Chân lý là đất không có lối vào

Trưởng phòng Triết học văn hoá - Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
02:11 CH @ Thứ Tư - 02 Tháng Ba, 2016

Bài viết trình bày một cách khái quát nhận thức của Trần Đức Thảo về chủ nghĩa xã hội từ lập trường của chủ nghĩa Mác; đồng thời, phân tích những tư tưởng của ông về nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ. Theo tác giả, trong tư tưởng của Trần Đức Thảo về cội nguồn của ý thức và ngôn ngữ, có mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài, giữa hoạt động và quan hệ. Từ hiện tượng học tới chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo đã vượt lên để có cái nhìn sâu xa và độc đáo về cội nguồn của ý thức và ngôn ngữ.

Sự hình thành con người là tác phẩm không dày lắm, Lời nói đầu của nó chỉ có 27 trang. Thông thường, người ta hay đánh giá tác phẩm căn cứ vào độ dày. Vì thế, cầm quyển sách của Giáo sư Thảo cứ cảm thấy nó nhẹ tênh. Lời nói đầu cuốn Sự hình thành con người của Trần Đức Thảo tuy không dài, nhưng đọc nó bạn sẽ thấy bùng nổ bởi nó súc tích, dồn nén, trĩu nặng và đầy sáng tạo đến chừng nào.

Chỉ với 27 trang mà có thể nói đầy đủ cả về con người lẫn sự nghiệp thì quả là tài tình. Trong Sự hình thành con người - mốc cuối cùng mà Giáo sư đã đi đến, Trần Đức Thảo đã tự phê phán cuộc đời mình, mô tả lại sự chuyển biến về tư tưởng, phương pháp và nội dung nghiên cứu của mình về cội nguồn của ý thức và ngôn ngữ. Ông viết: “Các độc giả đã có lòng rộng lượng đón đọc các công trình trước đây của tôi về nguồn gốc con người, về ngôn ngữ và ý thức, có thể sẽ ngạc nhiên nhận thấy trong cuốn sách mới - Sự hình thành con người - một phương pháp và một quan niệm hoàn toàn khác. Vậy thì một sự trở về với quá khứ dường như là cần thiết(1). Một sự trở về với quá khứ dường như là cần thiết - đơn giản vậy thôi nhưng lại là sự vật lộn của cả một đời người tìm đường, tìm chính mình để đi đến tận cùng trong những tiếng vang vọng của thời cuộc.

Vốn là một người hiểu rõ triết học Hêghen, đặc biệt là phép biện chứng duy tâm; hiểu rõ triết học Mác, đặc biệt là quá trình cải tạo phép biện chứng duy tâm ấy thành phép biện chứng duy vật, Trần Đức Thảo đã phản tư cả hiện thực xã hội lẫn đời sống tinh thần bên trong của thời mà ông đã “sống trải” qua một con đường biện chứng, đặc biệt là quy luật phủ định của phủ định như thế nào. Đi theo con đường của C.Mác là đi theo con đường biện chứng, là luôn phải học hỏi, đấu tranh triệt để không khoan nhượng với lối suy nghĩ và hành động siêu hình. Đọc lại những tác phẩm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta thấy các ông luôn cảnh báo hiểm hoạ của lối nghĩ, sống và hành động một cách siêu hình như thế nào. Theo Trần Đức Thảo, chính thất bại của Công xã Pari, thất bại của những cuộc cách mạng Nga vào đầu thế kỷ trước đã thúc giục C.Mác, Ph.Ănghen, V.I.Lênin nghiên cứu phép biện chứng của Hêghen để cải tạo nó thành công cụ sắc bén của cách mạng vô sản ra sao. Hiện thực cách mạng cho thấy, chỉ có phép biện chứng duy vật, phép biện chứng mácxít mới trở thành cơ sở phương pháp luận để vạch đường lối, sách lược, chiến lược trong việc đấu tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong Bút ký triết học, V.I.Lênin đã nhiều lần nhắn nhủ rằng phép biện chứng mácxít đòi hỏi sự suy nghĩ và hành động rất mềm dẻo, khác hẳn với sự cực đoan, cứng nhắc. Theo Giáo sư Trần Đức Thảo, lối tư duy siêu hình “hoặc là... hoặc là...” đã quên mất cái thứ ba. Trên thực tế, đó là quên mất cái trung gian. Cái trung gian như là phép biện chứng của sự quá độ chuyển từ một chế độ này lên một chế độ khác cao hơn, điều đó nằm trong sự thống nhất của việc phủ định chế độ thứ nhất bởi chế độ thứ hai với việc phủ định chính sự phủ định này. Một sự trung gian như thế đảm bảo sự sinh thành và sự phát triển của chế độ thứ hai xuất phát từ chế độ thứ nhất, sự bình thường hoá và sự nảy nở của nó cho đến khi chuyển qua một chế độ thứ ba còn cao hơn nữa(2). “Sự trung gian, Hêghen nói, là tính phủ định thuần tuý, là sự vận động thuần tuý, trong đó việc phủ định được hoàn thành bằng cách tự nó phủ định chính nó, như là phủ định của phủ định(3).

Không dừng lại ở lý luận, Trần Đức Thảo còn muốn xem những phạm trù triết học trừu tượng được hiện thực hoá trong cuộc sống như thế nào; bởi theo bản chất của nó, phép biện chứng ấy cũng thể hiện sự phủ định của phủ định giữa lý luận và thực tiễn trong sự vận động vòng xoắn của mình. Phép biện chứng mácxít ấy đã giúp ông thấu hiểu bản chất của chủ nghĩa xã hội: “Cho nên chủ nghĩa xã hội, khi bản thân nó là một hệ thống, là sự phủ định chủ nghĩa tư bản. Nhưng một xã hội xã hội chủ nghĩa, một nước xã hội chủ nghĩa, phát triển trong rất nhiều mối quan hệ với tự nhiên và với các nước khác. Vì lý do các mối quan hệ ấy, một số yếu tố nhất định của xã hội cũ tư bản chủ nghĩa thích ứng với xã hội mới và đóng một vai trò cần thiết trong sự phát triển của nó. Tóm lại, chế độ mới xoá bỏ chế độ cũ với tư cách một hệ thống, trong sự thống nhất về cấu trúc của nó, nhưng nó giữ lại bằng một cách nào đó một số yếu tố của chế độ cũ, chúng mang một hình thức mới đem cho chúng bây giờ một tính chất tiến bộ và cách mạng. Chủ nghĩa xã hội là như thế “vừa là chính nó vừa là cái khác”, điều đó nghĩa là nó sát nhập vào bản thân các yếu tố của chế độ cũ và biến đổi một số yếu tố ấy thành ra các yếu tố của tương lai”(4).

Cần phải lưu ý rằng, việc thấu hiểu chủ nghĩa xã hội như vậy không phải bỗng dưng đến được với Trần Đức Thảo, mà phải qua sự vận động, phát triển biện chứng của hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một sự thấu hiểu như vậy chỉ có được qua sự vật lộn trong tư duy của chính bản thân để mỗi ngày thêm “sống trải”, gần thêm với chân lý. Với Trần Đức Thảo, người đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức con người, con đường nghiên cứu ấy cũng phải trải qua một quá trình biện chứng. Giờ đây, khi đã thấu hiểu vấn đề, Trần Đức Thảo đã tự phê phán, kiểm thảo lại quá trình nghiên cứu tìm tòi của mình. Theo ông, Nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức (Nxb Xã hội, 1973 (tiếng Pháp xuất bản tại Pháp) bản dịch tiếng Việt xuất bản tại Hà Nội, 1996. Nxb Văn hoá - Thông tin) đã được tiến hành trên cơ sở đoạn tuyệt với chủ nghĩa chủ quan hiện tượng học để hình thành quan niệm duy vật về mặt ý thức. Thế nhưng, quan niệm và phương pháp vẫn còn bị cầm giữ trong khuôn khổ giáo điều, máy móc. Vì thế “việc quên mất sự trung gian kéo theo chối bỏ sự thống nhất biện chứng của lịch sử loài người, và do đó chối bỏ con người như là chủ thể của lịch sử ấy, dẫn đến tước mất của nhân loại ý nghĩa hiện thực của nó, điều này làm cho tôi bị đưa đến chỗ mơ hồ đường ranh giới giữa loài người và loài vật. Và chính vì thế tôi đã pha trộn hai hình thái ký hiệu học hoàn toàn khác nhau, các điệu bộ của con người chưa hình thành với ngôn ngữ thực sự, tức là thứ ngôn ngữ bằng lời nói, đặc thù của con người, trong một lần trình bày duy nhất và cùng một lần, rối rắm chưa từng sáng tỏ về “ngôn ngữ” như là sử dụng các ký hiệu nói chung... Tóm lại, các nghiên cứu của tôi trong những năm 1960 - 1970 và cho tới đầu những năm 1980 trên thực tế đã dựa vào sự lộn xộn giữa các cử chỉ của động vật chưa hình thành con người với con người nguyên thuỷ nhất, khiến cho tôi đã xoá bỏ trên phương diện ký hiệu học sự khác nhau về bản chất giữa động vật tiến hoá nhất với con người cổ xưa nhất bằng cách thu gọn tính đặc thù của ngôn ngữ con người vào sự phát triển đơn giản kết hợp các ký hiệu cử chỉ - cảm xúc - điều này hiển nhiên cho thấy một thái độ siêu hình máy móc(5) . Không dừng lại ở việc thừa nhận “một thái độ siêu hình máy móc”, Trần Đức Thảo còn đi xa hơn khi muốn truy đến tận cùng ngọn nguồn của nó.

Vốn là người được đào tạo theo trường phái hiện tượng học, trên con đường hướng tới chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo tự thấy cần phải “vượt bỏ” cả Hêghen lẫn Huxéc trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng để tìm ra một giải pháp khoa học cho vấn đề tính chủ quan. Trong quá trình đọc và chú giải các tác phẩm của C.Mác, ông nhận thấy rằng “lý luận mácxít cơ bản về mối quan hệ giữa sản xuất và sở hữu làm nền tảng cho sự tiến hoá lịch sử gặp phải vô số các khó khăn chỉ có thể được làm sáng tỏ bằng việc đặt thành chủ đề dễ hiểu về ý thức được trải nghiệm trong sản xuất và chiếm hữu với nội dung xã hội và cá nhân về những quan tâm và những giá trị của nó”(6). Chúng ta đều biết rằng, con đường nghiên cứu của các khoa học nhân văn nói chung, triết học nói riêng có những nét khác biệt so với các khoa học còn lại. Chúng ta không có phòng thí nghiệm cùng với những trang thiết bị hiện đại, mà chỉ có mỗi con đường đọc và chú giải các tác phẩm kinh điển của những người đi trước để nghiên cứu và sáng tạo. Tưởng chừng việc đọc và chú giải ấy chỉ thuần tuý là chủ quan, nhưng thực ra nó là sự thống nhất giữa yếu tố chủ quan và khách quan một cách biện chứng: đọc và chủ giải kinh điển trong một hoàn cảnh lịch sử như thế nào. Chính vì vậy, giờ đây, Trần Đức Thảo suy ngẫm lại và thấy rằng, do “sự biến dạng có tính giáo điều của chủ nghĩa Mác dưới thời sùng bái cá nhân, ngay từ đầu đã tước bỏ trong tác phẩm của C.Mác tất cả những gì có thể gợi đến và thiết lập một cơ sở lý luận theo kiểu này. Đi đến trong thực tế tôi đã chỉ có được những dữ kiện hiện tượng học để tiến hành việc chuyển từ tính khách quan của các quan hệ vật chất sang tính chủ quan của đời sống trải nghiệm. Thế mà phạm vi cá nhân của việc mô tả hiện tượng học ở Hêghen cũng như ở Huxéc cuối cùng đã chỉ cho phép nhìn thấy trong vận động sống trải của việc chiếm hữu khía cạnh phủ định của nó, khiến cho nền tảng cộng đồng của nó bị sao lãng như đã xảy ra và bị dẫn tới hình thức bên ngoài của một lý tưởng không xác định. Sự trung gian của hiện thực đến ý thức cũng do đó bị tan biến”(7). Một lần nữa, đó lại là sự lãng quên cái thứ ba trong việc nghiên cứu. Liệu những sự lãng quên này: lãng quên cái thứ ba trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội với lãng quên cái thứ ba - sự trung gian của hiện thực đến ý thức có mối liên hệ với nhau không? Và hơn nữa, sự lãng quên này có phải là tất yếu không? Sự lãng quên này cũng có nghĩa là việc “cởi bỏ” Hêghen và Huxéc vẫn chưa đến tận cùng. Chính vì thế mà cuốn sách nổi tiếng Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng được chính tác giả của nó đánh giá là lâm vào sự bế tắc do “đặt kề bên nhau trong hiện thực siêu hình giữa nội dung hiện tượng học với nội dung vật chất, điều này mở ra con đường quay trở về với nhị nguyên luận ít hay nhiều mang tính duy tâm”(8). Việc khắc phục sự lãng quên cái thứ ba để vượt ra khỏi tình thế nhị nguyên luận chỉ được tiến hành bằng cách đọc và chú giải Mác trong một khung cảnh mới: cải tổ và đổi mới. Nhưng trước khi đi vào xem xét thành tựu mới của Trần Đức Thảo về nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, có lẽ cần dừng lại đôi chút để nới rộng “chân trời” của vấn đề: việc nghiên cứu cội nguồn của ý thức và ngôn ngữ đã được tiến hành theo quan điểm mácxít như thế nào. Mà cũng chỉ trong một khoảng mở rộng như vậy, chúng ta mới thấy tầm sâu rộng trong những nghiên cứu của Trần Đức Thảo.

Theo bản chất của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa nhân đạo chân chính. Chủ nghĩa nhân đạo đó đòi hỏi phải có một sự phân biệt biện chứng rõ ràng giữa tính con người và tính con vật. Chính vì thế, vấn đề tìm kiếm tiêu chí để phân biệt giữa người và vật cũng như vấn đề nghiên cứu nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Trong khuôn khổ của một bài báo, việc trình bày cặn kẽ lịch sử của vấn đề quả là không thể được; vì vậy, chúng tôi chỉ có thể nói đến những gì rất gần gũi với việc nghiên cứu của Trần Đức Thảo mà thôi.

Cũng giống như Sự hình thành con người của Trần Đức Thảo, tác phẩm Về sự khởi nguyên của lịch sử nhân loại của B.F.Porshnev chỉ xuất hiện khi tác giả của nó đã qua đời. Ngay ở trang đầu tiên, tác giả cuốn sách đã chú giải rằng đây là những vấn đề cũ của tâm lý học (palepsychologie). Từ lâu nay, trong các khoa học xã hội và nhân văn mácxít, mọi người đều xem lao động là nét đặc thù để phân biệt người với động vật. Hơn nữa, lao động còn là nguồn gốc dẫn đến sự xuất hiện ý thức và ngôn ngữ. Nhưng, theo Porshnev, lao động với tính cách điểm đặc thù để phân biệt người với động vật phải là lao động người thực sự, nghĩa là cùng những thao tác với công cụ trong nó đã phải có yếu tố của ngôn ngữ và ý thức rồi. Vậy, nói lao động của con người sinh ra ý thức và ngôn ngữ liệu có phải đã rơi vào lý luận luẩn quẩn không? Để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, Porshnev quay trở về khám phá ý nghĩa trong những luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về “lao động bản năng” và muốn chỉ ra rằng, trong sự phát triển của mình, “lao động bản năng” đã chuyển hoá thành lao động của con người như thế nào, trở thành hoạt động người có mục đích ra sao. Theo Porshnev, cả dáng đi đứng thẳng, cả việc chế tác những công cụ giản đơn vẫn chưa phải là những dấu hiệu đặc trưng của con người. Đã có không ít những vượn người biết chế tác ra những công cụ giản đơn, thậm chí còn biết dùng lửa và có dáng đi đứng thẳng, nhưng chúng không có tiếng nói, bởi vậy, chúng không được gọi là người và đời sống của chúng không thể được gọi là xã hội. Do đó, câu hỏi về sự sinh thành loài người lại được quy về việc giải thích quá trình nảy sinh tiếng nói. Trên cơ sở một lượng lớn những tài liệu về sinh lý học của hoạt động thần kinh cao cấp, Porshnev đã phân tích cơ chế của hệ thống thần kinh làm tiền đề cho sự nảy sinh cơ chế sinh lý thần kinh của hệ thống tín hiệu thứ hai. Theo quan điểm lịch sử, ông nhấn mạnh rằng, các phương pháp của khoa học hiện thời đã cho phép chúng ta khai quật lên những lớp tiến hoá chìm sâu trong tâm lý, trong tư duy, trong ngôn ngữ của người hiện đại. Do vậy, đã đến lúc những khám phá trong khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học cùng những bộ môn khoa học cụ thể khác kiến tạo nền tảng cho những kết luận có tính khái quát hoá cao hơn.

Với Porshnev, việc xem xét những cơ sở sinh lý của tiền đề sinh học cho hoạt động ngôn ngữ gắn bó chặt chẽ với việc nghiên cứu các hình thức lao động bản năng. Sự chuyển hoá từ lao động bản năng đến lao động vốn có ở người đòi hỏi phải phân tích vai trò của ngôn ngữ và sự giao tiếp xã hội. Từ đó, Porshnev đi tới kết luận cho rằng, lao động có mục đích, có ý thức đòi hỏi phải có ba yếu tố nền tảng: sự chế tác các công cụ, ngôn ngữ và tính xã hội. Ba yếu tố này gắn kết chặt chẽ với nhau, quy định lẫn nhau và do vậy, phải khẳng định chúng nảy sinh đồng thời. Cần lưu ý rằng, trong tiến trình nghiên cứu, dù đôi khi Porshnev có đề cập đến nội dung hiện vật của tư duy nhằm tìm kiếm cội nguồn xã hội của nó, nhưng sự đề cập đó chỉ mang tính chất chi tiết và bổ trợ. Công trình của Porshnev đã làm dấy lên những cuộc tranh luận lớn cho đến tận ngày nay, và trong lúc nhiều người đang lớn tiếng chỉ trích, cãi vã lẫn nhau thì không ít người lại lặng lẽ lên đường, vượt mọi cản trở để tìm kiếm lời giải cho câu hỏi đầy huyền bí của nhân loại: con người được hình thành như thế nào? Trần Đức Thảo là một trong những người như vậy.

Trong không khí đổi mới, Trần Đức Thảo mới có thể “cởi bỏ”, mới có thể “phủ định của phủ định” hoàn toàn hiện tượng học hiện sinh của cả Huxéc lẫn Heidegger, dẫn nhập chúng một cách sáng tạo vào phương pháp luận của mình. Chúng ta cảm thấy đâu đây như vẫn có “trải nghiệm”, “ý hướng tính” của Huxéc và “hữu - đó”, “tiếng gọi của hữu”, “ngôn ngữ là nhà của hữu” của Heidegger. Thực ra, chúng đã được lột xác để hiện ra như sự “sống trải”, như “tồn tại - đó của cộng đồng”, “tiếng gọi của vận động vật chất của sản xuất xã hội”, “ngôn ngữ là tồn tại - đó của cộng đồng và tồn tại đó của cộng đồng tự nói với mình”. Những khái niệm này là kết quả của việc chú giải một cách sáng tạo di sản của C.Mác trong quá trình hình thành phát kiến vĩ đại: quan niệm duy vật về lịch sử; đồng thời là sự lột xác những khái niệm của hiện tượng học hiện sinh trong sự hình thành và phát triển của nền sản xuất xã hội.

Ở trên, chúng tôi đã nhắc đến sự tự phê phán của Trần Đức Thảo về việc lãng quên sự trung gian dẫn đến trộn lẫn hai hình thái ký hiệu học hoàn toàn khác nhau, các điệu bộ của con người chưa hình thành với ngôn ngữ thực sự, tức là thứ ngôn ngữ bằng lời nói, đặc thù của con người. Giờ đây, Trần Đức Thảo đã thấy rằng, chế độ chiếm hữu nguyên thuỷ là sự trung gian khởi nguồn trong đó hoàn thành sự quá độ lịch sử từ vật chất đến ý thức, từ tự nhiên đến tinh thần. “Trong những âm hưởng sâu sắc của việc mô tả hết sức sinh động và sống trải về chiếm hữu nguyên thuỷ, trong đó được xác định ý nghĩa nguyên gốc, vừa xã hội vừa cá nhân, vừa khách quan vừa chủ quan về quan hệ sản xuất là chiếm hữu cộng đồng, chúng ta có thể tìm thấy nội dung cơ bản của sự phát sinh ngôn ngữ và ý thức xuất phát từ nền sản xuất vật chất các thời đại nguyên thuỷ và các mối quan hệ vật chất mà nó bao hàm”(9). Bởi lẽ, sự vận động của sản xuất nói chung đã tự nó thực hiện như một “ngôn ngữ của đời sống hiện thực”, điều đó làm xuất hiện cùng với sự chiếm hữu khởi thuỷ ý thức nguyên sơ như là ý thức đã sống trải. Ông lưu ý chúng ta rằng, ngôn ngữ của đời sống hiện thực được C.Mác trình bày ở đây như là vận động vật chất của sản xuất xã hội khi nó làm trung gian cho ý thức, hiển nhiên chứa đựng hình thức của tiếng nói. Mang hình thức tiếng nói bởi hoạt động vật chất và quan hệ vật chất của con người trong quá trình lao động đã làm nảy sinh tiếng nói để tổ chức hợp tác với nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Do đó, ngôn ngữ của đời sống hiện thực hiện ra như chức năng diễn cảm hay tín hiệu học các cử động lao động của mỗi người và của tất cả những người khác kêu gọi nhau tổ chức, hợp tác trong công việc. Vì toàn bộ các vận động sản xuất và chiếm hữu nguyên thuỷ quyết định bản thân sự tồn tại của cộng đồng, nên chúng ta thấy bản thân sự tồn tại ấy tự nói lên trong chức năng diễn cảm hay tín hiệu học tự phát của các vận động này. Như một tín hiệu của lao động và các quan hệ vật chất trong sản xuất tập thể, ngôn ngữ của đời sống hiện thực hướng tới những người khác, đồng thời cũng là của mỗi người hướng tới bản thân bằng sự trung gian của hình ảnh xã hội mà nó có trong mình. “Ngôn ngữ bên trong với tiếng gọi bên trong của nó là hình thức phát triển cao nhất của sự vận động vật chất như là hoạt động của não cao cấp ở trình độ tột cùng. Đồng thời hoạt động ấy được tiến hành trong một cuộc trao đổi qua lại giữa hình ảnh bên trong của chính cơ thể với hình ảnh xã hội bên trong, làm sao mà hình ảnh thứ nhất khi hướng về hình ảnh thứ hai được gửi trả về với chính nó bởi sự vận động của hình ảnh này về phía nó, điều này có nghĩa là hình ảnh bên trong của cơ thể phù hợp với lao động trên đối tượng quay trở về với bản thân nó, bằng cách tự phản chiếu trên hình ảnh xã hội bên trong, điều xác định nên hình thức cơ bản của cái sống trải như là hình ảnh của hình ảnh. Trong bản sao đôi của hình ảnh bên trong của cơ thể phù hợp với lao động trên một đối tượng như vậy, tiếng gọi của ngôn ngữ bên trong của đời sống hiện thực, như là tiếng gọi tín hiệu học bên trong của lao động sản xuất vật chất, tự nó được lắp lại làm sao cho nó tiến hành một hành động kích thích lắp lại trên hệ thống thần kinh”(10). Việc lặp lại sự kích thích như vậy sẽ sinh ra một thặng dư năng lượng thần kinh mà đến lượt mình, năng lượng này duy trì trở lại sự tiếp nối việc lặp lại tiếng gọi tín hiệu học của hình ảnh bên trong của cơ thể phù hợp với lao động trên đối tượng. Việc kéo dài sự sao đôi ấy như sự phân đôi tiếp nối của hình ảnh bên trong của tiếng gọi tín hiệu học, tạo ra ở đó cái sống trải như là hình ảnh của hình ảnh kia. Việc kéo dài này quy định cái sống trải thành một hình thức thường xuyên, trong đó nó được biểu hiện là sự vận động ý niệm. Từ đó hình thành nên tính ý niệm của ý thức đã sống trải. “Ngôn ngữ bên trong là tiếng gọi của hình ảnh bên trong của cơ thể phù hợp với lao động trên đối tượng, mang hình thức ngôn ngữ hay tiếng gọi tín hiệu học sống bằng sự tự phản chiếu trên hình ảnh xã hội bên trong, điều này làm cho nó quay trở về với bản thân nó như là hình ảnh của chính nó nhằm vào đối tượng hay là ý thức sống trải về đối tượng. Kết quả là do chức năng ngữ nghĩa nhằm vào đối tượng, ý thức được hình thành như là nhận thức về thế giới hiện thực. Đồng thời do chức năng hô cách, như là tiếng gọi với bản thân, nó sản sinh ra phần bổ sung năng lượng thần kinh được nâng lên thành hình thức năng lượng tâm lý và trí tuệ, trong đó ý thức được xây dựng thành xúc cảm, ý chí và vị trí giá trị. Trên nền tảng các tiếng gọi của hình ảnh xã hội bên trong, ý thức trong tiếng gọi của nó với bản thân đặt ra yêu cầu về cái thiện trong hành động, cái đúng trong nhận thức và cái đẹp trong việc hoàn tất các quá trình sống trải. Do vậy, ý thức làm cho thế giới tự nhiên trở thành thế giới con người, có giá trị với con người”(11). Cần lưu ý rằng, trong quan điểm của Porshnev về sự hình thành ngôn ngữ và ý thức, dù đôi khi ông có đề cập đến lao động công cụ và thế giới bên ngoài nhưng đó chỉ là những chi tiết, phụ chú, còn nói chung chúng bị chìm xuống để nổi lên bình diện giao tiếp. Cái bị chìm xuống ở Porshnev lại được nổi lên nhờ Trần Đức Thảo. Trong cái nhìn về cội nguồn ngôn ngữ và ý thức của Trần Đức Thảo, ta thấy có mối quan hệ biện chứng giữa tính chủ thể và tính khách thể, thế giới bên trong với thế giới bên ngoài, giữa hoạt động và quan hệ. C.Mác, trong Hệ tư tưởng Đức, cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng, con người là một thực thể song phương. Bởi lẽ, sự hình thành và phát triển của con người nói chung, ý thức và ngôn ngữ nói riêng được thực hiện trong việc gián tiếp hoá cho nhau mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và con người với con người, giữa việc cải tạo tự nhiên bởi con người và cải tạo con người bởi chính con người. Từ hiện tượng học tới chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo đã vượt lên để có một một cái nhìn sâu xa và độc đáo về cội nguồn của ý thức và ngôn ngữ.

Trong vài chục trang Lời nói đầu, sự phản tư của Trần Đức Thảo về quá trình nghiên cứu ngôn ngữ và ý thức trong những tiếng vọng của thời cuộc quả là vắn tắt. Nhưng sự vắn tắt ấy cũng đủ để phác hoạ trước chúng ta một con đường vô cùng gian khổ để vươn tới tận cùng của chân lý. Jiddu Krishnamurti, khi giải tán dòng tu Ngôi sao, đã nói: Chân lý là đất không có lối vào. Điều đó có nghĩa là phải đến với chân lý bằng sự sáng tạo, phải tự tìm đường đi cho mình và thậm chí, phải hiến dâng cả cuộc sống của mình. Chính việc lột bỏ một cách biện chứng hiện tượng học hiện sinh đã giúp Trần Đức Thảo có cái nhìn sâu xa trên vị thế của chủ nghĩa Mác. Nhưng, cũng chính nhờ thấu hiểu hiện tượng học hiện sinh mà quan điểm của ông có được sự độc đáo đến không ngờ. Mà sâu xa và độc đáo đều là những nét cơ bản của sự sáng tạo.


(1) Trần Đức Thảo. Sự hình thành con người. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2004, tr.5.

(2) Xem: C.Mác. Tư bản luận, t.1 Nxb Xã hội, Pháp, tr.205 (tiếng Pháp).

(3) Trần Đức Thảo. Sự hình thành con người. Sđd., tr.9.

(4) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.8.

(5) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.12-13.

(6) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.18.

(7) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.19.

(8) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.19.

(9) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.20.

(10) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.25.

(11) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.26 - 27

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vong thân

    19/01/2009Nguyễn Văn TrungVong thân bày tỏ tình cảm con người đánh mất hay bị mất bản thân, bản ngã của mình. Mất ở đây không phải là không còn nữa, vì bị tan vỡ, trở thành không có nhưng là bị biến thể. Bản thân vẫn còn có, nhưng bị tách khỏi mình, trở thành khác mình và hơn nữa trở thành xa lạ, đối lập với chính mình.
  • Hình và ý trong tiếp cận hình tượng

    13/09/2006Nguyễn LuậnNếu hình ảnh ra đời thì sức khái quát của hình tượng rộng hơn. Nếu hình ảnh là kết quả của cảm nhận hình dạng, hình thể thì khả năng tạo liên tưởng và ấn tượng thị giác sẽ mạnh hơn. Nếu hình ảnh bắt nguồn từ thế giới tự nhiên thì chất lãng mạn và xúc cảm sẽ rất dồi dào…
  • Tìm hiểu bản chất của ý thức

    12/10/2005GS. Đoàn Xuân MượuTừ khi loài người hình thành, tiến hóa, biết lao động kiếm sống, ý thức phát triển song song với khả năng giao tiếp, ngôn ngữ. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều triết thuyết của phương Đông và phương Tây bằng con đường minh triết và duy lý, về quá trình phát sinh của ý thức...
  • Vài suy nghĩ nhân bài các lí thuyết ngôn ngữ học cuối thế kỉ XX

    08/08/2005GS.TS Nguyễn Đức DânTrên tạp chí Tri thức và sức mạnh số tháng 11-12 - 1998 có tóm lược bài của V. Demjankov tổng kết các lí thuyết ngôn ngữ học chủ yếu nửa của thế kỉ XX, những khuynh hướng mà theo tác giả đã làm thay đổi tận gốc rễ ngôn ngữ học, một "khoa học của các khoa học", "từ khoa học nghiên cứu về các hình thức ngữ pháp và lịch sử ngôn ngữ chuyển thành lí thuyết triết học - tâm lí học về tư duy và giao tiếp của con người". Mỗi hướng và trường phái lí thuyết ngôn ngữ học mới ngày càng trở thành khoa học về bản chất và cấu trúc "tâm linh" của con người, về các phương pháp con người tương tác với nhau và với thế giới.
  • Trần Đức Thảo và cuốn Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức

    07/07/2005Trong việc kiểm kê di sản để tìm hiểu vốn văn hoá dân tộc hôm nay, nhất là di sản triết học, tôi nghĩ không thể bỏ qua những trang viết của Trần Đức Thảo được. Một di sản muốn có tác dụng phải phục sinh nó vào đời sống đương đại. Bởi vậy, tôi cho rằng việc dịch cuốn Recherches sur l’origine du langage et de la conscience (Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức), tác phẩm quan trọng nhất của ông, là một việc làm rất có ý nghĩa...