Văn hóa đọc phải bắt đầu từ gia đình

08:07 SA @ Thứ Sáu - 21 Tháng Tư, 2017

Hôm nay, 21-4 là ngày Sách Việt Nam đầu tiên. Nhân dịp này, nhiều hoạt động chào mừng ngày sách và tôn vinh văn hóa đọc đã được tổ chức phong phú, sôi nổi trên cả nước. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân về vấn đề văn hóa đọc trong cuộc sống hôm nay...

PV: Thưa ông, có nên nhìn vào con số 0,8 cuốn sách/người năm tại thư viện để đánh giá người dân đang thờ ơ với sách? Đánh giá văn hóa đọc hiện nay với một thái độ tiêu cực có thỏa đáng hay không?

Ông Lại Nguyên Ân: Theo tôi, nhìn văn hóa đọc như một hoạt động đại chúng có đông người tham gia thì ở phương diện ấy ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện vào khoảng thế kỷ 20. Những năm 30 của thế kỷ 20 văn hóa đọc mới hình thành, bởi đó là thời kỳ xuất hiện báo chí bằng chữ Quốc ngữ tương đối nhiều và số người đọc cũng tương đối nhiều. Cùng đó là sự xuất hiện nghề in sách nên số lượng sách tăng lên. Trước đó, suốt thời kỳ dài Việt Nam có sách, có người đọc sách nhưng ai đọc sách? Đó là thời kỳ chữ Hán, chữ Nôm thì những người đi học hai loại chữ này, và những người dạy chữ Hán, chữ Nôm ấy là những người từ thời khoa cử thời Lý, tới năm 1910. Tức là thời kỳ có khoa cử thì có trường dạy chữ Hán Nôm và độc giả đọc loại chữ này. Đó là con số cực kỳ ít, chắc là không nổi 1% dân số người Việt lúc đó có đọc sách Hán - Nôm.

Vì vậy, nếu tính theo cách đọc rộng rãi, tức là đọc mang tính đại chúng thì xuất hiện ở Việt Nam bắt đầu bằng sự ra đời chữ Quốc ngữ. Ví dụ như sách của Tự lực Văn đoàn, họ cũng in mỗi lần cỡ 1000 bản và bán khắp toàn quốc. Số lượng cũng không nhiều nhưng có vẻ những gia đình có đọc sách đều được đọc. Vì xã hội tương đối ổn đinh, không có thay đổi, không có biến động. Những gia đình từ thành phố tới huyện thị đều mua được sách của Tự lực Văn đoàn. Phát hành lúc đó thông qua con đường bưu điện, độc giả mua sách qua đường bưu điện. Thời trước, bán báo, sách khó khăn hơn nhiều, những người làm báo, làm sách trước năm 1945 đều lỗ chứ không lãi. Ví dụ như nhà xuất bản Đời Nay, nhà Tân Dân… số tiền bán sách báo thu không đủ bù chi. Như vậy để thấy, trước năm 1945 chúng ta thấy văn hóa đọc có vẻ phát đạt nhưng theo tôi là nó ổn định theo cách số lượng người đọc sách không phải là nhiều nhưng nó là thành phần nhất định trong xã hội. Những gia đình như ông giáo ở làng, phố huyện, những gia đình công chức tương đối đều có tủ sách. Có vẻ người ta theo dõi sách thường xuyên, trong đó nhiều nhất vẫn là sách văn học…..

Ông Lại Nguyên Ân

Như vậy, theo ông, vẫn có thể nhìn một cách lạc quan về văn hóa đọc hiện nay, nhưng có lẽ nó đang chuyển hóa sang một hình thức khác như đọc sách online? Ông đánh giá ưu, nhược điểm về cách đọc online ra sao?

- Đọc sách trực tuyến là cách làm giàu thêm phương thức đọc, bên cạnh đọc truyền thống trên giấy. Cách đọc này trên mạng cũng như đọc trên giấy nhưng nó mang tính nhất thời, đọc xong người ta chuyển sang thứ khác, thành thử cái đã đọc không còn tồn tại nữa, cách đọc ấy thường mang tính đọc lướt qua. Do đó những thứ người ta tiếp nhận được theo tôi cũng khá hời hợt.

Theo tôi còn lâu cách đọc online mới có thể thay thế được cách đọc trên giấy. Vì đối với sự thay đổi và thưởng thức của con người với văn hóa chữ viết, phần online chỉ góp phần bổ sung một cách tiếp cận khác mà văn hóa đọc truyền thống trên giấy phải giữ vai trò nền tảng.

Hướng tới độc giả trẻ cũng chính là chủ trương của Ngày Sách Việt Nam năm 2014. Quan điểm của riêng ông, trách nhiệm của giới trẻ phải được thể hiện cụ thể ra sao?

- Tôi nghĩ là thế hệ trẻ lớn lên để có kiến thức và có nghề cần phải đọc. Có điều là tôi quan tâm tới văn hóa, tập quán đọc ở khía cạnh khi người ta đã có cuộc sống ổn định. Thanh niên đã có gia đình, có nghề lúc đó có đọc sách nữa không? Chỗ đó để thấy thế hệ đó có còn có chí tiến thủ hay cầu mở mang hay không? Không ít các cặp vợ chồng có thể mua căn hộ mới ra ở riêng với đầy đủ tiện nghi trong nhà, nhưng giá sách không được tính đến. Điều đó là sự mâu thuẫn, các bạn trẻ của chúng ta hiện nay không nghĩ tới việc có tủ sách trong nhà là rất đáng trách. Vì một đời người phải có sách trong mối quan tâm về kiến thức của anh. Có lẽ đáng trách nhất là một bộ phận trí thức trẻ, thiếu hình thành tập quán đọc sách cho con cái, để chúng quá đam mê thiết bị điện tử nghe nhìn chứ hiếm khi cầm cuốn sách trong tay. Theo tôi, muốn văn hóa đọc chuyển biến thì phải bắt đầu từ gia đình…

Hội sách tại Văn Miếu - Quốc Tử giám (Hà Nội)
hưởng ứng ngày Sách Việt Nam 2014

- Ngày Sách Việt Nam cũng rất gần với Ngày Bản quyền Thế giới (23- 4). Chúng ta đã kí kết các công ước quốc tế cũng như ra quy định xử phạt bản quyền trong nước. Vậy ông nhìn nhận việc thực hiện bản quyền sách Việt Nam thời gian qua ra sao?

- Theo tôi, chuẩn bản quyền tại Việt Nam bước đầu được cập nhật vì tham gia những công ước quốc tế. Nhưng sự thực thi vẫn là khâu cực kỳ gian nan từ hai phía. Phía quản lý nhà nước, theo tôi quản lý xuất bản phẩm của Việt Nam về bản quyền là rất kém, rất yếu. Thực ra chưa bao giờ có sự tiếp cận theo một cách nghiêm túc. Bởi nếu nội dung liên quan trên sách báo vừa ở khía cạnh bản quyền, vừa đụng đến sai phạm chính trị phía chính quyền quan tâm và đề xuất, thì những việc đó được thực thi, ngăn cấp ráo riết ngay lập tức. Thế nhưng những bộ phận đó rất nhỏ, bởi những nội hàm liên quan đến sách là rất rộng rãi, thì những lĩnh vực đó vi phạm về tác quyền rất nhiều cấp độ, phương diện nhưng phía quản lý văn hóa, quản lý xã hội coi thường.

Phía thứ hai, những cá nhân, tổ chức kinh doanh ấn phẩm thì chính vì tổ chức lỏng lẻo như vậy nên họ làm rất nhiều hành vi vi phạm bản quyền, ảnh hưởng tới các tác giả tại Việt Nam. Các tác giả bị ăn cướp, và ăn cắp rất nhiều. Đáng chú ý, cho tới nay, trong giới đang có thái độ chấp nhận là bị ăn cắp, ăn cướp nhưng ý tưởng được đưa đến công chúng, với những người cần đọc. Nó làm cho độc giả có thói quen xấu là đọc "chùa” trên mạng, biến các sản phẩm tinh thần thành trôi nổi và ai cũng có thể lấy dùng, nhân bản để kiếm tiền. Đáng buồn, đây là việc ngày càng được bình thường hóa trong cuộc sống!

Trân trọng cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc sách cho vui hay để thay đổi?

    12/03/2018Trần Nhã ThụyTác giả “Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật” đã không giấu thảng thốt: “Những cuốn sách có tính chất khai sáng xuất bản tại VN bây giờ có số lượng 1.000-2.000 bản so với hàng triệu bản của Nhật Bản thời Minh Trị cho thấy tinh thần Việt Nam vẫn chưa thức tỉnh”...
  • Khi 'đất nước' lười đọc

    22/06/2015Thiện NgộThị trường sách Việt đang phát triển như vũ bão với nhiều đầu sách ra trong một tháng. Sách là kho tàng tri thức mà ở đó, thông qua ngòi bút, tác giả muốn truyền tải một thông điệp nào đó đến với người đọc...
  • Cứu nước vẫn không quên đọc sách

    21/04/2014Cẩm AnhHôm nay, 21-4, lần đầu tiên mọi người Việt Nam hiếu học và khát khao tri thức có một ngày tôn vinh Sách. Tháng tư này cách đây 87 năm, lần đầu tiên tác phẩm Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in bằng tiếng Việt bởi chính những người thợ in Việt Nam...
  • Cần thực tâm đưa văn hóa đọc lên tầm cao

    20/04/2014Trà Giang thực hiệnCần tìm mọi cách nâng cao văn hóa đọc của dân chúng, nhất là bạn đọc trẻ hay cần bằng mọi giá chạy theo nhu cầu thị hiếu của họ? Trả lời vế đầu là trách nhiệm của giới lãnh đạo, còn lơ là với vế đầu mà dốc sức giải đáp vế sau là thái độ của những kẻ hám lợi nhưng luôn nhân danh văn hóa đọc...
  • 'Bây giờ người ta không khuyến khích đọc sách nữa'

    16/04/2014Thanh Xuân (thực hiện)Người Việt nổi tiếng ham học nhưng không ham... đọc. Nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn không khỏi "giật mình" về con số thống kê vừa được công bố mới đây...
  • Con cái chúng ta đọc gì?

    31/05/2013Nguyễn Vĩnh NguyênNhững kệ sách thiếu nhi tại các nhà sách lớn thành phố vào ngày nghỉ, ngày cuối tuần luôn nhộn nhịp người ra kẻ vào. Dễ hiểu, cứ mỗi độc giả nhỏ tuổi đến đây sẽ luôn có một hoặc hai phụ huynh đi theo giám sát việc chọn sách. Hầu hết bọn trẻ mua, đọc sách theo những cái gật đầu của người lớn.
  • xem toàn bộ