Trước hết phải biết yêu thương

11:32 SA @ Thứ Sáu - 21 Tháng Mười Một, 2008

Thầy Văn Như Cương (đã ngoài 7O tuổi) và giảng viên trẻ Mai Quốc Khánh (mới ngoài 20 tuổi) đã cùng tham gia cuộc đối thoại thế hệ kỳ này, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.

Lý do thầy chọn nghề dạy học?

Thầy Văn Như Cương: Một trong những lý do khiến tôi chọn nghề giáo có lẽ là do ảnh hưởng của truyền thống gia đình tôi. Ông cụ thân sinh của tôi là một hương sư, một ông đồ Nghệ, chuyên dạy chữ cho trẻ con trong làng. Chị em trong gia đình tôi, vợ và con tôi, anh em rể, bố vợ đều theo nghiệp giáo chức. Nên thường nói vui là “nhà giáo toàn tòng” (Cười).

Thầy Mai Quốc Khánh: Tôi muốn theo nghề của ông nội . Ông là thần tượng của tôi. Đồng thời nghề dạy học cũng tạo cho tôi có một môi trường rất tốt để tôi vừa có thể hoàn thiện thêm về bản thân, vừa đóng góp một phần công sức của mình cho xã hội. Khi thi đại học tôi đều chọn các trường Sư phạm. Và khi được giữ lại trường giảng dạy thì tôi nghĩ đó thực sự là một cơ duyên.

Khi mới ra trường thầy có đi làm thêm không?

Thầy Văn Như Cương: Chỉ đến lúc đi học tiến sĩ ở Liên Xô về (1971 ) tôi mới bắt đầu tham gia dạy vài lớp luyện thi. Túc tắc đi luyện thi để kiếm tiền, nhưng chỉ kiếm đủ cho vợ con tiêu hàng ngày thôi. Chứ chẳng dành dụm được đồng nào cả, ngay cả cái xe đạp cũng không mua nổi.

Thầy Mai Quốc Khánh: Tôi có đi dạy thêm. Công việc làm thêm bây giờ cũng đa dạng. Nhiều đồng nghiệp của tôi tham gia làm các dự án, trong đó có nhiều dự án với nước ngoài, ví dụ Khoa Tâm lý - Giáo dục học của tôi hay hợp tác với UNICEF.

Một kỷ niệm buồn của thầy trong sự nghiệp?

Thầy Văn Như Cương: Thực ra tôi không có mấy chuyện buồn, có lẽ là vì tôi biết sống vị tha, nên những chuyện làm tôi buồn thì tôi cũng dễ bỏ qua... Tuy nhiên, tôi là người nghiêm khắc.

Thầy Mai Quốc Khánh: Tôi chưa gặp chuyện gì thật sự buồn đến mức phải ghi nhớ trong đầu. (Cười)

Thế còn một kỷ niệm vui?

Thầy Văn Như Cương: Một trong những hạnh phúc của tôi là được chứng kiến việc học trò trưởng thành, từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ những sinh viên ngày tôi còn dạy ở ĐH Sư phạm cho đến những học sinh lúc tôi làm Hiệu trưởng ở trường Lương Thế Vinh.

Thầy Mai Quốc Khánh: Không phải với riêng bản thân tôi mà còn đối với tất cả các thầy (cô) giáo thì mỗi một giờ dạy thành công đều là một niềm vui.

Theo thầy, một giảng viên giỏi cần những phẩm chất gì?

Thầy Văn Như Cương: Phẩm chất hàng đầu là phải biết yêu thương, vì nghề giáo là tiếp xúc với con người (đặc biệt là thanh, thiếu niên). Một đứa trẻ không được lớn lên trong yêu thương thì không thể lớn khôn được. Phải có yêu thương thì mới dạy tốt được học trò, phải có yêu thương thì mới chăm được cho đời những chồi non . . . Để làm được một thầy giáo, trước tiên phải biết yêu thương, sau đó rồi mới nói đến lòng yêu nghề, năng khiếu về truyền đạt kiến thức...

Thầy Mai Quốc Khánh: Giảng viên phải khơi dậy được hứng thú học tập của sinh viên và sinh viên phải học được (đạt được kết quả).

Theo thầy, sinh viên bây giờ đánh giá cao thầy giáo ở những điểm nào?

Thầy Văn Như Cương: Đó là năng lực chuyên môn. Sinh viên sẽ đánh giá người thầy dựa trên mức độ hiểu biết mà người thầy ấy có. Chắc chắn là các bạn sinh viên chẳng mấy nể phục một ông thầy mà cứ lúng ta lúng túng khi bị sinh viên “bật lại", hoặc bị "bắt bài"…

Thầy Mai Quốc Khánh: Trình độ chuyên môn, khả năng truyền đạt và cả một chút về ngoại hình. Đồng thời phải là người có phẩm chất đạo đức tốt. Tôi cho rằng dạy học cũng giống như giao tiếp, ấn tượng ban đầu rất quan trọng.

Số tiền lớn nhất mà thầy được đề nghị nhận là...?

Thầy Văn Như Cương: Có một bà giám đốc một doanh nghiệp đến nhà mang theo một bọc tiền, nhưng tôi đã thẳng thắn từ chối. Tuy nhiên, bà ta nói muốn giúp đỡ nhà trường, thì tôi đồng ý để bà ấy tặng ghế nhựa cho học sinh ngồi, nhưng phải vô điều kiện.

Thầy Mai Quốc Khánh: Chưa có sinh viên nào đến gửi phong bì cho tôi để chạy điểm. Điều này cũng dễ hiểu vì từ vài năm nay đầu vào của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội rất cao. Sinh viên đã học giỏi thì cần gì phải chạy điểm. Hơn nữa đa phần sinh viên thi vào trường thường xuất thân từ các gia đình không khá giả. Như thế họ cũng chẳng có nhiều tiền để mà đi "chùa thầy". Một lý do nữa là các em học tập trong môi trường sư phạm nên rất gương mẫu.

Đã có lúc báo chí đăng hàng loạt bài về chuyện thầy giáo yêu cầu sinh viên "đổi tình lấy điểm", thầy giáo nhận tiền để nâng điểm cho sinh viên,... Những lúc ấy lên lớp thầy có bị khớp tâm lý không?

Thầy Văn Như Cương: Những lúc như thế tôi không những chỉ buồn, mà còn rất bức xúc và căm phẫn. Là nhà giáo thì không thể có những hành động như thế được. Một hành động không thể chấp nhận.

Thầy Mai Quốc Khánh: Nghề nào cũng có người thế này người thế kia. Những trường hợp như anh nêu không phải là phổ biến. Sinh viên cũng nhận thức khá rõ về điều này. Mình như thế nào thì sinh viên của mình biết.

Khi có một sinh viên nữ đem lòng yêu thầy, thầy phản ứng thế nào?

Thầy Văn Như Cương: Nói thực, tôi không phải là người ga-lăng trong chuyện nam - nữ. Tôi tự hào vì suốt cuộc đời tôi giữ được hai điều : Một, không phải tiền mình làm ra thì tôi không tiêu; Hai, không phải vợ mình thì mình không ngó ngàng, sàm sỡ. Mấy em sinh viên nói đùa với tôi: “Như thế thì chỉ có thiệt thôi thầy ạ!”. Tôi trả lời, đó là nguyên tắc sống của tôi, cho đến nay hơn 70 tuổi những tôi vẫn phải giữ cho trọn điều ấy.

Thầy Mai Quốc Khánh: Tôi trân trọng tình cảm của cô ấy bởi vì tình yêu là một thứ tình cảm thiêng liêng và đáng được quí trọng , nhưng tôi sẽ từ chối vì tôi đã có người yêu rồi. (Cười) Còn chuyện nếu một thầy giáo chưa có người yêu và một nữ sinh yêu nhau trong sáng thì chẳng có gì phải bàn cãi, tôi cho đó là điều rất bình thường. Trên lớp học họ là thầy trò, còn trong cuộc sống họ là những con người bình thường.

Có khi nào thầy không muốn làm nghề dạy học nữa không?

Thầy Văn Như Cương: Tôi chưa bao giờ thấy chán nghề dạy học cả. Có lẽ sự yêu nghề đã thấm vào máu mất rồi. Tôi luôn tự làm mới mình bằng sự trẻ trung trong cách truyền đạt cho học trò, pha chút hóm hỉnh. Kiếp này chọn nghề dạy học. thì kiếp sau chắc cũng sẽ thế.
Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó bắt buộc tôi không còn làm thầy giáo, thì có lẽ tôi sẽ chọn nghề làm …thầy cãi (luật sư), vì tôi thấy mình cãi có lý, có tâm, và hết sức thuyết phục. Bằng chứng là ít người cãi với tôi mà thắng (cười). Nhưng mà này, có một điều chắc chắn là tôi quyết sẽ không làm . . . thầy bói! (tiếp tục cười)

Thầy Mai Quốc Khánh: Đôi khi cũng gặp những khó khăn nhưng tôi chưa nghĩ đến việc chuyển nghề.

Ngày xưa người ta hay nói nhà văn, nhà giáo, nhà báo là ba nhà nghèo. Nhưng giờ đây nhiều giảng viên đại học có xe hơi?

Thầy Văn Như Cương: Nhưng chắc người ta kiếm ở lĩnh vực khác, chứ khó có thể kiếm được nhiều tiền từ nghề dạy học. Biết đâu những người đi xe hơi kia lại trúng chứng khoán, hay kiếm lời được từ việc mua bán một lô đất nào thì sao? Chỉ một số ít người đặc biệt thì kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đa số thì khó, nhất là với những thầy giáo dạy các môn xưa nay bị coi là môn phụ (Địa lý, Giáo dục công dân, Thể dục...). Nhưng cũng không loại trừ việc giàu một cách nhanh chóng đó là từ việc làm bất chính...

Thầy Mai Quốc Khánh: Nói thì nghe có vẻ lý thuyết, nhưng nhà giáo giàu về đời sống tinh thần và có thu nhập ở mức trung bình.

Thầy có biết lái xe ô tô không?

Thầy Văn Như Cương: Không. Tôi không biết lái, nhưng tôi có xe riêng, mỗi khi muốn đi đâu thì có con gái hoặc tài xế.

Thầy Mai Quốc Khánh: Tôi chưa biết lái, nhưng tôi đã có kế hoạch đi học.

Thầy nghĩ sao khi theo cam kết của WTO, từ 1/1/2009 tất cả các trường, tổ chức nước ngoài có thể xây dựng trường 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam?

Thầy Văn Như Cương: Khi chúng ta được đón nhận các dịch vụ giáo dục tốt thì học sinh, sinh viên của ta tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn để học ở trong trước, thay vì phải ra nước ngoài. Khi đó, nền giáo dục của ta cũng phải tiến lên để cạnh tranh tồn tại với các dịch vụ giáo dục của nước ngoài. Tôi cho rằng chưa chắc học các trường nước ngoài đã tốt hơn. Nền giáo dục trong nước vẫn có cơ hội, nhưng trước hết nó phải là một nền giáo dục đi vào thực tiễn hơn. Phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội. Ta vừa mới bước chân vào WTO, năng lực của ta chỉ có thế, vậy mà đòi hỏi có những trường đại học đẳng cấp quốc tế là điều viển vông, không tưởng. Điều đó chẳng khác gì đội tuyển bóng đá Việt Nam đòi đấu ngang hàng với đội Brazil hay Pháp. Mọi cái cứ từ từ, cần thời gian, không thể một bước tới trời. Nghĩ đến những thứ viển vông như thế thì chỉ tạo nên những giá trị ảo mà thôi.

Thầy Mai Quốc Khánh: Tôi nghĩ đến sự cạnh tranh giữa các trường và giữa các giảng viên. Điều này hết sức bình thường. Tôi có nhiều thiếu hụt cần bổ sung. Ngoại ngữ của tôi bây giờ chưa tốt, nhưng tôi đã có chuyên môn rồi thì chỉ học thêm ngoại ngữ thôi cũng không quá khó. Có thể có những người ngoại ngữ giỏi hơn tôi nhưng họ cũng phải hoàn thiện về chuyên môn. Tóm lại cuộc cạnh tranh này hết sức lành mạnh và công bằng.

Xin cảm ơn thầy Văn Như Cương và thầy Mai Quốc Khánh đã tham gia cuộc đối thoại này.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thư của một thầy giáo gửi học trò nhân ngày 20-11

    19/11/2017Lê Thị Liên HoanTuy vẫn tôn trọng những thứ đó, nhưng Tý ơi, thầy nói thật với em nếu mấy chục năm dạy học, thầy chất tất cả các món quà ấy trong phòng thì chắc chắn thầy đã ở trên nóc nhà từ lâu rồi, do nhà thầy rất bé.
  • Thành nhân trước khi thành tài

    23/05/2015Trần Sĩ ChươngMục tiêu của giáo dục xã hội nên là gì? Là thành nhân, sau đó mới đến thành tài. Phải đặt trọng tâm ở trường phổ thông là giáo dục con người thành nhân với một số kỹ năng rất cơ bản: biết cách học, biết phân tích và phản biện, biết đặt ưu tiên và giá trị của việc học tùy theo khả năng, hoàn cảnh và sở thích của cá nhân...
  • Người thầy trong thời đại mới

    20/11/2013Hà Văn Thịnh"Cơn bão" của thời kinh tế thị trường, toàn cầu hoá, net hoá đang ào đến mọi ngõ ngách xã hội; một mặt, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng hơn của người thầy; mặt khác, nó "định nghĩa lại", quy nạp lại hai chữ làm thầy...
  • “Giáo dục nhồi nhét thì dẫn đến “vô văn hóa”

    26/10/2008Sơn HàBằng kinh nghiệm của nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại học Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc), GS Vật lý Vũ Văn Hùng chia sẻ những quan sát của ông về tính chủ động trong các giảng đường đại học tại các quốc gia nói trên.
  • Vẫn là chuyện nuôi dưỡng con người

    16/01/2006GS. Tương laiNhững ngày cuối cùng của năm 2005 lùi vào phía sau để lại dư vị đắng tai ác của vụ bán độ bóng đá. Giờ đây, việc xử phạt nghiêm khắc số cầu thủ bán độ là cần nhưng cần hơn gấp nhiều lần là phải chỉ ra được môi trường sống đã nuôi dưỡng và đẩy những cầu thủ trẻ của chúng ta trượt dài trên con đường tha hóa...
  • Triết học và tâm sự của các nhà giáo

    13/12/2005Cam Lu - Trương Hiệu - Minh Nguyệt (thực hiện)Thực tế ở Việt Nam, việc giảng dạy môn triết học cũng như đội ngũ cán bộ nghiên cứu giảng dạy môn học này hiện ra sao?
  • Bắt đầu từ người thầy

    30/11/2003NGUYỄN THỊ OANHNhắc đến vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, người ta thường nhắc đến trang thiết bị hiện đại như phòng thí nghiệm, phương tiện nghe nhìn, học cụ... và thường lại quên điều chính yếu nhất. Đó là sự đổi mới trong tư duy và cách dạy của người thầy cùng sự chủ động hưởng ứng của người học. Từ ngàn xưa Lão Tử đã nói: “Cái gì ta nghe ta quên, cái gì ta thấy ta nhớ, cái gì ta làm ta biết”. Phải tự mình làm mới biết...
  • Để củng cố quan hệ thầy - trò, hãy củng cố chính nền giáo dục!

    20/11/2003Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là tấm gương lớn về một nhà khoa học, một nhà giáo gương mẫu, lao động không biết mệt mỏi vì sự nghiệp "trồng người". Câu chuyện với ông xoay quanh chủ đề: quan hệ thầy trò và đạo đức nhà giáo - một trong những vấn đề đang gây sự chú ý của toàn xã hội...
  • xem toàn bộ