Trí tuệ mù lòa*

08:50 SA @ Thứ Ba - 14 Tháng Mười Một, 2017

>> Tham khảo giới thiệu sách: Nhập môn tư duy phức hợp

Sự nhận biết [La prise de conscience]

Chúng ta đã thu nhận được những tri thức vô song về thế giới vật lý, sinh hoá tâm lý học, xã hội học. Khoa học ngày càng khuếch trương sự ngự trị của các phương pháp kiểm chứng kinh nghiệm và logic. Ánh sáng của Lý Tính dường như đã nhấn chìm tâm trí huyền thoại và u minh xuống tận đáy sâu. Vậy mà đâu đâu, sự lầm lạc, sự ngu dốt, sự mù lòa vẫn luôn song hành với những tri thức của chúng ta.

Chúng ta cần nhận biết một cách triệt để rằng:

  1. Nguyên nhân sâu xa của sai lầm không nằm ở những sai lầm về sự kiện (tri giác sai) hoặc sai phạm về logic (không nhất quán), mà nằm chính ở phương cách tổ chức tri thức của chúng ta thành hệ thống các ý niệm (các lý thuyết, các hệ tư tưởng);
  2. Có một sự dốt nát mới gắn liền với quá trình phát triển của bản thân khoa học;
  3. Có một sự mù lòa mới gắn liền với việc sử dụng đã xuống cấp của lý tính.
  4. Những nguy cơ nghiêm trọng nhất mà loài người đang phải hứng chịu luôn gắn liền với sự tiến bộ mù quáng và không được kiểm soát của tri thức (vũ khí nhiệt hạch, các mưu toan thao túng ở mọi giác độ, sự suy thoái sinh thái, v.v…)

Tôi muốn chứng minh rằng những sai lầm, những ngu dốt, những hành động mù quáng, những hiểm họa đều có một tính chất chung, đó là kết quả của một phương thức cắt xén trong tổ chức tri thức, khiến ta không còn khả năng nhận ra và lĩnh hội được tính phức hợp của thực tại.

Vấn đề tổ chức tri thức

Mọi tri thức đều vận hành theo lối chọn lựa những dữ kiện có ý nghĩa và vứt bỏ những dữ kiện không có ý nghĩa: phân tách (phân biệt hoặc chia tách) và hợp nhất diệt nối, đồng nhất); phân cấp (chính, phụ) và định tâm (vào một hạt nhân các khái niệm chủ đạo). Với việc sử dụng logic, các thao tác này trên thực tế bị chi phối bởi các nguyên lý “siêu logic” trong việc tổ chức tư duy, hoặc các chuẩn thức(**). Đó là những nguyên lý bí ẩn chi phối nhãn quan của chúng ta về sự vật và về thế giới mà ta phải tuân theo một cách vô ý thức.

Bởi vậy, vào một thời điểm khó ấn định nào đó trong bước quá độ từ nhãn quan địa tâm (theo thuyết của Ptolémée) sang nhãn quan nhật tâm (theo thuyết của Copernic), sự đối lập giữa hai nhãn quan trước hết nằm ở nguyên lý lựa chọn / vứt bỏ các dữ kiện: những người theo thuyết địa tâm vứt bỏ những dữ kiện không có khả năng giải thích được theo quan niệm của họ, coi chúng là không có ý nghĩa, trong lúc đó thì những người phía bên kia lại dựa vào cơ sở những dữ kiện này để thai nghén ra hệ thống nhật tâm. Hệ thống mới cũng chứa đựng cùng những yếu tố cấu thành như hệ thống cũ (các hành tinh) và sử dụng nhiều những phương pháp tính toán cũ. Nhưng toàn bộ nhãn quan về thế giới đã thay đổi. Phép hoán vị đơn giản giữa Trái đất và Mặt trời ở đây còn ý nghĩa hơn là một phép hoán vị bởi vì nó đã biến tâm điểm (Trái đất) thành một yếu tố ngoại biên, và một yếu tố ngoại biên (Mặt trời) thành tâm điểm.

Hãy lấy một ví dụ nằm ngay ở trung tâm những vấn đề nhân học - xã hội của thế kỷ chúng ta: ví dụ về hệ thống trại tập trung (Goulag) ở Liên Xô cứ cho là chấp nhận được, thì trên thực tế Goulag vẫn có thể bị gạt ra ngoài lề của chế độ xã hội chủ nghĩa Xô viết như một hiện tượng tiêu cực phụ và có tính nhất thời, mà về cơ bản nhằm đối phó với sự bao vây của chủ nghĩa tư bản và những khó khăn trong thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vào thời kỳ đó, trái lại người ta đã có thể coi Coulag như hạt nhân trung tâm của hệ thống, làm rõ bản chất toàn trị của hệ thống ấy. Do vậy người ta có thể nhận ra rằng, tùy cách tiễn hành tập trung, phân chia giai tầng, chia tách hoặc đồng nhất hóa, mà nhãn quan về Liên Xô có thể hoàn toàn thay đổi.

Ví dụ này chứng minh cho ta thấy rằng rất khó suy xét một hiện tượng như “bản chất của Liên Xô”. Không phải là bởi vì các ý tưởng của chúng ta bị chi phối bởi những định kiến, những “đam mê”, những quyền lợi, mà bởi vì chúng ta không có đủ các phương tiện để nhận thức được tính phức hợp của vấn đề. Điều đáng nói ở đây là phải tránh việc đồng nhất một cách tiên nghiệm (dẫn đến sự quy giản khái niệm Liên Xô thành khái niệm Goulag) cũng như tránh việc chia tách một cách tiên nghiệm khái niệm chủ nghĩa xã hội Xô Viết với khái niệm hệ thống trại tập trung, khiến cái này trở nên xa lạ đối với cái kia. Phải loại bỏ cách nhìn phiến diện, trừu tượng. Để làm được việc đó, trước tiên cần phải ý thức được bản chất và những hệ quả của các chuẩn thức đang cắt xén tri thức và bóp méo thực tại.

Bệnh lý của tri năng [savoir], trí tuệ mù lòa

Chúng ta đang sống dưới sự thống trị của những nguyên lý chia tách tuyển chọn, quy giản và trừu tượng mà gộp chung lại tôi gọi là “chuẩn thức đơn giản hóa” [paradigme de imphfication]. Descartes đã xây dựng chuẩn thức chủ đạo này của Phương Tây bằng việc chia tách chủ thể tư duy (ego cogitans) với vật quảng tính (res extensa), tức là chia tách triết học với khoa học và coi những ý niệm “tỏ tường và tách biệt” như nguyên tắc của chân lý, có nghĩa là chính tư duy chia tách. Chuẩn thức này đã dẫn dắt cuộc phiêu lưu của tư duy phương tây suốt từ thế kỷ XVII và rõ ràng đã mang lại những bước tiến vĩ đại về tri thức khoa học và về suy tư triết học; những hệ quả độc hại sau rốt của nó chỉ bắt đầu bộc lộ vào thế kỷ XX.

Một sự chia tách khiến cho những giao tiếp giữa tri thức khoa học và suy tư triết học trở nên nghèo nàn như vậy hẳn rốt cuộc đi đến chỗ tước đi của khoa học khả năng tự nhận ra mình, tự suy tư, và thậm thí cả khả năng tự suy xét bản thân mình một cách khoa học. Còn nữa, nguyên lý chia tách đã cô lập một cách triệt để ba lĩnh vực lớn của tri thức khoa học với nhau: vật lý học, sinh học, khoa học về con người.

Có một cách cứu vãn duy nhất đối với sự chia tách thì lại là một lối đơn giản hóa khác: quy giản cái phức hợp thành cái đơn giản (quy giản cái sinh học thành cái vật lý, cái nhân bản thành cái sinh học). Một quá trình siêu chuyên biệt hóa vậy là đã xé nát và băm vụn tấm dệt phức hợp của thực tại và làm cho mọi người tưởng rằng những mảnh cắt tùy tiện được tiến hành đối với thực tại chính là bản thân thực tại. Đồng thời, lý tưởng của từ thức khoa học cổ điển là, đằng sau tính phức hợp bề ngoài của các hiện tượng, phát hiện được Trật Tự hoàn hảo đang điều hành một cỗ máy vĩnh cửu (vũ trụ), mà bản thân cỗ máy đó lại được làm nên từ những phần tử vi mô (các nguyên tử) kết hợp lại với nhau thành những vật thể và những hệ thống.

Sự chặt chẽ và tính hiệu quả của một tri thức như vậy hiển nhiên là phải dựa vào sự đo đếm và tính toán; nhưng càng ngày, việc toán học hóa và hình thức hóa càng làm tiêu tan các bản thể và những cái thực tồn để coi thực tại duy nhất chỉ còn là những công thức và phương trình đang chi phối các thực thể đã được lượng hóa. Rốt cuộc, tư duy đơn giản hóa không còn khả năng nhận ra được sự nối kết của cái một với cái nhiều (unitas multiplex). Hoặc nó hợp nhất một cách trừu tượng bằng việc hủy bỏ tính đa dạng, hoặc ngược lại, nó chồng ghép tính đa dạng mà không nhận ra được tính thống nhất.

Do đó mà dẫn đến trí tuệ mù lòa. Trí tuệ mù lòa phá hủy các tập hợp và các tổng thể, nó cô lập các đối tượng của chúng với môi trường của chúng. Nó không nhận ra được mối liên hệ không thể tách rời giữa người quan sát và sự vật được quan sát. Những thực tại mấu chốt bị phân hủy. Những thực tại này bị thoát biến qua các kẽ hở giữa các ngành chuyên môn. Các bộ môn của khoa học nhân văn không còn cần đến khái niệm con người nữa. Ra từ đó các nhà mô phạm mù quáng đã đi đến kết luận rằng con người không thực tồn mà chẳng qua chỉ là một ảo giác. Trong khi các phương tiện truyền thông đại chúng sản sinh ra hạ tầng của sự ngu hóa [crétinisation] thì Trường Đại Học lại sản sinh ra sự ngu hóa ở trình độ cao. Phương pháp luận đang chi phối mọi thứ đã sản sinh ra một thứ chủ nghĩa ngu dân ngày một lớn mạnh, bởi vì không còn có sự kết nối giữa các yếu tố rời rạc của trí năng nữa, không còn khả năng làm chúng hằn sâu vào trí não [engrammer] và khả năng suy tư về chúng nữa.

Chúng ta đang tiếp cận một đột biến chưa từng có trong lĩnh vực tri thức: tri thức càng ngày càng không phải sinh ra để có thể suy tư về nó và để có thể bàn luận về nó bằng tâm trí của con người, càng ngày nó càng sinh ra để trở thành vết hằn trong các bộ nhớ của máy tính và được điều khiển bởi những quyền năng vô danh, mà đứng đầu là các Nhà Nước. Vậy mà bản thân sự không hay biết mới lạ, kếch sù và khác thường này lại cũng không được các nhà bác học nhận ra. Những người này trên thực tế không làm chủ được những hệ quả các khám phá của họ và thậm chí bằng trí tuệ, họ cũng không kiểm soát nổi ý nghĩa và bản chất của những công trình nghiên cứu ấy.

Các vấn đề nhân văn không những bị phó mặc cho thứ chủ nghĩa ngu dân khoa học đang sản sinh ra những chuyên gia dốt nát, mà còn bị phó mặc cho những học thuyết trì độn mang tham vọng trao độc quyền về tính khoa học (mà theo chủ thuyết mác-xít của Althusser thì đó là thứ chủ nghĩa kinh tế trị [éconocratisme] tự do) cho những ý niệm “khóa chốt” vừa nghèo nàn lại vừa có tham vọng mở tung được mọi cánh cửa (của khát vọng, của mô phỏng [mimesis], của hỗn độn, v.v...), cứ hệt như chân lý đã được khóa chặt trong một cái rương mà giờ đây ta chỉ cần có chìa khóa là mở ra được, và cứ như thứ chủ thuyết lược khảo [essayisme] không được kiểm chứng đang cùng chia sẻ lãnh địa với thứ chủ thuyết duy khoa học [scientisme] hạn hẹp.

Tiếc thay, nhãn quan cắt xén và phiến diện thường xuyên phải trả một giá rất đắt khi được áp dụng cho các hiện tượng nhân văn: sự cắt xén đã cắt da xẻo thịt, đã làm đổ máu, đã gieo rắc nỗi thống khổ. Sự bất lực trong việc nhận ra được tính phức hợp của thực tại nhân học - xã hội, ở chiều cạnh vi mô của nó (con người cá thể) và chiều cạnh vĩ mô của nó (nhân loại toàn hành tinh), đã dẫn đến những thảm cảnh bất tận và dẫn ta đến với bi kịch của ngày tận diệt. Người ta nói rằng chính trị “phải” được đơn giản hóa và “phải” minh bạch [manichée](***). Theo cách hiểu mang tính thao tác sử dụng những xung năng mù quáng thì đúng là như vậy. Nhưng bản thân chiến lược chính trị lại đòi hỏi một từ thức phức hợp, bởi vì chiến lược luôn được tiến hành gắn liền với bất định và chống lại cái bất định, cái rủi ro, gắn liền và chống lại tác động đa dạng của những tương tác và những tác động phản hồi.

Tính tất yếu của tư duy phức hợp

Phức hợp là gì? Trước hết, phức hợp là một sự đan dệt (complexus có nghĩa nguyên thủy là đan dệt với nhau) của những bộ phận cấu thành dị biệt gắn bó chặt chẽ với nhau: nó phơi bày nghịch lý giữa cái một và cái nhiều. Thứ đến, một cách cụ thể, phức hợp là sự đan dệt của những sự kiện, những hành động, những tương tác, những phản tác dụng, những xác quyết, những rủi ro, tất thảy những gì tạo dựng nên thế giới hiện tượng của chúng ta. Tuy nhiên, phức hợp lại hiện diện kèm với những đặc tính đáng lo ngại của nó như sự hỗn độn, rối ren, vô trật tự, mơ hồ, bất định... Do đó đối với tri thức, cần lập lại trật tự cho các hiện tượng, bằng cách đẩy lùi cái vô trật tự, tránh xa sự bất định, tức là chọn lựa ra những yếu tố có trật tự và tất định, không mơ hồ những yếu tố rành mạch, phân minh, có thứ bậc... Nhưng những thao tác cần thiết đối với sự nhận biết một cách suôn sẻ như vậy lại có nguy cơ gây ra chứng mù lòa nếu như chúng loại bỏ các đặc tính khác của cái phức hợp; và trên thực tế như tôi đã chứng minh, đứng là chúng đã biến chúng ta thành mù lòa.

Thế nhưng trong khoa học, phức hợp đã quay lại với chúng ta bằng đúng con đường mà nó từng bị xua đuổi. Bằng việc ra sức bộc lộ Trật Tự hoàn hảo của thế giới, bộc lộ quyết định luận tuyệt đối và vĩnh cửu của nó, sự tuân thủ của nó vào một Quy Luật duy nhất và cấu trúc nguyên khởi giản đơn của nó (nguyên tử), chính sự phát triển của khoa học vật lý rốt cuộc lại dẫn tới tính phức hợp của thực tại. Trong vũ trụ vật lý, người ta đã khám phá ra nguyên lý xuống cấp (như cơ thể bị mất máu), tính vô trật tự (nguyên lý thứ hai của nhiệt động học); tiếp đó, thay vào vị trí được giả định về tính đơn giản vật lý và logic, người ta đã phát hiện ra tính phức hợp cực độ của thế giới vi mô; hạt không phải là viên gạch đầu tiên mà là biên giới để bước sang một thế giới phức hợp có thể không ai nhận thức được; vũ trụ không còn là một cỗ máy hoàn hảo mà là một quá trình trên con đường vừa đang phân rã vừa đang tự tổ chức.

Cuối cùng, người ta dường như nhận ra rằng sự sống không phải là một thể chất [substance], mà là một hiện tượng tự-tổ- chức- sinh thái [auto-eco-organisation] vô cùng phức hợp sản sinh ra tính tự trị[autonomie]. Từ đó suy ra một điều hiển nhiên rằng những hiện tượng nhân học - xã hội hẳn không thể tuân theo các nguyên lý không mấy phức hợp về tình rõ ràng dễ hiểu mà xưa ở đã được ấn định cho các hiện tượng tự nhiên. Chúng ta không nên né tránh hoặc che giấu, mà phải đối mặt với tính phức hợp của nhân học - xã hội.

Cái khó của tư duy phức hợp là nó phải đối đầu với sự hỗn độn (cuộc chơi bất tận của những tương tác, và những tác động phản hồi), đối đầu với sự liên kết chặt chẽ giữa các hiện tượng với nhau, đối đầu với sự xáo trộn, sự bất định, với mâu thuẫn. Nhưng chúng ta có thể tạo ra được một vài công cụ khái niệm, một vài nguyên lý đáp ứng cho cuộc phiêu lưu này, và chúng ta đã có thể mường tượng được khuôn hình của một thuần thức mới về tính phức hợp mà sớm muộn buộc phải lộ diện.

Trong hai tập của bộ Phương pháp1, tôi đã chỉ ra một vài công cụ khái niệm mà ta có thể sử dụng. Như vậy là, ta cần phải thaychuẩn thức chia tách/quy giản/thiên về một chiều [disjonction/reduction/unidimentionnalision] bằng một chuẩn thức phân biệt/ nối kết, cho phép phân biệt nhưng không tách rời, kết hợp nhưng không đồng nhất hoặc không quy giản. Chuẩn thức này tuân theo nguyên lý đối hợplogic [dialogique] và xuyên logic [translogique], tích hợp trong nó cả logic cổ điển lẫn sự ý thức về các giới hạn thực tế [de facto] (vấn đề mâu thuẫn) và giới hạn hợp thức [de jure] (các giới hạn mang tính hình thức) của nó. Nó chứa trong mình nguyên lý của cái một với cái nhiều, một nguyên lý thoát ra ngoài Tính Thống Nhất trừu tượng cả ở tầm cao (cách nhìn duy toàn [hohsme]) lẫn ở tầm thấp (cách nhìn quy giản [réductionisme]).

Ở đây tôi không chủ tâm liệt kê những đòi hỏi kiểu “giáo luật” của tư duy phức hợp mà tôi đã có làm rõ (2). Điều cần làm là phải nhạy cảm với những lỗ hổng lớn trong tư duy của chúng ta và hiểu được rằng một tư duy cắt xén tất yếu sẽ dẫn tới những hành động cắt xén. Cần phải ý thức rõ bệnh lý hiện nay của tư duy. Bệnh lý xưa kia của tư duy đã trao cho những huyền thoại và các vị thần mà nó sinh ra một đời sống độc lập. Bệnh lý hiện đại của tâm trí nằm ở việc siêu đơn giản hóa đang che kín tính phức hợp của thực tại. Bệnh lý của tư tưởng nằm ở quan điểm duy tâm luôn dùng ý niệm để che đậy thực tại mà nó có nhiệm vụ phải diễn giải và chỉ coi ý niệm là duy nhất có thực. Căn bệnh của lý thuyết nằm ở quan điểm lý quyền chủ thuyết [doctrinanrisme] và quan điểm giáo điều, khép kín lý thuyết vào chính nó và “hóa thạch” nó. Bệnh lý của lý tính là sự duy lý hóa tìm cách khép thực tại vào một hệ thống ý niệm nhất quán nhưng thiên vị và đơn điệu; quan điểm duy lý hóa như vậy không biết rằng một phần của thực tại hoàn toàn có thể là phi duy lý và cũng không biết rằng nhiệm vụ của tính duy lý là đối thoại với cái khả phi lý [irrationahsable].

Chúng ta vẫn hãy còn là những kẻ mù lòa về vấn đề phức hợp. Những cuộc tranh cãi về tri thức luận giữa Popper, Kuhn, Lakatos, Feyerabend. v.v... đã bỏ qua hẳn vấn đề này(3). Vì rằng sự mù lòa này là một phần trong tình trạng bán khai của chúng ta.

Nó làm cho ta hiểu rằng ta vẫn chưa thoát khỏi kỷ nguyên bán khai của tư tưởng. Chúng ta vẫn còn ở thời kỳ tiền sử của tâm trí loài người. Chỉ duy có tư duy phức hợp mới khai hóa được tri thức của chúng ta mà thôi.

(*) Theo tham luận ở hội thảo Georges Orwell. Big Brother un inconnu familier, 1984 “Huyền thoại và thực tế”, tổ chức bởi Hội đồng châu Âu phối hợp với Quỹ châu Âu về khoa học, nghệ thuật và văn hóa, giới thiệu bởi F. Rosenstiel và Shlomo Giora shoham (L'Age d'homme, 1986, p.269-2747). Những chú thích đánh số là của tác giả. Còn những chú thích * là của Nhà xuất bản Éditions du Seuil và của người dịch, người biên tập.

(**) Chữ “paradigme” của Thoomas Kuhn (paradigm) được dịch theo nhiều cách khác nhau, như mẫu hình, khuôn mẫu, khung mẫu, hệ chuẩn, hệ hình, hệ ý niệm… Trong sách này chúng tôi dùng thống nhất là chuẩn thức (BT).

(***)Phân minh thiện ác: nguyên văn “manichéisme” là thuyết lưỡng nguyên thiện/ác, lấy tên người Ba Tư khởi xướng là Manès (thế kỷ III) chủ trương phân biệt dứt khoát cách hành xử của cái thiện và cái ác, như ánh sánh với bóng tối. Thuyết này bắt nguồn từ tín ngưỡng và đạo đức nguyên thủy, rồi thâm nhập vào những giáo lý Á, Âu suốt trong một thời gian dài (ND).

(1) E. Morin, La méthode, tập 1 và 2, Paris, Le Seuil, 1977- 1980. Tái bản,coll “Points”. Le Seuil, 1981-1985.

(2) E. Morin, Science avec consciencc, Paris, Fayard, 1982. Tái bản, coll. “Points”. Le Seuil, 1990, trang 304-9.

(3) Tuy nhiên, nhà triết học khoa học Gaston Bachelard**** đã phát hiện ra rằng không có cái đơn giản: chỉ có cái đơn giản hóa mà thôi. Khoa học xây dựng đối tượng bằng cách lôi môi trường phức hợp của nó để đặt vào những tình huống không phức hợp. Khoa học không nghiên cứu vũ trụ đơn giản, mà chỉ là một phép đơn giản hóa mang tính gợi mở cần thiết nhằm rút ra được một số đặc tính, xem đó là quy luật.

Lúc về già, khi nhìn lại quan điểm giáo điều của bản thân mình, nhà triết học mác-xít Georges Lukács đã phát biểu: Phải coi phức hợp là yếu tố tồn tại đầu tiên. Do đó trước hết có lẽ cần phải xem xét phức hợp với tư cách là phức hợp và sau đó mới từ cái phức hợp mà xem xét đến các yếu tố và các quá trình sơ khởi của nó”.

**** Gaston Bachelard (1884-1962) nhà triết học người Pháp có nhiều công trình nổi tiếng về tri thức luận, đặc biệt là: Le nouvel esprit scientifique[Tinh thần khoa học mới] 1934;
La formationl de l’esprit scientifique [Hình thành tinh thần khoa học)1938; Le matérialisme rationel [Duy vật luận duy lý]1953 (ND).

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trí thức và nhận thức pháp quyền

    30/10/2015B. A. Kistiakovski - Phạm Nguyên Trường dịch và chú thíchMột số người cho rằng pháp luật chỉ có giá trị tối thiểu về đạo đức, một số khác lại cho rằng cưỡng chế, nghĩa là bạo lực, là thành tố không thể tách rời của pháp luật. Nếu đúng là như thế thì chẳng có cơ sở nào để chê trách giới trí thức của chúng ta trong việc coi thường pháp quyền hết. Giới trí thức của chúng ta luôn hướng tới những lý tưởng tuyệt đối và trên đường đi của mình nó có thể bỏ qua cái giá trị thứ cấp này.
  • Tư duy khoa học

    27/10/2015Tư duy khoa học là giai đoạn cao, trình độ cao của quá trình nhận thức, được thực hiện thông qua một hệ thống các thao tác tư duy nhất định trong đầu óc của các nhà khoa học (hoặc những người đang sử dụng các tri thức khoa học và vận dụng đúng đắn những yêu cầu của tư duy khoa học) với sự giúp đỡ của một hệ thống “công cụ" tư duy khoa học nhằm "nhào nặn các tri thức tiền đề, xây dựng thành những tri thức khoa học mới...
  • Nghiên cứu phức hợp về con người

    18/08/2015Hồ Sĩ Quý"Hình tượng con người bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được tập hợp sắp xếp lại" (M. Scheler). Tiếp cận phức hợp về con người không phải là phương thức nghiên cứu hoàn toàn mới. Người ta biết tới lối nhận thức này ngay từ thời cổ đại...
  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • Tính tất yếu của tư duy phức hợp

    25/07/2009Phạm Khiêm ÍchTư duy phức hợp do Edgar Morin khởi xướng. Nhưng xét đến cùng thì đây là sản phẩm của cả một chặng đường phát triển lịch sử, văn hóa, văn minh nhân loại. Nó thể hiện một tổng thể các quan niệm mới, tầm nhìn mới, khám phá mới, suy tư mới và mong ước của tác giả "tìm kiếm sự thống nhất giữa khoa học và lý thuyết về tính phức hợp nhân bản ở trình độ rất cao".
  • Tăng cường nghiên cứu phương thức tư duy, phát huy năng lực sáng tạo triết học

    19/02/2009Trần Trung Lập - Người dịch: Th.S Trần Thúy NgọcTrên cơ sở khẳng định vai trò to lớn của phương thức tư duy đối với sự phát triển xã hội, trong bài viết này tác giả đã phân tích mối quan hệ tương hỗ giữa phương thức tư duy và phát triển xã hội, coi đổi mới phương thức tư duy là điều kiện cần thiết để thúc đẩy xã hội phát triển. Theo tác giả, hiện nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như những mặt trái giữa thực tiễn sản xuất và thực tiễn khoa học đặt ra nhu cầu bức thiết phải đổi mới phương thức tư duy. tuy nhiên, sự tối ưu hoá phương thức tư duy nhất thiết phải là một quá trình.
  • Tư duy kinh nghiệm và vai trò của nó trong hoạt động thực tiễn

    09/01/2009Trần Thị Thuận VũBài viết góp phần làm rõ thêm tư duy kinh nghiệm và vai trò của nó trong hoạt động nhận thức và cải tạo hiện thực khách quan của con người. Theo tác giả, tư duy kinh nghiệm có những giá trị, ưu thế nhất định, song cũng có những hạn chế mà tự nó không thể vượt qua. Do đó, để phát huy vai trò của tư duy kinh nghiệm, cần phải đặt nó trong một liên hệ thống nhất với tư duy lý luận, bởi chỉ có tư duy lý luận mới khắc phục được tính chất phiến diện, hạn hẹp của tư duy kinh nghiệm.
  • Đôi nét về tư duy đa phức

    05/01/2009Nguyễn Mạnh Hào“Chúng ta còn luôn ở trong tiền sử của trí tuệ con người. Chỉ có tư duy đa phức mới cho phép văn minh hóa tri thức.”
  • Nghiên cứu tư tưởng theo quan điểm phức hợp

    26/05/2008Cuốn sách này là tập thứ tư trong bộ "Phương pháp" (gồm 6 tập), nghiên cứu Tư tưởng trên quan điểm văn hoá và xã hội (sinh thái học về tư tưởng), quan điểm về cuộc sống của tư tưởng, về tính tự chủ/ phụ thuộc của thế giới tư tưởng (trí quyển) và quan điểm tổ chức của tư tưởng (trí học)…
  • Tư duy và thực tại

    12/11/2007SorosTôi bắt đầu với quan hệ giữa tư duy và thực tại, đặc biệt khi nó liên quan đến những chuyện xã hội. Tôi cần chứng tỏ cái gì là cái làm cho sự hiểu biết của chúng ta không hoàn hảo một cách cố hữu. Tri thức không vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, nhưng khi đến các tình thế trong đó chúng ta là những người tham gia tích cực chúng ta không thể đặt cơ sở cho quyết định của mình chỉ riêng trên tri thức...
  • Những thách đố của tính phức hợp

    09/11/2006Edgar Morin (Chu Tiến Ánh - Vương Toàn dịch)Tính phức hợp là một vấn đề, một bài toán, đó là một thách đố chứ không phải là lời giải đáp. Thế nhưng tính phức hợp là gì?
  • Tư duy hệ thống: Quản lý hỗn độn và phức hợp

    27/09/2005Cái mới trong khoa học quản lý là quản lý tình thế hỗn độn và phức hợp, trên cơ sở quán triệt tư duy hệ thống. Nhà khoa học quản lý Jamshid Gharajedaghi cung cấp cho các nhà tổ chức và quản lý, cho giới kinh doanh và đông đảo độc giả những kiến thức cần thiết về tư duy hệ thống, bao gồm triết học hệ thống, các lý thuyết hệ thống và phương pháp luận hệ thống, đồng thời trình bày những ứng dụng cụ thể các lý thuyết nói trên vào việc nghiên cứu và thiết kế một số dự án ở các công ty và các cơ quan chính phủ nhiêu nước, mà bản thân tác giả đã tham gia và có vai trò tư vấn chủ chốt...
  • xem toàn bộ