Tự nhiên lấn át xã hội

03:51 CH @ Chủ Nhật - 11 Tháng Giêng, 2004

80% học sinh học ban KHTN

80/20 là tỷ lệ học sinh theo học tại ban KHTN và ban KHXH tại hầu hết các trường phân ban. Trong 100 học sinh có tới 80 em chọn học ban KHTN. Ở trường THPT Nguyễn Gia Thiều mọi chuyện khởi đầu rất tốt đẹp. Trường dành một buổi để gặp gỡ cha mẹ học sinh, phổ biến, trao đổi giải đáp thắc mắc liên quan đến chương trình học. Sau buổi gặp gỡ này số lượng học sinh đăng ký theo học ban KHXH đạt tỷ lệ 35% và ban KHTN là 65%. Tuy nhiên, càng gần đến ngày khai trường số lượng học sinh từ ban KHXH xin chuyển sang ban KHTN ngày càng nhiều. Con số cuối cùng chốt lại là 130 học sinh theo ban KHXH.

Trái lại, ở trường THPT Trần Phú, sau khi đã phô-tô gần 800 bản giới thiệu về chương trình phân ban gửi tới các bậc phụ huynh để nghiên cứu lựa chọn, thì nhà trường chỉ nhận được 19 trường hợp đăng ký học tại ban KHXH. Chưa đáp ứng đủ yêu cầu của Sở GD -ĐT cũng như chưa đủ học sinh để tổ chức được một lớp học, nhà trường đã tiếp tục tuyên truyền vận động và có 139 học sinh theo học ban KHXH. So với gần 800 học sinh trong tổng số 17 lớp học thì số học sinh ban KHXH là rất ít.

Rõ ràng một thực tế của ngành giáo dục khi thực hiện thí điểm chương trình phân ban là sự mất cân đối về số lượng học sinh tại hai ban trong đó học sinh đăng ký nhiều vào các lớp ban KHTN. Không thể ép buộc học sinh học ban KHXH nhưng cũng không thể không tổ chức lớp KHXH, các trường đã "trải thảm đỏ" đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn. Đó là cho tất cả các lớp ban KHXH đều được học sáng, cho phép học sinh hệ B có điểm xấp xỉ điểm chuẩn được học chung cùng hệ A, đầu tư các thầy cô giáo dạy tốt nhất để có thể giúp học sinh thi được cả khối D. Tuy nhiên, cũng đã có một số học sinh nhấp nhổm muốn xin chuyển sang học ban KHTN, nhưng theo một thầy giáo hiệu trưởng thì các trường không giải quyết chuyển từ hệ B sang hệ A nhưng cũng không thể giữ các em được vì sau một học kỳ các em có quyền được chuyển lớp. Mất cân đối trong các lớp giữa hai ban cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu giáo viên giảng dạy trong trường và con số mà Bộ GD - ĐT đưa ra khi thực hiện thí điểm phân ban là 60 - 40 dành cho hai ban KHTN và KHXH vẫn chỉ là mơ ước.

Thách thức cho các môn KHXH

Từ những năm trước, học sinh đã tỏ ra rất hờ hững đối với các môn KHXH. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình phân ban thì sự phân hóa càng rõ rệt hơn. Không chỉ học sinh ban KHTN sợ và thả nổi khi học Văn, Sử, Địa mà ngay cả học sinh ban KHXH cũng sợ học chính những môn này.

"Điểm thi tốt nghiệp THCS rất cao - trong đó các môn Toán, Lý, Hóa điểm khá - rồi điểm đầu vào các trường THPT cũng rất cao, cho học sinh trong việc chọn ban" - thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết vậy. Để lấy điểm 9, 10 các môn tự nhiên dễ hơn nhiều so với các môn KHXH. Khác với các môn tự nhiên, học Văn chỉ có sức hấp dẫn, cuốn hút khi học sinh hiểu, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của từng lời văn, câu thơ. Tuy nhiên, sự truyền thụ của một số thầy cô trong trường còn quá khô khan, tẻ nhạt, chủ yếu là đọc - chép để rồi "chữ thầy lại trả thầy". Phần nữa cũng do chương trình học không hấp dẫn, nặng, chồng chéo, học đi học lại nhiều lần gây nhàm chán và tạo cho học sinh thói quen học đối phó, học để cho qua. Với hệ đại học, số lượng trường thi theo ban KHXH cũng quá ít, không có nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Thực tế tại Hội chợ Việc làm Hà Nội lần II vừa qua, cơ hội cho các cử nhân khối KHXH là quá nhỏ so với khối kỹ thuật và kinh tế!

Đã đến lúc cần có sự nhìn nhận nghiêm túc hơn về môn văn nói riêng và các môn KHXH nói chung, cũng như có nhận thức, quan điểm, thái độ và tổ chức các môn học một cách đúng đắn. Học văn chính là học cách làm người cũng như các môn KHXH khác nhằm giáo dục tư tưởng, tình cảm, cảm xúc thẩm mỹ cho con người, trau dồi tri thức, hiểu biết, cung cấp vốn văn hóa, ngôn ngữ, khả năng biểu đạt tư duy, lập luận trong sáng, rõ ràng. Tuy nhiên, biết vậy chỉ để vậy. Mặc dù rất tâm huyết nhưng các giáo viên cảm thấy "bất lực" khi chưa thực sự truyền được điều này cho học sinh. Và hậu quả là chúng ta đã thấy những câu văn mắc lỗi, những bài viết nông cạn, sáo rỗng - thậm chí sai lệch về kiến thức. Không chỉ thế, dường như có một sự "thụt lùi" về nhận thức thẩm mỹ của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay khi chạy theo các "trào lưu thời thượng" vô bổ và hời hợt.

Để tránh những vết xe đổ trong những lần phân ban trước, một trong những điểm mới nhất của chương trình thí điểm lần này là dựa trên chương trình chuẩn, bảo đảm tính phổ thông, toàn diện. Nhưng với tình trạng lệch ban như hiện nay thì mục tiêu này cũng khó có thể thực hiện được. Chính vì vậy, cùng với sự thay đổi trong suy nghĩ nhận thức của các bậc phụ huynh, của chính các em học sinh, Bộ GD-ĐT cần tạo nên sự hấp dẫn cho những môn học này. Chọn lọc những bài văn hay, đặc sắc, giảm bớt những chương trình đang rất nặng đồng thời tăng cường các môn học phụ trợ như nhạc, họa... Đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy đủ mạnh, cải tiến cách ra đề thi.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: