Trí thức Việt Nam thời toàn cầu hóa: Tư duy, kỳ vọng và trách nhiệm

Giáo sư - Đại học Wright State University, Mỹ
07:52 CH @ Thứ Hai - 01 Tháng Giêng, 2007

Được hiểu như sự dịch chuyển (con người, sản phẩm, thông tin) giữa các quốc gia, thậm chí liên lục địa, ngày càng nhanh chóng, thông thoáng, toàn cầu hóa vừa là một tiến trình kinh tế, vừa là một sự hòa nhập văn hóa. Nó đặt ra nhiều vấn đề mới cho những suy nghĩ về tương quan giữa cá nhân và quốc gia, dân tộc.

Toàn cầu hóa tác động đến tư duy và trách nhiệm của trí thức, đặc biệt là trí thức ViệtNam, ra sao? Câu hỏi này không hàm ý rằng trí thức là quan trọng hơn những thành phần khác trong xã hội (một người trí thức chân chính sẽ không có cái vĩ cuồng kênh kiệu ấy). Trí thức chỉ là một thuộc tính, một tác phong, của nhiều ngành nghề thực tế (nhà giáo, nhà văn, nhà báo...) và có thể trong những nhân thân khác mà trách nhiệm của họ là quan trọng hơn. Nói đến trí thức ở đây chỉ là để giới hạn đề tài trong khuôn khổ một bài viết.

Ngoài ảnh hưởng đến mọi người, trong đó có trí thức, về thu nhập, việc làm, lối sống... toàn cầu hóa ảnh hưởng đến sinh hoạt trí thức qua nhiều cách khác, sâu vào bản chất, bởi tiến trình này tác động đến hai thành tố định hình sinh hoạt ấy, đó là khung tư duy và đề tài suy nghĩ. Hơn nữa, trong chừng mực mà người trí thức có trách nhiệm đặc biệt với xã hội (ở vai trò thuyết phục và hướng dẫn), toàn cầu hóa sẽ uốn nắn trách nhiệm ấy, từ những kỳ vọng mà xã hội đặt ở họ trong bối cảnh mới này.

TƯ DUY

Đối với người trí thức mà xưa nay sự ràng buộc địa lý là phải chấp nhận, có lẽ không hiện tượng nào của toàn cầu hóa quan trọng bằng sự tiếp xúc giữa họ và thế giới đã trở thành nhanh chóng và rộng rãi đến mức độ mà, chỉ vài thập kỉ trước đây, khó có thể tưởng tượng nổi. Đứng đầu hiển nhiên là cuộc cách mạng thông tin và truyền thông do Internet, nhưng cũng không nên quên là với chi phí đi lại ngày càng hạ, các cơ hội tham quan, trao đổi với trí thức quốc tế ngày càng nhiều, dễ dàng.

Mở rộng cửa với toàn thế giới, người trí thức không chỉ có thêm công cụ và nguyên liệu để học hỏi, nghiên cứu, mà còn bị đặt nhiều vấn đề đương đại để suy nghĩ, chia sẻ với đồng nghiệp toàn cầu. Đó không những là những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, mà còn là văn hóa và nghệ thuật. Tin tức sốt dẻo về những phát minh, lý thuyết mới về khoa học, kỹ thuật (không chỉ trong ngành của mỗi người mà còn trong các ngành lân cận) sẽ gợi cho trí thức những cảm hứng mới, và giúp họ kịp thời nhận ra những sai lầm của mình. Ngược lại, diễn biến ở mỗi quốc gia cũng được khắp nơi theo dõi hàng ngày, trở thành đề tài bàn bạc của trí thức quốc tế. Toàn cầu hóa là một sự hòa nhập đa phương: học giả mỗinước sẽ có nhiều thông tin hơn về các nước khác, do đó tư duy thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi văn hóa, kinh tế, và kinh nghiệm lịch sử của mọi quốc gia, trong đó có ta.

Khi luồng trí thức ViệtNam nhập vào đại dương trí thức thế giới thì kiến thức và khả năng của chúng ta cũng sẽ được đánh giá theo những tiêu chuẩn khắt khe hơn, nhất là trong những lĩnh vực mà chúng ta đương nhiên là “chủ nhà”. Có một cái gì “lấn cấn”, chẳng hạn, khi các nghiên cứu về kinh tế hay văn hóa Việt Nam của người nước ngoài lại chi tiết hơn, sâu sắc hơn, các nghiên cứu của học giả Việt Nam.

Một mảng quan trọng trong giao diện giữa trí thức ViệtNam và trí thức quốc tế là thành phần trí thức ViệtNam đang sống ở nước ngoài. Thử thách của thành phần này là làm sao hòa hợp tinh thần quốc tế và bản sắc dân tộc. Sống ở nước ngoài, họ không thể không tiêm nhiễm lối làm việc, cách nghĩ suy, thậm chí óc khôi hài của một nền văn hóa khác. Đó là những bức tường vô hình (không như bức tường văn hóa đương nhiên giữa trí thức ngoại quốc và trí thức ViệtNam), cần được ý thức và đòi hỏi một cố gắng đặc biệt để vượt qua.

Đàng khác, cùng với những trí thức xa quê từ các quốc gia khác (nhất là những nước ngoài phương Tây), trí thức Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội đóng góp vào “cái chung” của nhân loại, cụ thể là trong nhánh “văn hóa tha hương”, một “tư duy quốc tế” (cosmopolitanism) ngày càng sống động và phong phú. Hầu như mọi thành phố lớn ở Âu, Mỹ, Úc ngày nay đều có những cộng đồng người đồng hương với những hoạt động văn hóa đặc thù, gắn kết với văn hóa bản địa. Đó cũng là một bộ mặt của toàn cầu hóa.

Nhìn xa hơn, như một số học giả phương Tây nhận xét gần đây, toàn cầu hóa cũng sản sinh một giai cấp mới: đó là những người ít gắn bó với bất cứ một quốc gia nào. Họ là những nhà khoa học thường xuyên dự hội nghị, đi thuyết giảng khắp thế giới, những đại diện các công ty đa quốc gia, những nhà ngoại giao, những nhân viên các tổ chức quốc tế... Họ thông thạo nhiều ngôn ngữ, hôm nay ở nước này, ngày mai ở nước khác, khắp các châu lục... Hầu như họ sống trên những chuyến bay dài, ngồi ở sân bay, ngủ ở khách sạn... nhiều hơn ở chính “nhà” họ. Tinh thần địa phương, quốc gia của những người này ngày càng lạt phai. Đó cũng là một xu thế khó cưỡng của toàn cầu hóa.


KỲ VỌNG

Tuy mỗi xã hội có một kỳ vọng khác nhau về vai trò của trí thức trong xã hội ấy, và dù rằng gần đây, nhiều người cho rằng vai trò này ngày càng lu mờ, vẫn có một sự đồng thuận ít nhiều rằng người trí thức có trách nhiệm lãnh đạo đời sống tinh thần của xã hội. Nói theo Giáo sư Stefan Collini (2006), người trí thức không bao giờ mất vai trò của họ, chừng nào mà nhân loại còn muốn được hướng dẫn “sống như thế nào”.

Trần Hữu Dũng là giáo sư kinh tế học của Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ông chuyên về nghiên cứu kinh tế vùng Đông Á, đặc biệt là Việt Nam.

Giáo sư Dũng cũng là biên tập viên quản lý của cổng web nổi tiếngArts & Letters Daily

Riêng về Việt Nam, ông là tác giả của websiteViet-studies cập nhật thường xuyên các bài báo, báo cáo nổi bật trong và ngoài nước về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam.

Xem trang tác giả...

Và dường như nhân loại ngày càng có nhiều vần đề cần sự hướng dẫn của trí thức. Thế giới không ngừng bị xâu xé bởi các bất hòa chủng tộc, xung đột tôn giáo, đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, thay đổi khí hậu... cần những bộ óc lớn chung sức tìm giải pháp. Gần gũi hơn với đời sống hàng ngày là sự ô nhiễm và phàm tục hóa văn hóa do chính làn sóng toàn cầu hóa thương mại và truyền thông. Người trí thức phải mạnh dạn hướng dẫn và gạn lọc (qua thuyết phục) các trào lưu văn hóa đại chúng. Song, cần nhấn mạnh, sự “hướng dẫn” này phải được vạch ra từ góc nhìn toàn cầu của chính người trí thức. Nó phải xuất phát từ một trình độ lý luận cao, đượm tính nhân bản, tôn trọng dị biệt. Nó không thể là một “phản xạ” có tính giáo điều, hoặc mù quáng bảo lưu những tư duy lỗi thời, không còn thích hợp với thế giới mới.

Trong thời đại toàn cầu hóa, chính kỳ vọng mà một xã hội đặt ở trí thức của xã hội ấy cũng chịu ảnh hưởng căn tính của tiến trình này. Nói cách khác, tư duy “toàn cầu” không chỉ là trách nhiệm của người trí thức, nó là của toàn xã hội khi quy định trách nhiệm ấy. Kỳ vọng của người Việt vào trí thức Việt Nam không chỉ ở sự đóng góp của họ cho đất nước, nhưng còn ở đóng góp của họ cho nhân loại. Ngược lại, chúng ta cũng kỳ vọng trí thức quốc tế góp phần tìm hiểu và phát triển nước ta. Sự thật là, người trí thức có thể có nhiều liên hệ với nhiều quốc gia, nhiều chủng tộc khác nhau (ngay trong phạm vi gia đình), bổn phận người trí thức là trung thực với lương tâm mình, trong đó có thể là việc phục vụ cả nhân loại, hay ít ra là phục vụ cho một văn hóa phi quốc gia.

Mỗi dân tộc cần một cái nhìn cởi mở hơn về trách nhiệm của trí thức của mình, đặc biệt là các mong mỏi về những trí thức xuất thân từ một quốc gia chậm tiến nhưng hiện sống ở nước đã phát triển. Kwame Anthony Appiah, một triết gia nổi tiếng gốc Ghana hiện sống ở Mỹ, lý luận rằng người trí thức đóng góp nhiều hơn cả không phải bằng cách hi sinh những thú vui tinh thần có vẻ trưởng giả (như xem opera) nhưng qua những suy nghĩ thấu đáo về các vấn đề chung của nhân loại và tác động của xã hội đến chính sách.

Đã lỗi thời rồi quan niệm cho rằng trí thức người Việt phải hồi hương mới phục vụ đất nước, cũng chẳng công bằng, nếu không là vô lý, nếu đòi hỏi họ luôn luôn lấy Việt Nam làm trọng tâm nghiên cứu và đối tượng suy nghĩ. Đóng góp của họ cho đất nước này, trong chừng mực họ muốn, có thể thực hiện từ bất cứ nơi nào trên thế giới (một tiện lợi của toàn cầu hóa). Phải “thông cảm” rằng một người trí thức trong thời đại này, ngay những người nặng lòng với quê hương, có rất nhiều trăn trở về sự nghiệp, về vị trí của họ trên bản đồ trí thức nhân loại. Hãy cho họ tự do theo đuổi hoài bão chân chính của họ.


TRÁCH NHIỆM

Người trí thức Việt Nam phải ý thức vai trò của mình trong cộng đồng nhân loại và tích cực dấn thân vào sinh hoạt trí thức quốc tế, trong đó có trách nhiệm quảng bá văn hóa Việt Nam cho thế giới. Trong giai đoạn phát triển hiện nay của nước ta, người trí thức cần bước ra khỏi “tháp ngà”, đóng góp suy nghĩ về những vấn đề thiết thực của đất nước, nơi, nói thẳng, vẫn là một vùng đất nhiều thiệt thòi, nghèo khổ. Người trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài cần luôn luôn trau dồi tiếng Việt, theo dõi và tích cực tham gia vào sinh hoạt trí thức trong nước. Người trí thức, căn bản, phải là một thầy giảng.

Chừng nào tinh thần dân tộc còn là một thành tố của nhân thân, chừng ấy người trí thức cần đặt nó làm giềng mối trong tư duy của mình. Trí thức Việt Nam cần theo dõi mọi mặt diễn biến của quốc gia, đắm mình trong mạch văn hóa của đất nước, đủ tự tin để “phóng lên” từ căn bản ấy đến khám phá và phân tích những vấn đề mới, trong chuẩn mực học thuật. Xây dựng quốc gia, đóng góp vào tiến bộ, công bình nhân loại, trong tinh thần nhân bản. Ý thức tự do phải là căn bản của cốt cách trí thức, và người trí thức chân chính phải có can đảm thực hiện sự tự do đó trong suy nghĩ của mình.

Song, người trí thức phải thực tế, sáng suốt chấp nhận vai trò của mình trong một thế giới không ngừng thay đổi. Thực vậy, với toàn cầu hóa, sinh hoạt kinh tế, khoa học, công nghệ càng nhộn nhịp, tinh thần thực dụng càng được tôn sùng, thì người trí thức “chuyên nghiệp” sẽ phải chia sân với các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nhân, những nhà hoạt động xã hội... Như bất cứ trí thức nơi nào khác, trí thức Việt Nam cần ý thức vai trò của mình trong cộng đồng dân tộc (và nhân loại) với tinh thần trách nhiệm, nhưng khiêm cung, hòa nhã.



(*)Bài viết cho Kỷ yếu vinh danh Giáo sư Đặng Đình Áng (nhà toán học nổi tiếng năm nay tròn 80 tuổi)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Tản mạn về trí thức và trí giả

    31/01/2016Trương Xuân HươngTrong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, GS Hoàng Phê chủ biên, hai từ “trí thức” và “trí giả” không có nghĩa khác nhau là mấy...
  • Giáo dục, trí thức và nửa đường còn lại

    24/09/2012Ngô Tự Lập...việc xây dựng một đội ngũ trí thức, hay nói đúng hơn, việc biến đội ngũ nửa trí thức của chúng ta thành một đội ngũ trí thức thực thụ, đủ khả năng đảm đương vai trò đầu tàu của nó trong sự nghiệp phát triển của dân tộc, cũng chính là chặng đường còn lại của nền giáo dục dân tộc. Ðó là một nhiệm vụ cấp bách và to lớn, không chỉ đòi hỏi nhiều tiền của, thời gian và ý chí, mà còn cả những thay đổi triệt để trong quan niệm và phương pháp giáo dục.
  • Nguyễn Hiến Lê, người trí thức chân chính

    29/09/2013Nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong con mắt của những người đồng thời và của lớp hậu sinh thường được nhìn nhận như là một học giả có sự nghiệp trứ tác đáng nể về đủ mọi phương diện khảo cứu, biên soạn, dịch thuật với 122 tác phẩm để đời mà hầu như tác phẩm nào cũng có một giá trị riêng biệt đáng được nhắc nhỏ, mà ít ai nhấn mạnh đầy đủ đến khía cạnh ông là một trí thức chân chính thể hiện ở thái độ yêu nước thương dân chân thành,lúc nào cũng bận bịu việc đời, trăn trở với những nỗi thăng trầm của dân tộc cũng như về những vấn nạn của thế giới mà số phận của dân tộc không thể tách rời...
  • Đôi điều về trọng dụng nhân tài

    25/07/2006Ánh HồngHiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyênkhí mạnh thì nước thịnh,nguyên khí yếu thì nước suy" bởi thế các bậc thánh đế, minh vương xưa nay không ai là người không lo chăm sóc, vunxới…” Trích văn bia Quốc Tử Giám.
  • "Trí thức không được phép thiếu tri thức"

    05/06/2006Trịnh TúKhi còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, có một dịp được trò chuyện với ông, tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe ông tâm sự: "Vốn liếng tri thức của mình chẳng được là bao, ngày càng thấy mình nhiều lỗ hổng quá!". Khi đó ông đang được đánh giá như một người tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ VN. Bây giờ nghe nói ông làm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà XB Tri Thức, tôi lại tìm đến ông để được nghe ông nói tiếp câu chuyện này.
  • Xuân thu nhã tập bàn về người trí thức

    04/06/2006GS. Nguyễn Đình ChúTôi muốn chúng ta chú ý nhiều đến bài viết bàn về “trí thức” của bộ ba tác giả: Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc. Riêng tôi, xin được nói ngay đấy là một luận văn xuất sắc, hiếm thấy trong việc bàn về trí thức. Bản luận văn đặt ra các câu hỏi: Trí thức là gì? Thế nào là kẻ trí thức? Làm sao tới được trí thức?
  • Điểm hẹn của trí thức toàn cầu

    12/01/2006Minh Hoàn“Điểm hẹn của trí thức toàn cầu” là lời khen tặng của tờ New York Times dành cho trang web http://www.aldaily.com/, sau khi trang web này được trao giải webbys trong lĩnh vực Internet (có giá trị như giải Oscar trong lĩnh vực điện ảnh), đánh bại các trang báo điện tử lớn như CNN, BBC… vào năm 2002. Nhưng không nhiều người biết một trong hai tác giả của “Oscar” Internet đó là một người Việt, GS. Trần Hữu Dũng, Khoa Kinh tế, Đại học Wright State (Dayton, bang Ohio, Mỹ)...
  • Nhân tài nhìn từ hai phía

    09/01/2006Nhà báo Phan Quang...khi đi tìm minh chúa để phò, những người có tài không chỉ vì muốn thi thố tài năng, mà còn muốn được vinh hiển, có quyền cao chức trọng. Nghĩa khí không loại trừ nhu cầu vật chất. Đãi ngộ vật chất rất quan trọng song chưa hẳn là điều kiện tiên quyết trong việc sử dụng nhân tài
  • Nhân tài trong thời đại mới

    23/12/2005Chu HảoChưa có thời đại nào chúng ta lại cần có nhiều nhân tài và phải trọng dụng nhân tài như ở thời đại này. Bởi vì chính họ, những nhân tài là những cỗ máy cái quan trọng nhất sản xuất ra tri thức và biển tri thức thành của cải vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Chỉ có họ mới có năng lực vượt trội trong việc sử dụng tri thức cho phát triển...
  • Người trí thức trong nền kinh tế thị trường

    16/12/2005PGS.TS Vũ Duy ThôngTrí tuệ một khi đã trở thành hàng hóa thì cũng sẽ bị điều tiết theo qui luật cung-cầu. Nhiều trí thức trẻ hiện nay đặt mục tiêu hàng đầu là tìm những nơi trả lương cao để làm việc...
  • Thế nào là người trí thức?

    13/12/2005Paul Alexandre Baran (Phạm Trọng Luật dịch)Câu trả lời hiển nhiên nhất có lẽ như sau: đấy là người lao động với trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thoả mãn lợi ích riêng của mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ «trí thức».
  • Trí thức và chất lượng cuộc sống...

    12/12/2005Đặng Lam SơnCó người nói rằng: "Trí thức ở nước ta những năm gần đây chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của mình". Điều đó là đúng, nhưng...
  • Nghĩ về đào tạo nhân tài

    24/11/2003Nhân tài phải được coi là tài sản vô giá của quốc gia. Nó vừa là nguồn vốn, vừa là công cụ để nước ta bước vào nền kinh tế tri thức. Trong thực tế hiện nay, việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài ở nước ta vẫn còn nhiều điều bất cập...
  • Chúng ta đang bỏ phí nhân tài ?!

    18/11/2003Hiện nay, về số lượng người có học hàm học vị cao, Việt Nam đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Song vì sao các trường đại học (ĐH) tốt nhất của ta lại được xếp loại thấp hơn khoảng 50 bậc so với Thái Lan, còn khoa học công nghệ (KHCN) của ta tụt hậu so với Thái Lan khoảng 30 năm? Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, "thực" - "ảo" trong khoa học vẫn còn lẫn lộn; các nhà khoa học thực sự chưa được nhìn nhận đúng và chưa được tạo điều kiện tốt nhất có thể để làm việc; trong khi đó, các nhà lãnh đạo lại chưa tỏ rõ quyết tâm trọng dụng người tài...
  • Cuộc chiến giành nhân tài ở thế kỷ 21

    10/02/2003Cuộc cạnh tranh giữa các nước trong thế kỷ 21 sẽ là cạnh tranh của sức mạnh tổng hợp quốc gia, mà thực chất diễn ra trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao. Điều then chốt của cuộc cạnh tranh này là cạnh tranh về tố chất dân tộc và trình độ nhân tài. Có ưu thế nhân tài sẽ có thể tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, đứng vững trong cộng đồng thế giới.
  • xem toàn bộ