Về một quan điểm của giáo sư Trịnh Xuân Thuận

11:10 SA @ Thứ Tư - 29 Tháng Mười, 2014

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Các tác phẩm của ông về vật lý và thiên văn học đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Như nhiều nhà khoa học Việt Nam khác, tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông và thu hoạch được rất nhiều điều bổ ích. Đối với cá nhân tôi, Giai điệu bí ẩnmà ông viết năm 1988 (nếu tôi không nhớ nhầm) là một tác phẩm hết sức xuất sắc và rất tiêu biểu cho ông cả về quan điểm khoa học, sự phong phú về kiến thức và sự độc đáo trong văn phong. Xin được cảm ơn ông vì điều đó.

Tuy nhiên như người ta thường nói, nghệ thuật thì dài mà cuộc đời thì ngắn, không một nhà khoa học nào có thể thông tỏ được hết đại dương kiến thức bao la của nhân loại. Việc ông lựa chọn một nguyên lý sáng tạo tối cao chứ không chọn giả thuyết đa vũ trụ về nguồn gốc vũ trụ là một lựa chọn có thể chưa thỏa đáng theo quan niệm của Lee Smolin (một người cha của lý thuyết lượng tử vòng với tư cách một lý thuyết tương đối lượng tử) nhưng cũng có thể hiểu được (có lẽ vì ông là một Phật tử?). Ở đây tôi muốn nói tới hai quan điểm của ông trong bài trả lời phỏng vấnTôi may mắn làm được những điều mình đam mê trên báo Doanh nhân Sài gòn cuối tuần, được trang mạng chungta.com đăng lại ngày 22/10/2014. Đó là việc ông có xu hướng xem Phật giáo và khoa học như hai đối tượng có thể mang ra so sánh với nhau (theo cách nói của ông, “nếu khoa học và đạo Phật cùng có ý nghĩ giống nhau về bản chất cuộc sống trong vũ trụ thì họ phải có cái đánh giá giống nhau. Còn nếu tương phản thì nhất định phải có một cái nhầm hoặc cả hai cùng nhầm”); và đánh giá của ông về nguồn gốc của trí tuệ. Theo ông, “đến giờ cả đạo Phật lẫn khoa học đều chưa trả lời được câu hỏi: Trí tuệ ở đâu ra? Nó chỉ là vật chất đơn thuần hay là dạng gì khác của vật chất? Trong cách khảo cứu thần kinh học nhiều người nói rằng chỉ cần hệ thần kinh phát triển đến một ngưỡng nào đó thì nó sẽ có trí tuệ. Nếu theo hướng đó thì trí tuệ chỉ là vật chất đơn thuần, trong khi đức Phật nói rằng trí tuệ không phải là hệ quả của sự phát triển tự nhiên. Tôi cũng không nghĩ rằng trí tuệ chỉ là một dạng vật chất”.

Tôi sẽ bàn về mối quan hệ giữa khoa học và Phật giáo, nếu có, vào dịp khác, khi mạn phép trao đổi với giáo sư Cao Chi về bài Tích hợp vật lý và Phật học? (chungta.com, ngày 12/7/2014). Một cách ngắn gọn thì tôi đồng ý với quan điểm của Shermer, người giữ chuyên mục Nghi ngờ trên tạp chí Scientific American, cho rằng khi cái biết gặp cái chưa biết là khi khoa học gặp tôn giáo. Và do đó theo tôi, so sánh để xem khoa học hay đạo Phật nhầm lẫn hay không nhầm lẫn là một việc không thỏa đáng về mặt nhận thức. Cần lưu ý rằng, tôn giáo và khoa học là hai thực tế khác nhau về bản chất; một bên là các tín điều bất biến (hoặc hầu như bất biến) với thời gian, còn một bên là một hệ thống mở mong chờ được phủ định (biện chứng); như tôi đã viết trong bài Xin lỗi, có lẽ ngài chưa hiểu phương Đông để thể hiện sự không đồng tình với giáo sư Capra trong cuốn Đạo của vật lý. (Bạn đọc quan tâm có thể tìm bài viết đó trên trạng mạng dokiencuong.com của tôi). Ở đây tôi xin trao đổi với giáo sư Trịnh Xuân Thuận về bài toán nguồn gốc của ý thức.
Theo nhà khoa học mang tước hiệp sỹ Maddox, từng hai lần là tổng biên tập tạp chí Nature danh tiếng, bài toán ý thức là một trong ba bài toán khó nhất của khoa học. Đó là cái rất lớn (vũ trụ), cái rất nhỏ (thế giới lượng tử) và cái rất phức tạp (bí ẩn sự sống và tâm trí). Do đó nếu khoa học chưa khám phá được nguốn gốc và bản chất của tâm trí thì cũng là chuyện rất đỗi bình thường!

Về mặt triết học, bài toán nguồn gốc của ý thức có thể giải quyết bằng quy luật lượng - chất của phép biện chứng Hegel, theo đó những biến đổi về lượng sẽ dẫn tới những biến đổi về chất và ngược lại. Cụ thể hơn, do sự tự tổ chức của vật chất, các cấu trúc vật chất ngày càng phức tạp sẽ xuất hiện. Và do đó các hình thái vận động mới cũng sẽ xuất hiện. Ở mức tế bào, sự sống sẽ xuất hiện; và ở mức bộ não con người, với mọi đặc trưng sinh học và môi trường, sẽ xuất hiện cái mà ta gọi là ý thức (trong triết học) hay tâm trí (trong các khoa học thần kinh và khoa học nhận thức). Quan niệm của giáo sư Trịnh Xuân Thuận, cho rằng “nếu theo hướng đó thì trí tuệ chỉ là vật chất đơn thuần”, là một quan niệm không đúng.Việc ông dùng quan niệm của đức Phật, xem trí tuệ không phải là hệ quả của sự phát triển tự nhiên, để bác bỏ quan niệm của khoa học thần kinh hiện đại cũng không đúng, vì đó là một hành vi phản tiến hóa.(Không phải là kết quả của sự phát triển tự nhiên thì là kết quả của cái gì?)

Nếu không đồng ý với quan điểm mang hơi hướm duy vật biện chứng như thế, có lẽ giáo sư Trịnh Xuân Thuận sẽ không phản đối quan niệm duy vật luận hợp trội về bản chất của ý thức (và trí tuệ)? Theo Goldstein, 1999, hợp trội (emergence) là “sự xuất hiện các cấu trúc, hình thái hay tính chất mới và cố kết trong quá trình tự tổ chức của các hệ thống phức tạp”. Ý thức chính là một hình thái hay tính chất hợp trội như vậy, chứ không phải là cái gì khác. Tôi đã viết về hợp trội luận và quy giản luận trong bài Hợp trội luận và quy giản luận: Đối lập và song hành trên tạp chí Tia Sáng từ năm 2008. Bạn đọc quan tâm có thể tìm bài viết này trên chungta.com hoặc dokiencuong.com. Suy cho đến cùng thì duy vật luận hợp trội (emergent materialism) của Scott trong cuốn Cầu thang tới tâm trí, 1995, cũng chính là duy vật luận biện chứng về nguốn gốc và bản chất của ý thức.

Tất nhiên đó chỉ là quan điểm triết học, một khoa học mang tính hình thức (giống như toán học học hoặc luận lý học). Về mặt sinh học thần kinh, bài toán nước (vật chất) biến thành rượu vang (ý thức) như thế nào, theo ngôn ngữ của nhà triết học Úc Chalmers, là một bài toán vô cùng nan giải, thậm chí có thể là một bí ẩn không thể giải đáp. Và như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, đó có thể là một trong những lý do tồn tại vĩnh hằng của nghệ thuật và tôn giáo.
Tại sao tôi lại phải “bới bèo ra bọ” như vậy? Câu trả lời thật ra rất đơn giản. Đối với nhiều người Việt Nam, giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một tên tuổi lớn (và thực tế đúng là như vậy); do đó các quan điểm của ông có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng lớn, nhất là với giới trẻ. Chính vì vậy tôi e rằng nếu không được trao đổi, một số quan điểm gây tranh cãi của ông có thể có ảnh hưởng không tốt tới nhận thức chung.

Tuy nhiên tôi cũng muốn được nhấn mạnh rằng, với giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một vài quan điểm như thế không hề ảnh hưởng tới tên tuổi đã được xác lập vững chắc của ông.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: