Từ vứt bỏ sách cũ có giá trị đến… ồ ạt làm ra sách mới sách rởm

11:10 SA @ Thứ Sáu - 21 Tháng Tư, 2017

Tiếp tục câu chuyện về nỗi thê thảm của sách

Tại sao lại có tình trạng thê thảm của sách như tôi đã nói ? Ta hãy cùng tìm tới những nguyên nhân đã lùi về xa.

Nỗi thê thảm của trí tuệ

Năm 1954, khi Hà Nội đón đoàn quân từ Việt Bắc trở về, các trường trung học cũ chuyển thành trường cấp II cấp III, trong số những điều đám thanh niên học sinh mới lớn chúng tôi được truyền thụ và phải nhập tâm,có định hướng về tinh thần thực tiễn.

Cái anh này có vẻ sách vở quá! Từ lúc nào tất cả đều hiểu đó là cái câu dùng để chê nhau, mặc dầu chúng tôi đang sống với sách, đang đi học.
Một người thích đọc sách dễ bị những người khác coi là ấm đầu,không thức thời,không thể đi xa trên đường lập nghiệp.
Mấy chục năm qua đi, rồi cái tinh thần vô sư vô sách ấy đã được chính thức hóa trong tất cả các cấp học trong mọi bộ môn.

Thà một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn ngàn trang sách luận văn chương


Một trong những câu thơ Tố Hữu mà tôi nhớ nhất là cái câu khinh rẻ sách chà đạp lên sách như vậy.

Sài Gòn sau 30-4, hẳn nhiều người còn nhớ giữa những phố xá bán đầy hàng cũ, có cả những con đưởng sách. Sách cũng được bày bán như mọi thứ hàng tầm tầm khác,đang bị từ bỏ.

Trước đó ở đồng bằng Bắc bộ và khu bốn cũ, sau Cải cách ruộng đất, sách vở trong các gia đình địa chủ có học cũng bị mang nhóm bếp tất.

Bởi sách vở là tinh hoa nên phải chịu chung số phận với mọi bộ phận ưu tú trong xã hội là người giàu ( tinh hoa trên phương diện làm ăn) và kẻ sĩ(tinh hoa trên phương diện nhận thức cuộc sống.)

Từ tạm thời bỏ sách đến đoạn tuyệt với kiểu sống cần sách vở

Khi mới bước vào cách mạng và kháng chiến, nhiều thanh niên VN lúc ấy tự nhủ: nay là thời vứt sách. Tức một thời điểm bất thường. Chỉ có hành động là quan trọng. Không được trù trừ phân vân. Không được tính trước tính sau gì cả. Chẳng những phải vứt sách mà phải quên hết những điều sách vở đã nói với mình đã dạy dỗ mình.

Cái tinh thần chế giễu học vấn mà bọn tôi tiếp thu được ở HN sau 1954 vốn có nguồn gốc là thế. Với hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng hô hào vứt sách lúc đó là cần thiết. Chỉ có điều cách mạng cứ khó khăn mãi. Cái khẩu hiệu đáng lẽ chỉ có quyền trương lên tạm thời biến thành khẩu hiệu vĩnh viễn.


Có cả một phong trào bài bác trí tuệ bài bác sách vở, trên thực tế là triệt hạ mọi sách vở tử tế, triệt hạ mọi đầu óc có suy nghĩ. Để rồi khi cần lại tạo ra một loại sách vở mới, tạo ra lớp người viết sách mới. Chỉ có điều, do đã cắt đứt hết mọi mối liên lạc với lịch sử, nên cái mới này sẽ mang bộ mặt thê thảm và một chất lượng kém cỏi hiếm thấy.

Những cuốn sách bị cấm

Bài trước tôi đã kể ấn tượng mãi về những cuốn sách Pháp gọn gàng mộc mạc mà lại nuột nà, sách của những nhà Gallimard, Grasset, Hachette. Sách vừa đẹp vừa nhã, giấy không trắng quá, chữ in rõ ràng. Cầm quyển sách cứ nhẹ bỗng mà đọc vào lại thấy một nội dung thật nặng, thật nghiêm chỉnh. Đó là số sách mà trong chiến tranh chống Mỹ Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội tặng cho Hội nhà văn VN. Hồi ấy còn nhiều nhà văn biết tiếng Pháp nên đó là cả một kích thích thú vị cho những người ham hiểu biết.

