Về vấn đề giải nghĩa Tục ngữ

07:02 SA @ Thứ Tư - 25 Tháng Tám, 2010
Chúng ta có một gia tài tục ngữ [TN] thật đồ sộ với khoảng trên dưới năm sáu nghìn đơn vị. Lý thú hơn nữa là hầu như đơn vị nào trong cái di sản đó cũng đều mang dáng dấp một châm ngôn (maxim), truyền đạt một triết lý đậm đà chất hiền minh dân gian, và cũng đều được diễn đạt bằng những phương tiện ngôn từ vốn làm nên những tinh hoa của tiếng Việt.Cái khối ngữ liệu bề thế và quý giá cả về nội dung lẫn hình thức ấy, tiếc thay, hiện vẫn đang bị lãng phí một cách oan uổng, vì tới tận bây giờ hàng loạt câu hết sức thông dụng vẫn chưa được thuyết minh ngữ nghĩa đủ minh xác, khả dĩ có thể làm chỗ dựa đáng tin cậy trong việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh, sinh viên.

Mục đích của bài này là thử trả lời câu hỏi: đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng suy nghĩ đó ? Để dễ trình bày, chúng tôi tạm xếp các nguyên nhân sắp đề cập thành ba nhóm lớn :

1. nguyên nhân về ngữ nghĩa ;
2. nguyên nhân về ngữ pháp và
3. nguyên nhân về văn hoá học.

Sau đây, xin lần lượt đi sâu vào từng nhóm.

1. Nguyên nhân về ngữ nghĩa

Hiểu không đúng nghĩa của bất cứ từ ngữ nào trong câu bao giờ cũng dẫn tới một hậu quả đáng tiếc : khó có thể đưa ra cho câu TN cần giải nghĩa một thuyết minh ngữ nghĩa đủ chính xác. Đây là chuyện rất quen thuộc đối với giới sưu tập TN và nhất là với giới biên sọan từ điển tường giải các đơn vị hữu quan. Xin nêu vài dẫn chứng để minh họa.


• Dẫn chứng 1

Do hiểu nhầm nghĩa từ vựng của từ TRÀNG trong "Áo cứ TRÀNG, làng cứ xã", Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam [TĐTN & TNVN] đã chép chữ đó thành CHÀNG và đinh ninh rằng

CHÀNG này cũng chính là từ mà "phụ nữ dùng để gọi chồng hoặc người yêu còn trẻ, có ý thân thiết", như lời giảng trong Từ điển tiếng Việt (1994). Đó chính là lý do khiến tác giả cuốn từ điển vừa dẫn gán cho câu TN trên một lời giải nghĩa khá "kỳ lạ" :

"(Xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của những người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình” (tr.10).

Một công trình khác, cuốn Đại từ điển tiếng Việt [ĐTĐTV], tuy không lầm lẫn từ ngữ tai hại như thế, nhưng có lẽ không "dám" cắt nghĩa khác với TĐTN & TNVN, nên vẫn giảng :

"Phải biết dựa vào người đứng đầu để giải quyết công việc, ví như muốn tìm ai thì cứ túm lấy vạt áo, muốn lệnh cho làng thì cứ dựa vào xã trưởng" (tr. 40).

Các tác giả công trình đó có lẽ quên mất rằng làm sao có thể "túm lấy vạt áo" của ai đó trong khi đang muốn "tìm" chính người mặc chiếc áo ấy.

Thực ra, như Huệ Thiên (1998: 92), một nhà khảo cứu giàu kinh nghiệm, từng nêu rõ,

TRÀNG là từ trước đây dùng để chỉ ‘cái cổ áo’ (như Alexandre de Rhodes đã giảng trong Từ điển An Nam–Bồ Đào Nha–La Tinh) ; còn bây giờ thì dùng để chỉ cái ‘vạt trước của chiếc áo dài’. Căn cứ vào cách hiểu vừa nhắc, ta có thể dễ dàng kết luận rằng nghĩa của câu TN trên chắc hẳn phải là :

Áo thì hãy dựa vào tràng [mà bình phẩm] ; còn làng thì hãy dựa vào lý trưởng [mà xét đoán hoặc cắt đặt công việc]’.

Dẫn chứng 2

Do lầm tưởng THẢ CÁ trong Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc là 'thả cá xuống ao đầm để nuôi', các tác giả ĐTĐTV đã giảng :

"Một kinh nghiệm làm giàu : thả cá mang lại nhiều lợi, gá bạc thu lắm tiền (nhưng là nghề bất lương)" (tr.1612).

Đọc lời cắt nghĩa này, chắc ai cũng phải liên tưởng ngay đến cách thuyết minh được đưa ra trước đó mươi năm :

"Việc thả cá có lợi là đúng và cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là là một việc làm ăn bất chính" (TĐTN & TNVN : 277).

Dễ dàng nhận thấy rằng muốn giảng đúng câu trên, điều cần làm trước tiên ở đây là phải xác định thật chính xác nghĩa của cụm THẢ CÁ. Như nhiều nhà khảo cứu từng vạch rõ, do đi đôi với GÁ BẠC, nên cụm này ắt phải có liên quan về nghĩa với chuyện cờ bạc. Giở Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ra tra thì thấy : THẢ CÁ có nghĩa là "thách cá, nói trong một độ chọi gà hay chọi cá thia thia, sau khi xem xét kỹ lưỡng con vật rồi, những người cầm chắc con vật mình chọn sẽ thắng, bèn thách mọi người bắt số tiền cá của mình". Như vậy là giả thiết trên đã được hoàn toàn xác nhận : "thả cá" và "gá bạc" đều là những trò đỏ đen, và chẳng có việc nào đáng được coi "là đúng và cần khuyến khích" cả ! Đến đây, có lẽ chúng ta đã có đủ cơ sở để đi đến kết luận :

'Thả cá và gá bạc là hai trò đỏ đen thuộc loại chóng sinh lợi nhất nhì [thời trước]'.

Dẫn chứng 3

Xin thêm một dẫn chứng nữa minh hoạ cho sự tác hại của việc ngộ nhận nghĩa từ vựng của các từ ngữ khi giải nghĩa TN. Theo TĐTN & TNVN (tr.168), câu "LÚA tốt xem biên, người hiền xem tướng" có nghĩa là :

"(Biên là bờ ruộng; trong chế độ cũ, người thợ cấy thường cấy cẩn thận những hàng lúa ở gần bờ hơn là ở giữa ruộng). Ý nói : chỉ nhìn tướng mạo một người cũng biết đó là người hiền hay người dữ".

Lời giải nghĩa này quả tình quá khác biệt với cách hiểu vẫn lưu truyền rộng rãi trong
dân dã lâu nay, vì nó để lộ một điều phi lý quá dễ thấy: chẳng lẽ người chủ ruộng nào "trong chế độ cũ" cũng lại ngờ nghệch đến mức chỉ căn cứ vào những dấu hiệu do người "thợ cấy" dùng mánh khoé tạo ra ở dọc "biên" (= bờ ruộng) để đánh giá chất lượng tốt xấu của chân ruộng (mà họ đã thuê cấy) ? Thậm chí nó cũng không giống chút nào với lời giải nghĩa từng được nhiều từ điển ghi nhận, chẳng hạn:

"Muốn biết lụa tốt hay xấu cứ xem ở biên: biên mà săn, đều sợi là lụa tốt; muốn biết người hiền hay ác cứ xem mặt khắc rõ (ĐTĐTV: 1058).

LỤA mà chép thành LÚA thì giảng sai là chuyện đương nhiên!

Nhân tiện cũng xin nói thêm: có nhà khảo cứu còn cho rằng trong trường hợp này, ta nên hiểu HIỀN với nghĩa 'Có đức lớn, tài cao, theo quan niệm thời trước', chứ đừng nên hiểu với nghĩa 'Không dữ, không có những hành động, những tác động trực tiếp gây hại cho người khác', vốn phải căn cứ cả vào cách ăn ở (chứ không phải chỉ có tướng mạo !) mới đoán định được. Tiếc thay, chúng tôi chưa tìm được một chứng cứ ngôn từ khách quan nào cho thấy phải hiểu theo cách vừa trình bày. Bởi vậy, ở đây chỉ xin đưa ra một cách giải nghĩa mang đậm tính chất tham khảo :

Muốn biết phẩm chất của lụa là tốt hay xấu thì hãy căn cứ vào mép của cây lụa; muốn biết phẩm chất của một người là hiền đức hay thiển cận thì hãy căn cứ vào tướng mạo của anh ta’.

Tiếp theo, xin bàn đến các nguyên nhân thuộc nhóm thứ hai.

2. Nguyên nhân về ngữ pháp

Ngữ pháp, như ta đều biết, là phương tiện mà ngôn ngữ cấp cho người nói để anh ta có thể truyền đạt cho người nghe mọi nội dung ngữ nghĩa mà anh ta cần/muốn "chuyển giao". Đó là lý do cho biết tại sao không hình dung đúng cấu trúc cú pháp [CTCP] của các đơn vị TN cần giải nghĩa, chúng ta thường rất khó đạt được cái đích cần vươn tới, tương tự như thiếu xe cộ hay các phương tiện vận chuyển khác, chúng ta thường khó lòng tiếp cận được với những nơi muôn trùng cách trở. Xin minh hoạ bằng một vài dẫn chứng.

Dẫn chứng 4

Trong kho TN của chúng ta có một câu hết sức ngắn gọn và cũng hết sức thông dụng: "Ăn no, lo được". Giá xử lý đúng khía cạnh cú pháp của nó, coi đó là một câu ghép do hai câu đơn có CTCP phân minh là ăn thì no và lo thì được việc]/đặng hợp thành, tức :

Câu ghép

CA ĐA: ĂnTA:no, CB ĐB:lo TB:được[đặng]

các tác giả ĐTĐTV chắc hẳn đã không nỡ vất bỏ một cách oan uổng cái dấu phảy đặt giữa hai câu thành tố (Ăn nolo được hay Ăn nolo đặng), và chắc hẳn họ càng không thể bằng lòng với cách giảng :

"Ăn no lo được = Nh. Ăn no lo đặng" (tr. 55)

"Ăn no lo đặng= Ăn nhiều, ăn khoẻ thì có sức khỏe để đảm đương công việc (tr. 55).

Trong chuyện này, các tác giả ĐTĐTV xem ra không đơn độc. Chứng cớ? Trước họ, TĐTN & TNVN cũng đã có cách thuyết minh ngữ nghĩa na ná như vậy :

"Ăn no lo được = Có nghĩa: có ăn mới có sức lo công việc" (tr. 17).

Như đã nói, CTCP của câu TN đang xét rõ ràng không cho phép ta giảng như vậy, mà chỉ chấp nhận cách giảng:

'Ăn ắt no; [biết] lo [liệu] ắt được [việc]'.

Dẫn chứng 5

Với câu "Ăn lúc đói, nói lúc say" ta cũng gặp một tình hình tương tự. Thật thế, do coi nhẹ CTCP của câu đang xét, TĐTN & TNVN tưởng nghĩa của nó chỉ đơn giản là :

"Chế người say rượu hay nói nhiều" (tr. 15).

Cách thuyết minh của ĐTĐTV cũng chưa thật thuyết phục, vì họ cũng giảng:

"1. Hành động trong trạng thái mất tự chủ, không kiềm chế được mình, ví như khi đói quá thì ăn sẽ không từ tốn, khi say quá thì nói năng bừa bãi, lung tung, thiếu suy nghĩ.

2. Lúc đói ăn cảm thấy ngon, lúc say nói thường rất hay" [!?] (tr. 52).

Giá chịu khó phân tích cú pháp một tí, coi đây là một câu ghép, như đã xử lý với trường hợp vừa nêu ở dẫn chứng 4, tức :

Câu ghép
CA ĐA: Ăn TA:lúc đói, CB ĐB:nói TB:lúc say,

chắc hẳn chúng ta sẽ tìm được ngay một lời giải nghĩa thoả đáng :

'Ăn [là thứ nhu cầu hay ám ảnh con người ta] vào lúc đói, nói [là thứ nhu cầu hay ám ảnh con người ta] vào lúc say'.

Dẫn chứng 6

Cũng vì chưa coi trọng mặt ngữ pháp (đúng hơn là cú pháp), tác giả TĐTN & TNVN cho rằng nghĩa của câu "Bồi ở, lở đi" là :

"Chê người vụ lợi và không có tình" (tr.34).

ĐTĐTV đã thấy rõ CTCP của câu đó, nên giảng đúng hơn:

"1. Hay tốt thì ở lại, xấu dở [thì] đi chỗ khác".

Tiếc thay, ngoài cái nghĩa vừa nói, các tác giả còn gán thêm cho câu này một nghĩa nữa (chắc là cho giống với các bậc đàn anh đi trước !) :

"2. Vô ơn bạc nghĩa, sống không có trước có sau" (tr. 191).

Giá dành thời giờ nhiều hơn cho việc tìm hiểu CTCP của câu, chắc họ cũng sẽ đi đến kết luận:

1. [nghĩa đen] 'Nơi nào đất được bồi đắp thêm thì ở lại đó mà sinh sống; nơi nào đất bị sạt lở thì rời bỏ nơi ấy mà ra đi'.

2. [nghĩa bóng] Nơi nào được đối đãi tử tế thì ở lại đó ; nơi nào bị bòn rút, cắt xén (công xá) thì bỏ nơi ấy mà ra đi.

Dẫn chứng 7

Trường hợp sắp nêu dưới đây là một dẫn chứng hết sức tiêu biểu, minh họa cho tác hại của việc xác định nhầm CTCP của các đơn vị TN.

Dựa theo mô hình Chủ–Vị, tác giả TĐTN & TNVN đinh ninh rằng RẮN MAI và RẮN HỔ trong Rắn mai tại lỗ, rắn hổ về nhà là chủ ngữ của cặp câu vừa dẫn. Bởi vậy, ông đã giảng:

"(Mai là mai gầm, hổ là hổ mang). Nhận xét cho rằng rắn mai gầm thường ở trong hang, còn rắn hổ mang thì thường ra ngoài" (tr. 244).

Trong lời cắt nghĩa này có một điểm rất dễ khiến hết thảy chúng ta phải bối rối: không rõ dựa vào đâu mà tác giả dám công nhiên khẳng định rằng NHÀ của RẮN HỔ không phải là HANG của nó, mà là Ở NGOÀI [HANG] ? Chứng cớ là trong lời giải nghĩa vừa dẫn, ông đã đặt một dấu bằng quá lớn giữa hai cụm VỀ NHÀ và RA NGOÀI.

Thực ra, như các nhà khảo cứu giàu kinh nghiệm từng chỉ rõ (xin x., chẳng hạn, Huệ Thiên 1998: 97), đây không chỉ đơn thuần là một "nhận xét", mà là một "kinh nghiệm sinh tử" của những người lấy nghề bắt rắn làm kế sinh nhai :

'Bị mai gầm cắn thì (nạn nhân, tức người bắt rắn) thường chết ngay tại "lỗ" (= hang của nó) ; bị hổ mang cắn thì (nạn nhân) thường có thể lê về tới nhà mình mới tắt thở', bởi nọc của mai gầm độc hơn nọc của hổ mang đến 4 lần .

Hoá ra trong trường hợp này, cả RẮN MAI lẫn RẮN HỔ đều không phải là chủ ngữ, mà NGƯỜI bị rắn mai (hay rắn hổ) cắn mới chính là chủ ngữ của cặp câu trên!

Tiện thể xin nói thêm: đây lại là một bằng chứng rất có trọng lượng nữa cho thấy sự bất cập của mô hình Chủ–Vị khi được vận dụng để xử lý các đơn vị Tục Ngữ.

Tiếp theo, chúng tôi xin chuyển sang phần bàn về những nguyên nhân liên quan đến khía cạnh văn hoá.

3. Nguyên nhân về văn hoá

Tục ngữ trực tiếp phản ánh cách thức ông cha ta cảm nhận (tri giác và suy ngẫm) thế giới, mà cách cảm nhận thế giới lại là nhân tố không thể không liên quan đến văn hoá, nên TN có lẽ là một trong những tấm gương phản chiếu trung thực nhất những nét đặc sắc của nền văn hoá chúng ta. Những dẫn chứng sắp nêu dưới đây cho thấy : chúng ta sẽ phải trả một cái giá đắt đến mức nào nếu không chú ý thích đáng đến các đặc trưng văn hoá được tàng trữ trong kho văn chương truyền khẩu này.

Dẫn chứng 8

Như mọi người đều biết, Vịt già, gà tơlà câu cửa miệng đông đảo người Việt và hàng trăm năm nay đã đi vào tâm thức của bao thế hệ. Nhưng do chưa để ý đến những đặc trưng tinh tế trong văn hoá ẩm thực của người Việt, TĐTN & TNVN đã chép nhầm chữ TƠ trong câu trên thành TO, rồi giảng :

"Vịt già thì ăn được; còn gà thì phải TO BÉO, chứ gà già thì thịt dai" [!?] (tr. 311).

Người ta còn có thể trách tác giả ở một điểm nữa : trong cách giảng vừa dẫn, rõ ràng ông đã tỏ ra quá hờ hững với một đặc trưng văn hoá khác, thể hiện hết sức nổi bật qua cách thức ông cha ta cảm nhận thế giới : bức tranh thế giới được TN khắc hoạ, như ta đều biết, bao giờ cũng là những tiểu phẩm có bố cục hình thức hết sức cân xứng và hài hoà. Nói cách khác, mọi từ ngữ chủ chốt trong bất cứ câu TN thông dụng nào bao giờ cũng đều được đặt vào thế đối chọi nhau, chẳng hạn :

Chó già, gà non (già >< non) ;

Ăn chân sau, cho nhau chân trước (ăn >< cho; sau >< trưóc) ;

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài(bầu >< ống; tròn >< dài) ;

Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ (ra đường >< về nhà; già >< trẻ) ;

Trong nhà chưa tỏ [mà] ngoài ngỏ đã hay(trong >< ngoài; chưa >< đã) ;

Con gái giống cha giàu ba họ, con trai giống mẹ khó ba đời (gái >< khó) ;
v.v... và v.v...

Theo đặc điểm trên, togià đương nhiên không thể là một cặp đối cân xứng của nhau : yếu tố đối ứng cân xứng của già trong trường hợp này phải là tơ [= non] !
Nếu vậy thì nghĩa của câu TN trên ắt hẳn phải là :

Vịt thì phải ăn lúc đã già (mới ngon vì không bị “hôi lông”) ; còn gà thì phải ăn khi còn đang tơ (mới khoái khẩu)’.

Dẫn chứng 9

Tác giả TĐTN & TNVN cho rằng "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại" là câu có ngụ ý :

Khuyên những người vợ kế nên thương yêu con [của] vợ trước” (tr. 11).

Cách giảng này rõ ràng chỉ mới nêu được ý ‘ẵm con chồng’; còn hai ý khác – “[tốt] hơn” và “bồng cháu ngoại” – đã không hề được đề cập.

ĐTĐTV cũng giảng tương tự :

"Có tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ, ví như thà ẵm con của chồng tuy không yêu quý, thích thú gì, nhưng dẫu sao vẫn thuộc dòng họ nội, còn hơn bế con của con gái mình" (tr. 45).

Giá chú ý đến những đặc trưng về văn hoá hôn nhân được tàng trữ trong câu đang xét, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy ngay : câu TN trên không hề đả động đến chuyện “dì ghẻ con chồng”.

Trọng tâm chú ý của tác giả ở đây hoàn toàn khác: mách cho các cô gái “cao số" (nên thường lận đận về đường chồng con) một kinh nghiệm quý được đúc kết từ thực tiễn sinh động và nghiệt ngã của cuộc sống :

Thà lấy người goá vợ làm chồng và bế ẵm (= chăm sóc) lũ con mà anh ta đã có với người vợ trước còn hơn là ở vậy và lúc về già chỉ còn biết bồng bế đám cháu phía bên ngoại của chính mình (cho đỡ cô quạnh).

Dẫn chứng 10

Chết đuối đọi đèn chỉ là một “trích đoạn” chưa từng được ai sử dụng trong thực tế. Vậy mà cả TĐTN & TNVN lẫn ĐTĐTV đều giảng :

Thất bại một trường hợp không có gì đáng e sợ” (TĐTN & TNVN: 52) hoặc

"Thất bại hoặc chết vì những hoàn cảnh, lý do, duyên cớ tầm thường, không đáng phải chịu chết thiệt (ĐTĐTV: 345).

Vậy thì đâu là "xuất xứ" của mẩu "trích đoạn" vừa dẫn ? Theo nhiều người am hiểu, Chết đuối đọi đèn chỉ là phần "đuôi" của câu TN Chết sông, chết suối, không ai chết đuối đọi đèn.

Nhưng câu này, lại được giảng là :

Thà thua kém chỗ đáng thua kém, chứ không chịu thua kém kẻ bất tài” trong TĐTN & TNVN (tr. 53) hoặc

"Thà phải đương đầu với khó khăn lớn lao, chứ không chịu thất bại trước một đối tượng tầm thường" trong ĐTĐTV (tr. 347).

Đọc những lời cắt nghĩa kiểu "vọng văn sinh nghĩa" vừa dẫn, chắc ai cũng phải lấy làm tiếc : không hiểu sao các soạn giả lại không chịu chú ý đến "tập quán thề nguyền" của người Việt ngày trước ? Giá dành chút ít thì giờ cho khía cạnh đó, chắc họ sẽ lập tức thấy ngay là hồi xưa, khi thề nguyền, ông bà chúng ta thường thốt ra một câu thề độc (như sẽ chết ngay tức khắc nếu đơn sai...), rồi lấy các vật thể trường tồn trong vũ trụ (như núi non, sông biển, v.v.), các nguồn sáng (như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, đèn nến, v.v.) hoặc các lực lượng siêu nhiên (như thần linh, ma quỉ, v.v.) ra làm "đấng" chứng giám cho lời thề ấy.

Ngoài ra, chắc họ cũng sẽ nhận thấy thêm: thời chưa có dầu hoả hoặc điện, ông bà ta thường phải dùng một cái đĩa hoặc một cái bát [= đọi], trong đựng dầu lạc [= đậu phụng] và một ngọn bấc [= tim] để làm đèn – khí cụ dùng để thắp sáng. Đó là lý do cho biết tại sao trong câu TN đang xét có hai chữ ĐỌI ĐÈN.

Dựa vào những tri thức văn hoá vừa trình bày, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết đâu là nội dung ngữ nghĩa đích thực của câu trên:

1. [nghĩa đen] 'Người ta chỉ có thể bị chết đuối trong sông, trong suối, chứ không bao giờ lại có thể bị chết đuối trong đọi (= bát) dầu lạc, – vật dùng để thắp sáng và thường được đưa ra để chứng giám cho những lời thề bồi’.

2. [nghĩa bóng] ‘Một lời thề, dù độc đến mấy chăng nữa, vẫn chỉ là một lời thề (tức không thể coi như một chứng cứ xác đáng)’.



Trích dẫn

1. Huệ Thiên. Những sơ sót đáng tiếc trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nguyển Lân.Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế. Số 2/1998.

2. Nguyễn Lân 1989. Từ điển thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt. Nxb Văn hoá.

3. Nguyễn Như Ý (chủ biên) et al 1999. Đại từ điển tiếng Việt. Nxb Văn hoá – Thông tin.
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cảm nhận triết lý tục ngữ, ca dao

    10/10/2014Song PhanTheo một lối suy ngẫm nào đó, có thể coi những thể ngữ ca dao đọng lại cho đến bây giờ là kết quả của vô vàn những cuộc tuyển chọn, nên thường là những điều người hôm nay vẫn tâm đắc, gật gù, thấy chúng. nghiệm đúng với mình. Thế là chúng mang tính triết lý. Triết lý chẳng qua là những kinh nghiệm sống, nghiệm đúng nhiều trường hợp. Nghiệm đúng càng nhiều thì triết lý càng nâng cao...
  • Đối đáp bằng tục ngữ Con Trâu

    25/01/2009Thủy TậpCó hai vợ chồng nhà nọ hồi nhỏ là mục đồng, lớn lên đều theo nghề lái trâu, nên tục ngữ về con trâu rất... giàu. Mới 28 tết, mà anh chồng đã say khướt, đi đâu gần nửa đêm mới về, bị chị vợ “phang” cho...
  • Tìm hiểu những yếu tố triết học (hay triết lý dân gian) trong tục ngữ Việt Nam

    24/03/2006Vũ HùngTục ngữ và triết học là hai lĩnh vực, hai hiện tượng ý thức xã hội khác nhau. Tục ngữ thuộc lĩnh vực nghệ thuật, là một thể loại folklore, còn triết học thuộc lĩnh vực khoa học, là khoa học về thế giới quan và phương pháp luận. Tri thức của tục ngữ là tri thức dân gian, được rút ra trên cơ sở quan sát và miêu tả cái cụ thể, đó là những tri thức kinh nghiệm, những "lẽ phải thông thường"...
  • Triết lý dân tộc Việt Nam qua tục ngữ

    10/03/2006Võ Thu TịnhTheo các nhà biên khảo thì các câu tục ngữ là một "quyển sách khôn, một kho tàng kinh nghiệm và hiểu biết về vũ trụ và về nhân sinh" giúp cho dân gian ta "có được một tri thức thông thường để làm ăn và cư xử ở đời"...
  • Tiêu chí kiểm định đạo đức con người qua tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam

    02/11/2005Lê Huy ThựcTục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam là kết quả lao động sáng tạo, thể hiện những tài triết lý sâu sắc được đúc rút từ thực tiễn của cha ông ta. Chúng ta thấy trong đó chứa đựng nhiều việc cụ thể, hoặc nhận thức cảm tính và suy luận… Mặc dù vậy, tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam cũng thừa nhận rằng, việc kiểm định đạo đức con người không phải là dễ dàng, đơn giản; song không phải vì thế mà ý nghĩa của tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam giảm đi, mà trái lại, càng nói lên giá trị hiện thực của loại hình văn học độc đáo này...