Trong những đường hầm của thi ca

03:48 CH @ Thứ Hai - 29 Tháng Tám, 2005

Đường mòn này là số phận ta...

I

Khi coi thơ là hàng hóa hoặc là dịch vụ, tôi biết rõ nguy cơ sẽ bị các nhà thơ, các nhà phê bình, và cả những người yêu thơ - những người mà tôi không chỉ kính yêu mà còn luôn hướng tới với niềm hy vọng - phản bác, thậm chí nguyền rủa. Tôi còn biết rằng nguy cơ sẽ tăng gấp đôi nếu tôi coi thơ là cả hai thứ ấy. Mà đó chính là điều tôi đang định làm.
Theo tôi, thơ vừa là hàng hóa vừa là dịch vụ.

II

Nhưng xin được bắt đầu từ xa hơn một chút.

Trong suốt lịch sử của mình, để tồn tại và phát triển, con người không thể sống ngoài cộng đồng. Điều đó xuất phát từ chính bản chất của con người, với tư cách một sinh vật xã hội. Marx nói rằng con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, rằng "con người là tự nhiên có tính chất người". Thật khó có nhận xét nào thâm thúy hơn thế, bởi lẽ chính bản chất xã hội đã làm cho con người khác hẳn con vật. Để đáp ứng những nhu cầu mà họ không thể tự đáp ứng, mặc dù đôi khi người ta không ý thức được rõ ràng, con người sử dụng lao động của nhau, dưới dạng sản phẩm hoặc tác động trực tiếp, được thể hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau.

Thực ra thì con người đã và sẽ không bao giờ ngừng tồn tại như là một sinh vật, nhưng trình độ văn minh của của con người tỉ lệ thuận với tính xã hội của nó. Trong vô số những biểu hiện cụ thể khác nhau, tôi muốn lưu ý về sự lệ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các cá nhân trong xã hội, một sự lệ thuộc vừa là cội nguồn vừa là kết quả của tính xã hội trong việc đáp ứng những nhu cầu sinh tồn và phát triển của con người. Tất nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau đã có ở động vật và thậm chí cả ở thực vật. Chúng ta ai cũng đã từng trông thấy cỏ mềm dựa vào nhau để vươn lên. Chúng ta càng không lạ gì sự phân chia nhiệm vụ trong những đàn thú hoang dã. Ở một số loài động vật đặc biệt, như loài ong chẳng hạn, sự phân công nhiệm vụ thật đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, sự phân công lao động mang tính tự nhiên như thế chẳng thấm tháp gì so với sự phân công lao động trong xã hội loài người. Nếu như ở các loài động vật bậc thấp, và cả ở người nguyên thủy, phần lớn các nhu cầu trong cuộc sống của mỗi cá thể do chính cá thể đó tự đáp ứng, kể cả những nhu cầu tương đối phức tạp như chế tạo công cụ hay chăm sóc mùa màng, thì ở con người văn minh các công việc dần dần được chuyên môn hóa. Đến lượt nó, sự chuyên môn hóa trong xã hội làm phong phú đời sống vật chất của con người, tạo ra những nhu cầu vật chất mới ngày càng cao hơn, ngày càng phức tạp hơn, đòi hỏi sự chuyên môn hóa sâu sắc hơn.

Tất cả những gì mà sự chuyên môn hóa lao động trong xã hội cung cấp cho con người có thể chia ra làm hai loại là hàng hóa và dịch vụ, với những đặc tính rất dễ phân biệt.

Hàng hóa là những sản phẩm được thể hiện dưới dạng vật chất và tồn tại tự thân, còn dịch vụ thì phi vật chất và chỉ có thể thực hiện trong quá trình quan hệ. Một chiếc cốc chẳng hạn, đó là một thứ hàng, dù đó là cái cốc tốt hay tồi, dù nó đẹp hay xấu, dù nó được làm bằng sứ hay bằng nhựa, và thậm chí dù nó có được đem bán hay không.

Bạn có thể phản bác rằng một đồ vật chỉ trở thành hàng hóa nếu nó được làm ra để bán. Tôi đồng ý, về lý thuyết thì đúng như vậy. Nhưng trong xã hội loài người, mà bản chất là một xã hội chuyên môn hóa, ngay cả ở trình độ thấp, mọi đồ vật đều có thể định giá trên thị trường. Mọi con cá đều có giá trị tính theo mức lao động xã hội cần thiết và ứng một giá bán nhất định trên thị trường, cho dù đó là một con cá tình cờ nhảy từ dưới sông vào thuyền của bạn. Tương tự như vậy, cái cốc không bán của bạn bất kể lúc nào cũng có thể đem bán cho khách hàng và vì thế ngay từ lúc làm ra nó đã là hàng hóa, chỉ có điều đó là hàng chưa hoặc không bán mà thôi.

Còn về dịch vụ thì khác. Người ta chỉ có thể cung cấp dịch vụ khi có quan hệ giao tiếp của ít nhất là hai đối tác: người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Nếu bạn làm nghề cắt tóc thì bạn chỉ có thể cung cấp dịch vụ cắt tóc chừng nào có người đến thuê bạn cắt tóc.

Đặc điểm của dịch vụ là kén chọn, hay đúng hơn là phụ thuộc, vào người sử dụng dịch vụ. Nếu bạn hành nghề cắt tóc, bạn chỉ có thể cung cấp dịch vụ của bạn cho người có nhu cầu cắt tóc mà không thể cung cấp dịch vụ đó cho người có nhu cầu tẩm quất. Nếu không có yêu cầu, dịch vụ chỉ có thể tồn tại dưới dạng tiềm năng. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng cũng thường biến động và nhất thời. Người ta không thể ngày nào cũng cần cắt tóc hay lúc nào cũng cần tẩm quất. Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy một điểm khác biệt thứ hai giữa hàng hóa và dịch vụ. Nếu như hàng hóa tương đối ít thay đổi và có thể đánh giá theo những tiêu chí tương đối cụ thể và xác định trong xã hội thì các dịch vụ thường xuyên phải thay đổi và được đánh giá theo những cách khác nhau, tùy thuộc không chỉ vào thời gian mà còn vào người sử dụng dịch vụ. Quá trình này lại dẫn đến sự thay đổi của người cung cấp dịch vụ.


III

Trong số các sản phẩm mà con người làm ra bằng lao động, các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có thi ca, thuộc loại đặc biệt, vừa mang những đặc tính của hàng hóa, vừa mang những đặc tính của dịch vụ.

Khi bạn làm xong một bài thơ thì nó cũng đã là một bài thơ, nhưng là một bài thơ chưa hoàn chỉnh. Thật vậy, với tư cách là một bài thơ, nó chỉ tồn tại theo đúng nghĩa khi có người đọc nó. Điều này xưa nay vẫn thế, nhưng người ta mới chỉ nhận ra cách đây không lâu. Điều này không phải là ngẫu nhiên và chúng ta sẽ lý giải dưới đây.

Chính vì nó phụ thuộc vào người đọc nên một bài thơ được cảm nhận khác nhau bởi những người đọc khác nhau, phụ thuộc vào thị hiếu, kiến thức, tuổi tác, kinh nghiệm thưởng thức và nhiều đặc điểm cá nhân khác, đó là chưa kể những hoàn cảnh khách quan như phong cảnh, thời tiết... cũng ít nhiều ảnh hưởng đến anh ta.

Rõ ràng là trong mỗi bài thơ đều song song tồn tại những yếu tố bất biến và những yếu tố biến đổi. Những yếu tố bất biến phần nhiều gắn liền với phẩm chất hàng hóa, còn những yếu tố biến đổi phần nhiều gắn liền với phẩm chất dịch vụ.

Những yếu tố bất biến chủ yếu về hình thức là thể loại, niêm luật, nhịp điệu, cách gieo vần, các thủ pháp ngữ pháp... Những yếu tố bất biến về nội dung có thể là chủ đề, nội dung thông báo, và trong chừng mực nào đó là ẩn dụ...

Những yếu tố biến đổi chủ yếu là về nội dung như cảm xúc, ấn tượng, ẩn dụ, biểu tượng và thường nằm ngoài văn bản, cái mà các nhà thơ xưa gọi là "ý tại ngôn ngoại".

Tôi xin lấy bài Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan làm ví dụ:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...

Cho dù vẫn được coi là một kiệt tác trong kho tàng thơ ca nước Việt, cho dù tôi say mê nó từ khi còn cắp sách đến trường, tôi vẫn buộc phải nói một sự thật là không phải ai cũng thích nó. Và điều sau đây cũng là sự thật: trong thế hệ trẻ, tỷ lệ những người yêu thích nó đang ngày một giảm đi. Chưa hết, ngay cả trong số những người yêu thích nó thì sự yêu thích cũng không giống nhau ở những người đọc khác nhau. Người Hà Nội dĩ nhiên là cảm thấy gần gũi hơn so với người tỉnh khác. Người ở trong nước cảm nhận khác với người đi xa. Những người từng đi học chữ Nho, từng được chứng kiến kinh thành sụp đổ chắc chắn cảm nhận nó thấm thía hơn so với những chàng trai mới lớn đang đánh võng trên đường phố bằng xe máy... Trung Quốc! Cuối cùng, đối với những người nước ngoài không biết tiếng Việt, đó chỉ là một mớ các ký hiệu vô nghĩa, chẳng khác gì một tác phẩm bằng tiếng Nga của Puskin là hoàn toàn vô nghĩa đối với những người Việt không biết tiếng Nga.

Tuy nhiên, trong cảm nhận của tất cả mọi người Việt bình thường vẫn có những điểm chung: đó là một bài thơ buồn về sự đổi thay của Hà Nội xưa... Những người am hiểu thơ Đường thì còn có thể đánh giá những cái hay của nó theo những tiêu chuẩn của thi pháp thơ Đường. Người ta cũng có thể phân tích những cái hay về ngôn từ, về hình ảnh, nhịp điệu... Những phân tích này, tuy không thể tuyệt đối đồng nhất, nhưng dù sao cũng gần gũi nhau hơn, căn cứ vào những thước đo tương đối ổn định và được thừa nhận rộng rãi hơn so với những gì chúng ta vừa nói.

Xin lưu ý rằng, cũng giống như hầu hết các khái niệm khác trong khoa học nhân văn, những khái niệm như yếu tố bất biến hay biến đổi, hình thức và nội dung... đều cần hiểu một cách tương đối, bởi lẽ chẳng có gì hoàn toàn bất biến, và mọi sự biến đổi cũng lại có một khuôn khổ nhất định.


IV

Những điều vừa trình bày có vẻ đơn giản, nhưng thực ra nó cho phép chúng ta giải thích những vấn đề rất cốt lõi của đời sống thi ca.

Thời xưa, trong một xã hội nông nghiệp tương đối thuần nhất, cuộc sống của con người cũng thuần nhất, hay ít ra là gần gũi với nhau. Tất nhiên, khi đó cũng đã có các thành thị, cũng có các giai cấp, cũng có những ngành nghề khác nhau trong xã hội. Nhưng thành thị khi đó còn gắn chặt với nông thôn, các ngành nghề chưa mấy xa nhau, đến cả những ông quan cũng phần lớn xuất thân từ nông thôn, họ không hề xa rời đồng ruộng và bất cứ lúc nào cũng có thể trở về với đồng ruộng để sống như một người nông dân thực thụ. Tóm lại, con người khi đó không khác nhau nhiều lắm và thị hiếu của họ cũng tương đối gần gũi. Dễ hiểu rằng khi đó, một bài thơ viết ra sẽ có nhiều cơ hội được nhiều người đón nhận hoặc khen chê giống nhau. Người đọc, do cuộc sống tương đối giống nhau, có cách cảm nhận giống nhau và vì thế dễ thống nhất.

Thời đại của của những kiệt tác phổ cập đã qua rồi. Ngày nay thật khó có thể có một bài thơ làm cho tất cả mọi người cùng ưa thích. Tất nhiên, con người vẫn luôn luôn có những điểm chung, thị hiếu của họ cũng vậy. Nhưng họ đã có quá nhiều điểm khác nhau, và sẽ còn có nhiều hơn gấp bội. Trong xã hội hiện đại, khi mà mọi lĩnh vực khoa học đã được phân chia thành nhiều nhánh nhỏ, khi mà ngay cả món bánh mì kẹp thịt cũng được sản xuất qua nhiều công đoạn theo phương pháp dây chuyền, thì về bản chất, con người đã bị nhốt vào những đường hầm vô hình, những đường hầm qui định không chỉ không gian xã hội mà cả không gian tinh thần của họ. Trong những đường hầm đó, họ chỉ còn đủ kỹ năng để tương tác với các thành viên của một cộng đồng hẹp. Trên thực tế, họ trở thành những cộng đồng biệt lập, cho dù nhờ các phương tiện thông tin hiện đại họ vẫn có cơ hội tiếp cận với các cộng đồng khác - chủ yếu là gián tiếp và thông qua lăng kính định kiến đủ loại, thường là của xã hội nhưng đôi khi là của chính họ.

Những cộng đồng biệt lập mang tính nghề nghiệp như thế cũng đồng thời là những cộng đồng người cảm thụ. Những cộng đồng biệt lập, không ngừng thay đổi và ngày càng biệt lập hơn. Engels nói rằng lao động đã sản sinh ra bản thân con người - chúng ta cần phải hiểu rằng lao động ở đây được dùng theo nghĩa rộng và quá trình sản sinh ra con người vẫn còn đang tiếp tục.

Sự phân hóa của những người cảm thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày nay sâu sắc đến mức thật khó có thể tìm thấy một tác phẩm nào chung cho tất cả mọi người. Điều đó giải thích việc tại sao thơ ngày nay in ra với số lượng rất ít và nhà thơ rất khó nổi tiếng.

V

Tôi đã được đọc những dòng của ai đó, hình như là Pablo Neruda, than thở rằng thơ đang dần dần thu hẹp vào vương quốc riêng nó, rằng bây giờ chỉ có các nhà thơ đọc nhau. Thậm chí tình trạng còn trầm trọng hơn: ngay cả các nhà thơ cũng không đọc nhau nữa. Có lẽ, rồi sẽ đến lúc chỉ còn tác giả thơ đọc thơ của chính mình mà thôi.

Một nhận xét quả là bi quan. Nhưng với tư cách một người làm thơ, tôi buộc phải cay đắng thú nhận rằng nó không phải hoàn toàn không có cơ sở, mặc dù tôi và bạn bè đồng lứa với tôi chẳng còn đường nào khác. Chẳng còn cơ hội nào cho chúng tôi để viết những bài thơ truyền thống theo những tiêu chuẩn truyền thống cho những độc giả truyền thống. Thời đại đã đổi thay và chính chúng tôi cũng đã đổi thay rồi. Chỉ có một điều còn lại: thơ vẫn là một kẻ song trùng, vừa là hàng hóa vừa là dịch vụ.

Còn các nhà thơ, giống như tất cả mọi người, họ đang đi vào những đường hầm biệt lập, trong đó họ sáng tạo ra những bài thơ mới cho những độc giả mới của họ. Đó là lý do duy nhất để họ tồn tại. Đó cũng là niềm hy vọng làm một điều có ích. Chỉ điều đó thôi cũng đã đem lại cho họ sức mạnh để không gục ngã.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Vị nhân sinh đúng hay sai?

    04/10/2016Đỗ Kiên CườngXin mọi người đọc thuật kỹ và thật bình tâm, đặt một ấm nước, lúc đọc xong là lúc nước sôi, pha bình trà, uống và ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng...
  • Viết để làm gì ?

    17/08/2005Sartre, Jean-Paul (Nguyên Ngọc dịch)Mỗi người có lý do riêng của mình: với người này, nghệ thuật là một cuộc chạy trốn; với người kia, một phương cách chinh phục. Nhưng người ta có thể trốn vào một nơi cô tịch, vào đam mê, vào cái chết; người ta có thể chinh phục bằng vũ khí. Tại sao phải đích thị là viết, làm những cuộc trốn chạy của mình bằng cái viết?
  • Minh triết của giới hạn

    03/08/2005Nguyễn Trung HiếuTập sách này bắt đầu bằng những câu hỏi triệt để và quyết liệt. Triệt để nhưng không khép kín, tập sách mời gọi bạn đọc vào một cuộc phiêu du trí tuệ. Bằng cách tham gia vào cuộc phiêu du ấy, bạn sẽ tự phát hiện ra những ý tưởng của riêng mình...