Nhưng có lệnh từ trên là không được cho dịch đã đành, mà cũng không được phổ biến rộng rãi. Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi dặn bà Huệ phụ trách Thư viện, chỉ những nhà văn cỡ trung kiên, được gọi là thường vụ Ban chấp hành và những người được ông Thi trực tiếp đồng ý, mới được mượn.

Cái có giá trị và được cả thế giới công nhận phải được coi cái xa lạ hơn thế nữa, hư hỏng sai lạc, không bằng những cái ta làm ra(!).

Sự tự cô lập về mặt trí tuệ là đầu mối của mọi thảm họa trên mọi phương diện khác.

Sau chiến tranh, số phận những cuốn sách của những tác giả nổi tiếng trong văn học phương Tây hiện đại ấy, đã có phần thay đổi. Nay là lúc các nhà làm sách đua nhau tìm xem có loại nào đang trở thành thời thượng ở phương Tây thì dịch ngấu dịch nghiến, tung ra cho độc giả xài. Nhưng lớp độc giả nghiêm chỉnh xưa đâu còn nữa và cái mà ta tưởng đáng tiếp thu nhận ngay có khi lại là những bọt bèo rác rưởi của một phương Tây đến ngày nay ta vẫn chưa thật hiểu.
Tôi kể những chuyện này để lưu ý rằng nền sách vở mà chúng ta xây dựng về sau ở vào một độ lùi đáng kể với sách thế giới, và chúng ta cứ thế mà tụt hậu mãi.

Việc nào tác hại hơn?

Chỗ đau nhất của sách thời nay như vậy là ở sự lộn sòng giữa sách thực và sách giả, giữa cái không phải là sách và sách thực sự. Và theo tôi hiểu, không thời nào sự lộn sòng đó công khai và tràn lan như bây giờ. Ai cũng có thể rút ra kết luận đó nếu có lần vào đọc ở các thư viện công cộng. Ở đó, sách cũ sách có giá trị thì bị xếp xó. Sách mới , những cuốn sách cạn cợt nông nổi thì được trưng ra thật đẹp và sự thực là trở thành cần thiết với một lớp trẻ chỉ biết lao vào thi cử, nghĩa là nói y hệt điều người ta đã nhét vào đầu mình để ăn điểm.

Giá mang đặt lên bàn cân hai sự kiện, một làviệc rẻ rúng những cuốn số sách cũ có giá trị và hai làviệc làm ra vô vàn những cuốn sách mới nghèo nàn mỏng mảnh kém cỏi giả dối rồi lại thượng chúng lên như những tài sản vô giá mà con người thời nay gửi cho tương lai, không rõ việc nào gây tác hại hơn.

Thời nay sách đã được viết như thế nào?

Tại một tỉnh nọ khi có chủ trương lập ra Hội văn nghệ thì một cán bộ tuyên huấn được cử sang phụ trách. Anh em xì xào ông này không phải nhà văn. Ông ta tức lắm, liền bỏ tiền ra thuê người viết một cuốn tiểu thuyết đứng tên ông. Tiền in đã có cơ quan lo.

Còn tiền trả cho người làm thuê? Ông ta đã có cách là lập ra một Hội đồng xét giải rồi tự cho mình giải thưởng. Sau này ông ta còn dùng cuốn sách đi thuê người viết nói trên làm bằng, để xin vào Hội cấp trên nữa. Tính ra có cả lãi đơn lãi kép. Trường hợp trên, tôi chỉ nghe kể, chứ không tận mắt chứng kiến. Sở dĩ tôi sẵn sàng tin và muốn mọi người cùng tin, vì nó chỉ là biểu hiện tập trung của một sự thực.

Là thời nay, mối quan hệ giữa sản phẩm là sách và các chủ thể viết sách, mối quan hệ ấy đang có một sự đứt gẫy đổ vỡ hoặc nói như một thuật ngữ xã hội học – đang bị tha hóa. Người ta viết sách rất cẩu thả, không phải viết bằng con người lao động chăm chỉ trong mình mà viết như làm hàng, viết như ăn cướp. Thỉnh thoảng báo chí đã nêu đích danh những vụ đạo văn. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Còn rất nhiều trường hợp khác, tuy không dùng lại câu cú chữ nghĩa của người khác, nhưng tinh thần của toàn bộ cuốn sách người ta đứng tên là đi mô phỏng, đi thuổng đi nhặt nhạnh, rồi mông má lắp ghép lại, chữ hồi trước gọi là cao đan hoàn tán.

Đã không thấy sự có mặt của một tác giả trong những cuốn sách làm hàng ấy.

Thế thì có khác chi ông cán bộ đi gọi người viết thuê vừa nói ở trên?Sự thê thảm bộc lộ ngay trong những cuốn sách bề ngoài hào nhoáng.

Một loại tác giả “ăn khách” chỉ có ở thời nay

Nhà thơ nọ công tác ở một vùng công nghiệp. Luôn luôn anh có thơ in ra và số lượng in các tập thơ của anh thường hơn hẳn các đồng nghiệp ở TW.
Hỏi ra mới biết sở dĩ thơ anh “bán” chạy như vậy nhờ tác giả có mối quen thân với những người làm công tác tuyên truyền và thi đua trong vùng. Sách anh in được đưa vào tủ sách của các công đoàn cơ sở và làm phần thưởng cho các cá nhân có thành tích trong các đợt thi đua địa phương. Tích lại nhiều năm số lượng in lớn có gì là lạ.

Sách dùng để làm gì?

Thời nay có nhiều nhà văn người ta chỉ nghe tên mà không ai kể ra được là ông ta có tác phẩm nào cụ thể. Không phải đó là người lười viết. Tổng cộng sách đứng tên ông cũng vô khối. Chỉ có điều đó là sách nắm sách mớ, sách in ra mà như đứa trẻ hữu sinh vô dưỡng.

Thế sách các nhà văn đó viết đi đâu?

Nhớ một mẩu chuyện vui vui.

Tại quầy cho mượn sách ở một thư viện, người ta thấy một độc giả lùn tịt mè nheo với người thủ thư:

- Tôi đã bảo chị cho tôi mượn một trong những cuốn sách dày kia cơ. Cuốn nào cũng được, càng dày càng tốt.
- Ơ cái anh này! Đó đâu phải là sách dùng cho chuyên ngành của anh?
- Không, tôi không cần đọc. Tôi chỉ cần mượn để kê cao chỗ ngồi.

Nhiều cuốn sách ngày nay sở dĩ là được in ra, được đọc, được trích dẫn được trao giải thưởng nữa, nếu hiểu kê cao theo nghĩa bóng, thì cũng chỉ là để kê cao chỗ ngồi của người viết và người sử dụng mà thôi!

Nguồn:Blog (2013)
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vì sao người Việt không mê đọc sách?

    19/04/2019Vương Trí NhànĐối tượng chúng tôi muốn nói tới trong bài này, không phải là một vài người Việt đặc tuyển, mà là người Việt nhìn bao quát, người Việt nói chung; Hành động “đọc” không đơn giản là việc ngồi vào bàn, mà là cả văn hóa đọc với cơ cấu phức tạp của nó...
  • 10 lý do thúc đẩy chúng ta đọc sách

    21/04/2018Lê Quỳnh Mai1) Bồi đắp sự thông minh.
    2) Tạo ra sự tưởng tượng phong phú.
    3) Tăng sự hiểu biết...
  • Giới trẻ đọc sách như thế nào?

