Tự lực văn đoàn, ngôi sao rực rỡ trên bầu trời văn học

09:06 SA @ Thứ Sáu - 09 Tháng Bảy, 2010

Tự lực Văn đoàn là tổ chức văn chương tự lực. Họ tự lực về tài chính, không chịu ảnh hưởng của nhà cầm quyền. Họ tự lực về chuyên môn và khuynh hướng nghệ thuật. Họ tự tôn người chủ soái, cùng nhau tuân theo quy chế hoạt động mà họ cùng nhau đặt ra. Lãi ăn lỗ chịu, cùng nhau gánh vác. Vì thế, khi thuận lợi thì phát triển, khi khó khăn thì lùi vào thế thủ. Sau khi sảy đàn tan nghé, Thạch Lam mất năm 1942, Hoàng Đạo chết bên Tàu năm 1948, Khái Hưng chết năm 1946, Nhất Linh lưu vong nước ngoài… Tự lực văn đoàn không hoạt động chứ không tuyên bố giải tán. Nhất Linh trở lại Sài Gòn không hoạt động chính trị mà tập trung vào văn nghệ. Ông làm Chủ tịch Hội Bút Việt, mở Nhà Xuất bản Phượng Giang, sáng tác mới, ra giai phẩm Văn Hoá ngày nay in lại tác phẩm của Tự lực văn đoàn…

Nói lại sự kiện này để thấy rằng, Tự lực văn đoàn chỉ chấm dứt sau ngày Nhất Linh mất, tức là sau ngày 7-7-1963, khi người chủ suý của nó vĩnh viễn ra đi.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng Tự lực văn đoàn chỉ hoạt động có hiệu quả trong 10 năm (1932- 1942). Có thể là họ tính từ ngày tờ Phong Hoá ra đời đến khi thạch Lam mất vào 27 tháng 6 năm 1942? Dù như thế thì trong khoảng một thập niên, Tự lực văn đoàn đã làm nên sự nghiệp rực rỡ, đóng một dấu son đậm trong văn đàn nước nhà. Chỉ đáng tiếc, về cuối kết cục thật ảm đạm, bởi một số người trong nhóm đã xa rời tôn chỉ văn chương khi mới thành lập. Mấy tháng trước khi Thạch Lam qua đời, ngôi nhà cây liễu đầu làng Yên Phụ bên ven hồ Tây đã vắng dần các văn nhân. Nhất Linh đã hoạt động chính trị đang ở Trung Quốc; Hoàng Đạo và Khái Hưng bị Pháp bắt đi an trí; Thế Lữ sợ liên can cũng bỏ đi; nhà thơ Huyền Kiêu đã về quê Vân Đình, chỉ còn Nguyễn Tường Bách và Đinh Hùng ở gần òn lui tới. Thạch Lam dạo ấy đang ốm một mình lặng lẽ, có lần dặn bạn còn lại: Mật thám giăng lưới và rình mò quanh nhà đấy, các anh hãy tạm lánh đi kẻo liên luỵ.

Gần đây có những công trình nghiên cứu, đánh giá cống hiến của họ tương đối công bằng, theo tinh thần công minh của lịch sử.

Nhìn tổng quát, Tự lực văn đoàn là nhóm người có tài năng, tâm huyết, có cùng chí hướng trong sự nghiệp đổi mới cách tân văn chương. Tự lực văn đoàn đã nói lên khát vọng dân tộc dân chủ của quần chúng; đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, đòi tự do hôn nhân, quyền sống của phụ nữ và chống lại lề giáo phong kiến trói buộc. Tự lực văn đoàn chủ trương cải cách xã hội, đồng cảm nỗi khổ của người lao động và đả kích gay gắt bọn tham quan ôm chân Pháp. Họ đề cao tinh thần dân tộc, có hoài bão về một nền văn hoá dân tộc, trên cơ sở kết hợp truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây… Đồng thời họ chống lai căng, phủ nhận xã hội thối nát đương thời.

Một ưu điểm rõ rệt nhất là họ có tài tổ chức. Tổ chức bộ máy gọn nhẹ và hiệu quả. Họ thu phục con người bằng tình tương thân tương ái. Tự lực văn đoàn lập ra quỹ cứu tế tương trợ ban biên tập, hoặc trị sự khi ôm đau, xảy việc tang gia, hoạ hoạn, có khi trừ vào lương cũng có trường hợp cho không, để cho các thành viên an tâm làm việc. Họ trân trọng, cư xử tử tế với cộng tác viên, tạo cho mọi người lương cao, và làm việc hết mình vì mục tiêu chung. Họ tổ chức hoạt động nghiệp vụ báo chí, in ấn, phê bình, đặt giải thưởng... một cách bài bản, chuyên nghiệp. Họ là những người năng động. Với con số biên chế chưa đến 10 người, nhưng Tự lực văn đoàn đã làm việc của hai cơ quan xuất bản: Họ vừa làm báo vừa in sách của nhóm, lại cho in thuế kiếm lời. Đó là chưa để làm quảng cáo phát hành rộng rãi đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong nước. Khi báo bán chạy họ biết làm kinh doanh, cho gọi cổ phần, mỗi cổ phần 500 đồng, và mua nhà in với những thiết bị khá đồ sộ. Khi Nhà Xuất bản Đời Này có máy in, Nhất Linh đã có tầm nhìn xa chủ đường xin Chính phủ cấp đất cho Tự lực văn đoàn ở vùng Cầu Lính, gần núi Tam Đảo, Vĩnh Yên. Nếu có đất sẽ cử người quản lý khai khẩn trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng cho Tự lực văn đoàn một cơ sở kinh tế, để người trong Tự lực văn đoàn, đặc biệt những người đang là công chức có thể thoát ly công việc nhà nước, sống được bằng sáng tác văn chương. Họ dự kiến lập đồn điền, xây trường học, nhà trẻ, câu lạc bộ, phòng thuốc v.v..., mua sắm phương tiện, tạo nên cuộc sống văn minh. Đó là những ý tưởng tiến bộ, có mầm mống xã hội chủ nghĩa.

Nhưng đơn xin đất bị nhà cầm quyền bác bỏ.

Tự lực văn đoàn có quan điểm, tư tưởng tiến bộ trong văn chương, thể hiện trong 10 điều tôn chỉ khi thành lập:

1- Tự mình làm ra những sách có giá trị văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu sách này chỉ có tính cách văn chương thôi, mục đích để làm giàu văn sản trong nước.

2- Soạn hay dịch những sách có tư tưởng xã hội, chú ý làm cho người và xã hội ngày càng hay hơn.

3- Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.

4- Dùng một lối văn dễ hiểu ít chữ Nho, một lối văn thật sự có tính An Nam.

5- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.

6- Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước nhà với tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có cách trưởng giả quý phái.

7- Tôn trọng tự do cá nhân.

8- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.

9- Đem phương pháp khoa học Tây ứng dụng vào văn chương An Nam.

10 -Theo một trong 9 điều trên đây cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

Họ dùng các loại hình nghệ thuật như văn, thơ, hí họa, ảnh thời sự, truyện cười… để đả phá tàn dư lạc hậu trong xã hội, thúc đẩy xây dựng đời sống mới. Họ luôn luôn tìm tòi sáng tạo nhiều nghệ thuật làm báo để hấp dẫn bạn đọc. Trên báo Ngày Nay, các chuyên mục đã thực sự gây chú ý của bạn đọc: Vấn đề thuộc địa, mỗi số đi vào một khía cạnh có ý nghĩa chính bị diễn ra trên đất nước. Mỗi tuần lễ đều ghi lại nhưng thông tin mọi mặt đời sống. Mục Người và việc nêu ra các vụ việc xảy ra với những lời bình luận sâu sắc. Đặc biệt mục Trông và tìm đã lay động nhiều suy nghĩ của người quan tâm tới vận mệnh của đất nước. Ngoài ra còn các tiểu mục như Xã giao, Phụ nữ, Trào phúng cười nửa miệng và Lượm lặt. Lại còn cả Điểm sách, Điểm thơ, Tin thơ. Dí dỏm nhất là mục Tập tranh vân đẩu. Dưới bút danh Tứ Ly, các bài viết ngắn, sắc lạnh mà hóm hỉnh, sâu cay, đả kích các nhân vật trong xã hội thượng lưu bấy giờ, như nghị viên Ngô Trọng Trí, Phạm Kim Bảng, Bùi Trọng Ngà, Nguyễn Đình Cung, Tô Văn Lượng, cho đến ông Phủ Hàm, dân biểu Phạm Huy Lục đến các ký giả Bùi Xuân Học, Phạm Bá Khánh… Họ vừa quan liêu, hợm hĩnh, ba hoa, nịnh hót bề trên và thiếu nhân cách, lại lên mặt dạy đời. Mục Hạt sạn được chăm chút thường xuyên có ý nghĩa văn hoá, nó giống như mục dọn vườn bây giờ, hài hước những câu văn sai, hỏng, hoặc cách dùng từ sai ngữ pháp, cốt làm cho trong sáng tiếng Việt. Phần còn lại là giới thiệu tác phẩm văn học, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự điều tra, dịch thơ Đường, giới thiệu tinh hoa văn học nước ngoài qua một số truyện dịch tiêu biểu…

Họ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu văn chương, thi ô chữ như các trò chơi thời bây giờ. Một lần Thạch Lam, Thế Lữ, Khái Hưng, Hoàng Đạo viết chung một truyện ngắn. Ban đầu tổ chức bốc thăm xem ai được viết đoạn truyện đầu tiên. Người ấy có quyền chọn tiêu đề và viết phần một. Căn cứ vào cốt truyện ấy mà người viết tiếp đoạn sau phải ăn nhập với đoạn trên của người khác, thành tác phẩm mạch lạc. Họ đăng lên bốn kỳ báo và ra cuộc thi nếu ai chỉ ra số báo nào, là của nhà văn nào viết. Nói đúng sẽ có giải. Giải thưởng tuy giản dị mà có ý nghĩa. Giải nhất được tặng một năm báo và bốn cuốn sách của Nhà Xuất bản. Giải nhì tặng một năm báo và giải ba được tặng nửa năm báo. Kết quả cuộc thi có 632 người dự. Giải nhất trao cho ông Đỗ H giải nhì ông Đinh Hữu Định, giáo học ở Ninh Giang, giải ba là cô Lê Thị Xuyến ở địa chỉ 19 rue Hl. Pétain. Khi xảy ra cuộc bút chiến giữa hai tờ báo Ngày Nay và Tân Việt, thì họ lại nghĩ ra cách thành lập Ban thẩm phán danh dự để họp và phân xử có lý có tình rồi tường trình trên mặt báo. Chính việc này coi như một cú hích làm cho báo bán rất chạy thời bấy giờ.

Tự lực văn đoàn đã thổi luồng gió mới mẻ vào bầu không khí văn học nước ta. Phong trào Thơ mới có mảnh đất màu mỡ phát triển ngày càng rực rỡ. Nghệ thuật dựng truyện, diễn biến tâm lý các tuyến nhân vật truyện ngắn, tiểu thuyết đã tinh tế điêu luyện. Lĩnh vực hội hoạ, ảnh mỹ thuật có bước nhảy dài, nâng cao so với trước. Câu văn trong sáng, giản dị mới mẻ, hình ảnh chân thực không sáo rỗng, không lệ thuộc vào lối văn biền ngẫu, cổ lỗ lổn nhổn những chữ Nho, hoặc lòng thòng lôi văn Tây dịch.

Từ cách đây hơn bảy chục năm, các nhà văn Tự lực văn đoàn đã quan tâm tới đời sống cơ sở, cụ thể là đời sống làng quê. Báo chí của họ có những chuyên đề sát sao gần gũi với con người. Từ chuyện gà nuôi bị toi, bị đi tướt, dịch tả đến chuyện ruộng đất chật hẹp, người nông dân phải dời làng di dân, cho đến chuyện nước lụt và thuỷ triều đê điều, đều được đưa vào các chuyên đề có phân tích, diễn giải. Chúng ta có thể hiểu vì sao Tự lực văn đoàn đã chiếm được cảm tình của bạn đọc nhiều nhất. Chúng tôi rất tán thành ý kiến của Lê Thị Đức Hạnh khi đánh giá về thái độ chính trị của Tự lực văn đoàn do Nhất Linh đứng đầu (Tạp chí văn học, số 3- 1991). Nhất Linh không hề theo giặc, thực chất là ông nhất quán chủ trương chống Pháp theo tư tương của mình. Bằng cớ là trên tờ Phong Hoá, Ngày Nay, cơ quan ngôn luận của Tự lực văn đoàn đã đăng nhiều bài đả kích bọn quan lại ôm chân Pháp, những chân dung ông nghị gật với đủ cả hình động và phẩm chất rất đáng nực cười. Các câu chuyện châm biếm Pháp tạo dựng cho Bảo Đại hồi loan, và đả kích bóng gió giặc Pháp thông qua hàng loạt bài của Hoàng Đạo, hàng loạt biếm hoạ của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, hoặc tiểu phẩm cười cợt, thơ trào phúng của Tú Mỡ đã làm hả hê bạn đọc lúc bấy giờ...

Xin nhắc lại một vài chi tiết để bạn đọc nhớ lại. Một lần báo Ngày Nay ra số đặc biệt. Hoạ sĩ Gia Trí vẽ bìa cảnh một cái lều tranh xơ xác ngoài có người đàn bà lam lũ và mấy đứa trẻ bụng ỏng đít vòn trông thật thảm thương. Bên dưới có dòng phụ đề: “Bố cu mẹ đĩ rúc vào nằm”. Nhà chức trách cho là có ý nói xấu chế độ ra lệnh đình bản ba tháng, còn định đưa chủ báo Nhất Linh ra toà, sau lại thôi, nhưng cảnh cáo nặng nề. Một lần khác có bức hí hoạ, vẽ Lý Toét ôm con gà mái từ nhà quê ra Hà Nội biếu ông Thống sứ. Nhà cầm quyền suy diễn rằng con gà mái dịch ra tiếng Việt nghĩa bóng là “kỹ nữ” có ý châm chọc Thống sứ có máu háo sắc. Họ làm ầm lên. Phong Hoá đầu năm 1936 bị đóng cửa. Trong khi các báo khác như: Nam Phong nhận trợ cấp của Pháp mỗi tháng 600 đồng, báo Trung Bắc Tân Văn mỗi tháng được trợ cấp 500 đồng (mỗi lạng vàng khi đó là 30 đồng) thì Tự lực văn đoàn hoàn toàn tự lực. Đến khi làm đơn xin Chính phủ cấp đất cho toà báo, bị Pháp gạt toẹt không cho. Thế nhưng Ngô Văn Phú, chủ báo Đông Pháp được quan thầy cấp cho mấy trăm mẫu ruộng bãi bồi ở Thái Bình. Sau này vào Sài Gòn, Nhất Linh cũng không chấp nhận chính quyền Ngô Đình Diễm, ông chống đối quyết liệt, đã lấy cái chết để cảnh cáo chế độ chà đạp tự do của con người.

Chỉ hoạt động chưa đến 10 năm. Tự lực văn đoàn đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ và toàn diện trong đời sống văn học thời bấy giờ. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức thông tin, văn nghệ của quần chúng, mà còn thu hút các văn nghệ sĩ tài năng nhiều ngành: văn, thơ, nhạc hoạ, kiến trúc tham gia sáng tác. Chỉ riêng về lĩnh vực văn hoá tư tưởng thời bấy giờ, Tự lực văn đoàn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà phê bình cả hai miền Nam Bắc đã bỏ công sức tìm hiểu, đánh giá về phong trào văn học này với nhiều khía cạnh khác nhau. Theo chỗ chúng tôi biết, chỉ nói tới vấn đề khái quát “Dấu ấn của một văn đoàn” đã có sáu chuyên luận (Phạm Thế Ngũ, Trương Chính, Phan Cự Đệ, Lê Thị Đức Hạnh, Trịnh Hồ Khoa, Tú Mỡ). Chỉ một chân dung của Nhất Linh có tới 10 tác giả khảo luận, như Vũ Ngọc Phan, Bùi Xuân Bài, Bạch Năng Thi, Thế Phong, Thế Uyên, Vũ Hạnh, Tường Hùng, Nguyễn Mạnh Côn…

Chỉ một con người Khái Hưng trong cuốn sách “Khái Hưng nhà tiểu thuyết xuất sắc” có tới ba chục bài của gần ba chục tác giả: Vũ Ngọc Phan, Trần Khánh Triệu, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Vu Gia, Nguyễn Vỹ,…

Chỉ một Thạch Lam, mà đã có 13 tác giả để tâm nghiên cứu viết bài, như: Nguyễn Tuân, Phạm Văn Phúc, Phong Lê, Hà Văn Đức, Hồ Dzếnh, Thế Lữ, Đỗ Đức Thu, Đinh Hùng v.v… (Con số này chắc chắn chưa thể nào đầy đủ). Các nhà nghiên cứu mỗi người một vẻ, với đủ các góc nhìn khác nhau: có khi thì đi sâu vào cách tân trong văn xuôi Tự lực văn đoàn, có khi đi sâu vào khuynh hướng lãng mạn phản kháng trong Nhất Linh, lại có bài Nghĩ về lá rụng trong văn Khái Hưng…

Trương Chinh trong bài Dưới mắt tôi, ca ngợi Khái Hưng có lối văn giản dị thanh tao, bóng bẩy nhưng trong sáng, nhịp nhàng nhưng không mát vẻ tự nhiên. Nhiều câu văn phảng phất âm điệu thơm tho, thấm vào hồn ta như mùi hương đượm (Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 24B- NXB KHXH- 1997).

Hoàng Xuân Hãn, từng là Chủ tịch Tiểu ban chính trị trong Phái đoàn Việt Nam ở hội nghị Đà Lạt năm 1946 (do Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao là Trưởng đoàn) trên Tạp chí Sông Hương số 37- tháng 4/1989 phát biểu: “Tôi nghĩ rằng những nhà văn học, sử gia sẽ phải thừa nhận giá trị của thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn và phải bắt đầu lại việc xem xét nghiên cứu các tác phẩm của họ… Tự lực văn đoàn là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại.”

Phan Cự Đệ trong cuốn “Tự lực văn đoàn con người và văn chương” - NXB Văn Học -1990 nhận xét: Thành công của Tự lực văn đoàn trong xây dựng nội tâm nhân vật tinh tế hơn so với nhiều tiểu thuyết trước đó kết cấu hiện đại hơn theo quy luật tâm lý, không theo chương hồi. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng giàu khả năng diễn đạt, gần gũi tâm hồn dân tộc.
Các nhà nghiên cứu dễ nhất trí khi nói về tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, rằng họ có công lớn trong việc đổi mới nền văn học vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, đổi mới từ quan niệm xã hội cho đến việc đẩy nhanh các thể loại văn học trên con đường hiện đại hoá làm cho ngôn ngữ trở nên trong sáng và giàu có hơn.

“Các tác phẩm của Tự lực văn đoàn thấm đượm tinh thần nhân văn, tinh thần chống lễ giáo phong kiến, chống các hủ tục. Cùng với ý thức đả kích những kẻ xu phụ thực dân, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội là tinh thần cảm thông với những nỗi khổ cực, sự lam lũ bần cùng của người lao động; tinh thần đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, hướng theo những tư tưởng nhân đạo, bình đẳng bác ái của thời kỳ Mặt trận Dân chủ” (Viện Văn học - Văn chương Tự lực văn đoàn tập 1, NXB GD, 1999).

Nhà thơ Huy Cận từng là cộng tác viên của Tự lực văn đoàn trong Hội thảo về văn chương Tự lực văn đoàn do trường Đại học Tổng hợp và Nhà Xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp tổ chức tháng 5 năm 1989, đánh giá: “Tự lực văn đoàn đã đóng góp lớn vào văn học sử Việt Nam... Đã góp phần lớn vào nghệ thuật tiểu thuyết, vào tính hiện đại của tiêu thuyết, đóng góp vào tiếng nói và câu văn của dân tộc.”

Với Nhất Linh, ông đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển tiếng nói, câu văn dân tộc, làm cho nó ngày càng trong sáng hơn, giàu đẹp hơn, đã đưa tên tuổi ông vào lịch sử văn học dân tộc: Đoạn Tuyệt là một kiệt tác trong văn học Việt Nam hiện đại (Trương Chính). Với Hoàng Đạo đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại.

Với Khái Hưng, đó là một nhà tiểu thuyết có biệt tài, và người ta có thể gọi ông là nhà văn của thanh niên. Ông rất am hiểu tính tình tuổi trẻ. Phần đông thanh niên trí thức Việt Nam là những độc giả trung thành của ông và phụ nữ chiếm số đông nhất. (Nhà văn hiện đại, tập 2 - NXB KHXH, 1989).

Còn văn chương Thạch Lam, là lòng nhân hậu, niềm thương xót đồng bào.

Trong nhóm Tự lực văn đoàn, Hoàng Đạo là người lý thuyết, Nhất Linh là người thực hành, Khái Hưng đả phá vào nếp sống cũ để tiến tới một đời sống mới… còn Thạch Lam một người yêu thương đồng bào, xót xa từ tâm can tỳ phế.

Nhiều bạn bè, kể cả người trong gia đình đều nói sách Thạch Lam bán ế nhất, nhưng văn của ông viết hay nhất trong Tự lực văn đoàn.

Thạch Lam được thừa hưởng đức hiếu thuận của mẹ, vẻ lịch lãm, từng trải của cha, đã hình thành một phong cách sống khác với các anh chị em trong nhà.

Nhà văn Vũ Bằng kể lại:

Thạch Lam yêu sự sống hơn bất cứ ai. Anh quý từ cốc nước chè tươi nóng, trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính, tiếc từ một cái kẹo vừng rơi xuống đất, nhặt lên phủi bụi rồi ăn ngay một cách chậm rãi như thế vừa ăn vừa ngẫm nghĩ cảm ơn trời đất đã cho mình sống để thưởng thức ngon lành như vậy. Anh cẩn thận từng câu nói với cô bán hàng vì sợ lỡ lời có câu nào không chu đáo khiến cho người ta tủi thân mà buồn.

Thạch Lam đi đứng nhẹ nhàng, dường như sợ nếu bước mạnh thì đất nó đau. Anh lặng lẽ và anh khiêm nhường, lúc nào cũng coi mình bé nhỏ. Thạch Lam là một người độc đáo có tài lại khiêm nhường, người nhỏ mà nhân cách lớn.

Một người như thế không thể là người lý thuyết, chỉ là nhà tư tưởng, như con chim kia, lấy mỏ rút ruột mình để nuôi một đàn con.

Vũ Đức Phúc trong cuốn “Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại 1930-1954”, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - 1971, đã có góc nhìn công bằng lịch sử khi nói về Thạch Lam:

Thạch Lam rõ rệt là người ít nhiều có khuynh hướng Nghệ thuật vị nhân sinh: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đó sự thoát ly hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và đổi mới cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn” (Lời nói đầu tập Gió đầu mùa, 1937). Quan điểm đó hoàn toàn trái với quan điểm của Thiếu Sơn, Hoài Thanh và Lê Tràng Kiều. Rõ ràng là Thạch Lam đã chú ý chống lại hai luận điểm chính của Thiếu Sơn về chức năng của văn nghệ: quên cuộc đời, thoát ly vào cõi mộng… Nhất Linh, Hoàng Đạo không thuộc phái nghệ thuật vị nghệ thuật, nhưng họ “vị nhân sinh” theo một kiểu riêng. Tiểu thuyết của hai người là “tiểu thuyết có luận đề” (trang 112 sách đã dẫn).

Quả như Vũ Đức Phúc nhận xét, tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh đã được thể hiện rõ trong tiểu thuyết “Hai vẻ đẹp” (1936) của Nhất Linh. Nhân vật chính trong truyện là Doãn - một hoạ sĩ. Lúc đầu chàng nghĩ rằng mục đích nghệ thuật chỉ là vẻ đẹp, làm cho cuộc đời thơ mộng. Sau đó về một thôn quê, gần với cuộc đời lao động cày cuốc nắng mưa, chàng đã phát hiện ra một điều “Chính những cái khổ của người chung quanh sẽ đem lại cho chàng cái nhẽ để mà sống.”

Phong Lê, trong Tuyển tập truyện ngắn Thạch Lam - NXB Văn học 2004 cũng nhận định:

Nửa thế kỷ đã qua, mà đọc truyện Thạch Lam, cảm về câu văn Thạch Lam, tôi thấy cứ như là câu văn hôm nay; và tôi còn dám chắc chưa hẳn đã có nhiều người viết hiện nay, với số trang ít ỏi, lại nêu được ngần ấy vẻ đẹp chứa trong cốt truyện, tình cảm, tâm hồn, câu văn ấy của những Nhà mẹ Lê, Cô hàng xóm, Tối ba mươi, Hai chị em, Hai lần chết… tôi cho đó là những trang hay trong văn học 1930- 1945, nó không kém chút nào những trang hay của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Tô Hoài”.

Với tiêu đề Thạch Lam, trong Tuyển tập truyện ngắn Thạch Lam - viết tháng 10 năm 1957, nhà văn Nguyễn xuân đã nhận xét:

Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc... Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta… Thạch Lam là một nhà văn quý mến, cuộc sống, trang trọng trước cuộc sống. Ngày nay đọc Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học…

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Theo vết chân những người khổng lồ & Sự đỏng đảnh của phương pháp

    12/12/2014Hai cuốn sách nghiên cứu, biên khảo về những trường phái văn hoá tư tưởng phương Tây quan trọng, giới thiệu một cách tương đối hệ thống các lí thuyết và phương pháp nghiên cứu trong văn hóa nghệ thuật suốt hai thế kỉ qua ở phương Tây...
  • Giao lưu liên văn hóa và tiến bộ chung của các nền văn minh thế giới

    12/11/2009Yao JiehouNgày nay, thế giới đang bộc lộ khuynh hướng đa dạng hoá các nền văn hoá và phát triển được xem như là sự gia tăng trong giao lưu toàn cầu một cách chặt chẽ. Những nghiên cứu liên văn hoá cũng như nghiên cứu về các nền văn minh thế giới đã trở thành một ngành nghiên cứu ngày càng phát triển với tính cách một khoa học liên ngành được giới học thuật quốc tế rất quan tâm.
  • Văn học so sánh

    01/09/2009Ddù muốn dù không, văn học quốc gia không thu mình trong tháp ngà của dân tộc trung tâm luận mà nó nằm trong các mối quan hệ phức tạp. Tương tự như vậy, một trào lưu văn học của một đất nước, một nhà văn, một tác phẩm nào đó cũng không thể nằm ngoài hệ thống các mối quan hệ chằng chịt. Tương tự như vậy, bản thân văn học cũng không thể co ro trong bộ áo choàng mỹ miều của mình mà chịu ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật khác, và những yếu tố phi văn học khác. Văn học so sánh là một chuyên ngành có khả năng giải thích và nghiên cứu những mối quan hệ đó.
  • Vấn đề con người, nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại và chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay

    28/02/2009TS. Hồ Bá ThâmVấn đề con người luôn luôn là sự quan tâm phân tích, luận bàn trực tiếp hay gián tiếp của các trường phái triết học xưa nay. Tuy nhiên, tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử mà sự phát hiện và nghiên cứu về con người có góc độ và khía cạnh khác nhau. Chủ đề này không mới nhưng lại luôn luôn mang tính thời sự và chưa bao giờ cũ. Chúng ta khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh thì nhiều nhưng khám phá, tìm hiểu về con người, bản thân mình, như nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, thì vẫn còn ít...
  • Chủ nghĩa Duy vật Nhân văn: Phương pháp luận nghiên cứu con người hiện nay ở Việt Nam

    13/02/2009TS. Hồ Bá ThâmĐây là một quan niệm mới của tác giả về lĩnh vực triết học nhân văn. Chungta. com cũng đã giới thiệu nội dung khái quát 2 cuốn sách của tác giả về chủ đề này. Để giúp bạn đọc rõ hơn, chúng tôi giới thiệu bài viết trực tiếp về nội dung chủ yếu của chủ nghĩa duy vật nhân văn và phương pháp luận của nó.
  • Lý luận - phê bình văn học và các “vấn nạn”

    27/03/2006vài năm trở lại đây tình trạng “khủng hoảng” của lý luận - phê bình đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người, nhiều báo chí đã đề cập một cách trực tiếp và về mặt tổ chức, một số hội thảo, hội nghị do Hội Nhà văn, Viện Văn học… đã được tiến hành để mọi người cùng bàn thảo tìm cách tháo gỡ. Các động thái ấy mang lại một niềm tin vì đây chính là thể hiện của ý thức trách nhiệm...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • xem toàn bộ