Tự trách mình

07:08 CH @ Thứ Năm - 17 Tháng Mười, 2019

Xả trộm nước thải chưa qua xử lý giúp bớt lỗ trên dưới 100 triệu đồng mỗi tháng, lãnh đạo Công ty Tung Kuang ở Hải Dương đã cho biết như vậy (bài “Xả thải trộm để bớt lỗ” (Tuổi Trẻ ngày 18-4). Như vậy, để khỏi chết ngay công ty của mình, ông ta phải giết chết sông suối một cách từ từ. Chưa hết Vedan giết sông Thị Vải nay lại đến Tung Kuang.

Từ Bắc chí Nam, nhiều địa phương đua nhau mời gọi đầu tư, đằng sau những con số GDP tăng trưởng đôi khi là tài nguyên hao mòn, bệnh tật và những nguy cơ tiềm ẩn đầu độc giống nòi.

Khi thị trường bất lực thì chính quyền phải can thiệp. Để tài nguyên bị khai thác quá mức, lỗi không chỉ bởi các nhà đầu tư mà trước hết bởi chính quyền. Tản quyền cấp phép đầu tư, chưa có quy trình thẩm tra chặt chẽ, chính quyền trung ương đã chia quyền cho 63 tỉnh thành trong khi thiếu những thiết chế giám sát và cưỡng chế đủ mạnh. Khát khao tự chủ ngân sách vào thời tài nguyên trở nên khan hiếm, nếu không kiểm soát chặt chẽ bởi tiêu chuẩn quốc gia, địa phương khó có thể cưỡng lại được những lời mời chào công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chưa tính hết mặt tiêu cực của các dự án đầu tư.

Tiêu chuẩn quốc gia ấy trước hết phải là thủ tục giám sát đầu tư chặt chẽ, trước và sau khi cấp phép đầu tư. Tiêu chuẩn quốc gia ấy là pháp luật bảo vệ môi trường, coi thiên nhiên là của cải, ai sử dụng đều phải trả tiền. Khai thác nước ngầm, xả chất thải, ngoài nghĩa vụ đầu tư thiết bị khử độc người kinh doanh phải trả tiền cho mỗi khối nước thải của mình. Của đau con xót, chỉ khi phải trả tiền cho tiêu xài thiên nhiên người ta mới biết quý và bảo vệ thiên nhiên.

Kẻ cắp trên nửa triệu đồng đã có thể bị khởi tố vì công an cho rằng hành vi ấy nguy hiểm cho xã hội. Nhưng sao ông giám đốc và công ty chủ ý xả độc giết chết sông suối, gây bệnh cho con người và chúng sinh từ thượng nguồn đến hạ lưu, đã đánh cắp cuộc sống bình yên của vô vàn hộ dân, lại không bị trừng trị? Hành động hủy diệt thiên nhiên phải được coi là trọng tội, phải bị nghiêm trị.

Gây sức ép, giám sát và buộc chính quyền bảo vệ quyền được sống thanh bình là quyền của người dân. Khi ô nhiễm bủa vây, người dân phải tự vệ với quyền kiến nghị, khiếu nại, phải dùng quyền chất vấn và hối thúc các đại biểu dân cử, buộc các đoàn thể, các tổ chức xã hội chịu nghe khát vọng của mình. Hơn thế nữa, khi hàng vạn, hàng triệu người cùng tẩy chay sản phẩm thì ngàn vạn hạt cát kết thành chiến lũy, người tiêu dùng phải học cách yêu lấy sản phẩm thân thiện với thiên nhiên và quay lưng lại, tẩy chay hàng hóa của kẻ hủy diệt tài nguyên nước mình.

Thêm một dòng sông chết, thêm một phần núi sông bị tàn phá, thêm một dịp suy ngẫm về sai phạm trực tiếp và sai phạm gián tiếp. Khi chủ nhân chưa kiểm soát hết giá trị tài sản của mình thì khó mà biết cách bảo vệ. Lên án nhà máy xả thải độc ra sông, chúng ta thúc giục trách nhiệm của chính quyền và cũng nên tự trách mình.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cân đối lợi ích trong khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường

    20/03/2015Đoan Trang thực hiệnTài nguyên và môi trường là hai mặt của một vấn đề kinh tế. Nếu chỉ tính đến tài nguyên mà không tính đến môi trường thì chúng ta sẽ trở thành kẻ bóc lột tương lai để tìm sự phát triển trước mắt. Vì thế, khi thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường là chính phủ cũng đã ý thức được việc phải khắc phục các hậu quả của quá trình khai thác tài nguyên, để nó không đẻ ra di họa tương lai có chất lượng môi trường của việc khai thác ấy...
  • Sự sống, môi trường, đẳng cấp loài và sự văn minh

    02/01/2009Nguyễn Tất ThịnhAi cũng biết Môi trường là Điều kiện Đủ, đặc biệt quan trọng để tạo ra sự Sống ( ý tôi muốn nói rằng chỉ sau Điều kiện Cần là ý muốn của Thượng Đế - điều được đề cập trong các Thánh Kinh ). Sự Sống tác động trở lại, với phương thức sống và cách tổ chức của mỗi Loài cải thiện thêm hay hủy hoại đi, hay làm suy kiệt Môi trường đó.