Vấn đề không phải ở tỷ lệ tốt nghiệp

04:46 CH @ Thứ Năm - 21 Tháng Bảy, 2005

Vài tuần trước, khi Khánh Hoà, một tỉnh học có tiếng ở miền Trung và thuộc loại khá so với mặt bằng chung cả nước, công bố tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) là 64,15%, sau một kỳ thi được đánh giá là nghiêm túc từ khâu ra đề thi, chấm điểm, dư luận nhiều lơi đã đồng tình với cách làm và “con số” này. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vừa diễn ra cũng có những con số tương tự, nhưng liệu đó có phải là dấu hiệu của sự đoạn tuyệt với căn bệnh thành tích lâu nay hay không?

Thời điểm ấy, nhiều người đã nghĩ ngành giáo dục Khánh Hoà tỏ ra cương quyết đi đầu trong việc đánh giá đúng thực chất của học sinh. Tuy nhiên, cũng không ít người có thâm niên trong ngành giáo dục lại bảo nhau: “Không có chuyện cố ý làm trái đó đâu. Chỉ là một tình huống ngoài dự kiến và các vị đầu ngành giáo dục tỉnh này rồi sẽ lãnh hậu quả ngay thôi”. Quả nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, sự thể đã hiển hiện: Chủ tịch này yêu cầu lãnh đạo ngành giáo dục phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan! Tiếp theo, ngày 14/6, UBND tỉnh có công văn (do đích thân giám đốc Sở GD- ĐT bay ra Hà Nội đệ trình) đề nghị Bộ GD-ĐT cho tỉnh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS lần hai, với lý do là “Do nhu cầu xét tuyển vào lớp 10 nên một số đề thi cao hơn trình độ thực tế của học sinh lớp 9 thuộc diện học lực trung bình”, khiến tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn rất nhiều so với nhiều năm qua (ngày 24/6, Bộ GD- ĐT đã từ chối đề nghị này). Trước khi Bộ GD-ĐT trả lời, ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, đã thể hiện quan điểm ủng hộ:

“....Nên xem xét đến trường hợp đặc biệt của tỉnh Khánh Hoà, do có trục trặc về đề thi, tỉnh lại đang phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục...” Thế là đã rõ, tỷ lệ “xấu” này có thể ảnh hưởng đến nhiều điều và phải tìm ra “nguyên nhân trực tiếp” mà khắc phục. Cũng giống như chuyện cây cầu sập là do anh lái xà lan và vào trụ cầu, lần này, lỗi lầm gây ra tỷ lệ quá thấp này chủ yếu là do bộ phận ra đề, đã ra quá khó và dài, làm cho học sinh trung bình không làm được, ảnh hưởng đến thành tích giáo dục nói riêng và cả đến thành tích chung của tỉnh nhà, làm cho lãnh đạo tỉnh khó ăn khó nói với người dân.

Với những gì đã biết về đào tạo, học sinh, giáo viên...như thực tế, nhiều người nhận định tỷ lệ tốt nghiệp THCS, THPT trong khoảng 60 -70% là hợp lý, đúng với thực chất. Đây không phải là nhận định vu vơ, theo kiểu cứ thấy tỷ lệ thấp mới cho là thực chất, không ghi nhận sự cố gắng của ngành giáo dục, mà là từ sự phân tích nghiêm túc từ chất lượng người dạy, người học, cách dạy, cách học, chương trình, sách giáo khoa, cách thi cử...Nếu ngành giáo dục thay đổi được những điều vừa nêu theo hướng tích cực, được xã hội ghi nhận, hẳn tỷ lệ 99%, thậm chí 100% HS tốt nghiệp cũng chẳng làm dư luận quan tâm. Đó là “nếu”, còn thực tế nhiều năm qua, tuy không thành văn bản nhưng ở nhiều địa phương, tỷ lệ tốt nghiệp THCS, THPT đều được chính quyền địa phương “ấn” xuống Sở GD-ĐT từ đầu năm và chỉ được vượt chứ không được kém. Để đạt được chỉ tiêu này, là cả một cuộc “chạy đua” cho guồng máy giáo dục; Thầy trò lao vào ôn luyện, tập trung vào các môn thi tốt nghiệp, các môn khác bị cắt xén tối đa, đến kỳ thi các giám thị sẽ làm lơ cho thí sinh đem tài liệu, quay cóp nhau trong phòng thi... miễn sao kết quả trên đậu 90% là ai nấy đều vui vẻ. Không ai có thể cho rằng đó là thực chất.

Năm nay, ngành giáo dục hạ quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách kiểm soát chặt “đầu ra”: chấn chỉnh hiện trạng gác thi không nghiêm túc. Kết quả đến ngay; nhiều tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 60-70%. Một vài tỉnh, điển hình là Cần Thơ (65,7%), Cà Mau (64,22%), các vị lãnh đạo Sở GD-ĐT đã tuyên bố chấp nhận kết quả và cho rằng phản ánh đúng thực trạng GD. Nhưng những địa phương như vậy không nhiều lãnh đạo giáo dục của các tỉnh này cũng đang phải chịu sức ép không nhỏ từ sự “lo lắng” sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của ngành, bởi không ít người, kể cả một vị lãnh đạo cấp cao của Bộ GD-ĐT vẫn có quan điểm: “Thật ra tỷ lệ 100% học sinh tốt nghiệp không có gì là ghê gớm, đó là 100% em học sinh đã đạt được mức điểm trung bình trở lên. Nếu chưa đạt 100%, tức còn học sinh yếu kém không đạt mức trung bình, đó mới đáng xem lại”. Vâng, nếu cứ tư duy theo kiểu “trung bình có gì khó đâu” để làm mọi cách có được những con số tỷ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưởng như thế, căn bệnh thành tích rõ ràng chưa tìm được thuốc chữa.

Thuốc chữa thực sự nằm ở phần “gốc” ngay ở trong quá trình dạy học và thi cử. Bỏ qua những cơ sở trường lớp, chất lượng giáo viên..., chỉ riêng cách học và cách thi hiện nay đã có quá nhiều bất cập. Tiến sĩ Lê Văn Hảo, ĐH Thủy sản Nhà Trang nói: “Tôi có cảm giác chương trình giáo dục càng cải cách thì càng nặng hơn. Sức ép đối với người giáo viên phổ thông ngày càng lớn. Họ không còn lối thoát nào khác ngoài việc cố gắng truyền đạt càng nhiều kiến thức cho học sinh càng tốt. Không khí lớp học rất buồn tẻ. Ở các nước phát triển rất hiếm thấy giờ học nào mà các thầy cô giáo lúc nào cũng oang oang trên lớp mà thay vào đó là hình ảnh các em học sinh sinh hoạt nhóm, trao đổi về vấn đề gì đó – hình ảnh rất hiếm thấy ở các trường phổ thông của nước ta”. Giáo sự Hoàng Tuỵ cũng nhận xét: “Học hành, thi cử, nhất là các kỳ thi tốt nghiệp của ta cứ diễn ra theo kiểu học dồn, thi góp. Cả quá trình học tập coi nhẹ, kỳ thi cuối cấp lại quá áp lực, căng thẳng. Trong khi đáng lẽ phải học đâu thi đấy, đánh giá suốt quá trình, không làm cho học sinh, giáo viên, nhà trường và cả xã hội phải căng thẳng, ôn luyện dồn hết chỉ cho một kỳ thi với vài môn “Tủ”. Nếu như trong từng năm học, từng học kỳ, đối với từng môn, thậm chí từng chương, từng phần ta đều quy định kiểm tra, đánh giá một cách chặt chẽ, buộc học sinh phải học hành nghiêm túc, qua được năm nay mới được học năm sau...

Đến cuối cấp, lấy kết quả tổng hợp cuối cùng để xét công nhận tốt nghiệp thì không cần tổ chức một kỳ thi riêng, kết quả có đỗ đến 99, 100% cũng là tự nhiên”.

Đúng thế, vấn đề không phải là tỷ lệ tốt nghiệp cao hay thấp, mà là cách nhìn nhận về điều này của ngành giáo dục và của cả xã hội như thế nào đúng đắn, để nâng dần chất lượng giáo dục vốn vẫn đang ì ạch như hiện nay.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: