Trao đổi với ông Hà Văn Thùy về “Nguồn gốc người Việt-người Mường”

11:41 SA @ Chủ Nhật - 16 Tháng Tư, 2017

Hôm qua, có người hỏi tôi, Hà Văn Thùy đã viết 3 bài về cuốn sách của Tạ Đức, đăng trên mấy trang mạng liền, sao Tạ Đức không có một bài đáp lại?

Tôi trả lời: có 3 lý do:

1- Các bài, sách viết về nguồn gốc, văn hóa dân tộc của ông Thùy tôi đều đã đọc. Về tấm lòng, nhiệt tình của ông, tôi đánh giá rất cao, nhưng về phương pháp, học thuật, tôi (và các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp khác) lại đánh giá không cao cho lắm. Vì thế, với bài, sách của ông, cũng như với các bài sách của học giả Cung Đình Thanh, tôi giữ thái độ “kiến nhi viễn chi”.

2- Ông Thùy cũng đã từng phê phán sách của Tạ Chí Đại Trường, bài của Trần Trọng Dương. Người đầu im lặng, người sau trả lời nhưng nói thẳng đó là “bài đầu tiên và cũng là bài cuối cùng”. Vì sao thế nhỉ? Hiện tôi đang chọn cách của ông Trường.

3- Khi sách tôi ra đời, ông Thùy có gửi email đến hỏi tôi một số vấn đề. Tôi nói các câu trả lời đều đã có trong sách ( chứng tỏ ông đọc sách tôi rất qua loa, đại khái). Ông nêu tư liệu củaS.W. Ballinge có câu: The greatest mtDNA diversity and the highest frequency of mtDNAs with HpaI/HincII morph 1 were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians. (Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45)và một tư liệu khác có đoạn:

Ballinger et al. (1992: 5) observed that the great diversity among the Vietnamese is mirrored in great diversity of the aboriginal populations of Malaysia, including certain modern MK-speaking aboriginals, for example, the Temiar and Semai.Thus, the pre-Vietic and the Orang Asli people of Malaysia appear to be among the oldest within Southeast Asian MK peoples and may have constituted a physical population unity in the deep past of the Malay Peninsula.

Ông bảo theo các tư liệu đó,“người Việt Nam có tính đa dạng di truyền cao nhất,có nghĩa là người Việt Nam cổ nhất trong các dân tộc châu Á”.

Tôi trả lời: theo đúng nguyên văn, “tính đa dạng di truyền cao nhất của người Việt Nam trong 7 nhóm dân châu Á chỉ gợi ý “người châu Á có gốc Mongoloid phương Nam”; và Ballinger nói “người Tiền Việt-Mường và người Asli ở Malaysia thuộc những cư dân cổ nhất trong các nhóm nói tiếng Môn-Khmer ở Đông Nam Á (ĐNA)” chứ đâu nói” người Việt Nam cổ nhất trong các dân tộc châu Á” như ông nói.

(Cần nói thêm, đầu đề bài viết của Ballinger cũng cho thấy người ĐNA là người Mongoloid cổ thiên di liên tục xuống ĐNA. Và theo tôi, việc cố chứng minh “người Việt Nam là giống người cổ nhất” chẳng có ý nghĩa gì to tát ngoài thõa mãn lòng tự ái phù phiếm).

Và tôi nhận xét, ông học ngành sinh học, nhưng sau lại viết báo-làm văn nên khi làm sử ông vẫn có thói quen phóng tác và hư cấu nhiều quá!

Sau đó, ông gửi tôi một bài, trong có câu: (Vậy theo sách tôi), “Việt Nam, cả văn hóa và con người, đều là đám “trôi sông lạc chợ” hay sao”? Khi mới đọc câu đó, tôi liền ngừng đọc và viết cho ông: “Ông đã nói những lời xấc xược xúc phạm tổ tiên…. Tôi không còn điều gì nói với ông nữa !” (Tôi không thấy câu này trong các bài viết của ông, chứng tỏ ông cũng là người có lương tri và biết phục thiện).

Đó là 3 lý do khiến cho tôi đến tận hôm qua vẫn không có ý định viết trả lời các bài viết của ông Thùy.


Tác giả Tạ Đức và tác phẩm "Nguồn gốc người Việt - người Mường"

.

Nhưng hôm nay (11-4), tôi quyết định bỏ ý định trên. Bởi tôi hiểu, khi ai đó cứ nói mãi, nói nhiều, nói to những điều sai, điều không thực, thì một ngày nào đó vẫn sẽ có những người cả tin những điều đó là đúng, là có thực. Tôi sẽ viết, nhưng giống như Trần Trọng Dương, chỉ viết một bài duy nhất đối với bài “Một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc” đăng trên vanhoanghean.com ngày 30-5-2014 và một số trang mạng khác. Đó là bài ông Thùy thể hiện trình độ “cao siêu” của mình, dùng một vài trang báo, với vài tư liệu kiểu “bản cũ soạn lại” để phủ nhận ba kết luận quan trọng nhất của cuốn sách 844 trang mà chính ông cũng phải thừa nhận là có “khối tư liệu đồ sộ” “thật đáng nể phục”!

Trong bài viết trên, để phủ nhận quan điểm của tôi coi người Mường là chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên, đến trước, còn người Việt hay Lạc Việt là chủ nhân văn hóa Đông Sơn, đến sau và cả hai đều là di dân từ phương Bắc, ông Thùy dẫn một cuốn sách của nhà nhân chủng học Nguyễn Đình Khoa xuất bản năm 1983, trong có đoạn:

-Suốt thời đồ đá, dân cư Việt Nam gồm duy nhất loại hình Australoid. Nhưng sang thời đại kim khí, người Mongoloid xuất hiện và trở nên chủ thể của đất này. Người Australoid dần biến mất, không hiểu do nhập cư hay do đồng hóa.”

Rồi ông kết luận:

Sau 30 năm nhìn lại, trong sự đối chiếu với tư liệu di truyền học mới nhất, chúng tôi nhận thấy, đó là nhận định hoàn toàn xác đáng và là thành tựu cao nhất mà phương pháp đo sọ cổ điển có được. Chứng cứ thu được từ di cốt tổ tiên và từ ADN lấy từ dòng máu người Việt Nam hiện đại hoàn toàn khẳng định:người Phùng Nguyên là người Australoid bản địa. Như vậy, ý tưởng cho rằng người Mường là do người Mon, Man, Mân Việt từ Nam Trường Giang xuống, tạo nên vào thời Phùng Nguyên là không có cơ sở!

Trước hết, cần nhấn mạnh, khi bàn về nguồn gốc người Phùng Nguyên gắn với văn hóa Phùng Nguyên, tôi đã nêu ra 4 giả thuyết của 4 nhà khảo cổ học hàng đầu Việt Nam và thế giới là các GS Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Charles Higham và Peter Bellwood, trong đó có 3 giả thuyết đoán định văn hóa Phùng Nguyên-người Phùng Nguyên đến từ phương Bắc. Tiếp đó tôi đã so sánh các di vật Phùng Nguyên và các phong tục của người Phùng Nguyên với các di vật và phong tục của các nền văn hóa có trước văn hóa Phùng Nguyên ở phương Bắc cũng như với văn hóa Khok Phanom Di cùng thời với văn hóa Phùng Nguyên ở Thái Lan. Từ đó, kết hợp với các tư liệu nhân chủng về văn hóa Mán Bạc và người Mán Bạc, về sự hình thành và lan tỏa của ngữ hệ Nam Á là ngữ hệ bao gồm tiếng Việt-Mường, về sự tương ứng giữa tên tự gọi của người Mường với tên tự gọi của người Môn-con cháu người Khok Phanom Di, với tên gọi của người Mân Phúc Kiến .v.v. tôi mới đi đến giả thuyết: người Phùng Nguyên là người Môn/Mân cổ đến từ Phúc Kiến-Quảng Đông. Trong lịch sử, cuộc thiên di của tổ tiên người Phùng Nguyên đến đất Việt Nam nay mở đầu cho nhiều đợt thiên di của người Bách Việt từ Phúc Kiến-Quảng Đông tới trong nhiều thời kỳ lịch sử sau này.

Nhưng, để phản biện giả thuyết đó, thay cho việc phản biện các luận cứ, các bằng chứng khảo cổ-nhân chủng-ngôn ngữ -sử học trong sách tôi, ông Thùy lại chỉ nêu vấn đề nhân chủng và di truyền. Tôi hiểu, ông không rành về khảo cổ học và ngôn ngữ học. Nhưng được, tôi cũng sẽ chỉ trao đổi với ông về hai vấn đề đó.

Là người ngoài ngành, ông Thùy không biết rằng theo quan niệm phổ biến ở Việt Nam vào những năm 1980, văn hóa Phùng Nguyên là văn hóa thời đại kim khí ( có vẻ ông Thùy biết nhiều nhưng ít biết một điều gì đến nơi đến chốn). Vì thế khi nhà nhân chủng học Nguyễn Đình Khoa viết “sang thời đại kim khí, người Mongoloid xuất hiện và trở nên chủ thể của đất này”thì phải hiểu người Phùng Nguyên là người Mongoloid chứ không phải là người Australoid như ông Thùy nhầm tưởng.

Bìa cuốn sách của tác giả Tạ Đức

.

Về nhân chủng và gien của người Phùng Nguyên, trong sách tôi (tr 89-90) đã nêu rất rõ ràng và chi tiết như sau:

Trong giả thuyết của mình, Hà Văn Tấn (1975/1997: 482) xác định: “Mặc dầu tài liệu thiếu, tôi vẫn tin rằng cư dân ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ cách đây 4000 năm là thuộc đại chủng người Mongoloid chứ không phải Australo-Negroid… Chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên ở Xóm Rền có răng cửa hình xẻng rất rõ… là một đặc điểm rất trội ở người Mongoloid”.

Tư liệu nhân cốt học cho thấy chủ nhân các văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút trước đó là người Australoid giống người thổ dân châu Úc và người Melanesien, rất khác các sọ thời Phùng Nguyên và thời Đông Sơn mang các đặc trưng Mongoloid rõ rệt (Matsumura và các đồng nghiệp 2008, Bellwood 2012).

Cho đến 2009, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 8 bộ di cốt tại các di chỉ Phùng Nguyên. Tuy nhiên, phần lớn đều đã bị vỡ nát nên rất khó nghiên cứu để đưa ra một kết luận rõ rệt.

May mắn là từ 1999 đến 2007, tại di chỉ Mán Bạc, Yên Mô, Ninh Bình, đoàn khảo cổ quốc tế Việt Nam- Nhật Bản- Australia đã tìm ra 84 di cốt, trong đó có 32 di cốt người lớn gần như còn nguyên vẹn.

Di chỉ Mán Bạc có niên đại 1800-1500 TCN, xấp xỉ niên đại văn hóa Phùng Nguyên, lại có nhiều di vật gần gũi với di vật Phùng Nguyên nên được xác định là một di chỉ của người Phùng Nguyên trong quá trình lan tỏa về phía Nam. Đặc biệt, người Mán Bạc cũng có tục nhổ răng, tục chôn người chết đầu hướng Đông như người Phùng Nguyên, vì thế, có thể coi người Mán Bạc là người Phùng Nguyên.

Các công trình tổng hợp về di chỉ Mán Bạc của Matsumura và đồng nghiệp (2008), Oxenham và đồng nghiệp (2011:35, 74, 87, 88, 130) đã chứng minh:

-Sọ người Mán Bạc phần lớn là sọ của di dân mang đặc trưng Mongoloid và phần nhỏ của người bản địa mang đặc trưng Australoid (hay Australo-Melanesiens).

- Các sọ Mongoloid ở Mán Bạc gần gũi nhất với sọ người Vu Đôn, chủ nhân của văn hóa Đá Mới Mã Gia Bang (4000-3500 TCN) ở Giang Tô, tiếp đó với sọ người hiện đại ở ĐNA lục địa (Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cămpuchia). Dựa trên các đặc trưng sọ và răng, có thể khẳng định người Mán Bạc là họ hàng gần với người Vu Đôn.

-Lịch sử cư dân ở ĐNA có thể được thể hiện theo sơ đồ: người Đá Mới Vu Đôn>người Đá Mới Mán Bạc>người Đông Sơn>người ĐNA lục địa hiện đại. Điều này phù hợp với các bằng chứng khảo cổ cho thấy có một cuộc phát tán lớn của cư dân nông nghiệp từ vùng hạ lưu Dương Tử về phía Nam tới vùng Phúc Kiến- Quảng Đông vào khoảng 3000-2500 TCN, từ đó tới Bắc Việt Nam sau năm 2000 TCN.

-Về tầm vóc, chiều cao trung bình của người Mán Bạc (nam 161, 4 cm, nữ: 154 cm) gần gũi nhất với chiều cao trung bình của người Khok Phanom Di (nam 162,1cm, nữ 154,3cm).

-Người Mán Bạc cũng có tỷ lệ sinh cao, tăng dân số nhông, số con của một cặp vợ chồng và tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi như người Khok Phanom Di.

-Tỷ lệ răng sâu của người Mán Bạc (11 %) và của người Khok Phanom Di ( 10,9%) gần như nhau và cao nhất trong các nhóm dân Đá Mới cùng thời ở ĐNA. Tỷ lệ đó ở người Khok Phanom Di có thể là do họ ăn nhiều khoai sọ, củ từ và chuối. Dấu tích của các loại củ quả nói trên không thấy ở Mán Bạc.

-Gien (DNA) người Mán Bạc có hai nhóm ti thể F và B phổ biến ở cư dân ĐNA hiện đại và hai nhóm ti thể D và G có tỉ lệ khá cao ở cư dân Đông Á. Điều đó cho thấy có sự hòa huyết giữa di dân phương Bắc và cư dân bản địa.

-Tư liệu nhân cốt ở Mán Bạc cung cấp những bằng chứng mới ủng hộ cho thuyết “hai lớp người” hay thuyết “thiên di ” trong việc lý giải lịch sử các tộc người ở ĐNA. Theo đó, các tư liệu khảo cổ, ngôn ngữ, nhân cốt, di truyền đều thống nhất cho thấy vào thời Đá Mới đã có những làn sóng di dân nông nghiệp thuộc chủng Mongoloid, nói tiếng Nam Á và Nam Đảo từ Nam Trung Quốc tới ĐNA, nơi có cư dân bản địa là người Australoid nói một ngôn ngữ giờ đã mai một.

Cũng cần lưu ý rằng, hai tư liệu đã nêu của các đồng tác giả Việt Nam-Nhật-Australia là những tư liệu trực tiếp và mới nhất về nhân chủng và di truyền của người Mán Bạc-Phùng Nguyên. Cả hai hiện đều có trên mạng. Ông Thùy và những người quan tâm có thể đánh đầu đề trên Google để dễ dàng tìm đọc.

1-Matsumura Hirofumi et al.2008:Morphometric affinity of the late Neolithic human remains from Man Bac, Ninh Binh Province, Vietnam: key skeletons with which to debate the ‘two layer’ hypothesis.

2-Oxenham Marc- F. Matsumura Hirofumi-Nguyen Kim Dung 2011: Man Bac: the excavation of a Neolithic site in Northern Vietnam.

Trong phần tiếp theo, bàn về người Việt ông Thùy đặt ra câu hỏi: do nhập cư hay do đồng hóamà mã di truyền của họ trở thành chủ thể trên đất Việt?

Rồi ông phán:“ Nhập cư là việc người từ nơi nào đó tới cưỡng chiếm địa bàn sinh sống của dân cư bản địa, tiêu diệt hay trục xuất họ đi nơi khác. Với quy mô lớn tới mức thay thế cả khối dân cư Việt đông đảo thời Phùng Nguyên thì chỉ có thể là cuộc xâm lăng tầm cỡ nhà nước. Sử sách hay truyền thuyết không hề nói tới việc này.”

Quả thực, câu trích dẫn trước đó của ông Thùy:” Người Australoid dần biến mất, không hiểu do nhập cư hay do đồng hóa” là một câu hơi tối nghĩa. Tôi không có trong tay cuốn sách của ông Khoa để kiểm tra ông Thùy có trích dẫn đúng hay không (?). Nhưng theo logic, tôi ngờ rằng, câu “nhập cư” đúng ra phải là “di cư”, bởi việc người Australoid biến mất chỉ có thể theo hai khả năng, một là do sức ép của người Mongoloid, họ phải di cư đi nơi khác; hai là họ ở lại và bị lai giống, đồng hóa thành người Mongoloid. Điều này phù hợp với một đoạn dưới ông viết “Số phận hai chủng Vedoid và Negritoid, những người da đen mang đậm dấu vết tổ tiên châu Phi ra sao? Họ là cộng đồng thiểu số, tồn tại lâu dài trên đất Việt. Nhưng tới một lúc nào đó, họ di cưra các đảo Đông Nam Á hoặc lai giống với người Mongoloid phương Nam để hòa tan trong cộng đồng dân tộc Việt.

Nhưng thôi, cứ cho là “nhập cư” đi thì điều làm tôi “choáng” nhất là khái niệm “nhập cư” đã được ông Thùy tùy tiện phóng tác ra. Dự thảo Luật thủ đô bàn về việc hạn chế người nhập cư vào Hà Nội, nếu theo cách hiểu của ông thì người ngoại tỉnh đang là những người cưỡng chiếm địa bàn sinh sống của người Hà Nội, tiêu diệt hay trục xuất người Hà Nội đi nơi khác hay sao? Chả nhẽ, các nước Mỹ, Canada, Australia có luật nhập cư là để người các nước khác đến làm điều tương tự hay sao?

Giờ ông lại bàn về sự nhập cư và đồng hóa của người Việt (!). Ông thừa nhận tôi đã đúng khi xác định người Việt là di dân từ phương Bắc xuống, nếu vậy, đương nhiên người Việt là dân nhập cư, nhưng hoàn toàn không theo cái cách ông hiểu. Quá trình thiên di của người Việt xuống phương Nam gồm nhiều đợt từ thế kỷ 7 TCN (cuối thời văn hóa Gò Mun), đợt đầu chính là cuộc thiên di của vị vua Hùng đầu tiên, còn các đợt sau diễn ra dồn dập từ cuối thế kỷ 4 TCN. Đó cũng là quá trình các nhóm di dân mới đến liên tục hòa nhập với người bản địa ( có thể là di dân đến trước một vài thế hệ). Trong sách, với nhiều Chương và Phụ lục, tôi đã đưa ra nhiều bằng chứng khảo cổ -lịch sử -ngôn ngữ… về quá trình này.

Một lần nữa, ông lại đưa ra câu của Ballinger (mà ông cố tình hiểu sai như đã nói ở trên) để nói “số người từ phương Bắc xuống là không nhiều”. Nhưng với nhận thức thông thường, ai cũng hiểu rằng nếu người Mongoloid từ phía Bắc xuống không nhiều thì làm sao lại có thể có“quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á,một sự kiện nhân chủng lớn điễn ra trên toàn bộ Đông Nam Á”như ông nói?

Từ những phân tích trên, có thể thấy kết luận 4 điểm của ông (tôi thấy chẳng cần nêu ở đây) đều sai bởi đã bị tôi bác bỏ ở đây hay trong sách.

Tiếp đó, trong phần Bài họcông Thùy lại viết:

Suốt thế kỷ XX, học thuật Việt Nam ngột ngạt vì quan niệm “Hoa tâm” cho rằng, Trung Quốc là trung tâm của châu Á. Từ đây con người cùng văn minh Hoa Hạ tỏa ra khai hóa các dân tộc man di. Tuy nhiên, trong màn đêm tăm tối đó vẫn có vài tia sáng. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, học giả người Pháp H. Frey, trong cuốn …Tiếng Việt, mẹ của các ngữ; cộng đồng có nguồn gốc của các chủng tộc Celtic, Do Thái, Sudan và Đông Dương- Paris, 1892, cho rằng tiếng Việt Nam là mẹ của các tiếng nói phương Đông. Vào tháng Giêng năm 1932,Hội nghị khoa học về Tiền sử Viễn Đông đưa ra nhận định: "Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3000 năm." (Encyclopédia d’Archeologie). Năm 1952, học giả Hoa Kỳ C. Sauer trong cuốn Cội nguồn nông nghiệp và sự phát tán khẳng định: "Ðúng là nông nghiệp đã tiến triển qua hai giai đoạn mà giai đoạn đầu là văn hóa Hòa Bình. Lúa nước đã được trồng cùng lúc với khoai sọ." “Tôi đã chứng minh Ðông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp cổ nhất. Và tôi cũng chứng minh rằng văn hóa nông nghiệp có nguồn gốc gắn liền với đánh cá bằng lưới ở xứ này. Tôi cũng chứng minh rằng những động vật gia súc xưa nhất bắt nguồn từ Ðông Nam Á, và đây là trung tâm quan trọng của thế giới về kỹ thuật trồng trọt và thuần dưỡng cây trồng bằng cách tái sinh sản thực vật…"

Ô hay, ông Thùy không biết cuốn sách của Frey, nguyên là một đại tá người Pháp đã thành một câu chuyện “tiếu lâm” trong giới ngôn ngữ học hay sao? Tôi vẫn còn nhớ, trong một bài giảng của thày Vương Hoàng Tuyên cách đây hơn 40 năm, thày nêu một vài bằng chứng mà Frey đưa ra cho quan điểm của mình, trong đó có sự giống nhau giữa từ con voi ( con vật dùng để chở hàng) trong tiếng Việt với từ convoi=đoàn xe/tàu ( cũng dùng để chở hàng) trong tiếng Pháp, từ đó suy ra: từ Việt là gốc của từ Pháp! Chúng tôi đã được trận cười và đoán ông Frey có lẽ là một người rất vui tính!

Với kiến thức ngôn ngữ học sơ đẳng ngày nay, chắc chắn không có ai tin cái kết luận trên của Frey nữa.

Về văn hóa Hòa Bình và cái nôi của nông nghiệp lúa nước, tôi đã nói tới trong bài” Lại trả lời Bùi Xuân Đính về cuốn sách của học giả Cung Đình Thanh” đã đăng ở vanhoanghean.com ngày 10-6-2014.

Ở phần cuối, ông nóirằng sách của tôi“không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ!”

Nếu ai đã đọc sách tôi, có thể thấy lời ông Thùy nói là hoàn toàn đại ngôn và dối trá. Việc ông Thùy cho đến tận giờ phút này vẫn bám vào những tư liệu và quan điểm cũ kỹ, lạc hậu từ cuối thế kỷ XIX hay những năm 1932, 1952 đã cho thấy rõ kiến thức của ông còn thụt lùi, lún sâu hơn cả một nửa thế kỷ!

Những hiểu biết lạc hậu, những điều hư cấu, phóng đại trong bài viết của ông Thùy vẫn còn. Nhưng thôi, tôi thấy viết đến đây là cần và đủ.

Nhân đây, tôi cũng muốn cảm ơn ông Hà Văn Thùy về việc ông đã lên án hành động thô thiển của Bùi Xuân Đính ngăn cản cuộc hội thảo về cuốn sách của tôi tại Trung tâm văn hóa Pháp. Như đã nêu ở trên, tôi vẫn cảm thấy ông là người có lương tri và là người tử tế. Vì thế, tôi cũng tin, nếu ông đọc sách tôi bình tĩnh, đầy đủ, kỹ càng hơn, với đầu óc cởi mở, thái độ cầu thị hơn, có ngày ông sẽ đổi mới và điều chỉnh được nhận thức của mình về lịch sử dân tộc. Ông đã thấy những gì tôi viết về vị trí chính thống của nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam là “xác đáng và thuyết phục”. Hi vọng, ông cũng sẽ thấy nhiều luận điểm khác của tôi cũng như thế. Và cuối cùng, ông sẽ ngộ rằng, thực ra, giữa tôi và ông, có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt.

(Tạ Đức, 11/4/2014)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 12 luận điểm chính trong một cuốn sách mới về trống đồng Đông Sơn

    05/04/2017Tạ ĐứcNguồn gốc của trống đồng Đông Sơn vẫn là một điều bí ẩn, và với các học giả trên thế giới, từng là một vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi . Cuốn sách mới của tôi: Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài nhằm khám phá bí ẩn đó...
  • Lịch sử phương Đông và nền sử học không ADN

    24/06/2016Hà Văn ThùyCông nghệ khảo sát ADN người đang sống cho ra khám phá chưa từng có. Nghiên cứu Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc đưa ra kết luận: “Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi từ 160.000 đến 180.000 năm trước. Khoảng 70.000 năm cách nay, con người từ châu Phi theo ven biến Ấn Độ tới Việt Nam...
  • Thủy tổ người Việt thực sự ở đâu?

    20/09/2015Hà Văn ThùyTừ lâu, tôi tâm niệm sẽ làm một khảo cứu nghiêm túc xác định nơi sinh thành của thủy tổ người Việt nhưng vì chưa đủ duyên nên chưa thành. Nay nhân có người “đòi”, xin được trả món nợ. Tìm ra chính xác tổ tiên người Việt là việc vô cùng khó vì thế mà suốt 2000 năm qua, dù bỏ bao công sức và tâm trí, chúng ta vẫn đi tìm trong vô vọng.
  • Cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt lần thứ ba

    20/02/2015Hồ Trung TúTruy tìm nguồn gốc người Việt ngỡ như đã xong bỗng gần đây được xới lên, nhất là trên mạng, nơi có điều kiện bày tỏ quan điểm một cách khá bình đẳng. Theo dõi những cuộc trao đổi này, chúng tôi chợt nhận ra vẫn còn những câu hỏi vô cùng lớn về nguồn gốc người Việt chưa được giải đáp...
  • Một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc

    31/07/2014Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước, sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc...
  • Đọc “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức

    10/07/2014Trần Trọng DươngCuốn “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức ngay sau khi ra đời đã tạo nên những dư luận trái chiều. Người thì cực lực phản đối, cho đó là “phản dân tộc” hay “ngụy khoa học”; người thì hết lời khen ngợi bởi sức đọc bao quát của tác giả và vấn đề rộng rãi và mới mẻ của cuốn sách...
  • xem toàn bộ