Văn thuyết

12:51 CH @ Thứ Ba - 09 Tháng Sáu, 2009

Văn là gì? Người đời nay thường hiểu văn là văn chương, mà không biết rằng tiên nho cho chữ văn một cái nghĩa rất rộng. Văn là cái vẻ thiên nhiên ở trong người, tự nó xuất hiện ra lời nói câu viết, không phải học mà làm được. Như thế thì phàm người có chí khí, có tư tưởng, có phẩm cách cao là những người có văn cả, nếu dụng tâm làm văn thì văn ấy mới thực là văn chương. Những người nhân cách tầm thường thì dẫu suốt đời học văn, văn chương ấy cũng vẫn là không có giá trị. Không những đông nho ta, tây nho cũng dạy như thế. Tây nho lấy văn để diễn đạt tư tưởng, người nào có tư tưởng tức làm được văn, người nào không có tư tưởng thì dẫu nói khéo đến đâu chẳng qua cũng là lời hư văn cả. Boileau trong sách “Thi pháp” đã có câu rằng: “Cái gì đã nghĩ kỹ thì diễn ra rõ ràng, mà những lời dùng để diễn cũng dễ tìm được ngay.” Như thế thì trước khi làm văn, trong bụng phải có tư tưởng gì, mà tư tưởng ấy phải là tư tưởng hay, đáng đem diễn ra cho người ngoài biết, bấy giờ mới hạ bút viết, nghĩ làm sao viết làm vậy, vụ cho lời mình tả được hết bụng mình, dẫu không định làm văn, cũng thành văn vậy. Lạ thay là lắm người không có gì đáng nói cũng làm văn, làm văn, để mà làm văn không phải là để diễn ý kiến gì, hạ bút xuống múa tay viết hết trang ấy sang trang khác, mà giá đem rút lại vị tất đã được mấy dòng, khác nào như nắm bọt bể mới trông thì tưởng là to, bóp lại mới biết không đầy nắm tay!

Ngày nay quốc văn đương phôi thai, nên kỵ nhất là cái lối văn “bọt bể” đó, mà cố phục lại cái tôn chỉ về nghề văn của tiền nhân đã xướng ra. Bài “Văn thuyết” dịch sau này của ông nho Tàu Tống Cảnh liêm bàn về tôn chỉ ấy rất tường, xem đấy đủ biết người đời xưa quan niệm về văn chương thâm thiết là dường nào, và cái tật hư văn thật không phải là di truyền tự cổ nhân, chính là cái tật những thời đại suy đồi vậy.

Tống tiên sinh, tên chữ là Cảnh Liêm, người nhà Minh ở đất Phố giang. Người rất thông minh, có ký lực mạnh, ngũ kinh thuộc làu làu. Nhà Nguyên ban cho chức Hàn lâm biên tu, từ không nhận. Ở núi Long môn làm sách hơn mười năm. Sau ra làm quan nhà Minh đến chức Hàn lâm học sĩ. Từ trẻ đến già, không một ngày nào dời đọc sách. Văn chương dồi dào phong phú, người đương thời suy tôn lắm. Soạn bộ Nguyên sử hai trăm mười quyển. Nhà Minh lúc mới đầu có sửa sang lại các chế độ trong nước, tiên sinh dự một phần to trong việc ấy.

...…….

Giảng minh được đạo lý mới gọi là văn, lập thành được giáo hóa mới gọi là văn, có thể giúp được phong tục, hóa được nhân dân mới gọi là văn; văn ấy là văn của ai? Văn của Thánh hiền vậy. Nhưng không phải là văn của thánh hiền, là đạo của thánh hiền sung tích ở trong, rõ rệt ra ngoài, lại hình ra lời nói, không cầu thành văn, mà tự nhiên ra văn vậy. Không cầu thành văn mà tự nhiên ra văn, thế mới thật là văn hay rất mực.

Văn cũng như nước với cây vậy. Khơi sông không lo dòng nước chảy không dài, chỉ sợ nguồn không được sâu; trồng cây không lo cành nhánh cây không rậm, chỉ lo gốc không được bền; vun gốc cho bền, khơi nguồn cho sâu thì tự nhiên dòng nước chảy dài, cành cây mọc rậm, ai hay giữ được. Thánh hiền nào có học làm văn bao giờ, chỉ vụt chốc mà phát ra, thốt nhiên mà viết ra, thế mà khắp thiên hạ những người học làm văn, không ai hơn được, vì là có gốc tốt, có nguồn sâu vậy. Hoặc có người kia nói rằng; “Tôi học làm văn mãi, tôi vẫn biết là không hay”. Ôi! văn có thể học được đâu, những người chỉ lấy cú điệu đọc sướng tai làm hay, ý nghĩa rất sâu sắc làm lạ, cố công cùng sức mà làm, cho đến chết mới thôi, giả sử có làm được nũa, cũng là một nghề mà thôi, huống hồ chửa chắc đã làm được vậy.

Thánh hiền không phải là không học, nhưng chỉ học những sự lớn lao, không học những điều lặt vặt; cùng khắp cả khoảng trời đất, xem xét cả lẽ âm dương, lại xa mãi dò xét đến trên nghìn năm, rộng mà tìm tòi khắp trong bốn bể, không điều gì là không học; không những thế mà thôi, lại ngoảnh xét lại mình mà xem cho thành thực, nuôi ở trong tâm mà muốn cho rõ ràng, so sánh với khi mà cầu cho hòa bình, suy ra làm đạo mà nghiệm cho có thường, chứa lại làm đức mà mong cho đến thành; đức mình hẳn đã thành rồi, mới xem lại thân mình, thì nghiễm nhiên có uy, hiển nhiên có nghi, tả hữu đều hợp lễ nhạc, vuông tròn đều trúng qui củ, đều là văn cả. Nghe lời nói ra, ôn hòa cung kính mà không hèn hạ, rõ ràng nghiêm lệ mà không cang cường, đại cương cho đến tiểu mục đều hợp phép luật mà nên văn chương, cũng đều là văn cả. Suy xét ra chính trị, điều gì cũng là văn; hiển chứng ra trong nhà, chốn nào cũng là văn; dẫu không cầu văn, nhưng văn có thể giấu được chăng? Ấy đó là văn của thánh hiền, sở dĩ làm phép tắc cả cho thiên hạ, mà truyền dạy dỗ cả đến đời sau vậy.

Nhưng người làm văn đời nay thì không thế, nào là dối dá để trì sính cái thân mình, mạo muội để chìm đắm cái tâm mình, quấy rối để trái ngược cái khí mình; đạo đức đã coi miệt như không, ngôn hành lại tơi bời rối rít, xử trong nhà thời lầm cả luân lý, làm việc quan thôi mất cả chính giáo, thế mà chỉ chuyên công những lời hư văn, để theo đòi với đời, thực là không biết nghĩ mà không xét đến gốc vậy.

Văn ở đâu mà phải ra vậy? Bởi tự tâm mà phát ra. Tâm ở đâu? Cốt ở thân mình vậy. Thân đã không sửa, mà chỉ muốn sửa cái lời, tâm đã không hòa mà chỉ muốn hòa cái tiếng, thế cũng như đánh cái âu sành, mà muốn cầu hợp với tiếng cung tiếng thương, thổi cái ống sậy mà muốn mong bằng nhạc Tiêu thiều của vua Ngu Thuấn, quyết không được vậy.

Sao không biết nghĩ, thánh hiền với ta có khác gì đâu, sao văn thánh hiền như thế kia, mà văn ta như thế này? Hay là tâm ta không bằng chăng? Khí ta không bằng chăng? Không phải, chỉ vì tâm với khí của ta không biết di dưỡng mà thôi. Tâm thánh hiền thì thấm nhuần với đạo đức, tẩm tưới bằng nhân nghĩa, đạo đức, nhân nghĩa đã súc tích, thời khí bởi đó cũng sung túc; khí đã sung túc, có lẽ nào văn lại không thịnh vượng được?

Người đời nay đã không được như thế, mà lại muốn văn minh giống như văn thánh hiền, quyết không thể nào được. Than ôi. Người đời nay sao hoặc lắm thay!

Thánh hiền học là học tự tâm cho đến thân, từ thân cho đến nhà, cũng nhiều việc lắm, nhưng chưa từng học văn trước bao giờ. Đời nay từ nhỏ đến lớn, chửa rồi được việc gì, mà chỉ chăm chỉ một đường học văn; lẽ ra văn đời nay hơn văn thánh hiền, thế mà lại không bằng, là tại cớ sao? Là vì không khơi trên nguồn, mà chỉ ngăn dưới ngọn sóng; không vun dưới gốc, mà chỉ đốt trên ngọn cây; thế tất đến cây phải khô, mà dòng phải cạn vậy.

Thế thời làm thế nào mà làm được văn? Tất phải có một đường lối nào. Thánh hiền dẫu không trông thấy được, mà những lời đạo đức nhân nghĩa của thánh hiền vẫn còn ở sách, tìm mà học lấy, không những là bắt chước cái văn chương, mà lại bắt chước cả đức hạnh, không những là ghi biệt ở trong tâm, mà lại phải hiển chứng ra ngoài mình, nhỏ thời làm văn vẻ cho một nhà, giáo hóa cho một làng, lớn thời làm sáng sủa khắp cả bốn phương, thấm thía cho nhân dân, điểm trang cho cây cỏ, khiến ai cũng phải sửa đức và đổi nết, yêu người thân mà kính người tôn, rồi truyền bá ra sách vở, lưu truyền mãi vô cùng, cũng may ra sáng được đạo mà lập được giáo, giúp được tục mà hóa được dân vậy.

Than ôi! ra làm thế nào mà trông thấy được những người ấy ở đời này? Sao ta không nghĩ đến cái thịnh đức của những bậc thánh hiền đời xưa vậy?

Nhân có Vương Sinh phủ người ở Hồ Lâm, tuổi hãy còn trẻ, học sách Xuân thu mà tính thích làm văn, mới hỏi ta những phép tắc làm văn: ta khen là có chí, bèn lấy đại khái mà bảo cho vậy.

(1918)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn học và tác dụng chiều sâu trong việc xây dựng nhân cách văn hóa con người

    16/03/2016Hoàng Ngọc HiếnTrước khi bàn về tác dụng chiều sâu của văn học trong xây dựng nhân cách văn hoá, tôi muốn nêu mấy suy nghĩ về vị thế của văn học đương cố cơ bị nghiêng ngả và có chiều sút kém trong đời sống văn hoá hiện đại. Văn học trước hết là sách, là hình ảnh ngôn từ, là ngôn từ mực đen trên giấy trắng. Mấy thập kỉ nay, văn học phải cạnh tranh với một đối thủ ghê gớm mà sự lớn mạnh ngày càng hùng hậu, càng tăng sức áp đảo: đó là truyền hình...
  • Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

    11/10/2008Đỗ Minh TuấnVăn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt.
  • Con đường văn học

    01/05/2008Nhà văn Nguyễn Huy ThiệpKhi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết...
  • Chân thiện mỹ: “Bộ luật tối cao của loài người”

    09/01/2008Trần Văn LýCái quá trình: nhận biết (hiểu), chọn lọc ấy có một số sự vật, sự việc trong thiên nhiên, vũ trụ và trong xã hội: Phù hợp với lợi ích (vật chất, tinh thần), phù hợp với ý thích (quan niệm), phù hợp với khát vọng (ước mơ) của con người thì đó là cái đẹp...
  • Văn chương, thẩm mỹ và văn hóa

    07/05/2007Duy XuyênĐặt văn chương trong mối quan hệ của thẩm mỹ và văn hóa, tác giả muốn đem đến cho bạn đọc một cách nhìn tổng quát hơn về vấn đề “văn chương - thẩm mỹ và văn hóa”. Lý giải về bản chất của cái đẹp trong sự sáng tạo, GS Lê Ngọc Trà đã đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể...
  • Từ nguồn cội văn chương

    06/11/2006PGS, TS Trần Thị TrâmỞ Việt Nam, thời nào cũng vậy, luôn có một đội ngũ rất đông những người từ địa hạt văn chương đi làm báo và tiềm lực văn chương quý báu đã giúp cho nhiều người trong số họ trở thành những nhà báo giỏi. Tác giả PhanThịVàngAnh cũng không nằm ngoài quy luật đó...
  • Sức sống của một cuộc tranh luận

    02/07/2005Hồ Sĩ VịnhTrong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trên văn đàn nước ta vào những năm 1935 - 1939, giữa hai phái đã có nhiều kiến giải dẫn đến điểm hội tụ: Đó là tầm nhìn văn hóa rộng, ý thức dân tộc, lòng yêu nước, sự tôn vinh văn chương dân tộc và sự tự ý thức về văn hóa tranh luận. Đó là một trong những nội dung mà chúng tôi tìm thấy trong cuốn: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh.
  • xem toàn bộ