Tư bản xã hội

03:05 CH @ Thứ Ba - 22 Tháng Giêng, 2008

Ba nguồn lực cơ bản nhất để phát triển là tư bản tài chính, tư bản tri thức và tư bản xã hội (vốn tài chính, vốn tri thức và vốn xã hội). Chuyện phải đầu tư bằng tiền ai cũng hiểu. Chuyện phải đầu tư bằng tri thức rất nhiều người hiểu. Thế nhưng, chuyện phải đầu tư bằng tư bản xã hội thì số lượng những người như vậy chưa phải là nhiều.

Không ít dự án được đầu tư rất lớn về tiền bạc, về tri thức và công nghệ, nhưng vẫn không thành công, bởi vì rằng nguồn tư bản xã hội đã không được quan tâm đúng mức.

Để nhận biết vai trò của tư bản xã hội, hãy suy ngẫm về nhận xét dưới đây của một người ngoại quốc: "Một người Việt thì hơn một người Nhật. Hai người Việt thì khó hơn hai người Nhật. Ba người Việt thì chắc chắn không hơn ba người Nhật”. Đây có lẽ, là một lời khen để chê cho dễ. Tuy nhiên, thuốc đắng dã tật, nó giúp chúng ta suy ngẫm về việc tại sao người Việt lại chưa thể kết hợp với nhau để làm nên sức mạnh. Câu trả lời, có lẽ, cần tìm ở nguồn tư bản xã hội của chúng ta.

Phẩm chất trí tuệ và sự cần cù của những người Việt là không thua kém bất kỳ một tộc người nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, những phẩm chất đó sẽ khó có thể phát huy được tác dụng nếu chúng ta không có một nguồn lực khác kết để kết dính chúng lại với nhau. Chất kết dính đó chính là tư bản xã hội. Và đây là thứ mà có vẻ như chúng ta đang thiếu cho việc hội nhập và cạnh tranh toàn cầu thắng lợi.

Tư bản xã hội được cấu thành từ niềm tin và sự hợp tác. Niềm tin là cơ sở quan trọng để mọi giao dịch có thể xảy ra nhanh chóng và hiệu quả. Càng có niềm tin thì chi phí giao dịch càng được cắt giảm, công việc làm ăn nhờ đó càng dễ dàng. Bất cứ nơi nào không có niềm tin thì mọi công việc đều diễn ra chậm chạp. Nếu các cơ quan công quyền không có niềm tin đối với người dân, thì thủ tục hành chính sẽ khó đến mức cả năm trời không xin xong sổ đỏ. Ngược lại, nếu người dân không có niềm tin đối với Nhà nước, thì chính sách, pháp luật sẽ bị vô hiệu hóa bởi sự lẫn tránh và sự “lách luật” của họ. Chi phí Nhà nước phải bỏ ra để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống sẽ lớn đến mức mà trước sau gì thì Nhà nước cũng sẽ bị hụt hơi.

Niềm tin không hình thành một cách tự nhiên, nó là sản phẩm của một sự kiểm nghiệm lâu dài, của một nền văn hóa coi trọng tín nghĩa, coi trọng hợp đồng, coi trọng các nghĩa vụ đã cam kết.

Hợp tác là khả năng kết hợp các nguồn lực để đưa các ý tưởng mới, các kế hoạch phát triển vào cuộc sống. Không một ai ở trên đời có thể có đủ nguồn lực về tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như tiền bạc để một mình làm lấy tất cả. Trong một xã hội hiện đại với sự chuyên môn hóa sâu sắc, thì chúng ta bao giờ cũng phải dựa vào nhau để sống, để làm ăn và thành đạt. Để có được điều này, chúng ta buộc phải ghi nhận vai trò của người khác, buộc phải ghi nhận rằng mỗi một người trong chúng ta đều có thế mạnh không thể thay thế của mình. Kết hợp thế mạnh của những người Việt lại với nhau chính là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta vươn lên sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trở lại với việc tại sao chúng không chỉ chưa giàu có về tư bản tri thức, tư bản tài chính, mà còn cả tư bản xã hội. Sự nghèo khó về tư bản xã hội xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những đặc tính nằm trong “gen” di truyền văn hoá của người Việt.

Trước hết, đó là cái tâm lý “Trúc xinh trúc mọc đầu đình. Em xinh em đứng một mình cũng xinh”. Kiểu gì thì kiểu, cứ đứng một mình mới xinh. Như những cây "trúc" riêng rẽ, người Việt chúng ta thật sự có những phẩm chất trí tuệ khá cao siêu Cứ nhìn vào những giải thưởng quốc tế mà người Việt giành được trong các kỳ thi ôlimpíc quốc tế về toán, lý, hoá, cờ vua... thì chúng ta sẽ rõ. Thế nhưng cứ gom những cây “trúc xinh” này lại với nhau thì chúng ta sẽ có cả một rừng trúc mịt mùng, rối rắm: mọi lý lẽ, mọi cố gắng đều bị vô hiệu hoá trong sự bùng nhùng của các mối quan hệ.

Ngoài ra, tâm lý “con gà lại tức nhau tiếng gáy" cũng làm khổ không ít người Việt chúng ta. Đại loại, hai nhà khoa học khó có thể đánh giá cao các công trình của nhau. Hai nhà kinh doanh khó lòng hỗ trợ nhau trong việc xây dựng uy tín và thương hiệu của mình. Ganh đua và cạnh tranh là hai thứ tương đồng, nhưng vẫn là hai thứ khác nhau. Cạnh tranh là sự vươn lên bằng thực lực và sự phấn đấu, còn ganh đua là việc ngăn cản người khác với sự tức tối trong lòng.

Do tâm lý ganh đua, những người Việt chúng ta cũng giống như những nguồn lực ngược chiều luôn luôn triệt tiêu hoặc vô hiệu hoá lẫn nhau. Mà như vậy thì tất cả chúng ta đều hoá rồng, trước khi đất nước Việt Nam có thể trở thành rồng của Châu Á.

Cuối cùng, năm mới lại đi nói về những chuyện chưa hay trong tâm lý của người Việt quả thực là không đúng lúc. Tuy nhiên, những tán dương một chiều chắc gì đã là một món quà đầu năm mới khá hơn. Điều quan trọng là đất nước Việt Nam phải trở thành rồng. Mà để làm được như vậy thì tư bản xã hội là không thể thiếu. Muốn có được nguồn tư bản xã hội dồi dào chúng ta lại cần phải chiến thắng những nét tâm lý tiêu cực của người Việt.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những lực cản vô hình

    03/04/2016Văn KhánhXã hội Việt Nam truyền thống dựa trên nền kinh tế tiểu nông là cơ bản, nên tính chất tiểu nông đã chi phối nặng nề đến lối tư duy của người nông dân...
  • Tham nhũng và tham nhũng tinh thần

    29/11/2011Nguyễn Trần BạtNếu như chống tham những vật chất có mục đích là làm trong sạch đời sống xã hội thì chống tham nhũnng tinh thần có nhiệm vụ là chống lại sự rủi ro đối với sự phát triển của nhân loại.”
  • Chủ nghĩa tư bản thân hữu

    20/10/2010TS. Nguyễn Sĩ DũngNhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), TS Nguyễn Sĩ Dũng có bài bàn về chủ nghĩa tư bản thân hữu, một thứ quan hệ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia...
  • Tài sản vô hình

    13/03/2007Trần QuangQuảng cáochính là quá trình thông tin với một nhóm đối tượng cụ thể về một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể, thông qua một hay tất cả các phương tiện truyền thông phù hợp với thông điệp của sản phẩm, vào một thời điểm phù hợp để đạt được hiệu quả theo yêu cầu của nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp.
  • Quản lý tài sản vô hình

    13/10/2006Ngọc HuyQuản lý tài sản hữu hình đã là một thách thức. Quản lý tài sản vô hình, thách thức càng lớn hơn nhiều. Đối với các doanh nghiệp trẻ, tài sản vô hình chiếm một "tỷ trọng" rất lớn trong sự thành công, bởi lúc này, những tài sân hữu hình như tài chính, vốn liếng, trang thiết bị, công nghệ, sản phẩm… chưa phải là thế mạnh của họ. Những người được gọi là "tay trắng làm nên" hầu hết đều là những người biết cách biến tài sản vô hình thành sức mạnh, trong khi tài sản hữu hình hầu như chưa có gì...
  • Tản mạn về tài sản vô hình

    02/12/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngChúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Chỉ nói riêng về kinh tế, cuộc cách mạng đang diễn ra không phải là cuộc cách mạng về tốc độ, cũng không phải là cuộc cách mạng về năng suất mà là cuộc cách mạng về khái niệm. Thế giới đang được xây dựng theo một hệ thống khái niệm hoàn toàn mới.
  • Nghĩ về “bàn tay vô hình”

    21/10/2005Phan Tránh DưỡngRõ ràng là đã có một "bàn tay vô hình" làm nhiệm vụ điều phối, cung ứng một nguồn thu nhập khác ngoài lương của công chức nên họ mới thể sống được, sống khỏe, sống không phải lo chén cơm manh áo như đại bộ phận người dân đang phải đối mặt...
  • Henry Ford – chủ nghĩa tư bản và kinh tế toàn cầu

    23/08/2005Trần Cao Dũng (sưu tầm)Vào năm 1914, Henry Ford, một trong những nhà công nghiệp vĩ đại nhất, nhà tư bản giàu có nhất, đã làm sững sờ cộng đồng kinh doanh Mỹ với lời tuyên bố rằng tất cả nhân viên của Ford Motor Company sẽ được trả lương gấp 2 lần so với mức lương của bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. ...
  • xem toàn bộ