Trả lại tên cho một nhà thơ tiền chiến đất Thăng Long

09:28 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Chín, 2010
Một chiều mùa hạ, tôi ghé thăm phố Yên-hòa thuộc quận Cầu Giấy- Hà nội trên đất Hạ-Yên-Quyết của ngoại thành Thăng Long xưa , tục gọi là làng Cót – một trong tứ danh hương của đất kinh kỳ Thăng Long . Làng đã thành phố, chả còn một làng quê có cây xi đầu làng rủ bóng xuống dòng sông Tô lịch thơ mộng thuở nào. Làng cũ chắc chỉ còn trong ký ức của những người Hà nội gốc như bao làng quê khác mà thôi ! Người ơi người có buồn không ???

Những ký ức xa xưa chỉ dừng lai láng trong tôi khi tôi cầm trên tay tập thơ “Hương sắc Yên hòa” do phường Yên hòa-quận Cầu giấy xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm thành lập câu lạc bộ thơ (1995-2005). Không có gì đáng nói nhiều về tập thơ này, vì nó cũng như bao tập thơ khác sinh ra từ rất nhiều câu lạc bộ thơ tương tự ở các phố phường Thủ đô gần đây, nếu không có phần 2 của tập thơ nhan đề : “Hương xưa”(trang 187) . Thoáng một chút thú vị , vì trong phần này có nhắc đến một người mà tên đã trở thành tên một đường phố của Thủ đô Hà nội : “Hoa-Bằng”. Cụ Hoa-Bằnglà người gốc làng Cót của kinh thành Thăng Long xưa, tên thật là Hoàng-Thúc-Trâm (1902-1977), nguyên là chủ bút của tuần báo (tạp chí) Tri-tân những năm tiền chiến (1940-1945), một trong những tạp chí gây tiếng vang lớn đầu thế kỷ XX, đã đem đến độc giả yêu văn học một sinh khí mới và lạ. Cụ Hoa-Bằng còn là một nhà văn, nhà sử học và đã được suy tôn là nhà văn hóa của Hà nội với một tên phố dài quanh co ven sau làng cũ …

Nhưng điều khiến tôi bất ngờ không phải là vì gặp lại Cụ Hoa-Bằng, mà ở phần 2 này của tập thơ “Hương sắc Yên Hòa”, bất ngờ tôi thấy một cái tên ít người biết đến (nếu không phải là nhà nghiên cứu văn học sử Việt nam) – đó là nhà thơ Minh-Tuyền. Tôi chợt nhớ trong Từ điển văn học do nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1983, tại trang 126, vần “N”, trong mục “Nhóm Tri-tân” đã ghi : “Về sáng tác, báo Tri-tân đã đăng thơ của Minh-Tuyền (trường ca “Tạo hoá và nhân loại”, 1943)…” . Vậy nhà thơ Minh-Tuyền đã có tên trong Từ điển văn học Việt nam . Ông là ai vậy?

Giở cuốn “Tạp chí Tri-tân (1941-1945)- Truyện và Ký” của các nhà nghiên cứu văn học Lại-Nguyên-Ân và Nguyễn-Hữu-Sơn, do nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2000 tại Hà nội, ở trang 47 và trang 220, ta lại gặp tác giả Minh-Tuyền với 2 truyện và ký (trang 47 và trang 220) . Trong lời dẫn mở đầu cuốn sách, tác giả Lại-Nguyên-Ân có viết : “…Ngoài ra còn thấy (trên tạp chí Tri-tân, Tg) khá nhiều thơ dài, ngắn về đề tài lịch sử như Hát Giang trường lệ, Sóng Bạch Đằng, Tạo hóa và nhân loại của Minh Tuyền…” (trang 7 sách dẫn) và ở trang 875, trong lời dẫn về tác giả, cuốn “Tạp chí Tri-tân (1941-1945)- Truyện và Ký” có viết : “Minh-Tuyền (?) quê ở Sài gòn (nay là TP H.C.M) viết báo, làm thơ” . Vậy Minh-Tuyền là ai, ở đâu ? tên thật là gì? Các tác giả Lại-Nguyên-Ân và Nguyễn-Hữu-Sơn với dấu (?) đã thật sự chưa cho ta thấy lời giải đáp .

Lần giở các tác phẩm nghiên cứu văn học sử Việt nam cũ, chúng tôi thấy nhà thơ Minh-Tuyền đã được nhiều nhà ghiên cứu lịch sử văn học Việt nam bàn luận và đánh giá, nhất là các học giả ở Sài gòn cũ (nay là TP H.C.M, phải chăng vì vậy mà tác giả Lại-Nguyên-Ân và Nguyễn-Hữu-Sơn đã có suy đoán“Minh-Tuyền (?) quê ở Sài gòn (nay là TP H.C.M) viết báo, làm thơ”). Xin đưa ra đánh giá của một vài nhà nghiên cứu có tên tuổi về Minh-Tuyền sau đây làm dẫn chứng :

- Nguyễn-Tấn-Long trong “Việt Nam thi nhân tiền chiến” do nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1967 tại Sài gòn, trong một bài khảo cứu dài về Minh-Tuyền đã viết : “Xin các bạn đừng vội thấy danh từ (Thơ triết học-Tg) quá to tát mà ngao ngán, không lưu tâm đến một trường thơ mới lạ (trường ca “Tạo hóa và nhân loại”-Tg), một lối thơ tuy không may mắn sinh tồn trong thời tiền chiến, nhưng phải kể là một sáng kiến lớn lao, đã đánh dấu một hướng đi dị biệt mà nền thi ca đất nước không thể bỏ qua, và người yêu thơ không thể không biết đến.” (trang 293 sách dẫn) .

- Phạm-Thế-Ngũ trong “Thi nhân tiền chiến” xuất bản ở Sài Gòn năm 1960 có đánh giá : “Người (chỉ Minh Tuyền-Tg) say sưa gieo vần thơ triết trên thi đàn đất nước từ nửa đầu thế kỷ 20 … đáp ứng một nhu cầu của thời đại…”.

- Và đây là đánh giá của nhà văn hóa, nhà sử học,nhà văn Hoa-Bằng, trong bài tựa cho tập thơ “Phấn đấu” của Minh-Tuyền xuất bản năm 1943 tại Hà nội: ““Phấn đấu” nâng nghệ thuật lên đỉnh cao lý tưởng…” .

- v..v …

Qua những đánh giá này ta thấy nhà thơ Minh-Tuyền là một nhà thơ “hiếm” thấy trên thi đàn Việt nam thời tiền chiến mà vì một lý do nào đó các tác phẩm của Ông ít được biết đến với độc giả miền Bắc XHCN. Các nhà nghiên cứu phê bình miền Bắc cũng chưa có dịp khám phá về Ông trong một thời gian dài trước ngày thống nhất . Đặc biệt về thân thế của

Ông thì vẫn là một dấu (?) đối với các nhà nghiên cứu văn học sử Việt nam, cho đến tận năm 1999 với nhà nghiên cứu Lại-Nguyên-Ân và Nguyễn-Hữu-Sơn cũng vẫn còn chưa làm sáng tỏ, như đã nói ở trên .

Rất may, trong cuốn “Tạp chí Tri-tân (1941-1945)- Truyện và Ký” của nhà nghiên cứu văn học Lại-Nguyên-Ân và Nguyễn-Hữu-Sơn lại sưu tầm được toàn văn ký sự của Minh-Tuyền viết ngày 19/7/1942 với đầu đề : “Thăm trại thanh niên Thanh Mai” (trang 220 sách dẫn) , ở đây đã hé lộ cho ta lời giải đáp cho câu hỏi còn bí ẩn về thân thế nhà thơ Minh-Tuyền mà cho đến nay vẫn còn là dấu (?) trong văn học sử nước nhà. Trong ký sự này Minh-Tuyền đã kể lại chuyện Ông và Cụ Hoa-Bằng cùng nhau đến thăm trại thanh niên Thanh Mai do cụ Dương-Đức-Hiền (sau là tổng thư ký Đảng Dân- chủ trong mặt trận Việt minh) tổ chức – một sự kiện hoàn toàn có thật . Thông tin này cho ta đầu mối để hiểu biết về thân thế của nhà thơ Minh-Tuyền. Rõ ràng nhà thơ Minh-Tuyền và Cụ Hoa-Bằng có một quan hệ rất gần gũi, cùng đi chơi với nhau, cùng làm báo làm thơ với nhau và Minh-Tuyền đã là thi sỹ chủ lực trên tạp chí Tri-tân do Cụ Hoa-Bằng làm chủ bút ở Hà nội vào thời kỳ tiền chiến, Cụ Hoa-Bằng đã viết lời tựa cho tập thơ “Phấn đấu” của thi sỹ Minh-Tuyền …

Trên quê hương Làng Cót-Yên Hòa, chúng tôi còn được đọc bức thư đề ngày 11 tháng 10 năm 1974 của Cụ Hoa-Bằng gửi nhà thơ Minh-Tuyền, trong đó có các đoạn viết :

Kg Ông Minh Tuyền thân ái, dạo trước tôi đã viết gửi Ông một thư, trong chép cả hai bài thơ của tôi để các ông xem, nhưng lúc đem về, nó lại đánh rơi mất : thế là một sự không may ! Nay xin viết lại…”

… Về tên tự của tôi : “Hoa Bằng”, là do thầy tôi đặt cho từ năm tôi 20 tuổi . Lấy chữ trong Kinh Dịch : “Bằng hạp trâm” , nghĩa là tập hợp bạn hữu một cách nhanh chóng. Đó là theo nghĩa trong Dịch. Còn đây là do tính tôi thích cây và yêu hoa, cho nên thầy tới đặt là “bạn với hoa” (Hoa Bằng) . Ban đầu là tên tự, sau dùng làm bút danh …

Bí mật về thân thế nhà thơ Minh-Tuyền đã đến lúc hé lộ khi ta đến quê hương Cụ Hoa-Bằng và đọc phần 2 “Hương xưa” của tập thơ “Hương sắc Yên-hòa” mà chúng tôi đã nói đến ở đầu bài viết này. Thế mới hay, đôi khi một cánh lá nhỏ nhoi trong rừng cây văn học lại cho ta những thông tin quí giá để giải đáp cho những khúc mắc của văn học sử! Sự thật, nhà thơ Minh-Tuyền mà bấy lâu nay nhiều nhà nghiên cứu (kể cả từ điển văn học Việt nam) khảo cứu đều không rõ nhân thân: Ông tên thật là Hoàng-Chí-Trị (trong “Hương sắc Yên-hòa” ghi là Hoàng-Trí-Trị), sinh năm 1916 và mất năm 2001 tại làng Cót –một trong tứ danh hương nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa – và là phường Yên-hòa, quận Cầu giấy, Hà nội ngày nay. Ông là em họ của Cụ Hoa-Bằng Hoàng-Thúc-Trâm – người vinh danh cho làng Cót thời đương đại. Thân thế và một số bài thơ của nhà thơ Minh-Tuyền được trình bày khiêm tốn trong tập thơ “Hương sắc Yên-hòa” từ trang 200 đến trang 2006, xin công bố để các nhà nghiên cứu văn học sử Việt Nam cùng tham khảo.

Chúng tôi mong có dịp khác nói nhiều hơn về các tác phẩm thơ của nhà thơ Minh Tuyền Hoàng-Chí-Trị – "Người say sưa gieo vần thơ triết trên thi đàn đất nước từ nửa đầu thế kỷ 20”, người “đã đánh dấu một hướng đi dị biệt mà nền thi ca đất nước không thể bỏ qua, và người yêu thơ không thể không biết đến ” …

Hà Nội, Rằm tháng Bảy, năm Canh Dần (2010)


Hồi âm ngắn xung quanh tác giả Minh Tuyền
(Lại Nguyên Ân, Phongdiep.net)

Tôi vừa đọc trên phongdiep.net một bài của Hoàng Thư Ngân nhan đề ‘Trả lại tên cho một nhà thơ tiền chiến đất Thăng Long’, nói về nhà thơ từng có nhiều tác phẩm, bài viết đăng trên báo chí trước 1945 với bút danh Thanh Tuyền hoặc H. Thanh Tuyền.

Điều rất đáng khích lệ là bạn Hoàng Thư Ngân, qua một tư liệu là cuốn ‘Hương sắc Yên Hòa’ do phường Yên Hòa quận Cầu Giấy xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ thơ (1995-2005), đã tìm thấy thông tin về nhân thân thật của con người từng viết ra và đưa đăng những bài thơ trong đó có bài thơ dài nhan đề ‘Tạo hóa và nhân loại’ (Tri tân, 1943). Theo nguồn này, nhà thơ Minh Tuyền có họ tên thật là Hoàng Chí Trị, sinh năm 1916, mất năm 2001, quê làng Cót tức Yên Quyết, Cầu Giấy, Hà Nội, là em họ của học giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (1901-77).

Về tác phẩm của Minh Tuyền, bài của bạn Hoàng Thư Ngân mới chỉ nhắc đến bài thơ dài ‘Tạo hóa và nhân loại’ và bài bút ký ‘Thăm trại thanh niên Tương Mai’ (mà nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn và tôi đã đưa in vào sưu tập ‘Truyện và ký. Tạp chí Tri Tân, 1941-45’ , Nxb. Hội nhà văn, H., 2000). Nhân đây tôi xin nói thêm về các tác phẩm khác, cũng đã được sưu tầm và đưa vào các sưu tập do tôi tham gia thực hiện.

1/ Trong sưu tập tư liệu ‘Phê bình văn học. Tạp chí Tri Tân, 1941-45’ (Nguyễn Hữu Sơn và Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm, Nxb. Hội nhà văn, H., 1999), (tôi là người biên tập chính của Nxb HNV cho cuốn sưu tập này), có tuyển 1 bài của Minh Tuyền nhan đề ‘Triết thi’ (đăng Tri tân số 118, tháng 10/1943); chính bài báo này đã gợi suy nghĩ cho Nguyễn Đình Thi để cây bút trẻ này viết bài ‘Thơ triết học’ (đăng ‘Tri tân’, s. 135, tháng 3/1944) trao đổi và bổ sung quan niệm về khu vực mới mẻ này của sáng tác thơ ca.

2/ Trong sưu tập ‘Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm’ do tôi và nhà thơ Ý Nhi biên soạn (in lần đầu vào năm 1992, lần in gần đây nhất, lần thứ 6, vào năm 2004), có chọn in 5 bài thơ của Minh Tuyền từng đăng ‘Tri tân’ , đó là các bài: Hồn mộng; Hát Giang trường lệ; Sóng Bạch Đằng; Chơi thuyền; Hy vọng.

Đó là mấy thông tin gửi đến bạn Hoàng Thư Ngân và những ai quan tâm khôi phục tác phẩm và làm rõ nhân thân cùng sự nghiệp sáng tác, trứ thuật của những tác gia tiền chiến. Bạn Hoàng Thư Ngân nên tìm thêm tài liệu để viết thêm, làm rõ hơn về nhân thân và trứ tác của tác gia này.

Nói chung, tôi mong là sẽ có thêm những bạn nghiên cứu trẻ đi vào khu vực ‘ôn cố’ này.

Tiện thể xin nói thêm, tài liệu tạp chí ‘Tri Tân’ không phải là khó tìm. Gần đây, năm 2009, Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp ở Hà Nội đã thực hiện dưới dạng đĩa DVD sưu tập toàn bộ tạp chí ‘Tri tân’; tôi có giúp tìm những số cuối và viết lời giới thiệu chung về tạp chí này, in ngay trong đĩa DVD ấy. Bạn nào cần, xin đến liên hệ với trụ sở Viện này ở xóm Hà Hồi, Hà Nội.

(29/8/2010)
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc lại văn thơ Đông Kinh nghĩa thục

    02/03/2017Nguyên AnTrong kho tàng văn chương - văn hoá Việt Nam mấy trăm năm nay, có lẽ không có một nhóm tác giả, một tao đàn, một phong trào nào tồn tại ngắn ngủi mà lại có tiếng vang tốt đẹp, lâu dài như phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
  • 'Я вас любил' - 'Tôi yêu em', bài thơ không hình ảnh

    20/04/2014Ngô Tự Lập"Tôi yêu Em" của Puskin chắc chắn là một trong những bài thơ dịch nổi tiếng nhất ở nước ta nói chung và của dịch giả Thuý Toàn nói riêng. Bản thân người viết những dòng này cũng thuộc lòng bài thơ từ tuổi học trò...
  • Ngọn lửa thời hồng hoang

    20/11/2013Nguyễn Tất SanTừ thuở Hồng hoang, như Anh từng biết đó
    Con người ta sống tăm tối cơ hàn
    Từ đỉnh Cô – Ca – Dơ
    Promete đã cướp Lửa Trời...
  • Độc thoại Trần Dần

    19/01/2010Khánh PhươngNgay từ thuở cùng Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương viết tuyên ngôn Tượng trưng, Trần Dần đã mặc nhiên khảng khái công bố quan niệm, thơ bỏ qua những biểu hiện đơn nghĩa của sự vật, sự kiện, đời sống, mà muốn dung hợp tất cả biểu hiện hiện thực trong cõi tương hợp của cảm giác, biến nó thành không gian rộng lớn tiếp biến kỳ ảo của những biểu tượng tiềm thức. Như vậy cũng có nghĩa, nhà thơ không được quyền sao chép ngay cả những cảm xúc dễ dãi của bản thân.
  • Thơ ta thơ tây

    03/07/2009Phạm QuỳnhNhư muốn vẽ bức tranh thì con mắt phải nhìn trong cảnh vật mà thu lấy cái hình ảnh, rồi mới tìm cách truyền thần ra giấy ra lụa. Muốn làm bài thơ cũng vậy, trong trí phải tưởng tượng ra một cái cảnh, hoặc là cảnh thiên nhiên, hoặc là cảnh trong tâm giới, rồi dùng những âm hưởng thích đáng mà gọi, mà kêu nó lên, khiến cho người nghe cũng phảng phất tưởng tượng như thế. Hai đàng cùng là vẽ cả, một đàng là vẽ cách trực tiếp, một đàng là vẽ cách gián tiếp, nhưng đều muốn khêu gợi ra mối tư tưởng cảm tình trong tâm trí người ta vậy.
  • Thơ, thay đổi để tồn tại

    13/03/2009InrasaraMỗi trường phái mới bằng mỗi thử nghiệm hay mỗi bước chuyển đều có sự thất bại hay thất thố bên cạnh bật lên các đại biểu xuất sắc của nó. Nhà phê bình không thể dùng tiêu chí thẩm mĩ này để đánh giá sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Càng không đánh giá sáng tác thuộc mĩ học mới qua những sản phẩm kém cỏi được. Nhà tư tưởng chỉ có thể bị vượt qua khi phần vô ngôn của tư tưởng ông ta được khai mở trọn vẹn, - Heidegger nói thế. Một trào lưu văn nghệ chỉ có thể bị vượt bỏ khi chính tác phẩm đại biểu xuất sắc của nó bị vượt qua. Vượt qua, không phải người đọc không còn thưởng thức nó nữa, mà là: người viết hết còn sáng tác theo vết mòn của nó!
  • Chùm thơ Thiền

    28/02/2009Hà Vĩnh TânSống sao lòng thật thảnh thơi,
    Xem đời như cuộc dạo chơi sơn hà,
    Năm châu ấm một mái nhà,
    Tình thương hiểu biết là quà Phật ban...
  • Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực

    09/12/2006Vũ Ngọc TiếnCó một thời ấu trĩ, hễ ai nhắc đến Hiện sinh còn bị chuốc vạ vào thân, đã kìm hãm sự phát triển văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Đáng tiếc, bước vào đổi mới, có một số người, để tỏ ra mình cấp tiến hơn các bạn viết, đã cố gồng cây bút lên cho có vẻ Hiện sinh, mà có khi Hiện sinh là gì họ còn chưa hiểu hết, sách Hiện sinh chắc gì đã đọc cho nghiêm túc. Ngược lại, có không ít người lại tỏ ra dị ứng, ác cảm với Hiện sinh. Triết học nào lập ra cũng vì con người, hướng dẫn con người đi tìm đến cội nguồn của hạnh phúc...
  • Bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư

    18/09/2006Với Tiếng thu, Lưu Trọng Lư viết thu thanh và đã dọn cho mình một chỗ ngồi khá độc đáo trên văn đàn của những thi sĩ mùa thu...
  • Thơ là giọng, là phong cách của tư tưởng

    07/04/2006Thiếu chúng ta, thế giới vẫn hoàn chỉnh. Một sự thật không thể khoan thứ. Nhà thơ đáp lại bằng cách nổi loạn, muốn chứng tỏ rằng không phải thế. Do lòng tự đại bị tổn thương, niềm tự hào ương ngạnh hoặc nhu cầu tuyệt vọng, nhà thơ kinh niên tranh cãi với sự thật, và một điều kinh ngạc xảy ra: một sự thật khác được tạo nên, giống như một thành tố mới có phần đối nghịch với điều không thể khoan thứ.
  • Nhà thơ - người thợ lành nghề hay nhà tiên tri?

    08/09/2005Những lý thuyết về thơ từ những thời kỳ xa xưa đều xoay quanh ý niệm nhà thơ như người thợ thủ công khéo léo, như nhà tiên tri đầy cảm hứng, hay như một sự kết hợp thế nào đó của cả hai. Trong thế giới cổ đại, từ “thơ” nguyên nghĩa là “chế tác”, và bao gồm mọi hình thái sáng tạo sinh sôi của con người – chế tác những cái hũ cũng như chế tác những bài thơ. Nhưng nó sớm mang ý nghĩa nghệ thuật “chế tác” văn chương, sự trình bày có tính chất tưởng tượng về hành động, tính cách, và cảm xúc con người – thông qua từ ngữ. “Sự chế tác” như vậy bao gồm những tác phẩm kịch, ...
  • Chùm thơ về hoa bằng lăng

    02/12/2003Bằng lăng - Màu tím - Mùa hạ - Tuổi học trò
  • xem toàn bộ