    05/11/2015Vũ Thu VânHọ không xa lạ với Internet, nhưng thường chỉ tiếp cận với mục chơi là chính. Thư viện của các trường đại học ngày càng vắng hơn, thậm chí có những sinh viên chưa từng vào thư viện. Và có lẽ không đến 1% số sinh viên biết Thư viện Quốc gia ở đâu. Có một thực tế là nơi đây cũng chung số phận như thư viện ở các trường đại học...
  • Đọc sách để thay đổi số phận

    01/08/2014Ngân Hà thực hiện, chân dung nhiếp ảnh - Trần Việt Đức, chân dung hội hoạ - Hoàng TườngVới một “lý lịch” khá dày dặn trong việc trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau, Lê Nguyễn Trường Giang, một trong những thành viên sáng lập tổ hợp Tecapro Park dễ dàng tạo được ấn tượng với đối tác bằng những đối thoại thông minh. Sinh năm 1975, Giang còn khá trẻ, nhưng phải gọi anh là một “ông cụ non” vì Giang mê triết học, thích đọc sách
  • Đàn ông đọc sách

    11/04/2014Trần Khôi ViệtỞ những đàn ông đã trót biết chữ, thì việc đọc sách là một thói quen, cũ kỹ hơn cả truyền thống và ở mức nào đấy nó gần như một bản năng gốc. Họ chẳng cần đợi có hội chợ sách hay triển lãm sách mới vội vàng hấp tấp ngồi đọc...
  • Thú vui đọc sách

    13/12/2011Nguyễn Bỉnh QuânĐố biết kỳ nghỉ
    Noel Tết Tây này có bao nhiêu người mua sách làm quà? Một câu hỏi quá
    khó nhưng có thể ước đoán được tỉ lệ. Mỗi cuốn sách in khoảng 1000
    bản.
  • Nguyễn Quang Thạch: Tìm 2 tháng trên xe buýt mới thấy 1 người đọc sách

    27/04/2011Phạm Anh Trúc (thực hiện)“Nếu bảo rằng chúng ta đã có “văn hóa đọc” rồi, e rằng chưa đúng. Theo tôi, một dân tộc phải có từ 60-70% người dân thường xuyên đọc sách thì mới có được điều đó. Tôi đã mất 2 tháng chỉ đi xe buýt để xem người dân có đọc sách không, nhưng chỉ nhìn thấy duy nhất… 1 người”...
  • “Tôi vẫn thích đọc sách in…”

    03/08/2009PGS-TS. Phạm Văn TìnhChúng ta thường tin rằng, sách in là sản phẩm trí tuệ tuyệt vời nhất của nhân loại và nó giữ một vị trí xứng đáng trong mọi nền văn hóa đọc trên khắp thế giới nhưng hiện nay, với sự phát triển nhanh, tiện lợi của mạng Internet thì sách in có còn là sự lựa chọn của đại đa số độc giả…?
  • Đọc sách thời hội nhập

    20/12/2006Ngọc Diệp (thực hiện)Giản Tư Trung (chủ tịch hội đồng quản trị Trường Doanh nhân và giám đốc PACE) bằng kinh nghiệm của mình sẽ chia sẻ với bạn đọc về một “chuỗi sách” về toàn cầu hóa. Nghệ thuật đọc sách cũng là câu chuyện anh muốn gửi gắm trong cuộc trò chuyện của mình...
  • Đọc sách thời bận rộn

    20/06/2006Lam ĐiềnNhà báo Công Khanh có thói quen đọc sách mọi nơi mọi lúc. Với anh, đọc sách khi đang ngồi xe đò, khi đang chờ tàu ở sân ga, thậm chí đọc khi ngồi sau người bạn trên xe máy trong một hành trình dài... cũng là điều bình thường...
  • Đọc sách là một phương tiện bồi dưỡng trí nhớ và tư duy

    05/01/2006Phan Tất Đắc dịchĐọc sách một cách tự lực và có nghiền ngẫm kỹ chẳng những cho phép ta tiếp thu được tư tưởng của tác giả mà còn giúp ta đối chiếu tư tưởng đó với tư tưởng của các tác giả khác về vấn đề đó, và ta sẽ đi tới một phán đoán riêng của mình về những điều đọc được...
  • Tạo thói quen đọc sách cho trẻ

    16/07/2005Lê NgânĐọc sách là một việc làm có mối liên quan mật thiết đến sự phát triển của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ có thói quen đọc sách sẽ rèn luyện nhiều kỹ năng. Các bậc cha mẹ nên là người làm gương trước và nếu có thể, nên tạo thói quen kể chuyện vào buổi tối cho trẻ. Dưới đây có vài gợi ý trong việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ
  • xem toàn bộ