuôn khổ yêu cầu sát hạch, tuyển sinh của một đề thi môn văn.

Văn tức là người. Dạy văn là dạy cách "suy nghĩ bằng bộ óc của mình và tìm cách tốt nhất để diễn tả điều suy nghĩ đó " và vì thế, dạy văn "tức là dạy học sinh phát hiện con người của mình "1. Làm sao có thể "phát hiện ra con người của mình " nếu con người không có ý thức về bản thân mình với tính cách là một con người, không hiểu được rằng "tính người" chỉ biều hiện ở chỗ nào bắt đầu có sự quan tâm đến người khác, không hiểu rõ được giá trị cao nhất trong đời sống của con người cần đạt được là gì. Xin chỉ gợi lên một ví dụ: "Thương người như thể thương thân ".Bằng sự trải nghiệm lâu dài trong trường kỳ dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã đúc kết chân lý cuộc sống trong câu tục ngữ quen thuộc và giản dị đó. Đạo làm người mà ông cha ta truyền dạy cho con em không chỉ có trong văn hóa dân gian, mà trong văn chương bác học. Danh sĩ dưới triều Nguyễn thế kỷ XIX cũng từng có tuyên ngôn: Văn chương “Có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người.

Đúng vậy, phải chuyên chú ở con người, cho nên, dạy cách làm người, xây đắp một nền tảng vững chắc và bền lâu cho việc hình thành nhân cách là mục tiêu cơ bản nhất, lớn lao nhất của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Rõ ràng là vấn đề này từng đặt ra cách đây hơn một phần ba thế kỷ, mà thật ra không chỉ thế, đây là đòi hỏi thường trực của một dân tộc có truyền thống văn hiến lâu đời, nhưng xem ra hiện nay vẫn còn tồn đọng quá nhiều bất cập. Trước hết là trong cách dạy văn và học văn, rộng hơn, trong cả hệ thống giáo dục và đào tạo. Nhưng quy lỗi riêng cho hệ thống này là đúng nhưng rất không đủ. Vì dù sao, "hệ thống" này chỉ là một bộ phận, một "hệ thống nhỏ" nằm trong hệ thống lớn. Để nhìn cho ra cái lỗi hệ thống trong hệ thống nhỏ ấy cần phải phân tích rõ và đủ những vấn đề của hệ thống lớn, có vậy mới tìm được giải pháp đúng cho bước đường đi tới.

Một trong những "lỗi hệ thống" dễ thấy nhất chính là trong một quãng thời gian khá dài, chịu ảnh hưởng của những lệch lạc "tả" khuynh, người ta biến những yêu cầu có tính thời đoạn thành mục tiêu lâu dài của chuyện "trồng người", khiến cho tính nhân bản, nền tảng của sự hình thành nhân cách bị xem nhẹ.

Đành rằng, có những thời kỳ, để đánh thắng một kẻ thù ngông cuồng muốn làm cho đất nước này "quay lại thời kỳ đồ đá", thì cả dân tộc phải dồn toàn lực cho cuộc chiến đấu, mọi đòi hỏi khác phải nhường cho yêu cầu sống còn trước mắt. Và dân tộc ta đã chiến đấu với ý chí "không có gì quý hơn độc lập, tự do" để tồn tại và phát triển trong cái thế giới đầy biến động này.

Chỉ có điều, chiến tranh dầu sao cũng là một thời đoạn bất bình thường trong đời sống của một dân tộc, trong đời sống của mỗi con người. Khi những yêu cầu có tính thời đoạn qua đi, phải gấp rút tập trung toàn bộ sức lực và trí tuệ cho mục tiêu lâu dài và bền vững của việc “trồng người”. Đấy là chưa nói, để việc hun đúc tính nhân bản nhằm hình thành nhân cách đúng như cần phải có, thì phải dám nhìn cho ra những di hại ngoài mong muốn mà đời sống chiến tranh tồn đọng lại trong xã hội để có kế hoạch khắc phục. Đương nhiên, dõi sâu vào những hành động anh hùng, dũng cảm của triệu triệu con người làm nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cứu nước vừa qua, thì ngọn nguồn của chúng, không gì khác, là phẩm chất cao đẹp của con ngườì được thử thách và bộc lộ trong những tình huống khắc nghiệt nhất. Ánh lửa nhân văn rực cháy trong nhật ký Đặng Thùy Trâm chinh phục được lòng người để những người buộc phải ở bên kia chiến hào nhưng cũng ấp ủ ngọn lửa ấy trong tim mình nên mới có câu chuyện "Đừng đốt" là một minh chứng sống động. Tuy nhiên, chiến tranh cũng để lại "những vết bầm" trong đời sống tinh thần của xã hội.

Và cũng chẳng phải chi là chiến tranh mới mang tính thời đoạn! Cách mạng lật đổ xã hội cũ của nền chuyên chế phong kiến thực dân thống trị để giải phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ cũng có tính thời đoạn. Bởi lẽ, giải phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ mới chi là nhằm tạo tiền đề để giải phóng con người. Giành độc lập cho đất nước là để tạo tiền đề cho việc đem lại tự do và hạnh phúc cho con người Việt Nam. Cho nên, "nếu nước độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì". Hồ Chí Minh đưa ra lời cảnh báo ấy vào ngày 7-10- 194 5 (tức là gần 3 tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và 45 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945). Sẽ càng hiểu sâu sắc thêm tầm nhìn của Hồ Chí Minh khi suy nghĩ kỹ về lời của Nelson Mandela, lãnh tụ của cuộc cách mạng lật đổ chế độ A-pác-thai, người Anh hùng giải phóng dân tộc của Nam Phi: "Chúng ta chưa có tự do, chúng ta mới giành quyền tự do để có tự do".

Quả thật, "để có tự do" cho con người trong ý nghĩa đích thực của nó, sẽ còn là một quá trình khó khăn và gian khổ bội phần so với quá trình “giành quyền tự do", cho dù để có cái đó thì bao xương máu đã phải đổ ra. Một tòa lâu đài phải mất nhiều năm xây dựng, nhưng để phá bỏ bó thì chỉ trong chốc lát. Xây dựng gian khổ và khó khăn hơn phá bỏ gấp trăm vạn lần. Trong những ngày Tháng Tám lịch sử này, ngẫm cho kỹ những điều nói trên càng thấy rõ thêm vấn đề mang tính quy luật đó đòi hỏi chúng ta phải có bản lĩnh nhìn thẳng vào sự thật với tư tưởng tiến công của Cách mạng Tháng Tám.

Trong sự thăng hoa của niềm "vui bất tuyệt" với cảm hứng "Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên/đôi cánh mở của đất trời giải phóng"2 vào ngày Độc lập buổi ấy chắc chẳng mấy người nghĩ rằng, sau hơn nửa thế kỷ, bên những bước chuyển đổi mạnh mẽ với diện mạo đất nước đổi thay thì Việt Nam vẫn nằm trong những nước kém phát triển do khước bỏ kinh tế thị trường để rồi lại phải quyết liệt đòi hỏi để được công nhận là nước đã có nền kinh tế thị trường! "Đôi cánh thần tiên" vẫn chưa nâng được tầm vóc đất nước ngang với những quốc gia mà với xuất phát điểm của họ cách đây 30 năm, chứ không phải đến hơn nửa thế kỷ, còn lạc hậu hơn chúng ta nhiều. Tuy "đất trời giải phóng" song cho đến hôm nay một bộ phận khá lớn người Việt Nam vẫn phải sống với mức sống khó khăn, gần 20% dân số ở diện nghèo đói và cận nghèo, số người tái mù chữ không nhỏ. Chẳng những thế, cả dân tộc lại đang phải dồn sức chống "quốc nạn" tham nhũng và nỗi bất an lớn nhất lại chính là sự suy thoái của đạo lý xã hội. Và rồi, người ta sớm nhận ra khi những yêu cầu có tính thời đoạn đã kết thúc, sẽ là một khoảng trống vắng nguy hiểm nếu thiếu một nền tảng nhân bản vững bền để từ đó hình thành những nhân cách cao đẹp cho thế hệ trẻ, nhân tố quyết định sự lành mạnh, ổn định và phát triển của một xã hội như chúng ta mong muốn. Trong "khoảng trống vắng nguy hiểm" ấy sẽ nảy sinh những vấn nạn đang trở nên phổ biến như hành vi bạo lực lan tràn, "bạo lực học đường gia tăng", "bạo lực mang gương mặt nữ sinh", khi số khá đông sinh viên "không cho là cần phải sống cao thượng” và câu hỏi chưa có lời giải đáp thuyết phục: Sống trung thực để làm gì, có lợi gì?

Phải đặt những chuyện đáng suy nghĩ ấy trên cái nền của thực trạng không là cá biệt của thói đạo đức giả "nói một đằng, làm một nẻo", "nói vậy mà không phải vậy". Khi mà người ta trở nên quen với việc biến cái giả thành cái thật, người ngay sợ kẻ gian thì niềm tin bị băng hoại và chính điều đó là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đạo lý xã hội vừa nói. Một khi mà niềm tin vào cái đúng, cái tốt, cái đẹp bị phôi pha, thì cái giả, cái ác, cái xấu, mặt đối nghịch với chân thiện mỹ, sẽ có đất nảy nở mà những giải pháp có tính tình thế và chắp vá chỉ có thể cắt bớt ngọn chứ không động được đến gốc. Phải vun đắp cho cái gốc nhân bản mới có được kết quả bền vững.

Điều này ông cha ta từng răn dạy. Lại xin dẫn tiếp lời của Nguyễn Văn Siêu: "Tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ. Vun đắp bên trong thì bên ngoài tốt tươi...Cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn ", cho nên "cần phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó ". Ngẫm nghĩ kỹ, thì ra những tư tưởng thấm đượm tính nhân bản ấy của ông cha ta liền mạch với ý tưởng nhân văn của trí tuệ thời đại.

Để bứt lên khỏi thân phận của một nước kém phát triển với mức sống của đại bộ phận dân cư vẫn còn thấp và quá thấp, thì dồn sức phấn đấu cho sự tăng trưởng kinh tế là đòi hỏi sống còn. Những để đất nước phát triển một cách bền vững đúng như những tiêu chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong ngày lập nước 2-9-1945 sau khi Cách mạng lật đổ Nhà nước quân chủ phong kiến để thành lập Nhà nước cộng hòa với mục tiêu độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc, thì phải cần đến "ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa "!

Có một sự thật không thể lẩn tránh đó là trong bốn tiêu chí được nêu lên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công thì trong nửa thế kỷ, phải mất ba mươi năm dồn sức cho độc lập với hai cuộc chiến tranh đẫm máu. Chỉ từ tháng 5 năm 1975 mới có thể dồn sức cho ba mục tiêu còn lại. Phải có đầy đủ ý thức về vai trò và sức mạnh của văn hóa trong việc thực hiện ba mục tiêu còn lại của Cách mạng Tháng Tám và của các cuộc kháng chiến thần thánh. Nhưng rồi, cũng từ đỉnh cao của thắng lợi, đất nước lại phải đứng trước vực thẳm của sụp đổ nếu không có Đổi Mới.

Nói về Đổi Mới, Phạm Văn Đồng đưa ra một nhận định đáng suy nghĩ: “... hôm nay chúng ta không thể không vui mừng đánh giá nó là một sản phẩm của trí tuệ, nghĩa là của văn hóa ". Từ ý nghĩa đó, ông khẳng định: "Đổi mới phải bắt nguồn và bắt rễ từ mảnh đất văn hóa ", vì vậy mà nói "văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa"1.

Những phác thảo ý tưởng vừa được vắn tắt và sơ lược gợi ra trên đây là những cảm nhận và suy ngẫm trong dịp kỷ niệm lần thứ 64 Cách mạng Tháng Tám nhân những "rộn ràng" của dư luận xã hội về đề thi tuyển sinh môn văn năm nay. Những từ "phác thảo", "vắn tắt" và "sơ lược" nhằm nói rằng, trong phạm vi bài viết này, chỉ mới là sơ bộ đặt vấn đề chắc chắn còn quá sơ lược và nông cạn còn cần phải suy nghĩ, tìm tòi, trình bày tiếp và tranh luận để sáng tỏ thêm.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: