Về Tự Lực Văn Đoàn

09:43 CH @ Thứ Hai - 28 Tháng Mười Một, 2016

Hỏi: Xin cho biết các thành viên Tự Lực Văn Đoàn. (Một độc giả)

Từ trái sang: Xuân Diệu, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng (thời Tự Lực Văn Đoàn) - Ảnh: Wikipedia


NCTG:Đây là một câu hỏi mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực để kiến giải nó.

Đa số chấp nhận rằng, Tự Lực Văn Đoàn nguyên thủy gồm: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam); Khái Hưng (Trần Khánh Giư); Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long); Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân); Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu); Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ); Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu) và Trần Tiêu (*). Một số nhà văn khác như Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang, Huy Cận…, hoặc các họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… cũng cộng tác chặt chẽ với văn đoàn này.

Theo một số nguồn tư liệu, sau khi vào Nam, đầu thập niên 50, Nhất Linh có ý đề nghị kết nạp thêm vào Tự Lực Văn Đoàn một vài nhà văn trẻ khác, như Nguyễn Thị Vinh (hiện vẫn sống tại Na Uy), Duy Lam và Tường Hùng (sống ở Mỹ). Tuy nhiên, đây là ý kiến riêng của vị chủ soái Tự Lực Văn Đoàn, chứ chưa được thống nhất với các thành viên còn lại (mà ông có dịp tiếp xúc). Bà Nguyễn Thị Vinh, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, đã dùng từ “thành viên dự bị” để chỉ mình.

Trong nhiều thập niên, ở miền Bắc, một số văn nghệ sĩ, hoặc là thành viên, hoặc có cộng tác với Tự Lực Văn Đoàn, đã phải phủ nhận sự “liên đới” của mình vì khi đó, văn đoàn có vai trò quan trọng bậc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX này còn bị nhìn nhận một cách hết sức phiến diện và thường bị quy chụp gay gắt dưới cái nhìn chính trị thiển cận. Chỉ đến cuối thập niên 80 thế kỷ trước, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn mới bắt đầu được in lại và nghiên cứu một cách có hệ thống.

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh (sinh năm 1924), thành viên dự bị Tự Lực Văn Đoàn

.
Tuy nhiên, dường như thân thế, sự nghiệp của một số thành viên trụ cột của văn đoàn này - những người bị coi là “có vấn đề về chính trị” - vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, như “hoạt cảnh” tức cười - mà chảy nước mắt - sau đây cho thấy, trong một gameshow rất được ưa chuộng ở trong nước:

Ngày 9-1-2007, trong mục “Ai là triệu phú” trên đài Truyền hình VTV3 Hà Nội, do MC kỳ cựu Lại Văn Sâm điều khiển, người trúng cách được mời lên chiếc “ghế nóng” tham dự chương trình là cô Nguyễn Thị Tâm, 27 tuổi, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình.

MC đặt câu hỏi nguyên văn như sau: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng; ai là người không phải anh em ruột với ba người kia?”

Cô nữ giảng viên Đại học Sư phạm suy nghĩ một lát rồi nói:

- Tự Lực Văn Đoàn… Hừ, Tự Lực Văn Đoàn, tôi chưa nghe nói đến bao giờ cả. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương. – Riêng Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng… tôi không biết ba ông này có phải nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh không.

- Vậy chị kết luận ai không phải anh em ruột với ba người kia?

- Tôi đề nghị cho tôi được hưởng quyền trợ giúp, gọi điện thoại cho người thân.

- Chị muốn gọi cho ai?

- Cho anh Nam, một bạn đồng nghiệp cũng dạy trong trường. Anh Nam là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng, chắc chắn anh ấy biết.

MC cho phòng máy liên lạc với người tên Nam đang chờ sẵn ở nhà để trợ giúp, “cứu bồ” cho cô Tâm.

- A lô, anh Nam phải không ạ? Tôi là Lại Văn Sâm đang ngồi với chị Nguyễn Thị Tâm trong chương trình “Ai là triệu phú”. Anh có sẵn lòng trợ giúp chị Tâm một câu hỏi không ạ?

- Vâng, xin chào anh Lại Văn Sâm. Tôi rất sẵn lòng.

- Nếu vậy anh và chị Tâm có ba mươi giây để vừa hỏi vừa trả lời. Ba mươi giây của anh và chị bắt đầu…

Cô Tâm lập lại câu hỏi như chương trình đã hỏi: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn…”, “Anh cho em biết Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, ai không phải là anh em ruột với ba người kia…” Đầu dây có tiếng trả lời rất lớn và dứt khoát, nghe rõ mồn một:

- Hoàng Đạo, Hoàng Đạo không phải là anh em ruột với Nhất Linh, Thạch Lam và Khái Hưng.

- Chắc chắn không anh?

- Chắc trăm phần trăm.

- Ba mươi giây của chị đã hết. Xin chị cho biết câu trả lời.

- Tôi tin vào kiến thức của người bạn đồng nghiệp của tôi. Tôi trả lời, Hoàng Đạo không phải anh em ruột với ba người kia.

- Chị quyết định như thế?

- Vâng, câu trả lời của tôi là phương án B, Hoàng Đạo.

- Sai. Giải đáp của chúng tôi là phương án D, Khái Hưng. Khái Hưng không phải anh em ruột với Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, sinh năm 1906, em ruột nhà văn Nhất Linh, anh ruột nhà văn Thạch Lam. Như vậy phần thưởng của chị từ năm triệu đồng còn lại một triệu đồng. Nhưng không sao, chúng ta lấy vui làm chính. Xin cám ơn chị đã tham dự chương trình.

Ứng viên Nguyễn Thị Tâm bị loại khỏi cuộc chơi, nhường chỗ cho người khác.

(Nguồn: “Chuyện cô nữ giảng viên trường Đại học Sư phạm Thái Bình”, Đoàn Dự, “Trái tim ở lại”, “Thời Báo” số 894, ngày 16-2-2007, trang 67–68).


(*) Theo Tú Mỡ, một thành viên chủ chốt của Tự Lực Văn Đoàn, công bố trên “Tạp chí Văn học” số 5/6-1938 và số 1-1939.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Công minh lịch sử và công bằng xã hội đối với tự lực văn đoàn

    12/03/2019Văn TạoTự lực văn đoàn là một tổ chức văn học ra đời tại thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương trong thời gian 1932-1939. Về tổ chức và công lao của Tự lực văn đoàn, đã từng có nhiều đánh giá khác nhau cả về các mặt tích cực lẫn về mặt tiêu cực.
  • Từ làm báo Phong Hóa, đến văn phái Tự lực văn đoàn

    22/10/2015Khúc Hà LinhXã hội Việt Nam những năm 1930-1945 trải qua một thời kỳ biến động sâu sắc về chính trị, kinh tế và văn hoá. Chỉ nói riêng về văn hoá, thời kỳ này các loại sách báo hải ngoại du nhập vào Việt Nam khá phong phú. Hàng loạt học sinh từ Pháp trở về nước mang tư tưởng tân tiến, mới lạ đã có ảnh hưởng tới đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp học sinh tiểu tư sản trí thức.
  • Câu chuyện Tự Lực Văn Đoàn, và những điều chưa nói

    28/07/2015Phạm Thảo NguyênMục đích bài biên khảo này là tìm hiểu việc xây dựng báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn trong suốt thập niên 1930, đưa đến việc hiện đại hoá nghề báo và thúc đẩy nguyên một cuộc cách mạng văn chương, văn hoá Việt Nam. Đồng thời khám phá sự thực về đời sống của thành viên Tự Lực Văn Đoàn, cái phần lâu nay vẫn bị hiểu lầm...
  • Tự lực văn đoàn, một "nhóm lợi ích" trong đời sống văn nghệ

    31/03/2014Lại Nguyên ÂnÍt thấy ai đặt hoạt động TLVĐ vào đời sống văn nghệ đương thời để mô tả, nhận định các hoạt động cụ thể của nó; cũng ít thấy ai chú ý tìm hiểu xem TLVĐ được cảm nhận ra sao trong tầm nhìn của những người đương thời, nhất là những đồng nghiệp viết văn làm báo, hoặc công chúng văn nghệ thời ấy.
  • Tự lực văn đoàn, ngôi sao rực rỡ trên bầu trời văn học

    09/07/2010Khúc Hà LinhTự lực Văn đoàn là tổ chức văn chương tự lực. Họ tự lực về tài chính, không chịu ảnh hưởng của nhà cầm quyền. Họ tự lực về chuyên môn và khuynh hướng nghệ thuật. Họ tự tôn người chủ soái, cùng nhau tuân theo quy chế hoạt động mà họ cùng nhau đặt ra. Lãi ăn lỗ chịu, cùng nhau gánh vác.