“Trọng tâm của chương trình mới là phương pháp dạy học”

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

GIÁO DỤC.- Số giáo viên không đạt yêu cầu sẽ bố trí công việc khác. Sở GD - ĐT chịu trách nhiệm về việc “lạm thu” ở địa phương mình. Mô hình trường THPT kỹ thuật sẽ được thí điểm từ năm học 2003 - 2004. Tiếp tục cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ

Phóng viên: Năm học 2002- 2003 là năm học có nhiều thay đổi. Xin Thứ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới là gì?

- Ông Lê Vũ Hùng: Bộ GD- ĐT đã đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành trong năm học này. Đó là tập trung tạo mọi điều kiện để thực hiện tốt việc dạy và học chương trình và SGK mới ở lớp 1, lớp 6; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành chương trình khung ở ĐH, CĐ, THCN; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học; đổi mới thi cử và cách đánh giá học sinh. Hai là củng cố thành quả xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đẩy mạnh phổ cập THCS. Ba là kiện toàn đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Bốn là kiên cố hóa trường học, chấm dứt lớp học ba ca và năm là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

Chất lượng đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế, trong khi năm học này Bộ GD-ĐT quyết tâm đổi mới phương pháp dạy học. Vấn đề này có gì trở ngại?

- Không có gì lớn lắm. Trọng tâm của việc thực hiện chương trình mới là phương pháp giảng dạy và học tập. Làm được điều này, phần lớn phải dựa vào giáo viên, như thế cũng có nghĩa vai trò của người giáo viên đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, bộ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho 80.000 giáo viên dạy lớp 1 và 60.000 giáo viên dạy lớp 6. Tất cả giáo viên lớp 1, 6 đều được tập huấn trước khi giảng dạy. Đồng thời, cung cấp thêm hệ thống tài liệu hướng dẫn giáo viên thực hiện.

Lượng giáo viên dôi dư do không đảm bảo yêu cầu sẽ được giải quyết bố trí công việc khác, hoặc đào tạo lại nếu tuổi còn trẻ hay nghỉ hưu nếu sắp đến tuổi về nghỉ.

Cứ đến mùa tựu trường là lại nghe phụ huynh than phiền về tình trạng “lạm thu” trong nhà trường. Có biện pháp nào chống và chấm dứt lạm thu trong nhà trường không, thưa ông?

- Mức thu bao nhiêu đã được Nhà nước quy định cụ thể. Nếu trường nào thu quá mức cho phép thì các sở GD-ĐT địa phương phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Bộ đã phân cấp cho các sở, sở phải kiểm tra và có ý kiến xử lý. Bộ không thể làm thay công việc của địa phương, không thể quyết công việc của từng trường.

Tốc độ phát triển của các trường ngoài công lập hiện đang khựng lại do không tuyển được học sinh. Bộ có giải pháp gì đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục?

- Đối với việc xã hội hóa giáo dục tại trường phổ thông, bộ đã giao trách nhiệm cho các sở lên kế hoạch quy hoạch, phát triển trong khu vực của mình. Tùy theo đặc điểm kinh tế - xã hội của từng khu vực, từng địa phương, mỗi nơi có một giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục riêng do sở GD-ĐT quyết định.

Mô hình trường THPT kỹ thuật liệu có đạt được mục tiêu đặt ra là phân luồng học sinh?

- Trường THPT kỹ thuật là mô hình trường mới, đang được nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm bắt đầu từ năm học 2003-2004. Học sinh học tại các trường THPT kỹ thuật được nhiều thứ “lợi”, đó là vừa được học nghề để đi làm kiếm sống, vừa được cấp bằng tốt nghiệp trung học như các học sinh khác để thi ĐH, CĐ nếu có nhu cầu tiếp tục học lên. Mô hình trường THPT kỹ thuật và việc thí điểm liên thông đào tạo đang được Bộ GD-ĐT nghiên cứu đưa vào thực hiện, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả. Mục tiêu của bộ là phấn đấu để 50% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các hệ này.

Theo Bộ GD-ĐT, việc cải tiến tuyển sinh năm nay đã giảm bớt nặng nề, tốn kém, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc?

- Công tác cải tiến tuyển sinh năm nay đã giảm bớt nặng nề, tốn kém. Nhờ thực hiện giải pháp “ba chung”, đã giảm được 800.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi và khoảng 600.000 lượt thí sinh dự thi. Ước tính sơ bộ có thể làm giảm chi phí cho xã hội là 500 tỉ đồng. Giải pháp “ba chung” cũng đã tác động tốt đến phân luồng học sinh sau THPT và việc chọn trường của thí sinh sao cho phù hợp với sức học của mình. Chủ trương và giải pháp đổi mới tuyển sinh của Bộ GD-ĐT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Về một số nhược điểm còn tồn tại của kỳ thi năm nay, trong năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới thi cử tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng hoàn thiện dần.

Diệu Hằng - Lan Anh NLĐ

LinkedInPinterestCập nhật lúc: