Tự bạch một năm lướt sóng

02:38 CH @ Chủ Nhật - 07 Tháng Hai, 2010

Chưa năm nào, thị trường tài chính Việt Nam nhiều bão như Kỷ Sửu 2009. Có lẽ không câu chuyện nào sống động bằng chính những thành công và thất bại của người trong cuộc.

Trên đầu ngọn sóng

Mặc dù đã lao vào chứng khoán, nhà đất gần 10 năm trời nhưng tôi vẫn rất đắn đo khi tiếp tục lướt sóng trong năm Kỷ Sửu 2009. Dư âm nỗi đau từ vụ lỗ chứng khoán mất đứt gần 1 tỷ đổng năm 2008 chưa nguôi. Nhưng có chí làm quan có gan làm giàu và bao cơ hội trước mắt khiến vợ chồng tôi cầm lòng không đậu. Hơn nữa với vị trí công việc sẵn có, mối quan hệ mật thiết trong giới tài chính bất động sản và kiến thức, kinh nghiệm đầy mình của cử nhân chồng, MBA vợ nên thôi thì chơi tiếp.

Thủ tục đầu tiên vẫn là tiền đâu tưởng chừng như khó nhất đã được giải quyết bằng việc bán Căn hộ V-Star (Q.7) hơn 1,5 tỷ. Ðang băn khoăn chưa biết đầu tư vào đâu thì anh Phạm Linh, Tổng GĐ Cty chứng khoán VIS tư vẩn nên bỏ một ít vào chứng khoán. Lúc đó là nửa cuối tháng 4 và VN-Index mới xấp xỉ 320 điểm. Đọc báo cáo của HSBC, Bloomberg và bản tin của SSI, VIS, ABS, FPT gửi đến hàng ngày, phân tích hàng tuần với nhiều tín hiệu khả quan, cả hai vợ chồng cũng vững dạ bỏ vào chứng khoán 500 triệu. 1 tỷ còn lại, tôi quyết định nhảy theo sóng nhà đất. Lẽ ra với khả năng tài chính cùng với thị trường còn nhiều biến động thì mua một căn hộ tại dự án Blooming Park (Q2. TPHCM) là vừa tầm nhưng môi giới “hót” bùi tai quá và tin sóng sẽ lớn nên quyết định mua 2 căn với giá hơn 6 tỷ. Vì trả tiền theo tiến độ và đinh ninh sẽ nhanh chóng bán lại kiếm lời nên dù hơi run vẫn quyết.

Chỉ hai tháng sau sonngs đẩy VN-Index lên 450 điểm và số lời thu về cũng gần 300 triệu đồng. Một khoản lãi vĩ đại trong thời khó khăn, so với số vốn bỏ ra và nhất là nhìn về năm 2008 càng tự cảm phục mình lướt sóng giỏi. Tiếp tục đổ thêm tiền vào chứng khoán. Còn 2 căn hộ thì có căn mới mua 20 ngày đã có người chịu chênh lệch gần 100 triệu nhưng nghĩ rằng sóng sẽ lớn hơn nên không chịu bán.

Chết chìm

Trời không chiều lòng người, thị trường cũng chẳng có sóng mãi để lướt và chúng tôi bắt đầu mắc cạn như nhiều nhà đầu tư “ông chưa ra ông, thằng không ra thằng” khác. Ðầu tiên là Căn hộ bên Q.2 bán mãi không được. Trong khi đó, cứ 2,3 tháng lại đóng gần 700 triệu cho hai căn hộ cùng hàng loạt chi phí khác mà chưa thấy nguồn thu thì ngay cả các đại gia cũng méo măt chứ đừng nói tiểu gia như tôi. Than thở với một cậu em là nhà báo hy vọng có lời khuyên nào hữu ích. Ai dè vài ngày sau, cậu này tương bài báo “Mắc cạn vì lướt sóng địa ốc” Với đầy đủ chi tiết thật 100%.

Ðang hy vọng có ai làm hình nhân thế mạng cho mình, gặp vụ này chỉ có mắc cạn thêm. Còn vài trăm triệu chờ đóng tiền căn hộ theo tiến độ, anh bạn là Phó GĐ một sàn vàng mách vàng đang nóng vào lướt sóng thử xem. Ðằng nào thì cũng thiếu nên quyết tâm thử lửa với vàng. Hơn nữa, những sầu đau khổ hận của thế giới sàn vàng tôi biết rõ nên tin tưởng sẽ tránh được cạm bẫy từ lòng tham của mình và thiên hạ.

Ông Lâm Minh Chánh – Tổng giám đốc Cty Thế giới Vàng- nơi có sàn vàng Thế giới nói ngay “Vàng biến động mạnh như thế này 5 ăn 5 thua đó nha”. Ông Chánh phân tích khi giá Vàng thay đổi 1%, tôi thu lời hoặc lỗ 14%, giá Vàng thay đổi 2%, mức lời hay lỗ khoảng 28,6%, thay đổi 3%, lời hay lỗ 42,9%... Với giá vàng lên hàng ngày và hầu hết các tổ chức lớn trong, ngoài nước đều dự đoán vàng còn tăng mạnh, cộng với thói quen thích đánh lên tôi tin mình chỉ có lời.

Nhưng từ lý thuyết đến thực tế có quá nhiều khoảng cách và phũ phàng. Sau 2 tháng sống cùng những con số trên sàn vàng, 300 triệu để đóng tiền đợt 3 cho căn hộ Q.2 xem như đã nướng gần hết. TS Lê Thẩm Dương (ĐHNH TPHCM) cười sằng sặc: “Chú cứ tưởng biết
nhiều, nói giỏi là không mất tiền à. May mà tỉnh kịp và không bán nhà trả nợ đấy”.

Tôi tự an ủi, mạnh và dày dạn như tiệm vàng Tuấn Tài lớn nhất nhì TP HCM mà còn chết thì thiệt hại của mình đã là gì. Sau đó đoc báo, thấy hàng loạt cái chết bất ngờ trên sàn vàng mới ngộ ra, thua tốn phí, thắng cũng tốn phí chỉ béo mấy chủ sàn vàng. Chưa nếm xong trái đắng vì vàng, vợ đã rủ buôn tỷ giá, may mà một Phó Tổng GĐ ACB can “chỉ sốt ngắn ngày thôi, NHNN không để lâu đâu”. Nếu không chắc bây giờ cũng chìm trong sóng tỷ giá.

Giữa tháng 10-2009, VN- Index có lúc nhảy lên gần 620 điểm, tưởng đâu ơn trên phù hộ cho qua cơn bão. Nhưng chỉ hơn tháng Sau, VN- Index lại về dưới 500 nên đành để đó vì đằng nào cũng lỗ, thôi thì để đó chờ quý 2-2010 tươi sáng như động viên từ khá nhiều... bình loạn. Còn căn hộ thì ôi thôi, bán lỗ hay bán thiếu gì cũng chẵng ma nào hỏi. Vậy mà hàng chục bài báo, ít nhất 5 dự báo từ các Cty lớn không ngại ngần viết từ tháng 10-2009 là cuổi năm thị trường này sẽ khởi sắc. Chuyên gia chứng khoán Huy Nam vỗ vai: “NHNN siết tín dụng, chứng khoán xìu ển, nhà đất ngưng trệ... chú cứ xem như đau trong nỗi đau chung”. Nghe mà não cả lòng như thằng uống nước quá nhiều từ các đợt sóng dồn dập.

Chỉ béo cò

Gần cuối năm, giật mình nhìn lại những cơn sóng trong năm của thị trường bất động sản, tài chính. Kinh tế vẫn khó khăn, dòng tiền chưa mạnh, nhu cầu không cao nhưng vẫn có sóng để lướt! Bàn luận chán chê rồi mới ngã ngửa tội vạ đều do cò. Từ cò nhà đất, cò chứng khoán cho đến cò sàn vàng. Không như những năm trước, cò môi giới ở năm 2009 đã tiến một bước khá xa. Chẳng những có kiến thức với đầy đủ bằng đại học, thạc sĩ thậm chí cả MBA hay tiến sĩ từ nước ngoài về mà kinh nghiệm chinh chiến của cò cũng đầy mình. Rồi còn được cái mác sàn giao dịch che chở, các phương tiện truyền thông như internet, điện thoại, báo cáo hàng quý, hàng tháng hay điều tra của cả nội lẫn ngoại hỗ trợ...

Nghe thì có vẻ phũ phàng nhưng thua hay thắng, sóng lớn nay nhỏ thì cò cứ đẩy được giao dịch, tạo được sóng là cò lớn, cò bé đều có ăn. Chỉ có những kẻ lướt sóng như tôi không mắc cạn thì cũng chìm nghỉm. Buồn thì buồn nhưng năm mới vận hội mới, kinh tế tốt lành hơn, kẻ mua người bán dập dìu hơn, quản lý đỡ giật cục... ai cũng hy vọng Cọp sẽ mạnh hơn Trâu.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: