Tôi sợ hậu kỷ niệm

08:40 SA @ Thứ Bảy - 08 Tháng Năm, 2010

Chương trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội đã được khởi động từ năm 2000, khi kinh đô xưa, thủ đô nay vừa tròn 990 năm tuổi. Mười năm qua dồn lại năm nay. Năm nay dồn lại mười ngày đầu tháng mười. Mười ngày dồn lại một ngày, 10/10/2010. Cái ngày được chọn tổ chức đại lễ kỷ niệm, chứ không phải là cái ngày được kỷ niệm. Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La là vào “mùa thu, tháng 7” năm Canh Tuất, 1010 (Đại Việt sử ký toàn thư). Tôi sợ, trước hết, khi đại lễ xong rồi, đồng hồ đếm ngược đã dừng, thì biết đâu cái ngày 10/10 sẽ vô tình khiến nhiều người, nhất là lớp nhỏ và lớp trẻ, tưởng là ngày Lý Thái Tổ dời đô. Chuyện này khi đồng hồ mới dựng lên cách hơn ba năm trước, một số nhà sử học đã lên tiếng, nhưng việc đã rồi, nhi dĩ.

Bây giờ ở Hà Nội đi đâu, ở đâu, từ các cơ quan công quyền đến hàng chè chén, từ báo chí truyền hình đến câu chuyện lê la vỉa hè, từ đường phố đường quê đến nhà quê nhà phố, có lẽ hai tiếng “nghìn năm” là được nói nhiều nhất, được dùng nhiều nhất, thành ra bị lạm dụng nhất. Người ta dán nhãn mác “nghìn năm” cho bất cứ cái gì nghĩ ra, làm ra trong dịp này, bất kể ý nghĩa, tác dụng của nó ra sao. Một hội chứng ăn theo khủng khiếp và đáng sợ. Hội chứng này như có từ trong máu của người mình. Hội chứng này được gia tăng, khuếch trương, phình nở trong cuộc sống hiện đại của người mình, theo một lối tư duy tuyên truyền máy móc, rập khuôn, chạy theo hình thức, bề ngoài. Dịp “nghìn năm” chỉ là hội tụ, chưng cất hội chứng đó lên cao ở quy mô thủ đô và cả nước mà thôi. Nhớ mà xem, ngẫm mà xem, trên đất nước mình hàng chục năm qua đã có biết bao cái được dán nhãn chào mừng một ngày tháng nào đó, một dịp kỷ niệm nào đó, một sự kiện nào đó, để rồi trong báo cáo tổng kết cuối năm ngành nghề nào, đoàn thể nào cũng tranh nhau, chia chác nhau nêu lên là đã có ‘công trình chào mừng”. Tôi sợ, khi kỷ niệm xong rồi, hai tiếng “nghìn năm” sẽ bị chuyển sắc thái ngữ nghĩa từ tích cực sang tiêu cực.

Còn gần sáu tháng nữa cho chặng chạy đua nước rút về “nghìn năm”. Bao nhiêu công trình mang danh “nghìn năm” đang dang dở, đã chậm tiến độ, đã buộc phải lùi lại thời gian hoàn thành. Sau dịp kỷ niệm, tin tôi đi, cái không khí ào ào làm lấy được cái này cái nọ “nghìn năm” để lây phần kỷ niệm sẽ dẹp xuống, sẽ lặng đi. Rồi khi đã hết động lực kỷ niệm, chào mừng, các công trình sẽ làm đến khi nào xong thì xong. Và người dân mỗi khi phải chạm mặt một dự án, một công trình, vốn từng được xưng là “nghìn năm” nay cứ chình ình, dềnh dang, sẽ chép miệng bảo: “Nghìn năm mà!”. Tôi sợ cái chép miệng đó. Sợ mà đau lòng và thương cho vua Lý Thái Tổ.

Thực tế cuộc sống đã làm tôi sợ như vậy từ lâu. Gần đây nhất là dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi khối tượng đài được tiền hô hậu ủng đúc ở đồng bằng rồi chở lên núi tốn kém bao nhiêu tiền bạc, công sức, làm mọi cách, bằng mọi giá, dựng lên cho kịp ngày kỷ niệm, để rồi ngay sau đó là nứt tượng, là rỉ đồng, là mấy người phải ra vành móng ngựa, là lại phải đổ thêm tiền tỷ để gia cố, sửa chữa. Những người ngã xuống ở chiến trường Điện Biên biết thế chắc cũng ngậm ngùi, xót xa. Thực tế nhãn tiền là trên các đường phố Hà Nội nhiều dịp lễ lạt, kỷ niệm, sự kiện qua rồi mà khẩu hiệu, băng cờ vẫn cứ chăng chăng, không được gỡ bỏ ngay. Thực tế sát cạnh là dự án kéo dài đường Văn Cao ra Hồ Tây gắn mác “nghìn năm” gần nơi tôi ở, mỗi sáng đi làm tôi đều bị tắc đường ở đó, nay đã được quyền tuyên bố “lỡ hẹn” kỷ niệm (Tuổi Trẻ, 28/4/2010).

Tôi sợ, sau ngày 10/10/2010 - xin nhắc lại đây là ngày lấy làm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ rồi có những chuyện không vui quanh hai tiếng “nghìn năm” bị đổi ngữ điệu. Mong không là vậy, nhưng cũng khó thay không là vậy. Thôi thì nhắc mình, nhắc người để con cháu cùng nhau lòng thành xây dựng Thăng Long xưa Hà Nội nay nghìn năm tuổi vẫn trẻ trung, càng khoáng đạt, xứng với vị vua “nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời” (Ngô Sỹ Liên) đã định vị đất này làm trung tâm nước Việt.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hóa Thăng Long - Hà Nội

    17/10/2019GS.TS. Trần Văn BínhCon người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người...
  • Về cái thời chúng ta đang sống

    14/07/2017Phong LêCái thời ấy thế mà cũng đã hơn 20 năm, trong tên gọi Đổi mới. Dài hơn hai lần chống Pháp. Dài hơn hai lần cả nước chống Mỹ. Hơn hai thập niên đất nước chia cắt... Những thời ấy, có lúc là ngàn cân treo sợi tóc - nhưng cả dân tộc cùng chung lo, cùng chịu đựng, cùng nhất tề xông lên, nhất tề đồng khởi... Còn bây giờ - là trăm mối lo toan. Mỗi biến động lớn nhỏ của đời diễn ra ở quanh ta, hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới là trực tiếp đến với từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng cá nhân riêng lẻ. Không bom đạn trên đầu, mà bối rối trong óc và bồn chồn trong lòng. Một cuộc sống sôi sục, cựa quậy trong những chuyển đổi.
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Nghĩ thêm về bản sắc

    21/12/2009Nguyên NgọcBây giờ thường nghe nói nhiều đến toàn cầu hóa và hội nhập, và mỗi khi nói đến hội nhập hầu như bao giờ cũng nghe kèm theo một chữ “nhưng” chặt chẽ và thận trọng: Hội nhập, đúng rồi, không thể không hội nhập trong thời đại ngày nay, nhưng phải luôn tâm niệm không được để mất bản sắc (cũng như hễ nói đến tiên tiến thì, nhưng, phải đậm đà bản sắc dân tộc).
  • Tỏa sáng văn hóa Việt

    02/03/2009GS.TS Phùng Hữu PhúĐặc điểm của thăng Long - Hà Nội là một đô thị lâu đời một thành phố sông hồ, một vùng đất có hệ sinh thái đa dạng phong phú nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến tự nhiên. Lợi thế hàng đầu của thăng Long - Hà Nội là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm năng trí tuệ dồi dào, tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú. Tất cả những yếu tố đó đều phải được tính đến một cách khoa học trong quy hoạch phát triển đô thị, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xác định hướng phát triển ưu tiên và những lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm mũi nhọn.
  • Tâm thế ngàn năm

    28/01/2009GS. Tương Lai"Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân". Thế là cũng đã qua một năm với bao biến động. Quyết liệt mạnh mẽ ghi nhận dấu ấn của sự đổi mới có, dữ dội tàn khốc gây bao thảm họa cũng có. Và rồi một mùa Xuân lại đang đến...
  • Những di sản sống của đất Thăng Long

    20/01/2009Lê Thị TrangQuả thực, có nhiều lúc người ta như không còn tìm thấy những vẻ đẹp của cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nữa. Đô thị hóa và đời sống hiện đại hầu như đã xóa đi tất cả.
  • Mở rộng Hà Nội: Nỗi lo giữ gìn văn hóa thủ đô

    13/05/2008Đan TâmViệc mở rộng Hà Nội cần được tính toán rất kỹ về nhiều mặt và có bước đi thích hợp nhằm thể hiện được thủ đô là tiêu biểu nhất cho chính trị và văn hóa của đất nước
  • Trăm năm… nghìn năm…

    04/07/2006Phạm ToànCho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy được cả trái đất”. Thời Khai sáng, một nhà bác học tuyên bố “Cho tôi giáo dục, tôi sẽ bẩy được cả trái đất”. Không nhại ai hết, từng có một nhà bác học thời đương đại đã nói “Cho tôi học sinh lớp một của cả nước, tôi sẽ dạy lại cách tư duy cho cả một dân tộc”...
  • xem toàn bộ