Văn học nước Pháp

06:41 SA @ Thứ Ba - 10 Tháng Mười Một, 2009

Một hôm tôi có tiếp một ông Nho cũ. Ngẫu nhiên nói đến chuyện văn chương, lại tình cờ nói đến văn chương Pháp. Nghe thấy ba chữ "văn chương Pháp", ông có ý sửng sốt lấy làm lạ hỏi:

- Tây họ cũng có văn chương sao?

- Có chứ? Văn chương họ hay lắm.

Ông đưa hàm, “hừ” một cái, ra dáng không tin; lại hỏi:

- Thế họ có thơ không? Thơ họ có vần có điệu, có hay bằng thơ "chữ ta" không?

- Họ cũng có thơ; thơ họ cũng có vần có điệu, và cũng có ý tứ hay như thơ chữ Hán.

Ông lại đưa hàm, “hừ” cái nữa, vẫn ra ý không tin.

Rồi ông phán một câu rằng:

- Văn "chữ ta" thơ "chữ ta" hay lắm, hay lắm...

Ông không nói hết câu, nhưng nghe cũng hiểu ý ông rằng: “Văn chương "chữ ta" hay lắm, nhưng mà những phường học chữ Tây như các bác không thể hiểu được, và chữ Tây của các bác dẫu có văn chương cũng chẳng đời nào bằng”.

Những ông Nho cao thượng quá như thế, chắc ngày nay không còn mấy nữa, và dẫu còn, có lẽ cũng tự riêng trong bụng không phục rằng chữ Tây có văn chương, nhưng không lộ ra ngoài một cách rõ ràng như vậy. Về mươi mười lăm năm trước thời phần nhiều nhà Nho ta, đây là tôi nói những ông Nho "đặc", không có đọc tân thư, đọc báo Tàu, vẫn yên trí rằng trong gầm trời duy có chữ Nho là thâm thúy, còn chữ Tây chẳng qua là một món để giao thiệp, để ứng đối, bất đắc dĩ phải theo thời mà học, chớ không có lẽ có văn chương nghĩa lí gì được. Các cụ tưởng thế quyết là sai rồi, nhưng mà nghĩ cho kĩ cũng không nên trách các cụ. Ừ, tự mình không biết chữ Tây, nhưng trong nhà có con em đi học chữ Tây, về nhà hỏi học những cái gì, thời hoặc chỉ thấy chúng nó kêu như cuốc kêu mùa hè, những là: "con lừa, con la, cái áo của cha tôi, cái quần của mẹ tôi", với lại những "chén cà phê, cốc sữa bò", chữ nghĩa lẩn thẩn như thế thời phỏng còn có văn chương nghĩa lí gì nữa! Lại thấy những ông nọ thày kia, đã đỗ thế này thế khác, mà hỏi đến sách vở nghĩa lý của Tây, thường cũng ấp a ấp úng, nói chẳng thành câu, thời trách nào các cụ không an trí rằng chữ Tây tuyệt nhiên không biết văn chương là cái gì.

Nhưng mà gần đây trong phái Tây học ta đã có nhiều người biết bỏ cái lối học giao thiệp ứng đối cũ mà chuyên về đường khảo cứu suy xét, học cho biết nghĩa lí, chớ không phải học để thuộc dăm ba câu tiếng Tây mà thôi. Lại nhờ có chữ quốc ngữ làm cái cơ quan để diễn dịch truyền bá những văn chương hay, tư tưởng lạ của các bậc danh nhân bên quý quốc, khiến cho những hàng trí thức trong quốc dân bấy giờ, dù về phái tân học, dù về phái cựu học, không còn ai là có cái ý kiến hẹp hòi như ông Nho cổ tôi mới thuật chuyện vừa rồi. Như các ngài đây đã vui lòng đến nghe tôi diễn thuyết, chắc cũng đều biết rằng chữ Pháp có văn chương và văn chương Pháp là một thứ văn chương có giá trị lớn trong thế giới. Chủ ý tôi diễn thuyết bữa nay chính là muốn giải để các ngài rõ cái giá trị ấy thế nào và văn chương Pháp đã qua bao nhiêu trình độ mới có được cái giá trị như thế, nghĩa là bày cho các ngài xem như một cái biểu "nhất lãm" về văn học nước Pháp, từ khi mới thành lập cho đến tận bây giờ.

Tôi lập ý như thế cũng tự biết rằng đánh bạo quá. Vì muốn gồm cả một cuộc văn học rất phồn thịnh, rất phong phú như văn học nước Pháp, đã thịnh hành trong một khoảng thời gian tới năm sáu trăm năm, vào một bài diễn thuyết sơ lược trong một vài giờ đồng hồ, thật là một việc khó khăn có một. Trước hết người diễn thuyết phải thuộc đầu bài lắm, mà đầu bài đây là gì? Là cả văn chương nước Pháp từ đời xưa đến đời nay, tưởng dẫu ông bác sĩ bạc đầu cũng không có thể tự phụ là thuộc được hết. Sau nữa lại phải có cái tài cai quát khéo mới có thể thu, đúc cả cái vật liệu phong phú như thế vào một bài diễn thuyết nhỏ, vắn tắt mà súc tích, lời ít mà ý nhiều, lại rõ ràng khúc triết cho người nghe dễ hiểu. Thật là khó quá, tôi cũng tự lượng biết rằng làm một việc to tát quá sức, song cũng đánh bạo thử làm, hoặc có khuyết điểm, - mà chắc là khuyết điểm nhiều, - xin các ngài rộng lượng.

Nhà Nho ta sở dĩ không sẵn lòng công nhận văn chương Tây, không những bởi không biết chữ Tây, lại là bởi cái quan niệm về văn chương của người Đông phương với người Tây phương khác nhau lắm, tựa hồ như phản đối nhau. Bởi khác nhau nên thường không hiểu nhau. Vậy trước khi thuật về lịch sử văn chương Pháp, tôi hàng xin giải qua về hai cái quan niệm ấy thế nào. Ta gọi là câu văn hay ấy là câu văn bóng bảy rườm rà. Tây gọi là câu văn hay ấy là câu văn thiết thực giản ước. Văn ta chuộng ở lời nhiều, lời phải cho đẹp, đọc cho vui tai êm miệng, càng kêu, càng ròn, càng trơn tru lưu loát bao nhiêu thời càng cho làm hay. Ý bất tất phải mới lạ gì, miễn là lời cho văn vẻ, dễ nghe, thế là hay. Và có lẽ càng lấy những ý tưởng thông thường, ai cũng công nhận, ai cũng hiểu cả, mà phô diễn ra văn chương lại càng dễ hay lắm.

Văn Tây thời không thế, văn Tây không chuộng ở lời mà chuộng lời với ý cho xứng nhau, lời để diễn ý, hễ diễn được hết ý cho rõ ràng khúc triết, thế là văn hay, chớ không ưa những lời phù hoa bóng bảy, và thứ nhất là kị những câu khẩu đầu, câu sáo cũ. Văn ta với văn Tàu hễ càng dùng nhiều chữ sẵn càng hay, càng thuộc nhiều điệu cũ càng nền. Văn Tây thời phải theo liền với tư tưởng, tư tưởng mới mẻ thời lời văn cũng phải mới mẻ, mà văn có mới mẻ mới là văn hay, vì mỗi người tư tưởng một cách khác, lời nói dùng để diễn tư tưởng ấy không thể giống nhau được, không thể dùng những chữ cũ của cổ nhân, những câu sáo của công chúng mà nói cho hết được. Thành ra văn Tàu văn ta hễ càng lưu loát dễ nghe bao nhiêu càng hay mà văn Tây lại càng mới mẻ thiết thực bao nhiêu càng hay. Một nhà phê bình văn học Pháp đã nói rằng: “Phàm văn chương có hai cách: một cách có thể gọi là "phát biểu" (expression), một cách gọi là "phổ thông" (intelligibitite). Phát biểu là lấy một trạng thái đặc biệt của sự vật mà diễn dịch ra một cách thật đúng: phổ thông là lấy những lí tưởng thông thường của công chúng mà phô diễn một cách dễ hiểu”. (Il y a deux tendances en littérature. L'une de ces tendances a pour objét l’expression, l’autre l'intelligibilité. L'une s'efforce de traduire de la manière la plus efficace un aspect particulier des choses, 1 autre d'interpréter de la facon la plus commode des notions admises. - F. Baldennsperger, La littérature) . - Theo lí thuyết ấy thời văn Tây có thể cho là thuộc vào hạng văn “phát biểu”, mà văn Tàu văn ta ngày xưa là vào hạng văn “phổ thông”.

Văn Tây thuộc vào hạng văn “phát biểu” là bởi vì trọng nhất lấy thiết thực, diễn cái ý nào thời cho hết ý, tả cái cảnh nào thời cho hệt cảnh, lời với ý đi với nhau chầm chập, không thái quá, cũng không bất cập. Văn Tàu văn ta thuộc vào hạng “phổ thông” là trọng ở lời lẽ chải chuốt trơn tru, dễ nghe lưu loát, thế nào cho người ta đọc lên hiểu ngay, lấy làm vui tai êm miệng. Bởi hai cái quan niệm về văn chương khác nhau như thế, nên người Tây xét văn Tàu cho là nhiều lời ít ý, có vỏ không có ruột, hay đem những tư tưởng tầm thường phổ thông mà mặc cho cái áo văn chương hoa mĩ quá; người Tàu, người ta xét văn Tây thời lại cho là trúc trắc khó nghe, hoặc lẩn thẩn lôi thôi, hoặc thật thà ngớ ngẩn, không chịu cho là có “văn chương”. Thí dụ, như muốn tả người đàn bà đẹp, văn Tây tả không bài nào giống bài nào, mỗi bài tả ra một cách, mỗi cách có một cái vẻ đẹp riêng mà cách nào cũng hiển nhiên như thực; văn ta thời trăm bài đến chín mươi bài nói đến: mắt phượng, mày ngài, môi son, má phấn, da tuyết, tóc mây v.v., toàn là những câu sáo sẵn để tả người đàn bà, thành ra người đẹp nào cũng như người đẹp nào, mà chẳng qua là một cái phệnh tô phấn điểm son mà thôi.


(*)Diễn thuyết ở Hội Trí tri ngày thứ năm 24 tháng 11 năm 1921

Tôi đọc các ngài nghe hai đoạn văn Tây như sau này, đủ biết hai lối văn chương đó khác nhau thế nào. Hai đoạn này trích ở sách Madame Bovary, là một bộ tiểu thuyết tả thực trứ danh trong văn chương Pháp, của Gustave Flaubert làm ra. Ông tả một ngày hội đấu xảo canh nông (comice agricole) ở nhà quê. Đoạn trên là ông giả nghĩ bài diễn thuyết của quan sở tại đến khai hội đấu xảo, lời lẽ thật là lưu loát dễ nghe, văn chương hoa mĩ, mà tư tưởng thời rất là thấp hẹp, bần cùn, tầm thường, vô vị, vậy mà người nghe lấy làm thích chí lắm. Trước quan còn tán tụng công đức. Nhà nước đã khai hóa cho dân mới được thái bình thịnh vượng như thế, khác nào cũng như những câu "Namô" của người mình tán tụng các quan trên vậy, v.v., rồi ngài kết mấy câu rất hùng hồn (?) về công đức của nghề nông, nói rằng (đây là lời diễn thuyết của quan):

"Qưaurais-je à faire, Messieurs de vous démontrer ici l’utilité de l'argriculture? Qui donc pourvoit à nos besoins? Qui donc fournit à notre subsitance? N’est-ce pas l’agriculteur? L’agriculteur, Messieurs, qui, ensemencant D’une main laborieuse les sillons féconds des compagnes, fait na tre le blé, lequel broyé est mis en poudre au moyen d'ingénieux appreils, en srtn sous le nom defanne, et, de là, transporté dans les cites, est bientôt rendu chez le boulanger, qui en confectionne un aliment pour le pauvre comme le riche. Nest-ce pas l’agricuteur encore qui engraisse, pour nos vêtements, ses abondants troupeaux dans les pâturages? Car comment nous vêtinons-nous, car comment nous nourririons-nous sans l’argriculteur? Et même, Messieurs est-il besoin d'aller si loin chercher des exemples? Qui n’a souvent réféchi à toute l'importance que l’on retire de ce modeste animal, ornement de nos basses cours, qui fournit à la fois un oreiller moelleux pour nos couches, sa chair succulente pour nos tables, et des oeufs? Mais je n’en finirais pas, s'il fallait énumérer les uns après les autres les différents produits que la terre bien cultivée, telle qu’une mère généreuse, prodigue à ses enfants..."

Dịch nghĩa: - "Thưa các ngài, tôi tưởng chẳng cần phải giải rõ các ngài mới hiểu nghề nông có ích lợi là dường nào. Sự cần dùng của ta, ai lo liệu cho ta? Đồ ăn uống của ta, ai cung cấp cho ta? Chẳng phải là nhà nông dư? Nhà nông kia, ra công khó nhọc, gieo luống ruộng cầy, làm mọc thành cây lúa mì, lúa này dùng những máy móc khôn kẻo giã ra thành phấn, gọi tên là bột, bột ấy tải ra các nơi thành thị, giao về cho nhà hàng bánh, chế thành một thứ đồ ăn, người giàu người nghèo đều phải dùng cả. Lại chẳng phải nhà nông kia chăn nuôi những đàn cừu béo, ở trong những đồng cỏ non, để lấy lông chiến làm áo mặc cho ta dư? Ví không có nhà nông thời ta lấy gì mà mặc, ta lấy gì mà ăn? Mà cần chi phải thí dụ những sự xa xôi như thế? Ai là người không thường nghĩ đến sự ích lợi vô cùng của con vật nhỏ mọn kia, nó làm một cái trang sức cho sân cho vườn ta, nó vừa cho ta lông của nó để làm gối êm cho ta nằm, thịt của nó để làm đồ ăn ngon cho ta ăn, lại cho ta trứng nữa? Nhưng mà tôi kể thế đã nhiều rồi, không thể nói được hết những sản vật của cái đất quý báu kia nhờ tay nhà nông cầy cấy cung cấp cho ta như người mẹ hiền để của cho con cái v.v.."

Các ngài nghe đoạn diễn thuyết đó có hay không? Có phải là “văn chương” lắm không? Thật là trơn tru, lưu loát, dễ hiểu, dễ nghe lắm.

Các ngài lại nhận giọng văn đó có phải chính là giọng văn ta văn Tàu không? Đọc lên thời ồn ào rộn rịp, tưởng như lời lẽ hùng hồn lắm, mà chất lại thật không có chút tư tưởng gì?
Đối với lối văn ấy thời như đoạn sau này, tác giả tả một mụ vú già được hội đồng đấu xảo ban cho cái mề đay bạc và thưởng cho 25 quan, vì trong 54 năm trời vẫn một lòng thủy chung hầu hạ một chủ. Đây là nói lúc xướng đến tên mụ, mụ đương ngơ ngác trèo lên trên rạp để lấy thưởng:

"Alors on vit s’avancer sur l’estrude une petite vieille femme de maintien craintif, et qui paraissait se ratatiner dans ses pauvres vêtements. Elle avait aux pieds de grosser galoches de bois, et, le long des hanches un grand tablier bleu. Son visage maiger, entouré d’un beguin sans bordure, était plus plissé de rides qu’une pomme de reinette flétrie, et des manches de sa comisole rouge dépessaient deux longues mains, à articulations noueuses. La poussière des granges, la potasse des lessives et le suint des laines les avaient si biên encroutées, eraillées, durcies, du elles semblaient sales quoiqu elles fussent rincées d’eau claire; et à force d’avoir servi, elles restaient entrouvertes, comme pour présenter delles-mêmes l’humble témoignage de tant de souffrances subies. Quelque chose d’une rigidité monacale relevait l’expression da sa figure. Rien de triste cu d’attendri n'amollissait ce ragard pâle. Dans la fréquentation des animaux, elle avait pris leur mutisme et leur placidité. C’est la première fois qu’elle se voyait au milieu d’une compngnie si nombreuse, et, intérieurement effarouchée par les drapeaux, par les tambours, par les messieurs en habit noir et par la Croix d’honneur du conseiller, che demeurait tout immobile, ne sachant s’il fallait s’avancer cu s’enfuir, ni pourquoi la foule la poussait et' pourquoi les examinateurs lui souriaient. Ainsi se tenait devant ces bourgeois épanouis, ce demi-s ècle de servitude".

Dịch nghĩa: “Bấy giờ trông thấy bước lên trên rạp một mụ già bé nhỏ ra dáng sợ hãi, hình như náu hình lại ở trong đống quần áo bần tiện. Chân đi đôi guốc gỗ to tự thắt lưng xuống buộc một cái mã phụ xanh lớn. Mặt gầy gò buộc cái khăn vuông không viền, dăn deo hơn là da quả thị héo. Mình mặc cái áo bán thân, thò ra hai bàn tay dài, trông thấy những đốt xương khúc khuỷu. Tay ấy đã rửa nước lã kĩ, vậy mà coi ra như bẩn thỉu, vì những bụi thóc, bột giặt với mỡ cừu đã quấn quện thành mảng nứt nẻ chai rắn lại; tay đã quen hầu hạ, bao giờ cũng mở sẵn ra, như tự tay đem dâng cho người sai khiến cái thân phận bần hèn khốn khó trong bấy lâu. Nét mặt nghiêm nghiêm như có cái vẻ nhà tu. Con mắt lờ đờ, không có dáng buồn rầu, cũng không có dáng cảm động. Bình sinh hay gần súc vật, nên đã nhiễm được cái vẻ mặt lặng lẽ yên hàn. Lần này là lần thứ nhất mụ ra đứng chỗ đông người như thế này; trông thấy những cờ, những trống, những ông mặc áo đen; lại thấy cái bội tinh của ông nghị, trong bụng có ý khiếp sợ, cứ đứng im không động đậy, phân vân không biết nên bước lên hay nên chạy về, và cũng không hiểu rằng làm sao người đứng xem lại đẩy mình lên và làm sao các ông giám sát ngồi đây lại tủm tỉm cười. Đó chính là hình ảnh một nửa thế kỉ nô lệ đứng trước một đám trưởng giả bảnh bao”.

Đoạn văn sau này mới nghe chắc không thấy trôi chảy bằng đoạn trên, nhưng nhận kĩ ra mới biết rằng lời lẽ thiết thực. Không có một câu nào thừa: chính là lối văn tả thực. Không có câu nghị luận gì, mà có một cái ý cảm động vô cùng, nhất là câu cuối cùng, tiếc rằng tiếng Việt Nam ta không thể nào diễn được hết cái ý vị của nguyên văn: Ainsi se tenait devant ces bourgeois épanouis, ce demi-siècle de servitude, ngài nào đã sành văn Tây tất là biết thưởng thức.

Trong hai lối văn chương đó thời lối dưới thiết thực là lối người Âu Tây cho làm hay, lối trên hoa mĩ là lối người mình lấy làm thích. Hai cái cảm giác, hai cái quan niệm về văn chương khác nhau như thế, nên người mình thấy văn Tây không thể ngâm nga dịp dàng được, thời cho là lổng chổng trúc trắc, khó hiểu, khó nghe, không biết rằng văn hay ở ý nhiều mà ở lời ít, lời văn chẳng qua là dùng để đạt ý mà thôi, không phải là một cách ghép vần ghép chữ, múa khéo múa khôn để lấy cho êm tai vui miệng.

Trước khi bàn về văn chương Pháp, phải nên biết người Pháp hiểu văn chương như thế, có khác với nghĩa văn chương của mình nhiều. Văn chương của mình là lời nói đẹp, bất cứ nói gì, hễ nói đẹp là văn chương; văn chương Pháp thời là định nói cái gì, nói được vừa vặn
thích đáng, không thiếu không thừa, đúng như sự thực, hệt như ý tưởng, thế là văn chương. Cho nên nhà phê bình Tây đã giải văn chương như thế này: "La fait littéraire, dans son pnncipe, "expnme" par des mots un instant de la vie, percu par un esprit qui ne se contente pas de le traverser, ne prétend pas agir sur lui pour le modifier, mais qui cherche à le fixer en lui donnant un équivalent verbal approprie (Baldensperger).

Nghĩa là: "Tôn chỉ của văn chương là dùng những tiếng những chữ để diễn tả lấy một khoảnh khắc trong cuộc đời, do trí tuệ người ta cảm giác, mà không muốn để cho thoảng qua đi, cũng không có chi muốn sửa đổi lại, chỉ tìm cách ghi nhớ lấy bằng những lời nói thích đáng" - Muốn nói giản dị hơn thời nói rằng văn chương là một cách ghi chép sự cảm giác của người ta cho thật hệt, thật đúng.

Người Đông phương ta muốn thưởng thức được văn chương của Âu Tây thời phải hiểu cái nghĩa văn chương như thế, nếu lấy nghĩa văn chương của mình mà xét văn chương Tây thời không trách gì cho người Tây là không có văn chương phải lắm.

Tôi giải nghĩa về văn chương khí dài quá, song tưởng không phải là vô ích, vì phải phân biệt cho rõ hai cái nghĩa văn chương của người Tây và người mình thế nào, thời mới có thể bàn về văn chương Pháp được.

Văn chương Pháp kể mới thành lập trong khoảng bơn năm trăm năm nay mà thôi, nghĩa là vào đời nhà Trần ở nước ta thời ở nước Pháp mới bắt đầu có văn chương. Nhưng từ khi tiếng nói thành văn thời cứ mỗi ngày một tiến bộ, không đầy hai trăm năm đã trở thành một thứ văn chương hoàn toàn nhất ở Âu châu, cho tới ngày nay thời hiển nhiên là một thứ văn tự tốt đẹp nhất trong thế giới. Trong khi văn chương Pháp tiến hóa mau như thế thời văn chương Nôm mình cứ ngưng trệ lại không bước lên được một bước nào. Tự đời nhà Trần ta đã có Hàn Thuyên mà đến đời nhà Nguyễn ta cũng chỉ thêm được Nguyễn Du nữa mà thôi, trung gian trong bốn trăm năm văn Nôm ta nín hơi lặng tiếng, không sản xuất được bộ sách nào là thật có giá trị. Bởi sao mà tiếng quốc âm của ta thiệt thòi kém cỏi như thế? Bởi trong khi nước Pháp đến hàng trăm hàng nghìn nhà làm văn kẻ làm sách đua nhau mà trau dồi mài rũa cái tiếng nói của ông cha, làm thành như một khí giới sắc nhọn vô cùng, thời ở nước mình, những hàng trí thức còn chỉ say đắm về chữ nước người, văn nước người, không mấy người nghĩ đến cái tiếng nôm na của tổ quốc, thành ra tới nay để lại cho bọn mình một cái đồ dùng rỉ han cùn nhụt, để cho anh em mình bây giờ khổ công mài rũa mà cũng chửa thấy sáng thấy sắc được chút nào. Thế có cực không?

Nước Pháp không phải là không qua cái tình cảnh "nội thuộc", cái nông nỗi học mướn viết nhờ như nước mình; nước mình bị quyền chuyên chế hữu hình về chính trị, quyền chuyên chế vô hình của văn chương học thuật người Tàu thế nào, thời nước Pháp cũng bị quyền chuyên chế hữu hình về chính trị, quyền chuyên chế vô hình của văn chương học thuật La Mã như thế. Nước mình bị người Tàu đồng hóa học theo sách Tàu chữ Tàu trong hơn nghìn năm thời nước Pháp cũng bị người La Mã đồng hóa học theo sách Latinh, chữ Latinh trong ngót nghìn năm. Kể từ năm 880, nước Pháp mới bắt đầu có một bài ca nhỏ bằng tiếng "nôm", tức là tiếng Pháp, còn trở về trước bao nhiêu sách vở giấy má toàn bằng "chữ", nghĩa là bằng La tinh hết. Mà chính bài ca thứ nhất ấy cũng chưa thành văn chương gì, tự đấy về sau, trong ba bốn trăm nữa, tuy những bài ca bài văn bằng tiếng "nôm" đã thêm ra nhiều, nhưng mà những bậc thượng lưu cũng vẫn chỉ ưa chữ Latinh, những sách đứng đắn cũng vẫn chỉ viết bằng Latinh, tiếng Pháp cho là nôm na mách qué, chẳng khác gì ở nước mình. Duy có khác là người Pháp sớm tỉnh ngộ hơn người mình, và bắt đầu từ thế kỉ thứ 15, nghĩa là vào khoảng đời nhà Trần ở nước ta (Đúng ra là từ đời Trần – Hồ, B.S), người Pháp quyết bỏ hẳn chữ Latinh mà chỉ chuyên tập tiếng quốc âm mà thôi.

Lúc mới cũng khó khăn lắm, cái tình cảnh những nhà làm văn Pháp lúc bấy giờ cũng khốn nạn như bọn mình viết quốc ngữ bây giờ, khổ vì nỗi tiếng chưa thành văn, không biết thế nào là hay là dở; có phần lại khó hơn mình, vì ở nước mình tuy giọng nói Bắc kì, Trung kì, Nam kì có khác nhau, song cũng cùng là một thứ tiếng, nói với nhau nghe hiểu được, chớ ở nước Pháp về trước thế kỉ 15, hồi chữ Latinh còn thịnh hành thời tiếng "Nôm" trong dân gian chia ra làm hai thứ, một thứ ở Bắc phương gọi là langue d’oil, một thứ ở Nam phương gọi là langue d’oc, hai thứ tiệt nhiên khác hẳn nhau. Thứ langue d’oc tức là gốc của tiếng provencal (là tiếng thổ âm ở vùng Marseille) bây giờ, lại phát đạt trước, sớm đã có những hạng thi nhân gọi là troubadours là những bài ca vãn về phong tình. Sau bọn thi nhân ở Bắc phương gọi là trouvères mới bắt chước bọn troubadours ở Nam phương cũng làm ra ca vãn bằng tiếng thổ âm của mình, tức là tiếng langue d’oil. Nhưng mà tính chất người Bắc phương với người Nam phương khác nhau, người Nam phương hay ăn chơi vui vẻ, làm ra ca phong tình, người Bắc phương tính thô hùng thời lại làm ra những bài ca anh hùng để tán công đức những bậc võ sĩ có danh tiếng đời xưa đời nay. Vào khoảng thế kỉ 15 thời tiếng Bắc phương là langue d’oi lại thịnh hành hơn tiếng langue d’oc của Nam phương, và dần dần tràn khắp cả xuống Nam phương, thành ra một thứ tiếng thống nhất, tức là tiếng Pháp ngày nay. Tự đó thời tiếng langue d’oc mỗi ngày một yếu thế đi mà trở thành một thứ "địa phương ngữ" (dialecte), tức là tiếng provencal bây giờ.

Vậy thời tiếng Pháp bây giờ là do ở tiếng langue d’oil ra và mới bắt đầu phổ thông trong nước tự thế kỉ thứ 15. Tiếng đã phổ thông thời tiện thị có văn chương. Văn chương ấy cũng là khởi điểm tự các bài anh hùng ca bằng langue d’oil trước.

Tôi đã nói rằng lúc mới khởi đầu gây ra văn chương ấy thật là nhiêu khê lắm, cũng tức như người mình đương gây văn quốc ngữ bây giờ. Mới thoát li ở chữ Latinh ra, không thể bỏ hẳn chữ Latinh được, cũng như quốc ngữ mình không thể bỏ hẳn được chữ Nho được. Bấy giờ có một bọn làm thơ lập ra cái thi xã đặt tên là Pléiade. Bọn này lại sính chữ Latinh lắm, làm thơ bằng tiếng Pháp hay dùng chữ Latinh nhiều quá. Trong bọn có ông Ronsard lấy thế là hại cho quốc âm, thường khuyên anh em nên tìm kiếm lấy những chữ gốc của nước mình mà dùng, hơn là đi bới mót trong đống "tro tàn của cổ nhân" (Je ne scay quell.e cendre des anciens). Ông lại khuyên rằng nên chọn lấy những tiếng Nôm lịch sự (dialecte courtisan) mà dùng, hoặc không đủ thời "đặt ra tiếng mới theo như tiếng Hy Lạp, La Mã, không quản gì lời nghị luận của công chúng" (Tu composeras hardiment des mots à l'imitation des Grecs et Latinhs et n'auras soucy de ce que le vulgaire dira de toy)". Song ông lại nói thêm rằng: "Ta khuyên nên cứ đánh bạo mà đặt ra tiếng mới, miễn là phải đặt làm sao cho nó hợp với cái kiểu mẫu của công chúng đã nhận". Nghĩa là quốc âm mình không đủ tiếng dùng, thời phải bắt chước cổ văn mà đặt ra tiếng mới chữ mới, nhưng phải đặt thế nào cho dễ nghe, không nên dùng những chữ cầu kì hay sống sượng quá.

Nhưng ông trân trọng quý báu nhất là những tiếng gốc trong thổ âm của nước Pháp. ông thường viết thư dặn học trò rằng: “Các con nên giữ gìn tiếng quốc âm như người mẹ đẻ, đừng để cho kẻ muốn bắt con gái nhà nền nếp phải làm phận tôi đòi. Có nhiều những tiếng thật là tiếng Pháp gốc, tiếng Pháp tự nhiên, nó có cái khí vị cổ, nhưng thật là tiếng Pháp tự do... Ta để chúc thư lại dặn các con chớ có để cho mất những tiếng cũ tiếng gốc đó, phải đem ra mà dùng, đối với những kẻ hiếu kì kia hễ thấy chữ gì tiếng gì không phải là mượn ở Latinh hay ở ngựa thời không cho làm lịch (Enfants, défendez votre mère de ceux qui veulent faire servante nhe demoiselle de bonne maison. Il y a des vocables qui sont francoys naturels, qui sentent le vieux, mais le libre et le francoys... Je vous recommande par testament que vous neê laissiez point perdre ces vieux termes, que les employiez et défendiez hardiment con tre des maraux qui ne tiennent pas élégant ce qui n’est point escorché du Latinh et de l'italiensự” (Enfants, défendez votre mère de ceux qui veulent faire servante nhe demoiselle de bonne maison. Il y a des vocables qui sont francoys naturels, qui sentent le vieux, mais le libre et le francoys... Je vous recommande par testament que vous neê laissiez point perdre ces vieux termes, que les employiez et défendiez hardiment con tre des maraux qui ne tiennent pas élégant ce qui n’est point escorché du Latinh et de l'italien).

Nhờ có những người nhiệt thành giữ gìn bênh vực cho quốc âm như thế, nên quốc văn Pháp mới chóng độc lập. Có mấy người thật là có công với quốc văn hết sức cổ động chấn loát cho tiếng nước nhà thành văn chương. Ngày nay tên những người ấy không mấy ai nhớ đến nữa, sách của những người ấy cũng không còn lưu truyền rộng nữa, vì những người ấy làm văn viết sách vào giữa lúc tiếng chửa thành văn, chắc là mỗi ngày một cũ đi, đời sau không ai đọc đến nữa. Nhưng mà nhà sử học, nhà khảo cổ ngày nay xét đến công phu những người ấy, không thể không cảm phục, không thể không suy tôn là những người có công phá gai góc, dọn đường lối cho người sau tiến lên, có những người ấy mở đường đi trước mới có người sau theo lối tiến lên. Tuy công ấy là một cái công “bạc chủ” (travail ingrat), hậu thế thường quên đi, không biết đến (mal recongneu de la postérite), mà sánh với công người sau còn khó nhọc và to tát biết bao nhiêu! Ngoài Ronsard là thuộc và thi xã Pléiade vừa mới nói, nên nhớ tên Henri Pasquier, Henri Estienne và thứ nhất là Amyot là mấy người đã có công giúp vào việc tạo thành ra văn chương Pháp.

Henri Pasquier thường trách những bọn học thức đương thời chỉ biết trọng chữ Latinh, cho "tiếng Nôm là hèn, không đủ chịu dựng được những tư tưởng cao thượng, chỉ đủ cung cho việc nhật dụng thường đàm mà thôi, và trong bụng có hoài bão cái gì tốt đẹp, thời tất phải mượn đến chữ Latinh mới nói ra được" (Vous croyez que notre langage est trop bas pour recevoir de nobles inventions, ainsi seulement destiné pour le commerce de nos affaires domestiques, maie que si nous couvons rien de beau dedans nos poitrines, il le faut exprimer en Latinh). Ông cũng biết rằng tiếng Pháp hồi bấy giờ mà đem sánh với tiếng La Mã tiếng Hy Lạp thời còn kém xa nhiều thật. Nhưng mà "đất tốt mà không cày cấy không thành hoa quả được, tiếng nói không tập luyện không trở lên hay được" (Toute terre ors que grasse ne rapporte au cun fruit; aussi nefait une langue si che n'est cultivée). "Vậy thời phải nên học tiếng Hy Lạp tiếng La Mã để mà lấy cái tinh túy trong các sách Platon, sách Anstote, chớ không nên biện nạn về từng câu từng cho một; ý ông không phải là muốn bài trừ hẳn tiếng Hy Lạp tiếng La Mã đi đâu; ông muốn rằng lúc nào cần dùng đến cứ việc mà nhờ mà mượn hai thứ tiếng ấy; nhưng mà nhờ mượn được cái gì phải đem mà truyền cho người mình hơn là truyền cho người ngoài" (Etudions le grec et le Latinh pour tirer la moèlle qui est ès oeuvres de Platon ou d’Aristote, et non pour discourir sur le dialecte d’un moi. Mon opinion ne fut onc d'exterminer de nous ni le grec ni le Latinh; je veux que nous nous aidions de l’un et de l’autre, se lon que les occasions nous admonesteront de ce faice; mais je prétends que le prort du; en viendra son communiqué aux nostres plustost qu’aux estragers).

Henri Estienne lại nhiệt thành với quốc âm lắm nữa. Ông là một tay bác học, thật là giỏi về tiếng Hy Lạp và tiếng La Mã. Ông có làm một cuốn sách bằng tiếng Latinh nói về tinh hoa của tiếng Hy Lạp (Thesaurus liguae Graecae), vậy mà ông không từng say đắm về hai thứ chữ ấy đến nỗi nhãng bỏ tiếng nước nhà. Đồng thời ông lại làm một bài đại luận về "Cái giá đặc biệt của tiếng Pháp" (Précellence du langage francais), trong bài ấy ông quyết rằng tiếng Pháp không những không kém gì tiếng ngựa, tiếng Tây Ban Nha, mà sánh với tiếng Latinh tiếng Hy Lạp cũng không kém mấy. Ông nói rằng: "Tiếng ta cần đến gì có nấy, lại những sự không cần đến cũng có, và sự cần đến thời có nhiều thứ có thể thay đổi được, như thế thời tiếng ta có thể cho là một thứ tiếng giàu được, (Nostre langue peut estre estimée riche si elle a ce qui lui est nécessaire, et si elle a encore des choses desquelles che se pourroit passer, et si des nécessaires che en a réchange). Ông bèn so sánh nhiều tiếng Pháp với tiếng Hy Lạp thời thấy có tiếng Pháp rộng nghĩa hơn tiếng Hy Lạp thật.

Nhưng mà có công nhất là những nhà dịch thuật.

Phàm một thứ tiếng hãy còn non nớt cần phải đem ra đối chiếu với một thứ tiếng lão luyện hơn, thời nó mới thành sắc sảo mềm mại ra. Lúc quốc văn mới nhóm thành, việc dịch sách là việc có ích lắm, vì có đem tiếng nói mình chọi với tiếng người ta thời mới biết rằng mình thiếu những gì, mình có những gì, thiếu đâu bổ cứu đấy, có gì phát biểu ra, và tư tưởng của mình, văn từ của mình nhờ đó được phong phú thêm lên. Người dịch sách nhiều khi không cần phải đặt ra tiếng mới, mà chỉ phải luyện những tiếng cũ, làm cho nó thêm ý thêm nghĩa ra, khéo dùng khéo đặt cho nó có những cái vần điệu mới lạ. Như tiếng Pháp thời bấy giờ thời còn khuyết điểm những gì? Montaigne nói rằng: “Tôi cho tiếng Pháp là cũng đủ dùng, nhưng mà không được mềm mại mạnh mẽ. Thường thường không đủ sức mang nổi một cái tư tưởng mạnh. Nếu ta căng cho hết sức thời thấy nó núng, nó lún ngay, và tất phải gọi tiếng Latinh hay tiếng Hy Lạp đến cấp cứu”, (Je trouve notre langue suffisamment abondant, mais non pas maniant et vigoureux suffisamment. Il succombe ordinairement à une puissante conception. Si vous állez tendu, vous sentez souvent qua languit soubs vous et fleschit, et qu’à son deffaut le Latinh se présente au secours et le grec à d'autres. - Montaigne).

Đó chính là tình cảnh tiếng Việt Nam mình bây giờ đó. Tiếng Việt Nam không phải là nghèo nàn gì, chỉ vì không năng tập nên còn cứng cỏi sống sượng, bây giờ phải làm thế nào cho mềm mại mạnh mẽ thêm lên. Việc đó là việc thứ nhất của các nhà dịch sách. Bây giờ ta cần phải dịch sách của người nhiều hơn là làm ra sách mới.

Về khoảng thế kỉ thứ 15-16, những nhà dịch sách ở nước Pháp cũng nhiều, mà trứ danh nhất là Amyot. Ông dịch ra tiếng Pháp bộ sách Danh nhân liệt truyện của văn sĩ Hy Lạp Plutarque, dịch hay lắm, lời lẽ chải chuốt trơn tru, dễ đọc dễ hiểu, người đương thời lấy làm thích lắm và tới ngày nay đọc cũng còn hay. Henri Estienne đã khen ông rằng: "Ông cứ tự nhiên mà thụ hấp được hết những cái tinh hoa trong quốc âm ta" (Il avoit sucé sans affection tout ce qui estoit de beau et de doulx en nostre langue). Montaigne cũng khen mấy câu cực tán rằng: "Bọn ta ngu dốt, nếu không có sách ấy cứu vớt ta ở trong đống bùn lầy thời ta nguy mất. Nhờ có sách ấy mà ngày nay ta mới biết nói biết viết; các bà bây giờ lại hay chữ hơn các thầy đồ; sách ấy là kinh nhật tụng của ta" (Nous autres ignorons estions perdus, si ce livre ne nous eust relevé du bourbier. Sa mercy (c'est-à-dire grâce à lui) nous osons à cett'heure et parler et escrite; les dames en régentent les maistre d'escole; c'est notre bréviaire).

Nếu ta so sánh cái trình độ văn học nước ta với nước Pháp thời có lẽ trình độ ta chính là đối với trình độ nước Pháp vào khoảng thế kỉ thứ mười lăm mười sáu này. Hoặc sau này có ai làm bộ: “Việt Nam Văn học sử , thời đứng vào cái địa vị như Amyot ở nước ta có thể cho là ông Cử Phan Kế Bính tưởng cũng được, và sách Nam hải dị nhân của ông dịch ở chữ Nho cũng có thể sánh xa với sách Danh nhân liệt truyện của Amyot dịch ở Hy Lạp. Nhưng mà văn chương Pháp tự Amyot đến giờ tiến bộ đã bao nhiêu, mà văn chương ta ngày nay mới vào trình độ nước Pháp về Amyot mà thôi? Thành ra ta chậm kém nước Pháp hơn ba trăm năm về đường văn học, biết bao giờ cho theo đuổi kịp người? Lo thay! Song có công mài sắt, có ngày nên kim. Cứ xem văn quốc ngữ trong khoảng mươi năm nay đã tấn tới lắm, nếu ta gia công tập luyện thời mong rằng chẳng mấy nỗi tiếng ta cũng có thể trở thành một nền văn chương xứng đáng, tuy chưa sánh bằng văn chương Pháp được, nhưng cũng đủ dùng trong một nước với nhau.

Tôi nói về cội rễ văn chương Pháp hơi tường tận như thế, là có ý muốn so sánh với văn ta tiếng ta, cái tình trạng hai đàng cũng hơi giống nhau. Tiếng Pháp hồi bấy giờ mới thoát li ở Latinh ra, cũng như tiếng ta đương bấy giờ mới thoát li ở chỗ Nho ra. Các nhà làm văn Pháp bấy giờ khổ vì nỗi thiếu chữ dùng, thường phải mượn chữ Latinh mà hóa ra tiếng thổ âm, cũng như các nhà làm văn ta bấy giờ cũng khổ về nỗi tiếng Việt Nam còn khuyết phạp, cần phải mượn chữ Nho mà đọc ra Nam âm. Người Pháp bấy giờ có người sính dùng chữ Latinh quá, lại có người phản đối chỉ muốn dùng toàn tiếng thổ âm Pháp mà thôi, cũng chẳng khác gì ở nước ta bấy giờ có người ưa dùng chữ Nho nhiều, lại có người phản đối muốn hạn chế chữ Nho lại. Cứ xét những lời nghị luận của các bậc văn sĩ Pháp đời bấy giờ mà tôi mới thuật vừa rồi, thời biết rằng phải nên khéo chiết trung là hơn cả; không nên lạm dụng chữ ngoài, cũng không nên bài trừ hẳn chữ ngoài, phải nên tìm kiếm thu nhặt lấy hết cả những tiếng gốc của mình, hễ bao giờ tiếng mình không đủ, bấy giờ hẵng nên mượn của ngoài, hoặc đặt chữ mới, nhưng dù mượn dù đặt phải nên cẩn thận, chọn khéo thế nào cho được những tiếng lịch sự điển nhã mà lại dễ hiểu dễ nghe.

Như thế thời khảo về cỗi rễ văn chương Pháp thật cũng có ích cho quốc văn ta nhiều lắm. Bởi vậy nên tôi muốn nói tường để các ngài rõ về lúc văn chương Pháp mới thành lập cái trình trạng cũng không khác gì văn chương ta ngày nay.

Thế kỉ thứ 16 là thế kỉ tiếng Pháp thành văn chương hẳn. Về vận văn thời có mấy tay Villon, Marot, Du Bellay và Ronsard là những người trứ danh hơn cả. Nhưng mà thi ca của các nhà ấy toàn là lối đạo tình tả cảnh, nghĩa là những bài ngâm vịnh chơi, chưa có nghĩa lí sâu xa gì. Duy có tản văn về đời này thời tiến bộ lắm. Trước kia những sách đứng đắn toàn viết bằng chữ Latinh cả. Nay mới bắt đầu làm sách bằng chữ Pháp. Calvin (1509-1564) là người trước nhất dùng chữ Pháp để nghị luận về tôn giáo triết lý. Ông trước theo đạo Giato cựu giáo, sau bỏ mà xướng ra đạo Cải lương tân giáo ở nước Pháp, cũng là một tay triết học cứng. Ông có làm một bộ sách đề là Chế độ đạo Thiên chúa (Institution chrétienne), sách này diễn giải phân minh, nghị luận phép tắc, thật là một cái mẫu văn triết lý về đời bấy giờ. - Một người nữa cũng có công to với tản văn về đời ấy là Rabelais (1483-1553). Ông cổ học thâm thúy lắm, văn chương Hy Lạp, La Mã ông rất thông tường. Vậy mà ông lại riêng thích về quốc văn, ông làm ra hai bộ tiểu thuyết khôi hài tên là Gargantua và Pantagruel, trong đó ông dùng rất nhiều những tiếng thổ âm, cùng là phương ngôn tục ngữ và những chữ khéo bắt chước ở Hy Lạp, La Mã ra, người đời sau coi sách ông là một cái kho chữ về đời bấy giờ. Một cái kho chữ mà lại là một cái túi khôn nữa, vì lối văn ông tuy là lối khôi hài, toàn thị là bông lơn bỡn cợt cả, mà ngu trong có nhiều những tư tưởng thâm trầm, cùng những ý kiến sâu sắc về chính trị, giáo dục, văn chương, v.v…

Nhưng mà nhà làm sách có công nhất cho quốc văn Pháp về thế kỉ thứ 16, quyết là Montaigne (1533- 1592), không những trứ danh về đương thời, mà lại ảnh hưởng về hậu thế sâu xa lắm. Ông làm một bộ sách đặt tên là Cảo luận (Essais), là những bài luận thuyết nho nhỏ chép theo lối văn "tùy bút", trong chỉ thuần nói về ông, mà thực là một bức tranh tả hết cả nhân tình thế thái, tả một cách khốc liệt, dẫu người đời nào nước nào xem cũng có thú vị. Văn chương trong sách ấy là một lối văn chương rất tự nhiên, chính ông đã giải lối văn ông như thế này: "Cái lối văn tôi ưa ấy là một lối văn giản dị thật thà, nói ngoài miệng thế nào thời viết trên giấy như thế, lời văn súc tích mà lanh lẹ, vắn tắt mà chặt chẽ, không phải là mĩ miều chải chuốt, nhưng mạnh bạo đường đột..." (Le parler que j`aime, c'est un parler simple et naif tel sur le papier qu’à la bouche: un parler succulent et nerveux, court et serré, non tant délicat et peigné que véhement et brusque). - Còn chủ nghĩa của ông là cái chủ nghĩa hoài nghi, ông đã tóm lại một câu: "Que sais-je?” nghĩa là "Tôi có biết gì không?", ông không chắc là ông đã biết gì, nên ông không dám quả quyết sự gì, không dám tự phụ dạy ai làm ra sách chỉ biết nói về mình thôi, nhưng mà nói một cách thâm thiết sáng suốt đến nỗi thành như một cái gương phản chiếu cả tâm tính của loài người. Ông ví lẽ phải ở đời như "một cái lọ có hai quai, muốn sách quai bên tả hay xách quai bên hữu cũng được" (la raison est un pót à deux anses qu’on peut saisir à gauche ou à dextre), và ông cho người ta là một giống "uyển chuyển phiền phức" (un être ondoyant et divers).

Như vậy thời ở đời biết thế nào là phải, và làm người ai có dám lên mặt dạy ai? Bởi thế nên trong sách ông, ông chỉ nói về ông, ông thường dặn người đọc sách rằng: "Sách này không phải là đạo của tôi định truyền bá cho người, sách này là một bài tôi khảo cứu về tôi mà thôi" (Ce n'est pas ici ma doctrine, c'est mon estude); khi nào ông bày một cái ý kiến gì, thời ông nói rằng: "Tôi bày cái ý kiến này không phải là lấy làm tốt muốn người ta theo, chỉ lấy làm ý kiến riêng của tôi" (Je don ne cet avis non comme bon, mais comme mien). Trong sách ông đã nói rõ cái chủ ý ông như thế này: "Đã mấy năm nay, tôi chỉ lấy tôi làm mục đích cho sự tư tưởng của tôi, tôi chỉ kiểm soát, chỉ nghiên cứu một mình tôi. Hoặc có nghiên cứu sự khác, cũng là để ứng dụng vào tôi, để sáp nhập vào tôi. Người ta học được cái gì thường đem ra công bố cho kẻ khác biết, và nhiều khi cũng có sự không lấy gì làm ích lợi lắm; nay tôi cũng muốn nghiên cứu được sự gì về tôi đem ra nói chuyện với người ngoài, tưởng cũng không phải là không nên, tuy về phần riêng tôi thời tôi chưa lấy sự tấn tới của tôi làm mãn nguyện cho lắm. Không có sự học gì khó bằng học cái bản thân mình, và cũng không có sự học gì có ích lợi hơn. Vì đã nói đến mình thời phải sửa mình luôn, như người có trang sức vào mình, rồi mới dám đi ra ngoài. Tôi sửa mình tôi luôn, vì tôi nói đến tôi luôn... Tôi thường tả những tư tưởng tình ý của tôi, thật là một vấn đề hỗn độn không thể làm thành sách hay được". (Je peins principalement mes cogitations, subjéct informe qui ne peut tomber en production ouvragère)... Tôi giãi bày tấm lòng tôi cho thiên hạ biết, khác nào như một bức tranh vẽ thân thể người, nhìn một lượt thời biết đâu là mạch máu, đâu là bắp thịt, đâu là đường gân, phần nào ở vào chỗ nấy; lại khi ho lên thời nó kích động thế nào, khi sợ hãi, khi thổn thức thời nó biến sắc làm sao. Nói tóm lại, sách này không phải là tôi kể về công việc sự nghiệp của tôi, tôi chỉ nói về tôi, về cái bản tâm, bản tính của tôi mà thôi…"

Các ngài nghe có phải lời lẽ thật thà và thiết thực biết bao nhiêu. Thật không có gì là văn chương, như lối văn chương của người mình. Ví nhà làm sách nào cũng có cái chí khảo cứu về mình một cách thành thực như thế, đừng đem những giọng ba hoa mà huyễn diệu người đời, thời tôi tưởng lòng người không còn chút gì là u ẩn nữa, và khoa tâm lí học về người ta tiến bộ biết bao nhiêu. Các ngài lại thử nghe ông tả về hình thể và tâm tính ông:

"Khổ người tôi thấp kém trung bình một chút…"

Dáng tôi nặng nề to mạnh, mặt không phì mập, nhưng đầy đặn; tính khí thời không vui vẻ cũng không buồn rầu, không hăng hái nóng nẩy lắm. Sức tôi mạnh, mỗi tuổi một khỏe không hay có bệnh tật. Nay tôi đã ngoại tứ tuần, chưa lấy gì làm già... Nhưng mà từ nay về sau thời không biết thế nào; từ nay về sau có lẽ tôi chỉ là một "nửa tôi" mà thôi, tôi không phải là tôi nữa, vì mỗi ngày tôi một khác đi, mỗi ngày tôi một suy đi… Tài khéo tôi không có một chút gì... Đàn hát, tôi dốt quá, học đánh đàn không biết đánh, học hát không có giọng. Nghề nhảy, nghề múa, phép thể thao, tôi cũng gọi là biết hơi hơi mà thôi; còn như múa gươm, lội nước v.v. thời tịnh không biết. Tay tôi thời cứng cỏi vụng về, viết xấu, có khi viết rồi mà chính mình đọc lại cũng không được Tôi viết cái thơ cho ai, nhiều khi đến chỗ kết không biết viết thế nào… Nói tóm lại thời hình thể tôi với tư chất tôi cũng là tầm thường cả. Không có gì là linh lợi; chỉ được cái vững vàng chắc chắn. Tôi có cái tính chịu khó, nhưng cái gì tự mình có thích, có muốn thời mới chịu khó được… Nếu không có hứng, không được tùy ý tự do thời chẳng làm nên công chuyện gì cả; vì cái tính tôi thế, trừ sự sống với sức khỏe, ở đời không có cái gì là tôi muốn để lụy đến tôi, không có cái gì là tôi phải chịu uốn mình nhọc trí để cầu cho được... Tính tôi chỉ ưa nhất là nhàn tản, tự do. Bắt tôi bận bịu đến cái gì thời như giết tôi không bằng" (Je presteray aussi volontiers mon sang que mon soing) (câu này không thể dịch cho đúng được) .

Đó là tư cách thuộc về thân thể; kể đến tư cách thuộc về tinh thần thời ông nói rằng: "Sách của tôi làm ra, tôi thật không lấy gì làm bằng lòng; mỗi lần tôi sửa lại lại chỉ thêm phiền lòng... Cái ý tưởng ở trong não tôi bao giờ cũng tốt đẹp hơn là khi đem phô diễn nó ra ngoài, mà không thể nào nắm lấy nó, bắt lấy nó được. Lời lẽ văn chương của tôi thô bỉ lắm; không có gì là bóng bẩy, là đẹp đẽ cả. Tôi nói cái gì thời cứ nói chân chân ra như thế, không biết thêm thắt vào cho nó hoa mĩ ra: cái chất thế nào cứ thế, không có nhờ văn tôi mà tốt đẹp được thêm ra. Bởi thế nên tôi cần phải có cái chất mạnh mẽ, để cho tự nó nổi giá trị, không phải nhờ đến văn tôi... Nói rút lại thời văn tôi không phải là lối văn trơn tru trôi chảy; văn tôi nó lổng chổng, nó tự do, nó phóng túng. Mà tôi lại thích như thế. Không phải rằng tôi lấy thế làm hay, nhưng vì tính tôi như thế, vân vân."

Ấy đại khái sách Montaigne đều một giọng tự nhiên mà thiết thực như thế. Trong sách ông bàn không thiếu chuyện gì, mà ông chỉ lấy ông làm đích. Đọc sách “Cảo luận"' của ông tựa hồ như ngồi nghe chuyện một người khôn ngoan dí dỏm, lời nói bình dị tự nhiên, không có khoa trương kiểu sức gì. Câu chuyện bao giờ cũng vui cũng thú. Tôi dám khuyên các ngài thỉnh thoảng nên ngồi mà nghe chuyện ông Tây - Nho đã bốn trăm năm đó, thật có bổ ích cho đạo sửa mình, và nếu khéo biết nghe chuyện thời cũng có thể khôn người ra được.
Tôi nói tường về Montaigne, ví ông vào hạng mấy nhà văn đứng đầu của nước Pháp, hồi văn chương Pháp mới thành lập, và sách ông tuy đã cũ nhưng có một cái giá trị riêng, dẫu bao giờ đọc cũng vẫn hay.

Nói tóm lại thời trước thế kỉ thứ 15 là buổi văn chương Pháp còn mới phôi thai, tự thế kỉ thứ 15 đến cuối thế kỉ thứ 16 là buổi đương lớn lên, tức là tuổi thanh niên của văn chương Pháp. Bấy giờ có cái khí vị hoạt bát, khinh khiêu, tự do, phóng khoáng, và sản ra những tay văn sĩ như Rabelais, như Montaigne.

Qua sang thế kỉ thứ 17 thời là vào tuổi trưởng thành, như người ta càng lớn lên thời người càng chín chắn, bớt cái tính khinh khiêu thuở nhỏ mà ra cái thái độ nghiêm trang của người trưởng giả. Văn chương Pháp đến thể kỉ thứ 17 là vào tuần đứng bóng, nghĩa là đương lúc toàn thịnh.

Thế kỉ thứ 17, trong văn học sử Pháp thường gọi là "thế kỉ vua Louis thập tứ" (Siècle de Louis XIV), vì cái thời kì văn học, nghệ thuật toàn thịnh trong đời ấy là quãng vua Louis thập tứ trị vì trong nước, hết sức chấn hưng văn nghệ, nghĩa là chỉ một khoảng vài mươi năm từ 1660 đến 1680. Trong lịch sử thế giới không có một quãng đời nào ngắn như thế mà xuất hiện được nhiều những bậc thiên tài về văn chương như vậy. Mấy chục năm về trước tựa hồ như là dọn đường sẵn cho các bậc gây ra, và mấy chục năm về sau tựa hồ như còn phảng phất cái hương thừa để lại.

Nhà phê bình văn học có tiếng, Sainte Beuve, đã hình dung thế kỉ vua Louis thập tứ như sau này: "Représentonsnous un large fleuve au cours lent et presque insensible, un pont sur ce fleuve, et sur les parapets de ce pont quelques admirables statues. Ce sont celles de Pascal, de Bossuet, de Molière, de la Fontaine, de Racine, de Boileau, ce pont, c’est le siècle de Louis XIV; et sous ce pont ce fleuve qui va lentement, mais surement, de sa source à son embouchure, c’est lesprit du 16è siècle qui deviendra celui du 18è, plus riche seulement dans sa composition d’un peu de tous les terrains qu’il aura successivement baignés". Nghĩa là: "Ta thử tưởng tượng một con sông rộng, nước chảy thong thả từ từ, trên con sông ấy có một cái cầu, hai bên bao lơn cầu ấy có mấy pho tượng tuyệt đẹp, là tượng Pascal, Bossuet, Molière, La Fontaine, Racine, Boileau. Cái cầu ấy là thời đại vua Louis thập tứ: dưới cầu ấy, con sông chảy thong thả từ từ đó là cái tinh thần của thế kỉ thứ 16, sau này sẽ truyền cho thế kỉ thứ 18, và mỗi ngày cái chất nước như một giàu thêm ra, vì đã cuốn được thêm những đất phù sa của các nơi kinh qua".

Mấy pho tượng tuyệt đẹp đó, chắc các ngài đã biết tiếng cả rồi, và nhiều ngài chắc đã được trông được ngắm kĩ. Ai đã học chữ Pháp mà lại không từng đọc qua văn của Pascal, Bossuet, Molière, La Fontaine, Racine, Boileau. Tôi chỉ tiếc rằng trong một bài diễn thuyết không thể nói được tường về mỗi nhà cho các ngài rõ cái giá trị văn chương của mỗi người thế nào. Lại bàn về văn chương của các nhà ấy mà không trích dịch của mỗi nhà mấy đoạn văn hay bình đọc lên để cùng thưởng thức thời cũng là vô vị thật. Song bài diễn thuyết này đã dài rồi, nếu làm như thế thời cả đêm cũng không hết được. Vả lại chủ ý tôi trong bài này là chỉ muốn lược thuật lịch sử văn chương của nước Pháp, không định bình luận về văn chương của mỗi nhà. Để một lần sau, rộng thì giờ hơn, tôi sẽ cùng các ngài đem những văn chương hay của các nhà mà bình luận, làm như một cuộc bình văn, bấy giờ mới có thể nói tường được. Bây giờ thời chỉ xin lược kể tên các danh văn nước Pháp, và nói qua tính cách riêng của mỗi nhà, cùng khuynh hướng chung của mỗi thời đại thế nào. Đọc cái sổ những tên người như thế, chắc các ngài nghe không khỏi lấy làm chán, song cũng xin lượng cho. vì thời giờ có hạn, và văn chương Pháp thời phong phú vô cùng, không thể trong một vài giờ đồng hồ nói sao cho hết được.
Đầu thế kỉ thứ 17, trước thời đại vua Louis thập tứ, đã xuất hiện ra hai bậc văn sĩ đại tài, là Descartes và Corneille. Gọi Descartes là một văn sĩ thời khí hẹp mất cái địa vị của ông đi, vì ông chính là một nhà triết học, mà là tổ triết học nước Pháp đời nay. Song đây là bàn về văn học thời ta chỉ xét văn chương của ông mà thôi, văn chương của ông là văn chương triết lý, lời văn rắn rỏi, nghị luận chặt chẽ, phô tự rõ ràng, kỉ thuật rành rẽ. Văn xuôi Pháp đến ông là tuyệt bút. Ông làm sáng Phương pháp luận (Discours de la Méthode), năm trước tôi đã thử dịch mấy thiên đầu trong Nam Phong Tạp chí. Sách này là dạy người ta cái phương pháp nên sai khiến sự tư tưởng thế nào cho khỏi sai lầm và được hợp lẽ. Sách này không những là một áng văn chương hay, lại là một bộ sách gốc về triết học.

Corneille thời là tổ nghề diễn kịch ở nước Pháp.

Ông chuyên trị về lối bi kịch (tragédie). Bài tuồng Le Cid của ông xuất bản năm 1632 thật là biến cách hẳn nghề kịch từ xưa đến nay. Bài này tôi cũng đã thử dịch trong Nam Phong, nhưng tự biết rằng tiếng ta còn non nớt lắm, không thể nào diễn được hết cái tinh thần của nguyên văn. Đại ý các bài tuồng của ông là tả những cái thủ đoạn anh hùng của các bậc siêu quần bạt chúng và thường là tả tình dục phản đối với nghĩa vụ, mà sau nghĩa vụ thắng đoạt được. Các bài tuồng của ông có thể cho là những bài dạy đạo đức rất cao thượng.
Racine ra sau Corneille cũng sở trường về lối bi kịch. Có người thích Racine hơn Corneille, vì văn chương ông không hùng hồn bằng văn Corneille nhưng dịu dàng, êm ái hơn và ông tả về nhân tình thế thái một cách rất sâu sắc. Những bài tả về ái tình, lấy ái tình là một dục tình rất mãnh liệt, không gì ngăn cấm được, như bài Phèdre, các nhà phê bình cho là văn chương tuyệt bút. Racine không có dạy đạo đức cho người ta, nhưng ông thuộc tâm lí người ta không ai bằng. Đọc những bài bi kịch của ông cũng có thể khôn người ra được.

Các bài kịch của Corneille, Racine là lấy những tích trong truyện cổ Hy Lạp, La.Mã; mà kết cấu thành kịch bản, cách kết cấu khéo mà lời văn chương hay, nhưng biệt ra một lối riêng, Tây gọi là bi kịch mà ta có thể gọi là "tuồng" được. Đến lối hí kịch (comédie), tức là lối "chèo", thời Mohère là tuyệt luân. Hí kịch của Molière thế nào, tôi không cần phải nói các ngài đã biết rồi. Ông Nguyễn Văn Vĩnh năm xưa đã dịch mấy bài như Bệnh tưởng (Le malade imaginaire), Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois genti-homme), ra quốc âm khéo lắm. Lối chèo của Molière là chủ ý phô bày để giễu cợt những thói rởm tính khờ của người đời, xem diễn ra buồn cười lắm mà ý vị thật là chua cay vô cùng. Cổ kim Đông-tây tưởng không có một nhà soạn hí kịch nào thần tình như thế.

La Fontaine thời trứ danh về tập thơ Ngụ ngôn (Fables). Tuy gọi là chuyện ngụ ngôn, thể văn tầm thường, ta hồ như thô thiển, mà thật là có ý nghĩa thâm trầm lắm, mượn súc vật để dạy người đời, người đời thật không khác gì giống vật, có khi không bằng giống vật cũng nên. Có người đã nói tập Ngụ ngôn của La Fontaine khác nào như một tập tranh nho nhỏ con con, xinh xinh xắn xắn, mà nhận kĩ có nét bút thần tình, vẽ được hết cả nhân tình thế thái. Tập Ngụ ngôn này, ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã dịch ra quốc âm khéo lắm, con trẻ người lớn đọc đều lấy làm thích. Nhưng văn chương Pháp về thế kỉ thứ 17 đắc lực nhất là được có hai bậc đại tài, tư tưởng cao kì, văn chương hùng tráng. Hai bậc ấy là Pascal và Boussuet. Mà lạ thay, hai bậc ấy không phải là những tay văn sĩ nhà nghề. Boussuet là một linh mục, vì chức phận phải đọc văn tế những bậc danh công cự khanh đời bấy giờ, lại vì chức phận phải giảng thuyết về nghĩa đạo cho các giáo đồ nghe; những bài văn tế, bài giảng đạo ấy, không chủ ý làm văn chương, mà văn chương tuyệt bút, nên được những giọng hùng hồn, thật không đời nào nước nào có một tay hùng biện sánh tầy. Người đương thời đã cực tán cụ gọi cụ là “con Phượng hoàng thành Meaux” (l’aigle de Meaux). - Đến Pascal mới lại kì nữa: tập sách hay nhất của ông là một mớ giấy lộn, những lúc ông băn khoăn buồn bực về nông nỗi ở đời, về thân phận làm người, về cái vận mệnh con người ta chìm đắm trong khoảng vũ trụ mênh mông, khi đêm khuya thanh vắng, cực chẳng đã, ông phải cầm bút viết để thổ lộ tư tưởng ra, bạ mảnh giấy nào viết vào mảnh giấy ấy, định để xem lại về sau, không có chí đem văn chương ra vấn thế, vậy mà đời sau tìm được những mảnh giấy ấy, chắp nhặt lại, thành một áng văn chương tuyệt tác, lời lời thâm thiết, văng vẳng xa xa, như tiếng hạc kêu trên mấy tầng trời lúc đêm khuya gió lạnh. Bây giờ mớ giấy lộn ấy còn giữ ở nhà "Đại Pháp đồ thư quán", trân trọng như một vật quốc bảo.

Boileau cũng là một người có công to với văn học Pháp về thế kỉ thứ 17. Ông chuyên trị về lối phê bình văn học, lời khen chê thật là đích đáng, đủ làm thằng mặc cho văn giới đời bấy giờ. Nhờ ông mà văn chương đời ấy được đứng mực như thế.

Cuối thế kỉ thứ 17, còn nhiều những tay văn sĩ có tài nữa, như bọn Fénelon, La Bruyère, Saint-simon, nhưng cái khí vận đời vua Louis XIV đã đến ngày suy và phong hội sắp mở ra một thời đại mới.

Nay tổng luận cả thế kỉ thứ 17, thời văn chương nước Pháp về thế kỉ này là đã đến tuyệt đỉnh đời sau dẫu có mỗi ngày một mở rộng ra mà không bao giờ lên cao được hơn thế nữa. Tiếng Pháp đời bấy giờ thật là hoàn toàn tốt đẹp, sánh với thế kỉ trước cách xa hẳn. Thành ra trong khoảng không đầy một trăm năm mà một thứ tiếng, hãy còn non nớt ngượng ngập trở thành nên một nền văn chương lão luyện. Đổi ấy văn chương không phải chỉ ở riêng trong sách các nhà làm văn; từ công văn của Nhà nước cho đến thư trát của nhà riêng cũng đều có văn chương cả. Đời sau đã có người nói khôi hài một câu rằng: "A cette époque la moindre femmelette en eut remontré à nos académiciens" (Courier). Nghĩa là: "Đời ấy mụ đàn bà tầm thường nào cũng làm văn hay hơn các ông Hàn lâm ta". Mà thật thế: hồi bấy giờ có một vị phu nhân là bà hầu tước De Sévigné ở xa con gái yêu, thường thường viết thư cho con, những thư ấy đời sau sưu tập lại cũng thành một nền văn chương có giá trị.

Qua thế kỉ thứ 17, đến thế kỉ thứ 18, rõ ra một cái cảnh tượng khác. Trong câu của Sainte-Beuve ví cái nguồn văn học Pháp như một con sông mà đời vua Louis thập tứ là cái cầu bắc qua sông, có nói rằng con sông ấy phát nguyên tự thế kỉ thứ 16 mà chảy thông ra thế kỉ thứ 18. Thế kỉ thứ 16 là đời văn học mới phát nguyên. Còn được hoàn toàn tự do, chưa phải theo vào khuôn phép quy củ gì cả, như con sông mới ở nguồn chảy ra, chảy lông bông không có gì ngăn cản; đến giữa thế kỉ thứ 17, thời văn chương bấy giờ mới định thể, có mấy tay văn hào thi hào xuất hiện làm mô phạm cho một thời, và hình như bắt văn chương phải theo một cái kiểu mẫu nhất định, kiểu mẫu trang nghiêm tráng lệ thật, nhưng vẫn là kiểu mẫu bắt buộc phải theo, cũng tức như cái cầu kia bắc qua trên dòng sông, cầu tuy đẹp thật mà không khỏi che án mất một khúc sông; ra khỏi gầm cầu thời dòng sông lại thung dung lấp loáng như trước. Cho nên nói rằng cái tinh thần thế kỉ thứ 18 chính là cái tinh thần thế kỉ thứ 16 trước truyền qua thế kỉ thứ 17 sang, nghĩa là cái tinh thần tự do, không chịu theo quy chế.
Muốn tổng quát cả văn học về thế kỉ thứ 18 thời có thể nói rằng thế kỉ này có bơn năm bậc đại văn hào và bơn năm cái lí tưởng lớn. Mấy bậc đại văn hào là Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau, Buffon. Mấy cái lí tưởng lớn là lí tưởng về tự do, về công lí; về tiến bộ, về xã hội, về khoa học, toàn là những lí tưởng mới mẻ cả và có ý phản đối với các lí tưởng về quân chủ, về đế chế của đời trước. Mấy bậc văn sĩ đó đem cái văn chương hùng hào để diễn những tư tưởng mới mẻ đó, ấy cả lịch sử văn học nước Pháp về thế kỉ thể 18 là thế. Văn chương đời này không được trang nghiêm khuôn phép như đời trước, mà tư tưởng thể dồi dào phong phú hơn nhiều. Những tư tưởng ấy truyền bá ra một cách rất mãnh liệt, làm điên đảo cả xã hội cũ và kết quả đến gây ra cuộc Đại Cách mệnh năm 1789, phá đổ chính thể chuyên chế của nhà vua mà gây dựng ra chính thể Cộng hòa của dân quốc.

Mấy văn hào đó ảnh hưởng ở nước Pháp đã to tát như thế, mà ảnh hưởng ra ngoài, ra các nước khác trong thế giới lại còn to rộng hơn nữa. Không nói xa xôi đâu, nói ngay nước Tàu là nước láng giềng ta đây: những người về tân đảng đi du học Âu châu, hấp thụ được những tư tưởng tự do dân chủ của các bậc ấy, về nước dịch thuật những sách vở của các bậc ấy ra chữ Nho, dần dần gây nên trong nước phong trào cách mệnh, sau đến phá đổ nhà Mãn Thanh mà đặt ra Trung Hoa dân quốc bây giờ. Coi đó thời biết phàm những tư tưởng chánh đại quang minh vẫn có sức mạnh bành trướng không biết đến đâu là cùng. Các sách của người Tàu dịch lọt sang cả nước Nam; ta thường nghe thấy nhiều ông Nho cũ và mấy nhà văn mới, khi làm văn khi nói chuyện, thường dẫn chứng những sách Vạn pháp tinh lí của Mạnh-đức-tư-cưu, sách Dân ước của Lư-thoa, cùng nhiều những câu văn câu sách của Phúc-lộc-đặc-nhĩ. Sách Vạn pháp tinh lí chính là L’Esprit des Lois, Mạnh-đức-tư-cưu chính là Montesquieu: sách Dân ước là Le Contrat Social, mà Lư-thoa là Rousseau; còn Phúc-lộc-đặc-nhĩ thời chính là Voltaire. Kì thay! Người Việt Nam ta học văn chương Pháp ngay tự nguồn mà những danh nhân của quí quốc phải qua chữ "nước người" mới sang tới ta, thay hình đổi dạng đi, đến tên người nghe cũng khó nhận, kể cũng lạ thật?

Trong mấy văn sĩ đó thời trứ danh nhất, mãnh liệt nhất là hai ông Voltaire và Rousseau. Voltaire làm sách vở rất nhiều, lối gì ông cũng hay cả, thơ, kịch, tiểu thuyết, triết lý, lịch sử, cho đến những thư trát của ông viết cho bạn bè mới lại càng hay nữa. Ông giao du với những bậc công hầu vua chúa đời bấy giờ thật nhiều. Ông có chơi thân với vua Frédéric nước Phổ, vua cảm phục ông lắm, thường có câu cực khen ông rằng: "Tôi ngờ rằng trên thế giới này không biết có ai là Voltaire không: tôi đã lập hẳn ra một lí thuyết để chứng rằng thật không có. Không, chắc là không có được: không có lẽ một mình Voltaire mà làm nổi được cái công trình trước tác vĩ đại như thế. Chắc là ở Cirey (là nơi biệt thự của Voltaire), có một tòa Hàn lâm họp những tay tài giỏi trong thiên hạ. Ở đấy có những tay triết học dịch sách Newton, có những tay thi hào làm ra những bài anh hùng ca, có những tay diễn kịch như Corneille, những tay làm thơ như Catulle, những tay chép sử như Thucydide, rồi sách vở của tòa Hàn lâm ấy khi xuất bản thời đề vào tên Voltaire, cũng như một đoàn quân đánh được trận là qui công cho ông nguyên súy." - Nghĩa là hết sức khen cái tài học vấn uyên bác, văn chương cao hùng của tiên sinh.

Cứ thực thời Voltaire cũng không có tư tưởng gì riêng, chẳng qua là gồm hết cả những từ tưởng của người đương thời mà diễn xuất ra văn chương. Cho nên có người đã nói rằng thế kỉ thứ 17 gọi là đời vua Louis XIV, thời thế kỉ thứ 18 cũng có thể gọi được là "thế kỉ của Voltaire" (siècle de Voltaire).

Đến Rousseau thời cũng là diễn những lí tưởng tự do dân chủ, mà diễn một cách mãnh liệt vô cùng, nên ảnh hưởng của hai ông lại sâu mạnh lắm nữa. Cổ kim tưởng không có nhà làm sách nào xung động cảm kích người ta một cách hào hùng như Rousseau; văn ông thật là cuồn cuộn mênh mông như trường giang đại hải, ai đọc cũng không thể cầm lòng cảm động được. Chủ nghĩa của ông là người ta tính vốn lành, chỉ vì xã hội làm hư người đi thôi; muốn cho người hay thời phải sửa lại xã hội; sửa lại xã hội thời phải bắt đầu sửa chính trị trước. Cái tư tưởng ấy một văn sĩ đời bấy giờ là Chamfort đã tóm lại một cách rất rõ ràng như thế này: Les fléaux physiques et les calamités de la nature ont rendu la société nécessaire, la socitété a ajóuté aux malheurs de la nature. Les inconvénients de la société ont amené la nécessité du gouvernement et le gouvernement ajóute aux malheurs de la sociéte. Voilà l'histoire de la nature humaine". Nghĩa là: “Người ta vì cực khổ về những nỗi thiên tai bệnh tật, nên phải lập thành xã hội. Xã hội lập ra làm thêm cái khổ thiên nhiên lên. Bởi xã hội bất tiện như thế, nên cần phải đặt ra chính trị, chính trị đặt ra lại làm thêm cái khổ của xã hội. Ấy lịch sử loài người là thế”. - Như thế thời chỉ có một cách, là phá hoại cả mà cải tạo lại. Cho nên cái chủ nghĩa của Rousseau mà diễn đến cực đoan thời chỉ gồm lại hai chữ “phá hoại” mà thôi Nhưng phá hoại đã vậy, cải tạo làm sao? khó thay?

Tổng luận về thế kỉ thứ 18, thời thế kỉ này là đời thịnh hành những tư tưởng về chính trị, về xã hội, và văn chương chẳng qua là để diễn những tư tưởng đó mà thôi; nhưng mà những tư tưởng đó mãnh liệt, nên văn chương cũng hùng hồn. Lối văn này là lối văn hoạt động, chớ không phải là văn chương thường nữa.

Đến thế kỉ thứ 19, là về cận đại rồi.

Trong khoảng 20 năm đầu, từ 1800 đến 1820, văn chương hình như có ý suy. Là bởi những lề lối cổ điển của văn chương thế kỉ thứ 17 đã thất truyền rồi, và những tư tưởng hùng hào của văn chương thế kỉ thứ 18 đã phai lạt hết, mà bấy giờ chưa có cái phong trào nào kế lên thay, nên làm các nhà văn không biết lấy gì làm phương châm, không biết lấy đâu làm phương hướng. Tuy vậy cũng xuất hiện được hai tay văn sĩ có tài, là Chateaubriand và De Stael phu nhân.

Chateaubriand dựng ra một lối văn chương tả cảnh tả tình hay lắm. Đại để các nhà văn trước hay nghiên cứu về nhân tâm thế sự và ít mô tả đến những cảnh vật thiên nhiên của trời đất cùng cảm tình của người ta đối với những cảnh vật ấy thế nào. Bắt đầu từ Rousseau đã manh nha ra lối văn chương đạo tình tả cảnh, nhưng đến Chateaubriand mới thật là thịnh hành. Cảnh ông tả là những cảnh nên thơ của tạo vật, tình ông tả là những tình sầu muộn của lòng người, nên văn chương ông có cái vẻ diễm lệ, mà lại có cái ý thiết tha, đọc véo von réo rắt lắm.

Bà De Stael thời giữ cái địa vị như một người môi giới đứng thâu thái những văn chương ngoại quốc, như văn chương nước Đức, văn chương nước Italia, để sáp nhập với văn chương Pháp. Trước kia thời các nhà làm văn Pháp chỉ biết những lối cổ văn của Hy Lạp, La Mã mà thôi, nhờ bà mà văn chương ngoài truyền bá vào trong nước, thêm tài liệu, thêm kiểu mẫu cho nhà làm văn.

Đến thời kì thứ nhì, từ năm 1820 đến năm 1848, thời văn chương đã thấy hưng thịnh lắm, chẳng kém gì các đời trước. Trong khoảng này thấy xuất hiện được bốn bậc thi nhân có tài: Lamartine, Musset, Vigny, và Hugo, mà trứ danh nhất là Victor Hugo.

Thơ Lamartine thời phảng phất êm đềm, mát mẻ, thanh thú, vần điệu êm như ru, vui như hát, không khác gì tiếng đàn, thật là có cái vẻ "trong như tiếng hạc bay qua". Thơ ông toàn là lối thơ đạo tình, nhã thú lắm.

Thơ Musset thời cũng là thơ đạo tình mà có vẻ dĩnh ngộ hơn. Ông thường ngâm vịnh về cái phong thú tuổi thiếu niên, cái lạc thú của ái tình.

Thơ Vigny lại ra một lối khác, là lối thơ triết lý, trầm trọng sâu xa, người thường đọc khó hiểu.

Nhưng mà trong bọn đó, tay cự phách quyết là Victor Hugo. Có lẽ không đời nào nước nào có một người làm thơ nhiều như ông: thật là một bậc thiên tài. Ông bắt đầu làm thơ từ 13, 14 tuổi, cho mãi đến ngoài 80 tuổi mới thôi. Trong khoảng đó, những hùng thiên kiệt tác cũng nhiều, nhưng cũng nhiều bài kém. Song ai cũng công nhận ông là một bậc thi hào hùng mạnh nhất cổ kim. Thơ ông đủ lôi, lối gì cũng hay, ông đã tự nói rằng: “Tôi đặt tấm lòng tôi ở giữa khoảng trời đất, để cho cái gì thoảng qua cũng hưởng động mà thành tiếng” (Mon âme mise au centre de tout comme un écho sonore). Sainte Beuve đã ví ông như một cái "thanh la" (une cymbale retentissante), hễ khua lên thì vang động cả một thuở. Thơ ông thật là nhiều chữ, đọc lên như những vàng ngọc loảng xoảng cả.

Nhưng Victor Hung trứ danh nhất là làm lãnh tụ một văn phái mới gọi là phái “lãng mạn” (l'école romantique). Vì tự thế kỉ thứ 19 này, văn học nước Pháp bắt đầu lập ra môn hộ, chia ra đảng phái, tranh giành nhau. Chủ nghĩa của phái lãng mạn là muốn phá đổ cả các khuôn phép qui củ về văn chương đời trước, mà đặt ra một lối văn chương tân kì. Như đời trước chỉ biết trọng các kiểu mẫu của Hy Lạp, La Mã, đời nay không bắt chước những kiểu ấy nữa, mà tự ý đặt ra kiểu mới; như đời trước cứ lấy sự nghiêm trang đứng đắn mới cho là hay là đẹp, không biết rằng trong sự hỗn độn láo nháo cũng có cái vẻ đẹp. Đời trước cứ lấy hiền nhân quân tử mới là người hay, không biết rằng kẻ loạn thần tặc tử cũng có cái hay, và thứ nhất là kẻ ngông cuồng lại có nhiều đặc sắc li kì, v.v… Một cái chủ nghĩa quá tự do như thế, không khỏi có nguy hiểm, vì cứ một nước đó mà đi thời đến không còn có trật tự gì nữa. Song đó chẳng qua là tư tưởng ngông nghênh của một thi nhân có tài mà thôi, chớ kì thực thời chủ nghĩa “lãng mạn” (lãng mạn tức là lông bông) không có đâu đến cực đoan như thế, chẳng qua chỉ là không muốn làm nô lệ cổ nhân, muốn đặt ra một lối văn chương mới để diễn tả ra những tình cảm mới.

Về văn xuôi thời trong thời kì này cũng có nhiều người trứ danh lắm. Như văn chép sử có Michelet, và văn tiểu thuyết thời có Balzac và bà George Sand. Hai người sau đó chính là hai tay sáng tạo ra lối tiểu thuyết đời nay.

Đến thời kì thứ 3 từ năm 1848 đến năm 1900 thời đã gần về đời ta rồi. Các nhà làm sách trong khoảng này nhiều lắm, nhưng mà phải để cho lâu năm mới rõ hẳn giá trị ra, bây giờ không thể phán đoán cho chắc bằng được. Cứ đại khái mà nói, thời những nhà trước tác về hồi này, về đường tư tưởng thời trọng chủ nghĩa khoa học, và về đường văn chương thời trọng chủ nghĩa tả thực. Hồi này là hồi các khoa học cách trí đương thịnh hành, đương biến hóa thế giới bằng điện khí hơi nước, người ta chỉ ưa sự thực dụng, chỉ tin sự thực nghiệm mà thôi. Văn chương cũng phải quay về đường thực, không thể bông lông như phái "lãng mạn" trên kia được. Nhân đó mà lập ra phái "tự nhiên" (l'école naturaliste), phái “tả thực” (l'école réaliste), chủ lấy văn chương mà diễn tả sự thực cho hệt như thực không có bịa đặt biến hóa gì cả. Phái này có Zola đứng đầu, thịnh hành được một hồi, rồi sau cũng làm quá mà thành ra hư hỏng; vì tả thực vẫn là hay, nhưng mà chỉ tả thực thôi, những sự thực xấu xa cũng đem ra mà diễn tả, thời thành ra một lối văn thô bỉ tục tằn, sao gọi là văn chương được. Kế phái "tả thực", lại xuất hiện ra nhiều môn phái nữa, như école symboliste, école parnassienne, v.v., hiệu cờ có nhiều mà tướng giỏi không có mấy. Văn chương Pháp thật là đương qua một buổi giao thời, chưa biết biến hóa ra đường nào vậy.

Trong thời kì này có hai nhà triết học kiêm văn học, ảnh hưởng về đương thời sâu xa lắm, và tới ngày nay vẫn hãy còn: là Taine và Renan. Hai ông tư tưởng khác nhau, tính cách khác nhau, nên văn chương cũng khác nhau. Taine thời tư tưởng khúc triết, nên văn chương cứng mạnh; Renan thời tư tưởng uyển chuyển, nên văn chương êm mềm; mỗi người hay ra một vẻ, nhưng đều là tay làm văn có tài cả. Những văn sĩ về sau phần nhiều là học trò của hai ông.
Qua đến thế kỉ thứ 20 này, thời đã là hiện thời rồi, văn chương thịnh suy, chửa có định hình, không thể bình luận cho đúng được. Nhưng cứ xem những sách thi văn xuất bản trong khoảng hai mươi năm nay thời biết rằng văn học vẫn thịnh. Có nhiều văn sĩ đã nổi tiếng trong thế giới, như Anatole France, Paul Bourget, Pierre Loti, là mấy nhà trứ danh hơn cả; mấy ông ấy vào văn đàn từ cuối thế kỉ trước, bây giờ đã có tuổi cả rồi, nên cái giá trị thế nào cũng đã lược biết: như văn Anatole France thời tự nhiên, bình dị, mà hay; có người nói văn ông như các cốc pha lê trong suốt mà gõ vào thời kêu lên như tiếng chuông; thật thế, ai đọc cũng phải lấy làm "khoái trá". - Văn Paul Bourget thời nhiều tư tưởng hơn và có ý thâm về đường tâm lí, khiến cho người ta ngẫm nghĩ nhiều về nhân tâm thế đạo. - Văn Loti mới lại tuyệt bút nữa, dùng những lời những chữ rất tầm thường mà khéo đặt làm sao khiến cho người ta đọc lên như đem mình vào trong cõi mộng. Ông đi du lịch khắp các nước trong hoàn cầu, mỗi nơi một cảnh, mỗi chỗ một thú, cảnh vật không đâu giống đâu, mà thấy tấm lòng mình bao giờ cũng chỉ bấy nhiêu nỗi sầu khổ buồn rầu, đem cái tâm cảnh đối với ngoại cảnh mới biết tạo vật là vô tình, bởi thế mà giọng văn ông có cái ý ngậm ngùi, than khóc, đọc lên não nuột vô cùng. Hiện bây giờ thời cứ theo các báo chí bên Tây bình phẩm văn chương Pháp có hai nhà trứ danh nhất: văn xuôi thời Henri Bergson, văn vần thời Bà Comtesse de Noailles. Bergson vốn là tay triết học, có người nói là một tay triết học sâu sắc nhất đời nay, văn chương ông là văn triết học, dẫu hay mà không phải là phổ thông ai đọc cũng được. Còn thơ của Bà De Noailles cũng có nhiều điệu mới, ý lạ, chắc là một bậc thi nhân biệt tài.

Tôi đã đưa các ngài đi du lịch qua một lượt trong rừng văn của nước Pháp. Trong khi đương đi, tôi chỉ lo sợ lạc đường; nay may cuộc du lịch đã được hoàn thành tôi cũng mừng rằng đã làm hết cái trách nhiệm người hướng đạo, và mong rằng các ngài cho cuộc du lịch này không đến nỗi là vô vị. Trong rừng văn nước Pháp, những cây to gỗ quý thiếu chi, tôi mới gọi là chỉ qua cho các ngài biết năm mười thứ mà thôi, còn ngoại giả những danh hoa dị thảo khác nhiều lắm, không thể nhất nhất chỉ dẫn cho hết được. Nhưng mà xem qua một lượt như thế, tôi tưởng các ngài cũng đã biết đại khái lịch sử văn học nước Pháp từ xưa đến nay tiến hóa thế nào.

Tôi có nói tường về hồi văn chương Pháp mới thành lập, nghĩa là vào khoảng thế kỉ thứ 15, 16, vì rằng tôi thấy cái tình trạng văn chương Pháp bấy giờ với văn chương ta ngày nay cũng có chỗ tương tự như nhau. Về thế kỉ thứ 15, 16 văn chương Pháp chửa định thể, cũng như văn quốc ngữ ta bây giờ; vậy mà đến thế kỉ sau, không đầy một trăm năm, được toàn thịnh như thế.

Như vậy thời đối với quốc văn ta cũng chớ nên thất vọng. Từ nay đến 20, 30 năm nữa, nếu thấy văn quốc ngữ không tấn tới, thời quả là tiếng Việt Nam mình vào cái địa vị đào thải rồi, không còn mong mỏi gì nữa. Bấy giờ chỉ nên ngậm đắng nuốt cay mà lại cắm đầu đi học mướn viết nhờ như xưa. Nhưng mà từ nay đến đấy, ta nên cố công cùng sức mà tập luyện cái tiếng quốc âm của ta, xem có thể thành quốc văn được không. Ta nên gắng sức mà noi theo cho bằng người.

(1921)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Triết học nước Pháp

    08/11/2014Henri Bergson - Phạm Quỳnh dịchCái tính hiếu triết học đó thực là tiêu biểu cho tính tình cao thượng của người Pháp, chỉ ưa những nghĩa lý công minh chính đại ở đời. Như vậy thì hồn nước Pháp với hồn triết học tất có thanh khí với nhau, không phải không.
  • Phạm Quỳnh: Ngọn gió Nam

    15/07/2009Đỗ Lai ThúyNam Phong (1917-1934) là một trong những tạp chí có công rất lớn trong việc cổ động cho văn học quốc ngữ, cho nền quốc học Việt Nam. Đặc biệt cho việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở kết hợp, dung hòa hai nền văn chương, học thuật, tư tưởng Đông – Tây. Các biên tập viên giữ các chuyên mục của tạp chí đều là những cây bút vững vàng, sắc sảo, nhạy bén với những vấn đề văn hóa, trong đó phải kể đến ông chủ bút là Phạm Quỳnh.
  • Descartes, tổ triết học nước Pháp

    07/07/2009Phạm QuỳnhTrong khi ta tư tưởng một sự gì, trí tuệ ta phải nghiền ngẫm cứu xét về sự ấy. Trí tuệ ta không phải là thường siêng năng sáng suốt, lại hay trễ nải biếng nhác và bị che lấp mờ ám. Vậy lắm khi chưa cứu xét tư tưởng ấy đến nơi đến chốn đã trình bày cho ta phán đoán. Nếu ta cũng lười biếng cẩu thả, nếu lòng ta lại thiên lệch nữa, thì phán đoán tất sai lầm, không khỏi được. Người đời thường lầm lẫn sai ngoa, đến điên đảo hắc bạch, lắm khi bởi ý chí nhu nhược, hơn là bởi trí tuệ hôn mê...
  • Khái luận về văn minh học thuật nước Pháp

    04/07/2009Phạm QuỳnhVăn minh học thuật một nước là tiêu biểu cho tinh thần nước ấy. Tinh thần ấy phát hiện ra nhiều cách, nhưng rút lại có mấy cái đặc tính nó phân biệt nước ấy với các nước khác, khiến cho nước ấy có một cái hình dạng riêng trong vạn quốc, một cái địa vị riêng trong thế giới.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Thơ Baudelaire

    03/06/2009Phạm QuỳnhThơ có hai phần: một là âm điệu, hai là tình tứ. Âm điệu là phần hình thức, tình tứ là phần tinh thần. Âm điệu tức là cách dùng chữ xếp vần, cho có âm hưởng tiết tấu để đọc cho êm tai vui miệng. Tiếng mỗi nước một khác thì âm điệu cũng không giống nhau, nên thi luật của nước nào là riêng cho nước ấy, không thể chuyển dịch sang tiếng nước khác được.
  • Simone de Beauvoir

    17/03/2009Lê HoaNgày 14 tháng 4 năm 1986, một người đàn bà từ giã cõi đời. Trong tang lễ của bà, người đàn ông từng có một thời yêu bà đã nói một câu có sức lan truyền sâu rộng tức thì: “Phụ nữ, các bà nợ bà ấy mọi thứ.” Hai mươi năm sau, ngày 13 tháng 7 năm 2006, chiếc cầu thứ 37 bắc qua sông Seine ở thủ đô Paris của nước Pháp, dành riêng cho người đi bộ, được khánh thành và mang tên người đàn bà đó: Simone de Beauvoir. Nước Pháp đã vinh danh người đàn bà Pháp vĩ đại nhất thế kỷ 20, và phụ nữ toàn thế giới lấy làm tự hào: Bà là người mẹ của phong trào phụ nữ hiện đại, tác giả quyển sách được coi là Kinh Thánh của phụ nữ: “Đệ nhị giới.”
  • xem toàn bộ